|
Đỗ Khánh Hoan(5.8.1934 - 3.10.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Tô Thùy Yên
(1938 - 21.5.2019)
Một người dốt đặc về thơ phú như tôi mà lại từng được làm bạn và lạm bàn về thơ cùng với một nhà thơ nổi danh như Tô Thùy Yên thì đúng là chuyện lạ. Cho dù đó là chuyện ở trong tù. Vì vậy, khi biết tin anh qua đời, một số bạn tù khuyên tôi nên viết một bài để tưởng niệm anh, nhưng tôi không dám. Vì thấy rất nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi bậc thầy đã viết về anh, hơn nữa tôi ngại người đời thường dị nghị chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ.” Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ ba của anh (*), theo tập tục Việt nam, là ngày chính thức mãn tang anh, tôi xin viết đôi điều để tưởng nhớ anh và nhắc lại vài kỷ niệm cùng anh trong tù.
Khi còn ngoài Bắc, có thời gian tôi đã từng ở chung trại tù với anh Đinh Thành Tiên (tên khai sanh của Tô Thùy Yên), nhưng khác đội, lúc ấy chưa biết nhiều về anh và cũng chưa có dịp thân quen anh. Mãi đến tháng 9 năm 1981, chuyển vào Nam, đến Trại Z- 30 C Hàm Tân, anh và tôi được “biên chế” ở cùng một đội, và nắm gần nhau trong gần hai năm, cho đến khi tôi ra tù. Đặc biệt trong đội này có cả anh Đặng Trần Huân, cũng nằm cách chúng tôi vài ba người. Và tôi được hân hạnh thân thiết với cả hai. Khi ấy, tôi biết danh anh Đặng Trần Huân nhiều hơn là anh Đinh Thành Tiên, vì quanh năm hành quân trong núi rừng, chưa có cơ hội được đọc nhiều thơ Tô Thùy Yên, chỉ biết mỗi bài Chiều Trên Phá Tam Giang được phổ nhạc và loáng thoáng chuyện tình giữa anh và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Riêng anh Đặng Trần Huân thì có nhiều chuyện vui trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, và “Chuyện Cấm Đàn Bà” mà tôi thường đọc. Cả hai anh đều lớn tuổi hơn tôi, và sau khi biết cha tôi bị chết ở một trại tù khác trong Nam, vợ con nheo nhóc, tôi trở thành một trong những con bà Phước trong tù nên hai anh đều thương quí tôi. Nằm bên cạnh anh Tô Thùy Yên, nên tôi thường được anh đọc cho nghe những đoạn thơ anh ứng khẩu hay sáng tác. Anh có thói quen làm bài thơ nào cũng dài. Bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang phải lao động, anh thì thầm ứng khẩu một vài câu hay vài đoạn, đến tối nằm đọc lại, ghi vào tờ giấy nhỏ để sau đó ghép thành một bài dài. Có khi cả năm mới đủ một bài. Nghe anh thì thầm những câu thơ anh viết, thét rồi tôi thuộc lòng và còn nhớ hơn cả chính anh.
Tôi dốt về thơ nhưng lại có tính mê thơ từ nhỏ. Vì vậy có nhiều khi anh quên, tôi có nhiệm vụ phải nhắc bài thơ đã đến đâu rồi, để anh tiếp tục. Anh làm thơ trong trí, lẩm bẩm một mình, đọc cho tôi nghe, rồi chép vội vào một mảnh giấy nhỏ, nhét ở đâu đó. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi giữ hộ một số. Có lần anh bỏ vào cuốn tự điển Anh-Việt được gia đình thăm nuôi, ngụy trang bằng cái bìa của cuốn truyện “Thép Đã Tôi Thê Đấy” nên qua mắt được gã công an kiềm soát. Anh học Anh văn bằng cách say sưa đọc cuốn sách gối đầu giường của người cộng sản, tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai A. Ostrovsky, nhưng kỳ thực, chỉ có cài bìa, còn cả phần ruột là cuốn tự đỉển Anh – Việt của tác giả Nguyễn Văn Khôn. Có một lần không may, bất ngờ cả trại bị khám xét “đột xuất”. Các tù nhân có lệnh mang theo tất cả tư trang ra ngoài sân để chuyển trại. Một tên công an lục lọi đủ mọi thứ, khám phá cuốn sách mang tên “Thép đã tôi thế đấy” lại là cuốn sách toàn chữ của “đế quốc Mỹ”, và trong cuốn sách còn có cả mấy mẩu giấy có vài câu thơ “phản động” nên anh bị cùm hơn hai tuần. Cuốn sách và mấy bài thơ, tất nhiên bị tịch thu.
Hôm mới được thả về đội, anh yếu và mệt quá, thêm một chút “phản kháng” nữa, nên anh dặn tôi, khuya này, khi nào nghe anh rên thì tôi hô to ‘cấp cứu, có tù bệnh đột xuất”. Lúc ấy người phụ trách trạm xá là Bác sĩ Anh, nguyên là Y sĩ Thiếu Tá bị bắt trong vụ nhà thờ Vinh Sơn sau 1975, kêu án 30 năm tù. Nghe nói là ông có một ông anh lại là Trung Tá Bác sĩ Công An CS, nên bảo lãnh để được ra làm ở trạm xá thay vì phải lao động. Dường như Bác sĩ Anh là bạn khá thân với anh Đinh Thành Tiên trước kia, nên hai người có hẹn nhau, nếu khi nào anh Tiên gọi cấp cứu thì bác sĩ Anh đến khám và cho lên bệnh xá nằm vài hôm, khỏi phải đi lao động. Anh được ban cho cái bệnh loét bao tử. Đây cũng là dịp để anh thoải mái làm thơ. Chỉ có tôi là người duy nhất biết được giao kèo bí mật này, nên khi anh Tiên kéo tay tôi và bắt đầu rên là tôi hô to “Cấp cứu! Cấp Cứu! Có tù bị bệnh đột xuất”. Và lần nào, đám công an cũng đưa Bs Anh đến khám và cho khiêng anh vê trạm xá! Bác sĩ Anh là một bác sĩ giỏi, một con người khẳng khái, tư cách và rất hết lòng với anh em.
Trong những bài thơ anh viết, bài mà tôi thuộc lòng và thích nhất đó là bài “Tháng Chạp Buồn”. Anh viết mấy đoạn đầu của bài thơ này vào giữa tháng Chạp năm 1981, mãi đến tháng Chạp năm 1982 anh mới viết xong mấy đoạn cuối (tức là khi đã ở tù hơn tám năm, nhưng sau này có bài được viết là chín năm). Anh đọc và giải thích từng câu, từng đoạn trong bài thơ cho tôi nghe. Có những câu tôi rất tâm đắc, như: “Tám năm áo rách bao nhiêu lượt, con vá chồng lên những nỗi niềm”, nhưng cũng có đôi câu tôi dốt nên không hiểu, như “Cha mẹ già như trúc trổ bông”, nhờ anh giải thích tôi mới biết khi trúc trổ bông là trúc sắp chết. Tôi nể phục sự hiểu biết, tài làm thơ của anh và rất cảm động khi đọc bài thơ anh viết, bởi câu nào cũng mang đầy tâm trạng của anh mà cũng của chính tôi và những người bạn tù khác nữa. Anh bảo viết bài thơ này tặng tôi. Và anh tặng thật. Anh viết vào một mảnh giấy được xếp thật nhỏ với chữ cũng thật nhỏ đầy kín cả hai mặt. Chữ anh viết khá đẹp. Mảnh giấy xếp nhỏ có thể kẹp giữa hai ngón tay. Khi nghe báo tin tôi được ra tù, anh mừng cho tôi, nhưng tôi cũng nhận ra nét thoáng buồn trong mắt anh, vì từ nay sẽ mất thằng bạn tù anh xem như thằng em thân thiết, từng lắng nghe và thuộc những bài thơ mang cả nỗi lòng anh. Biết tôi đã thuộc nằm lòng, anh vẫn bảo cố giấu mảnh giấy có chép bài thơ mang về làm kỷ niệm, vì khá dài nên cũng chóng quên. Nhưng khi lên ban chỉ huy trại xếp hàng chờ lãnh tấm giấy ra trại, thấy mấy anh bạn tù phía trước bị khám xét kỹ quá, tôi nhát gan, vội bỏ mảnh giấy vào miệng nhai nát rồi nuốt vào cái dạ dày đang đói. Khi về đến nhà, tôi liền ngồi viết lại cả bài thơ và đưa cho vợ tôi đọc. Nàng rơm rớm nước mắt.
Khi biết tin anh đến Mỹ, tôi đang định cư ở NaUy, nên nhờ cô con gái lớn đang sang học ở Cali liên lạc tìm thăm anh. Anh vui lắm. Từ đó anh em thường liên lạc thăm nhau. Anh nhắc tôi chuyện anh nhờ tôi gọi cấp cứu trong tù để hai anh em phì cười. Tôi chép lại bài thơ “Tháng Chạp Buồn” gởi cho anh, vì anh cho biết đã không còn nhớ chính xác một vài câu “nguyên tác” trong đó.
THÁNG CHẠP BUỒN
Tết này con vẫn chưa về được
Chân mỏi còn lê nặng kiếp tù
Con nghĩ mà đau muôn nỗi nhớ
Tám năm lòng bạc những thiên thu
Tám năm những tưởng là vô tận
Rồi cũng qua như tiếng rụng rời …
Thương nhớ nghe chừng sông biển cạn
Nghe chừng gãy những cánh chim bay
Con đi đã mấy miền Nam Bắc
Ðâu cũng thì đau đớn giống nòi
Con khóc hồn tan thành nước mắt
Lâu rồi trời đất hết ban mai
Tuổi con đã quá thời nghi hoặc
Sao vẫn như người đi giữa đêm
Tám năm áo rách bao nhiêu lượt
Con vá chồng lên những nỗi niềm
Con nhớ cội mai già trước ngõ
Xuân này có gắng gượng ra hoa
Xót xa thế, thiết tha là thế
Ðời mất đi từng mảng thịt da
Căn nhà đã có thời gian ngụ
Bụi mọt rơi và ngọn gió qua
Thăm thẳm nghìn đêm chong mắt đợi
Ai trầm luân đó đã về chưa ?
Con nhớ khu vườn sau vắng lạnh
Mỗi cây làm chứng một thâm tình
Quây quần bên mẹ cha buồn bã
Như một phần con đứng lặng thinh
Tám năm con thức ngàn đêm trắng
Mơ sáng ngày mai đời đổi thay
Con nắm tay mình trong bóng tối
Hiểu rằng sống được cũng là may
Tám năm con giấu trong tâm tưởng
Thanh kiếm giang hồ thuở thiếu niên
Mà đợi ngày mai trời trở giấc
Ðem thân làm trận lốc kinh thiên
Tết này con vẫn chưa về được
Sông núi còn ngăn những tấm lòng
Nên đành lấy nhớ thương mừng tuổi
Cha mẹ già như trúc trổ bông
* * *
Tết này anh vẫn chưa về được
Chắc hẳn em buồn như cỏ thu
Ngọn gió mùa xưa hiu hắt thổi
Dòng đời nghe lạnh nỗi thờ ơ
Tám năm hiu quạnh vang mòn mỏi
Những tiếng vang từ mỗi nhịp tim
Những tiếng vang sâu từ cõi chết
Qua ngàn lớp cửa nặng nề im
Con sông nước chảy đôi miền nhớ
Biền biệt trôi, ngày một một xa
Còn gọi nhau qua từng giấc mộng
Bàng hoàng như một cánh chim sa
Trong ấy mùa xuân có đến không ?
Mùa xuân hoa nở má em hồng
Mùa xuân áo mới như hy vọng
Nắng mật ngời lên ánh mắt trong
Ở đây có lẽ xuân không đến
Rừng núi chưa tan giấc não nề
Thương nhớ tràn như con lũ máu
Lòng anh đã vỡ những con đê
Lòng anh đau nỗi quê hương mất
Ðời bỏ đi chưa hả nhục nhằn
Có chết cũng thành ma vất vưởng
Ðêm về thương khóc nhớ quê hương
Anh nhớ con đường em vẫn đi
Cỏ hoa bối rối gọi nhau về
Thời gian có ngủ mê từ đó
Nhan sắc bây giờ có ủ ê ?
Anh nhớ bao điều tưởng đã quên
Tình xưa như nước chảy trăm miền
Tình xưa như hạt cây khô rụng
Từ những mùa xa lá phủ lên
Anh nhớ làm sao mà chẳng nhớ
Căn nhà ấm tiếng nói thân thương
Căn nhà như giấc chiêm bao biếc
Có ánh trăng và hương dạ lan
Làm sao em chẳng buồn cho được
Tám độ mai rơi hết mộng vàng
Mái tóc ủ thời con gái cũ
Bây giờ e cũng đã phai hương
Tết này anh vẫn chưa về được
Lau sậy già thêm một tuổi xuân
Còn nhớ thương ai miền gió cát
Bao giờ mới dứt được trầm luân !
* * *
Tết này cha vẫn chưa về được
Chắc hẳn con buồn cạn tuổi thơ
Từ buổi cha đi, nhà tróc nóc
Tuổi thơ thôi cũng nhuốm bơ phờ
Từ buổi cha đi đời lặng lẽ
Mắt nai héo đỏ nỗi mong chờ
Mỗi lần có khách đi vào ngõ
Con bỏ vui đùa đứng ngẩn ngơ
Con sáo trong lòng con đã chết
Bé ơi sao bé mãi đi tìm
Con kêu lạc giọng ơi… ơi… sáo
Rồi khóc trong chiều muộn nhá nhem
Tám năm mưa gió qua rền rĩ
Chim nhỏ không còn vui líu lo
Ngơ ngác tuổi thơ người lớn sớm
Nhìn đâu cũng chỉ thấy bơ vơ
Ðã tám năm rồi con bỏ học
Cuộc đời như một bát cơm thiu
Mỗi lần có phải qua trường cũ
Con bước nhanh vì sợ bạn kêu
Lần hồi rau cháo mẹ nuôi con
Con lớn lên theo vạn nỗi buồn
Mơ ước ngày sau làm tráng sĩ
Ðem thân vào những chốn đau thương
Ngày sau con dựng ngôi nhà lớn
Trồng lại tình thương dọc nẻo đời
Tạc lại con người khôi việt đẹp
Làm nên thế giới mới tinh khôi
Cha thương con biết bao mà kể
Ôi mắt nhung reo ánh nỗi niềm
Mái tóc tơ hồng hương nắng hạ
Tuổi thơ mùi sách mới lâng lâng
Xa con cha thấy buồn vô hạn
Như mất thêm lần nữa tuổi thơ
Cha tiếc không cùng con sống lại
Ngày vui cha vẫn giấu trong mơ
Ôi cánh diều băng mùa hạ cũ
Xương tàn còn đọng ngọn tre cao
Ðến nay trời nổi bao lần gió
Con tưởng oan hồn vật vã đau
Tết này cha vẫn chưa về được
Ðành hẹn cùng con tết khác thôi
Con nhớ để dành cây pháo cũ
Ðể dành một chút tuổi thơ vui.
Tô Thùy Yên
Sau này, bài thơ TA VỀ, anh viết khi ra tù, đã trở thành một tuyệt tác, đưa tên tuổi anh lên tột đỉnh thi ca. Bài thơ mà gần như người Việt khắp thế giới đều biết đến, ngay một vài tờ báo văn nghệ trong nước cũng đã đăng tải, bình phẩm và ngợi ca. Bài thơ rất dài, nhưng nhiều người thuộc nằm lòng, chỉ cần nhắc đến một vài chữ, như “cám ơn hoa đã vì ta nở”… là biết ngay đến Tô Thùy Yên. Nhưng với tôi, bài thơ “Tháng Chạp Buồn” lại gây cho tôi nhiều xúc động hơn, không chỉ nó mang nhiều tâm trạng của “tám năm áo rách bao nhiêu lượt, tôi vá chồng lên những nỗi niềm” mà còn gợi lại nhiều kỷ niệm gắn bó giữa anh Tô Thùy Yên và cá nhân tôi trong những năm tù ngục.
Trong tù, anh có kể cho tôi nghe cuộc tình của anh với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Anh cũng tỏ ra ân hận và thấy có lỗi với cả hai người đàn bà, chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và chị Huỳnh Diệu Bích, người vợ chính thức mà anh hết lời ca ngợi. Cuộc tình này đã gây cho anh khá nhiều tai tiếng và cũng để lại nhiều dằn vặt trong anh.
Anh Đặng Trần Huân lớn hơn anh Đinh Thành Tiên mười tuổi, khi ấy tóc đã bạc trắng, cùng phục vụ trong Tổng Cục CTCT nhưng người Bắc người Nam, khác tính nhau và dường như không mấy thân nhau. Tô Thùy Yên thì trầm ngâm, ít nói, còn Đặng Trần Huân thì thường vui đùa, bỡn cợt. Khi tâm tình với tôi, anh Đặng Trần Huân cũng thường có ý trách anh Tô Thùy Yên về chuyện Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi vừa đùa vừa bênh vực: tình của giới văn nghệ mà, nên thông cảm, bố ạ! Tôi thường gọi anh Đặng Trần Huân là bố và anh cũng xưng bố với tôi. Vì có lần anh đùa, bảo “bố có cô con gái út chưa chồng, nếu mai này mày ra tù mà vợ đã lấy chồng khác tao sẽ gã nó cho mày!” (xin lỗi cô gái út, nếu đọc được mấy dòng này)
Cả hai anh đều sang Mỹ cùng gia đình theo diện HO. Anh Đặng Trần Huân mất vào năm 2003 tại Nam Cali, sau khi sinh hoạt báo chí, văn nghệ một thời gian. Anh Tô Thùy Yên thì nổi tiếng với bài thơ Ta Về, nhưng không còn sáng tác nhiều. Chỉ ra mắt duy nhất tập thơ “Thắp Tạ”.
Đọc tập thơ anh gởi tặng, tôi nghĩ có lẽ đây là một kết thúc, khi ở đầu tập thơ anh viết:
Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Và
Thức cho xong bài thơ
Mai sớm ra đi
Cài hờ lên cửa tặng
Tôi gọi sang cám ơn anh và đùa:
Đọc tập thơ này có nhiều câu em không hiểu được. Vả lại, ông anh còn yêu đời quá mà “thắp tạ” làm chi sớm vậy?
Tập thơ xuất bản năm 2004, mãi đến mười lăm năm sau, ngày 21 tháng 5 năm 2019, nhà thơ Tô Thùy Yên mới ra đi. Và đúng là anh cũng đã yêu đời thật, khi trải qua một cuộc tình đẹp đầy tính văn nghệ với một cô con gái trẻ, mê thơ và ngưỡng mộ anh!
Rồi mọi người sẽ nhớ tới anh, nhớ mãi thơ anh. Bài thơ Ta Về sẽ trở thành bất tử. Riêng tôi sẽ không thể nào quên người anh, bạn tù, một nhà thơ lớn, có tâm hồn, lãng mạn, nhưng luôn khí khái, đã cho tôi nhiều kỷ niệm dễ thương, thi vị ngay trong cảnh khốn cùng nhất của kiếp con người.
Bắc Âu, 21.5.2022
Phạm Tín An Ninh
(*) Tô Thùy Yên mất ngày 21 tháng 5, 2019
- Đôi điều về một người thầy khả kính: Giáo sư Lưu Trung Khảo Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Đỗ Trường – Người Chuyên Chở Văn Học Miền Nam Qua Vũng Lầy Lịch Sử Phạm Tín An Ninh Nhận định
- Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Đôi Mắt Mùa Xuân Phạm Tín An Ninh Truyện ngắn
- Huy Phương – trên sân ga cuối đường tàu Phạm Tín An Ninh Tạp bút
- Quan Dương – Một Đại Dương Thơ Mênh Mông Phạm Tín An Ninh Nhận định
- Nhạc sĩ Dzũng Chinh- tác giả “Những Đồi Hoa Sim” đã chết trên đồi hoa sim Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Tâm Thanh – thiên nga không còn giữa cõi người Phạm Tín An Ninh Bút ký
- Cái Chết Oan Khuất Của Nhạc Sĩ Minh Kỳ Phạm Tín An Ninh Hồi ức
- Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ Phạm Tín An Ninh Truyện ngắn
• Đọc lại Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên (Đoàn Phương)
• Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù (Phạm Tín An Ninh)
• Hai Con Hạc Vàng Vỗ Cánh (Trần-Vấn Lệ)
• Tâm Thức Hòa Giải Trong Bài Thơ "Ta Về" (Nguyễn Cẩn)
• Một Người, Một Người... (V. Phiến)
• Tưởng nhớ 5 khuôn mặt văn chương (Trần D. Nho)
• Ta về Một Bóng Trên Đường Lớn... (Thảo Dân)
• Tô Thùy Yên. Thi Sĩ Lạ (Trần Yên Hòa)
• Tô Thùy Yên (Võ Phiến)
• Tô Thùy Yên: thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người (Bùi Vĩnh Phúc)
• Trường Sa hành của Tô Thùy Yên (Nguyễn Hưng Quốc)
• Đãng Tử (Nguyễn Hưng Quốc)
• Con đường bè bạn (Phan Lạc Phúc)
• Ngựa phi đường xa (Đặng Tiến)
• Tô Thùy Yên,thời gian, tồn tại, cô đơn và đá (Thụy Khuê)
• Giấc Mơ Không Dứt Đó Của Thần Linh (Nguyễn Tà Cúc)
- Vài hình ảnh Tô Thùy Yên với bạn bè (diendantheky.net)
- Tô Thùy Yên, chân dung muôn đời thi sĩ (Nguyễn Mạnh Trinh, sangtao.org)
- Đêm qua Bắc Vàm Cống (Ngự Thuyết, sangtao.org)
- Thắp tạ (Hồ Đình Nghiêm, sangtao.org)
- Nói chuyện với nhà thơ Tô Thùy Yên (Nguyễn Mạnh An Dân, sangtao.org)
- Tô Thùy Yên (1938-2019) nhà thơ Việt Nam (Đặng Tiến, diendantheky.net)
- Nhớ Tô Thùy Yên (Trần Doãn Nho, diendantheky.net)
- Tô Thùy Yên, Chia Xẻ Chút Tình Cay Mặn Cũ (Nguyễn Đức Tùng, diendantheky.net)
- Hãy Cài Bài Thơ Lên Ngực Mới (Trần Mộng Tú, diendantheky.net)
- Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình/hiện thực (Trần Hữu Thục, diendantheky.net)
- Nhà thơ Tô Thùy Yên, truớc và sau Sáng Tạo (Trần Hoài Thư, tranhoaithux.com)
- Nghĩ Về Thơ Tô Thùy Yên, thơ bảy chữ có uy thế hơn thơ tự do (Trần Văn Nam, luanhoan.net)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Hoa Từ Bi Độ Lượng (Tô Thùy Yên)
• Nói Về Thơ, Người Làm Thơ và Người Đọc Thơ (Tô Thùy Yên)
• Trường Sa Hành (Tô Thùy Yên)
• Ta Về (Tô Thùy Yên)
- Tuyển Tập Thơ Thơ Tô Thùy Yên (tranhoaithu42.com/)
- Thơ Tô Thùy Yên (Talawas)
- Thơ Tô Thùy Yên (dactrung)
• Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc (Vương Trùng Dương)
• Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ” (Phan Tấn Hải)
• Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến (Nguyễn Văn Tuấn)
• Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |