1. Head_

    Giản Chi

    (..1904 - 22.10.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Siêu Thượng Không Gian: Chương Kết Luận (Trà Nguyễn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      1-4-2021 | KHOA HỌC

      Siêu Thượng Không Gian: Chương Kết Luận

        TRÀ NGUYỄN
      Share File.php Share File
          

       

      Giới thiệu sách SIÊU THƯỢNG KHÔNG GIAN

      Dịch giả TRÀ NGUYỄN

      Nguyên tác: HYPERSPACE, Tác giả: Michio Kaku - Tiến sĩ Vật Lý



      Hậu stroke đã gây ra những biến chứng không ngờ, về ý chí, năng lực, tinh thần lạc quan. Một mặt ta cảm tạ về sự diệu kỳ của phép lạ giúp ta có thể đi đứng nắm cầm như lúc chưa bị stroke đánh, nhưng mặt khác ta nghe con sâu bí mật đâu đó đang ẩn núp trong thân thể gặm nhắm chất sống của ta. Nó khiến thân thể ta rời rã, không ham muốn bất kỳ điều gì.

      Đó là kinh nghiệm của bản thân tôi, lúc này.


      Bởi vậy khi nhận được cuốn Siêu Thượng Không Gian do bạn già tôi dịch, kèm với bài viết về kinh nghiệm 3 lần stroke, tôi mới thấy ở con người bạn có cả một cái gì lạ. Lửa vẫn cháy. Tinh thần lạc quan vẫn có mặt. Nỗi đam mê vẫn nóng hổi.

       

      Số lượng bạn nhờ tôi in rất giới hạn. Bạn nói chỉ để dành cho con cháu, như của hồi môn. Bạn may mắn lắm đấy. Còn tôi, không có ai mà trao. Vợ thì ở nursing home mút mùa lệ thủy. Con thì tiếng Việt mất, còn...


      Cuối cùng, cám ơn bạn già đã cho tôi đọc một tác phẩm giá trị qua ngòi bút dịch lưu loát của bạn. Cũng như trước đây qua cuộn Linh Sơn, bản dịch Lingshan, Nobel văn chương năm 2000 của ông Cao Hành Kiện.


      New Jersey 1-1-2021

      Trần Hoài Thư


      Trích một chương tiêu biểu

      Chương

      KẾT LUẬN

      *


      “Sự hiểu biết của con người có giới hạn giữa biển học bao la. Kiến thức của chúng ta chỉ là một mảnh đất nhỏ chơi vơi giữa đại dương bát ngát. Nhiệm vụ của mỗi thế hệ là làm cho mảnh đất ấy mỗi ngày càng được bồi đắp rộng thêm”

      THOMAS H. HUXLEY.


      Có lẽ khám phá lớn nhất của vật lý thế kỷ 20 là tìm thấy thiên nhiên đơn giản hơn mọi người tưởng. Mặc dù tính chất phức tạp của thuyết không gian 10 chiều làm chóng mặt nhiều người, nhưng ý niệm thống nhất của nó đã mở ra nhiều địa hạt khảo cứu mới trong toán học, nhất là vật lý học với những thuyết đặt căn bản đơn giản trên hình học.


      Mặc dù hãy còn quá sớm để nói rằng các nhà viết sử khoa học tương lai, khi nhìn lại sự náo nhiệt của khoa học trong thế kỷ 20, sẽ công nhận một trong những cuộc cách mạng ý niệm là sự xuất hiện các lý thuyết nhiều chiều của không gian-thời gian như thuyết Superstrings và những kiểu thuyết Kaluza - Klein. Giống như Corpenicus đã đơn giản hệ thống mặt trời với những vòng tròn đồng tâm của ông và loại bỏ vai trò chủ chốt của quả đất trên Thiên Đàng, thuyết không gian 10 chiều cũng hứa hẹn đơn giản hóa luật thiên nhiên và truất phế ngôi vị của thế giới 3 chiều quen thuộc.


      Vật lý lý thuyết trong thập niên vừa qua đã chủ động việc làm sáng tỏ quan niệm luật căn bản của Thiên Nhiên sẽ đơn giản hơn trong các chiều cao của không gian và luật vật lý trở nên thống nhất trong 10 chiều. Quan niệm này cho phép chúng ta thu gọn một số lớn lý thuyết vào một phương thức gọn gàng minh bạch. Đó là sự thống nhất hai thuyết lớn nhất của thế kỷ: thuyết Lượng Tử và thuyết Tương Đối tổng quát. Có lẽ đã đến lúc chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của thuyết không gian 10 chiều đối với khoa học cùng nét thẩm mỹ của nó trong vật lý, toán học, tôn giáo và triết học.


      10 CHIỀU KHÔNG GIAN TRONG THỰC NGHIỆM


      Tất cả lý thuyết khoa học đều phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Một thuyết tân lập dù hay đến đâu, nếu không đáp ứng với thực tế cũng sẽ bị bác bỏ.


      Goethe đã từng viết “Màu xám là giáo lý, màu xanh dương mới là chiếc cây tươi tốt." Lịch sử đã nhiều lần nhầm lẫn khi công nhận một số lý thuyết sai, chỉ vì ảnh hưởng của một số nhà khoa học uy tín nhưng đầy thành kiến và đôi khi điên rồ. Trong quá khứ chúng ta đã thấy việc chống lại quyền lực của các nhà khoa học lão làng là một hành động chính trị nguy hiểm. Lịch sử cho biết ít nhất là một hay vài nhà khoa học đã bị thần quyền bức tử. Trái lại, trên quan điểm khoa học đứng đắn, một lý thuyết chỉ bị loại bỏ khi nào việc kiểm chứng quyết định đã vạch trần sai lầm của nó.


      Chẳng hạn trong xã hội Đức thế kỷ 19, vì ảnh hưởng uy tín của Hermann và Helmholtz quá lớn nên thuyết điện từ của 2 ông được nhiều người biết đến so với thuyết của Maxwell. Nhưng khoa học vô tư đã công nhận thuyết Maxwell và trả thuyết Helmholtz về uy tín xã hội của nó. Trường hợp của Einstein cũng thế. Khi ông đưa ra thuyết tương đối nhiều khuôn mặt khoa học có quyền lực chính trị như Philip Lenard (đoạt giải Nobel) trong Quốc Xã Đảng đã dìm nó một thời gian cho đến khi ông này bị đẩy ra khỏi Berlin năm 1933. Vì thế công lao khảo cứu của một nhà khoa học, nhất là vật lý học phải được duyệt xét bởi những nhà kiểm chứng khách quan nhằm mục đích bảo vệ những khoa học gia đứng đắn.


      Tuy nhiên, việc kiểm chứng khoa học không phải lúc nào cũng thực hiện được. Thí dụ lý thuyết cho rằng tất cả luật vật lý sẽ thống nhất trong 10 chiều không gian, nhưng trong điều kiện năng lượng bất khả cung ứng, việc kiểm chứng thực nghiệm cũng đành bó tay. Các lò nguyên tử là nơi khai sanh cả một thế hệ lý thuyết làm cho việc kiểm chứng vật lý đi vào ngõ cụt. Hiện nay các nhà khoa học cho rằng thí nghiệm quyết định công nhận hay bác bỏ thuyết không gian 10 chiều không thể thực hiện được bất cứ lúc nào trong tương lai. Dù vậy thuyết 10 chiều vẫn giữ giá trị toán học và được xem như một miếng đất màu mỡ giúp cây cối nở hoa. Nếu mảnh đất đó khô cằn, cây cối sẽ chết héo theo nó. Chỉ trong vài thập niên cuối, nền vật lý phát triển quá nhanh chóng với nhiều lý thuyết quan trọng như thuyết Tương Đối, thuyết Lượng Tử, thuyết Siêu Sợi, nhất là thuyết Thống Nhất Trường vượt quá khả năng của những nhà kiểm chứng, nên bắt buộc các nhà lý thuyết phải chủ động trong việc nghiên cứu và phổ biến giá trị khám phá mới của họ.


      Trong một ý nghĩa nào đó, sự rạn nứt giữa lý thuyết và thực hành bắt nguồn từ những phát kiến nhanh chóng trong khi đó kỹ thuật kiểm chứng chưa theo kịp tốc độ, giống như lời phát biểu của Witten “Vật lý của thế kỷ 21 vô tình rơi vào thế kỷ 20”. Đối với những thuyết quá mới mẻ, chúng ta phải chờ đến thế kỷ tới may ra nền kỹ thuật mới hội đủ điều kiện kiểm chứng. Hiện nay chúng ta phải trả một giá về tội nhìn trộm vật lý thế kỷ 21, nhưng trong tương lai, qua những phương tiện gián tiếp, có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy ánh lóe của chiêu thứ 10 trong phòng thí nghiệm.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      10 CHIỀU VÀ TRIẾT HỌC, VI GIỚI CHỦ NGHĨA, CHỐNG THẦN THÁNH CHỦ NGHĨA

      (REDUCTIONISM VERSUS HOLISM)


      Một lý thuyết lớn bao giờ cũng có ảnh hưởng đến kỹ thuật và triết học. Thí dụ thuyết Tương Đối đã mở màn cho thiên văn học và làm nền tảng cho khoa học vũ trụ. Ý nghĩa triết lý của BIG BANG đã tạo âm hưởng khắp cộng đồng triết học và thần học. Trong thời gian qua, ảnh hưởng của Tiếng Sấm đầu tiên dẫn đến cuộc diện kiến của một phái đoàn khoa học vũ trụ với Đức Giáo Hoàng tại Vatican để thảo luận về ý nghĩa triết học của các lý thuyết đó so với Kinh Thánh và sự Sáng Tạo.


      Thuyết Lượng Tử là khoa học mới của các hạt vị tử và là nguồn gốc của cuộc cách mạng điện tử. Transistor, chiếc đinh ghim của xã hội kỹ thuật hiện đại thuần túy là một cơ phận lượng tử. Đi xa hơn nữa, nguyên tắc bất định của Heiseinberg đã tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa Ý Chí tự do và thuyết Định Mệnh ảnh hưởng sâu đậm đến Giáo Lý về vai trò của Tội Lỗi và sự Cứu Chuộc. Cả hai giáo hội Công Giáo lẫn Tin Lành, với Đức Tin mạnh mẽ vào Tiền Định cũng bị chao đảo bởi những mâu thuẩn mang lại từ Cơ Học Lượng Tử. Mặc dù hiện nay ý nghĩa triết học của 10 chiều không gian chưa được rõ ràng lắm, nhưng cuộc cách mạng của nó đang nẩy mầm khắp thế giới nên nó sẽ mang lại những hệ quả tương tự một khi được chấp nhận bởi mọi người.


      Nói chung đa số các nhà khoa học không cảm thấy thoải mái khi nói đến triết học. Họ là những kẻ siêu thực. Nhà vật lý đến với Thiên Nhiên không phải vì lý tưởng mà do thành công và thất bại khi chạm trán với những luật khắc khe của nó. Các Vật lý gia trẻ hăng say khảo cứu hơn là phí thì giờ ngồi triết lý suông. Họ có cái nhìn lệch đối với những đồng nghiệp già đổ quá nhiều thì giờ trên các bàn Hội Nghị thảo luận mãi về triết học của khoa học (Philosophy of Science).


      Hầu hết các nhà vật lý cảm thấy triết học, ngoài những ý niệm mơ hồ về Chân Lý, Thiện Mỹ... không có gì khác hơn để thảo luận. Đối với họ Hiện Thực lúc nào cũng tinh vi và sáng tỏ hơn triết học tiền niệm. Họ lưu ý chúng ta về một số khuôn mặt khoa học tiếng tăm trong những năm xuống dốc đã có những ý nghĩ triết lý lập dị có thể đưa họ vào ngõ cụt.


      Khi nghe những câu trái tai như “Vai trò của ý thức trong Lượng Tử“, đa số nhà vật lý nhún vai. Họ bận lắm! Khi nào còn tính toán kết quả thí nghiệm, họ không có thì giờ nghĩ tới hàm ý triết học của nó.


      Richard Feynmann thẳng thắn chỉ trích sự phô trương rỗng tuếch của một số triết gia. Ông nói “Càng sử dụng nhiều mỹ từ, càng viết ra nhiều từ vựng thông thái, họ càng tỏ ra yếu kém căn bản khoa học trong lý luận."


      Cá nhân tôi có lần trong cuộc hội thảo về giá trị tương đối của triết học và vật lý, tôi nhận được một mẫu giấy viết tay của vị chủ tịch hội đồng khoa dấu tên “Tại sao vật lý gia các anh đòi hỏi nhiều dụng cụ đắt tiền như vậy? Khoa toán học chỉ cần đủ tiền mua giấy, viết chì và giỏ đựng giấy vụn, riêng hội đồng triết học khá nhất: Chúng tôi không cần giỏ đựng rác!”


      Trong khi một nhà vật lý trung bình ít khi bị quấy rầy bởi những câu hỏi có tính chất triết lý thì những nhà khoa học lớn lại lưu tâm hơn. Thí dụ Einstein, Heisenberg và Bohr đã bỏ hàng giờ thảo luận sôi nổi về ý nghĩa tính xác xuất trong công trình nghiên cứu, vấn đề ý thức việc làm và ý nghĩa của kết quả. Vậy những thuyết không gian có nhiều chiều cao phản ảnh mâu thuẫn triết học là lẽ đương nhiên, đặt biệt đối với các cuộc tranh luận giữa Chủ Nghĩa Vi Giới và Chủ Nghĩa Thánh Thần.


      Có lần Heinz Pagels nói “Chúng ta đã say mê về kinh nghiệm hiện thực, nhưng đa số chúng ta đều đặt hết niềm hi vọng và sự lo âu đối với vũ trụ. Do đó chúng ta không thể tránh né những câu hỏi cá nhân có tính chất triết lý về các lý thuyết không gian cao cấp“. Quả thật, sự ra đời của thuyết Không Gian Siêu Thượng và thuyết Lượng Tử đã mồi lửa cho cuộc tranh luận gay gắt giữa trường phái Vi Giới quan niệm phân tích thế giới vật chất đến độ cực nhỏ và trường phái Siêu Linh quan niệm nhìn thế giới trong toàn thể ý nghĩa của nó. Cuộc tranh luận này kéo dài nhiều thập niên cho đến nay cũng chưa chấm dứt.


      Tự điển Webster Collegiate Dictionary định nghĩa danh từ Reductionism như sau “Procedure or theory that reduce s complex data or phenonema to simple terms“. Chủ nghĩa Vi Giới là phương thức hay lý thuyết thu gọn dữ kiện hay hiện tượng vào những phần đơn giản.


      Tự điển đó cũng định nghĩa “Holism is a theory that the determing factors esp. in living nature are irreducible wholes“. Chủ nghĩa Thánh Thần là lý thuyết cho rằng những yếu tố quyết định, đặc biệt trong Thiên Nhiên sinh động là những Toàn Thể không thể rút nhỏ.

       

      Vi giới chủ nghĩa khác chủ nghĩa siêu linh, chỉ đi tìm ý nghĩa của sự vật trong toàn thể của nó. Đây là hai quan niệm đối lập nhau dứt khoát.


      Chủ nghĩa duy thần cho rằng triết học vật lý chia cắt vật ra làm nhiều cấu thể nhỏ, nên có tính cách đơn giản và thiếu một hình ảnh phổ quát có thể chứa nhiều chi tiết quan trọng trong đó. Họ đưa thí dụ về tập đoàn kiến. Tập đoàn này gồm hàng chục ngàn con kiến tổ chức thành một xã hội trật tự có những luật lệ và trách nhiệm mà mỗi cá thể đều tuân hành. Họ đặt câu hỏi: cách nào tốt nhất để hiểu bản thể của một xã hội loài kiến? Người theo chủ nghĩa vi giới có thể phân tích một con kiến ra làm nhiều cấu thể căn bản như những phân tử hữu cơ, nhưng dù có mất 100 năm giải phẩu con kiến và phân tích các cấu thể cực nhỏ của chúng, họ cũng không tìm được một manh mối nào giải thích truyền thống tập quần tốt đẹp của loài kiến. Người duy thần nói cách hay nhất để hiểu bản năng loài kiến là một cái nhìn tổng quát, xem chúng là một tập đoàn lớn không thể phân tích.


      Trong trường hợp con người, phái vi giới phân tích não bộ đến đơn vị cấu tạo nhỏ nhất là tế bào thần kinh. Giải phẫu học thần kinh biết rõ cấu tạo của một neuron gồm thân tế bào đa giác với những nhánh thần kinh ngắn túa ra từ các góc và một sợi dây thần kinh dài tận cùng bằng một chùm rể nối liền với một neuron khác. Mục đích của họ là phối hợp chức năng của từng đơn vị để thực hiện một bộ óc thông minh nhân tạo. Nhìn tổng quát, họ đã thành công trong việc tìm ra những mạch điện tinh vi và những hóa chất tạo ra ở nơi tiếp hợp giữa hai tế bào thần kinh, đồng thời họ đã có thể phối hợp những mạch điện hóa cực nhỏ nầy để tạo một luồng thần kinh nhân tạo (thí nghiệm năm 1950), nhưng kết quả sau cùng hoàn toàn thất vọng. Phái thần thánh chỉ trích họ không lập lại được một chức năng đơn giản nhất của não bộ là nhận biết và phân tích được các chi tiết của một bức ảnh.


      Trường phái tư tưởng xem bộ não con người có tính chất thần thánh. Họ định nghĩa não bộ như một Toàn Thể Siêu Nhiên có chức năng hỗn hợp ngay từ buổi ban đầu, thí dụ khả năng phân biệt màu sắc, nhận biết sai số, trọng lượng biểu kiến, nhất là khả năng suy tưởng. Người ta không thể nào lập lại bất kỳ một chức năng nào nói trên trong phòng thí nghiệm. Trong cuộc tranh cãi, mỗi bên cố gắng tìm cách đánh bại đối thủ và đôi khi đánh bại chính mình. Họ thường lấn át nhau mà không nhận ra ưu điểm của từng quan điểm một.


      Cuối cùng, khi vật lý Lượng Tử thành công trong việc phân tích nguyên tử ra nhiều cấu tử như electrons, protons và neutrons; rút gọn vật chất vào những hạt tử đơn giản nhất, họ vội vã tuyên bố chiến thắng phái Siêu Linh. Các hạt vi tử như quarks, leptons đã được tìm ra, các chấn động của siêu thể sợi đã được đo, Mẫu Tiêu Chuẩn, thuyết Đại Thống Nhất đã được khám phá vv. là những bằng chứng hùng hồn của chủ nghĩa vi giới. Vật lý gia James S. Trefil xuất bản quyển sách “Triumph of Reductionism" đã viết hùng hồn loại bỏ chủ nghĩa thần thánh. Tuy nhiên, giữa hai thập niên 60 - 70, các thí nghiệm về thế giới vi tử phức tạp càng ngày càng gặp nhiều khó khăn nên có một số vật lý gia không còn tin tưởng vào triết lý vi phân và quay lại đi tìm một triết thuyết từ bên ngoài. Trong quyển “Tinh thần Lão giáo trong vật lý học" (The Tao of Physics), Feitzhof Capra cho rằng muốn hiểu bản thể của vật, chúng ta cần có cái nhìn tổng quát, hơn nữa, cần có ý niệm Siêu Hình. Đó là tư tưởng triết lý Vạn Vật Đồng Nhất Thể.


      Những đệ tử phái siêu linh tấn công tiếp: họ cho rằng ý niệm “Thống Nhất" trong vật lý học xuất phát từ quan niệm thánh thần hơn là ý niệm vi phân. Họ bảo các nhà “Vi Tử “ đôi khi núp sau lưng Albert Einstein trong những năm cuối cuộc đời ông, trong thời gian ông già yếu mà vẫn cố gắng liên kết các lực trong vũ trụ. Vậy ý niệm thống nhất là ý kiến đưa ra đầu tiên bởi Einstein, không phải bởi các nhà vi giới. Chủ nghĩa siêu linh kết luận: các nhà vi phân có thể thành công với thuyết lượng tử và thuyết siêu sợi, nhưng thành công này chỉ được xây dựng trên cát, vì chính những thuyết đó trong phân tích sau cùng cũng chưa hoàn hảo.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Thật ra, cả hai phía đều có giá trị lập luận, nhưng mỗi phía chỉ đề cập đến mặt bên ngoài của những vấn đề khó khăn mà không chịu đào sâu tính chất cốt lõi của sự vật. Nói cho cùng, cuộc tranh cải đôi khi dẫn đến một chiến trường mà tôi có thể gọi cuộc chiến đấu ác liệt giữa hai đối thủ: “Khoa-Học Hiếu Chiến" chống “Khoa Học Không Biết-Gì" (Belligerent Science vs Know Nothing Science).


      Khoa-Học-Hiểu-Chiến tấn công vũ bảo đối thủ bằng sức mạnh kỹ thuật nhằm tiêu diệt kẻ thù hơn là khuất phục. Nó có mục đích thắng điểm trong cuộc so tài hơn là chinh phục cảm tình của khán giả. Khoa học đó lúc nào cũng có con “chip” điện tử trong tay. Nhà “Khoa Học-Hiếu Chiến” kết tội những kẻ theo phái siêu linh là những người yếu tư tưởng, mờ mịt về vật lý học cố làm ra vẻ hiểu biết khoa học một cách giả tạo để che đậy sự dốt nát của mình. Khởi đầu, Khoa-Нос Hiếu-Chiến thắng điểm cá nhân, nhưng sau cùng sẽ thất bại trong trận chiến. Nó có thể trấn áp đối phương bằng cả núi dữ kiện và nhiều bằng tiến sĩ, nhưng trên đường dài, tính kiêu căng và quan niệm cứng rắn của nó làm mất thiện cảm của khán giả mà lẽ ra nó phải chinh phục.


      Khoa-Học-Không Biết-Gì, trái lại từ tốn hơn. Nó nhìn sự vật bằng suy tưởng hơn là bằng thí nghiệm, phân tích và xuất phát từ tư tưởng triết học mà không căn cứ trên quan sát. Khoa-Học-Không-Biết-Gì cho rằng khi một sự kiện không phù hợp với nhận thức chung của con người thì chắc chắn sự kiện đó không ổn. Nói tóm lại, Khoa-Học-Không-Biết-Gì là khoa học của tư tưởng, không phải của thực nghiệm.


      Sự rạn nứt của hai chủ nghĩa hiện rõ trong chiến tranh Việt Nam: một bên thành công với tác dụng của chất khai hoang, một bên nhìn thấy trước hậu quả tai hại đối với sức khỏe dân chúng của một nước nông nghiệp. Và gần đây là vụ tai tiếng của cơ quan FDA (Food and Drug Administration) cho phép chất diệt trùng Alar được bán công khai trên thị trường làm tổn hại sức khỏe các trẻ em thích ăn táo. Các nhà môi trường học tại viện National Resources Defense Council (Hội đồng bảo vệ tài nguyên quốc gia) ghi nhận có 5.000 đứa trẻ chết vì ăn táo nhiễm độc bởi hóa chất Alar. Con số nạn nhân và các dữ kiện báo cáo đủ làm thành một bản cáo trạng buộc tội cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược chất đã hi sinh 5.000 mạng sống trẻ em cho lợi ích thí nghiệm của một loại thuốc diệt trùng.


      TỔNG HỢP TRONG CHIỀU KHÔNG GIAN CAO HƠN


      Hai quan điểm triết học nói trên thật ra chỉ đối kháng trong tư thế lưỡng cực. Chủ nghĩa vi phân và chủ nghĩa thần linh đều có giá trị riêng của nó và có lẽ chúng sẽ tổng hợp trong các chiều không gian cao hơn. Siêu Thượng Không Gian đặt nền tảng trên hình học cao cấp nhằm mục đích thống nhất tất cả luật Tạo Hóa một cách đơn giản. Tuy nhiên, hình học thông thường, theo định nghĩa không gắn hợp với chủ nghĩa vi giới. Thí dụ khi khảo sát những mối chỉ màu công phu, chúng ta không thể hiểu giá trị nghệ thuật của toàn thể tấm thảm thêu, cũng như khi quan sát một vùng mặt phẳng trong kính hiển vi ta không thể xác định cấu trúc của toàn thể mặt phẳng ấy. Do đó đứng từ một chiều cao hơn, chúng ta mới có cái nhìn quán triệt đối với sự vật.


      Hình học tự nó, nó cũng không thích hợp với chủ nghĩa thánh thần. Thí dụ, khi quan sát một mặt khối cầu (spherical surface) tổng quát từ một chiều không gian cao, ta không thể biết tính chất của “mặt phẳng tròn“ đặt biệt đó với độ cong trong không gian và nhiều trục đối xứng. Do đó chủ nghĩa thần linh cũng không đưa ra được một dữ kiện toán học nào về một lý thuyết không gian liên đới với triết lý phổ quát của nó. Trái lại, hình học các chiều cao cấp có đủ tiều chuẩn đem hai quan điểm vi phân và siêu linh đến gần với nhau. Hai quan điểm này là hai mặt của hình học, hai mặt của đồng tiền sấp ngữa. Tùy theo trường hợp, chúng ta có thể dùng một trong hai quan điểm khác biệt đó. Đối với những lý do có tính cách lịch sử khoa học, chúng ta cần nhấn mạnh đến gốc rể vật lý lượng tử của phái vi phân, cần nói đến thành công của các nhà vật lý lượng tử suốt 40 năm bắn phá nhân nguyên tử để tìm ra cấu trúc siêu vi của vật chất. Trong ý nghĩa triết học, chúng ta cần đề cao quan niệm của phái siêu linh với cái nhìn tổng quát về việc thống nhất năng lực lượng tử và hấp lực để nói lên ý nghĩa sâu xa của hình học. Để hiểu giá trị tổng hợp của hai chủ nghĩa, chúng ta trở lại thí dụ con người. Chủ nghĩa thần thánh có thể không biết hoặc không cần biết về cấu tạo bộ não, nhưng họ biết nó có một chức phận thiêng liêng như suy nghĩ và lương tâm. Trái lại, chủ nghĩa vi giới hiểu rõ cấu tạo của não bộ với từng vùng định vị não. Ngành giải phẩu thần kinh đã cho chúng ta biết những vùng hoạt động của tay, chân, tiếng nói, thị giác, thính giác vv... Cử động của tay trái và chân trái được điều khiển bởi bán cầu não bên phải. Ngược lại cử động của tay chân bên phải được điều khiển bởi bán cầu não trái. Nhiều định vị tương ứng với nhiều sinh hoạt khác nhau. Trắc nghiệm về thị giác cho kết quả đa số mắt trái chú ý nhiều chi tiết trong một bức hình hơn là mắt phải. Vì dây thần kinh thị giác giao thoa ở hành tủy trước khi tận cùng ở võ não nên người ta bảo bán cầu não phải có nhiệm vụ phân tích và bán cầu não trái có chức phận tổng hợp.


      Lúc đầu các nhà giải phẩu cảm thấy khó chịu khi nghe phần bên phải bộ não thuộc chủ nghĩa vi giới và phân bên trái thuộc về chủ nghĩa siêu linh. Nhưng về sau với những hoạt động cao cấp và vô cùng phức tạp như phân biệt màu sắc, nhận thức, tư tưởng, trí thông minh và óc sáng tạo... Họ biết rằng không phải do một số định vị não nhất định chỉ huy mà do chức năng hỗn hợp của nhiều trung tâm thần kinh mà ngành giải phẩu và sinh lý nhân thể chỉ biết gọi là “sự liên hệ giữa các cơ quan“ nhưng không đi sâu vào bản chất của sinh hoạt cao cấp ấy.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO


      Bởi vì thuyết Siêu Thượng Không Gian mở ra những mối liên đới sâu xa giữa vật lý và toán học trừu tượng nên có một số người chỉ trích các nhà khoa học cố tình dựng ra một thần thuyết mới đặt căn bản trên hình học. Họ kết án chúng ta bác bỏ “Tôn Giáo Siêu Việt" thay thế bằng một thứ tôn giáo lạ căn cứ vào độ cong của không gian-thời gian, sự đối xứng của các hạt vi tử, sự bành trướng và co rút của vũ trụ vv. . . Trong khi các thầy tu lẩm bẩm những câu tụng bằng tiếng Latin khó ai hiểu nỗi thì nhà vật lý trâm những công thức kỳ lạ về các thể sợi rung động ít người biết!


      Đức tin về một Thượng Đế Toàn Năng bây giờ được đổi bằng Đức Tin trong thuyết Lượng Tử và thuyết Tương Đối! Nhưng trong khi nhà toán học giải những câu tụng toán học của họ một cách rõ ràng thì các nhà vật lý không thực hiện được sự Sáng Tạo trong phòng thí nghiệm. Đó là lý do tại sao những lý thuyết trừu tượng như thuyết Superstrings chưa hề được kiểm chứng.


      Mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo không có gì là mới mẻ. Trong lịch sử, nhiều khoa học gia được yêu cầu thảo luận với các nhà thần học về luật vũ trụ. Chẳng hạn nhà sinh vật học vĩ đại Anh quốc Thomas Huxkey bênh vực mạnh mẽ thuyết chọn lọc Thiên Nhiên của Darwin chống lại công kích của Giáo hội Công giáo cuối thế kỷ 19 là một bằng chứng. Thỉnh thoảng các nhà vật lý lượng tử cũng lên tiếng trên đài truyền thanh tranh luận công khai với đại diện các giáo hội về nguyên tắc bất định Heisenberg xem nó có xóa bỏ Ý Chí Tự Do hay không, một câu hỏi có tính cách quyết định một là Linh Hồn lên Thiên Đàng, hai là xuống Địa Ngục.


      Nhưng thường thường khoa học gia bất đắc dĩ mới dính líu đến các cuộc thảo luận về Thượng Đế và Sự Sáng Tạo. Một vấn đề tôi tìm thấy ở đây là “Thượng Đế" có nghĩa “Nhiều Điều" đối với nhiều người và được mô tả bằng những từ ngữ đầy tính cách biểu tượng ẩn dấu không thể nói ra, chỉ làm tối thêm vấn đề. Theo tôi, muốn làm sáng tỏ chúng ta cần phân biệt cẩn thận hai ý nghĩa dành cho Thượng Đế: đó là Thượng Đế Quyền Năng và Thượng Đế Trật Tự. Khi nhà khoa học dùng chữ Thượng Đế, họ muốn nói Thượng Đế của Trật Tự. Thí dụ ấn tượng quan trọng nhất trong thời niên thiếu của Einstein là khi ông đọc quyển sách đầu về khoa học. Ông nhận ra ngay những điều được dạy về tôn giáo chưa chắc đúng. Về sau trong suốt cuộc đời nghiên cứu, ông bám víu vào niêm tin là có một trật tự huyền nhiệm nào trong vũ trụ. Einstein nói rằng đời ông được kêu gọi để hết tư tưởng tìm hiểu Thượng Đế có lựa chọn nào khi sáng lập ra vũ trụ. Einstein thường nhắc đến Thượng Đế trong các bài viết mà ông thân mật gọi là “Ông Trời Già". Mỗi khi vướng mắc một vấn đề toán Học, Einstein thường nói đùa: “Trời Già khó tánh". Đại đa số khoa học gia đều tin có một thứ trật tự khoa học trong vũ trụ mà họ chưa hiểu hết, trong khi những người “Không khoa học" (nonscientists) lúc nào cũng nghĩ đến một Thượng Đế Phép Lạ và đây là nguyên do sự hiểu lầm giữa nhà khoa học và người không khoa học. Thượng Đế Quyền Năng can thiệp vào đời sống mọi người. Ông làm phép lạ giúp kẻ khốn khổ, tàn phá những đô thị hung ác, quét sạch quân đội kẻ thù, nhận chìm binh lính của vua Pharaoh và phục hận cho giai cấp quí tộc!


      Nhà khoa học và người không khoa học không thông cảm lẫn nhau chỉ vì họ đứng trên hai quan điểm khác biệt về tôn giáo, đặc biệt về ý nghĩa của Thượng Đế. Điều này dễ hiểu, bởi khoa học đặt nền tảng trên sự quan sát các hiện tượng được lập lại, trong khi đó phép lạ theo định nghĩa là một hiện tượng không thể trùng lập. Nó chỉ hiện ra một lần trong một đời người hoặc không lần nào cả. Do đó Thượng Đế của Phép Lạ đi ra bên ngoài những gì chúng ta biết như một khoa học. Nhưng điều này không ám chỉ là Phép Lạ không thể xảy ra, mà chỉ muốn nói nó nằm bên ngoài những gì thường được gọi là khoa học.


      Nhà sinh vật học Edwaed O. Wilson tại đại học Harvard đặt câu hỏi có lý do khoa học nào làm cho loài người bám víu mãnh liệt vào các tôn giáo của họ? Ông ngạc nhiên nhận thấy có rất nhiều nhà khoa học được đào tạo vững chãi, có lý luận sắc bén về công trình nghiên cứu, nhưng lại rơi vào những luận cứ bất thuần lý để bênh vực cho tôn giáo của họ. Xa hơn nữa, Wilson đã thấy trong lịch sử loài người tôn giáo được dùng như một tấm bình phong che đậy những cuộc chiến đẫm máu, tạo ra những tội ác không thể nói được đối với những kẻ mà tôn giáo đó coi là không trung thành hoặc ngoại đạo. Sự tàn bạo của các cuộc thánh chiến là tội lỗi xấu xa nhất trong lịch sử loài người mà không có cuộc chiến tranh nào sánh được! Edward O. Wilson ghi nhận tôn giáo là một sinh hoạt cần thiết và có mặt trong bất cứ nền văn hóa nào trên trái đất.


      Những nhà nhân chủng học đã tìm thấy mọi bộ lạc sơ khai đều có thần thoại giải thích nguồn gốc của họ. Mỗi thần thoại phân biệt một sắc dân với những tập tục riêng nhằm mục đích tạo chất keo (thường là không hợp lý) gắn liền các cá thể trong bộ lạc dưới sự lãnh đạo của một tù trưởng.


      Đây không phải là sự xáo trộn mà là một hình thức của xã hội loài người. Wilson giả thuyết tôn giáo thịnh hành vì nó cung cấp được lợi điểm tiến hóa cho loài người sơ khai chấp nhận tôn giáo đó. Ông nhận định các loài động vật săn mồi thường tụ quần thành đàn và tuân phục con vật chỉ huy có sức mạnh trấn áp chúng. Nhưng qua một triệu năm tiến hóa, tổ tiên giống vượn của chúng ta đã lần lần thông minh, cho đến một ngày nào đó những các cá thể tiến bộ có quyền đặt lại câu hỏi về quyền lực của người lãnh đạo một cách hợp lý. Người thông minh có thể chất vấn kẻ quyền lực, nhưng thường tạo mối nguy hiểm chia rẻ trong bộ lạc. Ngoại trừ trường hợp giải quyết được vấn đề để giữ bộ lạc đứng vững, những kẻ thông minh sẽ lần lượt bỏ ra đi và như thế bộ lạc sẽ tan rã. Do đó theo Wilson, nhu cầu chọn lựa đã áp đặt các loài vượn thông minh tạm quên lý luận và mù quán trung thành với kẻ lãnh đạo để giữ cho tập đoàn khỏi bị hủy diệt. Luật sinh tồn cạnh tranh ưu đãi các con vật thông minh có trình độ lý luận về dụng cụ và cách tìm kiếm thức ăn, nhưng sự sống còn cũng ưu đãi những vật biết quên luận lý một khi sự toàn vẹn của xã hội bị đe dọa. Do đó thần thoại được định nghĩa là một nhu cầu để gìn giữ bộ lạc nguyên thủy.


      Đối với Wilson, tôn giáo có sức mạnh trường tồn trong đời sống các loài vượn thông minh, là mối dây ràng buộc kết chặt chúng lại với nhau. Nếu đúng, thuyết của ông giải thích tại sao nhiều tôn giáo chỉ dựa trên Đức Tin mà ít quan tâm đến hiện tượng. Nó cũng giúp giải thích sự tàn bạo bất nhân của các cuộc thánh chiến và tại sao Thượng Đế Quyền Năng luôn luôn đứng về kẻ chiến thắng trong những chiến trường đẫm máu. Thượng Đế Phép Lạ có lợi thế quyền năng hơn Thượng Đế Trật Tự. Ông dành quyền giải thích Huyền Thoại Hiện Hữu của chúng ta trong vũ trụ, và đứng trước vấn đề này Thượng Đế Trật Tự im lặng!


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      VAI TRÒ CON NGƯỜI TRONG THIÊN NHIÊN


      Trong cuộc thảo luận về ý nghĩa của hai loại Thượng Đế nói trên, mặc dù Thượng Đế Trật Tự trong khoa học không chia sẻ mối quan tâm của con người trước thiên nhiên, tôi học được một điều là loài người thông minh chỉ mới đạt được nền kỹ thuật trong một thời gian ngắn ngủi, phải nói là quá ngắn so với tuổi vũ trụ, cũng đã có khả năng tìm hiểu nguồn gốc và số phận của nó.


      Chúng ta mới rời khỏi sức hút của quả đất trong thời gian gần đây, bất quá là thành công nhỏ với một số phi thuyền không gian đi đến vài hành tinh lân cận; nhưng với khối óc và những dụng cụ thô sơ, chúng ta đã giải mã được luật vận hành những vật chất cách xa hàng tỉ năm ánh sáng. Trong lúc còn bị cầm tù trên quả đất chưa rời khỏi Thái Dương Hệ và với nguồn nguyên liệu ít oi, chúng ta đã xác định những điều xảy ra sâu trong các lò nguyên tử của một ngôi sao và trong các dãy Ngân Hà.


      Theo thuyết tiến hóa, loài người là những con vượn thông minh mới rời khỏi cành cây, sống trên hành tinh thứ ba của một ngôi sao nhỏ (mặt trời) nằm trên ngón tay út của của một galaxy hẹp trong một chùm galaxy bao la gần dãy Thiên Hà Virgo khổng lồ. Nếu thuyết vũ trụ dãn nở đúng, toàn thể thế giới hữu hình của chúng ta chỉ là một chiếc bong bóng cực nhỏ của vũ trụ. Ấy vậy, chúng ta đã khám phá ra những phần sâu kín nhất của một không gian vô cùng tận!


      Isidor I. Rabi đoạt giải Nobel, khi được hỏi điều gì đầu tiên trong cuộc đời đã khiến ông thực hiện cuộc hành trình dài khám phá bí mật của vũ trụ đã đáp: “Khi tìm sách đọc về các hành tinh trong thư viện, tôi bị kích động bởi sự kiện loài người hiểu biết quá nhiều về thiên nhiên. Tôi ngạc nhiên tại sao các ngôi sao lớn hơn quả đất rất nhiều và quá xa, loài người chưa hề đi tới mà tư tưởng lại có thể hiểu chúng!“ Hay như nhà vật lý Heinz Pagels hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ ấu của mình lúc được đi thăm viếng viện Hayden Planetarium tại NewYork như sau: “Vở kịch và Năng Lực của Tạo Hóa đã xâm chiếm tâm hồn tôi. Lần đầu tiên tôi biết được dãy Ngân Hà chứa nhiều ngôi sao hơn số người sống trên mặt đất. Sự thật của biên giới bao la và thời gian vô tận của vũ trụ đã tạo nên cơn chấn động “Hiện thực“ trong đầu óc tôi. Tất cả mọi điều kinh nghiệm hay biết được hầu như vô nghĩa trước biển cả mênh mông của Hiện Hữu ...”


      Thay vì bị tràn ngập bởi vũ trụ, tôi nghĩ rằng một trong những kinh nghiệm sâu xa nhất mà một nhà khoa Học có được là sự nhận biết Con Người xuất thân từ Con Cháu của những vì sao, nhưng tư tưởng có thể hiểu được các luật vận hành của vũ trụ mà những ngôi sao Tổ Tiên phải tuân theo. Thật vậy, các nguyên tử trong cơ thể chúng ta đã được đúc luyện từ chiếc đe tổng hợp nhân bên trong một ngôi sao nổ trước khi Thái Dương Hệ thành hình. Những nguyên tử của chúng ta nhiều tuổi hơn cả núi non trên mặt đất. Nói khác hơn, chúng ta xuất thân từ bụi các vì sao lâu đời kết tinh lại thành những động vật thông minh có khả năng hiểu luật vật lý của biến cố ấy.


      Các luật vật lý tìm được trên hành tinh nhỏ bé nầy cũng không khác luật vận hành vũ trụ. Điều đáng nói là chúng ta đã khám phá ra luật vũ trụ trong khi chưa rời khỏi quả đất, chưa có tàu tinh tú hay những cửa sổ không gian. Chúng ta đã xác định được tính chất hóa học của các ngôi sao và giải thích được diễn biến hạch nhân sâu bên trong các vì sao đó.


      Sau cùng, nếu thuyết Siêu Thượng Không Gian tức lý thuyết Siêu Sợi 10 Chiều đúng, một nền văn minh trên một ngôi sao xa nhất sẽ khám phá sự thật về vũ trụ đúng chính xác như chúng ta đã tìm ra.


      Óc tò của con người chỉ đạt đến một phần của Trật Tự Vũ Trụ. Có lẽ loài người chúng ta còn muốn biết nhiều hơn nữa cũng như loài chim muốn hót hay hơn! Nhà Thiên văn lớn của thế kỷ 17, ông Johannes Kepler đã từng nói “Xin đừng hỏi mục đích hữu dụng của tiếng hót con chim, bởi vì tiếng hót là niềm vui kể từ khi chúng được sinh ra để hót!“ Vậy cũng xin đừng thắc mắc tại sao con người để tư tưởng dò sâu những bí mật của vũ trụ! Hay như nhà sinh vật Thomas H. Huxley viết năm 1863: "Câu hỏi của tất cả câu hỏi, vấn đề đàng sau mọi vấn đề và hay hơn nữa là sự xác định vị trí của Con Người trong Thiên Nhiên và sự ràng buộc của nó đối với Vũ Trụ!“


      Nhà vũ trụ học Stephen Hawking, người đem hết cuộc đời phục vụ khoa học dành cho sự thống nhất luật vũ trụ đã viết hùng hồn như sau:

      “Chúng ta đã khám phá một lý thuyết hoàn hảo, lý thuyết đó cần được hiểu bởi mọi người, không phải chỉ dành riêng cho một số nhà khoa học. Và bây giờ, tất cả chúng ta, những nhà triết học, khoa học và những người dân bình thường, hãy cùng nhau ngồi lại thảo luận tại sao chúng ta và vũ trụ cùng hiện hữu. Nếu tìm được câu trả lời, có lẽ chiến thắng lớn nhất của nhân loại là hiểu được tư tưởng của Thượng Đế!"

      Có phải đây là ý nghĩa hay mục đích của cuộc đời? Một số người đi tìm ý nghĩa cuộc đời qua lợi ích cá nhân, kinh nghiệm quí báu và những thành quả đạt được. Riêng đối với tôi, Ân Sủng Trí Tuệ được ban cho để hiểu được những bí mật của Thiên Nhiên cũng đã tạo đủ ý nghĩa cho cuộc sống!


      MICHIO KAKU

      Trà Nguyễn

      Thư Quán Bản Thảo số 91 tháng 1-2021
      Đầu Xuân Lộc Mới

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Siêu Thượng Không Gian: Chương Kết Luận Trà Nguyễn Dịch phẩm

      - Albert Einstein, Nhà Bác Học Tị Nạn Chính Trị Trà Nguyễn Biên khảo

    3. Bài Khảo Cứu & Bài Tập Hình Học (Học Xá)

       

      • Bài Khảo Cứu

        Cùng Mục (Link)

      Có Và Không Của Thế Gian (Hoàng Dung)

      DNA, Đặc Tính Sự Sống và Sinh Vật (Hoàng Dung)

      Thử Tìm Hiểu ChatGPT (Đào Như)

      Những khám phá mới về Chất Trắng Trong Não Bộ (Trần Hồng Văn)

      Siêu Thượng Không Gian: Chương Kết Luận (Trà Nguyễn)

      Vài Mạn Đàm Về Sao Trời (Hoàng Dung)

      Vật Lý Lượng Tử Và Ý Nghĩa Thiền Học Của Vật Chất (Hoàng Dung)

      Những Quan Niệm và Học Thuyết Mới về Vũ Trụ (Phần 2) (Trần Hồng Văn)

      Những Quan Niệm và Học Thuyết Mới về Vũ Trụ (Phần 1) (Trần Hồng Văn)

      “Mỹ Ngữ” Và “Anh Ngữ” Khác Nhau Thế Nào? (Đàm Trung Pháp)

       

      • Hình Học (Bài Tập)

       

      Bài 1 - 10,    Bài 11 - 20,

      Bài 21 - 30,   Bài 31 - 40,

      Bài 41 - 47,

      Bài 48 (Điểm Schiffler của tam giác)

       

      Bài  IOM: 7 - 38,   41 - 45,   46 - 51



      • Anh Ngữ

       

       

      • Đố Vui:    1,   2

       

      Liên Kết Trong Mục Học Toán (Học Xá)
       

      Liên Kết

      IMO
      Wolfram MathWorld
      The Math Forum
      USAmts
      Komal
      MathLinks
      Cut-The-Knot

         Từ Điển Anh Việt

       

          

       


       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)