|
Duyên Anh(16.8.1935-6.2.1997) |
Tác giả: Gideon Telpaz đậu cao học văn chương tại Hebrew University. Ông chuyên viết truyện dài, truyện ngắn, kịch bản và phê bình văn học. Năm tuyển tập truyện ngắn đã được xuất bản. Ông từng đoạt các giải thưởng Acum Prize, Anna Frank Prize, Valenrod Prize và giải nhất về kịch bản vào năm 1967 do hội đồng văn chương và kịch nghệ Do Thái trao tặng.
Vào lúc 7 giờ 45 phút sáng, ánh nắng ban mai chiếu xuống cửa sổ bệnh viện với những tia sáng vàng tươi. Sau khi đậu chiếc xe vào chỗ dành riêng, Dương Văn Hiếu, viên y sĩ bước ra khỏi xe. Một tràng tiếng vang o o từ xa vọng lại, ông ta ngừng chân trên con đường trải sỏi và nhìn lên bầu trời. Sương ban mai còn hờ hững treo trên những ngọn núi phía xa và bầu trời hoàn toàn trong sáng. Cuối cùng ông ta nhận ra tiếng vang trên chỉ là tiếng động của chiếc máy trộn xi măng nơi cánh mới của bệnh viện đang được xây cất thêm.
Dương Hiếu băng qua sân cỏ, đi vào cửa đối diện với phòng cấp cứu rồi xuống cầu thang vào phòng thay quần áo. Cảm giác lành lạnh của chiếc áo xanh mặc bên trong làm ông thấy thoải mái. Khoác vội chiếc áo choàng trắng ra ngoài, ông bước ra phía cầu thang máy để lên lầu thứ năm. Tại khu y tá làm việc, một cô y tá trẻ đang cắm cúi trên cuốn sổ dầy, lọn tóc sau gáy được buộc bằng một sợi dây cao su, tay áo cuộn cao khỏi khuỷu tay, đôi môi dày mọng đỏ.
Mắt chăm chú nhìn vào biểu đồ báo cáo hàng đêm, viên y sĩ nói với cô:
- Nói cho tôi biết tại sao chưa có chàng nào bắt cóc đi vậy, cô Nga?
- Tại sao phải vậy, thưa bác sĩ? - Cô y tá chúm môi ngửng lên nhìn ông.
Ông nhìn chăm chăm vào mắt cô:
- Vẫn mơ mộng vì yêu đương à?
- Ai mà chả vậy.
- Yêu đương là một căn bệnh, giống như bệnh của loài sò vậy.
- Chữa bệnh là nghề của tôi mà, thưa bác sĩ.
Cánh cửa phòng bên cạnh bật mở. Trên những chiếc giường trắng toát, những bệnh nhân đang ăn điểm tâm. Một luồng gió nhẹ thổi qua các cửa sổ mang theo hơi hướng núi rừng. Viên y sĩ nhắm mắt lại, hít một hơi dài không khí trong lành buổi sáng sớm. Khi ông mở mắt ra thì thấy bác sĩ Phương đang đi lại phía mình.
- A, ông đã ở đây rồi, tôi tìm hoài ở dưới nhà mà không thấy. Đừng nói với tôi là ông chưa nghe tin tức mới nhất nhé. Báo động đỏ.
Đầu óc như tê dại, ông nhìn qua cửa sổ. Bầu trời vẫn trong xanh nhưng không khí hầu như đặc quánh và rung động. Một chiếc máy bay trực thăng thoáng hiện ở một chân trời.
Phương nói tiếp:
- Họ xếp tôi với ông vào cùng một toán. Ông có xuống dưới bây giờ không?
Ông lắc đầu, Phương nhướng mắt nhìn, môi mấp máy định nói gì rồi bước đi về phía thang máy. Khi Phương đã đi khuất, ông bước vào phòng dành cho bác sĩ và đóng cửa lại. Qua khung cửa sổ, các tế bào mắt bắt đầu phân biệt màu sắc cảnh vật: màu xám nhạt của các cây olive và cây thông trên các trườn dốc, màu xám tro của bãi đất, màu đen sậm của con đường trải nhựa chạy vòng qua ngọn đồi phía dưới tu viện. Phía xa, lớp sương phủ trên các ngọn núi đã tan và đỉnh đã hiện lên rõ. Từ hướng đông, một chiếc trực thăng xuất hiện trên nền trời xanh nhạt, chiếc bóng trườn chạy nhấp nhô qua những ngọn đồi, tiếng máy rầm rầm rì rì vọng lại qua các rặng núi. Rồi một lúc sau, nó hạ dần xuống sân bệnh viện. Những cánh quạt to lớn tiếp tục quay tròn như muốn cắt khoảng không khí ra thành những lát mỏng. Ba chiếc xe cấp cứu phóng vội ra, các sinh viên tập sự khiêng cáng phóng xuống, chạy rạp dưới làn không khí cuồng loạn. Khi các thương bệnh binh đã được chuyển hết ra khỏi chiếc trực thăng, những chiếc xe lần lượt lăn bánh về phía phòng cấp cứu thì chiếc trực thăng từ từ cất lên khỏi mặt đất, nó lượn một vòng trên khu bệnh viện rồi bay trở lại về phía hướng đông, sau cùng mờ dần, chỉ còn để lại trên nền trời một hình bóng nhỏ như một con chim, con châu chấu, một con ong, một con ruồi, rồi cuối cùng biến mất hẳn sau rặng núi.
Viên y sĩ rời khỏi khung cửa sổ đi trở về khu y tá. Cô y tá Nga đứng bất động đang chăm chú nghe bản tin phát ra từ chiếc máy phát thanh nhỏ để trên bàn, một cuộc hành quân đại quy mô đã thực hiện vào buổi sáng nay với mục đích tiêu diệt những căn cứ quân khủng bố dọc theo khu phi quân sự. Cô ta tắt chiếc máy phát thanh rồi quay sang nói với ông:
- Chiến tranh chẳng bao giờ chấm dứt, phải không bác sĩ? Bên nào sẽ thắng cuộc chiến này?
Cô ta không cười nữa, giọng nói run run đầy lo lắng.
Viên y sĩ bước vào thang máy đi xuống từng lầu trệt. Phòng cấp cứu giờ đây nhộn nhịp hẳn lên. Trên tấm bảng thông cáo, vài miếng giấy mới đã được gắn lên. Phương nói đúng: cùng một toán.
Những chiếc cáng này tiếp cáng kia được mang vào phòng. Mùi hôi hám khó chịu phút chốc tràn ngập căn phòng: mùi máu tanh tưởi, mùi thịt cháy trộn lẫn với mùi quần áo trận ướt đẫm mồ hôi. Chỉ một năm trước đây khi chiến tranh ở mức khốc liệt, ông ở trong lữ đoàn thủy quân lục chiến, lúc đó mỗi ngày số thương vong một gia tăng, một bệnh viện dã chiến tạm thời được xây dựng ngay sau một vườn cam làm khu ranh giới với phía địch quân, phía bên kia là một vườn cây ăn trái và dãy hàng rào là rãy cây xương rồng. Từ phía bên này ông có thể nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng địch quân mang mặt nạ qua lại, thỉnh thoảng có tiếng súng bắn bâng quơ. Ông làm việc đêm ngày, lo cho các thương binh trước khi một viên đạn găm vào tay. Nhưng không vì vậy mà bỏ cuộc. Sau khi chỉ dẫn cho viên phụ tá băng bó vết thương cho chính mình, ông tiếp tục săn sóc các thương binh. Suốt đêm quân địch từ vườn cây ăn trái bắn qua bên này và ông cũng chẳng lưu tâm vì quá bận rộn với hàng lớp thương binh đang quằn quại trên giường bệnh.
Giờ đây, tiếng súng trường cũng như tiếng súng cối vọng lại suốt ngày và mỗi lúc số thương binh được tải về một nhiều. Phòng cấp cứu trở nên chật chội không đủ giường cho nhu cầu. Ông cúi xuống một thương binh trẻ tuổi, toàn thân bị cháy xém ngoại trừ chiếc đầu, đang nằm dán mình trên chiếc cáng, bộ quần áo trận rách bươm tơi tả.
- Phỏng 80 phần trăm, cấp ba - Ông nói với Phương.
Về phương diện y khoa, đây là một lời kết án tử hình, nhưng ông chỉ là một bác sĩ chứ không phải là ông quan tòa. Con mắt sáng và trong xanh của người thương binh nhìn theo ông với nụ cười đau đớn, lúng túng và gượng gạo. Anh ta tên là Chính.
- Anh bị thương ra sao?
- Một viên đạn bắn trúng khi tôi đang ở bên trong chiếc xe tăng. Còn hai người nữa ...
- Họ ra sao?
- Chiếc xe tăng bốc cháy, hai người kia không nhẩy ra ngoài kịp.
Nhóm thương binh kế tiếp đổ tới nên Chính phải chuyển vào đơn vị kế. Mọi việc khác trước xa, rất có trật tư ngăn nắp.
Trong bệnh viện dã chiến vào giờ này năm ngoái, ông là viên y sĩ độc nhất nên không có thì giờ nghĩ tới vết thương của chính mình. Ông ở lại với lữ đoàn cho tới hết ngày hôm sau trước khi gục xuống vì kiệt lực, sau đó được chở tới một bệnh viện phía bắc. Nằm được một ngày, ông trốn khỏi bệnh viện để tìm về đơn vị cũ. Bấy giờ đơn vị của ông đóng tại một ngôi nhà thật lớn mà mỗi phòng sơn một màu khác nhau. Nước thật bẩn, mỗi buổi sáng lính tráng cạo râu phải dùng bia thay cho nước; bia này được mua lại từ toán lính Ba Tây thuộc đoàn quan sát Liên Hiệp Quốc. Vào buổi trưa, viên Đại Tá chỉ huy trưởng lữ đoàn đứng lên, đưa cao ly bia lên rồi nói lớn:
- Tất cả hãy cạn ly mừng bác sĩ "bánh mì-mứt". Bác sĩ đáng được đề nghị gắn huy chương anh dũng bội tinh.
Chẳng là một tháng trước đó, không một người nào trong đơn vị lại không bị tiêu chẩy. Trời nóng bức, trong bóng mát nhiệt độ lên tới 110 độ F. ông phải ra lệnh khẩu phần cho binh sĩ chỉ có bánh mì, mứt và trà thôi. Khi nghe được các lời than phiền, ông chỉ nói:
- Các bạn muốn chết thì hãy chết dưới viên đạn của quân thù chứ đừng phải chết vì bệnh tiêu chẩy.
Từ đó ông có biệt danh là bác sĩ "bánh mì-mứt" vậy.
Những chiếc trực thăng đáp xuống rồi bốc lên liên tục suốt ngày và đêm xuống thật nhanh. Tiếng súng từ xa vẫn liên tục vọng lại. Những chiếc cáng đặt dọc suốt các dãy hành lang bệnh viện và nhiều thương binh đã chết trên giường. Chỉ cho đến nửa đêm khi toán thương binh cuối cùng được chở đến, tiểu đoàn nhẩy dù đã chiến đấu suốt từ sáng sớm cho tới khi trận chiến tạm ngừng. Viên đại tá dù cùng một toán lính ngồi trên chiếc xe halftrack phóng thẳng từ mặt trận về bệnh viện.
- Xin săn sóc kỹ cho người này - Viên đại tá nói với ông, tay chỉ một thương binh mới được đưa từ xe xuống, nét mặt người lính hãy còn ngời lên như thể còn đang ở ngoài mặt trận. - Anh ta chiến đấu thật can đảm như một con cọp, rất xứng đáng lãnh một huy chương.
Viên y sĩ không nói một lời.
Toán lính bị thương nhẹ rời khỏi nhà thương sau khi được băng bó sơ sài. Tiếng ồn ào trong phòng cấp cứu đã giảm dần, những binh sĩ bị thương nặng đã được phân phối tới các phòng khác trong bệnh viện. Sau cùng khi ông ngồi sau tay lái chiếc xe thì kim đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng. Lái xuống con đường mờ tối, ông quay lại nhìn khu bệnh viện lúc này nó trông giống như một con tàu ma quái đang chập chờn trên mặt biển đen tối. Đôi chân tê dại nên rất khó đạp ga vì đã đứng suốt 18 giờ không ngừng nghỉ. Hai bên thái dương đau nhói, đầu nghiêng ngả, ông cảm thấy như có cát trong mắt. Sợ phải ngủ gục ở dọc đường, ông quay cửa kính xuống và phóng hết ga.
Sáng hôm sau vào lúc 7 giờ 45, ông đã có mặt tại bệnh viện. Bước dọc theo hành lang về phía trạm y tá làm việc, Nga đang bận rộn với những chai lọ ngổn ngang và khi ông tiến lại gần, cô ta đang lắc một lọ thuốc. Chắc là cô không còn tinh thần nào bàn luận về ngọc trai và sò.
- Họ nằm ở phòng nào? - Ông hỏi sẵng và cô ta hiểu là ông ám chỉ ai.
- Phòng số 8.
Có 5 người nằm tại phòng này, hai người bó bột, một người đầu băng kín và hai người bị phỏng nặng. Chính nhận ra ông trước tiên và gật đầu chào. Chiếc đầu của hắn toàn vẹn ngoại trừ vài vết phỏng nhẹ. Chiếc cằm nhọn, chiếc mũi thẳng, miệng rộng với hai gò má cao, đôi mắt tinh anh; tuy vậy từ cần cổ trở xuống, cơ thể hắn chỉ là một đống thịt bầy nhầy.
- Tôi thấy mình như đang ở trong một trại khỏa thân vậy. - Người thương binh nói đùa.
- Tôi sẽ che lại sau khi khám xong.
Chính gật đầu, hai lỗ mũi phồng lớn như thể đang cố gắng ngửi lấy mùi da thịt cháy của mình. Hắn không còn đủ da trên cơ thể để có thể ghép được nữa. Cả những bắp thịt cũng bị cháy xém nên không thể ngồi dậy được. Im lặng, hắn không hé môi hỏi về tình trạng của mình.
Rồi những bộ quân phục đi lại ngoài hành lang. Các quân nhân tới viếng thăm đồng đội đang nằm ở đây. Họ mang theo hơi nóng, mồ hôi cùng bụi bặm tới những chiếc giườmg phủ khăn trắng toát và vô nhiễm. Họ đứng vòng quanh những chiếc giường, nói đùa, tán dóc, rồi thình lình tất cả đều im lặng, một khoảng thời gian nặng nề như ngưng đọng. Hình như có tiếng nấc nghẹn đâu đây.