|
Duy Lam(..1932-4.2.2021) | Nguyễn Vỹ(.0.1910-4.2.1971) |
… Diễn giả vừa dứt câu, tràng pháo tay vang lên. Diễn giả ngưng nói, hơi mỉm cười, nhưng ánh mắt vẫn còn vương buồn, nhìn quanh hội trường, tiếp: “… Kể từ tháng Tư năm 1975 đến nay, ngoài những tai tiếng như băng đảng, gian lận bảo hiểm, khai man để hưởng trợ cấp xã hội, v. v… tập thể Việt-Nam tỵ nạn cũng đã tạo được nhiều thành quả lớn lao như nuôi dạy và tạo dựng không biết bao nhiêu nhân tài; như hỗ trợ chương trình cứu người vượt biển; như giúp đỡ vật chất và an ủi tinh thần những người tỵ nạn tại các đảo; như tiếp nhận và trợ giúp từng loạt H.O. và O.D.P., v.v…
Trong tất cả mọi hoạt động nhân đạo để hàn gắn những đau thương của cuộc chiến, dường như tập thể Việt-Nam tỵ nạn chưa phát động được phương thức cứu trợ những người đã đích thực góp máu và một phần của cơ thể của họ để giữ vững miền Nam Việt-Nam trong hơn hai thập niên.
Kính thưa quý vị, những người mà tôi đề cập chính là Thương-Binh V.N.C.H. Quý vị đã xúc động mãnh liệt khi thấy hình ảnh những đoàn cựu sĩ quan Q.L./V.N.C.H. bị Việt-Cộng bắt lao động khổ sai trong các trại cải tạo. Quý vị cũng đã phẫn nộ khi thấy những người tỵ nạn còn kẹt tại đảo bị bắt đưa lên máy bay để ép buộc trở về Việt-Nam. Vậy, quý vị nghĩ gì khi những người bị chiến tranh đoạt mất một phần cơ thể, nay đã trở thành những kẻ ăn xin ngay trên chính phần đất mà máu và một phần thịt xương của họ đã bồi đắp?
Đến đây, tôi nghĩ, có vị sẽ nghĩ rằng chiến tranh đã chấm dứt từ lâu rồi, khơi dậy làm chi nữa! Tôi xin thưa, cứu đói Thương-Binh V.N.C.H. trong lúc này không phải là khơi dậy những đau thương của cuộc chiến mà chính là quý vị đang xoa dịu nỗi đau, đang hàn gắn phần nào những tan tác, đang chia xẻ phần nào những tệ hại còn sót lại sau cuộc chiến.
Nếu mỗi lần, sau khi chào Quốc Kỳ, hát Quốc Ca, quý vị dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã bỏ mình vì nước, đã liều chết tìm Tự Do, thì, mỗi bữa ăn, xin quý vị hãy nghĩ đến những người đã hy sinh một phần thân thể trong cuộc chiến để chúng ta được sống trọn tuổi thơ, được cắp sách đến trường, được sum vầy với Cha Mẹ và gia đình. Và ngày nay, với cơ thể lành lặn, chúng ta được sống đầy đủ dưới bầu trời Tự Do, còn những kẻ bất hạnh ấy đang khốn khổ và bị hất hủi bên quê nhà.
Kính thưa quý vị, Việt-Nam là quê hương của chúng ta. Suốt hơn mấy thập niên qua, tập thể Việt-Nam tỵ nạn đã đóng góp vào đất nước ấy bao nhiêu tiền của rồi? Thế tại sao khi chúng ta về thăm quê hương, chúng ta phải hối lộ, phải đút lót cổng này năm mươi đô-la, cửa kia ba mươi đô-la, phòng nọ hai mươi đô-la, v.v…thì mọi việc mới êm xuôi để chúng ta rời phi trường? Trong khi đó, đối với những người đã hy sinh một phần cơ thể cho chúng ta được sống toàn vẹn, tại sao chúng ta nỡ để họ đói rách và tủi buồn bên cuối trời quên lãng?
Ngày xưa, Pháp đô hộ Việt-Nam, nhưng hình ảnh anh Thương Binh lại nên thơ như trong bài Ngày Trở Về của Phạm-Duy: ‘Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre. Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về. Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ… Ngày trở về có anh thương binh chống nạn cày bừa, vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ…’ Bây giờ, anh Thương Binh V.N.C.H. không thể ‘bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre’, vì anh Thương Binh đang lê lết tấm thân tàn trên hè phố, trong nhà lồng chợ, trước các tiệm ăn hoặc bên những đống rác đầy ruồi bọ để kiếm ăn! Miếng cơm của anh Thương Binh bây giờ không phải là ‘nắm cơm ngon’ mà là vũng cơm thừa! Anh Thương-Phế-Binh đã ăn cơm thừa, uống nước vũng thì làm thế nào Anh có được ‘con trâu xanh’ để nó ‘hết long giúp đỡ’? Người Mẹ của anh Thương Binh cũng không ‘lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ!’, vì người Mẹ của Anh đã chết tại một vùng kinh tế mới khô cằn nào đó!
Kính thưa quý vị, nỗi đau của Thương-Binh V.N.C.H., tôi nghĩ, tôi chỉ có thể cảm nhận chứ tôi không đủ ngôn từ để diễn đạt. Nhưng tôi tin tưởng rằng, nếu ai đã từng chứng kiến thảm cảnh của Thương-Binh V.N.C.H. khi các Anh bị Cộng Sản Việt Nam – sau khi cưỡng chiếm miền Nam – đuổi ra khỏi các quân y viện miền Nam, các Anh phải bò lê lết trên những con đường quanh bệnh viện; và sau đó những Thương-Binh này phải lây lất xin ăn hoặc moi rác để kiếm miếng ăn, thì không ai là người không hướng tâm về những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tương tàn ấy cả!
Chúng ta, tập thể Việt-Nam tỵ nạn, vì tình cốt nhục, đã đổ mồ hôi, bán sức lao động để giúp đỡ gia đình, thân quyến và bạn hữu bên nhà. Chúng ta vì lòng nhân, đã dè xẻn gửi về biếu Thây Cô từng gói quà nhân nghĩa. Chúng ta cũng không quên cứu giúp nạn nhân bị dịch tả hoành hành trong trại tỵ nạn bên Phi-Châu; vậy, trước tình cảnh nát lòng của tập thể Thương-Binh V.N.C.H., chúng tôi tha thiết xin quý vị – những người may mắn còn lành lặn sau cuộc chiến và quý vị thuộc các ngành Nha-Y-Dược, Cục Quân-Y Q.L/V.N.C.H. –những người đã hơn một lần hàn gắn những tàn tích ghê rợn của chiến tranh trên cơ thể các Thương-Binh này, hãy nghiêng xuống để tình thương lênh láng từ trái tim đầy rung cảm của quý vị, một lần nữa, nhểu từng giọt nồng, làm ấm lại những tâm hồn vỡ vụn đang bị dòng đời quên lãng!...”
Từ hàng ghế thứ năm bên trái khán đài, như không nén được nỗi đau trong hồn lâu hơn nữa, Mạnh hơi khom người đứng lên, đi ra ngoài.
Bên ngoài, không khí oi nồng của mùa Hạ như hắt từng cơn nóng hừng hực vào làng da sạm nắng trên khuôn mặt xương xương của Mạnh. Mạnh thở dài, chưa biết phải làm gì để những lời đầy xúc cảm của diễn giả bớt ảnh hưởng vào tâm lý của chàng. Mạnh rút điếu thuốc, xoay người vào tường, bật hộp quẹt mồi lửa. Vừa bập bập điếu thuốc Mạnh vừa bước dọc theo con đường chính trong lòng phố thưa người của một chiều Chủ Nhật.
Từ nhỏ, Mạnh thường nghĩ chàng rất “chì”, không bao giờ bị tình cảm chi phối. Vậy mà sau khi vượt biển sang Mỹ, mỗi lần nghe nhạc Việt-Nam chàng chịu không nổi, cứ phải tắt đi, hoặc bỏ đi chỗ khác. Chiều nay, khi nghe diễn giả khơi dậy niềm đau của chính chàng và những quân nhân cùng cảnh ngộ, Mạnh cũng phải bỏ đi như trốn chạy. Mạnh nghĩ, nỗi đau của những người như chàng không những chỉ ở phần cơ thể bị cắt xén mà còn do những “bất hạnh giây chuyền” tạo ra. Thật vậy! Không gì đau đớn cho bằng khi tâm trí mình còn sáng suốt, trái tim còn dạt dào yêu thương mà đành thụ động nhìn những người thân yêu nhất trong đời mình từ từ tìm cách xa lìa mình!
Mạnh nghiệm ra rằng, không những chiến tranh đã hủy hoại một phần thân xác của chàng mà chiến tranh còn khiến cho tâm hồn chàng yếu đuối lạ lùng! Chính vì mang tâm hồn quá nhạy cảm, nhiều khi không chống nổi sự cô đơn, Mạnh chìm vào cơn say để quên đi nỗi đau thầm kín của chàng!
Nỗi đau của Mạnh khơi nguồn từ ngày mà những người trai miền Nam miệt mài trong cuộc chiến do Bắc quân chủ xướng đều mong đợi. Đó là ngày đình chiến 27-01-1973. Mạnh và đồng đội đều hiểu hiệp định ngưng bắn “da beo” là phi lý, đầy áp lực đối với quân nhân miền Nam và chỉ có lợi cho “phía bên kia”; nhưng dù sao, trong một thời gian, cũng giảm thiểu số thương vong cho cả hai phía.
Đối với đa số quân nhân miền Nam khi xung trận, tâm trạng của họ như thế nào Mạnh không thể hiểu được. Nhưng riêng Mạnh, chàng xã thân ngoài trận địa do bổn phận và trách nhiệm thôi thúc chứ không phải được hun đúc bằng lòng thù hận như Bắc quân, khắc vào người “sinh Bắc tử Nam” hay là gào lên mỗi khi chào cờ “thề phanh thây uống máu quân thù”! (1) Sở dĩ Mạnh không nuôi lòng thù hận những người bên kia chiến tuyến vì, Mạnh nghĩ, trong đoàn quân xâm lăng từ phương Bắc thế nào cũng có Tuất – đứa em duy nhất mà Mạnh đã lìa xa khi Mạnh còn mang “tên cúng cơm” là Mùi.
Mùi nhớ rõ, năm ấy, Mùi đã khóc sưng cả mắt nhưng Mợ – Mẹ của Mùi và Tuất – vẫn quyết định ở lại vì Mợ ngại ông bà Nội và ông bà Ngoại không biết nương tựa vào ai lúc tuổi già! Lý do Thân – Bố của Mùi và Tuất – để Tuất ở lại vì ông bà Nội sợ sau khi Ông Bà mất không ai để tang, không ai nhan khói!
Từ ngày rời Hải-Phòng đến ngày hưu chiến cũng gần hai mươi năm, Mạnh không biết ông bà Nội, ông bà Ngoại còn sống hay đã về tiên cảnh và Tuất có được dịp chít vành khăn tang cho Ông Bà hay không; nhưng Mạnh biết chắc chắn một điều là không thể nào Tuất được ở lại làng để lo nhang khói cho Ông Bà, vì ngoài Bắc không có đạo luật như miền Nam: Miễn dịch cho những người con trai duy nhất còn lại trong gia đình. Mạnh nghĩ, Tuất, hoặc đã chết trên đường mòn Hồ-Chí-Minh, hoặc đang có mặt trong đoàn quân vượt vùng phi quân sự để đến bờ sông Thạch-Hãn này. Vì nghĩ như vậy, cho nên, mỗi khi lính bắt được tù binh, Mạnh thầm mong tù binh là Tuất để Mạnh biết Tuất còn sống và có ngày Tuất sẽ được trao đổi tù binh chiến tranh. Cũng có khi Mạnh mong tù binh không phải là Tuất để Mạnh tránh được cảnh đau lòng khi thấy đứa em vào tù mà chàng không thể can thiệp. Nghĩ quanh quẩn một lúc, Mạnh cười lớn; bởi vì, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, làm thế nào Mạnh có thể nhận diện được Tuất khi mà anh em xa nhau đến ngần ấy thời gian!
Bây giờ sắp ngưng chiến, lòng Mạnh cũng tạm yên, bớt áy náy, đỡ bức rứt về đứa em không cùng chiến tuyến. Mạnh ngã người vào ba-lô, lấy gói quân tiếp vụ muốn mồi một điếu, nhưng Mạnh nghe hiệu thính viên gọi nhỏ:
-Ông Thầy!
Mạnh hơi nhổm lên và thấy hiệu thính viên đang lom khom đến gần, thì thầm:
-Đại bàng trên máy, ông Thầy.
Mạnh ấn nhanh gói thuốc vào lại túi quần, chụp ống liên hợp:
-Đại bàng, đây Metro.
Tiếng đầu giây bên kia:
-Giờ ‘nghỉ chơi’ sắp điểm. Kiểm soát ‘con cái’ của toa cẩn thận. Đề cao cảnh giác và tuyệt đối tuân hành lệnh ‘nghỉ chơi’.
-Nhận năm, Đại bàng.
Mạnh chuyển sang tầng số nội bộ và truyền lệnh đến từng tiểu đơn vị.
Lệnh ngưng bắn chỉ vừa truyền đi trên đài phát thanh được vài phút, Mạnh nghe nhiều tiếng reo hò, rồi một giọng Bắc nghe rất rõ:
-Ngưng bắn dzồi, anh em ơi!
Câu ấy được lập đi lập lại từ nhiều hướng khác nhau khiến Mạnh nhận định được rằng đơn vị của chàng đang ở vào thế “cài răng lược” với đơn vị địch. Mạnh rất yên lòng, vì “con cái” của chàng đều im lặng, giữ nguyên vị trí.
Không gian quanh bờ sông trở lại tịch mịch, đầy căn thẳng và hồi hộp. Bỗng một giọng Bắc lại vang lên:
-Các anh Quốc-Gia ơi! Ngưng bắn d…z…ồ…i… Thích quá!
Đơn vị của Mạnh vẫn im lặng. Một lúc sau lại có tiếng từ hướng khác:
-Các anh Quốc-Gia ơi! Thèm thuốc quá! Cho một điếu.
Sau nhiều lần lập đi lập lại những câu ấy mà cũng vẫn không được đơn vị “Ngụy” đáp ứng, Bắc quân im lặng.
Sáng sớm hôm sau, những lời kêu gọi như lúc khuya lại vang lên. Bất ngờ Mạnh nghe giọng Nam, sắc và gọn: “Đứng lại!” Mạnh chụp ống liên hợp, chưa kịp bấm nút để liên lạc kiểm soát tình hình thì đã thấy – cao khỏi những đọt tranh còn lóng lánh sương mai – lố nhố nhiều nón cối! Ngay tức khắc, Mạnh và hiệu thính viên chụp vũ khí cá nhân. Vừa khi ấy Mạnh nghe nhiều tiếng “đứng lại!” vang lên từ nhiều phía. Mạnh đứng bật dậy.
Thấy Mạnh đứng lên, cả đơn vị của Mạnh cũng đứng lên, sẵn sàng trong tư thế cận chiến. Nhưng, đồng loạt, Bắc quân đưa cao tay vẫy vẫy:
-Ngưng bắn dzồi. Anh em cả. Chúng tôi đâu có khí giới đâu. Đói và thèm thuốc quá, các anh ủng hộ tý.
Những người lính miền Nam chất phát, đưa mắt nhìn nhau, khó xử. Bắc quân vừa từ từ bước đến gần vừa cười cười:
-Các anh biết không? Mấy hôm nay đói meo, mỗi ‘nần’ các anh ăn, mùi đồ hộp thơm ‘nừng’, tụi này thèm quá!
Thấy quả thật địch quân không mang súng, người lính miền Nam cả tin, hạ nòng súng, ùa đến bắt tay Bắc quân.
Sau vài phút vui mừng, lính miền Nam lấy thức ăn và thuốc hút trong ba-lô tặng lính miền Bắc. Lính miền Bắc cười tở mở rồi “hồ hởi” khui, ăn ngay tại chỗ. Có người hút hết điếu quân tiếp vụ do lính miền Nam tặng rồi mới thong thả khui thức ăn, ăn. Vừa ăn lính miền Bắc vừa nhìn từng đôi giày “sô” sờn gót, từng chiếc đồng hồ cũ kỷ hoặc cặp kính mát được dắt hờ vào túi áo rằn ri của người lính Thủy-Quân Lục-Chiến rồi trầm trồ một cách thèm thuồng:
-Ôi Giời! Đồ đạc của các anh hiện đại quá! Cho sờ tý.
Lúc này người lính miền Bắc trông ngây ngô, vui thích và hiền lành như đàn cừu vừa tìm được cánh đồng cỏ non.
Bất ngờ một tiếng “sát!” vang lên! Nhanh và “ăn khớp” nhau như đã thực tập nhuần nhuyển, những con cừu hiền lành ấy bỗng biến thành đàn hổ đói vừa ngửi được mùi thịt tươi! Bắc quân phùng mang, trợn mắt, vung dao găm, đâm túi bụi vào chính những người vừa cho chúng ăn! Nhiều thây người gục xuống. Mũ xanh, nón sắt rơi ơ hờ cạnh gốc tranh câm nín. Máu đỏ vẽ thêm những đường kỷ hà trên quân phục rằn ri!
Vài tiếng súng rời rạc vang lên trước khi Mạnh đủ sức quay sang hiệu thính viên, có ý dùng ống liên hợp ra lệnh đừng bắn. Một tay ôm vết thương nơi lồng ngực bên trái, một tay Mạnh cố sức hất thân người của hiệu thính viên sang một bên để Mạnh xử dụng máy truyền tin.
Vừa khi ấy, một anh nón cối chạy ngang qua. Nghe tiếng máy truyền tin rè rè, rẹt rẹt, anh nón cối dừng lại. Thấy Mạnh nằm nghiêng, đang áp tai vào ống liên hợp trong tư thế liên lạc, anh nón cối hươi dao găm lên, muốn đâm vào lưng của Mạnh. Nhưng, bất ngờ Mạnh quay người, ngẫng lên, ánh mắt đầy thảng thốt. Khi ấy anh nón cối cũng vừa thấy trên vai của Mạnh mỗi bên hai gạch trắng lớn dính sát vào một vòng tròn nhỏ cũng màu trắng và một vùng máu đỏ đang nhuộm thắm phần trên của túi áo, nơi có bảng tên Nguyễn Văn Mạnh.
Lần đầu tiên trực diện với sĩ quan “Ngụy”, anh nón cối hơi lúng túng. Nhưng thấy Mạnh bị thương, anh nón cối lấy lại bình tĩnh ngay. Anh nón cối đá ngược vào mặt Mạnh làm Mạnh bật ngửa ra sau. Ngay lúc đó anh nón cối đâm vào vùng bụng dưới của Mạnh và tiện tay, hắn xoay lưỡi dao!
Mạnh quặn người, nghiến răng, dồn hết tàn lực vào đôi tay, chụp cánh tay của anh nón cối, bóp chặt. Anh nón cối bậm bờ môi thâm sì, dùng tay trái trợ lực, ấn dao găm sâu xuống, sâu xuống nữa! Trong nỗi đau tột cùng, Mạnh nhìn anh nón cối bằng ánh mắt ngỡ ngàng đến khó hiểu rồi buông tay, khép mắt!