|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhạc sĩ Ngọc Bích
(1924 - 15.10.2001)
Theo một vài nhà nghiên cứu 20 năm tân nhạc miền Nam, thì song song với dòng chảy tình ca sinh động, mới mẻ, ở những phần còn lại của lãnh vực sáng tác ca khúc, người ta có thể chia thành nhiều thời kỳ. Đại để như:
- Thời kỳ 1955-1960, là thời gian được mùa của những ca khúc nhắm tới quê hương miền Bắc của hơn 1 triệu người di cư vào miền Nam. Đây cũng là thời kỳ nền tân nhạc của miền Nam đề cập tới sự hình thành một xã hội mới, một lãnh thổ khác.
Tiêu biểu cho thời kỳ này, ta có thể nhắc tới ca khúc “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Khúc Nhạc Ly Hương” của Lâm Tuyền, “Thương Về 5 Cửa Ô Xưa” của Y Vân, “Sầu Ly Hương” của Lam Phương, “Nỗi Lòng Người Đi” của Anh Bằng...
Trong khi những ca khúc nói về sự hình thành hay hứa hẹn một xã hội mới, một niềm tin yêu, hy vọng nơi vùng đất mới, có thể kể tới những ca khúc như “Nắng Đẹp Miền Nam” (của Hồ Đình Phương & Lam Phương), “Hò Leo Núi” của Phạm Đình Chương, “Khánh Hội Và Em” của Phan Hồng Sơn, “Gạo Trắng Trăng Thanh” của Hoàng Thi Thơ...
Kế tiếp là thời kỳ mà một số nhạc sĩ quen gọi là phong trào “nhạc chiến dịch,” khi chính quyền của nền Đệ Nhất Cộng Hòa phát động những chiến dịch như chiến dịch bình định những vùng trước 1954 thuộc quyền kiểm soát của chính quyền CS Hà Nội; chiến dịch tiêu diệt các giáo phái; cổ võ quốc sách tòng quân nhập ngũ...
Ở giai đoạn này có những ca khúc được nhiều người biết, như “Anh Đi Chiến Dịch” của Phạm Đình Chương, “Tình Quê Hương” của Đan Thọ (phổ thơ Phan Lạc Tuyên) “Chiều Biên Khu” và “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của Tuấn Khanh...
- Sau đó là thời kỳ nền tân nhạc của miền Nam nói nhiều về tình yêu trong chiến tranh và những ca khúc phục vụ cho chiến dịch “Chiêu Hồi” của chính phủ. Đó là giai đoạn 1960-1970.
- Cuối cùng, giai đoạn 1970 tới tháng 4, 1975, là thời kỳ tân nhạc miền Nam được mùa với những ca khúc trực tiếp nói về sự leo thang của chiến tranh, chết chóc, hy sinh...
Ở thời kỳ này có hai khuynh hướng đối chọi nhau, nhưng cùng được giới thưởng ngoạn đón nhận... Đó là khuynh hướng ca ngợi những hy sinh tổn thất của miền Nam, của người lính VNCH. Điển hình như một số ca khúc của Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng... Hoặc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Phạm Thế Mỹ, Phạm Duy...
Ngay dòng chảy của tình ca thuộc 20 năm tân nhạc miền Nam, cũng là một dòng chảy khác. Sự thay da đổi thịt của tình ca, là một đổi thay quyết liệt: Từ âm điệu tới ca từ.
Bản chất tình khúc, trước sau vẫn có một mẫu số chung: Tính lãng mạn. Nhưng chất lãng mạn của giai đoạn này, ở miền Nam đã không còn lầy lội trong bi lụy, tuyệt vọng, cùng đường.
Ngôn ngữ được các nhạc sĩ viết tình ca sử dụng, cũng là thứ ngôn ngữ ít nhiều trực tiếp phản ảnh thời đại; với những tự do phóng dật, những triết lý mang tính thời thượng và những cái tôi đặc thù, cá biệt (trở thành chung). Chúng không còn bóng gió xa xôi, với những sáo ngữ mông lung, mơ hồ nữa.
Trước biến chuyển tận gốc kể trên, một số nhà nghiên cứu nền tân nhạc Việt Nam cho rằng, nhạc sĩ Ngọc Bích đã từ chối tham dự vào chuyển động lớn của biển sóng tân nhạc Việt (?). Hoặc ông không thích hợp với những hăm hở trẻ trung, của nhịp đập có phần gấp gáp, sôi động của trái tim miền Nam (?).
Tôi nghĩ, không ai có thể cho chúng ta câu trả lời rõ ràng về trường hợp của nhạc sĩ Ngọc Bích. Dù cho sau năm 1954, ở Saigon, ông có viết một số ca khúc như “Nắng Mớị” “Tiếng Hát Bình Minh” hoặc “Đón Gió Mới”... Nhưng thực tế cho thấy ông không thành công lắm.
Nói cách khác, giai đoạn huy hoàng nhất của sự nghiệp âm nhạc Ngọc Bích là những năm trước 1954.
Ở thời kỳ này, ngay cả những ca khúc viết cho nhu cầu kháng chiến chống Pháp, sáng tác của ông, cũng được đón nhận nồng nhiệt. Thậm chí ca khúc có tính tuyên truyền kích động lòng yêu nước, mang tên “Bà Già Giết Giặc” của ông; Kể chuyện một bà cụ khi nhận nấu cơm cho lính Pháp, đã lén bỏ thuốc độc vào nồi cơm, khiến tất cả toán lính Pháp này ngộ độc và chết hết sau đó.
Sự phổ cập của ca khúc này rộng lớn tới mức cụm từ “bà già giết giặc,” sau đó đã trở thành một thứ “thành ngữ” mà hôm nay, nhiều người còn dùng khi muốn nói tới một phụ nữ lớn tuổi nhưng vẫn có khả năng làm những việc mà nhiều người trẻ không dám...
Nếu nhạc sĩ Ngọc Bích từng có một thời kỳ thành công rực rỡ với cả hai thể loại tình khúc và ca khúc, phục vụ nhu cầu chính trị giai đoạn thì trong đời sống riêng, ông lại là người gần như hoàn toàn khép kín!
Trên trang mạng Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia, phần tiểu sử nhạc sĩ Ngọc Bích ghi rằng, nhạc sĩ Ngọc Bích lập gia đình với ca sĩ tên Lệ Nga. Ông có một con trai tên Kim Ngọc với người phụ nữ này.
Nhưng bài viết nhan đề “Ngọc Bích qua con mắt Phạm Duy” lại có một đoạn nguyên văn như sau:
“...Ngọc Bích khi tới Mỹ, cùng với Vũ Huyến trở thành 2 ca sĩ trong bộ ba AVT. Cùng với Lữ Liên họ được mời đi hát nhiều nơi trên đất Mỹ. Họ còn được tham gia vào đoàn văn nghệ Hoàng Thi Thơ, đi lưu diễn Châu Âu, Châu Phi... Đó là chưa kể với khả năng đánh bass, kéo accordion, đánh keyboard, Ngọc Bích luôn luôn có 'show' để có tiền thù lao, đủ nuôi sống anh chàng nghệ sĩ trường kỳ độc thân nàỵ” (1)
Sinh thời, cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền, vốn thân thiết với nhạc sĩ Ngọc Bích từ những ngày ở Hà Nội, cũng nhiều lần đề cập tới cuộc sống một mình của tác giả “Khúc Nhạc Tương Tư.”
Trước hai tư liệu trái nghịch này, những người quan tâm tới nhạc sĩ Ngọc Bích không biết sự thật nằm phía nào.
Như đã nói, cố nhạc sĩ Ngọc Bích có một đời sống khép kín. Ông gần như không tâm sự với ai, về phần đời tình cảm riêng của mình. Ông cũng không tiết lộ với ai về linh hồn hay, nguồn cảm hứng từ người nữ hoặc mối tình nào, mà ông đã để lại cho hôm nay, những tình khúc đẫm ngất đau thương, bằn bặt chia lìa, như:
“Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung - Người yêu thoáng qua trong giấc mộng - Vui nguồn sống mơ - Những ngày mong chờ - Trách ai đành tâm hững hờ!...
Hãy trả lời lòng anh mấy câu - tình duyên với nhau trong kiếp nào - Xuân còn thắm tươi - Anh còn mong chờ - Ái ân kẻo tàn ngày mơ.” (Mộng Chiều Xuân)
Hay:
“Chiều vàng rơi trong khúc nhạc tương tư - Đời phiêu lãng sống những ngày mong chờ - Thấu tình ta chăng hỡi người phương xa - Cung đàn theo với lòng thiết tha -... - Lòng sầu lên trong những ngày cô đơn - Mùa xuân đến với mối tình âm thầm - Bóng huyền chưa phai, hỡi người ngây thơ - Mong chờ trong khúc nhạc ái ân.” (Khúc Nhạc Tương Tư)
Hoặc nữa:
“Ngày nào một giấc mơ - Đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ - Khi áng mây thành thơ nhẹ gió đưa - Theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa - Một chiều mùa chiến chinh - Xuân ngát hương thanh bình say mối tình - Khi ánh trăng về vui đời thắm xinh - Bóng dáng huyền thầm mơ lúc tuổi xanh.” (Trở Về Bến Mơ)
Trong khi đó, theo nội dung cáo phó đăng tải trên một vài tờ báo xuất bản tại quận hạt Orange County sau ngày 15 tháng 10, năm 2001 (ngày nhạc sĩ Ngọc Bích từ trần), thì phần “tang gia” ghi:
“Nguyễn Kim Dũng, con trai, và gia đình”...
Nói cách khác, chẳng những không có tên bà Lệ Nga mà cũng không có tên Kim Ngọc, như tài liệu đăng tải trên trang mạng Wikipedia.
Tuy nhiên, điều này, đối với những người ái mộ nhạc sĩ Ngọc Bích, vẫn đã là một niềm vui đáng kể. Vì: “Bề gì, nhạc sĩ Ngọc Bích cũng đã có người nối dõi.”
Tóm lại, nếu có những cái chết giống như sự chấm dứt một chương sách, hay sự gia tăng âm vực, làm bật lên nét đẹp đoạn coda một ca khúc thì, cũng có những cái chết lại bật lên những câu hỏi mà trước đó, chưa một ai lên tiếng.
Cái chết của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Bích ở trường hợp thứ hai.
Tôi muốn nói tới sự kiện bất ngờ, một sự kiện không ai chờ đợi, không ai tiên liệụ Nhưng nó đã xảy ra.
Đó là sự kiện nhân giỗ 49 ngày của cố nhạc sĩ Ngọc Bích, một người em của ông, từ tiểu bang khác về Cali, dự lễ giỗ anh mình.
Giữa không khí tưởng niệm giới hạn trong tình thân đầy ngậm ngùi, xót thương kẻ vắng mặt, ông nói:
“Anh Bích tôi sáng tác không nhiều. Nhưng nhan đề ca khúc nào của anh tôi, nếu không có chữ ‘mộng,’ thì cũng có chữ ‘mơ’ và, gần như quá nửa những sáng tác ấy, có chữ ‘Xuân.’ Chữ ‘xuân’ không có ngay nơi nhan đề thì cũng có đâu đó, trong bài hát.
“Ngày xưa, có lần tôi đã hỏi anh Bích tôi rằng, tại sao anh thích mấy chữ đó quá vậy? Bộ anh không thể lựa cho nhan đề nhạc của anh một chữ nào khác hay sao? Thì, mặt anh tôi sa sầm xuống. Anh trả lời tôi bằng cái nhìn lặng lẽ. Chịu đựng.
“Cái nhìn lặng lẽ của anh ấy khiến tôi bắt rùng mình! Từ đó, không bao giờ tôi dám hỏi thêm.
“Về chuyện di tản thì anh Bích tôi, theo đài Mẹ Việt Nam di tản tới đảo Phú Quốc, nhiều ngày trước ngày 30 tháng 4. Chúng tôi kẹt lại Saigon, nhiều năm sau mới vượt biên đi thoát.
“Tôi nhớ đâu khoảng một hai ngày trước 30 tháng 4, giữa lúc Saigon cực kỳ hỗn loạn, chúng tôi nhận được một bức thư tay, gửi cho anh Bích, do ai đó đem tới tận nhà. Khi ấy anh Bích tôi đã đi mất tiêu. Cá nhân tôi cũng không hy vọng gì gặp lại anh. Tuy vậy, tôi vẫn thấy trường hợp nào thì cũng nên biết lá thư nói gì. Cuối cùng tôi là người đọc...
“Đó là lá thư của một người đàn bà tên Xuân. Viết rất vắn tắt. Khó hiểu.
“Đại ý lá thư bảo anh Bích tôi ở lại chờ bà ấy. Bởi vì mọi chuyện đã đổi khác.”
Trong lá thư, tôi nhớ có câu:
“‘Đã tới lúc chúng ta có thể sống đời sống thật chứ không còn là giấc mơ nữa.’
“Nhiều năm sau, gặp lại anh Bích ở Mỹ, tôi kể lại câu chuyện và cho anh biết, tôi vượt biên, bị cướp sạch sẽ! Ngay quần áo tôi cũng không còn, nói chi bức thư...
“Anh tôi im lặng. Tôi nghĩ anh thông cảm hoàn cảnh của tôi.
“Nhưng chẳng vì thế mà anh nói với tôi một lời nào, về người đàn bà kia.
“Bởi thế, trước vong linh anh tôi ở đây hôm nay, tôi không dám thêm thắt điều gì... Tôi muốn nói là tôi không biết, có phải đó là người đàn bà trong những bản nhạc của anh tôi hay không!”
Dù cho tới hôm nay, không một ai trong chúng ta có câu trả lời rõ ràng về linh hồn hay nguồn cảm hứng của những tình khúc, như những hạt ngọc mà cố nhạc sĩ Ngọc Bích đã lưu lại cho chúng ta. Nhưng, chúng ta cũng không nên quên rằng, không phải bất cứ một nghệ sĩ nào khi mất đi, cũng để lại cho hậu thế, những món nợ tinh thần to lớn, như trường hợp tác giả “Mộng Chiều Xuân,” Ngọc Bích.
Tôi muốn nói, cách gì, ông cũng đã tận hiến đời ông, cho một Việt Nam. Bất diệt.
Du Tử Lê
(3 tháng 5, 2010)
Chú thích:
(1) Gạch dưới của mấy chữ này do chúng tôi chủ ý thêm vào. (DTL)
- Những nẻo đường văn chương, hội họa... quyết liệt của Võ Công Liêm Du Tử Lê Nhận định
- Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng Du Tử Lê Nhận định
- Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Tuấn Huy Du Tử Lê Nhận định
- Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết Du Tử Lê Phỏng vấn
- Họa Sĩ Phạm Tăng Du Tử Lê Nhận định
- Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình! Du Tử Lê Nhận định
- Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên Du Tử Lê Nhận định
- Lê Lạc Giao - Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Du Tử Lê Nhận định
• Chung quanh chuyện tình bí ẩn một đời của nhạc sĩ Ngọc Bích (Du Tử Lê)
• Ngọc Bích, tác giả bài hát “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” (Du Tử Lê)
Nhạc sĩ Ngọc Bích (Nam Kỳ Lục Tỉnh)
Ngọc Bích: Trở Về Bến Mơ (TV và BH)
Ngọc Bích: Mộng Chiều Xuân (TV và BH)
Ngọc Bích & Xuân Tiên: Chờ Một Kiếp Mai (TV và BH)
Ngọc Bích và tôi (Phạm Duy)
Mộng Chiều Xuân - Tưởng niệm nhạc sĩ Ngọc Bích (Trần Viết Minh-Thanh)
Ngọc Bích và Nhịp Xe Hoàng Hôn
(Quỳnh Giao)
Tiểu sử (wiki)
(Lữ Liên-NgọcBích & Thúy Hương-Thúy Lan)
Du Xuân qua đèo Ba Dội (Duy Nhượng) ((Lữ Liên-NgọcBích & Thúy Hương-Thúy Lan))
Mộng Chiều Xuân (Ca sĩ Cảnh Hàn )
Trở Về Bến Mơ (Ca sĩ Sĩ Phú)
Khúc Nhạc Chiều Mơ (Ca sĩ Mai Hương)
Chờ Một Kiếp Mai (Ca sĩ Trần Thái Hòa)
• Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |