|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Trong cuộc đời binh nghiệp của Saint-Exupéry, tác phẩm đầu tay cuốn L'Aviateur (Người Phi Công) và Vol de Nuit (Bay Đêm) với nhiệm vụ phi công cảm hứng từ những chuyến bay của chính tác giả đã đóng góp cho nền văn học Pháp khi nhận giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp năm 1939… Người lính Nhảy Dù Hà Huyền Chi cũng cảm nhận cuộc đời binh nghiệp từ những cánh dù khi phục vụ trong binh chủng để sáng tác thơ. Và, từ đó đã đi vào nền Văn Học Nghệ Thuật trải dài qua nhiều thập niên.
Hà Huyền Chi tên thật là Đặng Trí Hoàn, sinh ngày 21/12/1935 tại Hà Nội. Năm 1954, ông di cư vào Nam một mình.
Năm 1957, nhập ngũ khóa 14 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy, Trung Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Năm 1973 giải ngũ với chức vụ Thiếu Tá ở Cục Tâm Lý Chiến.
Năm 1975 sang Mỹ và cư ngụ tại tiểu bang Washington cùng gia đình.
Thi phẩm đầu tay của ông là Saut Đêm xuất bản vào năm 1963. Bắt đầu nổi tiếng với bài đầu tiên được đăng trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa: "Không Gian Vương Dấu Giầy". Ngoài bút hiệu Hà Huyền Chi con có các bút hiệu khác như Mậu Binh, Hồ An, Mã Tử, Hạc Bút Ông…
Hà Huyền Chi đã hoạt động trên nhiều lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật và đã chiếm được nhiều giải thưởng:
- Giải Phóng Sự Tiền Phong (1967)
- Giải Văn Học Nghệ thuật bộ môn Thơ (1971)
- Giải Tượng Vàng (1972)
- Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc bộ môn Điện Ảnh (1974)
Các tác phẩm (thơ và truyện) đã xuất bản:
Saut Đêm (1963), Khu Vườn Chim Sẻ (1970), Những Nụ Gai Mòn (1970), Rừng Ái Ân (1970), Vũng Tối Đầy (1970), Còn Gì Cho Anh (1971), Bước Đam Mê (1971), Mưa Đêm Trong Chiến Hào (1971), Thằng Thái Bình (1974), Trên Cánh Đồng Mây (1975), Cho Mặt Trời (1975), Tên Nô Lệ Mới (1979), Như Đá Ngàn Năm (1981), Cõi Buồn Trên Ta (1984), Đời Bỗng Dưng Thừa (1987), Hành Trình 30 Năm Thơ Hà Huyền Chi (1988), Thơ Đen (1991), Thơ Kẽm Gai (1994), Tháng Một Buồn (1994), Thơ Trong Da Ngựa (1995), Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ (1996), Đồng Thiếp (1996), Bão Đầy (1998), Bên Trời Mài Kiếm (thơ song ngữ Anh-Việt) (1999), Sóng Ngầm (2003)…
Thơ Hà Huyền Chi được phổ nhạc nhiều nhất, khoảng 400 bản nhạc phổ thơ từ 48 nhạc sĩ trong đó nhiều nhất là nhạc sĩ Mai Anh Việt, với 70 bài. Nhưng nhạc phẩm được nhiều người ưa thích nhất là bài “Lệ Đá” do Trần Trịnh soạn nhạc và ông đặt lời, và bài “Goá Phụ Ngây Thơ” do Trần Thiện Thanh phổ nhạc sau này.
Ca khúc Lệ Đá của Trần Trịnh với lời Hà Huyền Chi ra đời năm 1967, 68 được phổ biến rộng rãi và đi lòng lòng người thưởng ngoạn. Có lẽ đây là nhạc phẩm với mỗi lời ca mang theo hình ảnh người tình kéo dài một phần tư thế kỷ, HHC nói về sự hình thành nhạc phẩm:
“Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Đội, Trần Trịnh ngồi vào piano. Và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ đó, rất Pianissimo ấy. Melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời, khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hưởng của bản nhạc.
Hôm sau, tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được cái rung cảm đích thực của thơ tôi vào nhạc Trần Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp trong niềm vui.
Lập tức tôi viết lời 2. Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại. Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với lời 2 này.
Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng này. Tôi bỏ dở bữa ăn, đem lời 2 lên đài phát thanh Quân Đội gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoe, Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửa. Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương, Như Thủy ca. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường, Mai Hương, Như Thủy, mỗi người trên tay một bản Lệ Đá “mì ăn liền” say mê hoà ca với nỗi xúc động đồng thiếp. “Take one Good take !” Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất.
Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh…
Khi ấy tôi viết thêm lời 3 cho Lệ Đá khi đi công tác ở Sóc Trăng, Cà Mau. Nơi Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc với muỗi mòng dễ nể. Nhà văn Bình Nguyên Lộc dọa, chỉ cần quơ tay một cái là đã túm được cả chục con muỗi. Bạn bè hăm, trâu bò còn phải ngủ trong mùng. Khách sạn tỉnh lẻ không khá gì hơn mấy quán trọ trong phim Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long. Thực khách vừa nhâm nhi, vừa quơ chưởng, đuổi muỗi. Mới chập tối, tôi đã chui vô chiếc mùng thố. Và buồn tình tôi viết lời Lệ Đá 3 (tháng 9 năm 1968)…
Chiều 27/4/1975 tôi còn cái hẹn với người tình Khánh Liên ở Thị Nghè. Tình hình thời cuộc lúc đó biến chuyển cực nhanh, nên tôi không đến được với Khánh Liên, tôi đã không thể thu xếp để tới chỗ hẹn, nói lời từ giã cuối cùng với nàng. Nỗi buồn đeo cứng lấy tôi. Khi ngồi nín thở dưới hầm, khi ráng ngoi nhìn mặt sông Lòng Tảo lần cuối. Nhìn mặt sông cuồn cuộn đau, khi thấp thoáng nghĩ ngàn dặm sẽ chia lìa cùng Sài Gòn, quê hương và người tình Khánh Liên…
Nên bài lời 4 này khởi viết từ tháng 4 và được hoàn chỉnh vào tháng 7/1975...
Lệ Đá lời 5 ở hải ngoại. Năm 1992, tôi đắm hồn vào một tình yêu mới. Nàng đến với tôi như một tiểu muội thứ thiệt. Rồi tôi đổ đốn đâm ra yêu tiểu muội, qua một phân thân của nàng là Nguyệt Lãng (sóng trăng)… Tôi xa nàng từ 1993. Dù cái tình của chúng tôi vẫn là ngàn đời chẳng thể chia xa. Và từ tháng Mười 1992 đến tháng Chạp 2002, đã là hơn 10 năm vèo qua trong thân tình, chúng tôi vẫn chưa hề giáp mặt nhau, dù chỉ một lần. Dù tôi đến Cali nhiều bận. Rất nhiều bận. Không gặp, phải chăng là cố gắng phi thường của chúng tôí. Để giữ cho tình mãi đẹp. Cho dù, những năm sau này, tiểu muội của tôi đã trong tình trạng không còn ràng buộc bởi hôn nhân.
Trong bài viết “Mãi Mãi Hà Huyền Chi, Người Tình Son Trẻ” của Việt Hải, tổng hợp các bài viết của văn hữu, trích những dòng chia sẻ về nhà thơ:
“… Tôi biết tên anh Hà Huyền Chi vào thời tao loạn của quê hương, khi mà sách sử ghi nhận những năm miền nam rơi vào thời kỳ hổn loạn nhất, 1964 đến 1968. Và rồi cũng cùng khoảng thời gian đó bài "Lệ Đá" được công chúng thời ấy đón nhận vô cùng nồng nhiệt, vì bản nhạc có lời ca rất thơ mộng tỏa nét kiêu sa, trong sự nhịp nhàng theo âm vận, cung điệu và tiết tấu trầm bổng thật du dương.
Anh viết bài "Thi Trung Hữu Nhạc Hay Tương Quan Giữa Thơ và Nhạc" như sau: "Thi trung hữu họa và Thi trung hữu nhạc là điều hiển nhiên không ai có thể phủ nhận được. Cổ nhân đã nói thơ, ngâm thơ, hoặc hát thơ từ trước khi loài người phát minh ra văn tự nhạc cụ và nhạc thuật. Tôi đến với nhạc bằng cảm tính nhiều hơn là nhạc lý. Dù vẫn thường để tâm học hỏi thêm, nhưng sự hiểu biết của tôi về nhạc, vẫn không đi xa hơn lãnh vực cảm tính này”.
* Khi được hỏi về người nhạc sĩ nào đã phổ nhiều thơ anh nhất thì anh cho biết đó là nhạc sĩ Mai Anh Việt (MAV) với 70 bài.
HHC còn cho biết thêm: "MAV thích thử thách, muốn phổ những bài khó khăn, gai góc nhất và MAV có thói quen là phổ nguyên văn bài thơ, rất hiếm khi phải cắt xén. Và những bài thơ khó nhai, khó nuốt ấy đã trở thành một trong những ca khúc đắc ý nhất của MAV. Kinh nghiệm là những bài thơ càng trúc trắc thì khi vào nhạc lại càng trầm bổng, bay múa hơn.. Thế nhưng hầu hết các nhạc sĩ đều tránh né đưa vào nhạc những bài thơ khúc mắc, đòi hỏi nhiều dụng công ấy. Kinh nghiệm là để có thể phổ nhạc, bài thơ nên dài tối thiểu là 4 đoạn”.
Một điểm son mà HHC đã tạo được cho chính mình là kinh nghiệm và đôi khi HHC tự hát trong đầu một thể điệu nào đó khi làm thơ. Và tự anh đã chuốt gọt, hay hoán chuyển các thi ngữ cho êm ái thuận miệng, thuận nhĩ hơn. Do đó lúc sau này, hầu hết những bài thơ HHC đều có thể phổ nhạc dễ dàng vì anh đã cho họ khung nhạc hướng dẫn trước. (Và có nhiều bài đã được 3, 4 nhạc sĩ soạn thành ca khúc.)
* Khi HHC được hỏi: "Nếu phải lựa 10 bản nhạc hay nhất, phổ thơ anh thì sẽ là bài nào?"
HHC: "Những bản nhạc phổ thơ tôi, được tôi yêu thích nhất, chưa hẳn đã là những bản hay nhất mà tôi có. Đôi khi sự thưởng ngoạn tôi bắt nguồn từ một cảm xúc riêng tư nào đó. Bởi hầu hết thơ tôi được hình thành từ đãi lọc những chất liệu có thật trong đời sống, trong kỷ niệm vui buồn. Đôi khi cũng có những vay mượn từ tâm trạng người khác, như ở thể loại thơ tình nước. Những thảm trạng tù đầy, vượt biển mà tôi chưa từng kinh qua. Tuy nhiên, tôi chưa hề cường điệu hô hào người khác xung phong lên tuyến đầu để quang phục quê hương, nếu hôm nay tôi còn ngồi trong cõi bình yên.
Thơ tuyên truyền cũng được, thơ khẩu hiệu cũng được, nhưng người làm thơ nên tự trọng và lương thiện với chính mình. Nếu có một khẩu hiệu trong thơ tôi, thì chính là câu: "Follow Me" như chúng tôi học được nơi quân trường."
Khi đi vào khu rừng sâu thăm thẳm của thi ca HHC, người ta càng thấy cái dũng khí trong lời thơ của người lính Nhảy Dù, cái khí phách sinh động của chí nam nhi mà HHC đã cho vào thi ca như:
"Ta hết ta là thuở khuấy trời
Đạp sao cưỡi gió mộng như đời
Cơm bầu rượu ống mà thanh thản
Mũ Đỏ như hồn rạng rỡ phơi..."
HHC là một người mang nét nghệ sĩ tính, bề ngoài của anh có dáng vẻ phong trần, lã lướt, lãng tử, và bất cần đời như bao vần thơ Mậu Binh mà tôi đã đọc. Mậu Binh theo trường phái Vị Xuyên, Tú Xương, của thi ca tinh nghịch, thi ca tiếu lâm và trào lộng khi nhìn cuộc đời. Tuy vẻ bên ngoài như vậy, nhưng HHC mang nội tâm của một người chồng, người cha tuyệt vời khi tôi được tiếp chuyện với chị Quý Hương. Anh vẫn tri ân tình nghiã vợ chồng nồng nàn qua thi ca và đậm đà trong cuộc sống.. Hai anh chị có với nhau 5 cháu, với 4 gái và một cậu út. Không ra ngoại lệ của nhiều người cha thi sĩ, anh làm thơ dặn dò con cái. Ví dụ như trong bài "Di Chúc Cho Con":
"... Con yêu dấu, nếu ngày mai bố chết
Đừng xót xa cho kiếp bố nhục nhằn
Khóc vừa đủ cho một lần vĩnh biệt
Bố lìa đời không một chút ăn năn..."
HHC trao cho con một di chúc quê hương, một tiếng lòng thổn thức của kẻ sĩ phu, không tròn nợ quốc gia đại cuộc, thì một lòng vẫn mãi mãi trung trinh với quê hương:
"... Con yêu dấu, nếu ngày mai bố chết
Hãy hiểu rằng ta sống gửi thác về
Cuốn phim buồn vừa chiếu xong đoạn kết:
"Những mảnh đời trôi nổi khát khao quê."
HHC viết lên lời tâm sự, nỗi lòng nhân ngày 30/4/2003 như sau:
"Chiều 30 tháng Tư, 1975, tôi ném vội tất cả giấy tờ tuỳ thân, như ném lại từng mảnh tim nhục hờn trên sông Lòng Tảo. Tôi khóc cho mình, cho quê hương, khóc cho nỗi đau đớn, nhục nhã của kẻ bại binh, dù rằng người lính miền nam vẫn chưa một lần chấp nhận thua cuộc trong tâm khảm:
"Thơ chảy máu suốt phần đời vong quốc
Quê trong lòng như vạn mũi dao đâm..."
Nỗi lòng viễn xứ vẫn ám ảnh người lính Nhảy Dù năm xưa, dù người lính nay tuổi đời đã cao, nhưng hồn vẫn khoác hoa dù trong tâm khảm để bồi hồi về quá khứ, để xót xa nhung nhớ về cố quốc, như chuyện tích Tàu xa xưa kể về con ngựa đất Hồ Nam cất cao tiếng hý nhớ về quang phục cố hương:
"Ngựa Hồ ngóng gió lưng đồi
Cất cao tiếng hý ngậm ngùi cỏ hoa
Đầu sông một gã lính già
Ôm cần, câu nỗi nhớ xa buồn gần"
Ở khía cạnh quê hương đất nước thì thi ca HHC vẫn tỏa đầy một trời thơ cho quê hương, dân tộc. Nhiều bài thơ trong thi tập "Thơ Trong Da Ngựa" hay "Bên Trời Mài Kiếm" mà anh đã sáng tác vinh danh Quân Lực VNCH, thơ anh tô điểm cho chính nghiã sáng ngời của người lính Cộng Hoà miền Nam trong cuộc nội chiến vừa qua.
Nhận định của nhà thơ Dương Viết Điền khi anh đọc thơ HHC, bài "Không Gian Vương Dấu Giầy":
"Tôi tìm thấy HHC một hình ảnh hào hùng của người chiến sĩ xuất thân từ quân trường VBQG Đà Lạt, rồi anh tung cánh hoa dù từ trên không, cái không gian của Việt Nam quê hương ngạo nghễ, nhưng trong nhọc nhằn vì bom đạn, khói lửa chiến chinh qua bóng dáng những Thiên Thần Mũ Đỏ:
"Đêm nay trời đổi gió
Nằm đếm sao trên trời
Đời những người Mũ Đỏ
Vui nhiều lắm em ơi
Từng chuyến, từng chuyến bay
Nói lên nhiều thương nhớ
Dù trĩu nặng vai gầy..."
HHC cảm thấy chí làm trai hào hùng như bông dù rộ nở như chinh phục không gian:
"Hoa Dù, Hoa Dù nở
Lòng trai, lòng trai say
Trời cao vum vút gió
Xóm làng mờ chân mây
Từng chiếc lại từng chiếc
Hoa Dù nở trong mây
Hồn tôi ai chấp cánh..."
(Không Gian Vương Dấu Giầy).
Thi ca HHC phảng phất nét oai phong, cái khí phách hiên ngang, hào hùng của những Thiên Thần Mũ Đỏ, những chiến binh vào sinh ra tử, xem cái chết nhẹ như tơ hồng, bài "Sầu Ngụy Trang Che Tủi Hận Đầy Lòng":
"Mây ngủ giấc hiền trên cánh thiên nga
Sau ngàn dặm thiên di tìm đất ấm
Dấu giầy nào vương cánh gió bao la
Gã Nhảy Dù thương quê mài mũi hận"
Cho những Thiên Thần Mũ Đỏ đã gục ngã, HHC nhắn gửi tâm sự sắt son hay nỗi lòng "huynh đệ chi binh":
"Trong ta son sắt một lời thề
Nuôi cao lửa hận làm gươm súng
Cho một ngày mai quyết trở về
Hỡi bạn bè ta dưới mộ sâu
Trong tù, trên biển, giữa giang đầu
Những người ghìm súng nơi rừng thẳm
Ta khóc xuân này để nhớ nhau".
Đọc thơ HHC để nhớ đến những cánh hoa dù tung bay giữa quê hương, đọc thơ HHC để thấm nỗi ngậm ngùi, xót xa khi người chiến binh bị bức tử buông súng, đọc thơ HHC cảm thông với kiếp đọa đầy trên vai người dân Việt Nam". (Dương Viết Điền)
Lời nhận xét của nhà thơ Mạc Phương Đình (MPĐ), San Jose khi đọc thơ HHC như sau:
"Tôi được đọc những dòng thơ của Hà Huyền Chi trên báo chí, trong những tập thơ đã in, đã được tặng giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1971. Trong thi ca đấu tranh mà một phần lớn đã phản ảnh mối liên hệ của HHC gắn bó với quân đội VNCH, thơ anh mang đầy hào khí của những chàng trai nặng trĩu tấm lòng với quê hương, với tổ quốc, như trong bài "Ngày Quân Lực" là điển hình:
"Kiếm cung phủ lớp bụi dầy
Vẫn trong tháng Sáu, một ngày khó quên
Tiếng ồn cắt cỏ nhà bên
Tưởng đâu xe xích lăn trên Sài Gòn..."
Ngoài ra, Hà Huyền Chi đã viết lên hàng ngàn bài thơ tình, mượt mà, óng chuốt, ngọt ngào men tình ái, suốt quảng đường dài, từ tuổi hai mươi, ba mươi, bốn mươi, cho đến bây giờ, trên dấu mốc "thất thập cổ lai hy" của cuộc đời, thơ tình Hà Huyền Chi vẫn tiếp tục chảy ra, tràn lên giấy trắng, vẫn lai láng những dòng thơ mang niềm ray rứt, băn khoăn với những âu yếm hay giận hờn, không một phút giây ngập ngừng, biếng nhoài, mệt mỏi. Tiếng nói, tiếng gọi tình yêu của thơ Hà Huyền Chi đã cất lên, vang vọng trên khắp cùng đất trời, vẫn mãi nồng nàn như hơi ấm phả vào cuộc đời đầy truân chuyên đau khổ, cho đời sống thăng hoa hơn, vượt lên trong tình yêu bao la, rộng lớn mang đầy tính nhân bản tuyệt vời”... (Mạc Phương Đình)
Tôi cũng nhận đươc những cảm nghĩ của thi sĩ Nghiêm Xuân Cường từ Michigan chia sẻ khi anh viết về HHC:
"Thi sĩ HHC là một con nguời hào phóng, hết mình với anh em, hết lòng vì nghệ thuật. Thơ HHC thật dồi dào phong phú về âm điệu, thể luật cũng như về đề tài mà nhất là đề tài tình yêu. Chúng tôi cũng rất may mắn đã có duyên và đuợc sinh hoạt văn nghệ với anh chị HHC vài lần khi còn ở Seattle, TB Washington. Có lần sau khi chàng dự tiệc về, khi tôi gọi dây nói chuyện trò ngày hôm sau, thi sĩ HHC tâm sự: "Em biết không, hôm qua khi về sau 2 giờ sáng, anh thức làm thơ luôn tới sáng một hơi mười mấy bài thơ!". Làm thơ xong, anh đi làm luôn. Đó là tinh thần yêu thơ của người thơ HHC đó. Tôi nhớ mãi một bài thơ trong cả ngàn bài thơ của anh, mà bài nào cũng đầy ắp ý và đúng niêm luật, đó là bài "Tan Tác" vài đoạn cuối:
"Quán rượu nằm ven biển,
Đêm mưa lạnh mù trời
Chỗ ngồi quen ai chiếm,
Gã lênh đênh như đời
...
Xong một đời tỵ nạn,
Tàn một kiếp thuyền nhân,
Gã say buồn thê thảm
Đêm qua đã từ trần.
Ôi em bé mồ côi
Bị bắt theo hải tặc
Có hay chăng bên trời
Cha em vừa oan thác
Bên cánh rừng viễn xứ
Thêm xác người Việt Nam
Ngàn nấm mồ vô chủ,
Chưa biết mùi khói nhang..."
Chỉ một bài thơ thôi mà cho chúng ta thấy cái ngậm ngùi đau thương của một kiếp người và cái tình người bao la trong thơ của người thơ HHC. Bây giờ nếu có thể tưởng tượng là cái tình người và sự phong phú về ý thơ và vần điệu ấy được nhân lên vài trăm lần với muôn bài thơ của HHC thì ta sẽ thấy vuờn thơ của HHC xinh đẹp biết bao nhiêu nữa" (Nghiêm Xuân Cường)
Kế đến là lời đóng góp cho bài viết do nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn tại New Jersey nhận định về thơ HHC:
“Hà Huyền Chi, thơ anh với tôi như những giòng thơ quê hương trong cõi đời u uẩn, nhưng nó lại như giòng suối ngọt ngào mang những tình tự chất ngất yêu đương trên phương diện tình cảm, anh viết về người bạn đời của anh mà anh âu yếm gọi là “Nửa Kia Ơi”:
"Chót đã tiêu hoang nửa cuộc đời
Đừng buồn ta nhé, nửa kia ơi
Cho dù tai tiếng hơn tăm tiếng
Đối diện lương tâm chẳng hổ ngươi
Chẳng ngán thiên lôi chẳng sợ trời
Rượu chè, cờ bạc tý ty thôi
Trăng hoa quen thói, em thừa biết
Đời vẫn cùng em đũa có đôi
...
Vẫn câu chung thủy là tâm niệm
(Đáy sóng mò trăng có lúc thôi)
Cung kiếm mạt thời, đời mạt kiếp
Chỉ còn em đó, nửa kia ơi!"
(Hà Huyền Chi, tập "Thơ Trong Da Ngựa")
Thơ Hà Huyền Chi, được truyền đi mạnh mẽ, với ca khúc “Lệ Đá” mà anh viết lời. Hơn thế nữa, anh viết ròng rã cả hằng bốn mươi năm nhiều số lẻ, từ “Không Gian Vương Dấu Giầy”, cho đến các bài thơ được mang đều đặn lên Net ngày hôm nay, hầu như mỗi tảng sáng sớm chúng tôi nhận đều đặn một hay hai bài thơ mới từ anh. Sáng nay tôi lại tìm thấy “Mai Này Núi Gọi Sông Thưa”:
"Lưng chiều thả nhớ về em
Thả dòng khói lãng bay lên đỉnh sầu
Mai này đời mãi bên nhau
Bao xa cũng tới bao lâu cũng chờ
Mai này núi gọi sông thưa
Để ta làm gió làm mưa với tình"
HHC viết lên những dòng thơ phản kháng, chống đối Cộng Sản hiên ngang như cái thuở tung hoành ngang dọc của “Không Gian Vương Dầu Giầy”, của hồn binh lửa chinh chiến ghi dấu quân hành, song song bên cạnh đó HHC cho thấy hồn lãng mạn của con tim son trẻ qua hàng trăm bài tình thơ mà tôi có dịp xem qua, tôi vẫn biết nhà thơ này vốn có nhiều thơ hơn là số thơ tôi đã xem, và nguồn thơ sẽ còn nhiều như mỗi sáng sáng trong các forums bạn bè vẫn có dịp thưởng lãm cái nguồn thơ hình như cảm hứng vô tận của nhà thơ vẫn mãi mãi, HHC son trẻ và đậm đà mà tôi có hân hạnh được ghi đôi dòng về anh…”. (Nguyễn Đăng Tuấn)
Một người bạn thơ khác vốn thích thơ HHC qua những vần thơ về tình cảm cũng như về quê hương trong chiến tranh, anh Trang (Peter) Morita đã nhận xét về HHC như sau:
"Tôi thường xem thơ của anh Hà Huyền Chi trên các báo chí thuở Sài Gòn của những năm dầu sôi lửa bỏng 67, 68.. Tôi bắt gặp anh cưỡi chiếc xe Rumi vàng rất phong trần, lang bạt như chất thơ của người lính dù HHC. Ngoài bản nhạc "Lệ Đá" nhạc của Trần Trịnh mà lời do HHC đóng góp, tôi còn nhớ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc phẩm vô cùng thương tâm "Goá Phụ Ngây Thơ", do thơ Hà Huyền Chi. Mời các bạn lắng nghe lời thơ bi thương khi người lính không muốn thấy người tình của mình sớm trở thành người goá phụ ngây thơ mang tang chồng theo vận nước nổi trôi:
"Đà Lạt lạnh môi em vừa đủ ấm
Bởi chia ly nên đẹp chuyện tương phùng
Con dốc nhỏ hoa anh đào lấm tấm
Lối sỏi mòn hai đứa đã đi chung
Em nhẩm tính trên lóng tay tháp bút
Là cách xa biền biệt tháng năm trôi
Tuổi trẻ ơi sao quá nhiều nước mắt
Chiến tranh ơi bóng tương lai mịt mù"
Người lính dẫu thương người tình bé nhỏ đậm đà, nhưng anh không muốn biến tình yêu thành một định mệnh nghiệt ngã:
"Đơn xin cưới, một tờ đơn xin cưới
Anh thảo rồi, anh lại xé em ơi
Bởi không muốn thấy người yêu nhỏ bé
Một sớm nào, thành góa phụ ngây thơ
Nên đơn cưới, một tờ đơn xin cưới,
Anh viết rồi, rồi anh lại xé em ơi"
Người lính thảo đơn xin cưới xong, rồi chính tay anh lại xé nát con tim vì không muốn làm khổ đời người yêu. Như vậy có phải chăng thơ HHC đã nói lên cái đau khổ cho tuổi trẻ yêu nhau trong cái thực tế quá oan khiên của một dân tộc trong thời chinh chiến điêu linh?
… Xuyên qua những nhận xét của các thi, văn, nhạc hữu có những cái nhìn về thơ HHC từ nhiều góc cạnh khác nhau, ta thấy rằng thơ Hà Huyền Chi thể hiện nét nhân bản, chân chất trong thơ anh… thơ Hà Huyền Chi là cái mốc thời gian nhắc nhở thuở Nam Bắc phân tranh, mà lời bài hát hay bài thi ca này do người thi sĩ Thiên Thần Mũ Đỏ cũng đã viết lên những bài thơ độc đáo với "Saut Đêm", với "Không Gian Vương Dấu Giầy"…
Bao nhiêu ân tình HHC dành cho quê hương đất nước, bao nhiêu ân tình thơ HHC dâng hiến cho đời, gia đình anh không quên anh, bạn bè anh không quên anh, người ái mộ thi ca HHC không quên anh và quê hương Việt Nam sẽ không bao giờ quên người thi sĩ mà tôi xin phép được gọi là:
"Mãi mãi Hà Huyền Chi, người tình son trẻ.
Mãi mãi Hà Huyền Chi, người lính không già".
Xin cám ơn người thi sĩ màu áo hoa rừng, dù rằng anh đang tung cánh dù trên không trung hay đang cưỡi chiếc Rumi vàng của một thuở dấu yêu Sài Gòn năm cũ, chính anh đã đem cho đời qua sự đóng góp những áng thi ca đã làm thăng hoa thêm cho vườn hoa văn học Việt Nam.
Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cám ơn anh…”
(Việt Hải, Los Angeles).
Hà Huyền Chi chia sẻ tâm tình:
“Tôi chọn Nhảy Dù, màu mũ đỏ dễ thương. Chọn gian khổ làm đầy thêm nghĩa sống.. Xa trường mẹ mới thấy hồn chao động. Nhớ gì đâu từng kỷ niệm buồn vui. Gặp lại đệ huynh trong binh lửa rực trời. Thấy thân thương hết nói.
Tôi đánh giặc, làm thơ. Tôi yêu cuồng sống vội. Nhảy Dù, nhảy đầm, đời khật khưỡng say. Bài thơ đầu tay: "Không Gian Vương Dấu Giầy". Đời rộng lượng biến tôi thành thi sĩ. Tôi, Hà Huyền Chi, viết không ngưng nghỉ. Thơ ròn như súng tiểu liên. Tôi bập bỗng thơ khi bước giữa bãi mìn. Mê viết lách, tôi nhảy về báo chí. Rồi phát thanh, điện ảnh tận vui. Cũng đóng 8 phim, cũng đạo diễn một thời. Rồi ấn họa cho đủ mùi tạp lục.
Tháng Tư đen với đáy cùng đớn nhục. Tôi giạt sang Mỹ quốc cầu an. Tôi đọa đầy tôi. Thiếu Tá lao công. Thi sĩ bồi bàn. Rồi kế toán, công trừ mạt kiếp. Gia tài mang theo là một trời quê hương tưởng tiếc. Tám chuyện dài như chứng tích bi thương. Lệ khô rồi còn nhức nhối đường gươm. Thơ lại bắn từ trái tim nứt rạn. 24 tập thơ vẫn dư sức đạn. Từ thơ là nhạc, hơn 400 phổ bản. Hơn 40 nhạc sĩ góp phần. Kỷ vật cho đời là Lệ Đá, phù vân.
Cám ơn trời ban chút xíu hồng ân. Cám ơn vợ cho nồng nàn tương cảm. Ơn Đồng Minh cho mũi dao lút cán. Cám ơn em cho nước lớn sông dài. Cám ơn đời còn đẹp lúc chiều phai”.
Nhà thơ Hà Huyền Chi nay đã vào tuổi bát tuần, từ bài thơ đầu tiên trong binh chủng Nhảy Dù xuất hiện trên bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa năm 1960… đến những ngày xa xứ với tấm lòng của người lính ngậm ngùi cho quê hương… ông vẫn sáng tác đều đặn. Thời gian sau nầy không in thành tác phẩm mà chỉ phổ biến trên trang web và internet. Là người lính hòa hoa, là nghệ sĩ đa tình lãng mạn nhưng ông có được cảm thông để cùng nhau đi hết cuộc đời.
Little Saigon, Feb 2018
- Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc Vương Trùng Dương Tưởng niệm
- Đọc tác phẩm “Người Mẹ Tìm Con” của Nhà Văn Lê Đức Luận Vương Trùng Dương Nhận định
- GS Trần Huy Bích, Người Nặng Tình Với Non Sông & Chữ Nghĩa Vương Trùng Dương Nhận định
- Hồi Ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh (1945-1950) của Võ Đại Tôn Vương Trùng Dương Nhận định
- Thiên Chức Nhà Giáo, Tâm Hồn Nhà Văn: Bà Tùng Long Vương Trùng Dương Nhận định
- Tác Phẩm Thérèse Desqueyroux của François Mauriac qua bản dịch của T.Vấn Vương Trùng Dương Giới thiệu
- Kỷ Niệm Với Song Ngọc, Hà Nội Ngày Tháng Cũ Vương Trùng Dương Nhận định
- Phương Tấn, Nàng Thơ Với “Di Bút Của Một Người Con Gái” Vương Trùng Dương Nhận định
- Nhà giáo Hà Mai Anh & tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng Vương Trùng Dương Nhận định
- Hà Huyền Chi, Người Dệt Thơ Trên Hoa Dù Vương Trùng Dương Nhận định
• Hà Huyền Chi, Người Dệt Thơ Trên Hoa Dù (Vương Trùng Dương)
Hà Huyền Chi, góc trời xa khuất
(Viên Linh)
Mãi Mãi Hà Huyền Chi, Người Tình Son Trẻ (Việt Hải)
Mười Năm Đọc Lại Thơ Hà ( Hà Huyền Chi) (Hoàng Lan Chi)
Người Mãi Nhớ Người, Những chặng đường phổ thơ Hà Huyền Chi
(Trang Thanh Trúc)
Tiểu sử (Wikipedia)
• Về nhạc phẩm Lệ Đá (Hà Huyền Chi)
Thơ trên mạng:
TV và BH, thivien.net, nguyenlac.blog, sachxua.net
Ngàn Đoản Khúc Thơ Hà Huyền Chi Tập 65 (Hy-Van thực hiện).
Đâu là nhân cách của người cầm bút.
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |