Nằm ngay trung tâm 'Tiểu Sài gòn', khu building gồm nhiều
phòng nhỏ, mỗi phòng được xem như một đón vị gia cư (chỉ dành
riêng cho người già.) Cạnh cầu thang của tầng trên, phía dưới ba con
số bằng đồng đã xỉn màu là hai chữ 'Mai Thảo' (có lẽ cắt ra từ tạp chí
Văn) được dán phủ bằng băng keo trên cánh cửa gỗ nâu sẫm. Cánh
cửa luôn đóng kín. Như một qui ước riêng, anh em thân thiết sẽ dễ
dàng nhận biết ông có mặt bên trong hay không nhờ vào tấm màn
cửa sổ (cạnh cửa chính) kéo ra phân nửa hay phủ kín toàn phần. Một
đôi khi cần nghỉ ngơi hoặc không muốn tiếp ai, ông cũng dùng 'qui
ước' đó thay lời tiễn khách.
Bên trong, một giường cá nhân kê song song sát tường nhìn ra
cửa chính. Chỗ chân giường, một kệ gỗ thấp trên đặt vài ba chiếc
cốc cái phin lọc cà phê, chiếc ấm sắt cũ, gói mì ăn liền, phong bánh
ngọt, cuốn sách, tập báo... Dưới gầm kệ: chiếc lò điện tuổi tác chắc
không kém cái ấm nước, đôi dép da, cái máy hút bụi loại cầm tay...
Bàn viết sau cửa sổ, trên mặt bàn, những trang bản thảo đang viết dở
(thường là mục 'sổ tay') nằm ngay ngắn, thường trực, để có thể bất
cứ lúc nào cũng cập nhật được những tin tức liên quan đến văn học,
chính trị, thời sự trong chu kỳ một tháng. Trọn vì tường phía tay
phải nhìn vào từ cửa chính là ba bốn hàng gạch chồng lên nhau, gác
ngang qua bằng những tấm ván dài, kín đầy sách. Đa số sách tiếng
Việt của văn hữu hoặc nhà xuất bản gửi tặng, xen kẽ vài mưới cuốn
sách Pháp. Chiếc tủ lạnh loại cá nhân đặt gần cánh cửa nhỏ ngăn chia
'phòng khách' và buồng vệ sinh, phía trên hàng chục chai rượu đã
uống cạn, một hai chai đang uống dở. Cạnh đó, chiếc TV 12 in. mở
thường trực. Rải rác trên những mặt tường còn lại, nhiều chân dung
(ảnh chụp, sơn dầu, phác thảo mực Tàu) của nhà văn do thân hữu
thực hiện xen kẽ những ấn bản tranh Van Gogh, Gauguin, Miro, Matisse...
Căn phòng chỉ vỏn vẹn mười sáu thước vuông, kể cả buồng vệ
sinh. Chật. Nhưng tất cả đều ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ.
Đó là 'toà soạn' tạp chí Văn.
Đó là nơi làm việc, ngơi nghỉ, nấu nướng, ăn ngủ của chủ nhiệm
kiêm chủ bút kiêm thư ký toà soạn kiêm kỹ thuật mỹ thuật kiêm phát
hành kiêm thủ quỹ và kiêm... tuỳ phái. Nhất kiếm trấn môn liên tục
mươi năm nay!
Đó cũng là nói, vào một số ngày nhất định trong tháng, ông
ngồi trước chồng bao thư cao ngất trên năm trăm cái, dán ngay ngắn
từng con tem, cẩn trọng viết tên từng độc giả, xem lại tỉ mỉ từng địa
chỉ (cái nào vẫn giữ nguyên, cái nào vừa thay đổi, cái nào thêm, cái
nào bớt, cái nào sắp hết hạn cần nhắc nhở.) Công việc lẽ ra chỉ giải
quyết trong hai tiếng đồng hồ, nếu sử dụng máy rập tem và đưa danh
sách độc giả dài hạn vào computer (nhà thơ TYT và nhà báo ĐNY
từng nhiều lần tình nguyện làm giúp.) Nhưng vẫn nhất định giải
quyết theo lối 'thủ công nghệ'. Hỏi tại sao? Trả lòi: "Tôi thích thế.
Các bạn làm hai giờ, tôi làm hai ngày, đã sao?" "Có sao chứ, thưa
anh, tốn thì giờ vô ích." "Không vô ích đâu." Và giải thích: "Nhiều
độc giả gửi thư về, nhận xét: mười năm nay, suốt chiều dài của tuổi
thọ Văn, chưa một lần báo thất lạc, và vẫn tuồng chữ đó, mười năm
không thay đổi. Cảm động lắm sự thuỷ chung, trân trọng của nhà
văn đối với độc giả." Dừng lại để rít dài một hòi thuốc, tiếp: "Tôi
không muốn sử dụng những tiện nghi của máy móc là vì vậy. Làm
như tôi đang làm tuy cực đôi chút nhưng chắc chắn sẽ tạo được cảm
tưởng gần gũi giữa chúng ta, những người viết, và họ, những người đọc."
Đó cũng là nơi, hằng đêm, vào những khuya khoắt, ngầy ngật ra
khỏi giấc ngủ chập chớn, ông trớ dậy, bước đến chiếc tủ lạnh, với tay
cầm chai rượu rót ra ly... Và giữa tịch mịch của đêm sâu, giữa lũ bàn
ghế chăn giường sách vở câm nín vô hồn, trước màn ảnh ti vi xanh
đỏ, trong tay ly rượu hết vơi lại đầy, ông vừa uống vừa kiên nhẫn chờ
đợi một ngày mới. Một ngày như mọi ngày! "Đêm, không ngủ được,
chỉ mê đi vài tiếng, tôi lại thức. lại uống - cười - không uống thì làm
gì?" Hỏi, như một lối chấm câu, để tiếp: "Uống mãi vẫn chả hết
đêm... Thì bày chén bát soong nồi ra, ta nấu gói mì, ta luộc quả
trứng. Thế là vừa uống vừa ăn vừa xem TV. Hừm... thích lắm cơ."
Một lần, thích. Hai lần, thích. Ba bốn năm sáu lần, có thể còn thích.
Nhưng như thế, đã bao nhiêu năm (mỗi năm ba trăm sáu mười lăm
ngày!) Chúng ta hãy tưởng tượng đi. Một mình, với đêm!
Đó cũng là nơi trở về sau buổi tối cùng anh em ớ những hàng
quán. Trong lòng băng ghế trước, ông ngồi so vai lặng lẽ giữa âm
thanh nổ trầm một nhịp của động cơ xe hơi. Nam phút, mười phút...
bỗng ngẩng đầu nhìn lên vuông cửa sáng đèn, rồi nhìn gã 'tài xế'
(cũng là bạn rượu), cất giọng: "Bây giờ... lên trên ấy... Buồn nhỉ?"
Giọng nói nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, nhựa nhựa hơi men. Không phải lới ta
thán. Nhưng mà, nhưng mà... nó xoáy vào tai, nó làm trái tim đau
quặn, nó mở ra trước mặt người nghe cái thế giới quạnh hiu hoang
lạnh một cuối đời.
Đó cũng là nơi, nhiều ngày, nhiều tuần, tấm màn cửa sổ mãi
khép toàn phần, cánh cửa màu nâu sẫm mãi đóng câm lặng: Ông
đang lang thang đâu đó trong một thành phố khác, một quốc gia
khác, một tiểu bang khác. Những chuyến đi, những cảnh thổ mới,
những bè bạn năm châu. "Vẫn vậy, hết rồi những ngạc nhiên, những
bàng hoàng, những niềm vui bất chợt. Đi không có nghĩa như một
tìm kiếm cái lạ cái hay. Đi chỉ giản dị là đi. Bởi ở đâu thì cũng thể,
ở đâu thì cũng là di chuyển một bàn rượuu này qua một bàn rượu
khác." Và mỉm cười hom hem: "Ngày xưa Nguyễn Tuân mơ ước lúc
chết sẽ được thuộc da làm chiếc va-li. Thời trẻ tôi yêu lắm ước mơ
này của Nguyễn. Bây giờ, ngẫm nghĩ, đi như ông ấy thì... 'ra cái
đếch gì'."
(Đoản văn này vốn là lời dẫn nhập một bài phỏng vấn Mai Thảo do nhà văn
Khánh Trường thực hiện và đăng trên Hợp Lưu số 1, ra vào tháng 10.1991.)
II. Những tình cờ đinh mệnh
Tôi yêu hội họa. Từ ấu thơ, tôi đã mơ sẽ có ngày nào đó, trong
đời, tên tuổi tôi trở nên quen thuộc, được nhiều người hâm mộ, như
một họa sĩ.
Lớn hơn tí nữa, định mệnh đẩy tôi vào một ngã rẽ khốc liệt,
chính cây bút chì than và tập giấy croquis giúp tôi đứng thẳng được
trên đôi chân yếu, để tiếp tục bước về phía trước, làm người.
Bản vẽ đầu tiên của tôi năm 13 tuổi được trả bằng tiền. Từ đó
đến bây giờ, tôi đã sống, đã nuôi vợ nuôi con và nuôi chính bản thân
mình chỉ bằng một nghề duy nhất: hội họa (tôi dùng chữ hội họa
trong nghĩa phổ thông, gồm tất cả mọi công việc ít nhiều liên quan
đến cọ sơn, màu sắc: tôi từng là thợ kẽ bảng hiệu; vẽ chân dung
truyền thần; vẽ quảng cáo báo chí; vẽ dương bản trên phim để giới
thiệu các sản phẩm thương mại: dầu cù là, thuốc nhuộm tóc, bột ngọt
Vị Hương Tố, xà phòng Cô Ba, sửa hộp Con Chim... chiếu chào
hàng trong các rạp chiếu bóng); vẽ pano cổ động gắn hai bên hông xe
buýt, trên các lầu cao, và ngoài xa lộ. Tôi cũng đã từng trình bày bìa
sách, bìa băng nhạc, logo, nhãn bao bì cho các cơ sơ sản xuất hàng
tiêu dùng. Cuối cùng, "có trình độ" hơn, tôi sáng tác tranh bằng sơn
dầu, màu nước, bột màu... và triển lãm vung vít. May mắn, những
sản phẩm thượng vàng hạ cám ấy thường được đánh giá "có chất
lượng". Nhớ thế, tôi sống. Ngay cả chuyện vượt biển "tìm tự do",
định mệnh cũng sắp xếp cho tôi bằng con đường hội họa: một cậu
học trò (học vẽ) đã cho tôi một chỗ ngồi trên chiếc tàu đánh cá nhỏ
bé với sức chứa tối đa 22 nhân mạng do cậu làm chủ.
Xuyên qua quá trình đầy thử thách đó, tôi nghĩ, và yên trí, suốt
đời, sẽ chẳng còn con đường nào để chọn lựa cho hướng đi (đến
nghĩa trang) của mình, ngoài con đường duy nhất, và cũng là con
đường tôi hằng mơ ước thuở thiếu thời: hội họa.
Nhưng, như tất cả mọi chúng sinh khác trong "cõi nhân gian bé
tí" này có nhiều tình cờ không định trước đã đẩy số phận mỗi chúng
ta vào những khúc quanh... tiền định.
Từ hội họa, bất ngờ, tôi rơi vào lĩnh vực văn chương, báo chí.
Đó là thời gian đầu vừa đặt chân đến Mỹ. Đang loay hoay chưa
biết phải làm gì, tôi được một người bạn giới thiệu với Du Tử Lê.
Lúc ấy anh đang làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Tay Phải.
Anh hỏi tôi "đã định làm gì chưa", tôi bảo chưa, anh liền đề nghị:
"Thế thì về làm báo vòi mình, cho vui." "Tôi biết gì mà làm?" "Lay-out,
tay ngang còn làm được, huống gì anh là họa sĩ."
Đúng như Du Tử Lê nói, chỉ cần một tí khéo tay, thêm một tí
kiến thức tối thiểu về mỹ thuật, ai cũng có thể trở thành chuyên viên
lay-out. Tôi lại có thêm lợi điểm: dư khả năng lấp đầy những khoảng
trống còn thừa trong các cột báo bằng những minh hoạ. Thi sĩ họ Lê
có vẻ hài lòng vì đã nhặt được một gã phụ tá... sáng trí, đa năng (!!!)
Anh bèn đẩy sự hài lòng cao hơn tí nữa: một hôm, báo thiếu bài, anh
nói với tôi: "KT viết hộ cái gì nhé."
Viết? Đề nghị thật bất ngờ. Tôi vốn mê đọc, là độc giả trung
thành của tất cả nhà văn nhà thơ lớn bé thuộc mọi thành phần, giai
cấp, trình độ, trường phái, khuynh hướng, phe nhóm, chủ trương,
quốc tịch... Từ Bên dòng sông Trẹm đến Bàn tay máu, từ "một đèo
một đèo lại một đèo" đến "ô hay con gái bay nhiều quá / đôi cánh tay
mềm như cánh chim", từ "em là gái trời bắt xấu" đến "tôi gọi tên tôi
cho đở nhớ", từ Thung lũng tình yêu đến Hố thẳm tư tưởng, từ Lũ
người quỷ ám đến Chiến tranh và hòa bình, từ Chuông gọi hồn ai đến
Âm thanh và cuồng nộ, từ Buồn nôn đến Dịch hạch... Tôi đọc tuốt
tuột bất cứ cái gì vớ được. Nhưng viết thì chưa bao giờ. Tôi không
mặn với chuyện viết lách. Bạn tôi, ở Sài Gòn trước và sau 1975,
nhiều tên cầm bút, và tên nào trông cũng... không giống ai, khiến
tôi nhợn (và nhờn!) Tuy nhiên chưa bao giờ không có nghĩa chẳng
bao giờ: Ừ, thì viết. Thử xem. Thế là vài ba bút hiệu lăng nhăng
nhảm nhí lần lượt xuất hiện. Lâu dần, trở thành quen. Và cũng lâu
dần, nghề dạy nghề, tôi lên... lão làng, trong lĩnh vực "bán chữ" (đủ
loại) cho các tờ báo tuần, báo tháng.
Vào khoảng năm 1989 (nếu tôi nhớ không lầm) chị Nguyễn
Mộng Giác cùng các cháu từ Việt Nam sang. Để có đủ thì giờ lo cho
gia đình, anh Giác giao lại tờ Văn Học do anh làm chủ nhiệm kiêm
chủ bút cho ba anh Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi
Phong. Ba ông chủ mới của tờ Văn Học có tài viết lách song lại
thiếu... tài làm đẹp những trang chữ. Nghĩa là phải cần thêm một anh
"chuyên trị" phần hình thức cho tờ báo. Trong đám "sinh hoạt chữ
nghĩa" ở quận Cam, hình như tôi có tí khả năng, lại không ngại
chuyện cơm nhà ngà voi, do đó, được ba ông vời về, gắn lon "giám
đốc mỹ thuật" (nghe lẫm liệt như vừa được phong hàm... đại tướng!)
Lâu nay chỉ loay hoay giữa rừng lá cải lá đa, tôi đã bị mang tiếng là
phường... buôn lá (chính xác hơn: phường lái chũ). Nay, được thăng
cấp, nên dù hiểu nếu làm công cho các tờ báo biếu thì tuy không thừa
ăn thừa mặc, nhưng cơ bản vẫn lương tiền đâu ra đó, còn làm cái
chức lớn "giám đốc mỹ thuật" cho tạp chí Văn Học, chắc chắn chỉ
được quyền uống... nước lã. Ai có tí liên hệ với ngành báo hải ngoại
đều biết báo biếu kinh doanh bằng quảng cáo (nhiều tờ sống hùng
sống mạnh, có khả năng tạo được xe đẹp nhà sang cho các ông bà chủ
nhiệm.) Ngước lại, báo Văn Học (và những "con" tương cận) không
có quảng cáo, sống hay chết hoàn toàn nhờ vào độc giả. Mà độc giả
ở hải ngoại vốn đã ít, lại càng ít thêm theo thời gian. Tờ nào trụ được
không phải bù lỗ đã là may mắn, nói gì đến chuyện thù lao cho
những người thực hiện!
Cũng như Tay Phải của Du Tử Lê, thỉnh thoảng Văn Học đói
bài. Đệ nhất, đệ nhị chủ bút Trịnh Y Thư, Hoàng Khởi Phong lười
viết, tổng thư ký Cao Xuân Huy lo đánh máy bài vở, không có thì
giờ. Nhìn quanh, chẳng còn ai, thế là nhị vị chủ bút bèn dõng dạc ra
lệnh: "Số này còn thừa 10, 15 trang, KT viết cái gì đi!" Từ việc viết
lách lăng nhăng tán tụng ca sĩ, bốc thơm đào kép mu vi... sang lĩnh
vực văn chương chữ nghĩa nghiêm túc, hẳn nhiên khác nhau như
trăng với đèn. Nhưng mà, (lại) thử xem. Thế là, ngoài những "bút
hiệu" tôi từng ký dưới các bài báo lá đa lá mít (ngày nay, thực tình,
tôi không nhớ nổi một tên, để sau này dặn dò con cháu đưa vào gia
phả!), lần đầu tiên, tôi hiên ngang ký tên thật dưới các sáng tác.
Trước đó, và trong thời gian cùng anh em coi sóc tạp chí Văn
Học, tôi đã quan niệm văn chương là cái của muôn đòi. Chế độ nào,
chủ nghĩa nào rồi cũng sẽ tàn lụn vòi thời gian, duy văn học nghệ
thuật sẽ còn đó, mãi mãi, nếu thực sự đó là những sáng tạo giá trị. Vì
vậy, tôi chủ trướng nên mở rộng cửa tiếp nhận tất cả mọi thành tựu,
của thế giới, nói chung, Việt Nam, nói riêng, không phân biệt trong
nước hay hải ngoại, càng không băn khoăn tìm hiểu vị trí xuất thân
của người đã khai sinh ra tác phẩm. Mặc kệ ông ta (bà ta) là nhà văn,
nhà thơ của Việt Nam Cộng Hòa xưa kia, hay cửa "thế giới lưu vong"
hôm nay, hay của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ.
Một hai trăm năm nữa, người đọc sẽ chẳng bao giờ thắc mắc như
chúng ta đang thắc mắc. Vậy, vấn đề chỉ giản dị: tác phẩm ấy hay
hoặc dở. Xứng đáng nằm trang trọng trên các trang báo Văn Học,
hay chỉ nên ném vào sọt rác. Thế thôi. Và chỉ thế thôi.
Tôi đưa ý kiến này ra bàn với anh em và đề nghị nên tìm đọc,
mời, chọn đăng những sáng tác hay cửa các nhà văn nhà thơ trong
nước. Trịnh Y Thư bản chất hiền lành, không muốn mất lòng anh
em, xin theo quyết định của đa số. Hoàng Khởi Phong chín chắn, bảo
"Chưa đúng thời điểm". Riêng Cao Xuân Huy cực lực phản đối,
tuyên bố rất "quân phiệt": "Cái gì dính líu đến Việt Cộng là tao
không ưa, dứt khoát". Như thế, đương nhiên tôi đứng về phe thiểu số
(chỉ có một phiếu ủng hộ duy nhất của... chính tôi!)
Thua, nhưng trong lòng vẫn ấm ức. Ý định xuất bản một tờ báo
có chủ trương hợp lưu mọi dòng văn học về một mối manh nha trong
đầu. Tôi tìm gặp vài anh chị em khác: Nhật Tiến, Đỗ Khiêm, Vũ
Huy Quang, Lê Bi, Nguyễn Hương, Thân Trọng Mẫn, Phạm Việt
Cường, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Mạnh Trinh... và liên lạc bằng
điện thoại, thư từ với nhiều anh chị em khác nữa, cư ngụ ngoài Cali
và nước Mỹ. Điều tôi không ngờ: hầu hết các văn nghê sĩ tôi tiếp xúc
đều tán đồng chủ trương của tôi. Chẳng những thế, ngoài bài vở,
sáng tác, họ còn sẵn sàng đóng góp tiền bạc để tôi có thể xuất bản tò
báo như ý muốn.
Như thế, với nhiều công sức tài lực của nhiều anh chị em, Hợp
Lưu ra mắt số đầu tiên đầu tháng 10 năm 1991.
Tám năm trôi qua. Bao nhiêu sóng gió. Nhất là giai đoạn đầu,
gần như tuần nào, tháng nào, trên hầu hết các tờ báo, Hợp Lưu và
nhóm chủ trương, nhất là tôi... cũng bị đem ra làm bia tập bắn. Nhẹ,
lời lẽ ôn hoà xây dựng; nặng, bỉ thử thô lỗ, có khi mang cả đòi tư của
chúng tôi và những hệ luỵ cật ruột ra bêu rếu, ném bùn. Nhiều tháng
liền, cách vài ba đêm, giữa khuya, một cú điện thoại từ đâu đó gọi
tới, đòi "đốt nhà, ném lựu đạn, bắn bỏ" cái kẻ "ăn cơm quốc gia thờ
ma cộng sản", cái bọn "nằm vùng, đâm sau lưng chiến sĩ". Ban đầu,
thấy mọi người thân trong gia đình lo sợ, khủng hoảng, tôi định đổi
số phone. Nhưng nghĩ lại, vô ích, một tờ báo tất phải có địa chỉ và số
phone tòa soạn. Làm sao giấu được. Vả, nghĩ xa hơn, tôi thấy hành
động như thế nào khác gì trốn lánh, đào thoát. Hèn quá. Vì thế, tôi
quyết định... chịu trận. Có khi cao hứng, tôi chọc lại bằng cái phong
cách rất... nhảy dù: hẹn các đấng hùng anh kia đến một công viên
nào đó chọi tay đôi, hoặc đấu súng đấu dao tùy chọn lựa, bảo đảm
không báo trước với cảnh sát. Tất nhiên tôi biết thừa: phàm những
anh đấu võ mồm hung hăng nhất đều có những lá gan bé nhất, nên
chẳng bao giờ tôi được hân hạnh "biểu diễn võ công". Và món võ lì
này có hiệu quả. Gọi mãi, chửi mãi, hăm dọa mãi, vẫn thấy Hợp Lưu
xuất hiện đều đặn, đúng kỳ trên các sạp báo ở các nhà sách. Những
cú điện thoại thưa dần, rồi dứt hẳn.
Nhiều năm trôi qua, Hợp Lưu không chết, trái lại, mỗi ngày
thêm vững vàng, nhờ lực lượng sáng tác được bổ sung đều, và nhờ
độc giả tìm đọc ngày thêm đông. Cơn hấp hối (nhiều anh chị em
đồng nghiệp ở xa vẫn nghĩ thế, vào những năm đầu) của Hợp Lưu
thực sự đã bị đẩy lùi. Tờ báo đang sống, tờ báo sẽ sống, bình thường,
như rất nhiều anh em đồng nghiệp khác.
Viết về những tình cờ định mệnh đẩy đưa một người cầm cọ đến
cầm bút, và viết về kinh nghiệm đã trải qua trên mươi năm "tắm gội"
trong nghiệp báo, tôi nghĩ, cũng là một cách nào đó, tự trả lời cho
chính bản thân một câu hỏi, rằng từ lúc chọn chữ nghĩa như nghiệp
dĩ thứ hai, liệu tôi có lỗi lầm nào đáng chê trách? Tôi nghĩ, hình như
có. Đó là, nhiều lúc tôi cảm thấy nản lòng, muốn buông trôi, bỏ
cuộc. Nhiều lúc khác, không dằn được bức xúc do mọi sức ép tăm tối
bên ngoài, tôi đã thả lỏng ngòi bút của mình, mặc cho những cơn
giận dữ cuốn đi. Thuở còn sinh tiền, nhà văn Mai Thảo thỉnh thoảng
vẫn bảo: "Chữ nghĩa đẹp đẽ lắm cơ. Còn sống với chữ nghĩa thì phải
cố mà nuôi dưỡng nó cho đàng hoàng."
Sống đàng hoàng với chữ nghĩa, tôi cho là điều khó khăn nhất,
và cũng là điều cần nhiều nỗ lực nhất, đối với một người cầm bút.