|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tranh ký hiệu của
Phạm Ngọc Tuấn
Phạm Ngọc Tuấn là một họa sĩ có tranh triển lãm thường xuyên từ những năm 70 ở Pháp, Nhật, Mỹ, và một số nước Âu châu. Trong nhiều năm anh vừa vẽ vừa hành nghề trong ngành Design ở Paris. Hiện nay, anh làm giám đốc một trường mỹ thuật dạy về nghệ thuật truyền thông (Communication Visuelle) ở Paris. Trường này do anh và chị Maryse Eloy sáng lập khoảng đầu thập niên 80. Dưới đây là bài phỏng vấn trên tạp chí Diễn Đàn xuất bản ở Paris, số 28, tháng 3-94, do Hoài Văn thực hiện. Qua đó họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn giải thích về đợt tranh mới của anh trưng bày ở Centre Culturel Franco-Vietnamien, 24 rue des Ecoles, 75005 Paris, từ 3/03 đến 3/04/94.
Diễn Đàn: Anh có thể định nghĩa tóm tắt nghệ thuật tranh của anh?
Tuấn: Tranh của tôi thuộc trường phái trừu tượng. Ngôn ngữ của nó là ký hiệu: ngoại vật và tâm tư được diễn tả qua những ký hiệu trừu tượng (signes). Những ký hiệu này được định hình dưới dạng tĩnh hoặc động và được thể hiện dưới hình thức những bố cục và hình thể đối xứng (symétriquues) hoặc không đối xứng (non symétriques).
DĐ: Quan niệm nghệ thuật của anh qua những đợt tìm tòi từ những năm 70 cho đến nay có những gì thay đổi?
Tuấn: Từ năm 70, tranh của tôi có qua vài đợt tìm tòi, tuy nhiên cái gốc chung vẫn là những ký hiệu. Tranh những năm 70 thì hình như tròn trặn, thu gọn thành một khối, có thể nói: nhập định như nhà tu hành. Đến năm 80 thì mặt tranh lại như một khoảng không gian vô hạn có những phóng xạ bay qua và để lại những vệt sáng chợt ẩn chợt hiện. Tôi nắm bắt những tín hiệu chợt thoáng hiện ở một thời điểm nào đó với cái nhìn và cảm xúc của mình lúc đó và không bao giờ quên ghi chép lại. Những tín triệu này mặc dầu lắng đọng trong tiềm thức, nhưng không phải bất di bất dịch, mà luôn luôn thay đổi cũng như bản thân cái nhìn, bản thân sự suy nghĩ của tôi qua thời gian. Trên mỗi bản phác thảo bao giờ tôi cũng ghi rõ ngày tháng. Có những hình hoạ tôi đã phải sửa đi chữa lại trong hàng sáu bảy năm mới đạt được trình độ tương đối hoàn chỉnh hiện nay về mặt hình thể cũng như về màu sắc.
DĐ: Đối với nhiều người, nghệ thuật trừu tượng, nói chung, thường khó hiểu, khó cảm nhận. Anh có thể giải thích hiện tượng này như thế nào?
Tuấn: Đứng trước bức tranh trừu tượng có người tự hỏi hoạ sĩ vẽ gì, muốn nói gì, nghĩ ngợi gì? Bản thân người hoạ sĩ cũng chỉ có thể trả lời một cách chung chung mà thôi, vì cắt nghĩa tranh không phải tuỳ thuộc ở hoạ sĩ, mà ở người xem tranh. Thực vậy, tranh là hiện vật ít ngôn nhiều nghĩa, tín hiệu trong tranh đưa ta vào một thế giới riêng tư của hoạ nhân, hiến cho người xem nhiều tầm nhìn khác nhau tùy theo hiểu biết, học vấn của từng người.
Từ thời đại đồ đá, con người muốn truyền đạt thông tin hoặc ghi lại những ý tưởng của mình đã vẽ lên vách đá trong các hang động những hình hoạ tượng hình và những ký hiệu trừu tượng. Rồi do ngày càng muốn nói lên, hoặc ghi lại những ý của mình một cách rõ ràng, chính xác hơn, nên đã phải tìm tòi sáng tạo ra một cái gì để diễn đạt. Cái gì ấy chính là chữ viết. Chữ viết lúc phôi thai cũng chỉ là những hình hoạ dễ đọc dễ nhớ để truyền đạt thông tin. Sau này khi tư tưởng trở thành phức tạp hơn thì những hình hoạ tượng hình lúc đầu cũng biến thể để nhường chỗ cho những ký hiệu trừu tượng nhưng giàu nghĩa hơn. Tranh trừu tượng cũng theo cái đà tiến hoá đó. Thực ra, cái gì cũng vậy, muốn biết muốn hiểu thì phải chịu khó tìm tòi học hỏi.
Hoạ sĩ trừu tượng không tự giam mình trong tháp ngà, trái lại, muốn diễn tả tâm tư mình qua những hình hoạ sâu sắc hơn. Tranh không chỉ vẽ phong cảnh, người, vật, một cách hời hợt, nông cạn, mà là dấu ấn đặc thù của hoạ sĩ. Người xem tranh không bị ràng buộc bởi những chi tiết hay cái nhìn bóp méo hiện thực của hoạ sĩ. Giá trị của tranh trừu tượng là ở trong hình thể, màu sắc, chất liệu và, qua đó, cấu tạo tư duy của người vẽ. Từ lúc khởi thủy tranh trừu tượng (1910) cho đến nay, 80 năm đã qua. Giờ đây chắc không còn mấy ai thắc mắc về vấn đề hiện thực hay không hiện thực nữa.
DĐ: Anh vẽ tranh với mục đích gì? Nghệ thuật của anh có những đóng góp như thế nào trong lãnh vực mỹ thuật và trong các ngành sinh hoạt xã hội khác?
Tuấn: Tôi vẽ tranh là vì yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên, muốn ghi lại trên giấy, trên tranh những nhận xét vui buồn ở thời đại mình sống. Từ những năm đầu ở trường Mỹ Thuật Hà Nội cho đến lúc tìm thấy con đường riêng, cách diễn tả riêng của mình là một chặng đưòng dài. Tôi đã từng làm Giám đốc Mỹ Thuật những hãng Publicis, Havas Conseil (Paris), Giám đốc Mỹ Thuật báo Marie Claire, Moto Revue, vẽ kiểu xe cho hãng Renault, vẽ cảnh trí và quần áo cho Théâtre de la Ville (Paris), Opéra de Strasbourg, Ballet Théâtre Contemporain... Tranh của tôi có mặt ở Musée d'Art Moderne de Paris, Musée de Grenoble, Fondation Stuyvesant (Hà Lan)... Hiện nay, tôi đang cùng với Maryse Eloy, làm Giám đốc trường chuyên nghiệp về Communication Visuel1e và Design Graphique (tạm dịch: Truyền thông thị giác và Thiết kế hoạ hình).
DĐ: Anh có những nhận xét gì về nền hội hoạ thế giới hiện nay?
Tuấn: Nền hội hoạ thế giới vẫn cứ thay đổi như cuộc sống, nghĩa là vẫn có những mode theo nhau càng ngày càng mau. Một cái mode có thể sống độ vài ba năm rồi lại bị lớp sau chèn lên. Tuy vậy cái đẹp vẫn trường tồn muôn thuở.
DĐ: Còn về nền hội hoạ Việt Nam ở trong và ngoài nước?
Tuấn: Tôi ít có dịp được xem tranh của các hoạ sĩ Việt Nam ở trong nước, ngoài mấy cuộc triển lãm ở Paris, nên xin miễn không nói đến. Còn những anh em Việt Nam ở nước ngoài có những người có tài. Tôi ước mong một ngày nào gần đây sẽ có những cuộc triển lãm được tổ chức ở trong nước với tranh của các hoạ sĩ Việt Nam hiện sống ở nước ngoài.
Bài đọc thêm:
- Phỏng vấn họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn Hoài Văn Phỏng vấn
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |