1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Năm Này Tôi Bằng Tuổi Ba Tôi (Phan Nhiên Hạo) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      2005 | TRUYỆN

      Năm Này Tôi Bằng Tuổi Ba Tôi

        PHAN NHIÊN HẠO
      Share File.php Share File
          

       

      1.


      Một buổi chiều tháng 3 năm 1975. Phi trường Kontum loang lổ cháy, đám cỏ khô dưới chân úa vàng, mặt trời đỏ bầm đang lặn xuống sau núi. Tiếng pháo kích vẫn tiếp tục nổ rất gần. Tôi có một con dế than trong vỏ hộp quẹt. Con dế duy nhất còn lại sau những trận thư hung với dế của lũ trẻ trong cư xá. Tôi mở hộp, thả con dế xuống đám cỏ khô. Mặt đất đã bắt đầu tối, chỉ một chớp mắt, con dế lẫn mất. Nhiều năm sau tôi thường tự hỏi tại sao tôi đã hành động như vậy vào lúc đó. Có lẽ tôi đã linh cảm sự chấm dứt tuổi thơ và những ngày khổ đau phía trước, và vì vậy đã thôi không muốn cầm tù một con dế nhỏ. 


      Ba tôi trong buổi chiều ảm đạm đó là một hình ảnh vừa rõ ràng vừa nhập nhoạng trong trí nhớ tôi. Ông mặc quân phục thẳng nếp, dáng điệu bình tĩnh nhưng buồn rầu. Mọi người đều hoang mang và vội vã. Rồi mẹ và ba anh em tôi lên máy bay, chỉ với một chiếc valise. Hai em của tôi còn quá nhỏ và chắc chúng đã chẳng nghĩ ngợi gì. Cả tôi cũng vậy.


      Tôi chỉ linh cảm một điều gì không giống những cuộc chia tay trước đó, khi anh em chúng tôi bay về nhà ông bà nội ở Đà Nẵng những kỳ nghỉ hè. Chiếc phi cơ quân sự bốc lên cao, tôi còn nhìn thấy những đốm lửa cháy đỏ cuối đường phi đạo.


      Tôi không nhớ ba tôi có nói những lời cuối cùng nào với tôi lúc đó, tôi đã có ôm hôn từ biệt ông không. Ông đã dặn dò gì mẹ tôi. Chúng tôi đi. Ông ở lại, rút lui theo đoàn quân ra khỏi cao nguyên, bị chặn đánh và bắn chết trong một cánh rừng gần đèo Mang Giang.


      Một cuộc rút quân kinh hoàng và đẫm máu. Đó là tất cả những gì gia đình tôi biết được từ những lời kể lụn vụn, những phỏng đoán và suy luận từ nhiều nguồn tin khác nhau sau nhiều năm chờ đợi. Không có ai chứng kiến những giây phút cuối cùng của ba tôi. Tôi luôn hình dung ông chết vào buổi tối. Một cái chết chậm chậm, đau đớn vì những vết thương mất máu. Chúng tôi không bao giờ tìm thấy xác ông.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      2.


      Tôi đã lớn lên trong nỗi chờ đợi đăng đẳng và tiếng khóc thầm lặng của mẹ tôi. Một người không bao giờ thôi chờ đợi và hy vọng. Rồi tôi cũng lớn lên. Tôi tưởng tôi đã quên. Tôi tưởng chiến tranh không đụng chạm gì đến tôi. Tôi đã không đánh nhau và tôi cũng đã không bị tù đày. Nhưng ba tôi thì đã bị bắn chết vào những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Một ngườI đàn ông nho nhã, đọc tạp chí Văn, thẳng thắn và tận tụy với công việc.


      Ông đã từng đặt tôi lên bàn tiệc để tôi đọc thơ, giữa những người bạn bắt đầu ngà ngà của ông. Những câu thơ chú tôi dạy, tôi không biết tác giả: “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa. Khi mùa đông rớt xuống vai người. Chiếc lá vàng khô chết hồn vui…”, Ông đi vớt từng con lăng quăng cho tôi nuôi cá, dẫn tôi ra bờ sông Dakla chỉ cho thấy cây lúa, để lần đầu tiên tôi biết lúa và gạo không phải là hai loại khác nhau.


      Chúng tôi đã từng sống ở đồn Mangbuk, trong căn phòng xây ngầm dưới đất. Buổi chiều những người phía bên kia chĩa loa vào kêu đích danh tên ba tôi. Lính của ông trả lời họ bằng những phát đại bác. Không có đường bộ tiếp tế vào Mangbuk. Sân bay phía trước đồn lót bằng những tấm gỉ sắt dã chiến bốc đỏ bụi mù vào những ngày khô. Một người lính làm việc trên bãi đáp bị cánh quạt máy bay chém đứt đầu. Bụi mù đã khiến ông bước thẳng đến cánh quạt trong khi cố gắng nhặt lại chiếc mũ bị gió thổi bay. Tôi gọi ông là chú Tùng. Ba tôi nói những người lính trong đồn đã dùng xôi nếp ráp đầu chú Tùng vào người lúc khâm liệm.


      Khi chúng tôi dọn về ở trong thị xã Kontum, chúng tôi cũng có một hầm nổi đắp bằng bao cát như tất cả những nhà khác trong cư xá sĩ quan. Tôi đã từng thấy trực thăng Chinook cẩu những quan tài kẽm trắng bạc lủng lẳng bay ngang nhà. Tôi chưa từng thấy tận mắt người chết. Sự thật thì tôi không bao giờ dám đến nhìn những người bị xe cán như những đứa trẻ khác. Tôi sợ thấy máu.


      Nhưng tôi biết thế nào là sự mất mát mà cái chết mang lại cho những ngườI sống. Những người bạn của ba tôi bỗng lâu không thấy đến nhà, rồi thì ba tôi nói họ đã tử trận. Một ngườI em gái của ba tôi không bao giờ lấy chồng sau khi người yêu của cô, một sĩ quan trẻ, chết vì xe cán phải mìn.

      Cái chết đối với tôi là sự vắng mặt vĩnh viễn của những người thân, không phải những con số trên giấy tờ, không phải mô tả tiểu thuyết hay tưởng tượng thơ ca. Tôi không can dự vào chiến tranh, nhưng cũng giống như nhiều người Việt Nam khác, chiến tranh đã can dự đến tôi.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      3.


      Trong nhiều năm trời sau 1975, người ta đã dạy những đứa trẻ như tôi cách nhục mạ cha mẹ chúng. Người ta muốn trong trí óc tôi, ba tôi chỉ là một phần tử của cái tập hợp những kẻ bại trận. Ông chỉ là một con số trong tổng số những địch quân bị tiêu diệt. Và bằng cách đó, người ta muốn những đứa trẻ như tôi nhìn cuộc chiến tranh vớI con mắt biện chứng ráo hoảnh như thể cái chết của cha mẹ chúng là một tất yếu lịch sử. Người ta không chịu hiểu rằng chẳng có một tất yếu lịch sử nào hàn gắn được những đổ vỡ trong lòng một đứa trẻ đã bị cướp mất tuổi thơ.

      Tôi biết tôi không phải là trường hợp duy nhất. Tôi biết có hàng trăm ngàn, có lẽ cả triệu những đứa trẻ miền Nam sớm mồ côi cha như tôi. Một thế hệ lớn lên trong những xung đột không ngừng giữa cố gắng lãng quên và các ám ảnh ký ức, giữa sự kinh tởm chiến tranh và tinh thần bạo động, giữa ý muốn tha thứ và lòng căm thù.


      Trong nhiều năm tôi cũng đã tự dạy tôi quên lãng. Nhưng tôi vẫn thường mơ thấy ba tôi. Người ta nói mơ thấy một ngườI thân bị mất tích mà người đó không nói cười gì trong giấc mơ thì đó là một ngườI đã chết. Khi còn nhỏ mỗi lần tôi mơ thấy ba, mẹ đều gặng hỏI xem ba tôi có nói cười gì trong giấc mơ không. Bao giờ tôi cũng nói có.


      Sự thật thì trong những giấc mơ, ba tôi là một người rất trầm lặng, vẻ mặt buồn rầu. Một người mà ngay cả trong những giấc mơ tôi cũng biết là đã ở quá xa, và không bao giờ còn trở về với anh em chúng tôi nữa.


      Chúng tôi còn giữ vài tấm hình cũ của ông, nhưng khuôn mặt trong những tấm hình đó không có gì giống với ngườI đàn ông trong những giấc mơ tôi, nơi ông có vẻ là một biểu tượng hơn là một con người thật.


      Sau cái chết của ba tôi, tôi đã không bao giờ còn tin vào một hạnh phúc vẹn toàn.

      Tôi luôn nhìn thấy cái kết thúc buồn bã ngay cả trong những giờ phút tươi sáng nhất, giống như cái kết thúc của tuổi thơ tôi ở phi trường Kontum một buổi chiều tháng 3 năm 1975.


      4.


      Ba tôi mất khi ông mới 35 tuổi. Ông đã hành động như tất cả những người đàn ông đàng hoàng và có trách nhiệm trong thời buổi ông cần phải làm. Một người đàn ông thời chiến vẹn toàn. Bây giờ tôi đã bằng tuổi ba tôi. Ông không còn sống để cùng tôi già, nhưng tôi sẽ không bỏ ông lại sau lưng. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn còn nằm mơ thấy ba tôi. Ông không chỉ là người đã sinh ra tôi mà còn là dấu ấn của chiến tranh và những mất mát tôi mang theo suốt đời. 


      Tôi luôn hãnh diện về ba tôi, cho dù lịch sử đã phản bội ông.


      Phan Nhiên Hạo

      (Hợp Lưu số 75, tháng 2&3/2004)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022
      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Phan Nhiên Hạo phỏng vấn Hồ Đình Nghiêm Phan Nhiên Hạo Phỏng vấn

      - Năm Này Tôi Bằng Tuổi Ba Tôi Phan Nhiên Hạo Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’ (Hoàng Thị Tố Lang)

      Pho Tượng Chac-Mool (Trần Hồng Văn)

      Ông Giáo Sư Dạy Sử (Vương Mộng Long)

      Người Tù Binh Trở Về (Thảo Ca)

      Đêm Đình Chiến (Vũ Thất)

      Chuyện nàng Feridah Challoner (Trần Hồng Văn)

      Bắn chậm thì chết (Lê Hữu)

      Mua bán lạc xoong (Trần Yên Hòa)

      Căn Nhà (Trần Hồng Văn)

      Dáng Mỏng (Trần Yên Hòa)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)