|
Duy Lam(..1932-4.2.2021) | Nguyễn Vỹ(.0.1910-4.2.1971) |
Khi Thái gặp Phương là lúc anh đang lên, còn Phương thì xuống dốc. Anh nghĩ thế, nhưng anh vẫn nhào vô tán Phương, bởi vì Phương vẫn còn mang cái hào quang của thời đi học.
Thời Phương là nữ sinh, Phương đã nổi tiếng toàn trường vì nàng đã đẹp, lại hát hay, múa giỏi nữa. Thái mang hình ảnh đó trong sâu thẳm tâm hồn, nhưng chỉ đứng xa mà nhìn, bởi vì anh biết anh ở cấp thấp hơn. Tuy học hơn Phương một lớp, nhưng anh lại không có gì xuất sắc, nổi bậc, để được Phương chú ý. Trong lúc xung quanh Phương đầy các thầy dạy Pháp văn, Anh văn, Toán, đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, cưng chìu săn đón Phương ra mặt. Hay ít ra cũng có hàng đàn những đứa con trai học trên Thái một hai lớp, con nhà giàu, ở phố thị, quần áo bảnh bao, chải chuốt, theo đuổi Phương. Trong lúc đó, Thái chỉ là một cậu học trò nhà quê lên tỉnh học. Anh mặc cảm và thấy mình nhỏ bé quá. Nhưng quả tim anh thật lớn, có sức chứa hình bóng Phương suốt mấy năm ròng. Dù Phương không biết, không đáp lại mối tình của anh chút xíu nào. Mỗi dịp có văn nghệ toàn trường là Phương nổi bậc lên, kiêu kỳ, sáng chói, trên sân khấu. Còn Thái, luôn luôn thu nhỏ người lại trong đám học trò, ngồi dưới sân cỏ ngó lên bức màn nhung, trong mối tình câm, tình đơn phương, thầm lặng của mình.
Thế rồi thời gian trôi qua, Thái thi đậu liên tiếp tú tài 1, tú tài 2. Anh rời quận lỵ khăn gói vào Sài Gòn học Đại Học. Đó là thời gian anh đang lên.
Con đường tiến thân của tuổi trẻ thường hơn nhau ở bằng cấp, con trai hay con gái đều vậy. Con trai đậu được tú tài một, ít ra cũng được đi Thủ Đức, ra làm sĩ quan, may không chết trận thì năm, bảy năm sau sẽ thành sĩ quan cấp cao, đi đâu cũng có lính tiền hô hậu ủng. Còn nữa, nếu đậu được tú tài đôi thì ngưỡng cửa đại học mở ra trước mắt: Trường Y, trường Dược, Đại học Sư Phạm, Kỹ Thuật Phú Thọ, Quốc Gia Hành Chánh là nơi chào đón các chàng và nàng v.v... Còn thấp hơn một chút thì vào tham sự hành chánh, cao đẳng sư phạm, cán sự y tế, cán sự kỹ thuật cũng có tương lai. Nếu muốn làm tướng, làm tá, thì vào Sĩ Quan trường Võ Bị Quốc Gia, Hải Quân, Không Quân, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Như vậy đối với công danh, Thái rộng bước thênh thang trên Đại Học. Còn Phương, sau khi rớt tú tài 1, hai lần, nàng về quê đợi đến kỳ thi tiếp (hay đợi có ai rước thì về làm vợ).
Cùng lúc đó, Thái đến, cũng ba, bốn năm sau. Anh đậu được mấy chứng chỉ đại học và xin đổi về dạy ở chính quận lỵ nơi quê Phương đang sống.
Lần này, sau mấy năm xa cách, Phương đối với Thái chỉ là một hoài niệm, là hình bóng của thời áo trắng quần xanh. Tình yêu đối với Phương ngày xưa cũng chỉ là yêu một hình bóng, như yêu một ca sĩ hay tài tử điện ảnh thần tượng, nên anh cất, gói kỷ trong lòng, không cho ai biết.
Một buổi chiều, tan giờ dạy, cô Quỳnh, giáo sư vạn vật, có chồng là hiệu trưởng trường Thái đang dạy. Cô Quỳnh rủ rê Thái:
- Anh Thái nè, thứ bảy nghỉ dạy, mời anh lên nhà chơi với anh Khôi. Anh Khôi bảo tôi làm đồ nhậu cho hai anh uống bia, anh đến chơi nhé.
Từ ngày về dạy ở thị trấn này, Thái ở trọ một mình và ăn cơm tháng, nên anh cũng thấy buồn tẻ và cô đơn. Hôm nay có cô giáo Quỳnh mời, anh thấy vui và nhận lời.
Thế là thứ bảy hôm đó anh gặp Phương, Phương là em ruột cô giáo Quỳnh.
Chuyện gặp lại cũng bình thường. Qua vài ba câu chuyện với vài lon bia Mỹ và mực khô Đại Hàn với Khôi, Thái biết Phương về quê để ôn bài thi tú tài 1, sau hai lần bị trượt vỏ chuối. Anh biết dù con gái hay con trai, một lần thi trượt là một lần xuống cấp. Con trai thì hát câu "rớt tú tài anh đi trung sĩ", còn con gái thì xin đi làm với văn bằng trung học đện nhất cấp, hay đi lấy chồng. Nhưng ở xứ Phương, nơi chỉ có toàn cát trắng và cây dương liễu thì tìm đâu ra được một người đàn ông làm chồng trên trung bình, trong lúc ngày trước Phương có nhiều chàng bảnh bao theo đuổi. Không hiểu, khi nàng thi rớt hai lần tú tài 1, những chàng kia biến đi đâu mất dạng mà bỏ nàng bơ vơ ở chốn quận lỵ buồn thiu này.
Lúc đầu, sau lần gặp lại, Thái thấy lòng mình có xao động, nhưng anh vẫn tự hỏi, có nên tán Phương nữa hay không? Lần này thì anh do dự thật sự, không phải vì anh đang đứng thế "lên voi", nghĩ vậy cũng hơi quá đáng. Nhưng những hình ảnh huy hoàng ngày xưa khi Phương đứng trên sân khấu hát bài Diễm Xưa hay múa điệu Tabu uốn éo nghe đến rợn người, nay đã hết. Hình ảnh đó đã để lại nơi tâm trí anh những mơ mộng một thời và si mê một thời. Nay thì anh có mơ mộng hơn lên, như mong có một người yêu là nữ tiếp viên hàng không với áo dài màu xanh da trời tha thướt, hay một cô nhân viên ngân hàng áo hồng phất phới bay trong chiều tan sở, hay một cô giáo tốt nghiệp đại học sư phạm. Tâm ý của Thái là như vậy, nên khi anh gặp lại Phương nơi chốn này, thời gian này, anh không hoảng hốt như khi anh đứng ở dưới sân cỏ trường trung học nhìn lên sân khấu nơi Phương đang hát, thuở đó, anh lịm người đi, nay chỉ còn là hình bóng.
Buổi gặp tiếp theo cũng là một chiều thứ bảy, hai tuần sau. Thái lên thăm Khôi và Quỳnh, mà không có hai người ở nhà, chỉ có Phương ra tiếp. Đây là lần đầu tiên anh gặp riêng Phương. Hình như Phương có chuẩn bị trước hay sao mà hôm đó Phương diện thật kỹ, son môi tô hồng, má phấn, mắt kẻ chì xanh. Anh quan sát Phương lần đầu tiên đối diện, tất cả khuôn mặt, làn môi, khóe mắt của Phương đều ở điểm trung bình. Nhưng phải nói có một nổi bậc nhất ở Phương là nàng có cái sóng mũi rất đẹp, đẹp quá. Sóng mũi cao, dọc dừa, thanh tú. Sóng mũi đẹp đã kéo khuôn mặt Phương rạng rỡ thêm lên, yêu kiều quyến rủ thêm lên.
- Thầy Thái về dạy ở đây có buồn lắm không?
- Mới đầu thì buồn nhưng riết rồi cũng quen.
Thái hỏi lại:
- Cô Phương về ở đây chắc buồn lắm.
- Ở đây là quê em mà thầy. Em sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, chỉ có thời gian đi học là phải xa nhà, còn nghỉ hè em về quê ở với mẹ.
Giọng nói của Phương có một cái gì như có hơi thở và đứt đoạn, nhưng trong vút và dễ thương vô cùng. Ngày trước, anh mê Phương trên sân khấu, bây giờ anh ngồi nghe Phương nói chuyện, nhìn Phương bằng da, bằng thịt, bằng lời nói thật, không qua micro. Tự nhiên Thái nghe phấn kích và xúc động.
Không biết bằng cách nào đó, trong niềm phấn kích, anh hứa sẽ lên kèm toán, lý hóa, cho Phương mỗi chiều thứ bảy.
Phương nói:
- Em dở toán và lý hóa lắm anh, anh kèm cho em hai môn đó em mừng lắm, chẳng ai giúp em cả. Anh nhớ nghe, thứ bảy tới, em đợi.
Căn phòng mà Phương dùng làm phòng học, ở một bên của căn nhà ngói cổ của cha mẹ nàng. Căn phòng được che chắn bởi bức màn vải dày. Ngồi trong bàn học nhìn ra bên ngoài qua khung cửa sổ, ở đó có cây ổi oằn trái, những trái vú sữa non mởn, mấy chú chim chuyền hút mật hoa, chuyển từ cành nọ sang cành kia trông thật vui mắt. Ở đó, lần đầu tiên Thái ngồi với Phương và ôn lại cho nàng những bài toán về hằng đẳng thức quan trọng, về những công thức hóa rắc rối và lần đầu tiên anh cầm tay Phương. Bàn tay mười ngón búp măng, trong những đêm trình diễn văn nghệ ngày trước, Phương đã cầm cây dù xoay xoay, hát bài Cánh Hồng Trung Quốc. Ngày đó Thái chỉ mong được cầm đôi bàn tay và để lên tim mình. Chắc tim anh sẽ rộn ràng và náo nức vô cùng. Bây giờ trên bàn học này, đôi bàn tay có còn búp măng không, khi em đã thi rớt hai lần tú tài 1 và em đang trở về ngôi nhà cũ kỷ này đển ôn bài thi lại. Có lẽ mức độ đã giảm xuống mấy mươi phần trăm. Anh không lăn xả vào mà từ từ như con bò nhai rơm vậy.
Anh nói:
- Mấy hằng đẳng thức quan trọng Phương nhớ hết không?
Phương làm nũng:
- Em quên hết anh ơi, em dốt toán lắm.
- Không thể quên được nếu Phương muốn thi đậu. Phương phải bắt đầu học lại hết những bài quan trọng chương trình lớp đệ tứ, chứ toán mà thiếu căn bản thì không hiểu gì hết.
Phương nhìn anh như muốn khóc. Nhưng không thể khóc được, vì muốn thi đậu thì phải học. Anh trở thành người thầy bất đắc dĩ nhưng đầy quyền uy với Phương.
Anh cũng không phân tích nổi tâm hồn mình thế nào trong những ngày kèm cho Phương học. Có phải sự ngưỡng mộ ngày xưa với một cô nữ sinh hát hay, múa đẹp, hay ngưỡng mộ cái sóng mũi dọc dừa của Phương. Có nhiều người chỉ yêu thích một cái gì đó mà phải nhận lấy cùng một lúc nhiều cái không ưa.
Đêm. Cũng trong phòng học của Phương. Cả nhà đi đâu vắng tanh. Phương trong bộ áo ngủ màu mỡ gà mỏng, lộ ra những đường nét của thân thể con gái. Anh đã không giữ được lòng mình. Anh cầm tay Phương. Đã thầm thì với Phương những lời tình tự, đã hát cho Phương nghe bài Mưa Hồng, Gọi Tên Bốn Mùa của Trịnh Công Sơn như một lời tỏ tình cấp cao. Còn Phương cũng hát cho anh nghe bản Giọng Ca Dĩ Vãng, Xin Thời Gian Qua Mau. Anh có thêm nhận xét nhỏ về Phương, sự thẩm thấu âm nhạc của Phương ở cấp trung bình, trong lúc đó sự thưởng ngoạn cùa anh cao hơn, khi phong trào viết nhạc thời thượng bằng những từ cao cấp như rong rêu, sỏi đá, cát bụi, địa đàng, anh rất thích, còn Phương chỉ chọn những bản nhạc thông thường, những từ ngữ thông thường, tất nhiên anh cao hơn một bực nữa.