|
Hoàng Dương(12.10.1933-30.1.2017) |
Anh quỵ xuống, rồi đứng lên. Lại qụy xuống. Cuối cùng thì anh đứng lên không vững nữa, chỉ biết nhìn nàng đẩy chiếc va li màu đỏ quay ngoắt, bước ra khỏi ngưỡng cửa, rồi bước thẳng lên xe. Anh chạy theo, réo to, em bỏ anh sao? cho anh đi theo với. Em bỏ anh sao? Nhưng chiếc xe là khối sắt được lái bằng người nên từ từ lăn bánh. Cuối cùng anh cũng đứng dậy được và hiểu ra rằng. Nàng đã ra đi, đã bỏ căn nhà này, bỏ những vật dụng cần thiết, bỏ quần, bỏ áo, bỏ gương soi, bỏ giày giép, guốc. Bỏ tất cả. Nàng chỉ lấy một số vật dụng ít ỏi mà thôi.
Thế là nàng đã quyết, không khoan nhượng, không do dự…tất cả đã sắp sẳn theo một ý đồ định trước
Anh nhớ lại ngày xưa, hai mươi năm trước, quen nàng trên một trang Web tìm bạn. Nàng xưng danh, em là Hoàng Cầm, em ở một nơi xó xỉnh xứ Tiền Giang, trong một con đường hẻm nhỏ, ngày em đi may đồ thuê cho chủ, lương ba cọc ba đồng, anh ơi!
Anh cảm động thật sự. Cô bé là rau sạch thật sự, cô không e dè, dấu mình trong lớp vỏ. Em không là sinh viên đại học, em không là nhà kinh doanh hay làm việc trong những công ty lớn ở thành phố như anh vẫn thường gặp. Cô chỉ là người thợ may bé nhỏ, may đồ thuê cho người ta. Con gái đàn bà Việt Nam có nhiều cách dấu mình. Bằng cách này hay cách khác. Cô thì không, cô thật thà khai báo. Anh cảm động ngay từ giây phút đầu tiên ấy.
Ở Mỹ, anh cũng chỉ là một người thợ, assembly. Đứng trên dây chuyền sản xuất tám tiếng đồng hồ, mệt phờ người. Anh cũng thật thà khai báo như cô. Anh cũng là thợ vịn, cũng chỉ là một thợ đụng. Đụng đâu làm đó, lương ba cọc ba đồng. Nhưng chắc là so với Việt Nam, thợ may như em, anh khá hơn là cái chắc.
Anh trở nên quân tử tàu, em đừng lo, anh sẽ gởi tiền về cho em. Có anh đây mà, anh là Việt kiều Mỹ độc thân vui tính đây mà.
Thế là anh làm vị mạnh thường quân cho cô gái khố rách áo ôm đó suốt mấy năm trời. Với đồng lương assembly, anh dành dụm, tháng nào cũng gởi cho cô một, hai trăm, cô gái có tên Hoàng Cầm, tên như một nhà thơ miền bắc mà anh yêu thích, rất cảm động và vui sướng vì nghĩa cử quân tử tàu của anh.
Hòang Cầm có thủ thuật riêng để làm mê lòng anh, nàng ít nói về mình, tự hạ mình xuống mức thấp nhất, coi như em là cọng rêu, dè lục bình, trôi lèo bèo trên sông. Em sống khổ với nghề thợ may, nhưng em không than van oán trách gì, em bằng lòng với nghề này, làm việc nuôi cha mẹ già, anh có thương thì cho em, còn không thì cũng chẳng sao. Tình yêu dính vào tiền bạc cũng làm hư hao đi, mất đi ý nghĩa phải không anh?
Anh Việt kiều Mỹ lương ba cọc ba đồng, nào se phòng, nào đổ xăng xe, insurane xe, bảo hiểm y tế, còn lại mấy trăm, anh nhịn ăn, nhịn mặc, bỏ cà phê sáng với bạn bè, bỏ những buổi nhậu cuối tuần, vì nhậu chung thì phải góp chung, khi thì thùng bia, khi thì con gà quay…Anh nói, tau rút lui, tau lui binh tụi bay ơi. Cái bao tử tau hoành hành quá, lại thử máu thấy cái gì cũng cao, ba cao một thấp của đàn ông xứ này tau đều dính cả. Xin lỗi tụi mày, tau lui binh, rút quân về cố thủ.
Thế là những người bạn chiến hữu một thời của anh cũng quay đi, thằng khùng, khoẻ như voi, nó mà ba cao một thấp cái nổi gì, chỉ tội mê gái mà bỏ bạn bè chớ chẳng sai. Mày mê gái, tìm gái để giải quyết chuyện đàn ông thôi, chứ dựng đứng suốt ngày suốt đêm chịu sao thấu. Nhưng nên đề phòng nghe mày, con gái Việt Nam nay toàn là gà móng đỏ đó mày.
Anh nghe bạn bè xầm xì anh cũng nhột nhạt lòng, nhưng thôi, chí đã quyết, đã tuyên bố lui bình, đã rút quân thì phải làm. Bỏ đám bạn chí cốt sau lưng đi. Để quay về với em, vui cùng em. Hoàng Cầm.
Anh chỉ còn hằng đêm đến với nàng. Đến với nàng anh mang tâm trạng hạnh phúc của Tú Uyên đợi Giáng Kiều về trong Bích Câu Kỳ Ngộ. Anh vẫn thi vị hóa cuộc tình của mình. Anh vẫn thường thi vị hóa như vậy. Như ngày xưa anh hay thi vị hóa khi gặp một người con gái đứng đường nào, làm quen, hỏi han, tâm sự, cô nói cô là nữ sinh của một trường trung học, anh cũng tin, đưa cô đi ăn, đi uống cà phê rồi ởm ờ dẫn cô về phòng. Nàng ỏng ẹo với anh. Em là con gái mà anh. Anh đừng làm em đau. Xong, cô hỏi tiền, anh đưa với giá cao. Anh vẫn tự sung sướng mình là đã cua dính một cô nữ sinh trung học. Cái ngây thơ ngu dại suốt đời, anh không bỏ được, là tính tin người. Lần này không biết sao đây?
Anh chat với nàng, nàng đúng là cô gái quê chính hiệu của xứ Tiền giang. Anh vẫn thích những cô gái quê mỏng manh. Anh lớn lên ở một vùng quê nhưng anh chưa yêu một cô gái quê nào. Gái quê anh cục mịch, nói với âm giọng anh nghe không được, dầu thuở ấu thơ anh cũng sinh ra ở đó, nói giọng đó, nhưng lớn lên anh đi xa. Anh chưa thấy rung động về một cô gái quê nào. Nhưng anh vẫn thích gái quê. Bây giờ ở Việt Nam gọi họ là rau sạch. Từ này cũng hay, rau sạch tức là rau được trồng trên đất tốt, không vô phân bón có chất hóa học, không có chất làm rau mau nở cánh, tươi xanh. Rau sạch là rau được trồng trên những luống đất nhà, tưới bón bằng phân chuồng, bằng nước giếng… Hoàn toàn là thiên nhiên, không pha tạp vào đâu cả.
Hoàng Cầm cũng vậy, em lớn lên như dè lục bình trên sông Tiền, cha đi làm tài xế xe chở khách đường dài, mẹ bán vé tại bến xe liên tỉnh, anh em đều là dân lao động. Và nàng là thợ may, nhận hàng của khách. Hàng ngày còng lưng trên ghế đạp máy chạy rè rè, buồn chán. Đúng là buồn chán như những đĩa nhạc quay hoài một bản nhạc cũ. Nhưng đúng em là rau sạch rồi chứ còn gì nữa.
Anh cũng như các đại gia trong nước hay các Việt kiều về nước ăn chơi kiếm gái. Kiếm rau sạch. Rau sạch này lại mang một ý nghĩa khác nữa rồi. Cũng là những em gái nhà quê mới lớn, cũng tâm hồn non nớt, cũng nghèo hèn, khổ sở vất vả vì cha mẹ nghèo, bệnh hoạn, nên liều thân bán mình. Em còn gin hay không là tuỳ hoàn cảnh người mua trao đổi, có người được các mụ tú bà chỉ vẻ, đánh tráo bằng mọi chiêu thức. Giới Việt kiều hay giới đại gia tìm rau sạch để hưởng thụ trên xác thân con gái hương đồng cỏ nội, khỏi sợ nhiễm bênh, khỏi mang bao cao su làm mất cảm hứng.
Nhưng Hoàng Cầm, theo anh là rau sạch thứ thiệt. Nàng kể những ngày thơ ấu nàng đã bơi trên giòng sông Tiền, giòng sông đục ngầu như kinh nước đen, rác rưởi trôi lềnh bềnh chung quanh, nhưng nàng đâu biết gì, nàng vui với nước sông, với lũ trẻ mười hai, mười ba tuổi tinh nghịch như nàng.
Nàng kể ra chuyện đó làm chi, khi có thể nàng kể những ngày tuổi thơ với áo dài trắng, với chiếc cặp da trên tay tha thướt đi học cùng bạn bè tại trường nữ Lê Ngọc Hân. Nàng không kể chuyện đó mà nàng kể những ngày hơi lớn lên một tí, đi theo xe ba, buôn chuyến ở Campuchia. Mười bốn tuổi đã đi buôn chuyến, dấu hàng dưới thùng xe, nhờ người cha làm tài xế nên những chuyến hàng trót lọt. Cũng kiếm được một số tiền nho nhỏ để nàng mua sách vở, sắm áo quần đi học làm nữ sinh trường Lê Ngọc Hân.
Anh biết hông? Em quê lắm, áo dài em bận may rộng thùng thình, không eo ếch gì cả, như một bà sư cô. Mà em cần gì đâu, em chỉ muốn đi học thôi chứ đâu muốn ăn diện làm đẹp gì. Trong lúc các cô bạn em, học lớp sáu, lớp bảy, đã ăn diện dàn trời. Áo dài may bằng toàn vải đắt tiền, eo ếch sít sao, đi ra giống như ca sĩ hay minh tinh màn bạc. Em đâu có cần những thứ đó, em nhà quê lắm anh. Em không đua đòi, không trau chuốt, không son phấn. Em chỉ là rau sạch theo ý nghĩa anh nói với em thôi.
Anh tin nàng sái cổ, quẹo cả quai hàm. Anh lại nhớ và yêu quá câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn:
Đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta nhủ lòng thôi hãy quên em.
Nhưng chắc gì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên.
Anh nghĩ, không có người đàn bà nào như người đàn bà nào. “Đàn bà là những niềm đau, làm tim ta rỉ màu”. Những chắc gì, khi đức Chúa thấy Adam một mình buồn bã quá nên mới rút cái xương sườn của Adam làm người đàn bà cho Adam. Như vậy khi người đàn bà sinh ra đúng của ai, là sở hữu của người đó. Sau này thế giới đảo điên, ngạ quỷ hiện hình nhiều quá nên mới có loại đàn bà gian dối, lừa đảo, lợi dụng, đem xác thân trời ban, bán kiếm tiền. Rau sạch đóng vai có nhiều dạng. Là công nhân hãng may, là thợ lắp ráp trong dây chuyền hàng điện tử, là các nàng bán hàng ở các chợ nhỏ, là những em bán vé số dọc đường. Đủ mọi hạng người, đủ mọi thể loại. Chàng phân loại, đánh giá, kết tinh, tính toán, so sánh nhiều chiều. Cuối cùng thì chàng kết luận. Ave của chàng nguyên vẹn là Ave của Adam nguyên thủy, là rau sạch đúng nghĩa.
Cuộc tình đến độ quyết liệt khiến chàng phải trở về Việt Nam thăm em. Cái gì phải thực tế. Qua internet. Đời sống ảo dĩ nhiên không phải là thực. Phải đi thực tế, các quan chức Việt Nam nói vậy khi đến thăm các nông trường, công trường, các hãng sản xuất. Thăm dân cho biết sự tình. Hay các phóng viên báo chí đi xuống cơ sở viết phóng sự. Cũng có những nơi khi biết các thủ trưởng đến thăm đều lo sửa soạn cơ sở cho hoàn tất trăm phần trăm. Còn Hoàng Cầm, không biết có dùng chiêu thức gì không? nhưng chàng thấy nàng tỉnh rụi. Hai người hẹn gặp nhau ở bến xe Chợ Lớn, nàng ăn mặc như một công nhân, đúng là công nhân. Quần jean bạc màu, chiếc áo jean cũng bạc màu. Đội chiếc nón jean cũng bạc màu nốt. Chàng nhủ thầm, người yêu mình đây sao, rau sạch của mình đây sao? Chàng cũng biết phút giây ban đầu là quan trọng nhất, cảm tưởng yêu mến, thương ghét, từ giây phút ban đầu này đây.
Chàng hỏi thăm nàng sức khoẻ, nói vài câu xã giao, khen nàng giống đúng như hình ảnh nàng đã gởi cho chàng. Chàng nói cho nàng vui, em đẹp lắm, đẹp hơn hình em gởi cho anh nhiều. Nàng mỉm cười e ấp, em mà đẹp gì, em quê mùa lắm, xí thấy mồ à anh. Anh tiếp tục ga lăng, em đẹp chứ, đẹp người không quan trọng bằng đẹp nết, cái nết đánh chết cái đẹp mà. Nàng cười với cánh mũi hơi phình ra to. Anh không nghĩ gì hơn là mời nàng lên xe anh chở vòng vòng khu Chợ Lớn. Và sau đó cuối cùng anh đưa nàng vào khách sạn anh đã thuê trước.
Lần thứ hai anh trở về sau gần hai năm. Sau khi mỗi tháng anh vẫn đều đều gởi về cho nàng một, hai trăm. Có chút tiền nàng thay da đổi thịt trông thấy, da dẽ phổng phao hơn, mịn màng hơn. Nàng đã đi thẩm mỹ gọt đi cái cánh mũi phình ra, bây giờ thì cánh mũi nàng thon lại, đẹp hơn, duyên dáng hơn. Cánh mũi đã làm khuôn mặt nàng trở thành trái soan, phúc hậu đậm đà hương vị hương đồng cỏ nội.
Chàng đem nàng giới thiệu với người chị ngoài quê, người chị khen ngay, con nhỏ phúc hậu đó, lại nói giọng nam ngọt như đường phèn, như mía lùi. Chàng đem nàng giới thiệu với bạn bè, ai cũng khen, đúng là cô gái miền tây gạo trắng nước trong. Chàng mở cờ trong bụng, hạnh phúc tràn đầy.
Hạnh phúc thì phải cướp giật ngay để đạt hạnh phúc trên tay mình chớ. Chàng nhớ câu ca dao:
Cưới vợ phải cưới liền tay
Chớ để lâu ngày có kẻ dèm pha
Chàng tự nguyện đem nộp mình cho nàng. Một đêm tối trời ở Mỹ, chàng một mình trong căn phòng se vắng lặng, lạnh lẽo, chàng bật computer lên. Bên kia màn hình chớp chớp. Đèn xanh lung linh hiện ra, Messenger. Rồi hình nàng. Chàng nói ngay, chứ không nói ngay chàng sẽ không có dịp nói nữa:
- Em yêu, tháng tới anh sẽ về thưa với ba mẹ em, anh sẽ làm đám cưới với em. Ngày mai, anh đi làm giấy công hàm độc thân ngay. Bằng lòng đi em về với quê anh, nhe.
Chàng mỉm cười một mình. Đây là quê ta ư! Quê ta là Santa Ana, là Westminster, là Anaheim. Ta đâu có sinh ra tại đây, cuống nhau ta, cuống rún ta, mẹ đã chôn tại xứ An Tam, chung quanh có suối Đế, Sầu đập Thai Trà, khu Văn Thánh, khu Đồng Cát, khu Gò Trai, gò Chùa chứ đâu phải đây. Nhưng anh cũng thi vị hóa theo một bài ca của Trần Tiến, bằng lòng đi em về với quê anh.
Quê anh bây giờ là nước Mỹ, có những đường cao tốc xe chạy hàng đoàn dài nối đuôi nhau, có những siêu thị đầy hàng hóa gọi tên Westminster Mall, Sound Cost Plaza, có chợ Mỹ Thuận, Hoà Bình, Thuận Phát, ABC… Có khu Phước Lộc Thọ, có quán ăn Việt, và những tiệm Nails…Có những khu đại học nổi tiếng thế giới… nước Mỹ là nước thiên đàng mà. Ai mà không ham… Welcome America.