1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. FELLINI và giá-trị của CON NGƯỜI (Nguyễn Nam Châu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      9-3-2020 | VĂN HỌC

      FELLINI và giá-trị của CON NGƯỜI

        NGUYỄN NAM CHÂU
      Share File.php Share File
          

       

      “Như một hòn sỏi này đây. Nó có một ý nghĩa và một ích lợi mà ta không biết được. Chỉ có Tạo Hóa biết. Và nếu hòn sỏi này không vô dụng thì mọi sự ở đời không có chi vô dụng”. (Fellini)

      Phê bình phim La Strada, P. H. d'Harcourt có nói: "Với phim La Strada này, nghệ-thuật Màn Ảnh đã cứu được linh-hồn của nó”. Thực vậy, phim “Người ăn trộm xe đạp” của De Sica đã đem lại cho ta niềm hy vọng ở sứ-mệnh giáo-hóa con người thế nào thì phim La Strada của Fellini cũng gieo được trong tâm-hồn khán-giả niềm phấn khởi như thế.


      Fellini đã đưa chúng ta ra khỏi những tình-cảm và cảm giác quá buồn tẻ thông thường của màn ảnh hiện tại, để dẫn ta vào một suy nghĩ sâu-sắc hơn về đời sống và giá-trị của con người. Con người với cái phần linh diệu không thay thế được của linh-hồn, chứ không phải chỉ là một con vật đòi thỏa-mãn những nhu-cầu của bản-năng, hoặc một con vật được coi như dụng-cụ để giúp con vật khác thỏa-mãn cùng những thứ nhu cầu ấy, như trong quan-niệm của những người duy vật ngày nay.


      Chính vì những vấn-đề sâu xa được đặt ra trong chuyện phim như thế nên tôi đã đặt Fellini vào hàng các triết gia của thời đại.


      La Strada tiếng Ý có nghĩa là “CON ĐƯỜNG”. Con đường cũng như cuộc đời, tự nó không biết khởi điểm tự đâu, mà cũng không rõ sẽ ngừng lại chỗ nào. Nó bắt đầu từ cuộc đời của những kiếp người. Người ta vào cuộc đời như người ta khởi sự lên đường. Có lần ta tạm biết mơ hồ mục-đích của cuộc hành-trình và thoáng thấy mình sẽ có ngừng lại ở điểm nào đó trên con đường, nhưng người ta không biết hết được những điều mình sẽ gặp gỡ trên nẻo đường muôn hướng đó, bởi vì Con Đường cũng có nghĩa là sự Gặp Gỡ giữa muôn vàn ngả đường. Cuộc đời cũng thế: Cuộc đời là sự gặp gỡ giữa các tâm hồn.


      Người ta gặp nhau trong chốc lát trên một chuyến xe, một toa tàu, một con đò rồi chia phôi. Hoặc người ta gặp nhau để rồi quen biết quyến luyến nhau mãi, và ghi sâu hình ảnh của nhau trong tâm hồn? Ai biết đời mình sẽ có bao nhiêu lần gặp gỡ? Nhất là cuộc đời của những kẻ giang hồ nay đây mai đó: Con đường sẽ là nhà của họ. Nó vừa là người bạn, lại vừa là nơi gặp gỡ giữa những người đồng cảnh ngộ.


      La Strada là con đường và cũng là môi trường gặp gỡ của những kiếp người giang hồ như thế: những kẻ chuyên nghề làm xiệc, mua vui cho thiên hạ muôn phương.


      Câu chuyện con đường của Fellini khởi điểm từ một kiếp người dân quê, ngu muội nghèo khổ: Cô bé Gelsomina. Gia đình nàng sống trong một túp lều tranh cùng cực trên một miền bờ biển nghèo cực nhất nước Ý. Cha nàng đã bỏ nhà đi mất để lại cho mẹ nàng một nách năm con dại. Rosa chị nàng khi lớn lên đã phải bán thân làm tôi đòi không công cho anh chàng Zampano, một anh chàng chuyên môn làm việc giang hồ đây đó khắp bốn phương trời. Một ngày kia Rosa bỏ mạng trên đường gió bụi. Và Zampano lại trở về điều đình mua nàng thay thế. Trong cảnh cùng cực, mẹ nàng bằng lòng trao nàng cho anh chàng để lấy tiền nuôi lũ con còn sót lại. Gelsomina chẳng khác nào một con vật được đem đi bán ngoài chợ. Chính nàng, nàng cũng chỉ biết coi mình như một dụng cụ đã đổi ra được tiền. Nàng khoe với chúng bạn hàng xóm: “Tôi đi làm đây. Tôi sẽ kiếm tiền nuôi gia-đình”. Còn Zampano thì lại càng coi rẻ giá trị của nàng hơn nữa. Trước mắt anh ta, nàng chỉ là một thứ tôi đòi giúp anh ta làm những công việc mà anh ta không làm được. Nhưng vì Gelsomina khờ dại quá, không làm việc chi cho nên hồn thành ra luôn luôn bị hành hạ đánh đập và chửi bới một cách rất tàn tệ.


      Zampano là một hạng người cục súc, dã man. Đời sống của gã gần tính loài vật hơn là tính người. Vô học thức, vô tình cảm, gã chỉ biết đem sức lực ra phô diễn tài nghệ mua vui cho thiên hạ. Được chút tiền nào gã sống cho qua ngày đoạn tháng bên lề cuộc đời giang hồ đây đó.


      Đôi lúc y cũng thốt ra được một câu có nghĩa lý: “Tôi có quyền sống”. Nhưng sống đối với y chỉ có nghĩa là: ăn, uống, ngủ nghỉ như một con vật. Nghĩa là không phải chết nằm quay ra bất động, không phải thối nát dưới mồ hoặc bên gầm cầu cô quạnh, như gã điên. Sống đối với y cũng có nghĩa là lang thang qua kiếp giang hổ vô định, vô kỷ luật của mình trên các nẻo đường tự do, cô độc và cực khổ.


      Không phải y không có tình thương. Nhưng tình thương của y khác tình thương của mọi người. Tình thương của chúng ta, những người thường, đều có ảnh hưởng của nền giáo dục và của những mối liên lạc pha trộn vào: nó có những điểm tế nhị, sâu sắc và rắc rối của tình cảm nhiều hơn. Còn tình thương của y đối với đồng loại chỉ là giúp cho họ tránh khỏi đau đớn thể xác, cho khỏi đói khát. Đó là mối lo lắng độc nhất của những người bình dân đơn sơ chất phác suốt ngày phải gay go chiến đấu với công cuộc sinh nhai, kiêm miếng cơm manh áo. Cái liên lạc độc nhất của y đối với bà mẹ của Gelsomina là cho bà ta 10 ngàn đồng để nuôi con, và đổi lại y sẽ được Gelsomina theo đi hầu hạ.


      Gelsomina đối với y chỉ là một vật dụng, giống hệt như chiếc xe mô tô cũ kỹ của y. Đổi lại y nuôi cho nàng được sống. Y nghĩ như thế đã là thương Gelsomina rồi, Y nói: “Không có tao thì mày chết đói rã xác ra rồi, em ạ”. Nói cho đúng ra, y không phải là một gã ác nghiệt. Y cũng có một thứ tình thương riêng của y. Nhưng vì không có được một tâm tình sâu xa về cuộc đời, y chỉ biết diễn tả tâm tình của mình trong những phản ứng của nhu cầu thể xác: nuôi sống Gelsomina như cung cấp dầu xăng vào chiếc xe máy cũ kỹ của y. Sử dụng Gelsomina như sử dụng chiếc xe ấy. Và lúc biết rằng không còn làm thế nào khác được, thì bỏ nàng. Cái tình của y nó giống như tình của một con chó đối với người ta. Có trong lòng đấy, mà y không sao biết cách diễn tả ra được. Hệt như lời gã điên nói: “Y là một con chó. Y chỉ biết sủa”. Đó không phải là một lối diễn tả khinh bỉ, mà chỉ là một lối so sánh hồn nhiên.


      Còn Gelsomina kia, nàng có giá trị gì hơn một dụng cụ không? Cứ xét theo khả năng làm việc thì nàng kém hắn cả một con vật hay một dụng cụ. Nàng khờ khạo ngu ngốc quá, chẳng biết làm gì, chẳng biết sự gì. Nàng chỉ có một tâm tình ngây ngô hồn nhiên như cỏ cây, chim muông, cầm thú.


      Vậy mà hai con người như thế đã gặp nhau trên một đầu đường. Đó là một sự gặp gỡ miễn cưỡng. Vì nhu cầu của nghề nghiệp, của miếng cơm manh áo, Gelsomina lúc đầu đã nói: “Tôi thà chết còn hơn đi với y”. Nhưng rồi nàng cũng phải theo chàng. Sự tiếp xúc giữa hai người như sự giao tiếp giữa hai con vật. Một con vật khỏe mạnh, hung hăng, và một con vật ngây ngô, yếu đuối. Hai kiếp sống lang thang trên những nẻo đường vô định, bán trò lạ mắt cho thiên hạ coi: Gelsomina đánh trống, lắp lại lời giới thiệu của Zampano. Còn chàng thì đem hết sức lực gân cốt của bộ ngực để dứt đứt một vòng giây xích sắt lớn 5 ly đường kính. Có những lúc Gelsomina cảm thấy như là cuộc sống lang thang mãi trong sự ghẻ lạnh giầy vò của Zampano như thế không thể được nữa. Bản năng thúc đẩy nàng bỏ trốn để tránh thoát, nhưng không lần bào được cả. Nàng cũng chẳng biết đi đâu nữa. Rồi Zampano lại dẫn được nàng về với chàng: tiếp tục cuộc sống hệt như trong một kiếp định mệnh.


      Thế rồi xảy đến việc gặp gỡ “GÃ ĐIÊN”. Gã Điên cũng là một gã giúp việc cho một gánh xiệc giang hồ. Gã có tài đi trên giây cao 40 thước và đặt bàn ngồi ăn cơm trên giây cao đó. Thật là một trò nguy hiểm điện cuồng. Cho nên người ta gọi tên gã là GÃ ĐIÊN. Gã cũng có một chút suy nghĩ. Nhưng chính vì chút suy nghĩ đó mà gã tự gạt minh ra ngoài lề xã hội, y như những bạn đồng nghiệp khác. Gã mắc bệnh đau phổi. Gã cảm thấy mình gần cái chết quá thành ra đâm liều lĩnh, đùa rỡn thách thức với cái chết. Đùa rỡn với cái chết trong nghề nghiệp: đi trên giây cao rất nguy hiểm, chỉ cảm động một chút là lăn từ trên cao 40 thước xuống nát hết xương thịt ngay. Gã còn đùa rỡn cả với cái chết trong cuộc gặp gỡ và trêu tức Zampano. Đó cũng là một điều kỳ lạ của định mệnh. Gã đã tự biệt lập với xã hội loài người. Gã nói: “Tôi muốn sống một đời tự do. Chả ai theo được tôi. Và tôi cũng chẳng có ý cho ai theo”. Ngay trong nghề nghiệp gã cũng chọn một con đường cô độc. Lúc gã ngồi ăn trên giây cao 40 thước gã nói với khán giả: “Trên này ăn ngon lắm. Có thừa một chỗ. Ông bà nào thích xin mời lên đây”. Nhưng nào có ai lên được với gã. Gã chỉ là một kẻ cô độc, Tự muốn cô độc. Nhưng sao gã lại muốn giây vào cuộc đời của Zampano, lại muốn chọc tức y, đến nỗi sau này bị y giết chết. Gã cũng không hiểu nữa. Gã nói: “Tôi chả có thù hằn gì với Zampano cả. Vậy mà không hiểu tại sao hễ cứ gặp y là tôi có ý muốn chọc tức liên”. Có lẽ là một dịp đùa rỡn thách thức với sự nguy hiểm. Nhưng sâu xa hơn mà xét, đó là một đòi hỏi thầm kín ở tiềm thức của một sự tương giao giữa hai tâm hồn. Có sự tương giao bằng cảm thông, yêu mến, có sự tương giao bằng đố kỵ xung đột. Loài người thế nào cũng phải sống bằng một trong hai cách tương giao ấy. Họ không thể nào sống bưng bít cô độc được. Bản tính của con người là sống với kẻ khác, Nhưng trong cuộc đời, Gã Điên là một kẻ không có trạng thái tâm hồn để gặp gỡ tiếp xúc, cảm thông trong yêu mến lưu luyến với người khác được. Ai muốn tiếp xúc với một kẻ bệnh hoạn sắp chết và liều lĩnh coi thường cuộc đời như gã. Vậy tiềm thức đã thúc đẩy gã tiếp xúc với Zampano trong cuộc xung đột chọc tức vậy. Nếu Zampano là một con người bình thường thì sự đó không có. Nhưng vì Zampano là một con người “khô khan như cục chì”, nên việc đó đã xảy ra.


      Chính sự gặp gỡ giữa Zampano và Gelsomina cũng chỉ là một đòi hỏi của tiềm thức. Gelsomina không thể bỏ chàng dù chàng chỉ là một gã vũ phu, vô tình cảm. Còn Zampano cũng không muốn xa nàng dù nàng chỉ là một đứa con gái ngây ngô, ngu độn. Chính Gã Điên đã tự hỏi: “Không hiểu tại sao Zampano lại cố giữ em lại với y? Tôi thì tôi không giữ em được lấy một ngày. Em không phải là một người đàn bà. Em có cái đầu kỳ lạ quả!” Rồi gã trả lời: “Nhưng mà em không ở với y thì còn ai ở với y nữa. Thực ra Zampano chả sống được với ai ngoài Gelsomina. Nàng cũng vậy, nàng chỉ có thể sống được với một người như Zampano. Như Gã Điện nói: “nàng chả được việc gì ở đời. Nàng là một vật vô dụng”. Vậy thì ba số kiếp cô độc của Gã Điên, của Zampano và Gelsomina đã gặp nhau theo một thứ đòi hỏi riêng và do hoàn cảnh của một thứ định mệnh.


      Cuộc gặp gỡ giữa Gã Điên và Gelsomina đã đem lại một tia sáng mới trong tâm hồn ngây thơ của nàng. Gã đã giúp cho nàng hiểu biết và ý thức được ra sự vô ích và vô vị của đời nàng. Gã nói: “Em là một đồ vô dụng. Tài không thể giữ em được đến một ngày đâu”. Nhưng đồng thời, gã cũng vạch tỏ cho nàng biết một sự mới lạ: tuy đời nàng vô dụng, nhưng chỉ nguyên sự CÓ MẶT của nàng cũng đã có một ý nghĩa và một ich lợi nào đó đối với Zampano. Gã nói: “như hòn đá sỏi này đây. Nó có một ý nghĩa và một ích lợi... Mà ta không biết được... Và nếu viên đá này mà không vô dụng, thì ở đời không có chi vô dụng cả...”


      Điều mặc khải ấy mở con mắt linh hồn cho Gelsomina. Nàng cảm thấy ý nghĩa và ích lợi của đời mình: ý nghĩa ấy, mục đích ấy chính là sự sống gần với Zampano, hiện diện bên cạnh Zampano và yêu mến chàng, Nàng quyết định ở lại với Zampano, mặc dầu sự vũ phu của chàng và mặc dầu những lời quyến rũ của gánh xiệc. Ngay cả tới lúc Zampano không thể để nàng sống gần được nữa mà hỏi nàng: “anh đưa em về nhà nhé? Anh đưa em về nhà với má nhé?”, nàng cũng không muốn về. Nàng trả lời: “Nhà em là nhà anh đó”.


      Sự hiểu biết ấy càng sáng tỏ hơn trong tâm hồn Gelsomina nhờ cuộc gặp gỡ của nàng với mấy bà Dòng Tu. Một đêm ngủ trọ, sự săn sóc tử tế của các bà, đời sống ấm cúng thân mật và yên ổn giữa lúc ngoài trời gió mưa tơi tả kia, tất cả đã rung động tâm hồn Gelsomina. Nàng phàn nàn về số phận giang hồ của đời nàng với một nữ tu và tỏ ý khát khao yêu mến đời sống nơi tu viện. Nhưng người nữ tu đã so sánh và cắt nghĩa cho Gelsonina hiểu: cuộc đời của nàng cũng không đáng chán cho lắm. Nó cũng giống hệt như cuộc đời các nữ tu: họ cũng phải đổi rời nơi ở, hai năm một lần, để chịu hy sinh, cho lòng khỏi vấn vương quyến luyến những sự quen thuộc nơi mình đã ở, thì đời Gelsomina cũng thế. Đời nàng cũng là một đời hy sinh, hy sinh cho Zampano, chia sẻ cuộc đời giang hồ với chàng. Nếu Zampano càng khó tính không ai ở được với y, thì Gelsomina lại càng hy sinh hơn. Nàng nói: “Tôi không giúp anh ấy thì phỏng còn ai giúp. Anh ta chả biết nghĩ chút nào bao giờ”.


      Từ những ý nghĩ ấy, một tình yêu bắt đầu nẩy nở, ngày càng mãnh liệt. Đang đêm nàng ngồi dậy nhìn Zampano ngủ với một đôi mắt ngỡ ngàng, âu yếm. Nàng ngây thơ hỏi y: “Zampano này, giá em chết thì anh có buồn không nhỉ?” Và lúc khác nàng lại hỏi: “Ông có yêu em chút nào không hở?” Rồi nàng đơn sơ bộc lộ ý nghĩ của mình với chàng: “Ngày xưa, em bảo rằng thà chết còn hơn là đi với anh, nhưng bây giờ thì em vui lòng lấy anh”.


      Trước những lời ấy Zampano chẳng hiểu chi cả. Chàng nói một cách tàn nhẫn: “Dĩ nhiên, nếu không theo tao, em chết đói rã họng ngay”. Thực là cay đắng. Xét đến cùng, Zampano cũng không đáng trách lắm. Tính trời sinh ra y như thế. Nghèo đói, vô học, lại vất vả mới kiếm nổi đồng cơm manh áo trong cuộc đời giang hồ, vô tổ ấm, vô gia cư không một tình thân quyến nào sưởi ấm cõi lòng. Từ những ngày thơ ấu Zampano chưa hề bao giờ được nghe đến những lời nói yêu thương âu yếm. Cho nên chàng cũng chẳng biết phát biểu nó cách nào. Yêu thương đối với chàng chỉ là săn sóc cho có cơm ăn áo mặc. Chỉ có thế. Muốn tỏ cho người khác biết rằng mình tốt đối với vợ, y ngây thơ khoe: “Vợ tôi đó, tôi dậy cho con bé biết làm mọi sự”.


      Sau này lúc bất đắc dĩ phải xa rời Gelsomina, y cũng có một cử chỉ thật tốt, đầy vẻ thương mến đối với nàng. Y bảo Gelsomina: “Em ra ngồi chỗ nắng cho ấm". Rồi để cạnh nàng một món tiền và chiếc kèn nàng ưa thổi.


      Nhưng phải đợi đến sau này, lúc mất nàng rồi, Zampano mới hiểu biết thế nào là tình yêu mến. Nó không phải chỉ là sự ban cho những nhu cầu về thể xác, nhưng nó còn là một sự cần thiết, một sự đòi hỏi phải có sự hiện diện sự sống cạnh kẻ mà ta yêu mến. Nếu thiếu người đó, lòng ta sẽ trở nên cô quạnh buồn phiền, nhiều khi không thể sống nổi.


      Cái lúc mà Zampano khám phá ra được sự ấy kể cũng khá muộn. Tấn thảm kịch bắt đầu từ lúc gặp gỡ Gã Điên lần thứ hai trên giữa dọc đường. Xe của Gã Điên bị nổ bánh, nên phải ngừng lại và gặp chiếc xe cũ kỹ của Zampano. Trước đây Gã Điên đã chọc tức Zampano, hai người đuổi nhau và Zampano bị bắt giam trong tù. Zampano vẫn chưa nguôi giận. Vậy mà khi| gặp chàng, gã điên vẫn cứ giữ giọng đùa riễu chọc tức như cũ. Khiến cho Zampano nổi khùng đánh gã mấy quả. Đầu gã đập vào thành xe. Gã lảo đảo được mấy bước thì ngã gục xuống chết tại chỗ. Chính lúc ấy, lúc diễn ra cảnh tượng thê thảm đó, Gelsomina vô cùng sợ hãi, nàng cảm thấy quá thương hại Gã Điên. Nàng tưởng như chính mình phải chịu trong thân xác cái đau đớn của Gã Điên. Đến nỗi từ đó nàng trở nên điên cuồng mất trí. Zampano mang xác Gã Điên quẳng xuống gầm cầu bên đường, đẩy chiếc xe của gã xuống theo, rồi tiếp tục cuộc đời giang hồ. Nhưng Gelsomina thì không bao giờ thoát cơn điên dại. Những hình ảnh đau đớn của Gã Điên trước khi chết cứ ám ảnh tâm trí, làm nàng luôn luôn mê sảng. Đời Gã Điên và Gelsomina gặp nhau trong nghề nghiệp. Cái đau đớn mà nàng cảm thông với Gã Điên là cái đau đớn của thể xác, không phải đau đớn của tỉnh thần (nàng có biết suy nghĩ sâu xa gì đâu!). Không phải vì nghĩ tới cái chết hoặc sự giết người mà nàng đau khổ. Chỉ có lúc đánh trống cho Zampano làm trò xiệc, nghĩa là khi thi hành nghề nghiệp nàng mới liên tưởng mà nhớ Gã Điên. Nàng cảm thấy chính mình là Gã Điên đang bị đánh vào thể xác, rất đau đớn. Nên nàng mê sảng kêu lên: “Ông Điên đau lắm” (Il matto sta mala!). Những lúc ấy khiến cho Zampano sợ hãi vô cùng. Chàng chỉ sợ tội giết chết Gã Điên sẽ đưa chàng đến bước đường tù tội. Cái sợ của chàng không có tính cách hối hận về luân lý. Nó chỉ là một bản năng tự vệ của con người sơ khởi. Y muốn được yên thân để mà sống. Khi thấy Gelsomina lên cơn như vậy chàng bực mình hét lên “Tao có ý giết chết nó đâu! Tao chỉ có ý đấm cho nó hai quả thôi. Hai quả đấm! Có đáng cho tao tù chung thân không? Tao cũng có quyền sống chứ. Tại sao tao không có quyền sống? Tại sao tao lại không có quyền sống yên thân”. Việc giết Gã Điên chỉ là vô tình, vì muốn yên thân. Việc bỏ Gelsomina cũng vậy. Chỉ là do một ý muốn bảo vệ cuộc đời. Y không có ác ý gì. Y chỉ biết phản ứng như một con vật đứng trước nguy hiểm.



      Thế là Zampano quyết định cho nàng về với gia đình tuy nàng không chịu. Nhưng trên đường về, tính điên cuồng mê sáng của nàng vẫn tăng thêm và rất nguy hiểm. Cho nên bất đắc dĩ, Zampano đã phải bỏ nàng lại trên đường. Với một số tiền, một cây kèn, Zampano hy vọng nàng sẽ có thể lần hồi mà sống tự lập được Nhưng có ngờ đâu rằng, xa chàng Gelsomina không thể nào sống được nữa.


      Và chính chàng nữa, chinh lúc phải xa nàng, Zampano mới cảm thấy thiếu thốn mất mát một cái gì ở đời. Cuộc sống trở nên cô quạnh không muốn làm bạn cùng người nào khác nữa. Một người con gái cùng nghề rủ chàng. Nhưng chàng từ chối và trả lời: “Không, tôi sẽ về ngay mà”.


      Vậy ra lúc này chàng mới cảm thấy - không phải bằng lý trí nhưng bằng bản năng - rằng nàng là một cái gì cần thiết cho đời chàng, cũng như cơm chàng ăn, và không khí chàng thở. Nhưng nàng ở đâu? Đời nàng ra sao bây giờ? Chàng cô độc lang thang trên hè phố để tìm ra trong trí tưởng tượng một câu trả lời. Có lẽ lúc đó chàng thầm nguyện cho đời nàng được sung sướng và hy vọng sẽ có ngày gặp lại chàng. Bỗng một giọng hát quen thuộc vọng ra, từ miệng của một cô thợ giặt bên vườn, làm chàng tỉnh mộng:


      Đó chính là điệu nhạc mà chàng đã dậy cho nàng thời ngày xưa. Một điệu hát, buồn sầu ảo não. Chàng liền đến hỏi và cô gái kể lại chàng nghe: “Đó là một điệu hát mà một cô gái đã dậy tôi, cô đã sống với chúng tôi từ bốn năm năm xưa rồi. Tội nghiệp, cô cũng đã từng làm trong một gánh xiệc như ông”. Trời ôi, đúng nàng rồi, chàng vội hỏi: “Thưa cô, bây giờ cô gái ấy ở đâu ạ?”. “Nàng đã chết rồi. Tội nghiệp, ba tôi thấy nàng bơ vơ liền đem về ở với chúng tôi. Nhưng nàng cứ buồn thảm héo hắt, không chịu ăn uống chi cả, cho tới lúc kiệt sức quá, rồi chết”.


      Hỡi ôi, nàng đã chết thật rồi! Thì ra vì xa chàng mà nàng không sống nồi. Lúc này, Zampano mới cảm thấy tình yêu của nàng đối với chàng. Lúc này chàng mới cảm thấy càng yêu nàng vô hạn. Nhưng muộn quá rồi, nàng không còn nữa. Thì ra con đường của chàng và nàng đã đi thực giống hệt như lời Caporallati đã nói, là con đường của một cuộc du hành trăng mật buồn thảm, vì lời ngỏ tình mãi sau giờ tử biệt mới có.


      Nói cho đúng, chẳng phải rằng trước kia chàng không hề yêu nàng. Nhưng trước kia, chàng chỉ biết thương Gelsomina bằng một thứ thương cục mịch, giống như tình của những loài vật đối với nhau. Như lời Gã Điên nói: “Y là một con chó. Y chỉ biết sủa”. Nhưng bây giờ tình yêu đã đổi khác. Nó là một cái gì thấm thía ở trong tận đáy lòng. Nó là một sự buồn rầu chán nản vì thiếu thốn sự hiện diện của người yêu. Cái buồn khiến cho Zampano không còn diễn nổi trò việc mà xưa kia chàng đã từng phô diễn tài tình. Zampano cảm thấy mình hoàn toàn cô độc ở đời. Trước kia, chàng chỉ cần có miếng cơm mảnh áo và sự yên thân tự lập. Bây giờ sống như thế chẳng có nghĩa lý gì nữa. Chàng thiếu thốn một cái mà không gì có thể bù lại được: chàng thiếu một người yêu.


      Phương thế cuối cùng của một người tuyệt vọng là đi tìm giải khuây. Những người trí thức, những kẻ giàu có, có nhiều cách khác. Zampano là một kẻ vô học, một gã nghèo đói, chàng đi tìm quên lãng trong ly rượu mạnh. Chàng uống cho quên hết cuộc đời, cho quên nhớ nhung sầu tủi. Uống nhiều quá đến nỗi say mềm và bị người ta tống cổ ra khỏi tiệm. Nhưng chàng không cần chi cả. Chàng đá tung hết mọi người vật chung quanh, để sống cô độc, vô cùng cô độc... Câu nói sau cùng của chàng là “Ta không cần ai cả. Ta muốn ở một mình ta thôi. Mình ta thôi...” Đó là một câu nói tuyệt vọng vì nghĩ rằng không gì ở đời thay thế được cái vật mà ta đã mất đi. Thì ra cho tới bây giờ lúc nàng đã chết rồi, chàng mới cảm thấy sự cần thiết của mỗi giây vô hình đã ràng buộc đời chàng đời nàng. Nhưng biết làm sao được? Zampano thất thểu bước giữa đêm tối. Chàng lần ra bờ biển bao la, nghe những tiếng sóng gió gầm thét. Trong cơn tuyệt vọng, chàng ngã quỵ xuống bờ cát: Tất cả chỉ là đêm tối, mênh mông im lặng


      Nhưng bỗng dưng chàng ngửng đầu lên, đôi mắt đăm đăm hướng vào không trung thăm thẳm. Phải chăng, tâm trí chàng bắt đầu khát vọng tới một cái gì cao cả huyền bí và xa xôi, trong đó tấm linh hồn trong trắng của nàng còn đang tồn tại? Một cái gì chàng không hiểu được, nhưng chàng cảm thấy rằng chắc chắn là có. Nếu không cuộc đời của chàng thực là vô lý, đen tối và đầy thất vọng.


      Phim La Strada đã đem lại cho chúng ta những tư tưởng gì? Trước hết là ý nghĩa của đời người. Đối với phần đông chúng ta, cuộc đời hình như phi lý và vô nghĩa. Ta sinh ra là bước vào một “CON ĐƯỜNG” vô định. Chúng ta sống qua ngày tháng vô vị. Như lời Camus nói: “Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, đều trên một nhịp và chẳng hiểu tại sao lại thế..."


      Nhưng kỳ thực cuộc đời phải có một ý nghĩa nào đó...


      Mỗi sự vật, mỗi con người - nhất là mỗi con người - nguyên sự hiện hữu của nó đã mang theo một ý nghĩa huyền nhiệm. Ta không biết được, nhưng tạo hóa, đấng sinh ra nó chắc biết. Ngài là nguyên nhân mọi sự hiệu hữu ở đời.


      Ý nghĩa thứ hai là sự đòi hỏi cảm thông thuần khiết giữa các tâm hồn. Ta không thể nào sống cô độc. Bản tính nhân loại là sống với kẻ khác. Tôi muốn cho người khác để ý đến tôi, biết là có tôi, biết đến giá trị và nỗi đau buồn của tôi. Tôi muốn cho kẻ khác chia sẻ nỗi vui buồn cùng tôi. Bất kỳ là ai. Và sự đòi hỏi để không phải chỉ là đòi hỏi của sự chung đụng xã-hội, không phải chỉ là một ý thức do giáo dục, văn hóa và hoàn cảnh tạo nên. Nó cũng không phải chỉ là một đòi hỏi của một nhu cầu dụng cụ. Nhưng là đòi hỏi của bản tính tâm hồn. Zampano, Gelsomina, Gã Điên, cả ba chỉ là những tâm hồn đơn giản thô kệch, kém suy nghĩ. Họ sống gần nhau như những con vật tình cờ gần nhau. Họ chẳng cảm thấy rõ rệt sự cần thiết phải có nhau bên cạnh nữa. Như con cá lúc sống trong nước, chắc không thấy nước là cần thiết. Nhưng khi phải ra khỏi nước rồi mới thấy mình thiếu thốn. Xã hội bây giờ cũng thế. Sống gần những người thân yêu, họ cảm thấy thông thường quả. Phần đông chỉ biết coi thân nhân như một dụng cụ giúp ích cho họ. Khi dụng cụ không còn dùng được nữa, họ coi như thừa thãi không cần thiết. Có khi lại còn coi như một cản trở cho cá nhân họ. Một thứ nhờ vả ăn bám vào quyền lợi của họ. Các bạn hãy nghĩ tới những đôi vợ chồng khi đã chán nhau về sắc dục. Họ sống gần nhau hệt như Zampano và Gelsomina. Người chồng coi vợ như một thử tôi đòi, một dụng cụ và một cản trở cho sự tự do bắt nhân tình với kẻ khác. Và trái lại, người vợ cũng thế. Các bạn hãy nghĩ tới những bố mẹ già, trở nên vô dụng và phải sống dựa vào con cái và bị chúng khinh dễ, ghét bỏ. Đó là những kẻ vốn trời sinh ra đã có một giây tình ái mật thiết mà còn như thế, phương chi người ngoài! Thế giới bây giờ giống hệt như anh chàng Zampano kia: Vì quá vất vả lo kiếm nhu cầu thỏa mãn vật chất, họ coi như những của vật chất đó là sự thiết yếu nhất ở đời. Họ quên hết mọi thứ tình nghĩa khác. Mọi người khác chỉ được coi như dụng cụ giúp họ thỏa mãn các nhu cầu đó. Họ cũng nói như Zampano kia: “Tại sao tôi không có quyền sống?” Sống ở đây không phải là sự sống của tinh thần, của tình cảm thông với đồng loại, nhưng chỉ là sự ăn uống, ngủ nghỉ, chơi bời, thỏa mãn xác thịt. Và bởi thế, họ không biết quý trọng những con người sống gần nhau. Họ cố ý hoặc vô tình làm khổ lẫn cho nhau. Cho đến khi người kia không còn nữa, họ mới cảm thấy mất mát một cái gì.


      Fellini đã cố ý khêu gợi trong tâm hồn khán giả cái ý nghĩa sâu xa về giá trị của một nhân vị hiện diện. Nhân vị đó dù khờ dại, ngu dốt đến đâu, và không có một giá trị xã hội nào, không thể giúp ích gì ai, dù là một cô gái vô dụng như Gelsomina, nhưng kỳ thực vẫn có một giá trị vì là một con người, một sự hữu có năng lực cảm thông cùng kẻ khác. Chính vì ý nghĩa tinh thần đó mà Gelsomina không thể có gì thay thế được như những dụng cụ khác.


      Sau hết, bởi vì con người và cuộc đời có một giá trị nên rút cục nó phải có một ý nghĩa. Ý nghĩa đó ta không biết, nhưng nhất định nó có. Chính lúc tâm hồn ta tưởng như tuyệt vọng nhất, chính lúc ta tưởng dường như cuộc đời là phi lý, vô nghĩa, thì cũng chính là lúc lòng kiêu căng của ta bị hạ xuống và như có những sức mạnh nào thúc đẩy ta hướng tới một cái gì cao cả huyền bí hơn cái thân phận thấp hèn của nhân loại này.


      Cũng như Zampano, trong lúc tuyệt vọng nhất, giữa cảnh bao la mịt mùng đen tối kia, cũng chính là lúc tâm hồn chàng biết tỉnh ngộ, bỗng dưng chàng ngửng mặt lên, hướng đôi mặt vào cõi huyền nhiệm. Đó không phải là cái nhìn yếu nhược thất vọng, nhưng là cái nhìn tin tưởng của một tâm hồn vừa được giác ngộ và giải phóng, đã nhận ra một ý nghĩa nào về thân phận mình. Nhân loại ngày nay chỉ được cứu rỗi nếu mỗi người chúng ta đều có được cái cử chỉ giác ngộ đó.


      (Nguồn: Những nhà văn hóa mới, Đại Học xuất bản 1958)

      (Đánh máy: THT)


      Nguyễn Nam Châu

      Thư Quán Bản Thảo số 88, tháng 2.2020
      (Tưởng nhớ Nguyễn Nam Châu)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - FELLINI và giá-trị của CON NGƯỜI Nguyễn Nam Châu Bình luận

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu (Lương Thư Trung)

      Đọc Chuyện Khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn (Thái Kim Lan)

      Nguyễn Đạt Thịnh: Con Người Và Tác Phẩm (Nguyễn Khánh Văn)

      Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger... khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ' (Huyền Trân)

      Phỏng vấn Giáo Sư Stephen Young (Đinh Quang Anh Thái)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)