1. Head_

    Trúc Phương

    (.0.1939 - 18.9.1995)

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù (Hồ Trường An) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      24-05-2012 | VĂN HỌC

      Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù

        HỒ TRƯỜNG AN
      Share File.php Share File
          

       

      Trong 30 năm qua, Hồ Trường An đã cho xuất bản nhiều tập nhận định, phỏng
      vấn văn nghệ sĩ (Chân Trời Lam Ngọc, Theo Chân Những Tiếng Hát, Sàn Gỗ
      Màn Nhung, Ảnh Trường Kịch Giới - 2012), song gần đây ông viết phê bình
      văn  chương, là lãnh vực thân cận của ông, bởi ông đọc nhiều và có óc quan
      sát tinh tế, trí nhớ tỉ mỉ và viết cặn kẽ.

      LTS: Bài sau đây trích ra từ chương sách thứ chín của cuốn Trên Nẻo Đường Nắng Tới của nhà văn Hồ Trường An, chưa xuất bản.


      Ông viết: "Chương chín này là chương chót của quyển biên khảo Trên Nẻo Đường Nắng Tới gồm có bốn truyện ngắn: hai của Võ Đình, một của Nguyễn thị Hoàng, một của Nguyễn thị Thụy Vũ. Bốn truyện ngắn đó lọt ra cái khung hiện thực và tân hiện thực đã từng phong tỏa văn chương Việt Nam từ bao năm qua mà Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền và Võ Phiến nỗ lực để xông xáo bước ra.


      Qua bốn truyện ngắn này, ba tác giả cố gắng noi theo gương Tôn Hành Giả trong Tây Du Ký của Ngô Thừa ân để làm cuộc cân-đẩu-vân, với mỗi bước nhảy vọt là bay thật xa. Họ có đến chân trời tư tưởng bao la và lạ lẫm nào không? Cái đó còn tùy theo mỗi khía cạnh nhận xét của bạn đọc nào muốn nhìn sâu vào hiện hữu, muốn đón nhận sự canh tân trong văn chương, muốn thoát ra khỏi không khí buồn nản của văn chương tả chân (hiện thực, tân hiện thực) từ xưa đến giờ.


      Nguyễn thị Hoàng và Nguyễn thị Thụy Vũ không hề nêu tình ý gì rõ ràng trên mặt chữ. Cả hai viết khơi khơi. Trừ Võ Đình đôi lúc trình bày một vài nhân sinh quan sơ sài lụn vụn, còn hai nữ sĩ kia chỉ trình bày diễn biến của sự việc, kèm theo đó là công việc miêu tả (tả cảnh, tả người, tả một vài tâm trạng của hân vật).


      Nhưng ẩn sau mặt chữ của họ thấp thoáng bao điều làm chúng ta ray rứt bàng hoàng khiến chúng ta nghĩ ngợi không thôi. Một chân trời tư tưởng mênh mông và thăm thẳm? Một bí nhiệm nằm sau lưng cuộc sống hay ở ngay trong cuộc sống? Làm sao chúng ta nắm bắt được trọn vẹn ý tình của ba tác giả kia? Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ tiếp tục ray rứt bàng hoàng, vẫn cứ tiếp tục suy gẫm...


      Võ Đình đến với chúng ta qua hai truyện ngắn Chuyện Cây Bàng và truyện ngắn Lại Chuyện Cây Bàng. Hai truyện ngắn này ở trong tập truyện Lầu Xép xuất bản vào năm 1997. Nguyễn thị Hoàng đến với chúng ta qua truyện ngắn Tan Trong Sương Mù ở trong tập truyện Bóng Lá Hồn Hoa do Văn xuất bản vào năm 1973. Và sau hết, Nguyễn Thị Thụy Vũ đến với chúng ta qua truyện ngắn Lòng Trần trong tuyển tập truyện ngắn gồm nhiều tác giả Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta do Sóng xuất bản vào năm 1973. Trước đó, hình như vào năm 1969 thì phải, truyện ngắn này được đăng trên tập san Văn do Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm, nó có cái tựa là Muỗng Nước Mắm."


      Đó là phần vào đề của chương chín. Kỳ này nhân số Chủ đề Phụ Nữ, Khởi Hành trích đăng sau đây phần viết về hai nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ để chúng ta cùng thưởng thức văn biên khảo văn học của nhà văn Hồ Trường An. Trong bài đôi chỗ có những nhận xét có thể gây hiệu ứng thái quá, chúng tôi vẫn đăng tải, vì nghĩ rằng Hồ Trường An cầm bút đã hơn bốn mươi năm, ông có lý do riêng của mình mà chúng ta dù không hoàn toàn đồng ý vẫn nên tôn trọng tác giả.


      Nguyễn Thị Hoàng với "Tan Trong Sương Mù"



      Nguyễn Thị Hoàng
      (Ảnh Trần Cao Lĩnh)

      Tan Trong Sương Mù là một truyện tình của Nguyễn thị Hoàng, na ná như loại Liêu Trai Chí Dị, nhưng nó sâu sắc hơn nhiều truyện, [và] đi sâu vào tư tưởng như truyện dài The Portrait Of Jenny của Robert Nathan (đã được dịch ra Việt văn với cái tựa là Chân Dung Nàng Thơ). Truyện dài này đã được William Dieterle thực hiện thành cuốn phim cùng tựa với đôi tài tử Hoa Kỳ là Joseph Cotton và Jennifer Jones thủ vai chính. Còn truyện ngắn Tan Trong Sương Mù này đã được đưa vào tập truyện Bóng Lá Hồn Hoa cũng của Nguyễn thị Hoàng. Nhưng trong đoạn giới thiệu truyện ngắn Tan Trong Sương Mù này, bút giả vì không có quyển Bóng Là Hồn Hoa nên căn cứ vào quyển tuyển tập thơ văn Chuông Gióng Thênh Thang do Trung Tâm Văn Hóa Xã hội Phật Giáo Việt Nam tại Đức Quốc, (trụ sở ở Chùa Viên Giác, tỉnh Hannover) xuất bản.


      Tan Trong Sương Mù là truyện tình yêu có ẩn dụ. Tiếc thay nhà văn Võ Phiến khi viết về văn chương Nguyễn thị Hoàng trong quyển hai của toàn bộ biên khảo Văn Học Miền Nam, lại không đưa nó vào, coi như tác phẩm chứng minh. Ông chỉ xắn một đoạn trong truyện dài Vòng Tay Học Trò, thay thế cho truyện ngắn này. Có phải chăng ông không tìm được ẩn dụ trong truyện ngắn này, tức là trong cái sản phẩm tinh thần mà Nguyễn thị Hoàng vô cùng đắc ý? Hay vì một lý do nào khác, chẳng hạn ông chưa đọc truyện ngắn nầy?


      Xin được kể:

      Mở đầu câu chuyện, tác giả kể rằng trong một cuộc hội nghị văn hóa ở Đài Loan, ông bà Mishio gặp một người đàn bà Việt Nam kiều diễm và thanh lịch (ý chừng đó là một nhà văn nữ qua hình bóng tác giả Nguyễn thị Hoàng). Thế là ông muốn vẽ trở lại, sau gần 20 năm không sáng tác được bức họa nào. Cái ý định muốn vẽ trở lại ấy là dấu hiệu của sự thay đổi nội giới của một họa gia tài ba người Nhật Bản kia.

      Người đàn bà từ lúc gặp gỡ cảm thấy quyến luyến đôi vợ chồng nhà họa sĩ kia. Ông trao cho nàng tấm danh thiếp và ân cần mời nàng đến viếng nhà của họ.


      Hôm người đàn bà đến viếng nhà họa sĩ Mishio thì ông đi vắng. Chỉ còn bà vợ ở nhà. Bà Mishio chẳng biết ngôn ngữ nào ngoài tiếng Nhật và người đàn bà lại không biết tiếng Nhật. Tuy vậy người đàn bà vẫn nghe vẫn hiểu những gì bà Mishio nói. Tác giả bảo rằng như thường nghe và hiểu được ngôn ngữ của những người chuyện trò trong chiêm bao (sic). Từ lúc gặp nhau, người đàn bà cảm thấy có điều gì bí ẩn ở vợ chồng ông Mishio. Nàng nhận thấy ông chồng già hơn vợ nhiều. Còn bà Mishio rất nhã nhặn và lịch thiệp đối với khách viếng thăm. Bà bóng gió cho người đàn bà biết chút ít hoàn cảnh cuộc sống lứa đôi của mình:


      ... bà Mishio bảo:

      - Tôi chỉ mang thai một lần, vào lúc gần ba mươi tuổi, nhưng bị tiểu sản và tôi cũng... rồi thì gần hai mươi năm nay.

      Khách kinh ngạc:

      - Nếu vậy, bây giờ bà đã... bấn mươi tuổi sao, xin lỗi, tôi phải hỏi thế, vì trông bà chỉ hơn hai mươi tuổi.

      - Phải, tôi chỉ mới hơn hai mươi tuổi. Nhưng mà đã gần năm mươi... bà thấy là lạ lắm, phải không, đối với tôi như vậy... đã hai mươi năm nay... (Chuông Gióng Thênh Thang, CGTT, trang 89)


      Câu chuyện càng làm nữ khách hoang mang nhiều hơn khi nàng theo nữ chủ nhân đi dạo vườn sau cơn mưa:


      - Những bông hoa này, hồ thả sen này, tôi chăm nom đã hai mươi năm nay.

      - Hai mươi năm, không thay đổi.

      - Bây giờ thì thay đổi.

      - Sao bà cho là thay đổi?

      - Nhà tôi thay đổi thì mọi thứ cũng phải thay đổi theo chứ, bà xem rồi tôi nữa, tôi là thứ thay đổi trước nhất, bà sẽ thấy như thế.

      Thưa bà, ông thay đổi, làm sao bà biết được?


      Bà khách quay nhìn lại. Mặt bà Mishio trắng như phiến giấy với hai con mắt bỗng bừng lên một màu hồng vàng kỳ lạ như mắt cá thia đỏ. Trong con mắt chợt đổi màu long lanh ấy, con ngươi như sáng lên với một tia lửa hắt hiu ảm đạm, như ngọn đèn nhỏ được treo từ một đáy sâu nào xa hút âm u.


      - Từ lúc ấy, nghĩa là gần hai mươi năm nay, nhà tôi chỉ trau chuốt lại những bức tranh dở dang, nhưng không bao giờ vẽ một bức tranh mới nào. Nhà tôi bảo là những cảm xúc đã chết hết, đã chết theo...

      - Chết theo...

      - Phải, chết theo... nhưng bây giờ thì nhà tôi muốn vẽ tranh lại, nhà tôi đang đến họa một cảnh gần chùa, cách đây không xa lắm. Nhà tôi vẽ, là một sự thay đổi.

      - Như thế... bà nên mừng đón sự thay đổi của ông chứ.


      Sắc mặt bà Mishio trở lại tươi thắm và bình thường như cũ:

      - Vâng, thưa bà, đó là điều đáng mừng, bao nhiêu năm nay, tôi chờ đợi sự thay đổi đó, khuyên nhủ nhà tôi cần phải thay đổi đi kia mà, nhà tôi đã khăng khăng giữ lấy đời sống cũ, những bức tranh cũ, những xúc động cũ. Nhưng bây giờ thì nhà tôi đã tìm thấy điều tôi mong muốn, dù rằng như vậy thì tôi sẽ... thôi thưa bà, xin bà đừng nói những điều đó nữa... (CGTT, các trang 89, 90)


      Khi ông Mishio về, vợ chồng ông mời người đàn bà dùng cơm. Bà Mishio vắng mặt luôn. Cũng như lần gặp gỡ đầu tiên, đang lúc người đàn bà và vợ chồng ông ngắm cảnh thì nàng chợt thấy bà vợ đâu mất. Ông chồng cho rằng bà vợ đi xuống dưới ấy (sic). Hôm nay, ông chồng, thêm một lần nữa, cho nàng biết bà vợ cũng đi xuống dưới ấy (sic), như vào mọi buổi trưa hôm trước. Nữ khách tưởng đó là vợ chồng ông Mishio có căn nhà nào khác nữa. Nhưng ông Mishio khẳng định rằng đó là chỗ của nhà tôi (sic).


      Người đàn bà được ông Mishio cho xem tranh. Nhưng nàng bất chợt thấy cuối góc phòng có tấm tranh phủ lụa vàng đặt trên giá vẽ. Nàng tiến lại giá vẽ. Ong Mishio ngần ngừ. Nhưng rồi:

      Cuối cùng ông nói:

      - Đó là bức tranh dở dang cuối cùng của tôi. Từ ấy đến nay, tôi gác bút luôn, không thêm được nết nào nữa.

      - Bà nói ông vừa vẽ trở lại, và hôm nay ông vừa đi họa thắng cảnh nào gần đây.

      Ông Mishio cười buồn rầu:

      - Tôi tưởng là có thể vẽ lại được, nhưng tay đã cứng mất rồi. Trái tim già cỗi và những ngón tay cứng khô.

      Người đàn bà băn khoăn:

      Bức tranh kia chưa xong, sao ông không họa tiếp tục? Ông họa gì trong đó?

      - Vợ tôi. Tôi vẽ bà ấy mang thai ba tháng, hồi đó, tôi say mê vẽ đến bất kể một thứ gì khác, nhất là bức tranh ấy... đến nỗi... mỗi ngày dù mệt nhọc đến đâu, nhà tôi cũng bị bắt buộc ngồi làm mẫu cho tôi vẽ chừng ba bốn tiếng đồng hồ sau công việc mệt nhọc. Hồi đó, chúng tôi nghèo cực lắm kia, tranh không bán được, và tôi cũng chưa có tiếng tăm gì để làm ra được chút tiền, nhà tôi phải âm thầm tần tảo lo liệu lấy mọi việc để giúp tôi yên ổn thì giờ tâm trí họa tranh.

      Thời ấy, tôi không nghĩ ra mọi sự tai hại của sự say mê của mình, cũng như không hề lưu tâm tới những khổ sở mà nhà tôi vì tôi phải chịu đựng. Thế rồi kết quả, sau hơn một tuần kiên nhẫn chịu đựng mệt mỏi, đau đớn quá mức để ngồi cho tôi vẽ, nhà tôi bị hư thai, phải mổ rồi thì...


      Người đàn bà bỗng lắng nghe. Hình như một tiếng khóc nức nở mơ hồ từ bên kia bức tường giấy vọng sang. Người đàn ông như không nghe, tiếp tục những ý nghĩ đắm chìm:

      - Tiếc thay, tôi đã dành lại cặp mắt cho nét vẽ cuối cùng. Cho nên không kịp nữa. Và bức tranh dở dang.

      Người đàn bà thắc mắc:

      - Về sau, sao bà không tiếp tục cho ông vẽ đôi mắt?

      - Đôi mắt ư, trong bức tranh bây giờ là hai vũng tối trống không. Và trong đời sống thì... chỉ còn là cái nhìn xa vắng. Bà không thấy điều đó sao?

      - Đôi mắt bà... tôi thấy, nếu ông tiếp tục bức tranh bà thì đôi mắt ấy bây giờ không chừng đẹp hơn xưa.

      - Tôi không thể hình dung lại, tưởng tượng nhà tôi để vẽ lại. Cái gì xóa nhòa mờ mịt, một khoảng cách vô bờ giữa chúng tôi ngăn chia tầm mắt và biến đổi cái nhìn.

      Người đàn bà lạ lùng;

      - Sao bà không ngồi đây, và ông vẽ bà?

      - Tôi không thể vẽ cái bóng. (CGTT, các trang 92, 93)


      Người đàn bà được chủ nhân cho xem tranh. Tranh chưa hoàn tất: cặp mắt chưa vẽ xong, chỉ là hai khoảng trống. Thế rồi tấm lụa vàng che tấm tranh biến mất. Ông Mishio cho nàng biết có lẽ vợ ông sẽ bỏ đi biệt luôn, không bao giở trở lại nữa. Rồi đó, dưới ngòi bút của Nguyễn thị Hoàng, độc giả còn chứng kiến cuộc đối thoại giữa ông Mishio và một tiếng nói của bà vợ từ cõi mơ hồ vẳng lại. Chẳng hiểu nữ khách có nghe hay không. Ở đây, tác giả chỉ muốn dành cuộc đối thoại này cho độc giả, chớ không cốt dành cho nữ khách:


      - Mình hiểu lầm tôi, mình hiểu lầm tôi rồi, không phải như mình nghĩ đâu.

      Ông Mishio nghe như trong xa vắng có tiếng ai nói rất khẽ đáp lời mình thì thào:

      - ông đừng chối, tôi đã thấy rõ ông hơn chính ông nhìn thấy ông. Mặc dù chưa đến đâu, chưa xảy ra chuyện gì, nhưng mà câu chuyện đã khởi đầu, nếu cứ tiếp tục, một lúc nào đó điều tôi nghĩ về mình sẽ đúng. (CGTT, trang 96)


      Cuộc sống lứa đôi của ông Mishio, với cái bóng mây dầy đặc phủ trên tung tích và hành trạng bà vợ dần dần được tác giả mở ra trước sự chứng kiến của người đàn bà kiều diễm và thanh lịch kia. Tác giả áp dụng kỹ thuật điêu luyện của một cây bút viết tiểu thuyết trinh thám.

      Nhưng Tan Trong Sương Mù là một truyện ngắn tuy dựa vào công việc thắt nút mở nút của một cây bút viết truyện trinh thám để trình bày cho độc giả cái bí ẩn ma quái của câu truyện, lại còn mở một chân trời nghệ thuật bao la và một chân trời tư tưởng sáng lộng lẫy.


      Rồi ông Mishio và người đàn bà cùng hẹn đến một ngôi chùa cổ. Nơi đây ông mới cho nàng biết sự thật của cuộc sống lứa đôi của ông. Từ lúc đưa độc giả vào câu truyện cho tới đây, tác giả mới cho độc giả biết rằng ngay từ đầu bà Mischio xuất hiện không phải bằng xương bằng thịt trước mặt người đàn bà kiều diễm kia, mà bằng hình ma bóng quế.

      Thì ra, đúng như lời ông đã kể, trước kia vợ chồng của họa sĩ Mishio yêu đương nhau thắm thiết. Khi ông chưa nổi danh, bà phải vừa lo gánh mưu sinh vừa ngồi làm mẫu cho ông vẽ, nên bà bị chứng tiểu sản. Tới đây, ông mới thú thật rằng chứng tiểu sản đã giết chết vợ ông. Từ đó cho tới gần 20 năm sau, ông Mishio chỉ lo trau chuốt những bức họa dở dang, chứ không vẽ thêm được bức nào.


      Còn bà Mishio dù là đã chết, nhưng vì mối tình u uẩn khắng khít đối với chồng, vì tấm lòng hoài vọng tưởng niệm không nguôi của ông và nhất vì nỗi chết quá đột ngột bi thảm nên hồn bà cứ quanh quẩn theo ông. Gần 20 năm qua, tên tuổi ông trở nên lừng lẫy, ông được đi nhiều nơi, dự nhiều cuộc hội nghị văn hóa, luôn luôn có bà bên cạnh. Bà ra điều kiện với chồng: bao giờ lòng ông vương một hình bóng người đàn bà nào khác, bất cứ dưới hình thức nào thì bà sẽ tan biến đi; mối tình dù vượt qua hai cảnh giới âm dương bao lâu vẫn tồn tại cũng sẽ không còn nữa. Ông cũng thú nhận luôn mối cảm tình của ông đối với người đàn bà từ hôm gặp nàng tại hội nghị và ông chỉ muốn họa một bức chân dung của nàng, dù chỉ là vài nét loáng thoáng. Do đó mà tấm thảm kịch bắt đầu:


      - Đêm qua... đêm qua, những đêm trước... tôi chiêm bao thấy bà, từ khi... từ khi tôi gặp bà, tôi vẫn chiêm bao thấy bà. Và cũng từ hôm ấy, tôi muốn vẽ tranh lại. Sau hai mươi năm thề rằng không bao giờ vẽ nữa sau bức tranh không mắt của nhà tôi. Tôi mang giá vẽ ra khỏi nhà, đi xa, tìm cảnh khuất vắng, pha màu, mong vẽ một cảnh nào đó, nhưng tôi cầm bút lên, bất cứ nét nào cũng là nét dáng của bà mà thôi. Tôi phải dập xóa bức tranh và mang khung lụa trắng trở về. Nhưng vô ích, nhà tôi biết hết, thấy hết, nhà tôi biết tôi nghĩ gì về bà, tôi chiêm bao thấy bà, tôi sẽ họa hình lên khung lụa mỗi lần ra khỏi nhà một mình...


      Và nữa, nhà tôi cũng biết tôi soi mình xuống ao sen.

      Người đàn bà cười mơ mộng:

      - Ông soi ngắm mình dưới hồ sen sao?

      - Xin bà đừng cười, tôi phải nói ra điều không thể nói. Chính với hình bà, từ hôm gặp nhau, tôi sống lại đời sống thực, tôi muốn thấy mình sự thật ra sao. Bao nhiêu năm nay, với hình bóng trẻ trung không thay đổi của nhà tôi bên cạnh đời sống bình yên kia tôi cứ tưởng mình vẫn còn như hai mươi năm xưa, nhưng tôi đã già rồi, tôi đã chôn sống tôi hai mươi năm với một cái bóng, với một người đã chết. Điều đó cũng không làm cho người chết sống lại, mà làm chết luôn đời sống của tôi. Hai mươi năm, tôi không tình cảm, không họa tranh, không giao du với ai, không biết gì trong đời sống bên ngoài, chỉ có nhà tôi, nhà tôi... tôi nhận ra những điều đó khi thấy mái tóc trắng của mình cúi xuống trong hồ nước, và tôi ân hận vô cùng, tôi tiếc đời sống. Từ phút đó, bao nhiêu ân tình và lòng chung thủy đối với nhà tôi gần hai mươi năm, dù cũng còn đó, nhưng chừng như tiêu tan thành mây khói hết. Giữa chúng tôi, sợi dây nối kết âm dương cũng đứt lìa... (Chuông Gióng Thênh Thang, các trang 99, 100)


      Sự hiện diện của người đàn bà kéo họa sĩ Mishio trở lại đời sống, để ông nhìn sâu vào thực thể của đời sống. Nhưng đã quá muộn; ông đã già rồi! Ông sẽ không được gì ở nàng, ngoài tấm lòng cảm mến của nàng qua nghệ thuật và qua tình người. Nàng sẽ trở về xứ sở của nàng. Còn ông, ông mất luôn cái bóng ma của người vợ. Và cũng có lẽ ông không còn cơ hội xây dựng lại cái hạnh phúc mà ông có thể tìm lại sau khi vợ chết ít lâu.


      Cuộc sống dưới ngòi bút của Nguyễn thị Hoàng trong truyện ngắn nầy là cuộc sống ngang trái và đầy hệ lụy. Độc giả có cảm tưởng rằng nếu từ trước với một ý thức nhỏ nhoi, ông Mishio có thể tránh được sự lầm lỡ kia. Lẽ sống đối với một kẻ có ý thức chín chắn thì ở đâu mà chẳng có? Đời sống của ông Mishio quá khúc mắc éo le và sẫm buồn tẻ lạnh bởi bóng ma của bà vợ án ngữ. Ông đã hoàn toàn sống với bóng ma của bà vợ, với kỷ niệm hối tiếc ăn năn trong một quá khứ buồn thảm, tức là ông sống trong cõi chết, trong ý thức tê liệt sượng chai. Quá khứ là gì? Là cái khoảng thời gian đã qua, đã mất, đã chết. Nói rõ hơn quá khứ là bóng ma của thời gian. Còn kỷ niệm cũng chỉ là bóng ma của biến cố. Ông Mishio không chịu sống với hiện tại, mà chân trời viễn ảnh thì bít lối, tương lai cũng không cho ông mường tượng một tia sáng nào, dù đó là một huyền ảnh đi nữa.


      - ... Đối với bà, tôi chỉ có chút lòng cảm mến, đúng ra tôi đã tìm lại nguồn rung cảm thuần túy nghệ thuật mà gần hai mươi năm trời nay đã khô cạn. Mà dù thế nào rồi ngày mai ngày kia, bà lại đi, bà có phương trời của bà. Còn tôi, tôi với cái bóng già cỗi của mình trong hồ sen, với hình ảnh nhà tôi chỉ còn trong trí nhớ, với những vết tích thân yêu trong ngôi nhà vắng lặng kia, một mình... một mình với những chiếc dép màu quanh thềm nhắc nhở những bước chân ra vào lững thững, những chiếc kimono còn vương vất mùi hương hơi trong tủ, những chiếc gối thêu hoa, những chăn nệm đượm nồng, những tách trà cúc hoa...


      Những giọt nước mắt bồi hồi nhỏ xuống má môi người đàn bà:

      - Nhưng ông sẽ còn những bức tranh, bức tranh bây giờ đã có hai con mắt của bà... bức tranh sẽ là bà.

      - Bà lầm rồi, như tôi nói, bao giờ nhà tôi mất đi hẳn, những nét trong tranh cũng sẽ mờ theo. Còn hai con mắt mà bà thấy đó, không phải là hai con mắt đâu, mà là cái nhìn muốn nói với tôi tất cả những điều tôi vừa nói với bà đó. Nhà tôi đã lấy tấm lụa vàng đi, vì rằng... bức tranh bây giờ chỉ còn là tấm vải trống trơn không còn dấu vết màu sắc hình nét nữa. Bà không tin lời tôi, nếu bà có thể trở lại phòng tranh, bà sẽ thấy lời tôi nói. Nhưng ở đây cuối cùng rồi bà cũng sẽ thấy một cái gì đó làm cho bà tin điều tôi nói là có thật. (CGTT, trang 101)


      Cái gì đó tức là bà Mishio xuất hiện với khuôn mặt xinh tươi của mình. Bà tiến về hai người rồi đi nhanh như bay về phía sau chùa. Người đàn bà chạy theo, đến vùng sương mù, cất tiếng gọi bà. Bà Mishio chậm bước quay lại. Khuôn mặt bà trở thành già nua, tóc bạc phơ. Bà đi trong sương mù và như đì vào pho tượng đồng đen vừa mọc ra giữa vùng sương trắng xóa.


      Tan Trong Sương Mù là một truyện tình có cái ẩn dụ sâu sắc mà trong văn chương Miền Nam Việt Nam từ 1955 cho đến 1975 chưa có truyện ngắn nào như vậy. Tôi còn nhớ trong bài tùy bút Hậu Ức Viên Ký trong thi tập Gầy Hoa Cúc (do Rừng Trúc xuất bản), tác giả Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội có nói về tấm mộ bia trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Bia có khác hàng chữ: C'est l'oubli des vivants qui fait mourir les morts (chỉ có sự quên lãng của người sống mới giết chết người đã quá cố). Câu này có thể nói lên trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa của văn chương Nguyễn thị Hoàng trong Tan Trong Sương Mù. Khi vợ chết, ông Mishio không thể nào quên được vợ. Như thế, bà tuy chết, nhưng vẫn còn sống trong tâm tưởng của ông để ông nhớ nhung thờ phụng không nguôi suốt một thời gian dài (gần 20 năm). Nhưng sự xuất hiện của người đàn bà xa lạ làm cho tâm tưởng của ông thêm một hình ảnh mới chen vào cái tâm tường mà bà vợ đã từng ngư trị hoàn toàn... Dù hiện giờ ông không quên hẳn hình bóng của vợ mình, nhưng chỗ ngự trị của bà không còn nguyên vẹn nữa, nó bị hình bóng nàng lấn chiếm. Dần dần hình ảnh nàng sẽ choáng thêm rộng. Bà vợ biết rằng, từ đây chỗ chiếm ngự của mình sẽ thu hẹp dần dần, và bà cũng sẽ dần dần không còn có chỗ nào để sống trong tâm tưởng của chồng mình. Sự quên lãng của ông mới thật sự biến bà vợ thành người chết đúng nghĩa; bà sẽ bị chồng quên lãng hoàn toàn, hình ảnh bà sẽ dần bị xoá nhòa trong tâm tưởng của ông. Sự xóa nhòa ấy được tượng trưng bằng hình ảnh bà Mishio tan rã trong vùng trời sương mù trắng xóa. Chân dung của bà vợ sẽ không còn ghi khắc trong ký ức ông nữa. Ở đây, tác giả ẩn dụ bằng bức vẽ chân dung trở thành bức vải trống trơn, màu sắc và đường nét phai nhòa luôn.


      Điện ảnh của Pháp có một cuốn phim kiệt tác của Jean Cocteau và với cái tựa đề là La Belle et la Bête (dịch theo ý nghĩa của kịch bản là Giai Nhân và Quái Vật). Từ hơn một nửa thế kỷ (từ 1945) cho tới nay, phim này được đánh giá là film culte (phim đáng tôn thờ) đã từng thắp sáng tên tuổi đôi tài tử Jean Marais và Josette Day. Thật ra, cốt truyện phim này được rút trong quyển Le Magazin des Enfants (1757) của bà Jeanne Marie Leprince de Beaumont.


      Truyện kể rằng: Một thương gia đi buôn bán xa, trên đường về nhà lạc vào cánh rừng hoang khi màn đêm buông xuống. ông tìm chỗ tá túc, rồi lạc bước đến lâu đài không một bóng người. Tuy nhiên, ông có mâm cơm ngon lành để đỡ dạ, có chỗ ngủ sạch sẽ sang trọng để qua đêm. Sáng hôm sau, trước khi rời khuôn viên để về nhà, ông hái một đóa hồng để tặng cô gái út kiều diễm của ông, một đóa hồng đẹp và to như cô ta hằng ao ước. Tức thì một quái vật mình người mặt thú hiện lên đòi giết ông. Ông hẹn tuần sau sẽ đến lâu đài nạp mạng. Nhưng cô gái út thương yêu cha, quyết thay cha đến lâu đài. Tại đây, nàng được quái vật trọng đãi, yêu thương. Dần dần nàng cảm mến đương sự. Thì ra đương sự vốn là một hoàng tử tuấn tú bị mụ phù thủy trù ếm nên trở thành quái vật. Mụ có hẹn rằng chừng nào có một cô gái kiều diễm thành thật yêu thương đương sự thì đương sự sẽ hoàn lại hình dung xinh đẹp như xưa. Sau cùng, cô gái nhận lời làm vợ quái vật vì nàng cảm thấy yêu đương chân thành đương sự vì đó là một kẻ có tâm hồn cao thượng. Lập tức, quái vật biến trở lại một hoàng tử hào hoa phong nhã. Chàng ôm lấy nàng và cùng nàng bay lên trời.


      Như vậy ẩn dụ của chuyện La Belle et La Bête là gì? Là khi nào ta yêu ai thì người đó dù xấu xí cho thế mấy cũng trở thành nếu không xinh đẹp thì cũng duyên dáng mặn mà dưới mắt ta. Sắc đẹp nào phải tuyệt đối, mà là do chiêu cảm của từng cá nhân. Có nhiều cặp vợ chồng mà người ngoại cuộc thì thấy chồng xấu vợ đẹp hoặc chồng đẹp vợ xấu. Rồi họ thắc mắc tại sao cô vợ đẹp có thể say đắm anh chồng xấu? Hoặc tại sao anh chồng đẹp có thể hạnh phúc với cô vợ xấu? Họ quên rằng xấu với họ, nhưng đẹp hoặc quyến rũ mặn mà đối với người trong cuộc (cuộc ân ái, cuộc hôn nhân...).

      Lại nữa, vận sự cả hai bay lên trời còn có thêm cái ẩn dụ là đi vào cõi lạc phúc ngoài thế gian này.


      Phim La Belle et La Bête vẫn chỉ là một cốt truyện dành cho thiếu nhi giải trí. Nhưng có lẽ vô tình tác giả tạo được cái ẩn dụ sâu sắc về phương diện tình yêu, về phương diện tâm lý. Tình cờ qua một chiêu cảm trong sáng tuyệt vời, hai điện ảnh gia Jean Cocteau và René Clément nắm bắt được cái ẩn dụ ấy để hình thành một cuốn phim bất hủ trong kho tàng tinh hoa của điện ảnh nước Pháp.


      Trái lại, Nguyễn thị Hoàng có lẽ chưa bao giờ đọc bài Hậu Úc Viên Ký của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội căn cứ trên ý nghĩa của câu thệ nguyện khắc vào mộ bia trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi: C'est l'oubli des vivants qui fait mourir les morts để dựng nên truyện ngắn Tan Trong Sương Mù. Ngoài ra, chị còn lấn sang lãnh vực huyền nhiệm của hội họa. Bút pháp của chị ở đây vẫn bay bướm, hoa lệ như tự xưa giờ, vẫn đầy nhạc điệu du dương, tuy nó hơi rổng sáo, tuy nó hơi thời thượng nhưng không lòe loẹt lộ liễu như bút pháp ở trong tác phẩm khác.


      Chúng ta hãy đọc đoạn mô tả chân dung người đàn bà thanh lịch và kiều diễm đóng vai trò động lực chính của tấn thảm kịch:


      Người đàn bà ngồi đó, một tay nâng tách trà, một tay tì nhẹ lên thành trường kỷ cẩn xa-cừ, hai chân khép nép xếp vào nhau, tà áo đen dài ẻo lả buông xuống tận mũi hài thêu hoàng hạc lượn, mái tóc nhung đen vén cao từng lọn nhỏ và thanh trên đỉnh đầu để hé một nét cổ trắng ngần chảy xuống khung ngực áo rộng hình vuông lấp lánh một cành huyết ngọc bên phía trái.

      Trong khung mắt vương buồn, người đối hiện vẫn tìm thấy một lấp lánh ánh sắc tươi vui, hân hoan, như thứ ánh đèn lồng hò hẹn trong vườn cây tăm tối sao mờ, dấu hiệu của một giờ tình tự đằm thắm. Nét mày cong thỉnh thoảng cau lại như hỏi han ân cần, như hờn giận nũng nịu, như vòi vĩnh van lơn làm nõn nà đôi gò má cao phơn phớt một thoáng hồng man mác tỏa xuống đôi môi san hô non mấp máy giấu che hai hàm răng màu lựu non he hé từng lời nói tiếng cười. Giọng nàng nhỏ, thanh, nhưng rõ như tiếng vang xa được lọc qua những tầng thanh khí trong vắt vắng im, nghe xa vời, như từ cõi nào vọng vang, mà gần gũi như thủ thỉ gần kề bên gối. (CGTT, trang 81)


      Nguyễn thị Hoàng có óc quan sát mãnh liệt và tinh nhuệ. Cho nên sự miêu tả của chị tràn ngập nét tạo hình độc đáo với một bút pháp kiều diễm và thơ mộng. Xin cùng đọc một bữa cơm của người Nhật đãi khách đến từ phương xa.


      Bữa cơm thanh đạm, nhưng ngon lành, gồm một chén canh cải nấu với cá, một dĩa tôm nhỏ lột vỏ chiên bột ăn kèm với khoai chiên, một dĩa nhỏ dưa gang ướp mật rượu và đường màu mã não, những khoanh trứng gà luộc trên một dĩa xà lách thật tươi ghim từng trái táo đen, hạnh nhân và hạnh đào màu đỏ. Tất cả được trình bày trong bát dĩa bằng thứ gỗ đen và nhẹ, cẩn hoa và chim hạc, bướm và những cánh tùng già. Những hạt cơm trắng, dẻo vít lên đầu mút đũa nhẹ tênh màu đỏ thắm. (CGTT, trang 91)


      Ngày xưa, các cụ ta sáng tác những bài thơ ẩn dụ để nói lên cái thân thế, cái chí khí cùng hoài bão và tâm sự của mình. Họ dùng những đồ vật, những con vật lẫn những nhân vật đều tầm thường để vịnh thành thơ. Nhưng ẩn sau mặt chữ, độc giả đối diện với những vấn đề rộng lớn và những tình ý mênh mông về chuyện kinh bang tế thế, về chuyện khuynh đảo thời thế nhiễu nhương, về con đường giành lại chủ quyền dân tộc để canh tân tổ quốc... Nhưng ở truyện ngắn, truyện dài, ít có ai dùng phép ẩn dụ cả. Còn tệ hơn nữa, những nhà biên khảo, những nhà phê bình chỉ quen quan sát và nhận định văn chương tâm lý ái tình, văn chương phong tục, văn chương hiện thực và văn chương tân hiện thực mà không ngó ngàng gì tới văn chương sâu rộng hơn, nghiêng về ẩn dụ, về tư tưởng triết học, tâm linh...


      Cái nhìn của họ mắc cạn ở mặt chữ, không thể xuyên qua mặt chữ nên họ không tìm được ẩn dụ, tư tưởng trong văn chương. Cho nên Tan Trong Sương Mù từ bấy lâu nay như kẻ mặc áo gấm lộng lẫy đi đêm. Nói rộng hơn, các phê bình gia Việt Nam vốn chưa quen tìm ẩn dụ trong nhiều tác phẩm của văn chương quốc tế để hướng dẫn người đọc.


      Bà Jeanne Marie Leprince de Beaumont có cái may mắn khi viết truyện La Belle et La Bête vì nó được điện ảnh gia Jean Cocteau bắt gặp được cái ẩn dụ tuyệt vời của bà trong câu truyện cổ tích đó. Nguyễn thị Hoàng thì chẳng được cái vinh hạnh đó. Tan Trong Sương Mù là truyện ngắn mà chị đắc ý nhất do chính tay chị đưa vào tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta do nhà xuất bản Sóng ấn hành. Chị đã giải thích cái ẩn dụ đó ở phần ghi tiểu sử của chị cùng cái lý do chị chọn truyện ngắn này đóng góp cho tuyển tập này. Nhưng chẳng ai thèm đọc thèm tin. Sau đó, nó không được nhà văn hay nhà phê bình nào nhắc nhở tới. Tại sao thế? Có lẽ đa số không có kinh nghiệm về công việc tìm ẩn dụ chăng? Hoặc có lẽ từ lâu họ bị thành kiến ác nghiệt ám ảnh họ: Nguyễn Thị Hoàng chỉ biết làm điệu làm dáng trong văn chương, chỉ biết dùng chữ đao to búa lớn mà không chịu đi sâu vào lãnh vực tư tưởng chăng?


      Tìm ẩn dụ trong văn chương là làm được bước khởi hành để đi vào chiều sâu của tác phẩm, trước khi đọc tác phẩm văn chương có tư tưởng tâm linh hoặc triết học. Nhưng chẳng có phê bình gia Việt Nam nào chịu chia sẻ với Jean Cocteau để làm công việc đó. Đa số đùn công việc soi sáng và tìm tòi ẩn dụ cho các cao tăng thạc đức trong việc thuyết giảng Kinh Phương Đẳng và Kinh Đại Thừa của Phật Giáo mà thôi.


      Từ trước đến nay, các nhà phê bình của chúng ta khi gặp một quyển sách có tư tưởng triết học, hay tư tưởng tâm linh như tác phẩm của Dostoievski, Hermann Hesse, Georges Bernanos... họ lờ đi, rồi bỏ qua luôn. Có nào ai khi xem phim Lã Sinh Môn của Akira Kurosawa, rồi đề cập cái ẩn dụ về sự thật Tuyệt đối, sự thật toàn vẹn? Sự thật tự xưa giờ chỉ hiển lộ tùy theo khía cạnh cảm nhận của từng cá nhân, tùy theo vị trí cái nhìn của từng cá nhân. Như thế làm sao chúng ta cho rằng đó là sự thật vẹn toàn?


      Lại nữa, hình như đa số những tay biên khảo và những nhà phê bình văn chương chúng ta chỉ chiêm ngưỡng theo hướng đi của Vũ Ngọc Phan cùng Hoài Thanh và Hoài Chân thuở tiền chiến. Và họ cũng chỉ biết đi theo dấu vết của Cao Huy Khanh tại Miền Nam Việt Nam trước 1975. Họ quên rằng vào thời tiền chiến không có nhà thơ nào lấn sâu vào lãnh vực tư tưởng như Nhất Hạnh, Giản Chi, Võ Chân Cửu, Nguyễn Tôn Nhan ở miền Nam, sau Hiệp định Genève. Và như Thân thị Ngọc Quế, Đặng thị Quế Phượng, Như Chi ở hải ngoại. Còn về bên văn xuôi, thời tiền chiến làm sao có những tác giả kiêm tư tưởng gia như Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến (chỉ riêng qua hai tập truyện Phù Thế, Ảo Ảnh). Riêng Cao Huy Khanh vẫn là một phê bình gia lỗi lạc, nhưng anh chưa có kinh nghiệm nhiều về việc đọc lối văn thoát khỏi cái vòng cương tỏa của hiện thực và tân hiện thực. Cho nên Cao Huy Khanh không thể leo lên cái vị trí của Henri Troyat vốn là một nhà văn ăn khách chứ không phải là nhà phê bình chuyên môn của văn học Pháp. Nhưng khi viết nguyên một cuốn biên khảo về văn chương của văn hào Dostoiesvki, ông nắm bắt được ngay những then chốt tâm linh, tôn giáo mà ông Dostoiesvki dựng thành các tác phẩm L'Idiot ấy.


      Như thế, chúng ta có thể hiểu được tại sao Tan Trong Sương Mù chịu số phận hẩm hiu, thiệt thòi.



      Nguyễn Thị Thụy Vũ với "Lòng Trần"



      Nguyễn Thị Thụy Vũ
      (Ảnh Trần Cao Lĩnh)

      Nguyễn thị Thụy Vũ, tác giả truyện ngắn Lòng Trần là chị ruột của bút giả nên bút giả biết rất rõ xuất xứ của truyện ngắn này cùng khuynh hướng văn chương của tác giả. Đây là câu chuyện có thật thuộc về họ ngoại của cụ thân sinh của tác giả và bút giả. Trong truyện, cô đào hát bội Năm Thàng và sư nữ Diệu Tâm chỉ là một người. Nữ nghệ sĩ Năm Thàng sau khi chồng và đứa con trai đều chết nên cắt tóc đi tu, có cái pháp danh là Diệu Tâm. Nhưng ở ngoài đời bà Năm Thàng là mợ dâu của bà nội chúng tôi, còn sư nữ Diệu Tâm là cô họ của cụ thân sinh tôi.


      Tên của bà Năm Tháng ở ngoài đời là Tư Bổn. Bà lấy tên thật của mình làm nghệ danh. Bà thuộc hàng ngũ tiền phong trong ngành hát bội, trước lớp các bà Năm Nhỏ, Năm Chung, trước luôn lớp các bà Năm Sa-Đéc, Cao Long Ngà, Ba Út, Sáu Bê, Hai Sáng, Năm Đồ... Trong quyển 50 Năm Mê Hát, cụ Vương Hồng Sển có viết vài hàng về nữ nghệ sĩ này.


      Câu chuyện về cuộc đời của bà Tư Bổn và của sư nữ Diệu Tâm được ông thân sinh chúng tôi thường kể khi ba cha con nhắc tới làng Đạo Thạnh, thuộc tỉnh Mỹ Tho. Đó là nơi sản sinh hai nữ nhân vật ấy. Do đó, chi Thụy Vũ tôi liền nhập họ làm một để tạo ra nữ nhân vật chính trong truyện ngắn Lòng Trần. Truyệnrằng:


      Năm Thàng là cô đào hát bội, thanh sắc lẫy lừng được một ông phú hộ say mê. Ông tình nguyện gia nhập gánh hát để được theo bước lưu diễn của cô. Ông săn sóc cô và soạn tuồng để cô diễn. Cảm động tấm chung tình của ông, cô bỏ nghề hát để làm vợ ông. Rồi đó, ông chồng chết vì tai nạn sét đánh, đứa con của cả hai cũng chết sau đó ít lâu. Cô Năm Thàng cắt tóc đi tu, lấy pháp danh là Diệu Tâm, sống khổ hạnh, giữ trai giới rất nghiêm nhặt cho tới tuổi già bóng xế.


      Ngờ đâu, trong phút hấp hối, sư nữ Diệu Tâm đòi húp một muỗng nước mắm. Nhưng họ hàng thân tộc của bà cho rằng bà sắp thành chánh quả mà còn bị quỉ ma theo khuấy phá để bà bị tội phạm giới. Cho nên nọ nhất định không chiều theo ý của bà. Bà chết trong cơn hành hạ của thể xác, trong cơn thèm thuồng không được thỏa mãn. Càng chua xót hơn, trong phút lâm chung, bà quên mình là kẻ tu hành mà chỉ nhớ mình là cô đào hát bội Năm Thàng:


      ... Tất cả đứng im lặng chung quanh giường chờ đợi phút nghiêm trọng của ni cô trong khi ni cô vật vã từng đợt với Tử thần. Tiếng nói của bà vụt sang sảng như lúc còn trên sân khấu. Giọng nói trong trẻo, tỉnh táo nhưng đôi mắt bà vẫn nhắm nghiền:

      - Tôi mới biết thương mình, mấy năm mình khổ công theo đuổi tôi, mình đặt tuồng cho tôi hát.

      - Con gắng học hành cho đỗ đạt làm quan nghe con cưng của má.

      - Tôi chỉ thích sắm vai Đoàn Hồng Ngọc hơn làm Phàn Lê Huê. Mình thích tôi diễn vai nào nhứt?

      - Bớ này Tiết Giao! Ớ này bạc tình lang! Mặt chàng đẹp mà làm chi? Lời chàng ngọt ngào làm chi? Để thiếp ngày nay mất ngọc, thân thiếp bơ vơ.


      Cả một ký ức trồi nhanh lên óc bà rõ rệt và nhanh như một phim quay hết tốc lực của nó. Bà độc thoại từ quãng đời sân khấu đến quãng đời làm vợ ông phú hộ Thọ. Giọng bà đang sang sảng vụt dừng lại, dưới ánh đèn hiu hắt, ni cô mở trừng trừng đôi mắt trắng nhợt như cố thu hình ảnh sau cùng của đời sống và ni cô quờ quạng hai bàn tay trơ xương với lời van vỉ đứt nối:

      - Hãy cứu tôi, cho tôi một muỗng nước mắm thôi.

      Cô cháu dâu nhìn bà em họ:

      - Mợ ơi! Mợ nhờ sư sãi đọc kinh trừ tà nghen. Cần nhứt là canh giữ đừng cho ai đem nước mắm lại.

      Bà em họ tức mình:

      - Để tôi đọc kinh cứu khổ. Hồi xưa Phật Thích Ca gần đắc đạo thì ma vương tới phá. Còn chị này sắp về Tây Phương tới nơi cũng chưa yên thân (CGTT, các trang 77, 78)


      Tác giả trình bày sự việc theo lối kể truyện ở đoạn hồi ức về dĩ vãng vàng son của ni cô Diệu Tâm. Nhưng ở đoạn tả cảnh chùa trong phần nhập đề, ở đoạn bà nằm trên giường bệnh, tác giá mới thật sự viết văn. Bút pháp của chị đơn giản, đôn hậu và chân phương qua lối dụng ngữ miền Nam Kỳ Lục Tỉnh rất hồn nhiên và linh hoạt.

      Từ nếp sống lưu diễn vinh quang, kinh qua nếp sống khuê các trên nhung lụa để đi đến nếp sống tịnh trai khổ hạnh trong chùa, ni cô Diệu Tâm (hậu thân của nữ nghệ sĩ Năm Thàng) phải gồng mình khép mình trong trai giới. Đó không phải bà tu vì giác ngộ lẽ vô thường mà là để trốn tránh nỗi bất hạnh đau thương. Từ khởi điểm, bà đã đi lạc đường lối tâm linh. Bà trốn tránh cái thất vọng chứ không chịu quán niệm về cái Tánh Không của vạn hữu để thấy cái phù ảo huyễn hoặc của thuận cảnh hay nghịch cảnh trong kiếp sống. Bà không dám đối diện với thất vọng đau thương để phá mê diệt khổ. Đau thương, thất vọng, đam mê, đắc ý, khoái lạc, tất cả đều là phiền não do cái Ngã tạo nên. Càng trốn tránh cái Ngã, nó chỉ tạm thời lặn sâu dưới Tàng Thức chúng ta. Nhưng hễ có cơ hội thuận tiện là nó trồi lên bình diện của ý thức. Nó vùng vẫy, hung hăng đánh phá tâm thức chúng ta. Đó cũng giống như cái lò so mạnh bạo bị dồn nén tối đa. Nhưng đến một khi nào đó, sự dồn nén lơi đi, nó bung ra với sức vùng vẫy cũng không kém dữ tợn.


      Trong trường hợp ni cô Diệu Tâm, bà càng gồng mình trì giới, thì càng bị sức quyến rũ của giới cấm thu hút. Khi còn mạnh khỏe, bà còn đủ sức áp đảo nó bằng ý chí kiên cố. Nhưng khi đau yếu, ý chí đó trở nên bạc nhược nếu không tiêu tan rời rã đi. Nó vùng lên như họng hỏa diệm sơn khạc lửa và tuôn phúng xuất thạch không ai cưỡng nổi. Nó như quả bóng ném mạnh vào bức tường để rồi dội ngược vào người ném một cách thô bạo.


      Thân xác bà mòn mỏi trong giấc hôn mê chập chờn, bà nghe tiếng tụng niệm ngoài chánh điện. Trong bóng tối mù mờ, loáng thoáng có tiếng muỗi vo ve, đột nhiên ni cô Diệu Tâm cảm thấy miệng mình lạt quá, lạt kinh khủng! Phải chi có một chút nước tương để bà nếm thử. Trí óc bà dán chặt vào ý nghĩ đó, lưỡi bà khô đi đồng thời nước dãi tuôn ra đầy miệng. Thế rồi ý nghĩ bà trôi xa hơn, nước tàu vị iểu, rồi tới nước mắm. Cơ thể bà vụt bùng lên. Nước mắm! Nước mắm! Ni cô Diệu Tâm nuốt ực nước miếng. Một nỗi xót xa là nước mắt bà ướt đẫm. Có cái gì chống đối trong từng thớ thịt, khớp xương của bà.

      Bà vụt nghĩ, nếu có một muổng nước mắm chui vào bao tử của bà thì có lẽ những chấn động, phản đối trong cơ thể mòn mỏi sinh lực của bà sẽ dịu xuống, và muổng nước mắm sẽ đem lại cho bà cái khỏe khoắn để bà ngủ một giấc thật ngon và ngày mai bà sẽ tiếp tục sinh hoạt lại như cũ dưới mái chùa này.

      - Nước mắm! Muổng nước mắm!


      Ni cô hoàn toàn quên mất cái hiện tại trong chùa, quên cả mười năm tu hành. Bà rơi trong ý thức mù mờ chỉ có hình bóng muổng nước mắm bằng sứ trắng chứa một thứ nước vàng trong suốt như nước trà. Kê miệng mà nếm thử phải biết. Ni cô Diệu Tâm co rúm lại, thở hổn hển. Ba tiếng muổng nước mắm như ba nhát búa đập vào đầu óc bà làm bà lảo đảo.

      Bà phải uống một muổng nước mắm. Ngày mai dầu có phải đọc kinh sám hối, bà cũng không màng. Bà tin chắc chắn rằng dầu đọc kinh cứu khổ cứu nạn với Đức Bạch Y Quán Thế âm Bồ Tát cũng chưa chắc mầu nhiệm bằng một muổng nước mắm. Nước mắm sẽ là món thuốc tiên làm cho cây khô trổ bông, làm cho bao nhiêu sinh lực của bà bừng sống lại. Cố gắng hết tận hơi, bà thều thào gọi chú tiểu kiếm cho bà một muổng nước mắm.

      Tất cả những người có mặt quanh giường đều ngạc nhiên lẫn hốt hoảng.

      Diệu Tâm lập đi lập lại mấy lần:

      - Mô Phật! Cho tôi một muổng nước mắm, tôi uống vào sẽ hết bịnh liền.

      Tiếng kêu gọi van vỉ, thê thảm. Hai tay Diệu Tâm chìa ra tuyệt vọng. Chú tiểu bưng đến gần bà tách trà ướp sen, kề gần miệng bà. Ni cô khép chặt môi phản đối:

      - Tôi chỉ cần uống một chút nước mắm cho mặn mòi.

      Nói xong, ni cô dìm hồn vào cơn đồng thiếp; hai cánh tay gầy guộc còn giương ra quờ quạng van xin. (Chuông Gióng Thênh Thang, các trang 76, 77)


      "Tôi bước vào văn đàn bằng những truyện ngắn. Truyện ngắn khó viết vì tư tưởng lẫn cảm hứng chỉ được diễn tả trong một khuôn khổ ngắn. Người viết phải cô đọng tư tưởng. Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời. Trong ba tập truyện Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông, hầu hết các truyện ngắn đều có cốt truyện hẳn hòi, nên tôi không được vừa ý lắm." (Nguyễn Thị Thụy Vũ trả lời nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, 1973).


      Đè nén quá khứ đau buồn vào quên lãng, đè nén thất vọng vì những mơ ước không thành. Đó không phải là tu hành đúng phép, đúng cách. Tu là dùng ánh sáng trí tuệ để soi bản thể vạn pháp trong vòng tham sân si rồi đưa tất cả vào Tuệ Giác, vào Tánh Không (cái Không tuyệt đối, cái gốc rễ rốt ráo) của chúng. Có vậy, bậc hành giả sẽ tu hành một cách hạnh phúc và thảnh thơi. Đè nén dĩ vãng và niềm đau khổ, nhưng có ai giết chết được chúng đâu? Chỉ có xoa dịu chúng, âu yếm vỗ về chúng và để rồi quán chiếu cái gốc rễ của chúng, xem chúng không có thật để ta không bám víu vào chúng nữa. Nếu được vậy, hành giả sẽ thành công như người thợ săn bắt được con trăn bằng cách nắm chặt cổ nó, khác hẳn trường hợp kẻ nắm đuôi trăn bị trăn quay đầu lại quật ngã. Chỉ có ánh sáng Tuệ Giác trong những phút quán niệm, lần hồi ni cô Diệu Tâm sẽ giác ngộ rằng cái quá khứ vàng son của mình là vô thường, nỗi đau khổ của mình cũng là vô thường do sự giả hợp của nhiều yếu tố mà hình thành. Ánh sáng Tuệ Giác sẽ cho bà thấy tất cả đều là không thật, đều là như huyễn, do đó bà sẽ giác ngộ.


      Tôi xin lập lại: tu là tìm phương cách giác ngộ chứ không phải để tránh đau khổ. Đau khổ sẽ đuổi theo người u mê lánh khổ cho tới tận cùng dù nó có bị dìm sâu vào đáy thẳm tận cùng của tiềm thức đương sự đi nữa. Phật gọi đó là thức thứ 8, Tàng Thức hay là A-lợi-da thức. kho tàng bao la không ngằn mé chất chứa những kỷ niệm, biến cố, thiện nghiệp hay ác nghiệp từ vô lượng kiếp đến hiện kiếp. Mỗi tác nhân, mỗi tác nghiệp dù nhỏ như mảy lông sợi tóc vẫn còn tồn tại mãi trong cái Tàng Thức ấy, không bao giờ mất đi. Đến cơ duyên chín muồi là chúng tuần tự hiện hành.


      Muổng nước mắm đâu thể làm cho ni cô Diệu Tâm mang tội sát sanh. Nhưng nó là đầu mối, là cánh cửa mở ra để bà thấy lại con đường phàm phu thế tục quyến rũ vụt hiện bày trở lại trước mắt bà. Dù bằng ý thức chưa rõ rệt đi nữa, nhưng bà vẫn còn muốn đi trở lại trên con đường ấy, sau nhiều năm bà phải buộc mình sống trai giới chốn cửa Thiền. Nói rõ hơn, vì không còn phương tiện, cơ hội, sức khỏe và nghị lực, cho nên bà không thể trở lại đường cũ nên bà phải tiếp tục nương náu chốn chùa chiền để tìm chỗ nương thân và điểm tựa cho tinh thần mình.

      Lại nữa, tu hành mà ép xác thái quá thì tinh thần cũng bị dồn ép theo lẽ thân tâm tương ứng. Ngày xưa, Đức Thích Ca Mâu Ni tu theo ngoại đạo, nhịn ăn, nhịn ngủ thét rồi thân xác kiệt quệ và tinh thần cũng hôn ám theo. Ngài bèn xuống sông tắm cho sảng khoái, chịu uống sữa do một người thiếu phụ mến kẻ chân tu đem dâng. Xác thân có mạnh khỏe thì tinh thần và trí óc mới trở nên minh mẫn. Nhờ vậy, ngài mới tiếp tục tu cho đến khi thành chánh quả.

      Đức Phật chủ trương Trung Đạo trong đó có phần Trung Dung trong cách tu hành: đừng nuông chiều xác thân trong những thú khoái lạc, nhưng cũng không nên ép xác thân đến độ hành hạ khốc liệt xác thân. Dây đàn chùng quá sẽ không nẩy bật ra âm thanh. Nhưng nếu căng thẳng nó quá, nó sẽ đứt.


      Viết truyện ngắn Lòng Trần, Nguyễn thị Thụy Vũ không phải chỉ nêu lên cái hệ lụy ở chính nơi cá nhân cùng cái nghiệp khó tránh mà cá nhân ấy phải chịu trách nhiệm trong việc vay trả. Chị còn nhắm vào bước đường tu tập của con người sợ khổ nên lánh khổ, con người ấy không biết soi sáng căn nguyên cùng bản thể cái khổ. Chồng chết, con chết là cái ác quả của ni cô Diệu Tâm từ bao thời tiền kiếp hiện hành trong kiếp này. Còn việc bà lạc bước đường tu là bởi bà thiếu Tuệ Giác, tưởng đâu chay tịnh khổ hạnh là được Phật độ để thoát khổ và được chứng một quả vị nào đó. Bà quên rằng tu là trước hết phải thấu suốt quãng đời vinh quang thuở trước và cái tang tóc thảm thê tiếp theo, tất cả chỉ là lẽ vô thường, theo lịch trình sinh diệt. Tu là quán chiếu, là soi sáng bản thể của vạn pháp. Mà bản thể của tất cả đều là Không. Xa lánh cái phiền não (vốn là Không) tức là ta còn thấy cái khổ có thật nên mới xa lánh, tức là ta còn khư khư ôm lấy cái mộng tưởng, huyễn hoặc. Rốt cuộc ta vẫn còn mê, chưa thể giác ngộ. Tu như thế dù có chay tịnh, ép xác cũng không hiệu quả, cũng như lấy gươm chém vào nước, lấy chày giã nát ánh trăng. Nhưng nếu ta hiểu rõ nó là Không, rồi ta cứ quán chiếu cái Không ấy cho thuần thục thì ta đâu còn bị nó vương vấn, dính mắc dưới đáy thẳm của Tàng Thức nữa. Vì đã là Không rồi thì làm gì có chuyện vương vấn và dính mắc nữa?


      Qua truyện ngắn Lòng Trần, tác giả Nguyễn thị Thụy Vũ trình bày một khía cạnh tâm linh khá đặc thù: lánh tục bằng cách nương náu chốn am vân chưa chắc là ngộ. Vấn đề mê và ngộ vốn phức tạp và phiền toái. Mê vốn dễ bao trùm giăng bủa khắp mỗi loại chúng sinh. Các bậc hành giả nếu đi sai một lằn tơ kẽ tóc là bước qua đường tà có nhiều biển khổ bến mê đón đợi. Tu hành phải dựa vào nền tảng Chánh Kiến và phải do Chánh Tư Duy soi sáng hướng dẫn. Con đường đưa tới bờ chứng ngộ thấp thoáng nhiều bóng ma. Bóng ma! Đó chỉ là cách nói những chướng ngại nội tâm tuy vi tế nhưng mãnh liệt kinh khiếp được cụ thể hóa bằng hình ảnh ghê rợn để cảnh giác các hành giả đề phòng và xa lánh. Còn chướng ngại ở ngoại giới dễ tránh hơn vì nó thô tháp và diễn biến nhãn tiền nên dễ làm cho hành giả nhận chân được chúng ngay.


      Ni cô Diệu Tâm bị chướng ngại ngoại giới khi chưa xuất gia đầu Phật, bị chướng ngại nội tại khi ở chùa. Nghiệp lực cứ đưa đẩy bà vào từ cái đau khổ này đến cái phiền não kia. Đây là một nhân vật được tác giả dùng để nêu ra một khía cạnh tiêu cực của vấn đề tâm linh, vấn đề tu hành. Độc giả không sao khỏi ngậm ngùi cho kiếp nhân sinh nói chung, cho nhân vật nói riêng. Nêu ra như thế, tác giả không nhằm mục đích bài xích chuyện tu hành hay nhạo báng các hành giả. Trái lại, chị đưa độc giả đối diện và quan sát chuyện phá mê diệt khổ, giúp họ thắp sáng Chánh Kiến khi họ dấn thân vào con đường tu tập. Cái tiêu cực của cậu truyện vẫn dung chứa mầm mống tích cực để giúp hành giả tránh những chướng ngại và cạm bẫy do cái tà kiến tạo ra.


      TỔNG KẾT


      Quyển tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta ít có những tác phẩm có ý tình chôn sâu sau mặt chữ, trừ Cửa Tùng Đôi Cánh Gài của Nhất Hạnh, Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp của Hồ Hữu Tường, Một Ngày Để Tùy Nghi của Võ Phiến... Bởi họ là những nhà văn lớn hoặc là nhà tư tưởng lớn, cho nên các nhà biên khảo và các nhà phê bình cày cục tìm tòi những ẩn dụ tư tưởng trong các tác phẩm của họ. Còn về phía các truyện ngắn của các nhà văn nữ đóng góp trong tuyển tập đó, có lẽ truyện ngắn Lòng Trần của Nguyễn thị Thụy Vũ được nói tới nhiều. Không hiểu các nhà biên khảo và các nhà phê bình khi đề cập tới truyện ngắn ấy đã nắm bắt những gì qua khía cạnh tâm linh?


      Nhưng hình như chẳng có ai nhìn nó qua lăng kính Duy Thức Học, trong đó có một phần nói về Tàng Thức. Họ chú ý tới nó vì hồi kết cuộc của câu truyện quá bất ngờ, như trái lựu đạn nổ tung vào tín ngưỡng và vào ảo tưởng của họ. Riêng truyện ngắn Tan Trong Sương Mù của Nguyễn thị Hoàng, gần 50 năm qua mấy ai còn nhớ? Và chẳng có nhà phê bình nào, nhà biên khảo nào thèm đoái hoài tới nó, viết cho nó vài câu. Thật ra mấy ai chiêu cảm được cái ẩn dụ của tác phẩm này? Mấy ai có kinh nghiệm khi đọc một tác phẩm văn chương có ẩn dụ? Mấy ai biết cái giá trị không nhỏ của ẩn dụ trong văn chương? Mấy ai hiểu rằng tìm được cái ẩn dụ trong tác phẩm là mở tung một cánh cửa đóng kín trên mặt chữ để bước vào một chiều sâu đáng kể của nội dung tác phẩm?


      Riêng về Võ Đình, độc giả chỉ nghĩ rằng anh là một họa sĩ nổi danh, còn văn chương là nghề tay trái của anh. Bởi cái thành kiến kiên cố ấy nên họ không tìm được chất phục linh và chất hổ phách quý giá ở cây tùng sống trên vài trăm năm qua hai quyển tập truyện Xứ Sấm SétLầu Xép.


          Hiễu Thúy Đường, 2004.


      Hồ Trường An

      Nguồn: Khởi Hành số 185, tháng 3.2012

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nhà văn Đỗ Phương Khanh Hồ Trường An Hồi ức

      - Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai Hồ Trường An Nhận định

      - Giới Tính Trong Văn Chương Nghệ Thuật Hồ Trường An Tùy bút

      - Trương Anh Thụy với những bài thơ thấm nhuần tư tưởng Đông Phương Hồ Trường An Nhận định

      - Mạc Phương Đình: Thi Tập "Ru Người Ru Đời" Hồ Trường An Nhận định

      - Vũ Khắc Khoan Với Thần Tháp Rùa Hồ Trường An Khảo luận

      - Thụy Khuê với Nhân Văn Giai Phẩm Hồ Trường An Khảo luận

      - Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù Hồ Trường An Tạp luận

      - Nguyễn Thị Thụy Vũ với Lòng Trần Hồ Trường An Tạp luận

    3. Bài viết về nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Nguyễn Thị Hoàng

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Đọc lại Vòng Tay Học Trò sau 60 năm tác phẩm ra đời (Hoàng Thị Bích Hà)

      Nguyễn Thị Hoàng, tuyển truyện 12 tác giả (Viên Linh)

      Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù (Hồ Trường An)

      Nhà Văn Nữ: Thời Cuộc và Đời Sống (Lê Phương-Chi)

      - Một Ấn Phẩm Của Nguyễn Thị Hoàng (Viên Linh)

      - Cuốn Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng dưới góc nhìn Phân Tâm Học (Nguyễn Văn Lục)

      - Nguyễn Thị Hoàng người yêu muôn thuở

         (Thụy Khuê)

      - Đâu là chân dung đích thực của tác giả tiểu thuyết “Vòng tay học trò”? (Du Tử Lê)

      - Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. (Đỗ Nguyễn)

      - Nguyễn Thị Hoàng và vấn đề sáng tạo (Liễu Trương)

      - Màu sắc hiện sinh trong “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng (Đào Thị Hoa)

      - Nguyễn Thị Hoàng – “Định mệnh còn gõ cửa”

        ( Nguyễn Trường Trung Huy)

      - Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng – Người đàn bà đẹp

         (Trần Áng Sơn)

      - Nguyễn Thị Hoàng và Người Yêu Của Đấng Trời

        (vnin21.blogspot.com)

      - Viết về Người Một Thời (Thụy Vi)

       

      Tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      - Buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tại Đại Học Văn Khoa S2i Gòn năm 1971

      - Cho Những Mùa Xuân Phai

      - Dấu Chân Bãi Cát

      - Vòng Tay Học Trò

       

      Tác phẩm trên mạng:

      - vietmessenger.com      - isach.info

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)

      Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)

      Nguyễn Thụy Đan: Những thác ghềnh ẩn mật (Nguyễn Minh Nữu)

      Nguyễn Minh Nữu (Nguyễn Vy Khanh)

      Nguyễn Thị Thanh Dương và Một Buổi Giới Thiệu Sách Thật Cảm Động (Chu Tất Tiến)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)