|
Hoàng Giác(..1924 - 14.9.2017) | Nhật Tiến(24.8.1936 - 14.9.2020) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Quan Dương
Tôi ái mộ nhà văn Quan Dương trước khi biết anh là một nhà thơ và mê thơ của anh. Vào những năm đầu của thập niên 90, thời gian những người tù Cộng Sản sang Hoa Kỳ theo các đợt HO, tôi vô tình đọc được một số truyện ngắn của một tác giả có cái tên khá lạ – Quan Dương, đăng trên các tạp chí văn nghệ tiếng tăm: Văn, Văn Học, Văn Tuyển. Truyện nào cũng hay, cũng sâu sắc, tạo cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi đặt dài hạn báo Văn và Văn Tuyển chỉ để đọc Quan Dương. Định cư ở vùng Bắc Âu xa xôi, băng giá, nên mỗi lần đọc truyện Quan Dương tôi có cảm giác ấm áp lạ thường, bởi lúc nào cũng nhìn thấy bóng dáng của chính mình và bạn bè trong đó.
Một hôm, đọc truyện Lá Rụng Về Cội, thấy tác giả có đề cập đến nhiều địa danh quen thuộc ở Ninh Hòa, quê vợ tôi, tôi giật mình. Ninh Hòa có một nhà văn tài ba như thế? Tôi hỏi bà xã, bà đoán có thể là một người bạn học, vì thấy cái tên có nét quen quen, nhưng không tin là bạn ta có tài viết văn hay như thế, bởi khi đi học anh chàng chỉ nghịch ngợm và phá phách, mặc dù rất dễ thương, chứ có viết lách gì đâu. Tôi liên lạc hỏi anh Nguyễn Xuân Hoàng và anh Phạm Ngọc, chủ biên tờ Văn và Văn Tuyển, đều có tòa soạn ở San Jose. Cả vợ chồng tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Bà xã tôi đoán đúng, đó chính là ông bạn cùng lớp thời trung học: Dương Công Quan.
Đầu năm 1972, sau một cuộc hành quân dài hạn ở An Khê, được một tuần phép, tôi về Ninh Hòa thăm vợ con. Bất ngờ trên đường tôi gặp bà xã cùng mấy người bạn học rủ nhau ra tắm biển Đại Lãnh. Trong số hơn mười bạn cả nam lẫn nữ này, có hai người mặc quân phục, là những sĩ quan rất trẻ. Một người cao và ốm “như con còng gió” (theo lời đùa ghẹo của mấy cô bạn) chính là Dương Công Quan. Bắt tay một lần, nhưng chúng tôi chưa quen, cho đến khi tôi đọc những truyện đầu tay của anh viết, và sau này, khi quen nhau, tôi mới có dịp đọc thơ anh. Vợ chồng tôi nhận được món quà quý giá của người bạn học, một đồng đội cũ, hai tập thơ Ruột Đau Chín Khúc và Đợi Khuya Tàn Bắt Sống Một Chiêm Bao.
Tôi mê thơ Quan Dương từ khi ấy, đã lâu lắm. Nhiều lần muốn viết đôi dòng về thơ của anh, tôi đã ngồi thật lâu trước bàn phím để rồi cuối cùng cũng chẳng viết được dòng nào. Bởi vì thơ Quan Dương nhiều quá, đủ mọi thể loại, đề tài, mà bài nào cũng hay cũng đáng đọc. Từ tuổi thơ, thời học trò, quê hương, tình yêu, tình mẫu tử, tình bạn, tình lính, tù ngục, tha phương và nỗi trăn trở cùng quê hương đất nước… Tôi như một thằng bé con ngồi trước một đại dương bao la, không còn biết đâu là chân trời, không biết khởi đầu từ đâu và đi theo con đường nào để khỏi lạc lối giữa mênh mông. Tôi thường tâm sự với bạn bè, Quan Dương không phải viết thơ mà thở ra thơ. Bất cứ một cảm xúc, một sự kiện nào vừa đến với anh, hoặc xảy ra cho người thân, cho bạn bè và cho cả cho quê hương đất nước, người ta đều đọc được những bài thơ của Quan Dương ngay sau đó. Và bài nào cũng tuyệt.
Một lần, trên đường chạy bão Katrina từ thành phố New Orleans, nơi gia đình anh ở, anh vẫn thở ra một lúc mấy bài thơ. Lúc ấy, tôi đang ở tận Bắc Âu, chưa kịp hỏi thăm, thì đã nghe trên đài VOA đọc bài thơ “Chạy Bão” của anh rồi.
Thơ Quan Dương rất riêng, cách làm thơ, ngôn ngữ thơ và cả những cảm xúc, suy nghĩ của anh cũng rất đặc biệt, không giống bất cứ một nhà thơ nào. Bất ngờ đọc được một bài thơ hay ở đâu đó, dù chưa thấy tên tác giả, tôi đã nhận ra “hơi thở” của Quan Dương. Dường như bây giờ ai cũng làm thơ, như một người nào đó đã ví von “mỗi người Việt Nam là một nhà thơ”. Nhưng làm thơ hay thì thật tình không nhiều, và thơ có nét riêng, không giống bất cứ ai, lại càng hiếm hoi hơn.
Tôi bắt đầu mê Quan Dương từ một bài thơ rất xưa, có lẽ khi anh bắt đầu làm thơ. Tôi không biết rõ là anh làm thơ từ lúc nào, nhưng đọc qua bài thơ, ai cũng nhận ra tác giả còn rất trẻ. Lời thơ tự nhiên như đùa bỡn mà lôi cuốn người đọc, tạo nhiều cảm xúc đến không ngờ. Ngay cả cái tựa bài thơ cũng rất đơn giản, nghịch ngợm như trẻ thơ –
Tắm Sông
Hồi nhỏ tôi rất anh hùng…
Một mình dám nhảy cái đùng xuống sông
Bơi nghiêng, bơi ngửa giữa dòng
Hiên ngang trấn giữ suốt vùng tuổi thơ
Có cô bé ở cạnh nhà
Phục tôi sát đất thường ra lén dòm
Thời gian như những nhánh sông
Tuôn ra biển … để mãi không trở về
Lớn lên trở chứng ngu khờ
Mắt em nào phải bến bờ sông sâu
Cớ sao chưa kịp lộn nhào
Đành chịu chết đuối
thiệt đau
Đúng là
Ngay bài thơ nói về sự ra đời của anh cũng rất lạ và cảm động. Bài thơ với chỉ hơn hai mươi dòng, người đọc đã nhận ra cả thân phận, cuộc đời và tấm lòng của tác giả:
HOÀI NIỆM TỪ MỘT CHIẾC CẦU
Chiếc cầu gầy nằm vắt ngang con sông
Mùa nước cạn rong rêu đùn thấy đáy
Vết thời gian sạm thành cầu nhăn nhíu
Mấy mươi năm xưa má đẻ tôi nơi này
Má đẻ tôi trên một đụn cát đen thui
Mùa hạ rác nồng lên ngập nước
Giặc Tây về, má chôn đùm nhau thằng con đẻ rớt
Cát cong người nhận tiếng khóc oằn lưng
Tôi lớn cùng hơi thở của dòng sông
Đã sớm biết mùi quê hương từ đó
Mùi quê hương tôi: mùi rong rêu thơ dại
Lật hồn ra thấy nhớ đựng đầy tràn
Khi tôi lên đường vì khói lửa chiến tranh
Hành trang trên lưng là chiếc cầu thơ ấu
Tôi mang theo niềm trở trăn của má
Lúc Tây ruồng đẻ rớt tôi trên bờ sông
Khi tan hàng tôi bị bắt làm tù bình
Chiếc cầu ôm tôi mỗi đêm, ru tôi ngủ
Trong trại khổ sai nghẹn hồn tôi giọt lệ
Của má moi lòng rứt ruột tiễn tôi đi
Khi tôi ra tù trở lại nơi xưa
Đứng trên thành cầu nhìn xuôi theo dòng nước
Sông tắt nghẽn, giọt lệ đau nuốt ngược
Con cá đỏ mang không có chốn quay đầu
Tôi ngậm ngùi bỏ đi rất xa
Đã mười sáu năm chưa một lần trở lại
Cỏ cũng đã phủ xanh lên mộ má
Tóc đen xưa giờ bạc theo tháng ngày
Con phố ngày nào giờ cũng đã đổi thay
Những ánh điện lạnh lùng chen nhau rực rỡ
Bóng đèn vàng soi chiếc cầu thuở nhỏ
Chỉ còn trong hiu hắt nỗi nhớ nhà
tháng 3/2010
Tình quê, tình mẹ luôn phảng phất trong thơ Quan Dương, và hình ảnh chiếc cầu bắc qua sông Dinh, anh thường gợi lên như một biểu tượng. Có nhiều nhà thơ đã viết về sông Dinh, cầu Dinh, nhưng với tôi, cây cầu Dinh của Quan Dương đã nói được rất nhiều điều, đã giữ cho Quan Dương nhiều kỷ niệm. Nếu người Ninh Hòa xa quê hương đều nhớ cầu Dinh, thì Quan Dương chắc chắn phải là một trong những người nhớ nhất, và chính những bài thơ của anh đã làm cho cây cầu và con sông Dinh đẹp hơn, thơ mộng và dễ thương hơn những gì nó có:
CHIẾC CẦU CÓ TÊN SÔNG DINH
Hai bên dãy phố là nhà
Con đường cõng chợ đi qua chiếc cầu
Là nơi cắt rốn chôn nhau
Cho tôi được bước vào đời rộng rinh
Chiếc cầu có tên sông Dinh
Có bờ tre đứng thì thầm với nhau
Chang chang nắng liếm da đầu
Trưa hè theo chú dế màu than mun
Lớn theo tiếng kẻng tan trường
Tôi ôm vạt nắng theo hương gió lồng
Nắng đội nắng. Mưa đội giông
Lang thang khắp ngõ trong hồn nhói đau
Từ sau một cuộc bể dâu
Bỏ giàn mướp với giàn bầu lắt lay
Trăng đêm rụng xuống ban ngày
Còn nghe tiếng má bên tai ạ ời
Chiếc cầu chở tuổi thơ tôi
Gập ghềnh trên mỗi khúc đời nhấp nhô
Lòng tong đụt nắng ven bờ
Chênh chao bóng má sóng xô mưa cào
Chợ chiều bổi hổi cọng rau
Bóng đêm má đội trên đầu vì con
Tôi đi ra khỏi nước non
Long đong vá mãi vết thương tháng ngày
Lời thơ không cần trau chuốt, cầu kỳ, ngôn ngữ rất bình thường, nhưng làm ta xúc động. Anh làm thơ như là đang kể chuyện với ai đó, nhưng mỗi dòng, mỗi chữ đều có mang theo hồn tác giả.
Bài thơ chín đoạn mang tên ”Ruột Đau Chín Khúc” của anh đã làm tôi rơi nhiều nước mắt. Bài thơ nói về cuộc tình thơ mộng trước khi anh cưới cô gái Phú Phong, và chị mang thai đứa con đầu lòng khi đất nước đang trong cơn hấp hối. Sinh con gái, nghe lời anh dặn, chị đặt tên Dương Thị Lục Bình, như đoán trước tương lai nổi trôi bồng bềnh của cháu. Anh ở trong tù, chị khốn khổ như không còn có đất để dung thân, cháu Lục Bình ốm đau, không sữa uống, không thuốc thang nên đã sớm từ bỏ thế gian, không hề gặp mặt cha, dù chỉ một lần.
……
Cuối tháng tư tôi gặp lại em
Sài Gòn đang vào cơn hấp hối
Em nghẹn ngào nhìn tôi không nói
Lệ lưng tròng chẳng dám thở than
Ngày chiến tranh nhịn đói đâu cần
Gặp lại nhau như còn tất cả
Dù cuộc đời đã thành dâu bể
Dù trắng tay đen bủa tương lai
Em bảo tôi con sắp chào đời
Quê hương lại sa vào tay giặc
Tổ quốc tôi: cánh bèo con nước
Đặt tên con: Dương Thị Lục Bình
(mỗi cánh bèo là mỗi gian truân
Khi chào đời khổ đau con nhớ
mẹ đã ươm con từng hạt thở
Hoa lục bình sắc tím quê hương)
Nhục đau này để lại cho con
Dòng máu đó muôn đời bất khuất
Trên bản đồ không còn đất nước
Nhưng trong hồn tổ quốc muôn năm
Tôi vào tù trả nợ tiền khiên
Miền đất khổ em làm cô phụ
Biết bao năm trả hoài mới đủ?
Cho nên em mưa nắng đợi chờ
Chiều mây rừng trắng màu áo xưa
Trắng mênh mông bên bờ nỗi nhớ
Nhớ mái tóc thả buông quá nửa
Em nụ cười khờ dại xinh xinh
Con suối nhỏ len lách ven rừng
cuốn thời gian mài mòn viên sỏi
Viên sỏi đau lòng tay hôi hổi
Tôi bồi hồi trong nỗi nhớ em
Con phố nơi hai đứa mình quen
Giờ có còn đường chân bé nhỏ?
Dấu chân đó nay em thiếu phụ
Ngồi ru con để đợi người về
Mùa đông gầy ướt mảnh sơn khê
Người thiếu phụ ôm con cô lẻ
Người chẳng lại đường trăng bỏ ngỏ
Người bây giờ người ở nơi đâu?
Đứa con thơ từ buổi chào đời
Chưa một lần cùng cha gặp gỡ
Giọt sương rụng làm xanh lá cỏ
giọt sương mềm ướt cõi u miên
Con chào đời giữa buổi truân chuyên
Củ khoai mì không là cổ tích
Bởi thượng đế không chừng có thật
nên nhân gian chịu cảnh đọa đày
Một năm rồi năm năm trôi qua
Con kiệt sức không chờ ba nữa
giơ hai tay rơi vào huyền sử
Con đầu hàng chối bỏ cuộc chơi
Giọt lệ nào còn sót trong tôi?
Buổi lao sai mài thơ trên đá
chân bé bỏng con tôi đạp ngã
tảng đá thù đè nặng tâm can
Nắm đất bụm ủ nấm mồ con
Vung nhát kiếm chẻ đôi dòng lệ
Thôi hết rồi bàn chân bé nhỏ
Đã đi xa dẫm nát cả hồn
Vẫn chưa về sau buổi chiến chinh
Tôi biền biệt rừng xa núi thẳm
Vợ của tôi miền quê khổ nạn
Con của tôi đất lạnh thiên thu
Đừng bao giờ hỏi tôi tại sao?
Trong con tim chất đầy thống hận
– Tôi: người lính tự do nhân bản
bị loài người cưỡng đoạt từ tâm
……….
(Trích một đoạn trong Ruột Đau Chín Khúc)
Riêng về thơ tình, thì vô số kể. Không biết anh đã trải qua bao nhiêu cuộc tình trước khi rước cô hoa khôi Phú Phong – Bình Định về dinh, nhưng ở bất cứ đâu cũng rơi rớt những bài thơ tình của Quan Dương. Một năm, có thơ tình cho bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, có cả thơ tình cho mười hai tháng, và dường như mỗi tuần, mỗi ngày Quan Dương đều viết thơ (không phải thư) tình. Nhìn người tình thức, ngủ, đi, đứng, ăn ớt, ăn xoài, ăn phở, uống cà phê, đều có thơ. Người tình đang ở xa, ở gần, ngồi sát bên nhau, đi lễ nhà thờ hay đi chùa gì cũng có thơ. Bài nào cũng hay, cũng tình, và có khi rất hấp dẫn… Không biết trái tim anh lớn bao nhiêu mà anh chia tình nhiều như thế, chưa kể đến tình nhà, tình bạn bè, đồng đội và tình cho quê hương, đất nước. Và vì nhiều quá nên chỉ xin giới thiệu vài bài thơ tình của anh, không phải là tiêu biểu (bởi anh còn rất nhiều bài thơ tình hay hơn nữa):
KỂ LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH HỒI ÐÓ
Ngày xưa có hai đưá bé sống ở ven sông
Thường ra ngồi nhìn lục bình trôi trên mặt nước
Con bé muốn thằng nhóc vớt cho bằng được…
Những đám lục bình tim tím
Ðể làm vòng hoa
Thằng nhóc dại khờ kết vương miện cô dâu
Đâu biết hoa sẽ tàn sau khi rời thân nước
Con bé dỗi hờn
Dậm chân muốn khóc
Rồi vứt vòng hoa trả lại dòng sông
Thời gian trôi.
Hai đưá cùng lớn khôn
Người con trai lên đường.
Quê hương sa vào tay gìặc
Cô gái mỗi chiều nhìn theo con nước
Dõi mắt trông tìm vòng hoa tím
Ngày xưa
Cho dẫu cuộc đời chỉ là giấc nam kha
Nhưng cũng đủ đã tím trôi từ đó
Năm 2000. Khi lái xe băng qua xa lộ
Gã đàn ông giật mình khi bắt gặp màu hoa xưa
Gã tấp vào lề, lội xuống nước vớt được vòng hoa
Ứa nước mắt nhìn về phương trời xa
Lặng lẽ ….
Người cảnh sát không cùng màu da hú còi ngừng lại
Rất thản nhiên phạt gã một ticket màu vàng
(cái tội cản trở lưu thông)
2000
NHÌN THU-BA ĂN PHỞ
Chỉ là một trái ớt thôi
Nhẹ nhàng em cắn khiến tôi lại thèm
Hỏi sao kỳ lạ thế em…
À thì ra tại ớt kèm môi tiên
Chỉ là phở. Có chi ghiền
Khi em khuấy đũa hồn liên xiên đì
Ăn thì ăn. Liếc tôi chi
Hai con mắt đó giết người không dao
Tội tình chi mấy cọng rau
Sao em nỡ ngắt lấy đầu bỏ đuôi
Bận lòng cũng phải chịu thôi
Đầu đuôi gì cũng thơm mùi tay em
Không ăn tương ớt đi kèm
Chắc là em sợ phải ghen không đành
Sợ ghen sao nặn nhiều chanh
Hay em quá ngọt nên dành chút chua
Thôi em đừng thổi nữa mà
Phở không đủ nóng như là tôi đây
Quán đông chẳng lẽ cầm tay
Nhưng tim đập nhịp một giây triệu lần
Sáng nay bỗng thấy bâng khuâng
Trở điên trốn một ngày làm đi chơi
Rủ em ra quán phở ngồi
Để cùng nhớ lại quãng đời hoa niên
Điên nhiều khi cũng đâm ghiền
Nhất là lúc nhật nguyệt phiền lụy nhau
Trên cằm sót mấy cọng râu
Mấy ngày biếng cạo níu nhau biểu tình
Ngàn sợi lông tưởng lặng thinh
Theo hùa đồng ý hâm tình cùng em
CÔ GIÁO
Cô giáo hai mươi tôi mười sáu …
Cô bước vào đời tôi thì chưa
Mỗi khi vào lớp trên bục giảng
Tôi ngắm nhìn cô thật say sưa
Với cô, tôi chỉ là tên nhóc
Mũi chảy còn đang bú sữa bình
Với tôi thế giới đang ngừng đập
Em đã đến rồi có phải không
Yêu ai hãy nắm tay người lại
Nếu thả ra người sẽ bỏ đi
Năm tôi mười tám vào quân đội
Cũng vẫn chưa hề dám nắm tay
Chôn mối u tình không dám nói
Tôi mười tám tuổi em hăm hai
Tôi trách mẹ ba em không đợi
Chờ tôi sanh trước sanh em sau
Cô giáo giống như tên ăn trộm
Cạy cửa vào tim lấy hết đồ
Tôi mang thân xác ra tiền tuyến
Hồn tôi em lấy ở quê nhà
Những đêm xuất kích cùng sương rớt
Sương lạnh lòng tôi trống trải theo
Cô giáo dạy tôi môn toán học
Còn tôi học thuộc môn tình yêu
Tình yêu tôi nén thành viên đạn
Rồi bắn ra ngoài cõi hư vô
Cô giáo không cùng chung lứa tuổi
Tôi giống như người lỡ chuyến xe
Tình yêu tôi giống trong cơn khát
Uống không cạn được biển mênh mông
Càng uống bóng hình em càng ngập
Biển mặn lòng tôi khát nước thêm
Cô giáo khác gì một chuyến bay
Tôi mua tấm vé lộn tuyến rồi
Chinh chiến chở tôi về hướng khác
Chưa lần trả lại sau khi đi
Giờ đây tôi đã không còn trẻ
Bao nhiêu sóng gió ngập qua đầu
Dâu bể đã bao lần thay đổi
Không biết giờ này em ở đâu
Cô giáo là mưa tôi là đất
Không mưa đất khát, ngửa cổ chờ
Em rơi, tôi mở lòng ra chứa
Từng giọt cất vào ký ức xưa
NGUYỆT QUỲNH
Em đang thiêm thiếp giấc nồng…
Trăng chui khe cửa đến nằm kề bên
Tựa đầu em gối lên trăng
Hồn nhiên phơi đáy nguyệt rằm
tinh khôi
Mắc chi tôi
thẩn thờ tôi
Ghen trăng ngậm chặt môi đòi trao hôn
Trèo lên cõi mộng treo hồn
Tôi thả xuống đất cái buồn
nhức xương
Lót thơ làm chiếu thay giường
Mượn heo may gió ngoài đường thả vô
Hỏi em biết đến bao giờ
Cùng chia tôi hạt trăng mơ
nhấm cùng
NI CÔ CHƯỞNG
Hôm qua chẳng biết bệnh gì…
Lên chùa cầu Phật độ trì. Phật ơi!!
Ni cô quì cạnh Phật ngồi
Lưng ong óng tỏa một trời quan âm
Cây nhang đang thả hương trầm
Bỗng nhiên lã ngọn vẽ vòng ngu ngơ
Ai mang gió lộng vô chùa
Thổi ta lộn ngược trở ra cõi trần
Câu kinh chưa kịp khấn thầm
Trúng ni cô chưởng trở thành bệnh thêm
Đã yêu người ta, yêu cả cô giáo, cả ni cô, vậy mà nhà thơ còn “hăm dọa” nữa. Bài thơ nói lên tính bỡn cợt vui vẻ rất dễ thương của anh, mà bạn bè ai cũng quý:
HĂM DỌA
Em có chắc khi trở thành già khú…
Thì trái tim cũng lười gõ hay không
Đừng chơi dại theo anh vào giấc ngủ
Coi chừng anh trở chứng mở cửa lòng
Em đừng tưởng trái tim lười gõ nhịp
là trái tình cũng héo úa nghe em
Thử đem mộng tưới chiêm bao sẽ biết
Ngu. Dù ngu hạt cũng sẽ nẩy mầm
Con mọt gặm lì đòn trong gỗ kín
quyết ăn thua. Rồi cũng sẽ một ngày
Lòng gỗ đó mềm em như bọt cám
rất rõ ràng. Con mọt là anh đây
Em có chắc, em chẳng thèm rung động
dẫu anh đây dày mặt đến cỡ nào
Vậy giả dụ anh biến thành vạt nắng
tan vào hồn em. Em sẽ tính sao
Anh nói trước. Gừng già cay lắm đó
Em lơn ngơn bưng dĩa muối lại gần
Gừng chấm muối sẽ trở thành duyên nợ
Cái câu này phải thuộc để phòng thân
Cơn mưa nào rớt xuống đời chẳng thấm
Đất cằn nào gặp nước mà lại tha
Vì lẽ đó một điều em phải hiểu
Mặt anh dày lì lợm hơn người ta
Nhưng trong đại dương thơ mênh mông ấy, tôi cảm động nhất vẫn là những bài thơ về lính. Có lẽ bởi chúng tôi đều là lính chiến, nên tình đồng đội, hình ảnh của chiến trường vẫn là những gì rất gần gũi thân quen. Và khi cuộc chiến kết thúc, chúng tôi trở thành những người lính bất hạnh và oan khiên nhất, cái tình huynh đệ trên chiến trường thưở nào trở thành những kỷ niệm bi hùng như những vết thương còn đau đớn mãi trong lòng. Ta hãy nghe người lính Quan Dương nhớ lại một cuộc hành quân ngày trước:
MỘT CUỘC HÀNH QUÂN THỜI CHIẾN TRẬN
Đại đội dàn quân trên tuyến xuất phát
Nắng cao nguyên mồ hôi đổ ròng ròng
Những người lính mặt còn non màu sữa
Im lặng nhìn nhau lặng lẽ điểm danh
Giờ xuất trận điểm tên quen thành thói
không biết đứa nào còn sau chuyến hành quân
Nợ chiến tranh đâu từ thời xa lắc
Đem trút lên lưng những người không vay
Kẻ gây hấn làm cai thầu dấu mặt
Thế hệ ta sanh nhằm con bà đọi
Trả món nợ bằng canh bài sinh tử
Giống gậm phải gân gà thật khó nhai
Rừng tít tắp chập chùng cao ngút mắt
Ta đã điên gặp phải kẻ thù khùng
Theo đòi nợ dai như giẻ rách
Rình rập ta sẩy là nhai xương
Làm như thịt ta thơm mùi nhang khói
Làm như máu ta là thuốc trường sinh
Ta gã lính vừa mới rời vú mẹ
May mắn sao chưa có con bồ nào
Nên sống chết bán cái cho may rủi
Không bận tâm chuyện nay ốm mai đau
Bất quá gia tài trên răng dưới dái
Lỡ mai kia đứt chến kể như xù
Chỉ thấy tội mấy thằng vừa lấy vợ
Rủi đen thui phủi cẳng lên bàn thờ
Con vợ trẻ biết có còn thủ tiết
Hay chỉ vài ngày thằng khác nhào vô
Cũng thấy tội mấy cô con gái
Ngu đần chi ưng mấy thằng lính cùi
Biền biệt suốt đầu non cuối bãi
Ngày bên nhau đếm trên đầu ngón tay
Và thấy tội má ơi nhiều ghê lắm
Đẻ trúng thằng con không biết hiếu là gì
Mũi vừa hỉ sạch lên rừng chơi với khỉ
Bỏ lại mẹ già con mắt nhớ đỏ hoe
Thằng con lớn theo dòng tin chiến sự
Lưng mẹ thấp theo năm tháng còng đè
Bầy vắt đói ngửi hơi người thức dậy
Tấn công ta không chừa chỗ nào
Mấy ngón cẳng trong chiếc giày ngọ nguậy
Nhèm nhẹp trơn vì máu trộn mồ hôi
Ta với vắt không ơn đền oán trả
Nỡ lòng chi chơi ráo máng cạn tàu
Đoàn quân lách nắng chui qua kẽ lá
Những chiếc ba lô lốm đốm màu da trăn
giống con rắn bò men theo khe suối
Tính đến phút này ta hãy còn sống nhăn
Kệ mẹ nó lát nữa ra sao mặc kệ
chiếm xong mục tiêu này sẽ tìm chỗ gãi chân
Xa quê hương, sống trên xứ người, chỉ nghe tiếng dế, nhà thơ đã hồi tưởng về một thời chiến trận ngày xưa, với những đồng đội cùng sống chết trong gian khổ và mạng người chỉ mong manh như làn khói thuốc. Và bây giờ, đang ở một nơi xa cách muôn trùng từ những vùng chiến địa ngày nào, nhà thơ đã tâm sự cùng với linh hồn của đồng đội cũ với bao nỗi niềm trăn trở, đắng cay. Bài “Tiếng Dế” này đã gây cho tôi thật nhiều xúc động:
Gió xô chiều ngã xuống hướng Tây, vài chiếc lá khô đang ấp vòm cỏ dạị. Sợ cỏ lạnh nên lá vàng trước tuổi. Mùa thu đang khoác chiếc áo màu chàm, phủ trùm lên giọt nắng ấm chưa tan. Chiều đang bước dần vào bóng tối. Con dế run thều thào yếu đuối. Lâu lắm rồi mới nghe lại tiếng dế than. Đây là xứ Mỹ chứ không phải Việt Nam. Sao lại có tiếng dế buồn thảm thiết
Tiếng dế dìu hồn tôi về thuở trước. Thuở nằm rừng với thằng bạn lính tuổi còn thư sinh. Trung đội hai thằng bố trí hình mũi tên. Bờ ruộng, sình lầy ngập lên tới bụng. Phía sau lưng sương đêm lầm lũi rụng, trước mặt là tiếng dế như sẫm chiều nay. Trong đầu mỗi thằng dệt sẵn vài câu thơ. Để dành lại nếu ngày mai còn sống, sẽ sớt chia cho nhau từng ly thơ để uống. Để gọi là mừng sau một đêm qua truông.
Tuổi trẻ cuả bọn tôi giữa thời buổi chiến tranh. Tàn thuốc hút chung nặng đầy tình nghĩa. Ngụm rượu đế sau lần tiếp tế, nồng say hơn rượu x.o nhiều. Thời khổ nạn dám chết cho nhau, những thằng bạn khác gì Lương Sơn Bạc
Chiều nay xứ người nghe con dế khóc. Thấy đất cựa mình theo nhịp bước quân đi. Chinh chiến lụi tàn trên đất nước từ lâu. Con dế khóc? Hà cớ gì cháy lại? Hay là lửa giấu trong lòng âm ỉ? Chỉ đợi hơi xăng là bốc khói ra ngoài?
Thằng bạn tôi ở lại chiến trường xưa, thân xác giờ này cũng đã tan theo tro bụi. Lâu lắm rồi tôi giả đò quên không còn nhớ. Có phải bạn trách tôi nên theo tiếng dế đến nơi này? Nơi tôi sống hiện giờ toàn xa lộ freeway. Hỏi bạn? Tôi tìm đâu ra vùng sình lầy ngập nước? Để hai đứa ngâm mình hút chung điếu thuốc, để bạn dạy cho tôi hai tiếng đồng bào. Để bạn giải thích cho tôi hiểu rõ tại sao, tuổi trẻ bỏ quên mà không hề hối hận.
Thu khoác trên vai chiếc áo lạnh. Tôi mở cửa vào nhà có máy sưởi vặn lên. Nhìn xuyên qua khung cửa kính ngoài hiên. Con dế đang núp nơi nào dưới đám cỏ? Chú dế bé con ơi, thôi đừng khóc nữa. Tôi đã ươn hèn từ lúc bỏ nước ra đi.
Nếu thơ Quan Dương là một đại dương mênh mông, thì bài viết này không bằng một giọt nước, chẳng nói lên được điều gì cho xứng đáng với tài làm thơ và tâm hồn của anh. Được viết ra chỉ trong tinh thần “tầm trả nghĩa dâu”, ghi lại chút thanh khí, niềm đồng cảm trong thơ giữa người mê thơ và tác giả. Quan trọng hơn là mong được trả phần nào món nợ với Quan Dương. Bởi chính văn thơ của anh, tình cảm của anh và sau này là sự khuyến khích, thúc đẩy của anh, mà người viết đã tập tễnh cầm bút cho đến hôm nay.
Mùa hè 2017
- Đôi điều về một người thầy khả kính: Giáo sư Lưu Trung Khảo Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Đỗ Trường – Người Chuyên Chở Văn Học Miền Nam Qua Vũng Lầy Lịch Sử Phạm Tín An Ninh Nhận định
- Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Đôi Mắt Mùa Xuân Phạm Tín An Ninh Truyện ngắn
- Huy Phương – trên sân ga cuối đường tàu Phạm Tín An Ninh Tạp bút
- Quan Dương – Một Đại Dương Thơ Mênh Mông Phạm Tín An Ninh Nhận định
- Nhạc sĩ Dzũng Chinh- tác giả “Những Đồi Hoa Sim” đã chết trên đồi hoa sim Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Tâm Thanh – thiên nga không còn giữa cõi người Phạm Tín An Ninh Bút ký
- Cái Chết Oan Khuất Của Nhạc Sĩ Minh Kỳ Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ Phạm Tín An Ninh Truyện ngắn
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
• Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)
• Nguyễn Thụy Đan: Những thác ghềnh ẩn mật (Nguyễn Minh Nữu)
• Nguyễn Minh Nữu (Nguyễn Vy Khanh)
• Nguyễn Thị Thanh Dương và Một Buổi Giới Thiệu Sách Thật Cảm Động (Chu Tất Tiến)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |