1. Head_

    Ngô Tất Tố

    (..1894 - 20.4.1954)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Ý thức nữ quyền và ảnh hưởng văn hóa phụ hệ thể hiện trong tác phẩm của nhà văn Lê Thị Huệ (Nguyễn Thị Hải Hà) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      12-9-2018 | VĂN HỌC

      Ý thức nữ quyền và ảnh hưởng văn hóa phụ hệ thể hiện trong tác phẩm của nhà văn Lê Thị Huệ

        NGUYỄN THỊ HẢI HÀ
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà văn Lê Thị Huệ
      (Họa sĩ Khánh Trường vẽ)

      Nhà văn Lê thị Huệ, người Hà Tĩnh; di cư vào Nam, học Tiểu học ở trường Nguyễn Công Trứ, Qui Nhơn, học lớp 7 ở trường Saint Paul, Mỹ Khê, Đà Nẵng, Đại học ban Việt Văn ở Đà Lạt, và là học trò của nhà văn Vũ Khắc Khoan. Lê thị Huệ  đã tham gia biểu tình chống Mỹ, từ bỏ Công Giáo, và vượt biên rời Việt Nam vào năm 1975.[1]


      “Lê thị Huệ tốt nghiệp cao học các ngành Tâm lý, Hướng dẫn giáo dục, hiện làm giáo sư hướng dẫn tại đại học cộng đồng Evergreen, Valley College, California. Tác phẩm đã xuất bản: Bụi Hồng 1984, Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh 1987, Rồng Rắn 1989, Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật 1995, Canh Thức cùng thơ mộng 1996 (chung với Vũ Quỳnh Hương và Trân Sa), Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21, tái bản 2003.” [2]


      Nhà văn Lê thị Huệ có một số lượng tác phẩm rất lớn đối với một người viết văn không phải là nghề chính. Bên cạnh ấn bản, Lê thị Huệ còn rất nhiều tác phẩm đăng trên trang mạng văn học Gió O, do chính nhà văn sáng lập và chủ biên. Lê Thị Huệ viết nhiều thể loại với khuynh hướng hiện thực. Ngoài truyện/chuyện ngắn, truyện/chuyện dài, bà còn làm thơ, viết tiểu luận, phê bình, ký sự, kịch, và trào phúng.


      Nhà văn Bùi Bảo Trúc nhận xét tập truyện ngắn đầu tiên của Lê thị Huệ như sau: “Truyện Bụi Hồng viết về những mảnh đời bất hạnh, về những ước mơ không thành trong cuộc sống, về những cái bóng của hạnh phúc không bao giờ có thật… Những nhân vật trong bằng ấy truyện của Lê Thị Huệ đều là phụ nữ. Ngay cả những nhân vật nam mà có lúc người ta tưởng là nhân vật chính thì cũng lại chỉ là những nhân vật phụ, chỉ là những chiếc cột để cho cây leo quấn lấy leo lên.”[3] Nhưng truyện của Lê thị Huệ không đơn giản chỉ có thế. Tác phẩm của Lê thị Huệ, như một tấm thảm dệt tinh xảo, người đọc luôn luôn có thể nhận ra những sợi chỉ khác màu chất chứa ẩn dụ. Qua những lời thăm hỏi của hai người phụ nữ, độc giả có thể nhìn thấy sự cố gắng hội nhập vào hoàn cảnh sống ở Hoa Kỳ của hai người di dân và một mối tình chưa kịp thành hình đã tan vỡ (Cánh Hoa Trước Gió). Qua buổi hẹn ăn trưa của hai dì cháu, độc giả nhìn thấy sự xung đột của hai nền văn hóa Đông Tây, cái nhìn về sự thành công, và tình gia đình bị sứt mẻ của hai thế hệ (Mái Tóc Rượu Vang). Đằng sau sự thay đổi của một người bạn cũ (Bụi Hồng) độc giả liên tưởng đến sự khắc nghiệt của chế độ mới áp đặt lên cuộc sống người dân miền Nam. Còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ nêu lên vài thí dụ.


      Toàn bộ tác phẩm của nhà văn Lê thị Huệ đã được Nguyễn Vũ Khuyên nghiên cứu và phân tích trong luận án tốt nghiệp Tiến Sĩ bộ môn Ethnic Studies của Đại học Berkeley (California) với chủ đề “Lê Thị Huệ: Writing between Exilic Homelessness and Situated Nomadism” (Tạm dịch: Lê Thị Huệ: Viết văn giữa tình huống không nhà vì lưu vong và định cư tạm bợ của người du mục) [4]. Lý do Nguyễn Vũ Khuyên chọn nghiên cứu tác phẩm của nhà văn Lê thị Huệ được nêu ra như sau: “My dissertation focuses on the body of work of feminist writer Lê thị Huệ whose expansive breadth and constantly evolving aesthetics render her an appropriate representative and a singular phenomenon among her contemporaries in the Vietnamese diaspora.” (Tạm dịch: Luận án của tôi tập trung vào tác phẩm của nhà văn nữ quyền Lê thị Huệ vì tác phẩm của nhà văn này có chiều rộng rất lớn và tính thẩm mỹ trong tác phẩm luôn luôn phát triển. Hai điều kiện này khiến Lê thị Huệ thích hợp làm người đại diện và là hiện tượng duy nhất trong giới nhà văn Việt Nam hải ngoại đương đại). Kể từ khi tôi đọc và dịch bài tiểu luận “Asian Women in Film: No Joy, No Luck” của Jessica Hagedorn tôi nhận ra nếu dùng nữ quyền luận để quan sát các tác phẩm văn học có thể tôi sẽ nhìn thấy những điều hay mà bình thường tôi không nhìn ra. Nguyễn Vũ Khuyên gọi nhà văn Lê thị Huệ là nhà văn nữ quyền khiến tôi muốn tìm hiểu ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền trong tác phẩm của nhà văn Lê thị Huệ như thế nào. Nhà văn Lê thị Huệ đến Hoa Kỳ khi ở tuổi trưởng thành và sống ở Hoa Kỳ đã hơn ba mươi năm, ảnh hưởng văn hóa nữ quyền trong tác phẩm của nhà văn có lẽ là chuyện bình thường. Tuy nhiên hơn hai mươi năm nhà văn Lê thị Huệ lớn lên ở Việt Nam, một quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn hóa phụ hệ đã mấy ngàn năm, dấu vết của văn hóa phụ hệ (nếu có) có thể hiện trong tác phẩm của Lê thị Huệ hay không?


      Tuy lý thuyết nữ quyền rất non trẻ so với nền văn học phê bình hiện nay, từ hơn ba mươi năm nay sách vở nghiên cứu biên khảo về chủ nghĩa nữ quyền xuất bản rất nhiều. Hai chữ Nữ Quyền thường hứng chịu nhiều thành kiến sai lầm. Estelle Freedman đã yêu cầu thính giả gạt bỏ định kiến về Nữ Quyền trước khi nghe bài giảng thuyết của bà [5]. Giới điện ảnh không ít khi miêu tả những nhà nữ quyền là những người phụ nữ luôn luôn giận dữ và to tiếng. Trong khi tìm kiếm định nghĩa của chữ feminism, hay nữ quyền, tôi gặp một câu nói thú vị của Rebecca West: [6] “Tự bản thân tôi, tôi chẳng biết chính xác nữ quyền là gì. Tôi chỉ biết người ta gọi tôi là nhà nữ quyền mỗi khi tôi lên tiếng phản đối để người ta đừng lầm tôi với miếng thảm lau chân đặt ở trước cửa” [7].


      Độc giả có thể tìm thấy định nghĩa của nữ quyền hay Feminism ở Wikipedia tiếng Anhtiếng Việt. Học giả Đặng Phùng Quân đã định nghĩa Nữ Quyền như sau: “Một định nghĩa về từ này thường liên hệ tới một hệ thống, một học thuyết hay một phong trào đòi hỏi quyền bình đẳng về chính trị, xã hội và giáo dục giữa đàn bà và đàn ông. Một định nghĩa như vậy cả về mặt nội hàm lẫn ngoại diện có một hạn chế nhất định.” [8]. Feminism còn có nghĩa là một lý thuyết được dùng làm phương pháp phê bình văn học. Đó là những định nghĩa về feminism mang tính chất học thuật. Một cách đơn giản, feminism hay nữ quyền là quyền lợi của phụ nữ và quyền bình đẳng của hai phái nam nữ. Tuy nhiên vì phụ nữ từ xưa đến nay ở thế yếu và vẫn còn bị đàn áp nên đòi quyền bình đẳng thường có nghĩa là chống đàn áp phụ nữ.



      Lịch sử nữ quyền có nhiều nhóm, nhiều nhánh và phát triển mạnh trong nhiều phong trào. Những nhóm này thường khi hỗ trợ nhau và có khi ý kiến bất đồng với nhau. Cùng ở châu Âu, Hélène Cixous không chấp nhận thuyết The Second Sex của Simone de Beauvoir. Những năm 70 cùng tranh đấu đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ Hoa Kỳ, Gloria Steinem và Betty Friedan không đồng ý với nhau. Một nhóm nữ quyền chống đối sách báo phim ảnh khiêu dâm trong khi nhóm khác lại cho rằng làm như thế là hạn chế quyền hưởng thụ tình dục của phụ nữ. Giữa những ý kiến khác biệt nhau, tất cả các nhà nữ quyền trên toàn thế giới nhất trí ở một điểm, chống đối tất cả mọi hình thức bạo động đối với phụ nữ. Hillary Clinton ở cương vị Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ trong một buổi họp với chính quyền Trung Hoa đã tuyên bố: “Nữ quyền là nhân quyền. Người nào vi phạm nữ quyền là vi phạm nhân quyền” [9].


      Germaine Greer đã viết: “A woman’s body is the battlefield where she fights for liberation. It is through her body that oppression works, sexualizing her, victimizing her, disabling her.” Dịch là: “Thân thể của người phụ nữ là chiến trường nơi họ tranh đấu để được tự do. Thân thể của họ bị dùng để đàn áp, xác định giới tính của họ, biến họ thành nạn nhân, và biến họ thành những người yếu đuối vô dụng.” [10]


      Bạo động đàn áp phụ nữ không phải là điều mới lạ. Thập niên 50 truyền hình Hoa Kỳ thường xuất hiện những chương trình đem chuyện đánh đập phụ nữ làm trò hài hước. Mãi đến thập niên 70 mới có luật bảo vệ phụ nữ, cấm đánh đập vợ, giúp buộc tội và xử án những kẻ hiếp dâm dễ dàng hơn. Người bị hiếp dâm thường mang cảm giác bị buộc tội nhiều lần trong khi kẻ phạm tội hiếp dâm thường được tự do. Phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng ở Hoa Kỳ đã giúp xã hội Hoa Kỳ nhìn ra sự bạo động đối với phái nữ. Hiếp dâm là đàn áp phụ nữ bằng sợ hãi. Nạn nhân của những cuộc hãm hiếp thường im lặng vì hổ thẹn. Một trong những cách chống lại là đưa ra ánh sáng tệ nạn này. Với người viết, vũ khí là tác phẩm.


      Sau năm 1975, có rất nhiều phụ nữ Việt bị hãm hiếp trong khi đi tìm tự do. Nhiều người bỏ thây trên biển cả vì không chịu nổi sự hành hạ của cướp biển. Nếu không chết trên biển cả, họ thường bị chấn động tâm lý có khi đến suốt đời. Viết về nạn nhân của sự hãm hiếp, nhà văn Lê thị Huệ ngoài việc nói lên cái bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn rời bỏ quê hương, còn là cách chống lại sự bạo động đặt lên phụ nữ cả hai mặt thể xác và tâm lý.


      Ảnh hưởng sự hiếp dâm làm cho các nhân vật nữ trong truyện của Lê thị Huệ có cuộc sống không hạnh phúc. Trong Đỏ Xao Xuyến, nhân vật Mỳ không có hạnh phúc với chồng, người cùng đi chuyến vượt biên với Mỳ, bởi vì nàng luôn nhớ lại cảnh tượng chồng và những người đàn ông khác bị trói lại, trong khi nàng và những người phụ nữ khác bị hãm hiếp. "Làm sao nàng có thể đào mồ ký ức để chôn vùi được cái hình ảnh Mẫn và những thanh niên trên tàu bị trói gô với nhau để khỏi nhìn thấy những tên du đãng biển đang đè nát nàng.”


      Trong Nắng Khô, người kể chuyện là một cô gái ngoài ba mươi, có nghề nghiệp có tiền, nói chuyện với Mến, trẻ hơn, ít học, nghèo và đang lãnh tiền trợ cấp xã hội. Cả hai có một quá khứ giống nhau là cả hai, cùng với một cô gái nữa tên Tiên, đã bị hãm hiếp. Mến có lần tự tử. Cô gái ba mươi tuổi thì có cuộc sống không hạnh phúc vì cô không thể dấn thân vào cuộc chăn gối với người yêu. “…mỗi lần anh ấy hôn lên ngực tôi là trong người tôi trào dâng lên một nỗi buồn xa lạ. Buồn ùn ngập từng tế bào. Buồn rã rượi từng thớ thịt da. Và rồi tôi cứ chảy nước mắt ra hoài. Và rồi tôi chỉ muốn nằm xa lánh. Và rồi anh ấy phải đầu hàng tôi…”


      Trong Ghẻ Biển, nhà văn Lê thị Huệ đã cấu tạo rất thành công một mẫu người đàn bà Việt Nam nạn nhân của thời thế, cướp biển, cũng như những tư tưởng của quan niệm tiêu cực trong văn hóa phụ hệ. Trần thị Nhạn, chỉ độ bốn mươi nhưng già trước tuổi. Được nuôi dưỡng trong văn hóa Khổng Mạnh, thuở bé học viết chữ Nho, lớn lên tìm đường vượt biên để trốn chế độ Cộng sản, rơi vào sự lừa dối của anh tình nhân bộ đội, thuyền chìm, con chết, bà trở nên điên loạn vì bà tự phán xét mình.


      Trái lại với những nhân vật của Đỏ Xao Xuyến, Nắng Khô, và Ghẻ Biển, Huệ Lâm, trong Sông Không Bến, không để cái quá khứ bị hãm hiếp của mình ngăn chận cuộc sống mới. Vượt biên, tàu chết máy, sau đó gặp bão, chìm thuyền, chồng chết, con chết, cô trôi dạt, được cứu, vào bờ bị lính gác trại Mã Lai hiếp dâm. Cô không trở nên điên loạn như mọi người dự đoán. Trái lại. “Cô gái trước mặt tôi trông xinh tươi như hoa lan hoa huệ ngoài đồng. Chả có điều gì phiền muộn còn lại trên khuôn mặt và cuộc đời người con gái này chứng tỏ là nàng ta đã trải qua những biến cố kinh hoàng trên biển, trong trại tỵ nạn. Là người đã mất tiêu dấu tích chồng con của mình trong lần chết đi và sống lại ấy.”


      Nhiều người tỏ ý trách Huệ Lâm nhưng nhà văn Lê thị Huệ bênh vực sự quên lãng quá khứ của Huệ Lâm. “Mà muốn có tương lai hạnh phúc thì nhớ làm gì đến cái quá khứ đau đớn ấy chứ. Mà này cô bạn. Người ta không đau khổ thì đâu phải là một cái lỗi. Tại sao cô lại cứ mong cho người ta đau khổ. Cô chính là kẻ đi rình mò sự đau khổ của người khác rồi đem về vẽ chuyện lên. Cái bọn viết văn nào mà cứ nghĩ là viết tiểu thuyết cần phải éo le gay cấn cuộc đời thì chuyện mới hay, chính ra bọn này cần xét lại họ trước.”


      Nhân vật nữ của Lê thị Huệ dù rất dịu dàng, họ không dễ bị khuất phục. Luôn luôn tiềm ẩn trong họ một sức kháng cự ngấm ngầm. Nhân vật nữ trong truyện ngắn Thiếu Nữ Chờ Trăng Lên vượt biên cùng với tám người nữa. Thuyền chết máy, cạn lương thực, có người đã chết. W. và một nhóm bạn ở trên du thuyền cứu những người tị nạn này và sau đó cưới người thiếu nữ về làm vợ. Yêu nàng quá, và với quan niệm yêu là làm chủ trong tình trường, W. đi đến chỗ: “Đây là thói quen của W. Những khi chàng nói chàng yêu tôi là khi chàng đè tôi bẹp dí dưới đôi cánh tay đầy lông lá của chàng. Tôi vừa ngo ngoe vừa nói, W hãy nhìn đi, mây mù đang giăng kín cửa sổ, kìa bầu trời hoàng hôn rằm tháng tám như vậy kể cũng lạ, chàng nặng quá là nặng, những sợi lông của chàng làm tôi xót xáy, W đừng đè lên người tôi làm tôi khó thở… Nhưng W không nghe tôi nói. Chàng nói xuồt xuồt im đi W khóa cứng hai tay và hai chân tôi, áp mặt chàng lên mặt tôi, áp ngực chàng lên ngực tôi và bảo cứ để yên như thế nầỵ” Vốn yếu đuối vì bị bênh tim, người thiếu nữ cũng chọn một thái độ phản kháng. “Lần nầy, tôi thu hết sức lực ôm lăn W xuống mặt giường.”


      Những năm bảy mươi và tám mươi phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thuốc ngừa thai xuất hiện và nhờ đó phụ nữ có thể kiểm soát chuyện sinh sản và yên tâm hưởng thụ tình dục hơn. Sự tự do mới này được thể hiện trong nhiều tác phẩm của các nhà văn Hoa Kỳ, thí dụ như Erica Jong qua tác phẩm Fear of Flying.


      Tình dục xuất hiện trong nhiều tác phẩm của nhà văn Lê thị Huệ. Nhà văn dùng tình dục để nói về mặt trái của những người có địa vị trong xã hội (Lịch Sử); về sở thích ân ái bệnh hoạn của ông bác sĩ trưởng phòng và một cô điếm hạng sang (Hạ); về sự dối trá của một nhà văn nam viết truyện khiêu dâm rồi gán cho bà vợ (Danh); châm biếm những người quá say mê tôn giáo (Đạo); và chế nhạo người đàn ông đã đến tuồi già yếu đi đứng không vững nhưng vẫn si mê gái dậy thì (Người Đàn Ông Té Hai Lần). Đây là những truyện tôi yêu thích nhất trong số tác phẩm của Lê thị Huệ .


      Qua truyện ngắn Danh, độc giả nhìn thấy ngay số phận phụ nữ bị nhào nặn trong tay những người đàn ông có quyền hành. “Nhưng ngày ấy “người ta” đè tao ra một lần ngay trong nhà ông cố. Tao chạy trối chết. Tao không bao giờ chấp nhận chuyện ấy nên tao đã đoạn tuyệt với “người ta”. Sau “người ta” đè bà trẻ mày, bà trẻ mày để yên. Bà trẻ mày chỉ là nạn nhân. Đàn ông kinh lắm cháu ạ. Chúng nặn ai là người ấy thành. Cứ nhìn chuyện bà trẻ mà tao ngán ngẫm và sợ hãi đàn ông. Tự nhiên vậy mà “người ta” nặn bà trẻ thành một nhà văn nổi tiếng trong thiên hạ. Đời đúng là huyễn mộng, dối trá. Chả ra cái gì cả. Nhưng dù gì đi nữa. Cháu muốn gì thì phải kiếm một người đàn ông đỡ đầu. Tự thân đàn bà, không bao giờ thành được cái gì đâu cháu ạ.”


      Ảnh hưởng lý thuyết nữ quyền Âu châu féminine écriture (văn học mang tính chất của phái nữ), do Hélène Cixous và Adrienne Rich khởi xướng, thể hiện rõ ràng trong truyện/chuyện Lý Bỏ C., Tình Chữ,Tiếng Dỗi Hờn của Thân Xác của nhà văn Lê thị Huệ. Nhà văn Lê thị Huệ đồng tình với lý thuyết nữ quyền của Adrienne Rich qua câu văn: “Người đàn bà chưa có con thì mới chỉ là một nửa của đàn bà. Người đàn bà không có con thì rất dễ trở thành như đàn ông.” [11] Hélène Cixous bất đồng ý kiến với Simone de Beauvoir, người chủ trương đàn bà là second sex, rằng họ trở thành đàn bà chứ không khởi đầu là đàn bà, xem thân xác của người phụ nữ như là thân xác của người đàn ông không có dương vật,[12] Cixoux khuyến khích phụ nữ viết về thân phận và thân thể phụ nữ, mang phụ nữ vào tác phẩm, viết về nữ tính và những khía cạnh sinh lý đặc biệt của phụ nữ như có kinh nguyệt, mang thai và sinh nở. Bà cũng khuyến khích phụ nữ nên phát hiện sự giàu có nhạy cảm của thân thể họ, kể cả tự tìm cảm giác khoái lạc. [13]


      Lý Bỏ C. nói về An một nữ sinh viên Việt sống chung với người yêu nhưng chưa nghĩ đến chuyện kết hôn. Cô mang thai ngoài ý muốn, chưa có cuộc sống vững chắc, cô không thể giữ bào thai. Tác giả tài tình lồng vào chuyện này một câu chuyện khác trong đó người hàng xóm vì sinh nở quá nhiều lần nên bị băng huyết chết. Lê thị Huệ nhấn mạnh người phụ nữ khi sinh nở đối diện với nguy hiểm còn cô đơn hơn đàn ông đi đánh cá ngoài biển. Có thể nói những phong trào nữ quyền mấy mươi năm nay vẫn chưa thành công trong việc thúc đẩy người đàn ông tích cực tham gia việc ngừa thai. Khi quyết định bỏ cái thai người phụ nữ cũng một mình chọn lựa một thái độ (vi phạm) đạo đức. “Tôi phải nói với tôi rằng tôi là người làm chủ lấy con người tôi. Tôi là người làm chủ lấy thân xác và linh hồn mình. Thượng đế không phải là người quyết định số mệnh tôi. Mà chính tôi là người quyết định số mệnh của mình. Thân xác và linh hồn tôi là tài sản của tôi chứ không phải là tài sản của Thượng đế hay tài sản của Chính phủ. Chính phủ không có quyền làm chủ tôi, ra luật bắt tôi phải làm thế này thế nọ. Tôi là người quyết định thân xác và linh hồn tôi chứ không phải Chính Phủ hay Thượng Đế quyết định dùm cho tôi”.



      Trong Tiếng Dỗi Hờn Của Thân Xác, Lan Hương là một phụ nữ, thích hợp với cái định nghĩa Hybridity (lai giống) của Isabelle Thuy Pelaud [14]. Lan Hương theo người cô sang Mỹ năm 1975 khi mới mười tuổi. Hai mươi năm sau, nàng về Việt Nam làm một chuyến du hành từ Nam ra Bắc, ngoài mục đích thăm thân nhân, tìm lại tình phụ tử với người bố, nàng còn muốn tìm hiểu vì sao nàng có bản tính lang chạ (promiscuity), không thể chung thủy lâu dài với những người đàn ông trong đời nàng. Như đã nói ở phần trên, nhà văn Lê thị Huệ có tài gói ghém nhiều chủ đề trong một quyển truyện vừa (novella). Nếu phân tích tác phẩm dựa theo tâm lý học người ta dễ nhận ra Lan Hương đi tìm sự che chở bảo vệ của người cha mà ngay từ nhỏ nàng đã bị thời cuộc tước đoạt. Sang Hoa Kỳ chỉ một thời gian ngắn, cô của Lan Hương bệnh rồi qua đời. Lan Hương không chịu nổi cuộc sống với người bảo trợ nên bỏ nhà ra đi khi chưa trưởng thành. Thông minh và có nhan sắc, Lan Hương lợi dụng sự yêu thích tình dục của đàn ông để điều khiển những người yêu thương nàng, “làm cho những người đàn ông đang từ những con hùm beo ngoài đường bỗng trở thành chó ngoan trên giường ngủ.” Bắt họ phục tùng nàng và chịu đựng cả sự phản bội của nàng qua những cuộc phiêu lưu tình ái. “Đàn ông. Nó chỉ chiếm đoạt được họ khi nó nằm ở cạnh họ.” Nhân vật của nhà văn Lê thị Huệ ở trong những truyện khác nhiều lần tuyên bố họ ngủ với rất nhiều người đàn ông; họ “ghiền hạnh phúc xác thân vì chưa bao giờ biết hạnh phúc của tâm hồn.” Người đàn bà trong truyện ngắn Đỏ Xao Xuyến ở cái tuổi bảy mươi đi dự lễ tốt nghiệp của con trai đã nhớ về một thoáng quá khứ, tâm sự của bà có thể được dùng để giải thích cho tính lang chạ (promiscuity) của Lan Hương “Tôi đã leo lên giường ngủ với nhiều người đàn ông để hàn gắn cái gì không thể hàn gắn được: Đó là một sự nhẹ nhàng và nồng nàn mà mỗi đứa con gái dậy thì thường mơ tưởng khi nghĩ về lần đầu tiên ngủ với đàn ông.” Cả hai nhân vật, người phụ nữ trong Đỏ Xao Xuyến và Lan Hương trong Tiếng Dỗi Hờn Của Thân Xác đều là nạn nhân của hiếp dâm khi họ mới vào đời.


      Chọn đưa chủ đề người phụ nữ Việt Nam bị hiếp dâm trong khi vượt biển tìm tự do vào tác phẩm là một ý thức chính trị của nhà văn Lê thị Huệ. Trong tương lai, những truyện/chuyện này nên được dịch sang Anh ngữ để đóng góp vào chứng tích lịch sử của người Hoa Kỳ gốc Việt.


      Văn chương là chính trị. [15] Lê thị Huệ thổ lộ quan điểm chính trị bằng văn chương. Qua nhân vật Nguyễn Thành, cha của Lan Hương, nhà văn đã phê phán những khiếm khuyết của xã hội Việt Nam. Nổi tiếng từ trong nước ra đến hải ngoại, có chức vị cao cấp trong chính quyền, nhà thơ Nguyễn Thành chịu nhiều tai tiếng như có liên quan đến cuộc thảm sát ở Huế vào năm Mậu Thân, liên hệ với nhiều phụ nữ chỉ đáng tuổi con. Nhà văn Lê thị Huệ ngầm ví Việt Nam như một bà mẹ bất lực (vì đã chết), cai trị bởi một chế độ tương tự một ông chồng kém đạo đức, ích kỷ, và không biết yêu thương con (dân). “Khái niệm về ba nên được hiểu ba là đứa con nít chủ trong gia đình. Tất cả những người đàn ông đều là những trẻ nít. Kể cả ba nó. Những đứa trẻ nít có quá nhiều quyền hành, có quá nhiều sức mạnh, có quá nhiều thông minh, có quá nhiều trí tuệ.”


      Ý thức nữ quyền của nhà văn Lê thị Huệ xuất hiện trong nhiều tác phẩm, khi đậm khi nhạt, nhưng biểu lộ rõ rệt nhất qua Tiếng Dỗi Hờn của Thân Xác. Nhà văn dùng ngôn ngữ của thân thể để phát biểu tư tưởng, nhấn mạnh chức năng làm mẹ của người phụ nữ – tính chất đặc biệt mà nam giới không thể tham gia hay thực hành theo quan niệm của Adrienne Rich. Nhà văn Lê thị Huệ đồng tình với Adrienne Rich. “Người đàn bà chưa có con thì mới chỉ là một nửa của đàn bà. Người đàn bà không có con thì rất dễ trở thành như đàn ông.” [16] Lan Hương bày tỏ nhiều suy nghĩ về sự quyết định có con của nàng, sự vô trách nhiệm của người tình hờ khi chị của Lan Hương có thai ngoài ý muốn, cũng như sự cô đơn của người phụ nữ phải quyết định về cái thai.


      Ở một nơi sự im lặng của phụ nữ được xem là đức hạnh thì Lan Hương nói không ngừng. Nói để phê phán hạnh kiểm của người cha và nói là một hành động phá vỡ khuôn mẫu im lặng chịu đựng của người đàn bà Đông phương. Bằng thái độ buông thả tình dục của Lan Hương, nhà văn Lê thị Huệ muốn vạch ra cái double standard ở Việt Nam; những việc người đàn ông làm có thể chấp nhận được, có khi còn khen ngợi, nhưng phụ nữ đụng vào thì bị cấm đoán hay phán xét khắt khe. Các học giả về nữ quyền, xem double standard là một thí dụ về sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. [17]


      Nhà văn Lê thị Huệ, cũng như Hélène Cixous và Adrienne Rich, xem việc cưỡng chống văn hóa phụ hệ như là một phương pháp tranh đấu đưa đến sự bình đẳng giữa nam nữ. Điều này không dễ dàng vì văn hóa phụ hệ đã thấm sâu vào tiềm thức của những người lớn lên trong nền văn hóa phụ hệ. Người ta ít nhiều gì cũng có lúc dùng khuôn mẫu nam giới đi trước để bắt đầu học tập. Nhà văn khi sáng tạo, rút chất liệu từ đời sống, một cách vô thức bị ảnh hưởng của văn hóa phụ hệ, có khi không nhận ra, là lẽ tự nhiên. Khi Adrienne Rich đặt câu hỏi chúng ta muốn cho con trai của mình những gì, bà đã buộc những nhà nữ quyền đả phá văn hóa phụ hệ phải suy nghĩ. Bà tin rằng tình cảm giữa mẹ và con trai có thể giúp thay đổi quan điểm của nam phái và mối liên hệ thâm sâu của mẹ và con gái giúp phụ nữ đoàn kết với nhau để thay đổi những giá trị tiêu cực của nền văn hóa phụ hệ. [18]


      Nhà văn Lê thị Huệ viết về tình dục, viết về thân thể và những đặc tính của phụ nữ, rất lôi cuốn nhờ sự dạn dĩ và tự nhiên. Nhân vật của Lê thị Huệ thủ dâm (Tình chữ), phá thai (Lý Bỏ C.), ngủ với nhiều đàn ông (Tiếng Dỗi Hờn Của Thân Xác). Tuy nhiên, Lê thị Huệ ít khi nào miêu tả người đàn ông trần truồng, như thể nhân vật của nhà văn đã tránh không nhìn không ngắm thân thể người đàn ông dù họ tự ngắm nhìn nâng niu thân thể của họ trước gương (Lý Bỏ C.). Dù đó là cách nhà văn diễn tả sự kín đáo của các nhân vật nữ hay đó là quan niệm mỹ học của nhà văn nữ Việt Nam thì cái không tả hình dáng trần truồng của người đàn ông trong những cuộc làm tình, vô tình hay cố ý, cũng nói lên giá trị của văn hóa phụ hệ thấm nhập vào người viết.


      Khi nhà văn Mai Thảo chọn đăng truyện ngắn Một Cuộc Nghỉ Hè ông đã đề nghị cắt bỏ vài chỗ. “Truyện ngắn thuật một chuyến đi nghỉ mát tại Đà Nẵng [19] mùa hè trong đó có tả việc ái ân của một người đàn ông và một người đàn bà. Đoạn tả đó rất dữ dội… Tôi đã mất công viết thư xin phép để tác giả cho cắt bỏ 3 câu trong đoản thiên của bà và mặc dù chúng tôi cũng công nhận là truyện hay, bởi vì độc giả của chúng tôi còn có trẻ con trong các gia đình Việt… nếu cứ để nguyên e không tốt.” [20] Nhà văn Lê thị Huệ phản đối mạnh mẽ và truyện được giữ y nguyên bản chính. Tôi đọc đi đọc lại truyện ngắn này và không tìm thấy chỗ nào “tả việc ái ân của một người đàn ông và một người đàn bà” và tôi cũng không tìm thấy “đoạn tả đó rất dữ dội” đến độ cần phải cắt bỏ để thích hợp với người đọc còn quá trẻ. Trong toàn truyện ngắn chỉ có hai câu: “Bảo nắm lấy bàn tay Hiền đang thu dưới vạt áo dài.”“Anh Bảo. Nếu anh đã đừng quá cuồng bạo khi hôn em, ôm em.” là nói lên thái độ chủ động của Bảo trong việc chinh phục Hiền, nhân vật nữ trong truyện. Nắm lấy bàn tay giấu dưới vạt áo là một hành động bạo gan đối với một thiếu nữ mười bảy tuổi, nhưng không thể nói là một hành động xâm phạm người thiếu nữ, ngoại trừ khi nhân vật Bảo đụng chạm vào những vùng da thịt khác mà tác giả không viết ra (để người đọc ngầm hiều). Câu cuối cùng, the punch line, cho độc giả biết là Bảo đã ôm và hôn người thiếu nữ một cách cuồng bạo. Nếu cắt câu này thì giết linh hồn của truyện.


      Trong truyện này, tác giả Lê thị Huệ đã vẽ ra một biên giới về cách bày tỏ tình cảm của hai nhân vật. Với Hiền, ôm và hôn một cách cuồng bạo, là hành động xâm phạm. Với Bảo, người đàn ông phải chủ động trong vai trò chinh phục, muốn hôn thì phải ôm. Cái hôn say đắm của người này có thể bị người kia cho là cuồng bạo. Lê Thị Huệ viết truyện ngắn này vào đầu thập niên tám mươi với bối cảnh Đà Nẵng đầu thập niên bảy mươi. Hai nhân vật Bảo và Hiền sống trong nền văn hóa phụ hệ; và tôi, một độc giả, tự hỏi tác giả có lồng ý thức nữ quyền vào nhân vật của mình hay không? Tại sao nhà văn Mai Thảo nhìn thấy đoạn tả rất dữ dội mà tôi không nhìn thấy? Nhân vật Hiền luôn ở thế thụ động. “Hiền thấy nàng nên từ chối để đi mua sắm. Nhưng nàng đã không làm điều ấy. Ngay cả một lời giã biệt sắp sẵn trong đầu, khi gặp người đàn ông, nàng cũng không nói.” Hiền dấu bàn tay dưới vạt áo dài. “Hiền nghe những cảm giác của thân thể chạy suốt người. Hiền để nắm tay nằm yên lặng trong bàn tay xương xẩu của Bảo. Cùng lúc, nàng muốn chàng thả tay nàng ra. Nàng muốn chàng tránh xúc phạm đến niềm mong đợi của nàng.” Rất có thể tác giả muốn miêu tả sự kháng cự của Hiền đối với thái độ kẻ cả của Bảo; nhưng tôi (ở cương vị độc giả) chỉ nhìn thấy Hiền có nét ngoan hiền của cô gái Việt Nam mười bảy tuổi, muốn được nâng niu, bày tỏ thái độ không chấp nhận cái hôn cuồng bạo của Bảo bằng những giọt nước mắt. Tôi “diễn dịch,” khi nhà văn cấu tạo nhân vật Hiền, cử chỉ ngoan hiền (dù trong tâm lý có phần nào phản kháng), thái độ thụ động, bày tỏ sự bất đồng thuận bằng nước mắt, đúng với khuôn mẫu cô gái nhà lành Việt Nam đó là do ảnh hưởng văn hóa phụ hệ từ vô thức. Có lẽ nhà văn Mai Thảo nhìn thấy thái độ nổi loạn ngầm của cô thiếu nữ, dám chống đối một cách tỏ tình rất “alpha male,” nên ông bảo đó là cuộc ái ân dữ dội? (Ông qua đời rồi nên chẳng còn có thể trả lời câu hỏi của tôi). Và tôi, một độc giả sống lâu năm ở Hoa Kỳ, tuy được tiếp cận tư tưởng nữ quyền, có quan sát sự sáng tạo của Lê thị Huệ bằng cái thành kiến về văn hóa phụ hệ (cái văn hóa mà tôi đã được nuôi dưỡng trong đó khi còn ở Việt Nam) hay không? Đó là những câu tự hỏi tôi chưa hoàn toàn có những câu trả lời xác định nhưng là cơ hội dành cho những bước tìm hiểu khác trong tương lai.


      Đặt Hiền bên cạnh Lan Hương, nhân vật trong Tiếng Dỗi Hờn Của Thân Xác thì sẽ thấy rõ ràng hơn ảnh hưởng văn hóa phụ hệ trong Hiền. Lan Hương lớn lên ở Hoa Kỳ, ý thức nữ quyền của nàng rất rõ rệt do đó Lan Hương khi trở về Việt Nam nàng nhìn thấy sự áp bức đặt lên phụ nữ mà những người phụ nữ sống ở đó như Mai Phương, Hoa Soan (hai cô chị của nàng) và O Thể (cô nàng) không nhìn thấy, hay thấy nhưng vẫn chấp nhận (vì không dám, không thể, hay không biết chống lại) nền văn hóa lâu đời đã bao trùm họ. So sánh Lan Hương với Hiền độc giả sẽ thấy Lan Hương là sản phấm trí tuệ của một nhà văn chống lại văn hóa phụ hệ một cách có ý thức.


      Nhà văn Lê thị Huệ có tài chế biến chữ. Thích hay không thích độc giả sẽ bắt gặp khắp nơi các dùng chữ rất lạ. Những chữ như “êm con gái,” “chỉ mặc cái xú nửa cup tím Huế”, “ cứ tà tà tương lai,” “ tôi giật bắn phóc người đại bác,” “ba đứa con gái lần đầu tiên đụng chạm đến cây trái đàn ông. Tưng tưng tưng,” “già sa cánh gà,” “một vết chém dưới lỗ đít,”… Tôi xem cách viết này là một cố gắng vượt ra ngoài khuôn mẫu ngôn ngữ Việt của thời đại hiện nay.


      Nhà phê bình Katie Roiphe khuyên “đừng nên áp dụng lên thế giới quan điểm nữ quyền một cách dễ dãi” [21]. Tôi có phần nào hối hận khi chọn giới thiệu nhà văn Lê thị Huệ với độc giả qua lăng kính nữ quyền vì tôi sợ tôi quá chú trọng vào một vài khía cạnh và vì thế sẽ không thể làm nổi bật những khía cạnh khác. Như đã nói, truyện của Lê thị Huệ rất đa dạng, gói ghém trong nhiều lớp. Tôi chắc chắn độc giả sẽ thấy cái nữ tính và nữ quyền của Tình Chữ, lãng mạn của Phố Mùa, thơ mộng với một chút huyền bí trong Ao Sương, đầy ẩn dụ như Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh,…


      Tôi chọn quan sát tác phẩm của nhà văn Lê thị Huệ qua ống kính nữ quyền, vì trong số nhà văn ở hải ngoại (mà tôi có dịp đọc qua) Lê thị Huệ gói ghém ý thức nữ quyền vào nhân vật rõ rệt, sâu đậm, và mãnh liệt nhất. Tác phẩm của Lê thị Huệ để lại một dấu ấn rất sâu đậm trong tôi vì trong truyện/chuyện của Lê thị Huệ ngoài ý thức nữ quyền tôi còn tìm thấy những vấn đề của người Việt trong cuộc sống hải ngoại, về khái niệm – ngôn ngữ là nơi trú ẩn, là nhà, là quê hương, cái nhìn về Việt Nam của một nhà văn ở hải ngoại, cái khái niệm – có thứ quê hương người ta không thuộc về và thuộc về một chỗ không là quê hương. Như nhà văn Mai Thảo đã nhận xét: “Ở Lê thị Huệ lấp lánh một thứ ánh sáng riêng. Tài năng là của chung, ai cũng có thể có được. Nhưng tài năng của Lê thị Huệ là một ánh sáng riêng.” Ánh sáng ấy tuy lẻ loi ở một góc trời nhưng càng ngày càng sáng. Mai sau, khi người ta nghiên cứu về văn học nữ quyền của nhà văn Á châu ở Hoa Kỳ, tôi sẽ không ngạc nhiên khi Lê thị Huệ đứng chung với những tên tuổi sáng chói như Hélène Cixous và Adrienne Rich.


      [1] Lê thị Huệ, “Là Chữ Của Tôi” Gió O (c2012).

      [2] Trích trong bài phỏng vấn của Trần Vũ, chủ biên Hợp Lưu, tháng 10 năm 2004.

      [3] Bùi Bảo Trúc, Đài VOA điểm sách, Bụi Hồng của Lê thị Huệ, báo Người Việt số 1072 Chủ Nhật 11-10-1987.

      [4] Nguyễn Vũ Khuyên, Lê thị Huệ: Writing between Exilic Homelessness and Situated Nomadism. Dissertation of Doctor of Philosophy in Ethnic Studies, University of Berkeley, California. Theo Nguyễn Vũ Khuyên, nhà văn Lê thị Huệ là người góp công rất lớn trong việc ứng cử dân biểu thành công của Madison Nguyễn.

      [5] Freedman, Estelle, Feminism and the Future of Women, CD book, Prince Frederick, MD: Recorded Books, p 2004 Lectures of Professor Estelle Freedman from Standford University.

      [6] Nhà văn kiêm nhà báo nổi tiếng, người Anh, sinh năm 1892 mất năm 1983.

      [7] http://www.goodreads.com/quotes/tag/feminism

      [8] http://www.gio-o.com/dangphungquanLyLuanPhuNu.html

      [9] Makers: Women Who Make America, Kunhardt McGee productions, PBS distribution, c2013

      [10] Greer, Germaine; The Whole Woman, Alfred A. Knopf, New York, 1999, p. 114

      [11] Lê thị Huệ, Đọc Mùi Hương Quế của Dương Như Nguyện.

      [12] Irigaray, Luce, This Sex Which Is Not One.

      [13] Cixous, Helene; The Laugh of the Medusa, (1975)

      [14] Pelaud, Isabelle Thuy, This Is All I Choose To Tell, Temple University Press, Philadelphia, p. 49 Hybridity được dùng để tả một người mang lịch sử và văn hóa của một quốc gia sang một quốc gia khác và biến chuyển theo lịch sử và văn hóa của môi trường mới.

      [15] Fetterley, Judith, Introduction on the Politics of Literature, in Feminism Redux, Edited by Robyn Warhol-Down and Diane Price Herndl, Rutgers University Press, New Brunswick, New Jersey. 2009. p.136

      [16] Rich, Adrienne, Of Woman Born – Motherhood as Experience and Institution, W.W. Norton & Company Inc. New York, 1976, p. 210-211, p. 223-225, p. 237-238

      [17] Hyde, Janet Shibley and Mary Beth Oliver, Gender Differences in Sexuality: Results From Meta-Analysis, in Sexuality, Society, and Feminism edited by Cheryl Brown Travis and Jacquelyn W. White, American Psychological Association, Washington D.C., 2000, p. 66

      [18] Rich, Adrienne, Of Woman Born – Motherhood as Experience and Institution, W.W. Norton & Company Inc. New York, 1976, p. 210-211, p. 223-225, p. 237-238

      [19] Mai Thảo viết nhầm là Nha Trang.

      [20] Mai Thảo Giới Thiệu Bụi Hồng của Lê thị Huệ, Gió O

      [21] Roiphe, Katie, In Praise of Messy Lives, New York: The Dial Press, c.2012. c.2012 p. 6 “I once wrote an entire book about how one shouldn’t reach for easy feminist interpretations of the world.”


      Nguyễn Thị Hải Hà

      Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 56, Tháng 6-2013 & Gió-o

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Ý thức nữ quyền ... thể hiện trong tác phẩm của nhà văn Lê Thị Huệ Nguyễn Thị Hải Hà Khảo luận

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Chữ Tâm trong văn học Việt (Thái Công Tụng)

      Đọc Thơ Hồ Thanh Nhã: Trân Trọng Với Cuộc Đời (Phan Tấn Hải)

      Trang Thơ (Vương Đức Lệ)

      Những Bài Thơ Trên Giường Bệnh Của Vương Đức Lệ (Hoàng Xuân Trường)

      9 Khuôn Mặt . 9 Phong Khí Văn Chương (Bùi Vĩnh Phúc)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)