1. Head_

    Ngô Tất Tố

    (..1894 - 20.4.1954)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Trương Anh Thụy với những bài thơ thấm nhuần tư tưởng Đông Phương (Hồ Trường An) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      7-9-2019 | VĂN HỌC

      Trương Anh Thụy với những bài thơ thấm nhuần tư tưởng Đông Phương

        HỒ TRƯỜNG AN
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà văn Trương Anh Thụy

      Đây là những bài thơ do Trương Anh Thụy trước tác vào khoảng cuối năm 2000.


      Những bài thơ ấy quá ngắn, phảng phất như thể thức thơ Bài Cú (Haiku) của văn học Nhật Bản. Có thể có người nghĩ đặt bên những bài thơ của các bậc nữ lưu thi sĩ khác thì đây là những mảnh vụn.


      Nhưng những mảnh vụn ây long lanh một ánh sáng đặc biệt, một màu sắc đặc biệt không giống bất kỳ vóc dáng kỳ trân dị bảo được tượng trưng trong các thi phẩm của người khác. Chúng khiêm tốn đứng một góc riêng biệt trên thị đàn nữ giới. Khiêm tốn nhưng không bị chìm khuất bởi những thi phẩm có vóc dáng đồ sộ.


      Trước hết, đây là những bài thơ nếu không đi sâu vào cốt tủy của thơ Thiền thì vẫn nhuần thấm Thiền phong, Thiền vị. Dường như khi cầm bút và khi đối diện với xấp giấy bản thảo, Trương Anh Thụy đã mở rộng tâm hồn để nguồn Thiền len lỏi vào mạch cảm hứng của mình, tưới tẩm, nhuần thấm mạch cảm hứng ấy. Mạch cảm hứng ấy đã được truyền vào nội giới của người đọc khi đến với thơ Trương Anh Thụy. Và có thể bảo, trong phút giao cảm kỳ diệu, nguồn thiền, mạch cảm hứng, với tác giả là Một. Lại nữa, nguồn Thiền ở ngoài tác giả là cái Phi Ngã, còn mạch cảm hứng ở nơi độc giả và tác giả là cái Ngã. Trong phút nhập Thiền, Phi Ngã lẫn vào Ngã. Theo kinh Đại Thừa của Phật giáo thì Phi Ngã là Cảnh, là cái ngoài ta. Còn Ngã là Tâm, cái ở nơi ta. Cho nên Phi Ngã nhập vào Ngã tạo nên trạng thái Tâm Cảnh Nhất Như. Tức là phút nhập thiền kỳ diệu.


      Xin đọc bài Nắng Ngọ:

      Đuổi bướm trên đồng hoa

      hây hây gió vui hòa

      lòa tan trong năng ngọ

      đồng không, hoa, bướm, ta...


      Đồng không, hoa, bướm thuộc về Cảnh, về Phi Ngã có phải? Ta ở đây (tức là Ngã, là tác giả) là cái thuộc về Tâm, có phải? Cái phút chói lòa trong nắng hạ có phải là phút đốn ngộ để tâm thức bừng sáng? Nếu bạn đọc đồng cảm với bút giả ắt phải nhận đây là một bài thơ vừa có ẩn dụ (parabole/ métaphore), vừa là một bài có Thiền vị, Thiền phong.


      Cũng thế, bài Đời có hai cặp hiện tượng đối nghịch trong cùng một bản thể: đó là màu trắng và màu đen ở con nhện. Và đó cũng là tượng trưng cái hên và cái xui trong cuộc đời. Đạt được hai hiện tượng đối nghịch trong một bản thể, tức là đi vào Thiền, đi vào Kinh Phương Đăng và Kinh Đại Thừa của Phật giáo:


      Nhện đen mang tin dữ

      nhện trắng báo tin vui

      lại đây, ta ôm cả

      đời là chuyện hên xui!


      Bài thơ mang tư tưởng Thiền, nhưng không thấm đậm chất thơ theo lối nghĩ quen thuộc. Nó có hình ảnh – hai con nhện – nhưng nhện trắng lẫn nhện đen trong thơ không tạo nên một hoạt cảnh. Một bài thơ thuần túy chẳng những cần hình ảnh mà còn cần phải có một hoạt cảnh để thơ được linh động, chập chờn trong ấn tượng người đọc cái linh lung thi vị hơn.


      Và hãy đọc bài thơ Con Tằm:

      Trên né rơm óng ả

      con tằm chín nhả tơ

      vàng ong tia nắng hạ.


      Né rơm màu vàng, năng hạ màu vàng, tơ cũng màu vàng. Nhưng có màu vàng nào giống màu vàng nào đâu?


      Màu vàng rơm hơi ửng sắc xám, màu vàng của tơ giống màu lông chim hoàng yến, màu vàng của nắng lóng lánh sắc giấy trang kim.


      Dù chúng khác nhau, nhưng vẫn giữ màu vàng căn bản, có thể kết hợp theo giai điệu ton-sur-ton. Ở bài thơ này, con tằm là chủ thể, né rơm và nắng là ngoại cảnh, tơ tằm dù phần còn ở trong bụng hay phần đã nhả ra ở né rơm vẫn là cái thuộc về tằm. Cái thuộc về tằm (tơ), cái không thuộc về tằm (nắng và né rơm) đều cùng có chung một bản chất (màu vàng) há không gợi cho người đọc một ý niệm về Thiền hay sao?


      Triết lý của Lão tử và Phật pháp, luôn cả tinh thần giáo phái Soufisme của Hồi giáo đều có một điểm tương đồng là căn cứ trên tinh thần bất nhị (le non-dualisme, le non-deux). Hai cái đối nghịch trong một bản thể rút cuộc cái này là cái kia, dơ tức sạch, trắng tức đen, phiền não tức là giải thoát bồ đề, sinh tức là diệt.


      Cái sinh và cái diệt trong thơ Trương Anh Thụy xảy ra ở ngay một chỗ, chẳng hạn ở ngay chỗ nứt của một cành cây, ở dưới một tảng băng.


      Xin đọc bài thơ Lộc Xuân sau đây:

      Ồ bình minh!

      Cành pha lê rạn nứt

      một chồi non.


      và bài Tiếng Xuân:

      Lắng mà nghe!

      Dưới tảng băng dầy cứng

      tiếng xuân.


      Ở bài thơ đầu, vào mùa xuân cành cây đóng băng, lá trên cây đã lìa cành từ độ vào thu. Nhưng khi băng tan, chính ở chỗ lá chết trên cành, một chồi non nứt ra.


      Cũng vậy, ở bài thơ sau, cùng thời ở tảng băng lạnh lẽo, trên mặt băng là sự chết chóc, nhưng dưới tảng băng có nhiều mầm sống âm thầm, thao thức, chỉ đợi mùa xuân, khi tảng băng tan rã, các mầm sống ấy sẽ trỗi dậy, bừng bừng phát triển. Tác giả không nói rõ ở dưới tảng băng là môi trường gì.


      Nếu là đất thì những hạt giống của cây, những mầm cỏ vẫn giữ trạng thái tiềm sinh, đợi đến sang xuân sẽ đâm chồi nảy lộc. Và, còn các loài côn trùng hoặc trứng côn trùng nữa. Côn trùng thuộc loài ngủ say suốt mùa đông lạnh đợi sang xuân sẽ tỉnh giấc, sẽ phục sinh. Còn trứng của vài loại côn trùng từ đầu đông cũng sống trong trạng thái “hôn thụy tiềm sinh”... đợi khi thời tiết ấm dần lũ ấu trùng mới nở chui ra khỏi vỏ trứng. Loài ngân thử cũng thế, cũng say ngủ trong sào huyệt tương đối ấm áp hơn ngoài lộ thiên trong mùa đông băng giá sẽ bắt đầu thức giấc, nối lại cuộc sinh hoạt trong suốt ba mùa tiếp nối.


      Còn nếu dưới tảng băng là nước ao, hồ thì có các loài thủy tộc cùng rong rêu và các loại cây sống dưới đáy nước. Chúng có thể cầm cự với nhiệt độ đỡ khắc nghiệt hơn phía trên tảng băng và tuy chúng sống dật dờ, có vẻ ngưng đọng, biếng nhác nhưng sức đề kháng vẫn tiềm tàng. Rồi khi xuân trở về, băng giá rã tan, nước ao hồ bớt lạnh, các loài thủy tộc cùng rong rêu và các loại cây trầm thủy giỏi chịu lạnh kia sẽ phục sinh, trứng loài thủy tộc sẽ nở thành ấu trùng, rong rêu và cây trầm thủy sẽ xanh tươi, mọc thêm nhánh mới. Tất cả phát triển sung mãn khi ánh thiều quang tươi sáng hơn, thời tiết ấm áp hơn.


      Bởi thế dưới tảng băng, ở trong mạch đất hay trong nước vẫn có biết bao thứ tiềm sinh gây tiếng động nhỏ ngoài giới hạn nhĩ căn của ta, để đợi mùa xuân trỗi dậy.


      Ở đây, câu chót của bài Tiếng Xuân với hai chữ “tiếng xuân” cũng đủ gói ghém rất nhiều tình ý. Chữ ít mà nghĩa nhiều, chữ ngắn mà nghĩa dài, mở rộng tầm liên tưởng, phóng đại cõi mường tượng để vẽ trong đầu óc nhiều môi trường hoạt động của sinh vật dưới tảng băng.


      Trong quyển Lão Tử Tinh Hoa của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần có đoạn nói về sự giản dị của ngôn ngữ. Một bài thơ càng ít chữ ít lời càng mở rộng trong tâm hồn người đọc nhiều thế giới đa dạng, muôn vẻ muôn màu: “Thi văn cũng như hội họa thượng thặng của Đông Phương vì vậy mà quí sự giản dị, cô đọng và hàm súc, nhất là hết sức khêu gợi với những hình ảnh lung linh, với những câu văn “không lời” (vô ngôn), dài ngắn bất thường. Phải biết “đắc ý nhi vọng ngôn” thì mới thưởng thức được nghệ phẩm của Đông Phương, như Trang Tử đã nói.” (LTTH, trang190)


      Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần trước đó còn nói về cái “thiếu" trong văn chương nghệ thuật. “Thiếu” ở đây tức là ít lời. Ở trường hợp thi ca Trương Anh Thụy, loại thơ ít chữ đã tạo cho nhà thơ một cõi thơ độc đáo, từ xưa đến nay chẳng ai làm thơ ít chữ ít lời như vậy. Như thế, Trương Anh Thụy đã đi theo tôn chỉ của Lão Trang, bởi theo học giả Nguyễn Duy Cần: “Phàm cái gì “thiếu” cũng hay hơn “đủ”, lại càng hay hơn "thừa.” Trong văn chương nghệ thuật, hễ bớt lời là thêm mạnh cho ý.... Ý mà rườm rà sẽ làm bớt sự khêu gợi và lòng hứng thú: “Tổn chi nhi ích, ích chi nhi tổn.” (bớt là thêm, thêm là bớt). Không nói, nhưng nếu cần phải nói, thì chỉ nên nói nửa lời thôi.” (LTTH, trang 185)


      Trở lại bài Lộc Xuân nếu căn cứ trên mặt chữ thì chỉ vì tuyết trong đêm bám trên cành, gặp lạnh nên đông thành băng. Rổi bình minh đến, khách ngoạn cảnh thấy cành cây long lanh như đúc bằng pha lê. Đó là cái lạ ngoạn mục, nhưng đáng ngạc nhiên hơn là một chồi non mọc từ kẽ nứt của lớp băng đọng long lanh trên cành (mà tác giả gọi là cành pha lê). Đấy, tác giả Trương Anh Thụy với tinh thần Lão Trang của Đông Phương học thuật, áp dụng lời ít ý nhiều, khêu gợi nơi độc giả sự mường tượng, biết bao vận sự để trám vào chỗ trống (hư không) của bài thơ nói riêng và để làm sáng tỏ cái công dụng của hư vô mà ông Lão Tử đã đề xướng.


      Nếu theo tinh thần Bát Nhã của đạo Phật thì từ chỗ lá rụng nẩy ra chồi lá non mới, Trương Anh Thụy nêu lên cái Sinh và cái Diệt ở một dấu vết của cành cây. Cũng vậy, trên mặt của tảng băng là nơi không có sự sống, nhưng dưới tảng băng là có những tiềm sinh để nhĩ căn qua sự tưởng tượng tuyệt vời, nắm bắt được tiếng sinh hoạt của chúng – như trong bài Tiếng Xuân.

       

      Với lời dè sẻn, ngôn ngữ tiết kiệm, nhà thơ Trương Anh Thụy gợi cho ta những chỗ trống dùng cho “lạc khoản” (bài thơ đề tranh) của bức cổ họa. Nhờ có chỗ dành cho lạc khoản bức tranh tạo cho người ngắm một chút dễ thở, một cảm giác sảng khoái và thư thái. Ở đó với những chữ thảo bay bướm hoặc với thứ chữ chân phương xương kính, nhà thơ có thể viết dăm ba câu thơ, nói lên niềm rung cảm mình đối với bức tranh. Mỗi người có một rung cảm riêng. Và dù có một số người có vài điểm chung về cảm nhận, nhưng chỗ dành cho lạc khoản vẫn dành cho mỗi nhà thơ cơ hội đề một bài thơ với cảm tưởng và tình ý riêng của mình.


      Đọc thơ Trương Anh Thụy, người đọc không cần phải suy nghĩ nát óc để nắm bắt tình ý tác giả mà chỉ cần tưởng tượng thêm những vận sự xen giữa hai câu thơ, những vận sự trước hay những vận sự sau bài thơ, và có thể những vận sự xung quanh bài thơ. Dù không hiểu trọn vẹn tình ý tác giả, nhưng người đọc cũng đủ cảm thấy tâm hồn mình phì nhiêu cảm hứng rồi.


      Thử đọc bài Hoài Cổ:


      Trên gác chuông chùa cổ

      Bầy câu chợt sững sờ

      vang vọng tiếng ngân xưa.


      Người đọc bắt gặp những gì ở câu chót bài thơ?


      Tiếng chuông đã thuộc vào quá khứ. Gác chuông của ngôi chùa cổ và bầy bồ câu là hình ảnh, là thực thể hiện tại. Trong thực tế, chuông không gióng lên, không có tiếng ngân vang.


      Những hình ảnh gác chuông còn đó làm cho bầy bồ câu sững sờ. Tác giả đã đưa vào đầu óc chúng, vào nội giới chúng cái vang vọng của tiếng chuông xưa.


      Tác giả không cho ta biết cái vang vọng đó gây một ảnh hưởng gì, một xáo trộn kỳ bí gì. Nhưng người đọc biết được thái độ sững sờ của bầy bồ câu. Như vậy cái vang vọng của tiếng chuông xưa đã có hiệu năng, có ảnh hưởng với loài chim kia. Có thể tự hỏi điều gì tạo cho lũ bồ câu cái chấn động trong nội giới của chúng và có thể sẽ nhớ lại hai câu thơ của Chu Mạnh Trinh trong bài Phong Cảnh Hương Sơn:


      Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

      Lửng lơ khe yến cá nghe kinh.


      Cái huyền thoại chim dâng trái cúng Phật, cá nghe giảng kinh Phật, dù có dù không, khi đọc bài thơ Hoài Cổ của Trương Anh Thụy, người đọc vẫn cảm thấy một cái gì huyện nhiệm khó tả quanh bài thơ, biến bài thơ thành một cảnh giới sâu thăm thẳm, cuốn hút trí tưởng tượng cùng những dao động, những cảm xúc của người đọc vào đó. Và tiếp theo xin cùng đọc bài Tàn Thu:

      Lá đuối nhau

      vào ngõ cụt.

      vần mây cao.


      Gió đuổi những chiếc lá vào ngõ cụt thì gió dồn lại mạnh hơn vì bị sức cản. Nhờ vậy những chiếc lá không còn bay là đà nữa mà chúng bay bổng lên như đuổi theo mây trên trời cao. Như vậy chúng ta có thể nghĩ bài thơ này qua lời then chốt trong Kinh Dịch: Cùng tắc biến, biến tắc thông. Đó cũng là chương PhảnPhục trong Lão Học Tinh Hoa mà Thu Giang Nguyễn Duy Cần khai triển như sau: “Đạo là quân bình, không có cái gì thái quá... Thái quá ở đây thì bất cập ở kia; bất cập ở đây thì thái quá ở kia. Cho nên cái gì khuyết thì Đạo sẽ bù vào cho đủ, lại vẹn toàn lại.... Cái gì cong thì Đạo sẽ làm cho ngay lại; cái gì sâu thì Đạo sẽ lấp lại cho đầy, cái gì cũ thì Đạo sẽ làm cho mới lại... Ít thì lại được, nhiều thì lại mê... (LHTH, trang 113)


      Có lẽ Trương Anh Thụy không có sở trường làm những bài thơ dài, theo đúng niêm luật vì những thứ đó đóng khung thần trí sáng tạo của tác giả nên đã chọn chỉ làm những bài thơ ngắn để hiển lộ ý tình, tư tưởng của mình và vì thế đã chịu ảnh hưởng thi ca xứ Phù Tang. Xin đọc bài Lá Rụng:

      Chiếc lá rụng

      trên mặt ao

      tan vỡ cả trăng sao.


      Bài này nếu hiểu theo ẩn dụ thì: Trăng sao in trong đáy ao là cái bóng phản chiếu của trăng sao trên trời. Đó là cái ảo. Chiếc lá rụng là cái thật, cái chân.


      Cái chân xóa nhòa cái ảo, như chiếc lá rụng làm xao động mặt nước, xóa nhòa bóng phản chiếu của trăng sao. Cái chân lấn át cái ảo. Thực tế phũ phàng – chiếc lá rụng – xóa cái mơ mộng phù ảo được tượng trưng bởi bóng phản chiếu của trăng sao.


      Người hiểu về Chân Tâm và Vọng Tưởng trong kinh Phật có thể thú vị tuyệt vời với bài Lá Rụng. Hình ảnh trăng sao trong đáy nước là biểu tượng của Chân Tâm. Lớp sóng xao động vì chiếc lá rụng, xóa nhòa hình ảnh trăng sao trong đáy nước tượng trưng cho Vọng Thức. Khi sóng thôi xao động, ao nước phẳng lặng như trải gương, hình ảnh trăng sao hiện rõ ràng trở lại khác nào khi Vọng Thức tan biến thì Chân Tâm hiển lộ.


      Những bài thơ ngắn của Trương Anh Thụy làm sáng tỏ tư tưởng Lão Trang qua nhận định của Thu Giang Nguyễn Duy Cần: “Về phương diện nghệ thuật nói chung, công dụng Hư Không cũng được áp dụng bằng pháp “khêu gợi”... Dùng lời nói hữu hạn không làm sao diễn tả cái vô hạn như chân lý, cho nên công dụng của cái Không trong nghệ thuật Đông Phương là nghệ thuật “biểu diễn cái không lời” (ngôn vô ngôn), nói mà không nói, như Phật Tổ Như Lai sau 49 năm thuyết pháp đã long trọng tuyên bố “chưa từng nói một lời nào.”

      Trong văn nghệ phẩm thượng thừa của Đông phương, vì vậy phần nói lên được không phải là phần chính. Phần chính lại là phần không nói được nên lời, bất cứ trong câu văn hay trong nét họa. (LHTH, tr.184)


      Bởi vậy, ở chỗ Trương Anh Thụy không nói, mỗi độc giả tự dựng cho mình những bối cảnh riêng, vận sự riêng, hình ảnh riêng, nhân sinh quan riêng, tư tưởng riêng, rung cảm riêng...


      Thơ như vậy có sức dung chứa thăm thẳm bao la.


      *


      Nhưng Trương Anh Thụy không chỉ làm loại thơ ngắn gọn mang nặng ảnh hưởng thể loại Haiku trong văn học Nhật Bản mà còn sáng tác những bài thơ tự do không tuân thủ hay biểu hiện một quy luật nào. Tuy nhiên những bài thơ này dài, ngắn tùy theo cảm hứng của tác giả, vẫn thấm đẫm Thiền phong, Thiền vị.


      Hãy đọc bài Khung Tranh:

      Chim đại bằng

      Tung cánh giữa trời xanh

      Bao giờ bay khỏi khung tranh?


      Đây là bài thơ ẩn dụ về mê vọng qua chim đại bằng. Khung trời xanh trong tranh là cõi mê, cõi ảo mộng, cõi vọng tưởng dù nó rực rỡ sắc thiên thanh, hoặc ngọc lam, ngọc thúy... Con người còn u minh vọng động, nếu không được soi bởi ánh sáng tuệ giác thì vô phương tránh khỏi cõi hồng trần uể độ có trùng điệp giấc mơ, ảo tưởng chất chồng? Làm sao thoát khỏi lưới mê vọng chập chùng vây bủa?


      Cũng thế, ở bài Vớt Trăng Rụng, nhà thơ nói lên cái bị đát của kẻ săn đuổi ảo tưởng thay vì chạy theo Sự Thực được Kinh Lăng Nghiêm gọi là Chân Tâm. Ví dụ như đương sự theo đuổi cái bóng phản chiếu của Chân Tâm, tức là cái Vọng Tưởng, cái ảo mộng:


      Đàn khỉ con hớn hở

      leo tuốt lên cành cong

      nhoài người vớt trăng trong đáy nước

      Cành gẫy

      Xác đây sông!


      Vẫn là hai bài thơ ẩn dụ, thấm nhuần tinh thần Phật giáo. Bóng phản chiếu của Sự Thực, không phải là sự Thực. Đó là chưa kể còn có những ảo cảnh tuy không phải là bóng phản chiếu của Sự Thực trong đáy nước hay trong đáy gương, nhưng lại na ná giống hình ảnh Sự Thực. Đây cũng là một vận sự trong kinh Phật: Đàn nai khát nước đi tìm nước uống. Chợt thấy vệt nắng in trên vách đá, chúng nhảy bổ vào vách đá vì tưởng vệt nắng là dải suối trong ngời để chúng được vẫy vùng tắm mát, để được uống những ngụm nước mát rượi. Do đó mà chúng vỡ đầu, chết tươi!


      Như thế, khi bỏ Chân chạy theo Vọng nếu không tự chuốc lấy tai họa thì cũng gánh vác hệ lụy và phiền não.


      Dòng sông tượng trưng cho cõi mê. Bóng trăng trong đáy sông tượng trưng sự cám dỗ của ảo ảnh. Cho nên, nếu nghĩ sâu hơn chút nữa, ắt sẽ thấy dòng sông trong bài thơ Vớt Trăng Rụng là nơi có cái hung hiểm của một cạm bẫy có thể giết chết kẻ mê vọng – được tượng trưng qua đàn khỉ. Trong kinh Đại Thừa, Phật dùng bóng phản chiếu của cái cụ thể như hoa giả lồng trong đáy gương, bóng trăng chìm trong đáy nước, để chỉ cái Chân Tâm bị Vọng Thức làm thành Vọng Tâm mà nói theo văn chương là ảo mộng, ảo ảnh, huyễn cảnh...


      Chúng sinh trong các cõi ta-bà chỉ thấy hình bóng của Sự Thực lọt vào năm giác quan – khẩu, nhĩ, thiệt, thân, ý – nên chỉ mới bắt được lục trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó chỉ là những khía cạnh của sự thật, hoặc hình bóng của sự thật qua mức chiêu cảm giới hạn của con người. Trên thực tế, có những cái lọt khỏi mức chiêu cảm của chúng ta, phải dùng máy móc do phát minh tiến triển mới lần hồi tìm thấy như nguyên tử, hạch nhân, hồng ngoại tuyến, tử ngoại tuyến, tia laser chẳng hạn... Đó là vài thí dụ. Trong thiên nhiên còn vô số bí ẩn mà khoa học chưa tìm thấy nên giác quan chúng ta không cảm nhận nổi. Tóm lại, cái gì chiêu cảm trong cõi ta-bà này đều là hiện tượng, mà hiện tượng chỉ là vài khía cạnh, vài hình bóng của Sự Thực. Cho nên Sự Thực chẳng những lọt ra ngoài chiêu cảm mà còn lọt ra ngoài mức khái niệm chúng ta. Chỉ những người chứng ngộ mới nắm bắt được Sự Thực mà thôi.


      Hai bài Khung TranhVớt Trăng Rụng dù không làm sáng tỏ tinh thần bất nhị, nhưng cũng vẫn là bài thơ chịu ảnh hưởng sâu đậm Kinh Thượng Đẳng và Kinh Đại Thừa của Phật giáo.


      *


      Sau đây là những bài thơ, trừ bài Chuồn Chuồn, dù không đi vào thuyết Bát Nhã của nhà Phật, hay đi vào tư tưởng Lão Trang, nhưng vẫn là những bài thơ xúc tích, cô đọng làm phong phú dòng liên tưởng và làm phì nhiêu cõi mường tượng và nguồn cảm hứng cho người đọc.


      Trước hết xin đọc bài Chuồn Chuồn:

      Lơ lửng dưới cành tre

      bay đứng con chuồn ớt

      đỏ au nắng trưa hè.


      Con chuồn ớt vốn nhỏ bé, sắc đỏ au trên thân thể và trên cặp cánh của nó chưa thể tỏa hào quang làm cho một vùng nắng được nhuộm đỏ au. Rất có thể đây là một ẩn dụ mà Trương Anh Thụy muốn đưa vào thơ. Rằng: người ngắm – tức tác giả – vào một phút chìm đắm tuyệt vời trong ảo tưởng, từ con chuồn chuồn ớt đã thấy màu đỏ của nó nhuộm cả bầu trời nắng trưa. Ta cũng có thể nghĩ rằng: trong phút nhập thần, tác giả hóa thân thành con chuồn chuồn ớt như Trang Chậu hoa bướm, với tâm hồn rực rỡ màu son, nhìn ra cảnh bên ngoài đỏ au theo thuyết Tâm Cảnh Tương Ứng, Tâm Cảnh Nhất Như của nhà Phật. Chỉ cần một câu then chốt “đỏ au nắng trưa hè”, Trương Anh Thụy đưa biết bao vận sự, biết bao tra vấn cho người đọc. Càng liên tưởng nhiều vận sự, càng tạo biết bao tra vấn, người đọc càng thêm thú vị tuyệt vời.


      Hành Hương:

      Đầu đội gạo

      đàn kiến kéo nhau đi

      cúng dường ngôi Tam Bảo.


      Kiến tượng trưng cho sự kiên nhẫn, sự siêng năng, Khi gặp được một hột gạo hay một miếng mồi lớn hơn chúng, chúng vẫn có thể xúm nhau ì ạch kéo mồi về tổ. Nhìn ngắm đàn kiến tha mồi, có thể viết một bài học luân lý hay một bài thơ ngụ ngôn để ca ngợi cái bền chí của chúng. Nhưng đàn kiên dưới mắt nhà thơ Trương Anh Thụy lại khác. Chúng không mang hạt gạo về tổ theo truyền thống “tích cốc phòng cơ – dự trữ lúa gạo phòng khi đói.” Chúng đem gạo cúng dường Tam Bảo mới là chuyện đáng nói, mới là chuyện đặc thù do nhà thơ Trương Anh Thụy tưởng tượng ra.


      Đây là một bài thơ ẩn dụ nói về tấm lòng thành khẩn của kẻ phát nguyện cầu đạo dù phải trải qua chặng đường gian nan khổ ải vượt quá sức của mình. Càng gian nan, tấm lòng cầu đạo của mình càng sáng tỏ, chí nhẫn nhục càng kiên cường, cái Dũng trong Bi Trí Dũng càng gia tăng nội lực.


      Bài thơ này chỉ có cái ẩn dụ làm cho thơ khỏi nông cạn thôi, chứ chưa phải là một bài thơ tư tưởng được.

      Và điều đáng nói là cái ẩn dụ trong thơ khá đặc thù.


      Cũng từ đàn kiến, nhà thơ Trương Anh Thụy lại nhìn một con kiến qua một vận sự khác, qua một khía cạnh khác ở bài Cái Kiến:

      Tha miếng mồi

      to thật to

      con kiến tụt dốc mãi!


      Bài thơ này vẫn là bài thơ ẩn dụ về cái tham vọng của thế nhân. Miếng định chung đang ở trong tay kẻ tham vọng, nhưng không vừa vòng tay ôm của đương sự. Nó trở thành chướng ngại với đương sự khi đương sự muốn leo lên tuyệt đỉnh danh vọng. Cái chướng ngại gây nên hậu quả trái ngược với ước vọng của đương sự, đưa đương sự vào sự sụp đổ, sa lầy. Đó là cái bi thảm của kẻ mê vọng. Bài thơ Con Dế và bài thơ Nhện sau đây càng làm nổi bật cái Mê và cái Khổ đeo đẳng chúng sinh khi ánh sáng giác ngộ chưa chiếu vào tâm thức họ.


      - Con Dế:

      Từ bao diêm bé nhỏ

      anh dể chọi thập thò

      nghe động tĩnh!


      Nhện:

      Trời bỗng nổi giông tố

      con nhện nằm trói gô

      trong mạng nhện.


      Bị nhốt trong bao diêm bé nhỏ, con dế coi như bị cầm tù rồi. Vậy mà trong tù ngục, nó còn sợ hãi những bất trắc có thể xẩy tới nên cứ thập thò xem động tĩnh ra sao. Con người cũng thế, trong cái tự do bị giới hạn, họ còn bị tai ương ám ảnh, dọa dẫm.


      Còn con nhện, cái lưới nhện vẫn là chỗ trú ngụ an toàn của nó, nhưng đối với các côn trùng có cánh như ruồi nhặng, mối, muỗi là cái lưới bẫy để nhện bắt mồi nuôi sống. Nhưng trời lại nổi cơn giông tố, cái lưới nhện vốn mong manh, chẳng biết lưới sẽ tan rã vào lúc nào. Thiên tại đã tới, chúng sinh gồm người lẫn nhện làm sao đủ sức chống đỡ, nên nhện đành nằm im như bị trói gô, chẳng biết cái chỗ cư trú và cái phương tiện mưu sinh của mình bị tước đoạt vào lúc nào. Như vậy bài thơ nói lên cái bất lực của chúng sinh trước thiên tai, trước cái lôi cuốn hung hãn như cuồng phong bạo vũ của nghiệp lực.


      Theo tinh thần Phật giáo, thử đọc bài Dã Tràng:

      Triều lên bãi Biển Đông

      dã tràng se cát

      cát se

      dã tràng

      không!


      Vận sự dã tràng se cát Biển Đông thì ai ai cũng đều biết. Không ai có thể thấy và biết ngược lại. Vậy mà Trương Anh Thụy dù không đặt ngược vấn đề, nhưng lại đặt một câu hỏi đánh mạnh vào chiêu cảm của ta. Dã tràng se cát, hay cát se dã tràng. Có phải tác giả hoài nghi một cách lố bịch không? Có phải tác giả bày trò trặc treo và có khuynh hướng đặt lại vấn đề không?


      Đức Phật đã từng nói: “Thấy vậy mà không phải vậy...” Cái chiêu cảm của chúng sinh này không phải như cái chiêu cảm của mọi chúng sinh khác, không phải như cái thấy biết của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là Đức Phật. Chúng sinh không bao giờ thấy được sự Thực (tức Bản thể, Tánh) mà chỉ thấy được cái Tướng (tức Hiện Tượng, Tướng) qua chiêu cảm do Vọng Thức gây nên. Con người nói riêng, mọi chúng sinh nói chung chỉ thấy một phần Sự Thực hoặc mặt trái của Sự Thực, chứ không thấy được một toàn vẹn Sự Thực – Sự Thực Tuyệt Đối, Bản Thế, Tánh. Đó chẳng khác nào người mù xem voi: người sờ chân voi thì bảo voi giống cây cột, người sờ tai voi thì bảo voi giống cái quạt, người sờ đuôi voi thì cho rằng voi giống cái phất trần... Thấy được một phần sự thật, tức là chưa nắm bắt sự thật toàn vẹn. Đầu óc, trí thông minh của chúng sinh đều có giới hạn. Chúng sinh chỉ nắm được một số hiện tượng trong vòng sở tri (tức là trong vòng kiến thức riêng biệt của ta), cho nên phải hiểu rằng: “Thấy vậy mà không phải vậy.”


      Cũng thế, khi thấy lá phướn trước gió lay động, người thì cho lá phướn lay động, kẻ thì cho gió lay động. Lục Tổ Huệ Năng thì khẳng định một cách chắc nịch:


      - Chính là tại cái Tâm của các ông lay động thôi.


      Trương Anh Thụy bày điều trặc trẹo mà chỉ đưa vào thơ những ẩn dụ về cái chiêu cảm riêng biệt của con người qua vọng thức khiến con người không bao giờ nắm bắt được Sự Thực tuyệt đối, Sự Thực toàn vẹn. Sự Thực đó được các triết gia gọi là Sự Thực cuối cùng còn Đức Phật gọi là Lý, Giác, Tánh, Tri Kiến Phật, Chân Tâm, Như Lai Tàng...


      Về cái bí nhiệm của cuộc đời, dù là cái bí nhiệm nằm trong vòng hiện tượng đi nữa, nhân loại cũng không nắm bắt được do cái chiêu cảm của nhân loại luôn bị giới hạn. Chẳng hạn tai, mắt, mũi, lưỡi, thịt da của ta chỉ cảm nhận được một số âm thanh, một số hình ảnh, một số mùi vị và một số tác động bên ngoài đưa vào xúc giác. Nhưng có những cái mà ta không thấy mà con chó thấy được. Lại có những cái xa tít mà ta không thấy nhưng con bồ câu thấy được để nó có thể đưa thư giùm chúng ta...


      Những âm thanh mà ta nghe được cũng chỉ giới hạn vào cảm nhận của thính giác, và ta không làm sao nghe được những siêu âm ở ngoài bức tường âm thanh. Cũng vậy, ta chỉ thấy được màu đỏ và màu tím, nhưng ngoài ra còn những hồng ngoại tuyến, tử ngoại tuyến mà mắt trần ta không nhìn được, phải nhờ tới máy móc.


      Cái bí nhiệm dù ở trong vòng hiện tượng, nhưng lọt ra ngoài chiêu cảm của con người được Trương Anh Thụy viết nên bài Tiếng Đêm:

      Cả côn trùng

      cũng lắng nghe

      bông tuyết đậu trên cành.


      Bông tuyết đậu ở đây có thể là một mảng tuyết vướng trên cành và cũng có thể là hoa của loài thảo mộc, ai hiểu sao cũng được. Nhưng nếu hoa của loài tuyết đậu khi nở ra, ai dám chắc nó im lìm không biết trò chuyện? Thực vật dù sao cũng là sinh vật, cũng có sống có chết, có xúc cảm. Ai dám bảo chúng không có ngôn ngữ? Bởi ngôn ngữ chúng lọt ra khỏi vòng chiêu cảm của ta nên ta không nghe được. Nhưng côn trùng trong bài thơ của Trương Anh Thụy có cái chiêu cảm khác cái chiêu cảm của ta, cái chiêu cảm đó tuyệt vời là đã giúp chúng nghe được ngôn ngữ của bông tuyết đậu! Có thể lũ côn trùng trong bài thơ này có nhĩ căn đặc thù và tương ứng tuyệt vời với ngôn ngữ của hoa tuyết đậu nở trong đêm. Chúng làm cho bài thơ Tiếng Đêm đi sâu vào cái bí ẩn của hiện hữu. Đây là bài thơ lôi cuốn người đọc vào dòng liên tưởng thú vị, vào dòng mường tượng kỳ diệu làm cho cảm thấy sự hiện hữu của bá thiên vạn ức chủng loại xung quanh cùng sống trên trái đất với ta đều mầu nhiệm biết mấy!


      *


      Thời buổi này, đa số nhà thơ chạy theo những vấn để như thân phận bơ vơ của con người, cái nghịch lý của đời sống, tình yêu ngang trái, hiện trạng đau buồn của tổ quốc, vấn đề lưu lạc tha hương v.v... là những đề tài dựa vào hiện tượng trong cuộc sống. Riêng Trương Anh Thụy lại khác. Trương Anh Thụy nhìn vào cái mầu nhiệm đặc thù ở những đối tượng tuy tầm thường mà nếu không có cái chiêu cảm tuyệt vời, nhà thơ khó tìm ra cảm hứng và ý tình. Đa số thi nhân sính thơ cổ thường vịnh những con vật đẹp đẽ như loại trân cầm thụy thú trong huyền thoại, hoặc loại chim hiếm quý như hoàng hạc, thúy vũ, hoàng oanh, bạch yến, họa mi, sơn ca, anh vũ, uyên ương... Họ lại còn thích vịnh cây đẹp như thanh tùng, thúy liễu, lục trúc, thùy dương, ngọc lan, mộc lan, hoàng lan hoặc những bông hoa có màu sắc lộng lẫy và tên đẹp như hồng đào, ngọc lan, bạch mai, hoàng cúc, kim liên, ngọc quế v.v... Đó là những đối tượng dành cho hội họa Trung Hoa mà chúng ta chỉ bắt gặp trên nền gỗ quý khảm xà cừ của các bức bình phong, trên nền tranh lụa, trên nền men sứ bạch ngọc của loại cổ ngoạn, trên chiếc quạt lụa của giai nhân thời cổ dành cho tuồng tích trên sân khấu. Họ lại còn ưa vịnh những thiên cổ mỹ nhân bên nước Tàu như Hằng Nga, Ly Cơ, Tây Thi, Trịnh Đán, Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi... hay các giai nhân trong lịch sử ở nước ta như Dương Vân Nga, Huyền Trân Công Chúa, Ngọc Hân Công Chúa, Tuyên Phi Đặng Thị Huệ v.v...


      Riêng Trương Anh Thụy, trừ con bướm ra, chỉ thích vịnh những con vật xấu xí, các côn trùng nhỏ nhặt tầm thường như con khỉ, con nhện, con tằm, con kiến, lá vàng, bông tuyết, con chuồn chuồn, con dã tràng ... Nhưng con bướm cũng không phải là loại côn trùng hiếm quý. Nó không chỉ ở trong các khuôn viên trưởng giả tại thành phố mà cùng cả đàn nhởn nhơ trên luống cải hoa vàng ở thôn quê, nội cỏ, rẫy nương. Chính từ những cái nhỏ nhặt, tầm thường, quê mùa, Trương Anh Thụy đem vào những vấn đề lớn lao để người đọc đón nhận được tư tưởng Lão Trang và tư tưởng Phật Giáo. Nếu không vào hai địa hạt tư tưởng ấy, thơ Trương Anh Thụy lại đi vào ẩn dụ để khai triển ý tưởng không hiện ở mặt chữ mà ở chỗ ý tình ẩn sau mặt chữ để nói về nhân tình thế sự.

       

      Những đề tài trong thơ Trương Anh Thụy gợi nhắc liên tưởng tới những đề tài các bức tranh Nhật Bản. Các họa gia xứ Phù Tang không thích chọn các loại chim hiếm quý, các loại danh mộc hay kỳ hoa dị thảo. Đề tài của họ là những cánh bèo, những loài cỏ dại, những con côn trùng tầm thường như chuồn chuồn, châu chấu hoặc những con nhái bén, con ốc, con quạ, người ăn mày mặc áo tơi, một nhà sư già chống gậy trúc, lão ngư phơi lưới v.v... Nhưng những thứ xoàng xĩnh ấy khi vào cõi màu sắc và tạo hình trong tác phẩm của họ rồi chẳng những đẹp như trong cõi mộng, cõi thơ mà thấm nhuần Thiền phong Thiền vị tuyệt vời!

       

      Đọc thơ Trương Anh Thụy, dù không suy nghĩ, dù không hiểu cái ẩn dụ hay tư tưởng trong thơ, cũng có thể cảm thấy thú vị và nắm bắt một điều gì đó rờn rợn ánh sáng kỳ ảo rồi. Nếu lại nắm bắt được cái ẩn dụ và tư tưởng trong thơ, chắc chắn càng cảm thấy thú vị hơn. Thơ của chị ít lời và đến với độc giả như một thìa bột vanille làm thơm ngát một tảng bánh lớn, hay như một thỏi băng phiến nhỏ đem hương nồng ngát thấm vào y phục bằng tơ lụa gấm nhung trong một chiếc rương lớn. Cái cô đọng của thơ Trương Anh Thụy khi đi vào cõi thưởng ngoạn của người đọc rồi thì vỡ ra để tuôn cả một nguồn cảm xúc lai láng như nước sông phá vỡ đập ngăn để tràn qua một khúc sông khác ở bên kia đập.


      Một chung trà cỡ hạt mít có thể làm thơm cõi thưởng ngoạn của ẩm khách suốt buổi sáng tinh sương.


      Một bông hoa thiên lý có thể đưa hương bay xa ngàn dặm trong nắng hạ óng vàng.


      Loại thơ lời ít ý nhiều mà người Nhật sáng tác dưới hình thức thơ Bài Cú – Haiku cũng có thể khiến nghĩ đến chung trà nhỏ cỡ hạt mít và bông hoa thiên lý chứ!


      Cần nói ngay là Trương Anh Thụy không làm thơ theo thể Bài Cú mà với tinh thần Đông Phương, chỉ cố tình cô đọng lời thơ tối đa. Những câu chót của mỗi bài là câu nổ vang nhất có thể làm rạn nứt cái vỏ bí mật bao quanh bài thơ, để hương thơm và ánh sáng bài thơ tủa ra, bay tản mạn vào cõi thưởng ngoạn của người đọc.


      Trương Anh Thụy đã cho xuất bản hai thi tập Của Mưa Gửi NắngTrường Ca Lời Mẹ Ru. Những bài thơ dài trong Của Mưa Gửi Nắng và loại trường ca chỉ giúp tác giả có mặt trong văn chương hải ngoại nhưng không thắp sáng hào quang cho tác giả bằng những bài thơ ngắn trong Của Mưa Gửi Nắng cùng những bài thơ ngắn tản mạn chỉ phổ biến trong giới bạn bè.

       

      Trương Anh Thụy sáng tác rất ít. Có thể do lười?

      Nhưng ai cấm nổi ý nghĩ rằng Trương Anh Thụy thận trọng, bởi vì ở các tác phẩm văn xuôi như truyện dài Trạm Nghỉ Chân, tập truyện Ánh Mắt và trường giang tiểu thuyết Chuyển Mùa đều hiển hiện sự chuốt lọc cho câu văn thật gọn gàng, trong sáng. Cho nên trong những bài thơ ngắn, chị loại bỏ rất nhiều chữ rườm rà để những chữ chuyên chở ý chính phơi bày ra toàn vẹn. Đó cũng như người sành chưng hoa, gặp một nhánh hoa cúc hay một cành hoa hồng có lá rậm um tùm, sẽ lảy bỏ bớt các lá muốn lấn át, che lấp bông hoa để chỉ chừa lại chiếc lá đẹp khép nép và duyên dáng bên hoa. Như thế, bông hoa có chỗ phong quang để phô trương sắc thắm màu tươi.


      Giáo phái Soufisme của Hồi Giáo có nhiều đạo sư sáng tác những câu thơ ngắn nhưng chứa cả tư tưởng mênh mông. Thí dụ Al-Harrâq với 4 câu:

      Tất cả sự tìm tòi trong cái đẹp của Ngài

      Cái còn lại, theo chúng con, chỉ giá đáng một cái nhìn

      Với ngay cái nhìn, chúng con không thấy gì cả

      Bên cạnh nhân diện tuyệt vời của Ngài.


      Làm sao với lòng trần nhục nhãn, ta thấy được Thượng Đế Allah; nếu điều kiện tối thiểu để có thể chiêm ngưỡng được chân dung của Ngài là khi nào thân ta tinh khiết, tâm hồn ta trong sáng! Đó là sự tương ứng tuyệt hảo vô biên của đấng Toàn Mỹ Toàn Thiện với cái Chí Thiện Chí Thánh của kẻ chứng ngộ vào tâm cảnh thiêng liêng. Có bao nhiêu tôn giáo, Thượng Đế có bấy nhiêu tên, có bấy nhiều tiếng nói, có bấy nhiêu hình tướng. Đạo Do Thái gọi Ngài là Đấng Jéhovah, cho là Ngài nói tiếng Do Thái và vẽ hình Ngài theo ý tưởng của họ. Đạo Lão gọi Ngài là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Duy Phật Giáo thì không tin Thượng Đế còn Hồi Giáo thì cấm triệt để tạo hình tượng của Thượng Đế Allah vì theo quan niệm của họ vẽ bậy vẽ bạ sẽ làm thương tổn hình ảnh thiêng liêng của Ngài. Như vậy tín đồ Hồi Giáo tùy theo tưởng tượng của từng cá nhân mà phác họa hình ảnh tuyệt đẹp của Ngài trong tâm tưởng của mình.


      Trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam, có nhiều vị trước khi viên tịch, đã để lại cho đồ chúng một bài kệ. Nhiều bài kệ này tuy chỉ có vài câu, nhưng hình ảnh tuyệt đẹp, ý nghĩa viễn thâm..


      Hãy đọc bốn câu trả lời của Thiền Lão Thiền Sư (đời thứ 6, dòng Vô Ngôn Thông) với vua Lý Thái Tôn:


      - Hòa Thượng tu ở núi này được bao lâu?

      Sư đáp:

      - Đản tri kim nhật nguyệt

      Thùy thức cựu xuân thu

      - Chỉ biết ngày tháng này

      Ai rành xuân thu trước.


      Hỏi:

      Hàng ngày Hòa Thượng làm gì?

      Đáp:

      - Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

      Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chơn

      - Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

      Trăng trong mây bạc hiện toàn chân


      Bốn câu trả lời là bốn câu kệ. Tuyệt vời hơn là bốn câu thơ rất đỗi thơ, lại thấm nhuần triết thuyết Phật giáo. Thiền sư chỉ biết hiện tại, không ngoảnh lại quá khứ. Mà bỏ quá khứ vị lai, nắm chặt hiện tại là đi vào Thiền, và mầu nhiệm và thiêng liêng hơn nữa, chỉ có giây phút hiện tiền (ici-maintenant) là hòa tan tâm thức ta vào Chân Như. Hai câu chót chỉ rằng khóm thúy trúc và khóm hoa vàng tuy ở cảnh ngoài, nhưng khi tâm cảnh nhất như rồi, chẳng những hoa vàng trúc biếc ở trong ta từ đó Vọng Tâm trở thành Chân Tâm hiện sáng suốt rạng ngời như trăng trong và mây bạc.


      Bây giờ, thử bước qua cuốn thơ Lorsque l'Amour Vous Fait Signe ... Suivez Le của Khalil Gibran. Những tư tưởng triết học của Khalil Gibran trong tập này thường là một hai câu ngắn, rồi ông chẻ ra từng đoạn ngắn hơn thành những câu thơ. Thí dụ: Một đoạn trong ca khúc L'Eté de l'Amour:


      L'amour est un mot de lumière

      écrit d'une main de lumière

      sur une page de lumière


      dịch:

      Tình Yêu là danh từ của ánh sáng

      viết bằng bàn tay ánh sáng

      trên trang giấy ánh sáng


      Đây là khúc hoan ca của Tình Yêu; trong nội tâm và ngoại cảnh đều chan hòa ánh sáng. Tâm và cảnh nhất như, nếu chúng ta đem Phật pháp chiếu soi bài thơ ngập tràn ánh sáng từ trong tới ngoài.


      Trương Anh Thụy đã đem cho ta nhận thức sau: Làm một bài thơ dài cho hay đã khó, làm một bài thơ ngăn cho hay lại càng khó hơn. Cũng vậy bên kịch ảnh, đóng vai chánh cho hay chưa chắc đã khó bằng đóng vai phụ cho hay. Người đóng vai chánh có nhiều thì giờ để phô trương tài năng. Còn vai phụ chỉ có thời gian rất ngắn để diễn viên trổ tài diễn xuất. Như vậy, muốn cho cái vai ngắn được lột tả tinh vi, đương sự cần phải nghiên cứu tỉ mỉ, ngoài tài nghệ bẩm sinh.


      Cổ Nguyệt Đường,

      tiết Thịnh Hạ năm 2001

      Hồ Trường An

      Núi Cao Vực Thẳm
      9 Vóc Dáng Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 20
      Nxb Tiếng Quê Hương, 2010

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Phương Triều với những bài thơ hệ lụy đè nặng trên vai Hồ Trường An Nhận định

      - Giới Tính Trong Văn Chương Nghệ Thuật Hồ Trường An Tùy bút

      - Trương Anh Thụy với những bài thơ thấm nhuần tư tưởng Đông Phương Hồ Trường An Nhận định

      - Mạc Phương Đình: Thi Tập "Ru Người Ru Đời" Hồ Trường An Nhận định

      - Vũ Khắc Khoan Với Thần Tháp Rùa Hồ Trường An Khảo luận

      - Thụy Khuê với Nhân Văn Giai Phẩm Hồ Trường An Khảo luận

      - Nguyễn Thị Hoàng với Tan Trong Sương Mù Hồ Trường An Tạp luận

      - Nguyễn Thị Thụy Vũ với Lòng Trần Hồ Trường An Tạp luận

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Chữ Tâm trong văn học Việt (Thái Công Tụng)

      Đọc Thơ Hồ Thanh Nhã: Trân Trọng Với Cuộc Đời (Phan Tấn Hải)

      Trang Thơ (Vương Đức Lệ)

      Những Bài Thơ Trên Giường Bệnh Của Vương Đức Lệ (Hoàng Xuân Trường)

      9 Khuôn Mặt . 9 Phong Khí Văn Chương (Bùi Vĩnh Phúc)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)