|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Lưu Diệu Vân
Triều Hoa Đại: Khởi đầu cho cuộc nói chuyện hôm nay với nhà văn, nhà thơ Lưu Diệu Vân chúng tôi thiết nghĩ không gì hay hơn là nên trích dẫn bài viết của nhà thơ Trịnh Y Thư khi ông giới thiệu về thơ Lưu Diệu Vân, trong một tuyển tập thơ tiếng Anh.
Mời quý độc giả và văn hữu cùng đọc:
“Có nhiều người sẽ có chung một cảm nhận rằng sức hấp dẫn của thơ Lưu Diệu Vân nằm ở cách sử dụng hình tượng tài hoa, tinh tế. Thực chất, có thể nói nó đã lên đến mức điêu luyện (tour-de-force). Gần như ở bài thơ nào chúng ta cũng có thể thấy một sức hấp dẫn tạo nên bởi cách lựa chọn ngôn từ độc đáo, được xuất hiện đúng lúc đúng chỗ. Lời thơ gần giống như lời ca, nhưng lại như một sự kết hợp khá lạ thường, trừu tượng, đưa đến một không khí huyền bí, mà tới lượt nó, lại được trưng dụng để gây cảm giác về nỗi bất an. Ở đây chẳng có gì tuyệt đối xác thực. Chẳng có gì dứt khoát. Chẳng có gì trọn vẹn. Bản thể nội tại bị mổ xẻ khi được đặt ngay trong môi trường sống đầy bấp bênh ấy, bởi nhà thơ sở hữu một năng lực tự ý thức sâu sắc về những mối quan hệ, không chỉ là những kết nối liên cá nhân, mà còn là những quan hệ giữa mỗi cá thể với chính môi trường mà mình đang sống trong đó.”
Trịnh Y Thư viết tiếp:
“Lưu Diệu Vân là một nhà thơ, người mang một tình yêu nồng cháy với cuộc đời, nhưng đồng thời cũng là kẻ bị khước từ, bị ruồng bỏ bởi những tập tục và đạo đức quy phạm. Cô còn có thể là gì khác đây, nếu không phải là một kẻ phản giáo bất đắc dĩ?”
Triều Hoa Đại (THĐ): Thưa chị Lưu Diệu Vân, khi được (bị) nghĩ là mình là một kẻ phản giáo dù chỉ là “bất đắc dĩ” trong tức thời chị có cảm giác ra sao và hiểu thế nào là một kẻ phản giáo?
Lưu Diệu Vân (LDV): Không cùng tôn giáo thì bị xem là PHẢN GIÁO, xưa bị đem lên giàn hỏa, bị rút phép thông công, bị ném đá, bị gièm pha, v.v. Không cùng lý tưởng chính trị thì bị xem là PHẢN ĐỘNG, phản quốc, phản chủ, v.v. Khi bị gán cho chữ PHẢN là xem như bị cô lập, bị cách ly bởi đám đông.
Trong văn chương, người viết bị cô lập, bị cách ly… chưa hẳn là điều có hại cho văn chương, và chưa hẳn điều ấy làm tổn thương thanh danh của một người viết. Vậy nên tôi cảm thấy yên lòng, và khá thích thú, khi bị xem là “kẻ phản giáo.” Việc đi ngược chuẩn mực thường đòi hỏi can đảm, và theo tôi, viết ra những dòng chữ thiếu can đảm thì chưa thể được gọi là người viết đích thực.
THĐ: Một vài bạn văn mà tôi nghe được khi bàn về không gian truyện của Lưu Diệu Vân thì họ cho rằng đang được nhà văn cho đi thám hiểm đại dương bởi khi đọc Ghim Trong Lăng Kính “mà trong đó người phụ nữ luôn là nạn nhân của dục vọng nam giới”, nếu không đúng như thế thì bao giờ mới “là sự chờ đợi mỏi mòn về một tương lai có đôi”?
LDV: Trước khi bàn về ý tưởng trên, tôi muốn thưa rằng, tôi là một thi sĩ, và dẫu đôi khi có thử trải nghiệm với văn xuôi, qua vài chục truyện cực ngắn đã xuất bản, vài mẩu tùy bút, và vài ba truyện ngắn, tôi đích thực là kẻ chưa đủ thẩm quyền bàn về văn xuôi. Nhưng nay, được hỏi, về một truyện ngắn hiếm hoi mang phong cách hư cấu kỳ ảo tôi đã từng viết cho tạp chí Da Màu, tôi xin mạn phép.
Dục vọng là thứ ghi trong cấu trúc di truyền của con người (nhất là ở nam giới), và được cổ võ bởi nội tiết tố testosterone. Nhưng nếu nhân vật (của tôi) cho rằng, chỉ phụ nữ là nạn nhân của dục vọng, thì tôi e, nhân vật ấy đang cổ xúy sai lầm cho những tiêu chuẩn kép. Còn “tương lai có đôi”, tôi nghĩ, chẳng dựa vào dục vọng, bởi tương lai đòi hỏi đường dài, mà dục vọng thì rất thoáng chớp.
THĐ: Thông thường thì khi viết nhà văn có cần đến: không gian, địa điểm và thời khắc để giúp họ tạo thành một tác phẩm dù chỉ là trong tưởng tượng hoặc là hư cấu?
LDV: Tôi nghĩ việc tái định nghĩa không gian, địa điểm, và thời khắc, hoặc hành động bẻ cong, làm nhòe đi những yếu tố này, mới chính là tinh chất cần thiết để ủ nên một tác phẩm. Làm sao để không cần phải theo một không gian, địa điểm hay thời khắc nào, mới chính là sự thành công của một nhà văn. Bất cứ một yếu tố đòi hỏi nào đều là giới hạn, và bất cứ giới hạn nào, đều không dẫn đến một tác phẩm hay.
THĐ: Nói đến chuyện viết văn có một nhà văn bảo thế này: “Hiện giờ rất hiếm nhà văn viết truyện dài, khủng hoảng văn chương? Hay là nhà văn bất tài(?) ít người có khả năng viết truyện dài vài ba trăm trang trở lên.” Là một nhà văn chị thấy nhận xét ấy đúng/sai?
LDV: Thêm một câu hỏi thiên về phạm vi văn xuôi, mà như tôi đã trình bày bên trên, đó không phải là thể loại tôi theo đuổi, cũng không phải là chất xúc tạo nên một Lưu Diệu Vân của ngày hôm nay. Tuy vậy, tôi nghĩ văn chương là sản phẩm của con người và xã hội. Con người và xã hội thay đổi thì văn chương đương nhiên sẽ thay đổi theo. Thời giờ eo hẹp, khoảng chú ý của con người rút ngắn, sự xâm lấn bộc lộ qua mọi hình thức. Thời của những trường thiên tiểu thuyết đã qua. Tôi không nghĩ là nhà văn bất tài. Tôi nghĩ là họ không đủ kiên nhẫn để viết dài khi biết chắc là người đọc sẽ khó đón nhận.
Riêng cá nhân tôi, luôn chuộng những gì vắn tắt, súc tích, nhưng cô đọng, tôi thích vài câu văn dồn nén dưới áp suất ý tưởng ấp ủ lâu dài, và cuối cùng là đoạn cao trào bùng nổ đưa người đọc đến nhận thức bất ngờ. Thơ và truyện cực ngắn của tôi thường được cấu tạo như thế.
THĐ: Là nhà văn chắc chị lúc nào cũng nghĩ về một tương lai tươi đẹp mà chúng ta đã bỏ lại sau lưng. Vậy thì cái hướng nhìn và hy vọng ấy phải chăng là một Việt Nam hướng về phương tây hay một Việt Nam tiêu cực có vô số lỗi lầm biết đấy mà không hề sửa đổi chỉ vì thiếu tự tin và thiếu lòng độ lượng?
LDV: Ôi, nhà văn Triều Hoa Đại đã quá độ lượng khi cho rằng Việt Nam không sửa đổi chỉ vì thiếu tự tin và thiếu lòng độ lượng. Tôi không là người vọng ngoại, hay khinh nội. Dân tộc chúng ta có những cá tính đáng quý, và người phương Tây cũng có những tính chất giúp họ dễ tạo nên, và tuân thủ, một xã hội dân chủ. Vài giá trị mà người Việt đề cao: trọng nam khinh nữ, kính trên nhường dưới, áo mặc sao qua khỏi đầu, v.v. thật sự là rào cản cho một xã hội tiến bộ hơn. Tuân thủ kính trọng trong gia đình là điều cần thiết, nhưng trong công việc, sinh hoạt hội đoàn, mà người trẻ cứ phải lắng nghe khi người lớn nói, rồi phải nghe lời khi người lớn nói xong, thì chúng ta làm sao có được một tương lai tươi đẹp? Theo tôi, chúng ta thiếu nhận thức về sự bình đẳng: bình đẳng giữa người trẻ và người lớn, bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng giữa người không mang chức vụ và người có chức danh, v.v. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của người Mỹ, bắt đầu với câu: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”, và khi họ viết ra, họ dùng chữ “men,” và dần đà đã thay đổi để dám nhìn thẳng và thừa nhận, đáng lẽ, lúc ấy, ông cha nên viết là: “all men, women, and LGBT are created equal.” Ấy là sự độ lượng chúng ta cần.
THĐ: Một số người cho là:“thơ cần phải mang vác trên mình một sứ mệnh thiêng liêng hay phải phụng sự nghĩa vụ thanh lọc đời sống con người,” còn chị?
LDV: Thơ, khi vác lên mình hơi hướm “thiêng liêng” sẽ mất khả năng làm bất cứ nghĩa vụ nào, bởi cứ hễ cái gì thiêng liêng là tuyệt nhiên chúng ta không được bàn đến, chỉ trích, đào sâu, mà chỉ có thể tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề, đứng nhìn cung kính, rồi vái lạy. Những thứ không qua sàng lọc, thử thách, điều chỉnh, thì lại có thể làm nên điều gì lớn lao?
THĐ: Khi nói đến thơ dù là “Hậu hiện đại, Tân hình thức” nhà thơ Trần Mạnh Hảo đưa ra nhận xét: “Không cách tân ấm ớ kỳ khu đánh đố người đọc bằng giọng nửa ngô nửa ngọng hoặc bí hiểm chẳng ai hiểu được của món tân hình thức hay hậu hiện đại, tân con cóc, thơ đích thực không lụy vào chữ mới hay cũ, rốt ráo là hay hoặc dở mà thôi,” vậy thì ý kiến của nhà thơ Lưu Diệu Vân về vấn đề này?
LDV: Tôi rất ngại cho ý kiến từ một trích dẫn bắt nguồn từ một phát biểu. Trong bối cảnh tòa án, khi một người trích dẫn câu người khác đã nói thì thường không được tòa chấp nhận như bằng chứng bởi vì nó được liệt kê vào phạm trù “lời đồn.” Khi một nhà văn, nhà thơ, tuyên bố hoặc phát biểu, thông thường, ý tưởng của họ khó được hiểu trọn ý trong vòng một hai câu trích. Tôi xin được không trả lời câu hỏi về phát biểu của Trần Mạnh Hảo.
Nhưng tôi sẽ đưa ra ý kiến cá nhân về thơ tân hình thức. Tôi vẫn nghĩ, bất cứ phong cách nào có cố gắng vẽ ra một đường lối mới hơn, đều nên có một chỗ đứng tạm dung trong văn đàn. Và xin đừng khạc nhổ, hay vái lạy chung quanh khu vực này. Hay hay dở, còn tùy thuộc vào tương lai, dòng chảy của sự phát triển. Nếu thử nghiệm đó dở, tự nhiên, sẽ bị đào thải. Thơ tân hình thức ở nước ngoài đã xuất hiện từ những thập niên 80, và cũng đã hơn một thập niên từ khi Tạp Chí Thơ tại hải ngoại khởi xướng và thúc đẩy thơ tân hình thức. Thời gian sẽ chứng minh sự tồn tại hoặc thất bại của mọi thứ trên thế gian này.
THĐ: Làm thơ tôi chắc chị hiểu câu nói này: “Cõi thơ không là thơ, không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết khởi đầu thơ. Một xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ”?
LDV: Câu văn này của Mai Thảo làm tôi gợi nhớ câu nói của một tác giả quên tên, “Tất cả đều là thơ, miễn là có một thi sĩ.” Tôi từng xem một cuốn phim, trong đó, nhân vật họa sĩ đã quá nổi tiếng, quá tài ba, để rồi đến cuối đời, khi ông ta chết, người ta tìm thấy rất nhiều những khung bố trắng, chỉ có chữ ký ở một góc, còn những bức tranh thì đã được hình thành trong khối óc, trong mắt họa sĩ nên ông ấy không màng vẽ nên chúng nữa. Làm tôi chợt nghĩ, cõi thơ ấy, chắc hẳn, rất cô độc, nơi người nghệ sĩ nhập một thành chính tác phẩm (đã hoặc chưa hình thành) của họ.
THĐ: Lúc còn sinh tiền có lần nhà văn Mai Thảo nói rằng: “Đàn bà không làm thơ được, làm thơ là công việc của đàn ông chúng tôi”, câu nói này có khác chi với câu: “Đàn bà không đái qua ngọn cỏ”, có xúc phạm lắm không, có kỳ thị giới tính lắm không theo chị?
LDV: Tôi không nghĩ Mai Thảo lại có thể nói câu ấy, bởi nó không khác gì câu “Đàn bà không đứng đái được, đứng đái là chuyện của đàn ông chúng tôi.” Nhưng nếu thực sự Mai Thảo nói câu ấy thì chắc cũng chỉ trong bàn nhậu, khi nồng độ rượu đã lên cao trong máu. Và như vậy tôi chẳng bận tâm vì câu ấy, bởi trước khi Mai Thảo nói câu ấy thì Việt Nam đã có những Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Anh, Mộng Tuyết, Thụy An… và ngay khi ông Mai Thảo nói câu ấy thì tiếng vang của những vần thơ của “đàn bà” như thơ Nhã Ca đã rộn ràng không gian văn học miền Nam Việt Nam, rộn ràng đến nỗi át cả tiếng đùa cợt trên bàn nhậu.
THĐ: Ta hãy nói về truyện ngắn Ghim Trong Lăng Kính một chút, nhiều người có đọc nhưng hiểu thì họ như đi lạc vào cõi sương mù dày đặc bao phủ là bởi tác giả đã quá chú trọng nhiều đến cấu trúc và ám ảnh không gian thay vì tình tiết của cốt truyện và rồi tiếp đến “muốn tạo một không gian tương phản đến cực độ: đại dương và đất liền, ánh sáng và bóng tối..v…v..” .Ý kiến người đọc là vậy, còn sự giải thích lại tuỳ thuộc vào tác giả, vậy thì xin chị nói rõ chút ít được chăng?
LDV: Khi đã ra khỏi tầm tay của tác giả, tác phẩm phải tự biện hộ cho chính nó, phải đủ sức tỏa ra sự hấp dẫn riêng. Tác giả không còn quyền hạn gì nữa. Cũng như nếu tác giả tạo được một không gian bí ẩn chung quanh họ, khi biết khéo léo giữ những riêng tư, những chỉn chu trong đối thoại đời thường. Tác phẩm cũng thế. Tôi nghĩ tôi không nên giải thích giùm cho tác phẩm của mình để giữ trọn không khí mời mọc sự khám phá cho độc giả.
THĐ: Một lần được trò chuyện với nhà phê bình và nhận định văn học Đoàn Nhã Văn tôi có vui miệng mà hỏi ông: “Văn chương Việt Nam mình nằm ở đâu, có giống ai không, có đi cùng đường với người ta không?” Nhà phê bình chắc cũng vui miệng mà trả lời rằng: “Văn chương Việt Nam không đi cùng, mà đi sau, với khoảng cách xa lắm. Đi sau không phải chỉ ở tài năng của người cầm bút, mà một phần không nhỏ, còn là ở người đọc.” Chị có đồng tình với ý kiến vừa nêu hoặc cần bổ túc gì thêm?
LDV: Nếu những người cầm bút thích chìu chuộng độc giả, thích viết theo số đông, thì chúng ta có lý do nào mà đổ lỗi cho người đọc về khoảng cách lẽo đẽo của văn học Việt? Can đảm gánh trách nhiệm, can đảm dám thử nghiệm, can đảm chấp nhận sự cô độc, can đảm nhận hết những lời phê bình, thì mới dám hy vọng một ngày nào đó, chúng ta may mắn có được một nền văn học Việt “không giống ai.”
THĐ: Theo tôi chị là một người cầm bút may mắn (có khi là bất hạnh không chừng) khi được sinh ra sau chiến tranh vậy thì khó mà hình dung ra những tang thương mà chiến tranh đã để lại cho Tổ Quốc, Quê hương (dù là có theo dõi sách báo), bây giờ sau gần một nửa thế kỷ đã trôi qua nếu quay nhìn lại phía sau quãng thời gian ấy chúng ta đã thấy những gì, thi ca, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, v.v. vẫn chưa (không) có gì gọi là khởi sắc, nhà nước vẫn không đối xử công bằng với những người sinh hoạt trong những lĩnh vực này vậy thì chị nghĩ thế nào?
LDV: Có lẽ may mắn hơn là bất hạnh, vì những người viết thế hệ mới có khả năng sử dụng tiếng Anh để tiếp cận bằng cả hai thứ tiếng. May mắn vì được thoát khỏi những Trích Dẫn Khổng Tử, những Năm Điều Bác Dạy, những Khẩu Hiệu Răn Đe… Tôi nhận thức rõ sự tự do mà tôi đang có được, và với bất cứ những gì tôi viết ra, đều lấy niềm can đảm để làm chuẩn mức cho chính mình. Ngay cả những đoạn văn linh tinh tôi viết mỗi tuần trên trang Facebook cá nhân, tôi cũng chọn những đề tài nhạy cảm trong xã hội mà tôi mong muốn có sự thay đổi, tôi không sợ bị người ghét, người cười, người đánh giá, người cô lập. Tôi chỉ sợ một tôi-rụt-rè.
Tôi nghĩ chúng ta chưa khởi sắc, vì, chúng ta còn sợ nỗi cô đơn dưới mọi lớp mạng che.
THĐ: Văn học rất cần thiết cho đời sống tinh thần là bởi con người không chỉ là cái giá để mắc áo và cũng không thể là cái túi để đựng cơm, chị là người đọc nhiều mà đi cũng lắm, chị có bao giờ thấy được nhà nước nào trên thế gian này hiểu điều đó hay chăng? Và, nếu họ hiểu được sự cần thiết của văn học cho đời sống người dân thì họ phải làm những gì?
LDV: Nhà nước chỉ cần lan tỏa tự do thì tự nhiên cái túi đựng cơm sẽ tự động đầy ắp mà không cần phải ép dân cống nạp. Văn học nghệ thuật, song song với khoa học và thần học, là những yếu tố giúp con người trở nên nhạy bén, nhân từ, và hữu ích hơn, và một xã hội cưu mang nhiều những con người như thế sẽ phát triển lành mạnh, vững vàng, và hạnh phúc hơn.
Có lẽ, chúng ta không nên chờ nhà nước làm gì cho mình, mà tự mình hãy năng đến trường, năng đọc sách/thưởng tranh/xem kịch nghệ/nghe nhạc… và chọn tin vào một lý tưởng sống thiêng liêng nào đó.
THĐ: Chúng ta “cần có thêm văn học trong và ngoài nước, và văn giới hai nơi cần liên hệ gần gũi, trao đổi với nhau, để làm phong phú thêm cho đôi bên, và không nên kỳ thị, không nên để bị thành kiến chi phối”? Ý kiến của Lưu Diệu Vân?
LDV: Trao đổi thì có đấy, nhưng chỉ là trao đổi một chiều. Sách từ hải ngoại về khó khăn, sách từ trong nước ra dễ dàng. Tạp chí văn chương hải ngoại liên tục bị tường lửa, còn tạp chí tuyên truyền trong nước ra thì, ôi thôi, trăm hoa đua nở. Tôi cảm thấy, tôi đang/bị tiêu thụ quá nhiều những trao đổi một chiều, và sự nhẫn nại của tôi, nay đã đến giới hạn.
THĐ: Có người đặt ra câu hỏi: “trách nhiệm của nhà văn với người đọc, vậy đã có mấy ai đặt ra câu hỏi trách nhiệm của người đọc với nhà văn thì thế nào,” chị có nghĩ như vậy là công bằng không?
LDV: Chẳng ai có trách nhiệm với ai cả, bởi ai cũng theo đuổi một mục đích riêng. Độc giả ghét hay thương tác giả, chẳng làm tác giả đó sáng tác khá hơn hay biếng lười. Tác giả viết theo lối dễ hiểu hay đầy hàm ý, cũng chẳng thể khiến độc giả ưu ái hay ghét bỏ hơn. Đơn giản, chúng ta viết cho chúng ta, và, độc giả tìm đến thể loại văn chương họ thích đọc.
Nếu chúng ta có trách nhiệm nào đó với nhau, không ràng buộc, thì đó chỉ là, nên sống và viết với lòng tự trọng và nên sống và đọc với lòng trân trọng.
THĐ: Trước khi kết thúc cho buổi nói chuyện giữa chúng ta, tôi muốn gửi đến chị một câu hỏi chót mà nhiều người trong đó có một số đông nhà văn muốn nhờ chị giải thích giúp đó là cách đây không lâu đọc được chị viết ở trên Facebook thế này: “Nhà văn nghĩ rằng họ viết sách để lại cho đời, nhưng thật ra họ viết cho chính họ trước tiên, và vì vậy, viết lách là một hành động cực-kỳ-ích-kỷ được đội lốt vì tha nhân,” và rồi vẫn theo chị, “tôi nhận thức cái mình đọc là ‘xem ké’ và cái mình viết ra là ‘tư lợi’ chẳng để lại cho ai và chẳng ai cần tôi để lại điều gì”. Nhiều người bảo với tôi: Đấy chẳng qua là vì cao hứng mà chị nói vậy, nói theo kiểu tiếng Anh vịt què thì: She hot she say so nói để “tự sướng” chứ thực tình văn chương chữ nghĩa bao đời đâu có ai lại nghĩ như thế. Xin được lắng nghe lời giải thích từ chị.
LDV: Thật sự, tôi ít nhận kết bạn trên Facebook cá nhân mà chỉ để “followers,” nên khi được biết “một số đông nhà văn” để ý đến status trên, thì tôi rất ngạc nhiên và có chút phấn khởi về sự quan tâm được dành cho đề tài “trắng trợn” này.
Tôi xác định, tôi chẳng phải “hot,” nhưng cũng chẳng “nguội”, không nổi tiếng nhưng cách xa không vô danh, chẳng phải thiên tài, nhưng chắc chắn không bất tài. Tôi biết địa vị của mình ở đâu, mục tiêu của mình là gì, và vì vậy, những phát biểu nào liên quan đến tôi, tốt hay xấu, tôi xin nhận, nhưng chẳng để ảnh hưởng.
Một tác phẩm luôn hình thành từ một thôi thúc nơi tác giả. Thôi thúc nội tại: niềm khao khát, ẩn ức… phải viết ra; hoặc thôi thúc ngoại lai: tiếng tăm, tiền nhuận bút… như vậy nhà văn viết hiển nhiên là cho mình trước tiên. Người viết có thể tin tưởng hoặc ra tuyên ngôn rằng mình viết cho tha nhân, cho tổ quốc, cho hậu thế, cho văn chương… gì gì đi nữa thì số đông người viết vẫn mong tác phẩm đến với người đọc, vẫn mong được báo đăng, mong được xuất bản.
Và thật sự, tôi chẳng có trách nhiệm phải giải thích bất cứ điều gì tôi đã nói, hoặc làm, với bất cứ ai. Và tôi giải thích phát biểu này, trực tiếp với tác giả Triều Hoa Đại, và gián tiếp với độc giả, là vì sự nể trọng.
THĐ: Trước khi chia tay chị có điều gì cần phải bổ túc hay không?
LDV: Lúc chính thức có thơ đăng trên tạp chí Văn và rồi trở thành biên tập viên cho Tạp Chí Da Màu, tôi đã từng là tác giả trẻ nhất văn đàn hải ngoại. Bẵng hơn 15 năm sau, với hai tập thơ tiếng Việt, một vài dịch phẩm, một vài tuyển tập thơ in chung, và hai tập thơ tiếng Anh, một với tựa đề M of December, được Vagabond Press tại Úc xuất bản, và một với tựa đề, She, Self Winding, sẽ được ra mắt vào tháng Chín, 2022, do nhà xuất bản Ugly Duckling Presse tại New York phát hành, tôi nghĩ thi ca thật sự là đam mê tôi sẽ theo đuổi suốt cuộc đời, và cho dù dưới bất cứ hình thức gì, tân hay cựu, tây hay ta, tôi vẫn sẽ dành trọn nỗ lực để tạo cho mình một cõi thơ đúng nghĩa. Tôi không mong trở thành nhà thơ nổi tiếng, có sách bán chạy, tôi chỉ mong mình sẽ tiếp tục rèn luyện để được trở thành một con-người-tử-tế, và một nhà-thơ-can-đảm.
Xin cảm ơn tác giả Triều Hoa Đại cho cuộc trò chuyện này.
THĐ: Cảm ơn nhà thơ Lưu Diệu Vân.
- Phạm Hiền Mây: Như Mây Bay Đi Triều Hoa Đại Phỏng vấn
- Nhà văn Ngự Thuyết - Đến với văn chương trễ nhưng không chậm Triều Hoa Đại Phỏng vấn
- Lưu Diệu Vân: “Kẻ phản giáo bất đắc dĩ” Triều Hoa Đại Phỏng vấn
- Chuyện Vãn Với Nhà Báo, Nhà Văn Vương Trùng Dương Triều Hoa Đại Phỏng vấn
- Thử Tìm Hiểu Văn Học Từ Bên Trong Và Bên Ngoài Tổ Quốc! Triều Hoa Đại Phỏng vấn
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |