1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đặng Trần Huân: Chữ Nghĩa Bề Bề (Vĩnh Liêm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      28-9-2017 | VĂN HỌC

      Đặng Trần Huân: Chữ Nghĩa Bề Bề

        VĨNH LIÊM
      Share File.php Share File
          

       


        Đặng Trần Huân
      qua nét vẽ Vũ Uyên Giang

      Thị trường sách báo Việt ngữ ở hải ngoại lúc này thật là khởi sắc. Đa số các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… nổi tiếng trước năm 1975 đều đang có mặt tại hải ngoại, đông đảo nhất là ở Hoa Kỳ. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.


      Đợt ra hải ngoại đầu tiên, trước hoặc trong ngày Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng, tạm gọi là “Di Tản”, gồm có nhà văn Nhị Lang, nhà thơ Hà Huyền Chi, nhà văn Võ Phiến, nhà văn Lê Tất Điều, nhà thơ Nguyên Sa, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Tuý Hồng, nhà văn Linh Bảo, nhà văn Minh-Đức Hoài-Trinh, nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhà văn Xuân Vũ, nhà thơ Du Tử Lê, ký giả Thái Lân, nhà văn Cao Thế Dung, nhà thơ Trần Quốc Bảo, nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhà thơ Vi Khuê, họa sĩ Ngọc Dũng, ký giả Phạm Trần, ký giả Thái Linh, v.v…


      Đợt thứ hai, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tạm gọi là “Thuyền Nhân”, gồm có nhà văn Nhật Tiến, ký giả Vũ Thanh Thủy, ký giả Dương Phục, nhà văn Mai Thảo, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà thơ Hà Thúc Sinh, nhà văn Triều Khê, nhà văn Chu Tấn, v.v… Có thể nói rằng đợt “Thuyền Nhân” này đông đảo nhất và hùng hậu nhất.


      Đợt sau cùng gồm những văn nghệ sĩ kém may mắn hơn vì đã bị tù đày trong lao tù Cộng sản, ít nhất cũng phải 5 năm, cho nên đã được chính phủ Hoa Kỳ đặc ân cho đi theo diện HO. Vì vậy, đợt sau cùng này được gọi là HO. Nhà văn Đặng Trần Huân là một trong những văn nghệ sĩ nằm trong diện này.


      Mặc dù qua Mỹ muộn màng, sức khỏe sa sút, tuổi tác lại cao… nhưng nhà văn Đặng Trần Huân vẫn hăm hở cầm bút trở lại, viết một cách hăng say, qua nhiều thể tài khác nhau. Chỉ trong vòng 5 năm mà ông đã xuất bản 3 tác phẩm, gồm có: “Hành Trình Một Hát Ô” (bút ký, 1995), “Những Người Thích Dấu Huyền” (1998), và “Chữ Nghĩa Bề Bề” (chuyện văn nghệ, 2000).


      Nhắc tới nhà văn Đặng Trần Huân, đa số người Việt ở hải ngoại chỉ nhớ tới truyện vui rất nổi tiếng của ông vào cuối thập niên 60 và và đầu thập niên 70, đó là “Chuyện Cấm Đàn Bà 1 & 2” (1969 & 1970), chớ ít ai còn nhớ ông là tác giả tập truyện ngắn “Ngày Vui” (1962) và Truyện dịch “Hải Đảo Thần Tiên” (1963). Còn anh em ở trong quân đội thì hay gọi ông là “nhà báo” Đặng Trần Huân vì ông làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến, ngành thông tin báo chí.


      Cuốn “Chữ Nghĩa Bề Bề” có gì lạ? Tại sao gọi là “chữ nghĩa bề bề”? Trong bài “Nỗi Sợ” ở trang 212, người đọc đã bắt gặp câu:

      “Văn chương chữ nghĩa bề bề,

      “Thần lờ nó ám thì mê mẩn đời”


      để ám chỉ những nhà trí thức khoa bảng sợ vợ. Nhưng ở tác phẩm này thì tôi không thấy tác giả có một tiết lộ nào về việc ông sợ vợ cả!


      Như tác giả đã xác định, tác phẩm này là nói về chuyện văn nghệ--phát biểu ý kiến hoặc góp ý về tác phẩm--mà ông đã có dịp đọc một cuốn sách, xem một cuốn phim hoặc nghe một bài hát… Tuy nhiên, chẳng những tác giả không giới hạn thể tài ở lãnh vực này, mà ông còn bước sang các lãnh vực khác như thời sự, chính trị, xã hội, v.v… Nhưng ở bất cứ lãnh vực nào, ông cũng đều có những nhận xét thật là tỉ mỉ và sâu sắc. Theo tôi, tác phẩm này có thể được gọi là tập “phiếm luận”, vì cái ý thâm trầm của tác giả khi bình phẩm một việc gì không đến đỗi gắt gao, mà chỉ châm biếm một cách nhẹ nhàng, đầy thú vị.


      *


      Cuốn “Chữ Nghĩa Bề Bề” gồm tất cả 19 câu chuyện đã được đăng tải trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, từ tháng Giêng năm 1998 cho tới tháng 7 năm 2000.


      Câu chuyện mở đầu là “Cũng đủ lãng quên đời”. Đó là chữ nghĩa của nhà thơ Đinh Hùng mà nhà văn Mai Thảo đã mượn làm tên cho cuốn tiểu thuyết của ông. Đây là chuyện tản mạn về văn chương, nhắc tới chuyện Phạm Quỳnh ca tụng Kiều một cách khá hăng say: “truyện Kiều còn, nước ta còn” (trang 12).


      Một chuyện vui khác, một nhà văn ca tụng cuốn sách đầu tay của Y sĩ Đại Tá Nguyễn Tuấn Phát một cách rất nồng nhiệt: “Một nhà văn có tiếng đã viết bài giới thiệu sách có một câu đại ý là Lâm Ngữ Đường viết Một Nghệ Thuật Sống thật là xuất sắc nhưng so với Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát thì còn kém xa. Vị bác sĩ nghệ sĩ đọc lời phê bình, má hơi ửng đỏ” (trang 13).


      Thêm một chuyện khác, nhà văn Hà Thượng Nhân đã hạ bút khen bài “Bát phở đầu đời” của (cựu Đại Tá) Nguyễn Tử Đóa bằng cách so sánh như sau: “Chỉ với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thâm sâu” (trang 13). Bạn đã có dịp đọc bài thơ này chưa?


      Nhà văn Vũ Thư Hiên cũng đã hết lời khen nhà văn Kim Lân ở ngoài Bắc mà độc giả miền Nam chưa hề nghe biết tới: “Trong Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng Câm và so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó vượt nổi được Kim Lân” (trang 13).


      Và còn nhiều nhân vật nữa, chẳng hạn như nhà văn Trần Bích San khen nhà văn Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm báo Sài Gòn Nhỏ mà tác giả đã thuật lại như sau: “Khi viết lời giới thiệu cho tập truyện Tiểu Thư Con Gái Nhà Ai? của Hoàng Dược Thảo, Trần Bích San cũng liên hệ tới nhà văn Nga Chekhov và viết: Anton Chekhov để lại cho nhân loại những truyện ngắn hoàn hảo đến độ một ngự sử văn học danh tiếng Tây Phương cho là không ai có thể thay đổi một chữ, dù chỉ một chữ thôi, trong các đoản thiên của ông” (trang 14).


      Nhà văn Sơn Nam cũng đã có lần bốc nhà thơ Truy Phong lên tận mây xanh: “Bài thơ Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ của Truy Phong đăng trên tuần báo Tiến Thủ được Sơn Nam nhận xét là ‘một trong những bài thơ đẹp nhất của thế kỷ hai mươi’” (trang 15).


      Nhà văn Xuân Vũ cũng đã có lần hết lời ca tụng một văn hữu như sau: “Xuân Vũ khi giới thiệu cuốn Qua Các Nẻo Đường Quê của Xuân Tước xuất bản năm 1994, ca tụng truyện ngắn Con Rắn Vú Nàng như sau: Trước nhất đây là một truyện ngắn kiệt xuất có thể xếp vào loại truyện hay nhất Việt Nam. Nếu có nhà xuất bản nào in một tập truyện chọn lọc Việt Nam thì xin hãy đọc truyện này…” (trang 15).


      Rồi tác giả quay sang báo chí, nhắc tới việc nhà văn Nhật Thịnh và nhà thơ Nguyên Phương đã so sánh (quá lố) tờ Saigon Post ở Nam California với tờ báo ảnh Paris Match ở Ba-Lê.


      Việc giới thiệu sách cũng được tác giả nhắc tới, mà điển hình là nhà văn Hồ Trường An viết lời bạt cho tác phẩm đầu tay của một nhà văn nữ mà ông chưa hề biết mặt, chỉ nhìn tấm ảnh cũng đủ để ông ca tụng nhan sắc và duyên dáng của nhà văn nữ này!


      Sau cùng, tác giả bước sang lãnh vực ca nhạc, nhắc lại bài viết của Vũ Xuân Hùng ca tụng ca sĩ Bích Chiêu, đưa nàng lên tận mây xanh, điển hình như sau: “Sang đến nhạc twist, Bích Chiêu đốt lửa chuốc rượu vào lòng khách nghe bằng lối trình diễn của loài trăn, loài cọp. Nàng hát đâu ra đó. Điệu nào cũng hay, nhạc nào cũng tuyệt”. Thật là sống động hết sức!


      Quả đúng là những chuyện tản mạn về văn học, vì ít khi người đọc để ý tới những chi tiết nhỏ nhặt ấy. Nhưng những chi tiết nhỏ nhặt ấy lại là những yếu tố làm cho uy tín của tác giả bị sứt mẻ phần nào hoặc tác phẩm mất đi tính trung thực của nó.


      Về từ điển Việt Nam, tác giả Đặng Trần Huân đã viết hai bài về lãnh vực này: “Câu chuyện từ điển Việt Nam” (trang 21)“Cuốn từ điển tái bản tám lần” (trang 59). Tại sao tác giả lại chú ý quá nhiều đến từ điển? Vì “Bất cứ nước nào đã tự hào là có một nền văn hóa là phải có một cuốn tự điển để chuẩn xác cho ngôn ngữ của quốc gia mình hầu tránh sự dùng chữ bừa bãi, lố lăng hay lai căng, vay mượn” (trang 21). Nhưng đối với Hà Nội, sự lố lăng, lai căng và sự dùng chữ bừa bãi là việc rất thường tình và đầy ắp trong các cuốn từ điển do Hà Nội tung ra thị trường. Chẳng những thế, những chữ có ý nghĩa khác hẳn nghiõa thông thường cũng được bắt gặp trong các cuốn từ điển của Hà Nội, chẳng hạn như: công nghiệp, đường kính, lái xe, lô gích, hồ hỡi, quá độ, sự cố…


      Các soạn giả từ điển của Hà Nội còn nặng đầu óc tuyên truyền vì phải đi theo đường lối và chỉ thị của đảng Cộng Sản nên họ bất chấp những sai lầm tai hại trong lãnh vực văn hóa. Hơn thế nữa, “sau hiệp định Geneva 1954, cộng sản chính thức trở về tiếp thu Hà Nội cũng chưa có thì giờ lo chuyện này. Tới sau ngày 30/4/75 chiếm được Sài Gòn cán bộ văn hóa Hà Nội vào Sài Gòn còn ào ào vơ vét các loại từ điển song ngữ Anh-Việt, Pháp-Việt, Hán-Việt mà Hà Nội không có” (trang 24). À thì ra thế! Vì đói sách, đói từ điển nên cán bộ văn hóa của Hà Nội phải vào Sài Gòn vơ vét tất cả những cuốn từ điển hiếm quí của “ngụy” để đem về Hà Nội xào nấu và biến chế ra những cuốn từ điển loại “mì ăn liền”, chẳng những thiếu phẩm chất, mà còn ngô nghê, lai căng, tối nghĩa, v.v…


      Tác giả Đặng Trần Huân đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng và phân tích một cách tỉ mỉ những sai lầm của các soạn giả từ điển của Hà Nội. Những lời bình luận của tác giả Đặng Trần Huân rất có giá trị, mà người đọc muốn dành cho độc giả có cơ hội nghiền ngẫm một cách thích thú.


      Tưởng cũng cần nhắc lại, khi chủ trương tờ Việt Nam Thời Báo (có ấn bản Anh ngữ là Vietnam Times) năm 1985, chúng tôi đã đặt vấn đề văn hóa qua các mục thường xuyên, như: “Những vấn đề tiên quyết cho một sách lược văn hóa” (do Nguyễn Đằng Vân và Bùi Giá Vũ phụ trách) và “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (do Triều Khê phụ trách).


      Về vấn đề cải cách tiếng Việt cũng đã được tác giả Đặng Trần Huân đề cập tới một cách tỉ mỉ trong bài “Chuyện cải cách tiếng Việt” (trang 33). Ông nói: “Nếu chỉ vì ngại khó mà cứ đọc sao viết vậy thì chữ nghĩa không còn là chữ nghĩa nữa. Hai dấu hỏi và ngã có nghĩa khác nhau, dùng trong những trường hợp khác nhau [nên] không thể đồng hóa thành một được” (trang 40). Hơn thế nữa, “Học chữ hay muốn nói cho đúng thì cũng phải chịu khó nên không thể ngại khó mà đơn giản hóa quá mức đến thành thiếu sót, thiếu nghĩa. Không thể viện cớ đơn giản để mà đưa đề nghị bắt chước người Mỹ chỉ cần xưng hô bằng hai tiếng I, You cho tiện để bỏ hết những từ ông, bà, cô, bác, chú, thím, cậu, dì… thân thương, độc đáo của Việt ngữ” (trang 41).


      Vấn đề này làm người đọc nhớ lại vào đầu thập niên 80, học giả Hoàng Văn Chí cũng đã đưa ra đề nghị cải cách tiếng Việt. Cụ Hoàng Văn Chí đề nghị các danh từ kép thông dụng nên viết liền với nhau và có một số chữ quen thuộc cũng không cần bỏ dấu. Cụ Chí viết:

      “Nước nào cũng viết liền danhtừ-kép, vì hai chữ gộp-lại chỉ có một nghĩa. Người Anh, người Pháp viết Locomotive là ‘đầu tầu’, họ không viết rời Loco Motive, hoặc Loco-motive. Chúngta cứ viết rời chữ một vì chúngta bị ảnhhưởng chữ Hán, mà chữ Hán không có cách viết liền. Nên để-ý rằng bâygiờ, khi viết bằng mẫutự Latin, người Tầu cũng viết liền danhtừ-kép, như Beijing, Shanghai, Deng Xiaoping.”


      “Người Nhật cũng viết liền Tokyo, Nagasaki, không viết rời To Kyo (Đông Kinh) và Naga Saki (Trường Thành)”.


      “Chúng tôi viết Học giả, với nghiã là ‘Người có học’. Nếu viết rời hai chữ học và giả thì chữ giả có thể hiểu là ‘giả dối, không thực’, chẳng khác vú giả, răng giả. Nếu danh từ-kép nào cũng dùng vạch-nối thì lại có quá nhiều vạch-nối. Chúngtôi tin rằng đọc tới trang này các bạn đã thấy quen mắt. Viết liền cũng là một bước tiếntới việc miễn bỏ dấu những chữ quá quen thuộc, như Vietnam, Hanoi, Saigon, v.v…”


      “Tuy-nhiên chúng tôi vẫn phải dùng vạch-nối (-) mỗi lần có thể đọc lầm, như Tu-nghiệp, vì nếu viết liền Tunghiệp thì người đọc phải mất công nghĩ-ngợi một chút, xem là Tu-nghiệp hay là Tung-hiệp” (Duy-Văn Sử-Quan, Hoàng Văn Chí, trang 16).

      Theo đề nghị của Cụ Hoàng Văn Chí thì những chữ thông dụng (quá quen thuộc) không cần bỏ dấu, như vậy ta có thể kể: cakhuc (ca khúc có thể đọc là cá khúc), cakich (ca kịch cũng có thể hiểu là cả kích), casi (ca sĩ có thể hiểu là ca sì), v.v… Thật khó mà phân biệt được những danh từ thông dụng với những danh từ ít thông dụng! Còn những danh từ thông dụng nhưng lại rắc rối thì sao? Chẳng hạn như: bacdau (danh từ “bắc đẩu”, nhưng nếu không bỏ dấu thì độc giả có thể hiểu lầm là “bạc đầu”, “bác đau”, “bác dâu”…), danchung (danh từ “dân chúng”, nhưng cũng có thể đọc lầm là “dẫn chứng”), “dongho” (danh từ “đồng hồ”, cũng có thể đọc lầm là “đong hộ” hay “đóng hờ”), “mauam” (danh từ “mẫu âm”, có thể đọc là “mau ấm” hoặc “mà u ám”), “quansu” (danh từ “quân sự” có thể hiểu là “quân sư”, còn “quân sư” có thể đọc là “quân sự”), v.v… Vì thế cho nên đề nghị của Cụ Hoàng Văn Chí đã không được khán thính giả và độc giả hưởng ứng.


      Nhà văn Đặng Trần Huân kết thúc vấn đề này như sau: “Để kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiện nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên chúng ta có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm” (trang 42).


      Về văn học, nhà văn Đặng Trần Huân đã dành nhiều thời giờ cho vấn đề này trong hai bài “Văn học Việt Nam hải ngoại” (trang 71) và “Lạm bàn về một bộ sách văn học” (trang 223).


      Trong bài “Văn học Việt Nam hải ngoại” tác giả đã lạm bàn về bộ (trọn bộ gồm 2 cuốn) “20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995” (gọi tắt là HMNVHVNHN). Ông phân tách về bộ sách này như sau: “Ngoài bìa ghi ‘một trăm năm mươi tám tác giả’ nhưng bên trong có 160 tên tác giả được giới thiệu gồm các nhà văn, nhà thơ và 17 họa sĩ, 2 nhiếp ảnh gia và 1 điêu khắc gia. Sở dĩ có sự khác biệt giữa 158 và 160 vì có tác giả có tới 2 bài, trừ bài in ở đầu sách Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Ở Hải Ngoại của Nguyễn Hưng Quốc dài 16 trang vì là bài tổng kết chứ không phải là một bài trong hợp tuyển. [Nguyễn Hưng Quốc cũng có một bài thứ nhì trong tập sách chung với các tác giả khác và ký tên Nguyễn Ngọc Tuấn]” (trang 72).


      Việc sắp xếp tên các tác giả trong bộ sách văn học cũng đã được tác giả góp ý như sau: “Chưa đọc hết chỉ mới nhìn qua sự sắp xếp, người đọc đã nẩy ra nhiều ý kiến đóng góp. Trước hết sự sắp xếp tác giả theo thứ tự ABC cũng chỉ áp dụng cho các bài văn thơ được chọn mà thôi, vì tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình không theo thứ tự này”.


      “Việc chọn thêm những tác phẩm không thuộc văn viết vào trong tuyển tập không thể tiêu biểu được cho ngành tạo hình trong văn học hải ngoại vì trong hai mươi năm mà chỉ có 20 vị vừa họa sĩ, nhiếp ảnh gia và một điêu khắc gia duy nhất thì quá nghèo nàn. Ta thấy vắng bóng nhiều họa sĩ tên tuổi như Tạ Tỵ, Trương Thị Thịnh, Thái Tuấn, Võ Đình, Mai Chửng, Hiếu Đệ, v.v…” (trang 72). Quả thật vậy! Các soạn giả không thể lấy lý do “không liên lạc được” với các họa sĩ kể trên. Ít nhất, các soạn giả cũng dư biết hoạ sĩ Võ Đình đã ở tại Maryland từ trước năm 1975. Theo tôi được biết, Họa sĩ Hiếu Đệ đi theo diện HO, nhưng ông đã có mặt ở Mỹ trước khi bộ sách này ra đời.


      Chưa hết! Việc bỏ sót các nhà văn tên tuổi đang ở hải ngoại cũng được tác giả nhắc tới: “Các nhà văn có tên tuổi trong nước trước 1975, khi ra ngoại quốc vẫn sáng tác, đã được trích trong bộ sách nhưng còn thiếu rất nhiều. Chỉ tạm kể một số thôi mà trong số này có nhiều người rất dễ tiếp xúc. Hãy tạm kể: Bình Nguyên Lộc, Duyên Anh, Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Minh Đức Hoài Trinh, Duy Lam, Cao Thế Dung, Đỗ Tiến Đức, Trùng Dương, Lê Thị Ý, v…” (trang 76).


      Bộ sách này còn nhiều chỗ đã được nhà văn Đặng Trần Huân nhắc tới, xin để qúi độc giả tự tìm hiểu thêm. Hãy lật qua trang khác, hứa hẹn còn nhiều điều lý thú hơn. Trong bài “Lạm bàn về một bộ sách văn học” (trang 223), tác giả viết: “Năm 1986 Võ Phiến cho xuất bản Văn Học Miền Nam Tổng Quan được độc giả đón nhận với hảo ý, rồi cuốn sách được nhật tu và tái bản hai năm sau. Đây là cuốn đầu trong bộ sách mà Võ Phiến gọi là Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975 như ghi ở trang 5 cuốn tái bản 1988” (trang 223).


      Tác giả vốn biết rằng nhà văn Võ Phiến là người làm việc rất cẩn trọng, nhưng ông cũng tìm thấy rất nhiều sơ hở trong bộ sách này: “Mười ba năm sau, (trong sách nói mười tám năm sau, trang 501) năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, CA cho trình làng sáu cuốn tiếp theo của bộ sách, một công trình tỉ mỉ và lâu năm. Vì là nối tiếp cho cuốn Tổng Quan sáu cuốn sau ngoài bìa mang tên Văn Học Miền Nam cho gọn. Riêng sáu cuốn có tên là VHMN này dày khoảng 2750 trang, bắt đầu từ trang 491 và kết thúc ở trang 3238”.


      “Tại sao sáu cuốn Văn Học Miền Nam chính thức bắt đầu bài vở ở trang 501 trong khi cuốn Tổng Quan chỉ mới chấm dứt ở trang 328?” (trang 224).


      Tác giả còn nhiều điều phân tách về cuốn VHMN này, thiết tưởng để quí độc giả tìm hiểu thêm thì thích thú hơn. Để kết thúc loạt văn học này, xin mời quí độc giả đọc lời nhận xét rất chí lý của tác giả như sau: “Hơn nữa bộ sách đã mang tên Văn Học Miền Nam thiết tưởng cũng nên nói tới những trào lưu, những tác giả đã gây xôn xao một dạo dù rằng có thể sau này chìm lắng. Để người đọc cũng có thể qua đó biết được cả mặt xôn xao mà hời hợt trong một giai đoạn văn học” (trang 231).


      Còn rất nhiều nhận xét rất lý thú và sâu sắc về nhiều lãnh vực và khiá cạnh của văn chương, chữ nghiã, xã hội, v.v… chiếm hơn nửa cuốn sách mà vì trang báo có hạn nên người đọc không thể dẫn chứng hết được. Để kết thúc bài này, người đọc xin góp ý với tác giả về “Người em đồng hao của Vũ Ngọc Phan” (trang 185), tức học giả Hoàng Văn Chí, để đóng góp thêm một số dữ kiện mà người đọc đã được hân hạnh biết do sự quen biết.


      *


      Tôi di chuyển về Hoa Thịnh Đốn vào đầu năm 1979 và được quen biết Cụ Ông và Bà Hoàng Văn Chí vào năm đó. Đầu năm 1980, Cụ Chí đề nghị tôi tổ chức lớp diễn thuyết văn hóa và Cụ sẽ đảm trách phần thuyết giảng. Vì thế, tôi đã xin phép tiểu bang Maryland để thành lập Viet Club, Inc. và tự bỏ tiền túi ra mướn trụ sở ở đường Thayer Ave., Silver Spring, nằm cạnh trụ sở của Phật Giáo Hòa Hảo do Cư sĩ Thái Hòa làm Hội Trưởng. Lớp văn hóa này sinh hoạt được hơn một năm thì ngưng vì số người tham dự càng ngày càng ít hơn; và cũng vì một số anh em trẻ ở Virginia muốn Cụ Chí sang bên đó thuyết giảng để có nhiều người nghe hơn. Thế là Cụ Chí đã nghe theo lời của các anh em trẻ và tôi cũng cất được gánh nặng.


      Cụ Ông và Bà Hoàng Văn Chí vẫn thường mời vợ chồng chúng tôi và 2 cháu nhỏ tới gia đình dùng cơm vào cuối tuần. Thường thì hai Cụ vẫn dành cho chúng tôi những bữa cơm gia đình, mà ít khi có sự hiện diện của người thân ruột thịt trong gia đình như vợ chồng Hoàng Việt Dzũng, Tiến sĩ Điện Toán, con trai của ông bà cụ, hay vợ chồng giáo sư Nguyễn Tường Vân, người rất gần gũi của gia đình.


      Ông bà cụ vẫn thường hay tâm tình với chúng tôi về mọi khía cạnh trong cuộc đời lăn lóc gió sương của Cụ, từ lúc trọ học ở Hà thành chung nhà với Võ Nguyên Giáp, Martin đến gặp Võ Nguyên Giáp như thế nào, thời gian ở Việt Bắc đúc tiền cho VC làm sao, ông Hồ Chí Minh thích cái gì, đệ nhất Cộng Hòa ra làm sao, thời gian làm Phó Lãnh Sự ở Ấn Độ, năm năm lưu vong ở Pháp đói khổ như thế nào, và sau cùng là thời gian làm việc cho Đài VOA ở Mỹ.


      Theo lời Cụ Bà kể, quả đúng thân sinh của Cụ Bà là Cụ Lê Dư, biệt hiệu Sở Cuồng, quê quán ở Quảng Nam. Tên của cụ bà là Lê Hằng Phấn. Nếu tôi nhớ không lầm thì Cụ Bà Lê Hằng Phấn gọi cụ Phan Khôi bằng Cậu. Tôi chỉ được biết bà chị của Cụ Bà là Lê Hằng Phương, vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, chứ không hề nghe Cụ nhắc tới cô em là Lê Hằng Huân. Mặc dù Cụ Ông có nhắc tới Tướng Nguyễn Sơn nhiều lần, nhưng không hề nhắc tới Lê Hằng Huân.


      Cụ Chí sinh năm 1913, thuộc gia đình Nho giáo ở Thanh Hóa. Trong các khóa giảng văn hóa, Cụ Chí đã nhiều lần nhắc tới dân tộc Mường một cách say sưa và Cụ thường đề cập tới sự lợi ích của việc ăn cơm nếp của người Mường. Mặc dù Cụ Chí không trực tiếp nói với tôi, nhưng qua cách nói của Cụ, tôi biết chắc rằng Cụ là người có gốc Mường.


      Tác giả Đặng Trần Huân có nhắc tới các tác phẩm của Cụ Hoàng Văn Chí như sau: “Năm 1999, khi đọc bài đính chính đăng trên báo Ngày Nay, anh Vũ Đoàn, một người bạn cũ ở vùng Hoa Thịnh Đốn viết thư cho biết bà Lê Hằng Phấn là phu nhân của nhà biên khảo Hoàng Văn Chí, tác giả những cuốn Tâm Trạng Của Giới Văn Nghệ Miền BắcTừ Thực Dân Tới Cộng Sản, cuốn sau đã có bản Anh, Pháp ngữ” (trang 187). Sự thật thì tên của cuốn trước là “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa (của Cụ Chí) xuất bản tại Sài Gòn năm 1959 và tên của cuốn sau là “From Colonialism to Communism” (nguyên tác bằng Anh ngữ, xuất bản năm 1964 tại New York), mà người đọc đã được Cụ Hoàng Văn Chí ký tặng. Cũng theo lời Cụ Chí nói với tôi thì cuốn “From Colonialism to Communism” đã được dịch ra 13 thứ tiếng, kể cả bản tiếng Việt có tên là “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” .


      Về tác phẩm của Cụ Hoàng Văn Chí, tôi được biết như sau: Sau khi vào Miền Nam, Cụ Chí làm việc ở Sở Văn Hóa. Nhờ cơ hội này, Cụ thành lập “Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa”; đồng thời biên soạn cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” (1959). Theo chỗ tôi được biết thì cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” do Cụ Hoàng Văn Chí biên soạn, một phần lớn nhờ tài liệu của Tòa Đại Sứ Pháp và Anh cung cấp, phần còn lại là do thân nhân của Cụ Phan Khôi, chứ lúc bấy giờ Bộ Thông Tin của VNCH cũng còn đang mù mờ về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở ngoài Bắc.


      Trong thời gian đó, Cụ Hoàng Văn Chí có cộng tác với một số tạp chí văn hóa bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và Hoa; đồng thời xuất bản tập truyện “Phật Rơi Lệ”. Cụ có một biên khảo về phong tục học nhan đề “Đính chánh một định kiến sai lầm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam” đăng trong báo Ngày Mới ở Sài Gòn năm 1958. Theo cụ Chí cho biết thì, vì một lỗi lầm nào đó, khi bài này được dịch sang Anh ngữ và đăng trong tạp chí Asian Culture của Hội Liên-lạc Văn-hóa Á-châu, năm 1961, lại được ký tên là Nguyễn Đăng Thục, Hội Trưởng của hội văn hóa kể trên! Ngoài ra, Cụ Chí cũng đã xuất bản hai tác phẩm tại Sài Gòn trước khi đi Ấn Độ, đó là “The Fate of The Last Viets” (Hoa Mai, Sài Gòn, 1956) và “The New Class in North Vietnam” (Công Dân, Sài Gòn, 1958).


      Nhờ vận động, năm 1959, Cụ Chí được đề cử giữ chức Phó Lãnh Sự Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại New Delhi, Ấn Độ. Một năm sau, Cụ ông cùng gia quyến bỏ sang Pháp sống cuộc đời lưu vong mất 5 năm ở Paris trong túng quẩn và nghèo khổ, có lúc gia đình phải gặm bánh mì mốc để dằn cơn đói. Cũng trong 5 năm gian khổ đó, Cụ Chí đã hoàn tất một tác phẩm để đời và được dịch ra 13 thứ tiếng (theo lời của Cụ Chí), đó là cuốn “From Colonialism to Communism”, nguyên tác bằng Anh ngữ do chính tay Cụ viết. Bản Việt ngữ có tên là “Từ Thực Dân đến Cộng Sản”, bản dịch của Mạc Định (1962). Bút hiệu Mạc Định là của Cụ Hoàng Văn Chí. Cụ Chí còn một tác phẩm dở dang, chưa kịp hoàn tất thì Cụ ngả bịnh qua đời (không nhớ rõ năm, 1986 hay 1987). Trưởng nam của Cụ Chí, Tiến sĩ Hoàng Việt Dzũng, sau đó đã cho ấn hành với tên là “Duy Văn Sử Quan” (1988).


      ***


      Tác phẩm “Chữ Nghiã Bề Bề” của nhà văn Đặng Trần Huân (mặc dù tác giả khiêm nhường gọi là “chuyện văn nghệ”) là một tác phẩm phê bình rất có giá trị trong lãnh vực văn hóa và văn học. Bất cứ ở lãnh vực nào ông cũng đều phân tách một cách tỉ mỉ và sâu sắc. Điều gì biết thì ông nói là biết; điều gì viết sai thì ông nhận là sai và hiệu đính ngay; còn điều gì chưa biết thì ông nói là chưa biết. Tôi rất thích ở chỗ ngay thẳng của tác giả, vì có như thế người đi sau nếu có dẫn chứng những lời nói của ông thì cũng không sợ bị hố.


      Cuốn “Chữ Nghiã Bề Bề” dày 250 trang, bìa màu rất đẹp, do Văn Mới xuất bản năm 2000, giá 12 Mỹ kim.


      (Đức Phố, ngày 14 tháng 7 năm 2001)


      Vĩnh Liêm

      Nguồn: vietnamdaily.com

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Đặng Trần Huân: Chữ Nghĩa Bề Bề Vĩnh Liêm Nhận định

    3. Bài viết về nhà văn Đặng Trần Huân (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Đặng Trần Huân

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Đặng Trần Huân: Chữ Nghĩa Bề Bề (Vĩnh Liêm)

      Đặng Trần Huân, tác giả & tác phẩm (Nguyễn Mạnh Trinh)

      Đặng Trần Huân, Người Yêu Chữ Nghĩa (Đỗ Xuân Tê)

       

      Tác phẩm của Đặng Trần Huân

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Chữ Nghĩa Bề Bề

      Lần Giở Trước Đèn

      Giới thiệu “Theo chân những tiếng hát” của Hồ Trường An

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)

      Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)