1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Thi Pháp Nhập Môn (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      27-9-2017 | THƠ

      Thi Pháp Nhập Môn

        ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
      Share File.php Share File
          

       


          Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc

      Thơ. Định nghĩa rộng. Thơ là một thể văn có thanh, có vận, ngâm vịnh được.


      Cổ thể và cận thể. Thơ các đời trước làm không theo luật cách nhất định gọi là thơ lối cổ thể.

      Đến đời nhà Đường, Thi học hưng thịnh mới đặt ra tuyệt cú, niêm luật nhất định, gọi là thơ lối cận thể hay Đường luật.


      Các lối thơ. Thơ Đường luật, theo số chữ, có hai lối:


      1. một lối mỗi câu bảy chữ gọi là thất ngôn.

      2. một lối mỗi câu năm chữ gọi là ngũ ngôn.


      Theo số câu, cũng có hai lối:

      1. một lối mỗi bài tám câu gọi là bát cú.

      2. mộtlối mỗi bài bốn câu gọi là tứ tuyệt.


      Các bộ phận bài thơ. Trong một bài thơ bát cú thì:


      Câu thứ nhất gọi là phá đề, nghĩa là mở rộng đầu bài ra.

      Câu thứ hai gọi là thừa đề hoặc gọi nhập đề, nghĩa là nối ý câu phá đề mà đưa hẳn vào bài:

      Hai câu thứ ba và thứ tư gọi là thích thực hay cập trạng, nghĩa là giải cái đầu bài ra cho thực rõ ràng.

      Hai câu thứ năm và thứ sáu gọi là luận, nghĩa là bàn thêm cái ý đã diễn ở hai câu thực ra cho rộng;

      Hai câu thứ bảy và thứ tám gọi là kết, nghĩa là tóm tắt cả đại ý của bài mà đóng bài lại.


      Trong bài thơ tứ tuyệt, tuy không phân rõ phá, thừa, thực, luận, kết, nhưng cũng phải đủ khai, thừa, chuyển, hợp như các lối văn khác.


      Đối. Đối là chữ và câu, cả ý ngụ trong chữ, trong câu đi đôi sánh nhau, phải cho cân xứng bằng nhau.



           Kệ sách Học Xá

      Trong một bài bát cú, thất ngôn hay ngũ ngôn cũng vậy:

      Hai câu thực phải đối nhau,

      Hai câu luận phải đối nhau.

      Trong một bài tứ tuyệt thì:

      hoặc hai câu trên đối nhau,

      hoặc hai câu dưới đối nhau,

      hoặc cả bốn câu đối nhau,

      hoặc cả bốn câu không đối nhau

      cũng được, nhưng phải đi quán một hơi.


      Vần. - Thơ làm phải có vần, nghĩa là thanh âm ở cuối câu phải ứng với nhau.


      Vần thường thường là âm bằng, gián hoặc mời dùng vần trắc mà thôi.


      Lối thơ bát cú, thất ngôn hay ngũ ngôn cũng vậy, thường phải năm vần ở cuối câu thứ nhất, thứ nhì, thứ tư, thứ sáu và thứ tám.


      Lối thơ tứ tuyệt, thất ngôn hay ngũ ngôn cũng vậy, thường phải ba vần ở cuối câu thứ nhất, thứ nhì, và thứ tư.


      Hoặc có khi, thơ bát cú chỉ làm bốn vần, thơ tứ tuyệt chỉ làm hai vần mà thôi. Cái vần bỏ đi được là vần câu đầu bài.


      Luật bằng, trắc. Luật bằng, trắc là cái cách nhất định phải ghép những chữ trong một bài, chữ nào phải làm âm bằng, chữ nào phải làm âm trắc cho có điệu.


      Bằng là những tiếng đầu lưỡi tự nhiên đưa thẳng ra. Trắc là những tiếng, lúc nói phải như ấn nặng đầu lưỡi xuống.


      Muốn biết luật bằng, trắc thì trước kia phải biết đánh vần. Như chữ thi, thì đánh: thì thi bằng, thí thỉ thị trắc, chữ thi thế là bằng. Như chữ tuyển thì đánh: tuyền tuyên bằng, tuyến tuyển tuyện trắc, chữ tuyển thế là trắc.


      Bây giờ, dùng quốc ngữ, thì chỉ nhận dấu cũng đủ. Chữ nào không có dấu, hay đánh dấu huyền (`) thì là bằng: chữ nào đánh dấu sắc (/) dấu nặng (.) dấu hỏi (?) hay dấu ngã (~) thì là trắc.


      Muốn rõ trong một bài những tiếng nào phải bằng, những tiếng nào phải trắc, thì xem mấy cái biểu sau này. Trong biểu, chữ bằng viết tắt là B, chữ trắc viết tắt là T, chữ vần viết tắt là V.



      Những biểu trên là những biểu bát cú. Còn biểu tứ tuyệt không cần phải liệt ra đây. Vì một cái biểu bát cú tức là trong có hệ cái biểu tứ tuyệt. Tứ tuyệt thực chỉ là nửa bài bát cú, hoặc bốn câu trên, hoặc bốn câu dưới, hoặc bốn câu giữa, hoặc hai câu đầuhai câu cuối (Xem các câu phải đối trong tứ tuyệt).


      Những luật bằng, trắc phải theo y như các biểu liệt trên này.


      Tuy vậy, trong một bài bát cú, chữ thứ nhấtchữ thứ ba các câu hoặc không theo đúng luật bằng, trắc cũng được. Người ta gọi thế là: nhất, tam bất luận.


      Một đôi khi, cả chữ thứ năm không theo đúng luật bằng, trắc cũng được. Người ta gọi thế là: ngũ bất luận.


      Còn trong một bài ngũ ngôn, thì chỉ một chữ thứ nhất các câu không theo đúng luật được mà thôi.


            Các lối thơ riêng.


      Ngoài lối thơ bát cú, tứ tuyệt, là những lối chính luật nghiêm trang, còn có những lối thơ khác, ta có thể gọi gồm cả là các lối riêng:


      Liên hoàn. Liên hoàn là lối làm nhiều bài thơ cùng theo đuổi một ý, mà cứ đem câu cuối bài trước xuống làm câu đầu bài sau.


      Tràng thiên hay hành. Tràng thiên hay hành là lối thơ thất ngôn làm quá tám câu hay lối thơ ngũ ngôn làm quá mười sáu câu đã gần như lối ca.


      Hoạ vận. Hoạ vận là lối một người làm một bài xướng lên, một người nữa làm bài khác hoạ lại mà các vần trong bài hoạ phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa hoặc phụ theo cho rộng, hoặc trái hẳn lại.


      Liên ngâm. Liên ngâm là lối nhiều người lần lượt mỗi người ngâm một hay hai câu liền vào cho thành bài thơ.


      Ba lối này làm, là vì một người có nhiều ý diễn trong một bài chưa hết, hoặc vì có hai hay nhiều người muốn cùng ngâm hoạ với nhau.


      Thủ vĩ ngâm. Thủ vĩ ngâm là lối thơ câu cuối bài làm nhắc lại y như câu đầu.


      Song điệp. Song điệp là lối thơ trong mỗi câu có hai chữ đi dịp với nhau.


      Vĩ tam thanh. Vĩ tam thanh là lối thơ ba chữ cuối cùng câu nào cũng đi theo một âm.


      Triết hạ. Triết hạ là lối thơ câu nào làm cũng bỏ lủng như chưa hết, khiến người đọc phải nghĩ ra.


      Thuận nghịch độc. Thuận nghịch độc là lối thơ làm đọc xuôi bài xuống, hay đọc ngược bài lên cũng thành câu, cũng có nghĩa.


      Kể năm lối này, ngoài lối thủ vĩ ngâm, thì bốn lối kia là những lối chỉ vì hiếu kỳ mà làm; ít khi được thực hay. Ba lối dưới là lối riêng của thơ Nôm, chứ thơ Hán không có.


      Liên châu. Liên châu là lối thơ tràng thiên dùng nguyên một vần mà câu nào cũng có vần.


      Cô nhạn xuất quần. Cô nhạn xuất quần là lối trong một bài thơ, vần câu đầu làm khác hẳn, không giống mấy vần dưới.


      Cô nhạn nhập quần. Cô nhạn nhập quần là lối trong một bài thơ, mấy vần trên đi chung với nhau, chỉ một vần câu cuối làm khác hẳn đi.


      Yết hậu. Yết hậu là lối thơ tứ tuyệt ba câu trên thì đủ chữ, còn câu cuối chỉ hạ có một chữ mà thôi.


      Kể bốn lối này mới thực là bốn lối riêng, hoặc vần làm khác, hoặc lối chữ dùng khác.


             Mấy điều kỵ trong thơ.


      Phép làm thơ, có mấy điều tối kỵ không nên phạm đến:


      Thất luật. Trong một bài, những chữ đáng bằng mà làm ra trắc đáng trắc mà làm ra bằng thì gọi là thất luật.


      Thất niêm. Trong một bài, nếu câu trên đang theo luật bằng mà câu dưới làm sang luật trắc, hay câu trên đang theo luật trắc mà câu dưới làm sang luật bằng thì gọi là thất niêm.


      Lạc vận. Khi làm thơ, đang theo vần này mà gieo sai sang vần khác, như vần trên là trời mà vần dưới là mây thì gọi là lạc vận.


      Xuất vận. Khi làm thơ, người ta đã hạn định cho những vần gì, mà mình lại dùng vần khác, thì gọi là xuất vận.


      Trùng vận. Khi trong bài thơ, một vần, câu trên đã dùng rồi, câu dưới lại dùng như thế nữa, thì gọi là trùng vận.


      Cưỡng áp. Khi trong bài thơ, các vần gieo ép uổng, không được hiệp lắm, thì gọi là cưỡng áp


      Khổ độc. Trong một bài thất ngôn, chữ thứ ba các câu chẵn; trong một bài ngũ ngôn, chữ thứ nhất các câu chẵn đáng là chữ bằng mà làm ra chữ trắc, thì gọi là khổ độc (Xem lại nhất tam bất luận).


      Phong yêu hạc tất. Trong thơ thất ngôn chữ thứ tu và chữ thứ bảy; trong thơ ngũ ngôn, chữ thứ hai và chữ thứ năm nếu trùng một âm thì gọi là phong yêu hạc tất.


      Đối không chỉnh. Khi những chữ trong bài thơ phải đối nhau mà chữ nặng chữ nhẹ không được cân, thì gọi là đối không chỉnh.


      Trùng chữ hay trùng ý. Trong một bài thơ chữ này hay ý này đã dùng rồi, mà lại còn dùng lần nữa, thì gọi là trùng chữ hay trùng ý...


              Thơ


      Thơ là cái mối tự lòng người cảm súc với ngoại vật mà phát ra thanh âm.


      Thơ là tiếng nói, là lời ngậm ngùi than thở của người, nhân thấy vật mà dựng nên hình, nhân gặp đề mà ngâm thành vận.


      Thơ là để ngâm vịnh tính tình.

      Thơ là để bày tỏ cái chí của mình.

      Thơ là việc riêng của người phải tự làm lấy, chớ không nương cậy vào ai được.

      Thơ là cái mỹ thuật huyền diệu, thuần tuý, có giá hơn cả các mỹ thuật khác, không ai bán mà cũng chẳng ai mua.


      Thơ là cái kho tinh hoa, là cái thú thanh nhã, không phải người thô bỉ cục cằn, người còn hám danh lợi mà làm được.


      Thơ là cái hành lược của người ta: người cao thượng, thì thơ cao thượng, người thiển lậu thì thơ thiển lậu, không sao che đậy được: thấy thơ tức như là thấy người.


      Thơ là cái hình ảnh của cả nước, thơ thuần chính thì nước tất hưng thịnh, thơ tà dâm thì nước tất suy đồi.


      Thơ là một cách giáo hoá, khuyên răn được đời, sự hay dở, khen chê, thơ đủ dạy được người ta cả.


             Một bài thơ hay.


      Kể một bài thơ thế nào là thực hay, nghĩa là được cả toàn bích, thì vô cùng: sự Hay sự Đẹp thường khì không thể phân tách và ở trên cả sự phê bình. Nhưng đại để một bài thơ hay bất ngoại mấy điều này:


      Thể tài: nghĩa là chữ dùng phải cho sát nghĩa; âm vận phải cho phân minh; câu đặt phải cho chỉnh tề; mạch lạc phải cho liên tiếp; thiên chương phải cho họp chính thức.


      Ký thú: nghĩa là tư tưởng phải cho tự nhiên chẳng nên điêu luyện, cầu kỳ quá: phải cho hồn hậu chớ có khinh bạc, phù phiếm quá; phải cho kỳ ảo không thì là tạp nhạp, nông nổi; phải cho thanh nhã, không thì là thô bỉ quê mùa; phải cho chính mật, thì nó mới không rời rã trống trải; phải cho khoái hoạt, thì nó mới không khô khan đờ đẫn; phải cho hùng kiệt, thì mới có khí lực mạnh mẽ; phải cho thú vị, thì mới khiến người ngâm lấy làm vui thích, răng lợi được như ướp hương thơm, môi lưỡi được như nếm vị ngọt...


      Một bài thơ, chữ khiến tài, câu đặt khéo, ý dụng hay như thế mới là một bài thơ thoát hoá có thể khiến cho người xem biết chịu là hay mà không rõ cái hay ở đâu, khác nào như người thưởng xuân, tới hoa để tìm xuân, mà không biết xuân ở chỗ nào.


              Người làm thơ.


      Tư cách của một người làm được thơ kể ra cũng vô cùng. Nhưng cốt nhất là ở hai điều:


      Một là thừa sư, nghĩa là phải có thầy, có sách học tập luôn mãi, học kim nhiều mà học cổ lại càng phải nhiều;


      Hai là điệu ngộ, nghĩa là phải có thi cốt, thiên tài, đã như tự mình mình hiểu, mình biết làm được thơ, tự trời đã phú cho mình cái tính làm nên thơ.


      Hai điều ấy, thiếu một điều cũng không được. Phải vừa có chân tài lại vừa có thực học, thì làm thơ mới có thể hay được.


      Lúc làm thơ, lại còn phải có hứng thú nghĩa là phải có vật ngoài nó cảm kích mà trong lòng lại thích làm; phải có tính tình nghĩa là phải có chân tâm muốn làm không để cho tư tưởng lạc đi nơi khác; phải cho hoà bình, thì dù vui, cười, giận, mắng, phát ra cũng trúng tiết, cũng thành thơ hồn thuần được...


      Nguyễn Văn Ngọc

      Nguồn: Nam Thi Hợp Tuyển
      Nxb Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội, 2000

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Thi Pháp Nhập Môn Nguyễn Văn Ngọc Biên khảo

      - Mã Viện (tác giả: Vô Danh) Nguyễn Văn Ngọc Thơ

    3. Thơ và bài viết về Thơ (Học Xá)

       

        Thơ và Bài viết về Thơ:

        Cùng Mục (Link)

      Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Gọi Yêu Dấu & Trong Giấc Mơ Nào (Trần Yên Hòa)

      Tản mạn về bài thơ "Lời nguyện của rừng" (Trần Đăng Hồng)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)

      Tưởng Tượng và Hư Cấu Trong Thơ (Ngu Yên)

       

       

        Thơ Dịch:

       (Vietnamese Poetry translated into English)

       

      Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:

       

      Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

      Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)

      Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)

      Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)

      ......

      Huỳnh Sanh Thông dịch:

       

      Thăng Long (Nguyễn Du)

      Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)

      Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)

      Thăng Long Thành Hoài Cổ

       (Bà Huyện Thanh Quan)

      ......

      Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:

       

      Cùng khổ (Bùi Chát)

      Hoa sữa (Bùi Chát)

      Bài thơ một vần (Bùi Chát)

      ......

      Các tác giả khác dịch:

       

      Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)

      Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)

      Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)

      ......

       

       

        Thơ Cổ:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )

      Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)

      Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)

      Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)

      Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)


      Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)

      Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

        Thơ Tuyển:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)


       

        Trang Thơ các Tác Giả:

       

       

        DANH NGÔN (Proverbs)

       

         • Chí Khí

         • Xử Thế

       

        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

       

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)