1. Head_

    Đỗ Khánh Hoan

    (5.8.1934 - 3.10.2023)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đọc một số Tuyển tập Văn chương Nữ Việt Nam sau 1975 (Nguyễn Tà Cúc) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-06-2012 | VĂN HỌC

      Phấn son tô điểm (hay không tô điểm) sơn hà*:

      Đọc một số Tuyển tập Văn chương Nữ Việt Nam sau 1975

        NGUYỄN TÀ CÚC
      Share File.php Share File
          

       

      Lời người viết: Tháng Ba vốn được xem là dành cho Phụ nữ. Bởi thế, người viết muốn cùng độc giả xem lại một số tuyển tập văn thơ Phụ nữ Việt Nam xuất bản sau 1975 và hy vọng rằng có lúc chúng ta sẽ được đọc những tuyển tập có sự góp mặt đông đủ của chị em hai miền và ngoài nước.

      Một trong những truyện làm cho người ly hương thấm thía nhất có lẽ là truyện Từ Thức lạc Thiên thai. Từ Thức lên tiên, khi trở về tuyệt không còn thấy dấu vết gì của đời mình cả. Người Việt xa xứ cũng thế, như có những nơi ở Sài gòn, người trở lại không nhận ra nữa. Nhưng may thay, vẫn còn có sách vở chữ nghĩa của người trần ghi lại cái đời đã nhiều khi biến mất ấy. Đời Từ Thức nghe đâu chỉ có vài trăm năm, nhưng đời những người phụ nữ Việt nam, qua văn thơ họ hay người khác, có thể cho người sau thấy đời họ suốt lịch sử. Nhân việc đốt sách và phá hủy sách của Miền Nam sau 1975, người viết muốn tìm hiểu xem việc đốt sách ấy có ảnh hưởng ra sao tới việc ghi lại lịch sử của phụ nữ Việt Nam bằng cách đọc một số tuyển tập văn thơ phụ nữ xuất bản sau 1975. Vì ở ngoài nước, người viết không có phương tiện đọc hết nên chỉ chọn một vài cuốn tiêu biểu hay tương đối quan trọng về khía cạnh nghiên cứu cũng như tài liệu. Trong số đó, có bốn tuyển tập do những người được coi là sinh trưởng hay được làm việc trong chế độ ấy tuyển chọn và do các cơ quan thuộc Chính phủ Cộng sản Việt Nam-- chính phủ đã ra lệnh đốt sách Miền Nam --như Nhà xuất bản Phụ Nữ đảm nhiệm.


      Bốn cuốn được coi như từ Miền Bắc đó là: Thơ Nữ Việt Nam tuyển chọn - 1945-1965 (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1994), 80 Tác giả Nữ Việt Nam - Sáng tác của Nữ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Nhà xuất bản Thanh niên, 2000), Tuyển Thơ Tác giả Nữ Việt Nam (Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội, 2000) (1), Tuyển Văn Tác giả Nữ Việt Nam (Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội, 2001).

      Ngoài ra, người viết cũng sẽ đề cập để phân tích về vấn đề tài liệu trong một tuyển tập do một phụ nữ tuy sinh ở Miền Bắc nhưng di cư và cùng gia đình sống hoàn toàn ở Miền Nam sau 1954. Đó là cuốn Nữ Sĩ Việt Nam: Tiểu sử & Giai thoại Cổ-Cận-Hiện đại (Hiện đại phần 1) mà tác giả là bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền. Cuốn này cũng do một cơ quan nhà nước (Nhà xuất bản Văn học, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, 2006) phụ trách việc xuất bản như bốn cuốn kia vì cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nhà xuất bản tư nhân.


      A - Một bước tiến đáng kể: Từ Thơ Nữ Việt Nam tuyển chọn - 1945-1965, 80 Tác giả Nữ Việt Nam - Sáng tác của Nữ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tới Tuyển Thơ Tác giả Nữ Việt Nam (1), Tuyển Văn Tác giả Nữ Việt Nam


      I - Thơ Nữ Việt Nam tuyển chọn - 1945-1965 và 80 Tác giả Nữ Việt Nam- Sáng tác của Nữ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam


      Hai tập này giống nhau ở chỗ không có mặt các tác giả Miền Nam. Những người mà ai cũng biết tên như Thụy Vũ, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca v.v. đều không được nhắc đến, nhất là khi họ không thể là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.


      II - Tuyển Thơ Tác giả Nữ Việt Nam (1) và Tuyển Văn Tác giả Nữ Việt


      Hai cuốn này do cùng một ban biên tập tuyển chọn (Lại Nguyên Ân, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Mai Hương và Phạm Xuân Nguyên) mà trong số có hai nhà (nam) phê bình danh tiếng—Lại Nguyên Ân và Phạm Xuân Nguyên—đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tỏ ra công bằng hơn cho Phụ nữ và Lịch sử Việt Nam “từ cổ điển đến Hiện đại” bằng cách cho một số nữ tác giả Miền Nam trước 1975 và cả ở ngoài nước xuất hiện bên cạnh các nữ tác giả từ Miền Bắc hay tại Miền Nam sau 1975. Dĩ nhiên như nhà xuất bản và người đọc đã biết trước, cả hai tuyển tập văn thơ này đều có những khiếm khuyết không thể tránh khỏi vì lý do đơn giản là toàn ban biên soạn đã không có một người nào từ Miền Nam thông hiểu được tình hình Văn học Miền Nam. Ngoài ra, phải chăng sự thiếu sót ấy là vì lý do chính trị vẫn còn là cái bóng mờ hay tỏ trong những tuyển tập như thế. Cho nên, người viết góp ý kiến với ban biên soạn không phải để chê trách mà chỉ để trước là ghi nhận thiện chí của họ và sau nữa, hy vọng thêm được tài liệu cho những người biên soạn khác.


      Xin góp ngay thêm một tài liệu nếu như chưa ai nhắc đến: Nhà thơ Nhàn Khanh qua đời năm 1924 theo bài “Từ quyển Nữ lưu Văn học sử của ông Sở Cuồng đến quyển Đại Việt Văn học Lịch sử của ông Nguyễn Sỹ Đạo” (Long Điền Nguyễn Văn Minh, Tạp chí Tri Tân 1941-1946: Các bài viết về Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, trang 421, Nguyễn Quang Ân, Phạm Đình Nhân, Phạm Hồng Toàn sưu tầm và tuyển chọn, Trung tâm thông tin tư liệu lịch sử & văn hóa VN xuất bản., Hà Nội 2000). Bà là thân mẫu của dịch giả Trịnh Đình Rư (1893-1962) theo Lược truyện các tác gia Việt Nam (Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú và Tạ Phong Châu biên soạn, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà nội 1972, trang 143).


      Riêng về các tác giả thành danh của Miền Nam trước 1975, trong cuốn Tuyển Văn, chỉ có Túy Hồng xuất hiện với truyện ngắn “Lòng thành” và Nguyễn Thị Thụy Vũ với “Lòng trần”. Trong cuốn Tuyển Thơ có Trần Thị Tuệ Mai (bốn bài), Minh Đức Hoài Trinh (hai bài), Hoàng Hương Trang (2 bài), Túy Hồng (1 bài), Nhã Ca (5 bài) và Nguyễn Thị Hoàng (1 bài) v.v… Sự chân thành của Ban Biên tập được bầy tỏ trong “Lời Thưa Cuối Sách” của cả hai cuốn Tuyển VănTuyển Thơ: “Chúng tôi cố gắng chọn những sáng tác tiêu biểu, cho tác giả, cho nhiều thế hệ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho một số cây bút trẻ địa phương và cho cả từng giai đoạn sáng tác, giai đoạn lịch sử, cũng như cho sự đa dạng của cá tính, phong cách. Mong sao qua những sáng tác mang dấu ấn cá nhân thuần túy, chúng ta không chỉ gặp số phận, tâm hồn tác giả, mà còn cảm nhận được hiện thực đời sống xã hội, hiện thực lịch sử, không khí thời đại.” (trang 1029-1030) Nhưng chính vì sự chân thành và cố gắng này mà người đọc cảm thấy ngay cái bất cập là, có lẽ ngoài ý muốn của nhóm tuyển chọn và biên soạn, Tuyển Văn đã không có tác phẩm của Nhã Ca, Trùng Dương, và nhất là của Nguyễn Thị Hoàng.


      Nguyễn Thị Hoàng chịu ảnh hưởng rõ rệt lối viết của các đàn chị Tây Phương và các phong trào văn học ngoại quốc thời bấy giờ mà điển hình là cuốn Vòng tay học trò. Ảnh hưởng ấy sau này dẫn đến một sự vá víu khiến cho Nguyễn Thị Hoàng (không như Nguyễn Thị Thụy Vũ), ngoài một số truyện thành công vì diễn tả được xác thực tâm sự và cá tính nhân vật, chỉ thành công được lúc đó --tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng được tái bản rất nhiều lần là điều không ai có thể chối cãi được-- mà thất bại sau này khi cứ rập khuôn một kiểu viết nhàm chán và tự kỷ quá đáng, như một con công không bao giờ thay lông được cho nên dù có xòe theo kiểu nào, những màu sắc cũ càng ấy không còn làm rung động được ai nữa. Cho nên vẫn cần phải có truyện của Nguyễn Thị Hoàng trong Tuyển Văn là vì đây là một trường hợp chứng tỏ Miền Nam đã mở ra cho mọi khuynh hướng văn chương nước ngoài nhập vào và chúng đã để lại một dấu vết rõ ràng cả về thành công lẫn thất bại như thế. Sau nữa là trường hợp Nhã Ca. Nhã Ca là một tác giả vẫn đáng được đưa vào Tuyển Văn dù tác phẩm có khi không xuất sắc so với nhiều tác giả đương thời nhưng chúng đánh dấu được thời gian chập chững rồi tiến bộ của một số các nhà văn nữ Miền Nam thời hậu 1954.



            Cụ Phan Khôi

      Ngoài ra, lẽ ra nếu ban biên soạn đã chọn bài “Đàn bà là mặt trời” của Nhã Ca (tên thật Trần Thị Thu Vân, trang 283-287) trong Tuyển Thơ thì cần chú thích cho độc giả biết về thiên Nhã Ca mà tác giả là vua Solomon trong Kinh Thánh Tin Lành, Bản dịch Việt ngữ, xuất bản lần đầu vào năm 1926. Tại sao vậy? Vì Nhã Ca đã lấy nguyên một số ý tưởng (của nguyên bản) mà cố ý chỉ đảo lộn hay có khi thay đi rất ít. Nhưng quan trọng hơn nữa là --nếu người viết xét đoán đúng căn cứ trên các tài liệu có sẵn -- thì Nhã Ca đã sử dụng một số chữ (dịch) của nhà thơ, nhà lý luận, nhà bút chiến Phan Khôi. Không cần phải là người nghiên cứu, bất cứ ai cũng biết rằng mỗi nhà thơ cần một ngôn ngữ riêng. Trong trường hợp này, chỉ cần đơn cử một vài chữ tiêu biểu như “ái tình chàng, ái tình tôi” của Phan Khôi và “ái tình tôi” trong bài thơ của Nhã Ca hay “tôi, chị” trong cả hai bản này. Những sự “từa tựa” ấy không thể coi được là tình cờ vì nếu so với, thí dụ như bản dịch Kinh Thánh của Dòng Chúa Cứu thế do Linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch (2) thì bản dịch này có chữ “Diệu Ca” (thay vì Nhã Ca) với những chữ như “em, anh, cô,” và “tình yêu (chàng)”. Ngay cả tựa đề của bài thơ đáng lẽ Nhã Ca cũng phải chú thích là đã mượn của Kinh Thánh Tin Lành và bản dịch của Phan Khôi, vì “Đàn bà là mặt trời” rõ ràng là đã lấy từ câu “Người nữ … như mặt trời” (6:10). Vì giới hạn của bài viết, người viết chỉ có thể nêu ra vài thí dụ điển hình để độc giả so sánh:


           Thánh Kinh Báo số 1 tuy đề tháng giêng 1931 nhưng phát hành vào tháng 10.1930, căn cứ trên bài báo giới thiệu của Phan Khôi. (Tạp chí Khời Hành số 185)


      - Thiên Nhã Ca, “Vua Sa-lô-môn làm”, Kinh Thánh Tin Lành-Sách Cựu Ước, Thánh kinh hội Mỹ Quốc tái bản, Phan Khôi dịch:


      6:10 Người nữ này là ai, hiện ra như rạng đông, Đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời

      1:6   Chớ dòm xem tôi, bởi vì tôi đen

      7:12  Tại đó tôi sẽ tỏ ái tình tôi cho chàng

      4:10: Ái tình mình ngon hơn rượu

      8:6:  Lòng ghen hung dữ như Âm Phủ …Sự nóng nó là sự nóng của lửa


      - “Đàn bà là mặt trời”, Nhã Ca Trần Thị Thu Vân:

      Hỡi các chị, chúng ta đều đẹp như mặt trời tinh khiết như bình minh (trang 283, Tuyển Thơ)

      Tôi đang đỏ đang đen (trang 283, sđd)

      Tôi cũng có một ông vua cho ái tình tôi (trang 287, sđd)

      Để tôi làm ra ái tìnhrượu ngọt (trang 286, sđd)

      Xui chúng ta nóng bỏng như lửa (trang 283, sđd)

      Tôi sẽ …nóng hơn lửa (trang 285, sđd)

      Chúng ta có lòng ghen mạnh như bão, trang 286, sđd


      Cho nên, “hãy trả lại cho Phan Khôi những gì của Phan Khôi”, hãy thêm Nhã Ca của Kinh Thánh Tin Lành vào tiểu sử của ông khi mà nhiều tài liệu, kể cả của chính Phan Khôi, đã hầu như công nhận như vậy (3) Phần khác, đúng như Nhà xuất bản Phụ nữ đã công nhận trong “Lời nhà xuất bản”: “Cũng có một điều Nhà xuất bản muốn được nói thêm là, lịch sử chúng ta đã trải qua không ít những thăng trầm, nhất là những thời kỳ chiến tranh kéo dài, khiến nhiều di sản văn hóa, văn học của dân tộc đã không thể tránh khỏi sự thất lại, tản mác, kể cả bị thiêu cháy thành tro bụi, không sao có thể còn khôi phục lại được. Điều này đã hạn chế không ít đến công việc sưu tầm, tuyển chọn cũng như hoàn chỉnh toàn vẹn những công trình chúng ta mong muốn…” (trang 7, sđd).


      Ít nhất thì Nhà xuất bản Phụ nữ cũng đã có can đảm công nhận việc người Cộng sản “thiêu cháy” tác phẩm của Miền Nam sau 1975 thành “tro bụi” và sự “thiêu cháy” ấy nay vẫn còn tiếp tục tồn tại qua những khuyết điểm căn bản như đã nói trên. Những khuyết điểm ấy đã triệt tiêu hầu hết cái mục đích cao quý mà ban biên soạn hướng tới, là “qua những sáng tác mang dấu ấn cá nhân thuần túy, chúng ta không chỉ gặp số phận, tâm hồn tác giả, mà còn cảm nhận được hiện thực đời sống xã hội, hiện thực lịch sử, không khí thời đại.” Vì không mang được thêm các nữ tác giả chống Cộng hay của Miền Nam trước 1975, lại không thể chọn được nữ tác giả ngoài nước một cách xứng đáng (có người cho tới nay chỉ làm hơn dăm bài thơ không lấy gì làm xuất sắc cho lắm cũng được chọn vào), cái số phận và tâm hồn của hai cuốn tuyển tập này chỉ phản ảnh được “hiện thực đời sống xã hội, hiện thực lịch sử, không khí thời đại” những năm từ 1945 tới bây giờ của Miền Bắc rồi của một nước Cộng sản Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào mục lục là đã không thể chối cãi được cái “hiện thực” thiếu sót trầm trọng ấy.


      Người viết không cần phải trích dẫn chi cho nhiều mà chỉ cần nhắc tới các bài thơ như “Tổ làm đường dưới núi Ngọc Mỹ Nhân” (Trần Thị Mỹ Hạnh, trang 372-373, sđd) ca ngợi “đoàn thợ gái sửa đường” (sic) góp phần cho quân Miền Bắc tiến vào Miền Nam hay “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ, người làm bài thơ này trên đường xuôi Trường Sơn vào Nam “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa. Đánh lạc hướng quân thù. Hứng lấy luồng bom…” (trang 528, sđd). Ai là quân thù của tác giả? Hy vọng bây giờ thì nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hiểu được “quân thù” của bà cũng là những chị em vô tội Miền Nam. Sau đó, viết về số phận của người phụ nữ khi cuộc chiến tàn vẫn là tâm sự của phụ nữ Miền Bắc như bài “Hai đời làm mẹ” (Trầm Hương, trang 637-638, sđd) nói về tình cảnh bị bỏ rơi của những phụ nữ không những đã lỡ xuân mà còn mang thương tích sau chiến tranh. Nỗi tuyệt vọng ấy đẩy họ vào hoàn cảnh phải có những đứa con không cha hay lại bị lợi dụng một lần nữa. Nghĩa là thiếu hẳn những bài thơ về sự khổ ải của phụ nữ Miền Nam khi cha anh, chồng con họ bị đẩy vào tù, và thống khổ hơn nữa là tình cảnh của bao nhiêu phụ nữ bị hãm hiếp, bị giết trên đường vượt biển vượt biên để tìm tự do. Thay vào đó là những bài thơ vô thưởng vô phạt như những bài thơ nông choạt về đề tài tình ái của một người Việt xa xứ như Trần Mộng Tú hay những thất vọng về sự kỳ thị màu da hay văn hóa mà phụ nữ ngoài nước phải gánh chịu. Cái chân dung ấy quả là không trọn vẹn khi trên thực tế, sự thành công của người Việt ở nước ngoài với sự nỗ lực góp sức của phụ nữ Việt, nhất là ở Hoa Kỳ, là một điều không thể chối cãi được.


      Dù sao chăng nữa, nỗ lực của ban biên soạn – những người đi đầu trong công việc góp thêm tiếng nói của mọi phụ nữ bất kỳ là từ miền nào và trong hay ngoài nước – vẫn nổi bật và đáng được hoan nghênh. Sự chân thành ấy làm cho người ta tin tưởng rằng giới biên soạn trong tương lai đã có thể có một ý niệm chính xác hơn kèm với những tài liệu được gộp vào một cách công phu lần này. Nhưng nếu người đọc phấn khởi bao nhiêu trước bước tiến ấy của một ban biên soạn gồm toàn những người xuất thân hay có tiếng từ Miền Bắc, người ta sẽ lại ngạc nhiên bấy nhiêu trước một cuốn sách khác, là cuốn của bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền. Bà Như Hiên quê ở Hà Đông, sinh năm 1930 và hẳn đã di cư vào Nam trong khoảng 1953-1954, nghĩa là bà đã 76 tuổi khi cuốn Nữ Sĩ Việt Nam tái bản. Tuy tác giả mang tiếng là một người đã sống lâu dài tại Miền Nam, lại tự nhận là nhà giáo kiêm nhà thơ kiêm nhà văn kiêm nhà biên soạn nghiên cứu v.v. và v.v. nên bởi thế, người đọc tưởng đâu rằng ít nhất bà Như Hiên cũng phải có một kiến thức tối thiểu về đời sống, xã hội và Văn học của Miền Nam. Dè đâu cuốn này lại có những thiếu sót trầm trọng và hết sức khó hiểu dù rằng trên thực tế, người viết đã không mong đợi mà cũng không muốn so sánh một người như bà Như Hiên với những người làm cùng công việc biên soạn và tuyển chọn nêu trên.


      B - Một bước lùi đáng tiếc: Nữ Sĩ Việt Nam: Tiểu sử & Giai thoại Cổ-Cận-Hiện đại (Hiện đại phần 1), Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, Nhà Xuất bản Văn học - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 2006


      Đây là một cuốn sách quá kém cả về văn phong lẫn khả năng biên soạn mà lẽ ra không cần bàn đến vì chữ nghĩa thì thô lậu mà tác giả thì hình như không hiểu nổi hai chữ “biên khảo” mà chính mình đã tự nhận trong Lời ngỏ (trang 12, sđd). Nhưng những sai lầm trong cuốn này vẫn cần được phân tích vì không những có những tài liệu đã hoặc sẽ bị tiêu hủy vì hoàn cảnh chiến tranh hay lý do chính trị mà vì nhân chứng văn học cũng dần dần không còn.


      Trong tinh thần ấy, cuốn này được người viết chọn để làm sáng tỏ vì, thứ nhất, tài liệu của bà Như Hiên đã từng được xem là một trong những tài liệu “cơ bản” trong cuộc “Hội thảo khoa học đầu tiên về Nguyễn Thị Lộ” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cùng với một số tổ chức khác vào năm 2002 tại Hà nội. Thứ hai, cuốn Nữ Sĩ Việt Nam lại do nhà thơ nhà văn Mộng Tuyết Thất Tiểu muội (1914-2007) – một người viết tên tuổi của Miền Nam và cũng là bà Đông Hồ -- viết lời tựa với những câu như: “Nhưng, đối với Như Hiên, …là một ngòi bút chín chắn và thận trọng, đủ giúp tôi tin tưởng …, một tác phẩm theo tôi nghĩ rất quan trọng đối với nền văn học nước nhà…, đã giúp cho chúng ta được biết thêm rất nhiều nữ tài mà xưa kia … đã bỏ quên trong quá khứ, nay được trả về ngôi vị nữ lưu văn học Việt Nam…” (Mộng Tuyết Thất Tiểu muội, Tựa, trang 5-6, Thu Ất hợi, 1995).


      Nếu căn cứ qua hai sự kiện trên thì quả thực cuốn Nữ sĩ Việt Nam (gồm cả văn sĩ và thi sĩ) sẽ trở thành một nguồn tài liệu quý báu, nhất là cho các thế hệ mai sau. Tiếc thay, cuốn sách này lại là một trong nhiều bằng chứng của tình trạng “thiêu cháy” dẫn đến những hậu quả tai hại mà hậu quả đầu tiên là sự thiên lệch và khiếm khuyết một cách lộ liễu sau 1975 trong ngành xuất bản. Người viết có cảm tưởng rằng nếu Miền Nam còn tồn tại thì không một nhà xuất bản nào chịu phát hành một thứ sử sách về các nữ tác giả từ cổ chí kim mà loại hẳn ra những Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, hay có những tài liệu quá sai sót về nhiều tác giả khác dù cho họ xuất thân từ Bắc hay Nam. Tuy bà Như Hiên có nói rằng bà sẽ tiếp tục biên soạn thêm các “văn thi sĩ” “còn lại hoặc thiếu sót” vào “Hiện đại phần II” (trang 11-12, sđd) nhưng rõ ràng là có thể chính tác giả đã coi những người này không quan trọng bằng những văn thi sĩ được chọn trong cuốn này khi bà dùng hai chữ “tượng trưng” trong câu sau đây: “cho nên ở đây chúng tôi chỉ nêu một số tượng trưng mà thôi” (trang 11-12, sđd). Vậy người viết không có cách nào khác hơn là sẽ phải có nhận xét ngay trên chính tinh thần biên soạn đó của tác giả. Trong phạm vi hạn hẹp của bài này, người viết cũng sẽ chỉ có thể đưa ra những sai lầm hay thiếu sót tiêu biểu trong vấn đề tài liệu khiến cho chân dung vài tác giả bị hoen ố mà cả thời thế họ sống cũng bị ngòi bút của bà Như Hiên làm cho biến dạng.


      I- Sự khả nghi trong tư cách biên soạn


      Đáp lại lời khen ngợi tràn trề của bà Mộng Tuyết là phản ứng quyết liệt của nhà Hà Tiên học Trương Minh Đạt (trong nước) về khả năng nghiên cứu và biên soạn đáng ngờ của bà Như Hiên trong bài “Một trường hợp ‘lộng giả thành chơn’ trong nghiên cứu sử” đã đăng trên một nơi có uy tín như Tạp chí Hán Nôm số 4 (59), năm 2003. Ông Trương Minh Đạt kết án bà Như Hiên đã dựng nên nhân vật Phù Cừ thuộc Hà Tiên mà không có thực:

      - “Con người thật trong lịch sử không thể lẫn lộn với nhân vật hư cấu trong văn học. … Trước hết xin thưa ngay với những ai chưa đọc tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp của Nữ Sĩ Mộng Tuyết, hoặc truyện Phù Cừ của bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, quý vị có thể yên chí một điều: Truyện Phù Cừ đã thoát thai từ Tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp (NACTCU) 100%, không hơn không kém. Bản thân cuốn NACTCU, là một chuyện do Nữ Sĩ Mộng Tuyết hư cấu. Thế mà bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền đem tóm tắt và đại ngôn là chuyện có thật… Đem chuyện “lấy giả làm thật” này trình trước công luận, chúng tôi mong sao Nữ sĩ Mộng Tuyết thể tất cho chúng tôi, mặc dù chúng tôi hiểu rõ “lời thật mất lòng”. Nhưng, làm văn học theo cách của tác giả NSVN quả là có tội với văn học và lịch sử.”(Trương Minh Đạt, bđd)


      Bà Mộng Tuyết không thấy trả lời còn bà Như Hiên đáp lại rất yếu ớt trước bài viết đầy đủ chứng cớ của ông Trương Minh Đạt. Ngoài ra, bà Như Hiên còn có lối cợt nhả một cách lạ lùng như khi bàn về cái chết thảm khốc của gia đình Lưu Quang Vũ:


      - “nhưng cuối cùng ‘ổng’ lại quá kinh ngạc nể vì sự thủy chung hiếm có của ‘bóng hồng’ Xuân Quỳnh…, nên đã chiều lòng ban ơn cho đôi lứa thi sĩ si tình này được chết cùng một lúc và cho mang theo cả hòn máu yêu đương xuống tuyền đài…” (!!!) (trang 1300, sđd)

      Nhưng nhân vật Phù Cừ và sự bỡn cợt không phải chỗ ấy không phải là những vấn đề duy nhất cần nêu ra. Còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác nhưng trong giới hạn bài này, người viết chỉ có thể đề cập đến vài nhân vật mà thôi.


      II-Trường hợp Nữ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ


      Có lẽ điều làm cho người viết khó chịu nhất là cái lối viết diễm tình “tiểu thuyết ba xu” tràn lan trong một cuốn sách về các bậc nữ lưu anh hùng của dân tộc. Ấy là vì cái chữ nghĩa thô lậu và vì tác giả đặt quá nặng những liên hệ cá nhân thay cho tinh thần dũng liệt của nhân vật. Hãy lấy thí dụ một đoạn viết về Nguyễn Thị Lộ:


      - “Ông đồ liền đặt tên cho con là Nguyễn Thị Lộ, lại bởi cô bé ngày càng nõn nà xinh đẹp …; hàng ngày bé Gấm nhí nhảnh bập bẹ đọc lại […] 4 đã có chồng đâu… hỏi mấy con? Đọc câu này thì như ta đang nhìn thấy cô gái hơi ngúng nguẩy e thẹn cười thầm với ý nghĩ: ông khách khéo vô duyên ờ ỡm!” (Như Hiên, trang 70, 72, sđd).


      Là một người có tuổi lại sinh ở Miền Bắc, theo thiển ý người viết, bà Như Hiên phải hiểu những chữ “nõn nà”, “ nhí nhảnh” không phải là những chữ có ý đẹp nếu dùng không đúng chỗ và dĩ nhiên không thể dùng cho một cô bé nói còn chưa sõi. Nếu người viết không nhầm thì trong một số gia đình người Bắc, chữ “nhí nhảnh” còn là một chữ để mắng hay nếu người đàn ông dùng cho một phụ nữ thì thường chỉ để chê. Chữ “ngúng nguẩy” đem dùng cho một Lễ nghi học sĩ tương lai thì càng không hợp chút nào. Phần này cũng có thể dùng để dẫn là tác giả sử dụng nhan nhản nhiều tài liệu của các nơi khác nhưng không chú rõ từ đâu hay chỉ vu vơ “có sách viết…” khiến người đọc không thể kiểm chứng được nguồn các tài liệu này (như ở trang 73 và 79). Cũng chính vì chú tâm quá nhiều đến những liên hệ cá nhân mà tác giả có những nhận xét vô căn cứ làm thiệt hại cho Nguyễn Thị Lộ như: “Những việc làm của bà đã do những buổi đàm luận cùng chồng (Nguyễn Trãi) từ trước, nay được thời cơ, bà đem ra thi hành, mong giúp ý nguyện của chồng bà.” (Chú thích số 4, trang 73, sđd)


      Như thế hóa ra Nguyễn Thị Lộ chỉ là một thứ con rối của Nguyễn Trãi? Bà Như Hiên căn cứ vào sách nào mà biết được nội dung của những “buổi đàm luận” ấy, sao không thấy dẫn ra? Những kết luận quan trọng tương tự như thế không thể chỉ căn cứ vào những câu “Truyền rằng…” (trang 72, sđd) mà xong được. Tuy tài liệu về Nguyễn Thị Lộ không có nhiều ngoài một vài câu hay vài đoạn ngắn ngủi trong các sách sử nhưng không phải là không thể căn cứ vào đó để xét đoán. Chỉ một câu này trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng đủ bác cái thuyết “mong giúp ý nguyện” của Nguyễn Trãi do bà Như Hiên dựng nên: “Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ (Thị Lộ là vợ của Nguyễn Trãi).” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản kỷ thực lục Q1(a) , Nhà Hậu Lê (1433 - 1459), http://vnthuquan.net) Như đã biết, phụ nữ không được coi trọng cho lắm trong một số sử do các ông quan viết nhưng sử này lại ghi rõ “làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ”, nghĩa là Nguyễn Thị Lộ có một ảnh hưởng rất lớn trong triều lúc bấy giờ. Câu hỏi tiếp đó mà đáng lẽ bà Như Hiên phải đặt ra là: “Ai là ‘hạng đàn bà ngỗ nghịch’ mà nhà vua đã bắt giam theo ‘kế của Nguyễn Thị Lộ’”? Và liệu việc ấy có liên quan gì đến cái thảm kịch ở Vườn Vải sau này không?


      Bà Như Hiên còn có thể đã phạm vào cái lỗi là cho rằng mình đã đọc hết được tài liệu để viết một câu quả quyết về hai bài thơ tương truyền là sự đối đáp giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ khi họ mới gặp nhau: “Nhưng lại có nhiều sách viết khác nhau. Soạn giả xin nêu tất cả ra đây để tiện việc sưu khảo thêm.” (Chú thích 3, trang 70-71, sđd). Trên thực tế, bà Như Hiên thiếu ít nhất một bản nữa, là bản trong loạt bài “Những ông Nghè triều Lê-Số 2” của học giả Nguyễn Văn Tố mà ông chú là “sao bài ‘Thơ thử cô hàng chiếu’ của Nguyễn Trãi theo quyển Việt Túy tham khảo (bản viết bằng chữ Nôm của Bác cổ số AB 386, tờ 1B)” (đăng lại trong Tạp chí Tri Tân 1941-1946: Các bài viết về Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, trang 385, Nguyễn Quang Ân&Phạm Đình Nhân&Phạm Hồng Toàn sưu tầm và tuyển chọn, 2000).


      Bà Như Hiên cũng trích lại một số đoạn trong một bài thơ dài khác xem là của Nguyễn Trãi --ngụ ý trách móc vì ghen tuông khi Nguyễn Thị Lộ ở lại triều một mình-- và bài kia của Nguyễn Thị Lộ phúc đáp có ý phân trần. Theo bà Như Hiên thì đó là “tài liệu quý hiếm” (Chú thích 6, trang 74, sđd) và “theo nhà sưu khảo Bùi Văn Nguyên” thì là “một giai thoại văn chương rất độc đáo mà xưa nay ít ai được biết’” (trang 74, sđd). Thực ra, hai bài thơ này đã có người biết từ lâu nhưng không được công nhận vì hai lý do. Theo học giả Nguyễn Đổng Chi thì lý do thứ nhất là những bài ấy –kể cả bài Hỏi cô hàng chiếu –là do người sau làm và lý do thứ hai là khẩu khí không phải của Nguyễn Trãi. Trong cuốn Nguyễn Trãi-Nhà văn học và chính trị thiên tài (Nhà xuất bản Văn-Sử-Địa, 1957), ông có chú thích như sau:

      - “Hai bài thơ trên kia theo ý chúng tôi, xét về hình thức thì không phải là loại thơ xuất hiện thời Nguyễn Trãi, và mang so sánh với thơ Nguyễn Trãi thì càng thấy đó không phải là thơ của Nguyễn Trãi làm. Chắc chắn là mãi sau này, thế kỷ thứ XVII, XVIII, người nào đó làm ra và gán ghép cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ làm để thi vị hóa cuộc tình duyên đó mà thôi.”(Nguyễn Đổng Chi, trang 44, sđd).


      Nếu người viết có thể lạm bàn thì đó càng không phải là khẩu khí của Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Trãi hẳn phải tin và Nguyễn Thị Lộ hẳn phải biết rõ bản lãnh của bà nên hai người mới có thể đồng ý để cho bà ở lại triều, ở lại một nơi hang hùm nọc rắn mà có lần bị thất sủng và tù oan, Nguyễn Trãi đã phải kêu lên: “Tục cảnh kinh tâm suyễn nguyệt ngưu-Cõi tục ghê lòng như trâu suyễn khi thấy trăng lên” (Nguyễn Huệ Chi, “Niềm thao thức lớn trong thơ Nguyễn Trãi”, Nguyễn Trãi-Về Tác gia và Tác phẩm, trang 454, Nhà xuất bản Giáo dục, 1999). Cho nên một người như Nguyễn Thị Lộ hẳn không thể nào chịu nổi cái kiểu ghen tuông bóng gió nhỏ nhen của những câu “rất lâm ly, bi thiết” (theo bà Như Hiên, trang 74) nhưng đầy sự vu cáo như “Có kẻ tình ngoại giết chồng (!), nào sợ tuổi xanh lồng lộng” (trang 75, sđd) để mà phải hạ mình nài nỉ “Phận gái đào tơ (!), phận gái trinh (!)” (trang 79, sđd). Lời bàn của học giả Nguyễn Đổng Chi càng xác đáng hơn khi chúng ta nhớ lại việc một số nhà viết sử đã ám chỉ rằng Nguyễn Thị Lộ có liên hệ tình dục với Lê Thái Tông. Chính vì thế mà mới có bài thơ của người đời sau gán cho Nguyễn Trãi tỏ lòng ghen tuông. Chứ lẽ ra, thời ấy, nếu có ghen tuông thì phải là Nguyễn Thị Lộ vì người đàn ông – như Nguyễn Trãi—mới có quyền có nhiều thê thiếp.


      Đó là một thí dụ về các tác giả thuộc thời “Cổ”, nay hãy xét đến trường hợp của một tác giả thuộc thời “Hiện đại” trong sách của bà Như Hiên. Đó là trường hợp Thụy An Lưu Thị Yến. Nhưng trước khi phân tích về Thụy An, người viết muốn nhắc lại là cuốn tuyển tập Nữ Sĩ Việt Nam này thiếu sót trầm trọng đến độ khó hiểu. Tuy gồm cả một số tác giả ở ngoài nước hay xuất thân cả từ Miền Bắc, bà Như Hiên đã không chọn những Lê Minh Khuê, (Dương Thu Hương), Nguyễn Ngọc Tư (trong nước) v.v…hay Phạm Thị Hoài, ngoài nước với Diễn đàn Talawas. Dù đồng ý hay không với quan điểm hoặc bài viết của bà, nhà văn Phạm Thị Hoài còn là một kiện tướng trong làng báo mạng và cho thấy nỗ lực điển hình và thành công của phụ nữ Việt ngoài nước.


      Khó hiểu hơn nữa là cách bà Như Hiên viết về Việt Nam Cộng hòa, về phần đất mà bà (và gia đình bà) đã sống, đã hưởng tự do và cũng đã xuất bản vài cuốn sách ở đó, nghĩa là không xa lạ gì với sách và tác giả Miền Nam. Bà Như Hiên-- người đã dám đem cái “thơ” tầm thường và kém cỏi của chính bà vào tuyển tập (trang 1176-trang 1183)--đã không tuyển chọn năm tác giả nữ quá nổi tiếng và “tượng trưng” (chữ của chính bà Như Hiên) đích thực của Miền Nam để có thể dùng bất cứ lý do gì mà bào chữa. Trong cuốn này, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ đều không có mặt như thể tác giả đang viết về một nền văn học nào khác, một nền văn học mà một người hầu như vô danh như bà trước 1975 lại có thể xứng đáng hơn năm tác giả nêu trên. Ngoài ra, đây là vài thí dụ khi bà Như Hiên đề cập tới những tác giả theo Cộng sản ở Miền Nam khiến người ta có thể không biết rằng Miền Nam trước 1975 quả có tự do và đa số không theo chủ nghĩa Cộng sản:

      - “ Mãi bẩy năm sau vào mùa đông 1963 nhà Ngô bị lật đổ vì một cuộc đảo chánh. Lúc đó ngòi bút của Minh Quân mới được hoạt động trở lại. Nhưng với chiều suy nghĩ vốn có của đời với thời điểm ấy thì việc viết cũng chưa thể được tự do. Theo chị cho biết lúc đó chị cần phải viết để giải tỏa phẫn nộ, dùng ngòi bút để lật mặt bọn Việt gian, và cũng là một cách tâm sự với những bạn bè đồng cảnh ngộ, đồng tư tưởng, chí hướng…”(trang 1096, sđd)


      Bọn Việt gian nào? Và để cho công bằng cho độc giả, cho người Sài Gòn, cho những người lính cũ của Việt Nam Cộng hòa và cả cho bà Vân Trang-- một trong những nhà văn khác hoạt động cho Cộng sản tại Sài gòn (trang 1053-1064, sđd)—người viết đề nghị bà Như Hiên trích dẫn những đoạn mà bà Vân Trang đã viết về Miền Nam và Sàigòn như một đoạn thí dụ dưới đây, trong bài “Son Phấn Sài Gòn” trích từ cuốn ký Phía sau trận tuyến và đăng lại trong tập Đất và Nước, Ký- Nhiều tác giả:

      - “Sau những cuộc hành quân, tên nào sống sót trở về, được phát cho mấy cái phiếu. Sĩ quan Mỹ mỗi phiếu 300 đồng, cỡ cao cấp được về Sài Gòn “giải trí” hoặc nơi đó cũng có hạng gái đặc biệt để dành riêng; trẻ đẹp, khỏe mạnh cỡ ở Sài Gòn giá từ 500 tới 1.000 đồng. Lính Mỹ: phiếu 150 đồng. Lính ngụy: 80 đồng. Mỗi phiếu dùng xong sẽ tính trừ vào lương cuối tháng. Tùy loại phiếu mà ‘trưởng trại” chọn cho người. Tiền cao thì nhan sắc nhiều và bệnh hoạn ít và ngược lại, tiền ít thì nhan sắc kém và vi trùng giang mai có nhiều hơn. Giá biểu của phiếu, dĩ nhiên, phải theo tình hình đồng bạc. Nhưng phần được đưa tới tay người phụ nữ trong cuộc không nhất thiết được tính lên như vậy…” (Vân Trang, trang 175, sđd, Nhà xuất bản Văn học, Hà nội, 1975)


      Người viết đề nghị như vậy vì bổn phận của một người tuyển chọn là phải đưa ra những tác phẩm tiêu biểu của một tác giả để người đọc có dịp xét xem là đúng hay sai-- trong trường hợp này là tác phẩm của bà Vân Trang để xét xem Sài gòn và cả Miền Nam có phải là một ổ điếm do chính quyền Việt Nam Cộng hòa tổ chức hòng bóc lột dã man phụ nữ Miền Nam hay không.

      Nhưng những vấn đề trên tuy thế xem ra vẫn còn đỡ khó hiểu hơn là phần bà Như Hiên viết về Thụy An (1916, Hà nội-1989, Sài gòn), một nhà văn, nhà báo trong giới tiền phong của phụ nữ Việt và cũng là người phụ nữ duy nhất bị kết án trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm. Bà Như Hiên sinh năm 1930, nghĩa là chỉ thua Thụy An có 14 tuổi. Thụy An lại vào Nam sau này và qua đời năm 1989 ngay tại Sàigon, nghĩa là những điều bà Như Hiên viết về Thụy An như sẽ trình bày sau đây quả là một vấn đề rất đáng nên đặt ra, nhất là khi người Cộng sản, cho tới nay, vẫn im lặng trước một điều hiển nhiên là họ đã giam giữ Thụy An suốt mười mấy năm viện vào nhiều thứ tội danh mà họ đã vu cáo cho bà.



      III- Nhà báo nhà văn nhà thơ Thụy An (Lưu Thị Yến)



           Nữ sĩ Thụy An

      Theo sự sưu tầm của nhà phê bình Lại Nguyên Ân và đăng lại trên Diễn đàn Talawas thì vào ngày 19-1-1960, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã “xử vụ gián điệp có tổ chức do bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An cầm đầu.” Nguyễn Hữu Đang và Thụy An bị án nặng nhất: mỗi người “bị 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân.” Theo Đặng Chí Bình, một điệp viên thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị giam ngoài Bắc thì ông đã được thấy tận mắt bằng chứng Thụy An hủy một mắt trong tù:

      - “Tôi loay hoay quét dọn lại sạch sẽ căn buồng. Chợt, tôi nhìn thấy trên tường, chỗ gần phía cùm, có mấy dòng chữ khắc sâu vào tường: ‘Tại nơi này, tôi đã dùng đũa chọc, hủy bỏ một con mắt của tôi, để phản đối chế độ Cộng Sản độc tài phi nhân đàn áp dã man văn nghệ sĩ. Thụy An: Lưu Thị Yến’. Tôi mần mò mãi mới đọc được hết những giòng trên. Phần vì bóng của chiếc cùm làm tối đi; phần khác, vì lâu ngày đã quét thêm một lớp vôi (cũng may, giòng chữ lúc khắc khá sâu, nên lớp vôi không lấp hết được). Nhưng, nếu ai vào buồng chỉ đứng nhìn cái cùm, vô tình sẽ không nhìn thấy giòng chữ viết ở chỗ hơi khuất này.” (Đặng Chí Bình, Hồi ký Thép Đen, http://www.chinhviet.net/)


      Trước đó, tuy không ra mặt chống lại Cộng sản, Thụy An có bạn tình là một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Đảng và hợp tác với một tạp chí chống Cộng sản ra mặt, là tạp chí Phổ Thông. Hơn thế nữa Thụy An là một người cầm bút có hoạt động báo chí mạnh mẽ. Theo tài liệu sưu tầm của Tiến sĩ Đặng Thị Vân Chi ** thì Thụy An là Chủ nhiệm tuần báo Đàn bà mới (số 1/1. 12. 1934-Số 95/4.6.1937), tòa sọan đặt tại 49 đường Gallent, Sài gòn và Quản lý tuần báo Đàn bà (số 1/24. 3. 1939-Số cuối năm 1945), tòa sọan đặt tại 76 Wiele, Hà nội. (http://chuyencuachi.blogspot.com/2010/04/1-phu-nu-la-mot-nua-xa-hoi-lich-su-phu.html)


      Nhưng lạ lùng thay, bà Như Hiên cung cấp cho người đọc một tiểu sử có những tin tức quá sai lầm đến nỗi mỉa mai về Thụy An:


      - “Cô bí mật tham gia nhiều cuộc hội họp cách mạng. Đi đâu cô cũng muốn gieo rắc tinh thần vô sản dân tộc[…]Chồng bà là một nhà giáo kiêm nhà văn, chuyên viết báo với bút hiệu là Băng Dương[…]Thời gian sau, bà theo chồng đổi vào Nam. Ở Sàigòn, Thụy An làm chủ nhiệm tuần báo Phụ Nữ Tân Văn (1937)[…] Tại Hà Nội 1956, phong trào trăm hoa đua nở bột phát… (5) thời gian này bà bị đau mắt nặng, cũng là lúc vợ chồng Thụy An, Băng Dương phải sống ly thân, cũng chỉ bởi lý do đau buồn về chuyện vợ chồng rồi cơm không lành, canh chẳng ngọt nữa! Nhưng ông bà đã sinh hạ 6 người con. Ba trai, ba gái (năm 2002 đều đã có danh phận) Muốn khuây khỏa Thụy An có ý định vào Nha Trang chơi…” (Trang 814, 815-816, sđd)


      Không, Thụy An không “có ý định vào Nha Trang chơi” vì lúc ấy đã có liên hệ với những người mà Cộng sản nghi ngờ rồi sẽ bị bắt giam vì vụ Nhân Văn –Giai Phẩm. Không, Thụy An không bị đau mắt nặng (!!!) khi “phong trào trăm hoa đua nở bột phát” mà bà đã tự chọc mù mắt “để chống lại” Cộng sản theo lời chứng của Đặng Chí Bình (một quân nhân Biệt kích Việt Nam Cộng hòa bị bắt khi xâm nhập Miền Bắc trước 1975) và sau này, theo dịch giả Nguyễn Ngọc Chính.


      Không, Thụy An không thể là người muốn “gieo rắc tinh thần vô sản dân tộc” vì không những bà đã có bạn tình là một yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà lại còn hợp tác với tạp chí Phổ Thông, Cơ quan văn hóa của Hội Ái Hữu Cựu sinh viên Trường Luật (Chủ nhiệm Lê Văn Ky và Chủ bút Vũ Quốc Thúc). Sự chọn lựa lý tưởng quốc gia của Phổ Thông đã rõ ràng qua một vài bài viết mà đây là một thí dụ điển hình: “Dân tộc Việt Nam đã trưởng thành về chính trị và 5 năm kinh nghiệm chính quyền cộng sản độc tài càng khiến cho họ khát và kiên quyết với lý tưởng dân chủ…” (Dương Minh, Phổ Thông Số 4 và 5 Đặc biệt Xuân Nhâm Thìn, Tháng 12.1951 và 1, 1952, trang 134). Như vậy sự góp mặt của Thụy An với bài tiểu luận ngắn “Cô nghĩ gì cô gái Đô-thành năm 1953” trong Phổ Thông số 17, tháng 4.1953 (trang 75-75) và truyện ngắn “Giết chó” trong số 19-20, tháng 6 & 7. 1953 (trang 101-109, ký là Thụy An Hoàng Dân) không phải là một sự tình cờ. Với người Cộng sản, bà là một sự đe dọa đáng kể: thuộc thành phần tiểu tư sản, trí thức, lại là người cầm bút từng có phương tiện truyền thông trong tay.


      Không, Thụy An cũng không phải là “chủ nhiệm tuần báo Phụ Nữ Tân Văn (1937)” vì theo Thiện Mộc Lan, tác giả cuốn Phụ nữ tân văn-Phấn son tô điểm sơn hà thì Phụ nữ Tân Văn “góp mặt với làng báo” trong khoảng “1929-1935” và “P.N.T.V. bất ngờ được lịnh đóng cửa vĩnh viễn” vào “số kế tiếp 273 ngày 21-4-1935” (Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2010, trang 302, 309, sđd) Không hiểu vì đâu mà nguồn tin (sai) Thụy An là “Chủ nhiệm Phụ nữ Tân văn” xuất hiện rất nhiều nơi, kể cả trong sách của bà Như Hiên và một bài viết của Thụy Khuê, đã dẫn.

      Theo Thụy Khuê thì “Theo Trinh Tiên, năm 1939, bà (Thụy An-chú của người viết) làm chủ nhiệm báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài gòn.” Nhưng theo Thiện Mộc Lan, chủ nhiệm của Phụ Nữ Tân Văn không bao giờ là một phụ nữ mà lại là ông Nguyễn Đức Nhuận, quê ở Trà Vinh và là chồng của bà Cao Thị Khanh, quê quán Gò Công. Bà Cao Thị Khanh là người “sáng lập” Phụ nữ Tân văn. Nguồn tin của Thiện Mộc Lan là đúng hoàn toàn vì nếu không tin, cứ dở lại tờ Phụ nữ Tân Văn sẽ thấy ngay, như sau: “Phụ- nữ Tân -văn, Tuần báo xuất bản ngày thứ năm, Tòa soạn: 42, đường Catinat-Saigon, SÁNG LẬP Madame NGUYỄN ĐỨC NHUẬN, CHỦ NHIỆM M. NGUYỄN ĐỨC NHUẬN...”


      Thật là hết sức đáng tiếc khi bày ra giai thoại hay trích dẫn thơ văn liên quan đến một nữ lưu kiệt hiệt như Thụy An mà tài liệu của bà Như Hiên quá nghèo nàn và quá sai sót. Chẳng lẽ bà Như Hiên không biết gì hết về vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, một vụ án chấn động Miền Bắc lan qua tới Miền Nam và đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bàn luận sôi nổi trở lại trong thời gian gần đây? Viết như bà Như Hiên là tước đoạt sự can đảm khác thường của Thụy An, là biến một người đàn bà dũng cảm đã chịu tù đầy 12 năm vì không chịu đầu hàng bạo lực thành một người bệnh tật chỉ biết vương vấn với nỗi sầu tình riêng tư. Viết như thế cũng là không phản ảnh được một sự kiện chính trị đã có ảnh hưởng quá quan trọng với văn học Miền Bắc, nghĩa là cả với lịch sử Việt nam. Nội một vụ này thôi đã chứng tỏ cuốn Nữ Sĩ Việt Nam là một cuốn sách không thể tin cậy được và quả là ông Trương Minh Đạt đã không nặng lời khi trách mắng bà Như Hiên rằng “Làm văn học theo cách của tác giả NSVN quả là có tội với văn học và lịch sử.”


      Ngoài vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, lẽ ra cần nên nói nhiều hơn về nội dung của hai tờ báo mà Thụy An đã chủ trương như những bài xã luận mà Tiến sĩ Vân Chi đã nêu ra như “Dân chủ? Độc tài? Quân chủ lập hiến? trong ba chánh thể ấy nên chọn chánh thể nào?” trên báo Đàn bà mới hay cuộc thi viết về “Người đàn bà kiểu mẫu” trên báo Đàn bà. Nhà văn Tô Hoài thuật lại việc hai anh em nhà viết kịch Trúc Đường và nhà thơ Nguyễn Bính đã có bài đăng trên báo Đàn bà thế nào và báo này có một mục đặc biệt ra sao:


      - “Những năm trước 1945, Trúc Đường kiếm sống bằng nghề sửa bài in cho nhà in Lê Cường. Anh còn kiêm làm báo Đàn bà. Cũng là tình cờ mà anh làm báo ấy. Chỉ vì báo Đàn bà in ở nhà in Lê Cường […] Trên báo Đàn bà còn có một mục lạ kiểu hơn tất cả các báo lúc ấy. Đó là mục nhắn tin mua hàng hộ bạn đọc. Các bà các cô đọc báo Đàn bà có thể là người phong lưu ở tỉnh xa, gặp thời buổi chiến tranh, cái gì cũng khan hiếm, son phấn, vải vóc và mọi thứ trang sức đều khó tìm khó mua. Báo Đàn bà đứng ra làm việc ấy, môi giới hoặc mua hộ rồi thiến tiền hoa hồng. Cái mục mua hàng giúp bạn đọc mỗi kỳ dài mấy cột chứ không ít. Chủ báo Đàn bà thuê Trúc Đường cáng hai trang văn thơ ở giữa báo. Vì vậy, thời kỳ này, ở Huế hay ở Sài Gòn, hấu hết thơ Nguyễn Bính đều gửi về báo Đàn bà ở Hà Nội. Trúc Đường viết truyện…Trên báo Đàn bà nhiều truyện ngắn và in từng kỳ tiểu thuyết Sen tịnh đế.” (Tô Hoài, Những gương mặt chân dung văn học, trang 113-114, Nhà xuất bản tác phẩm mới-Hội Nhà văn Việt Nam, 1988.)


      Ngoài mục ấy, cũng theo Tiến sĩ Đặng Thị Vân Chi thì còn có một mục gọi là “Chuyện riêng” “dành để giải đáp các thắc mắc về tình cảm riêng tư của phụ nữ, cũng như là nơi để phụ nữ tâm sự bày tỏ những uẩn khúc trong tình cảm và quan hệ hôn nhân”.


      Qua những hoạt động của Thụy An đã được trình bầy ở trên, người viết muốn đặt thêm một vấn đề nữa: những tin tức sai lạc –như của bà Như Hiên dù vô tình—cần được làm cho sáng tỏ để bênh vực và minh oan cho một phụ nữ chống Cộng mà cho đến nay nhà cầm quyền Cộng sản xem ra vẫn còn muốn gieo “nhiều tiếng dữ”. Thụy An là người phụ nữ duy nhất từng bị giam cầm trong vụ Nhân Văn-Giai phẩm mà cho đến nay vẫn chưa được Hà nội gián tiếp nhận lỗi như đã làm với Hoàng Cầm, Lê Đạt. Ông Bùi Nhung, chồng cũ của bà, từng tìm cách minh oan cho bà về vụ án đầu độc người tình Đỗ Đình Đạo thì bản thân cũng từng bị khốn đốn vì Cộng sản. Khi ông nhận chức Giám đốc Đài “Tiếng Nói Việt Nam” từ Thủ tướng Nguyễn Phan Long, cậu con trai 1 tuổi của ông bị người Cộng sản cho bắt cóc.


      Trong cuốn hồi ký Thối Nát (xuất bản ở Sài Gòn không rõ năm, khoảng cuối những năm 1960, ông có đăng hình Thụy An với dòng chữ chú dưới: “Nữ sĩ Thụy An, nhũ danh Lưu Thị Yến, nạn nhân của Việt Minh Cộng sản. Bà thuộc nhóm “nhân văn” của cụ Tú Phan Khôi. Hiện bà bị V.M. cầm tù tại Bắc Việt…” (trang 129, sđd) và thuật lại rằng ông đã ra vùng Việt Minh khoảng 1954 “thăm bà Thụy An, vợ cũ, để hỏi ra cho ngành ngọn cái chết của anh Đỗ Đình Đạo, mà tất cả báo chí đổ diệt cho bà là thủ phạm.” (trang 199, sđd)


      Sau 1975, hầu như bà bị bỏ quên. May mắn thay, bà đi học tiếng Anh với dịch giả Nguyễn Ngọc Chính và người thày tốt bụng này dịch thơ cho bà và đã cho chúng ta biết về phần đời cuối của Thụy An tại Sài Gòn. Dịch giả Nguyễn Ngọc Chính cũng đưa ra ánh sáng một chi tiết quan trọng để đính chính nguồn tin sai lạc về khả năng Anh văn của Thụy An mà người viết nghĩ đã được người Cộng sản biạ đặt cộng thêm lời khai của một vài người trong nhóm Nhân văn- Giai phẩm như Phùng Quán và Lê Đạt, bịa đặt ra để thêm tội làm gián điệp cho bà (6). Theo ông Chính, bà Thụy An không biết tiếng Anh như lời đồn đãi. Bởi thế, nếu Thụy Khuê cũng căn cứ vào “lời thú tội” của nhà thơ Phùng Quán để viết trong “Chương 8-Thụy An” rằng: “Thụy An dạy Phùng Quán học tiếng Pháp và tiếng Anh”, http://thuykhue.free.fr/stt/n/nhanvan08.html) thì cũng là không đúng nốt:


      - “ Tuy nhiên phải nói lại cho đúng: Đây là chi tiết sai sự thật vì nếu bà Thụy An có trình độ tiếng Anh như ông Tô Hải mô tả thì chắc chắn tôi là người phải xin thọ giáo bà chứ không phải là người giúp bà học những câu như ‘How are you?’ hoặc ‘My name is Yến’” …Năm 1973, bà Thụy An cùng với Nguyễn Hữu Đang được thả trong diện “Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris”. Bà làm đơn xin vào Nam sinh sống để hy vọng được đoàn tụ với các con tại nước ngoài và đó cũng là lý do tôi trở thành người kèm Anh văn cho bà.

      “Trong thời gian đầu khi bị giam giữ chờ ngày ra tòa, bà đã vượt qua mọi hình thức cân não, đấu tranh tư tưởng của cán bộ chấp pháp. Tuy nhiên, theo lời bà, sự căng thẳng duy nhất, khó vượt qua nhất, lại là tiếng giọt nước nhỏ đều đều suốt đêm từ robinet đâu đó vang đến phòng giam. Từng giọt… từng giọt… suốt đêm này qua đêm khác khiến thần kinh căng lên như giây đàn giữa đêm thanh vắng…


      “Những ngày cuối đời, bà Thụy An sống cô đơn trong gian nhà nhỏ thuê gần đường Bùi Hữu Nghĩa, bên hông chợ Bà Chiểu, Sài Gòn. ‘Bạn vong niên’, theo lời bà vẫn thường nói đùa, chỉ có tôi năng lui tới. Mang tiếng là kèm cho bà tiếng Anh nhưng thực ra công việc quan trọng nhất của tôi là chuyện trò với bà và dịch một số thơ của bà sang tiếng Anh. Đa số là trường ca lục bát kể lại những chuyện xưa như Thiếu phụ Nam Sương, Truyện trầu cau, Hòn vọng phu… Tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để dịch những trường ca của bà sang thơ bằng tiếng Anh[…]


      “Nữ văn sĩ Thuỵ An mất tại Sài Gòn năm 1989 khi chưa kịp sang Hoa Kỳ đoàn tụ cùng con cái. Đám tang của bà chỉ có vài người họ hàng thân thuộc và chòm xóm. Tôi nghĩ bà mất trong niềm hy vọng đoàn tụ là một đoạn kết có hậu (happy ending) vì nếu còn sống, niềm hy vọng đó sẽ mỏi mòn đối với một bà cụ sau khi đã cống hiến quãng đời 15 năm và một con mắt tại trại cải tạo Lý Bá Sơ ngoài miền Bắc. Hình như chúng ta vẫn nợ Một Lời Kết về bà Thụy An. Những người trong cuộc đã minh oan cho bà, vấn đề còn lại là trả lại danh dự cho một người đã khuất.” (Nguyễn Ngọc Chính, http://nguyenngocchinh.multiply.com/)


      Cái danh dự ấy người Cộng sản có thể không muốn trả, nhưng người không Cộng sản có thể giữ cho chân dung bà được vẹn toàn bằng cách viết cho chính xác về bà.


      Những thí dụ trên đây đủ cho thấy cuốn Nữ Sĩ Việt Nam: Tiểu sử&Giai thoại Cổ -Cận-Hiện đại (Hiện đại phần 1) khó hay không thể làm được những điều mà bà Mộng Tuyết giới thiệu: “Tác giả đã làm một việc chuyển hóa tư tưởng qua nhiều thế hệ để đi đến đúc kết hệ thống toàn bộ lịch sử văn học nằm trong nền văn hóa Viêt Nam” (trang 6, sđd). Chưa cần nói đến “toàn bộ lịch sử văn học” vội, cuốn sách này chỉ mới phản ảnh hết sức hạn hẹp cái thế giới riêng tư và nhỏ nhoi của tác giả. Những thế hệ đi sau đọc cuốn này sẽ chỉ biết đến loại văn chương mà bà Như Hiên và số người do bà đem vào làm đại diện và sẽ chỉ biết đến một số phụ nữ chọn Cộng sản là lý tưởng, nhưng sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng nổi một Miền Nam tự do với ít nhất là năm phụ nữ với văn chương đã có lúc sánh vai được với nam giới trong sức thu hút độc giả. Tác phẩm của họ đã cùng nhiều tác giả khác ghi lại tâm tình phụ nữ của một nửa nước trong cả một thời thế, nhất là một thời biến loạn. Cũng chính vì sự biến loạn ấy mà người làm tuyển tập càng nên công bằng. Cuộc đời thơ văn của Thụy An là trường hợp cho thấy rõ nhất cái sợi dây vô hình giữa người cầm bút và thời thế. Người đi sau lần theo sợi dây để trở về một nơi đất cũ “rực rỡ ban mai” hay “thăm thẳm đêm trường.” Chúng ta, những người còn là nhân chứng, phải làm sao cho đất cũ khỏi biến dạng theo những người biên soạn cố ý hay vô tình không chịu viết sự thực về cái thời thế rực rỡ ban mai hay thăm thẳm đêm trường ấy. Trong những số tới chúng tôi sẽ viết rõ thêm về Thụy An và một vài tác giả nữ khác để góp vào phần tài liệu cho đầy đủ và chính xác hơn.


      Người viết dĩ nhiên hoan nghênh sự góp ý của những tác giả đã được nhắc đến trong bài. Văn học Miền Nam và Văn học Phụ nữ Việt Nam là một lãnh vực khó khăn cho bất cứ ai muốn khảo cứu vì vấn đề tài liệu. Trong tinh thần ấy, người viết—vốn rất quan tâm về tình cảnh của phụ nữ -- xin quý độc giả xa gần chỉ cho những sai lầm để sửa chữa.


      Hoàn chỉnh ngày 10.4.2012, Hoa Kỳ


      CHÚ THÍCH


      * Tiêu chí của Tuần báo Phụ nữ Tân văn, Sài gòn

      ** Người viết xin được cảm tạ Tiến sĩ Sử học Đặng Thị Vân Chi (VN), Hội Thánh Tin Lành VN và dịch giả Nguyễn Ngọc Chính (VN) về những tài liệu hay hình ảnh đặc biệt mà người viết đã mạn phép sử dụng trong bài này. (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội đã phát hành cuốn Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945 của TS Đặng Thị Vân Chi vào năm 2008.)


      1) Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản (trang 8, sđd) thì cuốn Tuyển Thơ Tác giả Nữ Việt Nam chính ra có tên là Tuyển tập thơ của các tác giả Nữ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX.


      2) Bản Kinh Thánh này xuất bản tại Sàigon, 1976 và do những người sau đây “phụ trách ấn hành”: Chân Tín, Đinh Khắc Tiệu, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Nghị, Nguyễn Sĩ Nhàn, Nguyễn Văn Phán, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Gia Trần, Phạm Thanh, Phạm Gia Thụy, Trần Quốc Hùng và Trần Công Thạch.


      3) Phan Khôi xác nhận việc ông tham dự công trình dịch Kinh Thánh Tin Lành qua một bài điểm báo có tên “Giới thiệu và phê bình Thánh kinh báo” đăng trên Phụ nữ Tân văn số 74 ra ngày 16.10.1930: “Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà mục Sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh thánh với ông trong 5 năm (1920-1925)…” (Lại Nguyên Ân sưu tập và biên soạn, Các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1930, http://lainguyenan.free.fr/pk1930/thanhkinh.html). Còn về phần Hội Thánh Tin Lành thì Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu cũng đã công nhận tương tự trong cuốn Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Ngoài ra, người viết đã từng thấy một cuốn Kinh Thánh Tin Lành tái bản vẫn có ghi rõ tên Phan Khôi là người dịch cùng Cadman ở Sài gòn năm 1972. Tác giả Nguyễn Đình Bùi Thị - (Thăng Bình, Quảng Nam) đã ghi lại là khi ông đến thăm năm 2009, bia mộ phần tác phẩm của Phan Khôi có đề rõ “Kinh thánh 1920-1925”. (http://hoithanh.com/Home/100-nam-tin-lanh-vn/1620.html)


      4) Ba dấu chấm lửng (…) nối hai câu này là của bà Như Hiên.


      5) Độc giả có thể đọc lời Phùng Quán kết án Thụy An liên quan đến vấn đề Anh ngữ trong Diễn đàn Talawas, Loạt Nhân Văn Giai Phẩm. Đây là đoạn liên quan đến Thụy An: “Còn học Pháp và Anh văn thì tôi học với con mụ Thuỵ An, và do đó tôi bắt đầu thân với mụ từ đấy. Khi được tin tôi đã ra bộ đội thì hắn tỏ vẻ rất săn sóc đến việc học của tôi. Tháng đầu tôi còn bận viết thì mỗi lần gặp tôi hắn đều thúc dục sao không đi học đi, tôi sẽ dậy cho Quán một tuần bốn tiếng đồng hồ. Tháng thứ hai tôi đến học với hắn, cùng với một người bạn của tôi là sinh viên. Trước khi đến học, tôi có biết Thuỵ An trước đây đã giết chồng, làm phóng viên chiến tranh cho Pháp, đã đi máy bay lên Điện biên phủ. Nhưng đến lúc này thì bản chất cách mạng của tôi đã không còn gì nữa, nên tôi thấy những việc làm của mụ ta là việc thường. Đến học với hắn, tôi tỏ ý phục, và mỗi ngày một cảm tình hơn. Tôi gọi hắn là chị với tất cả nghĩa của nó. Tôi nghe hắn kể lại hắn đã quen hết bọn Việt gian, bù nhìn, cao cấp của bọn Pháp như: Trần Văn Hữu, Phán Văn Giáo, Tassigny. Hắn thường bảo Văn Hữu rất trí thức, Tassigny thì boble, rất giỏi, thông minh, một ngày thay mười hai sơ mi đứng gần cứ thơm phức, le général parfumé. Trước những lời khen sặc mùi bán nước của hắn, tôi vẫn im lặng nghe, không tỏ thái độ gì. Hắn khen ngợi những kẻ thù ghê tởm nhất, độc ác nhất, gây ra biết bao thảm hoạ cho đất nước, thế mà tôi không còn thấy căm thù, thấy giận dữ nữa. Nghe cũng như nghe mọi câu chuyện thường tình khác…” (Diễn đàn Talawas, bđd) Theo người viết, thiệt hết sức đáng tiếc là, nếu như người viết không lầm, Phùng Quán không bao giờ thú nhận đã vu oan cho Thụy An để xứng đáng với sự ngưỡng mộ của rất nhiều độc giả sau này. Đó là cái vệt chàm trong đời cả Phùng Quán (và Lê Đạt) mà không thể chối cãi đươc.


      Nguyễn Tà Cúc

      Nguồn: Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Thi Sĩ Cao Tiêu Lên Tiên Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Kỷ niệm 20 năm tạp chí Khởi Hành có mặt tại Hải ngoại Nguyễn Tà Cúc Giới thiệu

      - "Chúng ta đi mang theo Văn học Miền Nam": Trường hợp tạp chí Khởi Hành Bộ Mới... Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Những con chí mén, vài nhân vật nữ và Sisyphe của Nguyễn Xuân Hoàng Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Diễn Thuyết Về Các Nhân Vật Nữ và Ra Mắt Cuốn Sách Đầu Tay của Nguyễn Tà Cúc Nguyễn Tà Cúc Diễn thuyết

      - Qua Trận Gió Kinh Thiên Nguyễn Tà Cúc Phỏng vấn

      - Phần Thư, Sát Sư: Chính Sách Tiêu Diệt Người Dạy Học Nguyễn Tà Cúc Nhận định

      - Đọc một số Tuyển tập Văn chương Nữ Việt Nam sau 1975 Nguyễn Tà Cúc Khảo luận

      - Giấc Mơ Không Dứt Đó Của Thần Linh Nguyễn Tà Cúc Phỏng vấn

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc (Vương Trùng Dương)

      Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ” (Phan Tấn Hải)

      Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến (Nguyễn Văn Tuấn)

      Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)

      Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)