|
Trần Trọng Kim(.0.1883 - 2.12.1953) | Văn Đen(.0.1919 - 2.12.1988) | Đàm Trung Pháp(.0.1941 - 2.12.2021) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ, nhà đấu tranh cho nhân quyền
Thi Vũ Võ Văn Ái (1935 –2023).
Ảnh: Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế
Nhớ mãi Limeil những đám mây tháng 9, những lóng cuộn tròn trôi về phía cuối chân trời. Và pha lại ly trà phổ nhị dâng ngọt lâng thanh quản để nhớ chốn trà đường nhìn xuống khu vườn phía sau với từng lớp trúc vươn cao bên suối nhỏ cùng những khóm quỳnh. Bây giờ mùa thu còn vây quanh, nhìn mây bay, nhớ lại người đã không còn…
“Thở lại nhịp thở người ấy. Chậm rãi. Trở về. Ngày người ấy đi rồi, lá vàng hực lộng. Dáng trắng thánh đường trên cao hắt xuống lũng dài thị trấn Paris một tiếng hét chới với. Như tiếng gọi con sông xanh xé rách giải đất buồn triền khô quánh.” (Thi Vũ – Mùa thu đã cũ trên đồi Montmartre)
Trong thu nhớ Thi Vũ…
Vũ Hoàng Thư
Oct. 2024.
Tháng 9 bay về những đám mây đen, buổi sáng đã hâm. Limeil có con nắng đầu thu như hơi thở háp từ một mùa hè còn ray rứt chưa vội đi. Và cơn mưa nhẹ phớt hạt chạy dài trên khung cửa. Tháng 9 nhìn đám trẻ sắm sửa trở lại học đường đánh thức trường lớp và bài học vỡ lòng đầu đời. Tôi đi học trong lành Thanh Tịnh, buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh… Rồi những năm sau, sau nữa, mùa tựu trường gọi miên man xanh một thời ướm mộng. Cho đến khi lá ủ vàng thành khối nặng hành trang, người chùng xuống như ngựa quỵ giữa đàng. Và mặt trời cũng run rẩy hôm nay như điệu thu Prévert,
Un cheval s’écroule au milieu d’une allée
Les feuilles tombent sur lui [1]
Ngựa khụy chân giữa lộ
Vàng lưng rơi lá khô
Bài thơ ngắn, L’automne, chỉ bốn câu mà kéo theo bao nhiêu lá vàng ngập tràn trong cõi. Lá rụng khởi lá chồi, bên ngoài gọi bên trong và thời gian mấy mùa mênh mông. Những bước chân có trống trải, có đợi chờ, những mối tình có buồn ở lại? Cuối cùng ta bỏ lại ngôi trường, bỏ lại những con đường cũ bước vào đời như những đứa trẻ từ đồng xanh rơi vực, nếu mượn lời The Catcher in the Rye của J.D. Salinger. Bước vào đời có thực chăng là đi vào vực thẳm hay chính sự đánh mất lòng trong sáng mới là địa ngục? Salinger cà tàng về một anh chàng bắt trẻ đồng xanh Holden Caulfield mơ ước suốt ngày làm kẻ chăn giữ trẻ thơ để chúng khỏi rơi tòm vào hố thẳm – That’s all I do all day. I’d just be the catcher in the rye and all [2]. Hắn thích thú lời đồng ca, Comin Thro’ The Rye, điệu Tô Cách Lan âm ngân lời thơ giữa những ngập ngừng trẻ thơ vô nhiễm,
Should a body kiss a body,
The thing is a body’s own. [3]
hỏi môi ghé má chung cùng
ồ thân thể chuyện trùng phùng rất riêng
Có chăng ta khác với mình? Từ trong riêng rẽ tựa hình như chung. Riêng hay chung, tôi bắt gặp rất nhiều mây từ vườn nhà anh Thi Vũ ở Limeil những ngày đầu tháng 9. Đời chạy dài trong cuộc bắt nắng. Từ những lũng gió và lẵng nắng đơm thành Hoa Nắng của anh. Rất sớm và lạ, một cõi Thơ nơi thiên nhai riêng biệt, kỳ cùng lên điệu thiền tâm. Những bước của nắng bừng, những hương của hoa bung. Hương không về qua khứu giác. Lời không vang trong âm thanh [4], vì tất cả khởi từ Tuệ.
Hàng hoa dâm bụt hồng sau nhà chạy dài bờ tường, leo lên mái rêu xanh cuối vườn. Trời đứng gió. Không dưng, một buổi sáng Limeil có đám mây trắng cuối đầu chào đám mây đen, hoa lặng im tự bung cánh lả tả rơi thành chùm trên cỏ xanh. Hoặc là ngẫu nhĩ tinh khôi, hay cơn nghi hoặc lậm bồi về khơi? Rất tình cờ hoa dội tiếng thinh không, nổ bùng hơn sấm mà lạ thay không một tiếng vang. Chỉ những thanh động chuyền loang trong đầu, loại big bang mở khơi vũ trụ. Thị giác mở toang thay cho thính giác ngay ở phút giây chuyển dịch từ sự hiện hữu đi đến tan biến. Một chòm hoa sớm tinh mơ dịu dàng trước mắt vỡ bung hiện tiền thành hoa rơi. Cánh bay trong không thong dong. Hoa đánh động ý thức phân biện còn/mất từ người trong khi hoa ung dung la đà đáp xuống sân cỏ như nhiên của diễn tiến liên tục nhân duyên. Như chưa hề có, như chưa hề không… Chưa bao giờ tôi được “nghe” như thế, ngũ quan đâm lay bừng tinh tế vì một cánh hồng rơi?
Mấy thế kỷ trước Moritake đứng giữa vườn đào nhìn hoa và bướm. Hồ điệp bay vào mơ làm Trang Tử ngẩn người, một cánh bướm lượn giữa rừng đào khiến thi sĩ ngờ vực. Thơ luôn là điều vươn tới, một ước mơ vượt trội, dù điểm đích có muôn trùng. Như cánh hoa rơi bay ngược đậu lại cành? Thi sĩ ảo tưởng hay chỉ một lóng mơ? Hoa nào có rụng, mà dẫu Em rời, thế nào Em cũng trở lại. Mỹ miều quý hóa quá, ta chẳng muốn mất Em…
rakka eda ni
kaeru to mireba
kochō kana
— Arakida Moritake
A fallen blossom
returning to the bough, I thought –
But no, a butterfly.
(Translation by Steven D. Carter)
một cánh hoa
lượn về cành
ồ không, hồ điệp du hành cuộc chơi
Con bướm bây giờ là linh hồn bay bổng của dáng hoa dưới hình thái khác. Trong phấn khích hay bi ca, thi sĩ quyền biến hóa sinh sự hủy diệt thành sinh lộ. Hoa không chết, cánh không về cội mà bay lên, thỏa hiệp với nhà thơ trong cuộc chơi trần thế. Mất mát đó, không là gì, ở phút này điều đáng nói là cánh bướm lấp lánh bay…
oOo
chim gọi đàn
tượng ngồi
tịch hư
Tượng đồng Quán Thế Âm ung dung từ tường nhìn xuống trà đường. Ngài không cầm bình nước Cam Lộ như vẫn thấy ở những tượng đời thường, Bồ Tát vắt vẻo trên mây, bay qua biển lắng nghe tiếng khổ chốn trầm luân. Thân vô trụ giữa vòng không, vì khởi điểm hay đi về chung, cùng nằm trên một vòng tròn. Tượng thả áo phơi ngực, mở lòng. Không còn cần thiết hành động tháo gút vì rỗng không vốn đã tự lòng. Bồ Tát ngồi chân xếp chân thẳng, phong thái tự tại trong tư thế sẵn sàng hành động, bước xuống đời.
Sáng nay mùa thu nhỏ giọt, mưa bụi bay bay. Mây trắng quấn như lọn tóc lửng bờ vai thiên thể. Mây sẽ bay về núi. Tóc sẽ thả dài trong gió cho ngát xanh dương liễu một miền quá khứ đã xa.
Niềm chao buổi sáng ngậy hương trà. Hôm nay anh Thi Vũ đãi món quý, trà Phổ Nhị ủ ướp hơn sáu mươi năm. Đây là loại rất đắt giá mà chúng tôi không ai có đủ khả năng mua. Anh nhận được từ người bạn quý tặng trên đường tranh đấu nhân quyền quốc tế như là món quà của thiện duyên, bởi trong cõi nhân quần này không có duyên chẳng bao giờ gặp gỡ được nhau. Trà Phổ Nhị (Pu-erh), người Quảng Đông gọi là po-lay, loại trà đen thường thấy ở các tiệm ăn người Hoa, xuất xứ từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Khác với các loại trà xanh, trà Phổ Nhị sau khi ướp được đem ủ thành bánh, thời gian ủ càng lâu hương vị càng dịu và thanh hẳn lên. Chén trà trên tay mang hơn sáu mươi năm ướp ủ, vị chát nồng thường bắt gặp ở trà Phổ Nhị đã thuần, không còn châm chích đầu lưỡi mà mượt nhẹ tím nhung. Màu nâu đậm ối nguyên thủy đã lóng bớt chất đen phần nào, giờ thành đỏ thắm bình ấm tử sa. Và mùi hương dâng mũi một rừng thu ẩm gỗ, của lá rụng bao mùa lưu giữ hương xưa, pha ngây hơi hướm đất, trộn cùng với lâng lâng xông khói lam chiều từ mái rạ chốn quê xa. Như thế hớp cạn chén, chút ngon ngót hậu vị chạy từ miệng xuống yết hầu, bình sinh thế sự bất bình nói như Lô Đồng theo lỗ chân lông mà bay đi, tận hướng mao khổng tán… Từ đó bắt gặp điều lý thú từ trà Phổ Nhị, tánh thanh cao vốn đã sẵn nằm trong thô thiển.
Cứ thế anh Thi Vũ tiếp trà, chúng tôi cạn hết chén này sang chén khác. Mái tóc trắng anh vuốt ngược ra phía sau. Đã bạc và thưa nhiều. Tôi chợt nhớ đến màu đen nhánh lộng gió bốn phương từ những tháng năm bôn ba Mùa Xuân Xa [4] trải dài gió bụi. Những thăng trầm trên đường đấu tranh quốc tế, những đòn thù từ mọi phía, một mình đem vó dọ mông lung [4]. Bây giờ anh ngồi đó, khuôn mặt tiên phong dạn dày, trong tranh sáng một sớm mai phảng phất nửa phiến cười. Có lẽ anh đang vui, không vì mãn nguyện về thành tích mà vì đã dấn bước, đó mới là điều quan trọng. Lên đường vì một hoài bão ôm ấp tự ấu thời để thu ngắn con đường đau khổ của một quê hương mãi lầm than dưới bọn cầm quyền cú vọ. Dù cho đến hôm nay con đường ấy vẫn còn xa. Nhưng sá gì, một nụ cười đợi chờ từ quê cha thổ trạch đáng giá gấp triệu lần cơn khốn khó…
Con chim
hót
một tràng sông
Nụ cười bản trạch
thơm nồng
cõi xa [4]
Tháng 9 Limeil chúng tôi ngồi lại bên chén trà Phổ Nhị ướm hương thổ mộc trầm rừng, nghe thầm thì lời những đám mây bay qua. Có một khoảng trời xanh và rất nhiều mây đi ngang, tôi muốn nói một lời đậm nhất đến gia chủ Linh Mai (Limeil) nhưng có lẽ trong gió, mọi lời đều không còn cần thiết…
Vũ Hoàng Thư
Tháng 12, 2015
——————
[1] L’automne, thơ Jacques Prévert
L’automne
Un cheval s’écroule au milieu d’une allée
Les feuilles tombent sur lui
Notre amour frissonne
Et le soleil aussi.
Mùa thu
Ngựa khụy chân giữa lộ
Vàng lưng rơi lá khô
Tình đôi ta rúng lạnh
Rùng theo mặt trời nhô
(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)
[2] The Catcher in the Rye, J. D. Salinger
[3] Coming Through The Rye, thơ Robert Burns (1759-1796) phổ nhạc theo điệu dân ca Scotland. Salinger mượn ý thơ để đặt tên nhan đề truyện The Catcher in the Rye.
[4] Thơ Thi Vũ
- Limeil, những ngày mây Vũ Hoàng Thư Tưởng niệm
- Trong nắng, gió, và bướm hè, đọc Hoa Nắng của Thi Vũ Vũ Hoàng Thư Nhận định
- Về Mẹ Vũ Hoàng Thư Tạp luận
• Limeil, những ngày mây (Vũ Hoàng Thư)
• Trong nắng, gió, và bướm hè, đọc Hoa Nắng của Thi Vũ (Vũ Hoàng Thư)
• Nghĩ về chiến sĩ nhân quyền Võ Văn Ái (18.10.1935—26.1.2023) (Nguyễn Hữu Nghĩa)
• Những tác phẩm của nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái (T.Vấn)
- Tiễn biệt Thi Vũ Võ Văn Ái: Giữa Đạo và Đời (Trần Kiêm Đoàn)
- Thương nhớ Thi Vũ Võ Văn Ái (1935-2023) (Vũ Hoàng Thư)
- Nhà Thơ, Nhà Đấu tranh Thi Vũ Võ Văn Ái qua đời tại Paris (nhanquyen.co)
- Nhà tranh đấu, nhà thơ Võ Văn Ái đã từ trần (viendongdaily.com)
- Võ Văn Ái nói về Thích Nhất Hạnh … (Lê Thị Huệ)
- Nhà Thơ, nhà đấu tranh Thi Vũ Võ Văn Ái từ trần tại Paris, Pháp Quốc (nguoivietdallas.com)
- Nhà tranh đấu Võ Văn Ái qua đời ở Pháp (VOA)
- Nhớ về Tạp chí Quê Mẹ ở Paris
- Đôi lời về công trình dịch thuật Phật Quang Đại Từ Điển của Hòa Thượng Thích Quảng Độ
Tác phẩm trên mạng:
• Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Bùi Giáng (1926 - 1998) (Bùi Vĩnh Phúc)
• Ôn ra đi để lại nụ cười (Trần Trung Đạo)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Tâm Thức Phật Việt: Sức Mạnh Từ Tam Tạng Thánh Điển Đến Lịch Sử Dân Tộc (Nguyên Siêu)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |