1. Head_

    Giản Chi

    (..1904 - 22.10.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Vài Mạn Đàm Về Sao Trời (Hoàng Dung) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      5-8-2020 | KHOA HỌC

      Vài Mạn Đàm Về Sao Trời

        HOÀNG DUNG
      Share File.php Share File
          

       


       Trích từ cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Sơ Đẳng, xuất bản năm 1938.

      Nhà văn Mai Thảo, trong những năm cuối đời của ông, đã xuất bản một cuốn thơ, trong đó có mấy câu:


      Thế giới có những điều không hiểu.

      Càng hiểu không ra lúc cuối đời.

      Chẳng sao, đến lúc nằm trong đất.

      Hỏi ở sao trời sẽ hiểu thôi.


      Tuy nhiên, trước khi chúng ta thăm hỏi sao trời, chúng ta cũng nên biết sơ lược về những vì sao để mai này tiện việc xưng hô, thăm hỏi.


      NHỮNG VÌ SAO TRONG THÁI DƯƠNG HỆ:


      Thái Dương Hệ gồm có mặt trời và cho đến bây giờ, được biết chính thức là có 9 vì sao quay xung quanh. Chín vì sao này, thật ra không đúng hẳn là sao. Theo các nhà khoa học, sao phải tự nó phát ra ánh sáng. Chín “vì sao” xoay quanh mặt trời này, không được chính thức coi là sao (stars hay étoiles), mà được gọi là những hành tinh, planets, hay những kẻ lang thang vì chúng chỉ giản dị là những thiên thể nhỏ phụ thuộc vào mặt trời và phản chiếu ánh sáng mặt trời. Như thế, trong Thái Dương Hệ, chỉ có mặt trời mới đúng nghĩa là sao. Mặt trời, cũng như những vì sao khác, là những kho bom khinh khí khổng lồ nổ cháy liên tục trong suốt nhiều tỷ năm qua để phát ra năng lượng và ánh sáng *. Trên thực tế, nếu so với những vì sao khác trên bầu trời, mặt trời chỉ là một vì sao nhỏ. Chúng ta thấy mặt trời thật lớn là vì mặt trời chỉ cách chúng ta có tám phút ánh sáng trong khi vì sao gần nhất của mặt trời là sao Proxima Centaur cách chúng ta tới 4 năm ánh sáng. (mặt trăng cách chúng ta một giây ánh sáng)


      Chín hành tinh (mà chúng ta cũng gọi là sao) xoay quanh mặt trời gồm có Mercury (Thủy Tinh), Kim Tinh (Venus), Trái đất, Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), Thổ Tinh (Saturn), Thiên Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune) và Diêm Vương Tinh (Pluto). Trong chín vì sao này, chúng ta biết nhiều nhất là sao Kim vì sao Kim rất sáng và là hành tinh gần chúng ta nhất, có 2 phút ánh sáng. Vì thế, sao Kim được nhắc đến nhiều nhất trong dân gian. Trong khoa Thiên Văn thô sơ của phương Đông hồi xưa, vì sao Kim lúc thấy ban ngày, lúc thấy ban đêm ở những vị trí thay đổi, người ta còn lầm lộn tưởng là đã có 2 sao khác nhau. Được gọi là sao Mai khi thấy nó buổi sáng. Được gọi là sao Hôm khi thấy nó buổi chiều. Trong khi chúng ta “Buồn trông chênh chếch sao Mai” để cảm thấy “Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ”, thì các nhà khoa học Tây phương, chẳng văn nghệ tí nào, lôi thước đo góc ra đo và thấy cái góc chênh chếch đó, chẳng bao giờ vượt quá 45 độ. Họ tính toán và tính ra được khoảng cách từ Kim Tinh đến mặt trời chỉ bằng 7/10 khoảng cách từ trái đất đến mặt trời, cũng như Thủy Tinh (28 độ), cách mặt trời bằng 1/3 khoảng cách từ trái đất.


      Cũng vì cùng là một vì sao, 2 sao Hôm và Mai chẳng bao giờ gặp nhau, nên Hôm hay Mai còn được gọi một cách thơ mộng hơn là Sâm hay Thương. Và đôi tình nhân nào mà được mô tả là “Sâm Thương cách trở đôi bờ” thì chắc chắn rằng hai người này sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Ngoài ra, vì quá sáng, nếu mặt trời là Thái Dương, mặt trăng là Thái Âm, thì Kim Tinh được gán thêm cho một cái tên khác mà về phương diện tử vi không ai thích. Đó là Thái Bạch.


      Ngoài sao Kim, chúng ta cũng hay nhắc đến sao Hỏa. Sao này có tên đó là vì nó có màu đỏ chứ không phải trên đó nhiều lửa. Gọi là Hỏa nhưng sao này không nóng như Thủy Tinh hay Kim Tinh. Nó có nhiệt độ gần với nhiệt độ trái đất chúng ta nhất, nhưng cho tới nay, chưa ai tìm thấy dấu vết sự sống trên đó, có lẽ vì bầu không khí của Hỏa tinh chứa đầy thán khí.


      Bên ngoài Hỏa Tinh là hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ, chúng ta gọi là Mộc Tinh. Ban đêm ngắm trời sao, đó là ngôi sao sáng thứ hai sau sao Kim. Tuy nặng hơn 300 lần trái đất, nó di chuyển rất nhanh (khoảng hơn 40.000 km/giờ), nhưng vì phải xoay quanh mặt trời trên một quĩ đạo rất dài nên Mộc Tinh phải di chuyển 12 năm mới hết một vòng, đủ 12 con giáp. Vì thế, người Trung Hoa còn gọi nó là Thời Tinh hay sao Tuế. Do đó mà hai chữ Tuế Nguyệt đã được dùng để chỉ thời gian, năm tháng với hai câu thơ hay tuyệt của Tô Thùy Yên (Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ. Nghe tàn cát bụi tháng năm bay).


      Ngoài những vì sao kể trên, có Thổ Tinh cũng là một hành tinh anh em với Mộc Tinh, có một vành đai xung quanh. Ngoài nữa là Hải Vương Tinh được biết đến vì các nhà Thiên Văn khám phá ra nó không phải nhờ quan sát mà nhờ áp dụng những định luật vạn vật hấp dẫn của Newton khi thấy Thiên Vương Tinh di chuyển lúc nhanh lúc chậm như bị một vật thể nào níu kéo. Áp dụng công thức Newton, người ta tính ra được vị trí của vật thể đó và thấy được Hải Vương Tinh. Còn hành tinh ngoài cùng, được gán cho tên Diêm Vương Tinh (Pluto) vì nó ở quá xa, chìm trong bóng tối.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      NHỮNG SAO TRÊN VÒNG HOÀNG ĐẠO VÀ BẠCH ĐẠO.


      Ngoài 8 hành tinh gần gũi với chúng ta, khi ngắm bầu trời sao trong một đêm không trăng quang đãng, chúng ta thấy hằng hà sa số những vì sao trong giải Ngân Hà nằm dày đặc đầy một bầu trời. Vì thế, chúng ta không thể đặt tên và nhớ được tất cả mà chỉ biết được một số những vì sao hay chòm sao mà phần lớn nằm dọc theo con đường di chuyển của mặt trời hay mặt trăng. Hai con đường này, được gọi là Hoàng Đạo và Bạch Đạo, nhưng thật ra gần như nhập vào nhau thành một.


      Bỏ ra ngòai khía cạnh khoa học là mặt trăng xoay quanh trái đất, trái đất và 8 hành tinh khác xoay quanh mặt trời, mặt trời xoay quanh trung tâm Ngân Hà và Ngân Hà cũng đang xoay. Khi chúng ta ngắm sao trời, chúng ta hãy tự coi như trái đất là trung tâm vũ trụ. Bên ngoài là mặt trời xoay quanh chúng ta mỗi ngày một vòng (được gọi là vòng Hoàng Đạo), và mặt trăng cũng ngày đêm xoay quanh chúng ta trên đường Bạch Đạo mỗi đêm, còn bầu trời sao cũng xoay quanh chúng ta chậm hơn, mỗi năm một vòng.


      Vì người Tây phương căn cứ tháng ngày vào mặt trời, đường Hoàng Đạo của họ được đánh dấu bởi 12 chòm sao. Chòm sao là một nhóm sao gần nhau. Người Tây phương nhìn và thấy giống một điều gì đó, họ gán ngay điều đó vào chòm sao, chẳng hạn chòm sao Hiệp Sĩ hay Người Thợ Săn (Orion), chòm sao Gầu Lớn (Ursa Major hay Great Dipper), chòm Thập Tự …. Mỗi tháng, vào lúc hoàng hôn, người Tây phương ngắm mặt trời lặn. Lúc đó trời mờ tối, những vì sao hiện lên, và họ thấy vào tháng 1, chòm sao Nam Dương (Capricorn) tiến đến gần mặt trời, tới tháng 2 là chòm Bảo Bình (Aquarius), và sau đó lần lượt mỗi tháng là những chòm Song Ngư (Pisces), Dương Cưu (Aries), Kim Ngưu (Taurus), Song Nam (Gemini), Bắc Giải (Cancer), Hải Sư (Leo), Xử Nữ (Virgo), Thiên Xứng (Libra), Hổ Cáp (Scorpio) và cuối cùng, tháng 12 là Nhân Mã (Sagitarius) và tháng 1, lại thấy lại chòm Nam Dương. Đường Hoàng Đạo như thế coi như được đánh dấu bởi 12 chòm sao kể trên.


       

      Đầu tháng 8, mặt trời vừa lặn, thấy chòm Hải Sư tới gần mặt trời. Đầu tháng 6 là chòm Song Nam

      Người Trung Hoa, tính tháng theo mặt trăng nên họ theo dõi đường di chuyển của trăng mỗi đêm trên con đường Bạch Đạo. Đường Bạch Đạo được đánh dấu bởi 28 vì sao, được gọi là Nhị Thập Bát Tú. Nhưng mặt trăng di chuyển rất nhanh nên chúng ta không thể nhìn vị trí của trăng hay sao để đoán ra ngày hay tháng. Nhưng cả Đông phương lẫn Tây phương đều phân biệt ra 4 mùa để chia bầu trời sao thành 4 phần : bầu trời mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông, chỉ khác là người Trung Hoa, màu mè hơn, gọi 4 bầu trời này là 4 “cung”, mỗi cung có 7 vì sao của Nhị Thập Bát Tú. Nhìn thấy được 7 vì sao này, họ đoán ra mùa:

      - Mùa Hạ : cung Thanh Long (các sao Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ),

      - Mùa Xuân: cung Chu Tước (Tỉnh, Ủy, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn),

      - Mùa Đông: cung Bạch Hổ (Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm),

      - Mùa Thu : cung Huyền Vũ (Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích).


      Sao trời mùa đông, cung Bạch Hổ trên đường Bạch Đạo, thấy được Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm (Khuê đã di chuyển qua phải,và Tỉnh của Chu Tước của mùa xuân sắp đến). Sâm và Chủy thuộc chòm sao Orion Tây Phương (giống hình người). Ba ngôi sao thẳng hàng ở thắt lưng chỉ xuống sao Sirius dưới cùng (Sirius là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời). Sâm là sao Betelguese của Orion.

      Phân biệt như thế, nhưng đường đi của trăng (Bạch Đạo) và mặt trời (Hoàng Đạo) gần như trùng hợp, chẳng hạn Giác (Spica), Cang, Đê, Phòng, Tâm (Antare) Vĩ, Cơ là những sao trong những chòm Xử Nữ, Hổ Cáp, Thiên Xứng và Nhân Mã. Đẩu, Hư (Saldasuud), Nữ, Ngưu, thuộc các chòm Nhân Mã, Nam Dương, Bảo Bình…. Khuê thuộc chòm Song Ngư. Lâu ,Vị thuộc chòm Dương Cưu. Tất, Mão chòm Kim Ngưu. Tỉnh, chòm Song Nam, Ủy chòm Bắc Giải. Còn sao Sâm thì là sao Betelguese nằm ở nách phải của chòm sao Orion… Đặc biệt của sao Sâm là được coi như thuộc loại sao Đại Hồng (Red Giants) vì nó lớn (đường kính gần 1 tỷ km), ánh sáng cũng bập bùng, lúc nở lớn và bùng sáng (sáng thứ 6 trên bầu trời), khi co nhỏ, hơi mờ đi, tụt xuống hạng 20. Vì quá lớn, nhiên liệu khinh khí của nó cũng cạn nhanh. Vài trăm triệu năm sau, khi hấp hối, nó sẽ nổ bùng một cách mãnh liệt một lần cuối, tạo nên hiện tượng siêu tân tinh (supernova), và có lẽ sẽ trở thành sao neutron **, một vì sao tắt lửa bị đè ép nhỏ đến nỗi có tỷ trọng khủng khiếp (khoảng 5 triệu triệu kg/phân khối). Hiện tượng siêu tân đã từng được các nhà chiêm tinh Trung Hoa ghi nhận vào năm 1054 khi họ thấy một vì sao gần chòm sao Bắc Giải lóe sáng mấy chục ngày rồi biến mất. Họ gọi sao đó là sao khách.


      Trong Kinh Thư, có ghi lại đời vua Nghiêu (hơn 2000 năm trước Tây Lịch), có 2 ông Hi, Hòa đã nhận xét “Khi ngày dài trung bình mà sao là Điểu (hay sao Tinh) là giữa mùa xuân. Ngày dài nhất, sao là Hỏa (hay sao Tâm) là giữa mùa hạ. Khi đêm dài trung bình, sao là Hư là giữa mùa Thu. Đêm dài nhất, sao là Mão là giữa mùa Đông” Ngày dài trung bình là ngày Xuân Phân (20/3 dương lịch). Ngày dài nhất là Hạ Chí (21/6 dương lịch). Đêm dài trung bình (Thu Phân , 23/9 dương lịch). Đêm dài nhất là Đông Chí (22/12 dương lịch). Tên của những sao của Nhị Thập Bát Tú đôi khi trùng hợp với những sao khác, chẳng hạn sao Khuê của chòm Song Ngư khác với Khuê (hay Chức Nữ) Vega chòm Lyra, Đẩu chòm Nhân Mã khác với Bắc Đẩu. Sao Hỏa (Tâm) thuộc chòm Scorpio khác với Hỏa Tinh. Sao Sâm khác với Sâm Thương hay sao Kim… Nhà thơ duy nhất nhắc đến những sao này là Cung Trầm Tưởng:


      Nhờ sao Giác nhắn sao Khuê.

      Hỏi sao Tâm lối ngược về Dực, Ngưu


      Mỗi sao của Nhị Thập Bát Tú có 1 khu vực trên bầu trời. Hình trên là hai khu vực của sao Đẩu và sao Ngưu. Bên phải, sao Ngưu Lang (hình chữ X tức sao Altair). Phía dưới, hình vuông là ruộng của Ngưu Lang(Thiên Điền). Ba sao ở trên cao là Chức Nữ (sao Vega của chòm Lyra). Sao Đẩu bên trái, nằm giữa vòng tròn. Hình lấy từ tinh tú đồ của Trung Hoa đời Đường, tìm thấy ở Đôn Hoàng.

      NHỮNG VÌ SAO VÀ NHỮNG CHÒM SAO QUEN THUỘC KHÁC:


      Ngoài những vì sao hay chòm sao kể trên, có những sao mà chúng ta thường nhắc đến, thứ nhất là sao Bắc Đẩu. Bắc Đẩu được coi là số một không phải vì nó sáng nhất. Về độ sáng, nó chỉ đứng thứ 50. Nhưng nó nổi danh vì nó hầu như luôn luôn đứng nguyên một chỗ, giúp cho con người tìm phương hướng. Nằm ở cái cán của chòm Gầu Nhỏ gồm 7 ngôi sao, trong khi ta thấy 6 vì sao kia xoay theo trục trái đất và nếu Mai Thảo có: “Ta thấy trong ta trục đất ngừng. Và cùng một lúc trục trời ngưng” thì trục đất khi ngừng quay, vẫn chỉ hướng Bắc Đẩu. Vì chòm Gấu Nhỏ hay Tiểu Hùng Tinh có 7 ngôi sao nên Kim Dung mới đặt ra cái trận pháp Thất Tinh Bắc Đẩu cho phái Toàn Chân. Dĩ nhiên là chuyện bịa vì đi hành quân mà đứng theo đội hình cái gầu như thế thì chắc chắn là bị banh xác.


      Sau Bắc Đẩu, ngôi sao phải nhắc đến là sao Con Chó hay Thiên Lang hay Sirius. Không kể sao Kim hay sao Mộc là những hành tinh, Sirius là ngôi sao đúng nghĩa sáng nhất trên bầu trời chúng ta. Nhìn chòm Hiệp Sĩ hay Người Thợ Săn Orion, 3 ngôi sao trên thắt lưng của chòm sao (hay sao Sâm) sẻ chỉ thẳng xuống sao Sirius. Sao Sirius cũng là ngôi sao của những người chăn cừu được Alphonse Daudet nhắc đến trong truyện ngắn Les Etoiles. Sao Sirius thật ra là Sirius A của một sao đôi, gồm 2 ngôi sao di chuyển song hành, ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng sao Sirius B kia, đã đốt hết nhiên liệu khinh khí, teo nhỏ lại nên mắt thường không thể thấy (loại sao lịm tắt này, được gọi là sao Lùn Trắng –White Dwarf- bị ép chặt lại nên rất nặng, nặng từ hai ba trăm ngàn đến 1 triệu kg/ một phân khối). Sao Sirius A vắng bóng Sirius B trở thành “một vì sao lạc đơn lẻ khóc nhau”.


      Loại Sao Đôi gồm hai ngôi sao song hành như sao Sirius rất thường thấy trong vũ trụ, được Phạm Duy nhắc tới trong Bài Ca Sao: “Sao Đôi hai cái nằm chồng. Thương em từ thuở mẹ bồng mát tay”. Cũng trong bài hát này, nhắc tới sao Khuê “Sao Khuê chín cái nằm dài. Thương em từ thuở tình ngoài nghĩa trong”. Sao này nằm trong chòm Pisces (có một sao Khuê khác trong chòm Lyra). Còn hai câu “Sao Tua chín cái nằm kề. Thương em từ thuở mẹ về với cha” thì sao Tua rua này chính là chòm sao Pleiade. Sao Khuê cũng được Huyền Kiêu nhắc đến trong bài Tương Biệt Dạ khi ông tiễn Nhất Linh sang Tàu làm cách mạng: "Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề. Ý sầu lên vút tới sao Khuê". Ngoài ra, Phạm Duy nhắc đến sao băng và sao sa, chỉ là những mảnh vụn thiên thể khi va chạm bầu khí quyển bị cháy và tiêu thất trong khoảnh khắc. Còn một loại sao khác tuy cũng đẹp nhưng lại không bao giờ được nhắc đến trong thi ca chỉ vì nó có cái tên sao chổi, là 1 khối băng nhỏ khoảng hơn 10 km xoay trên một quỹ đạo thật dài, kéo theo một cái đuôi dài bằng hơi hay bụi.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Ngoài những ngôi sao dân gian kể trên, chúng ta còn nghe nói đến sao Thần Nông. Thần Nông (hay Thiên Yết) là chòm sao Hổ Cáp Scorpion của Tây Phương. Chòm sao được gọi là Thần Nông vì nó sáng chói vào mùa hè (tháng 7) là mùa gặt hái, cũng như chòm sao Người Thợ Săn Orion nổi bật vào mùa đông. Ngoài ra, nếu Orion có sao Đại Hồng Betelguese khổng lồ kể trên thì Scorpion cũng có vì sao Đại Hồng khổng lồ khác là Antare (hay sao Hỏa của Nhị Thập Bát Tú). Vài triệu năm nữa, hai sao Đại Hồng này sẽ bị nổ tan (siêu tân tinh – supernova). Theo các nhà khoa học, lúc đó, bầu trời đêm chúng ta lúc đó sẽ sáng rực như có thêm một mặt trăng trong nhiều ngày. Theo thần thoại Hy Lạp, bò cạp Scorpion là do thần Zeus thả ra để giết người thợ săn Orion, nhưng vì ở hai điểm đối nghịch của bầu trời lại bị trái đất che khuất nên Scorpion không bao giờ thấy Orion.


      Ngoài ra, vì người Nam Bán Cầu không có sao Bắc Đẩu soi đường, họ dùng chòm sao Thập Tự Phương Nam. Để định hướng nam, họ tưởng tượng một đường thẳng kéo dài theo trục chòm sao, rồi từ sao Canopus bên cạnh, kẻ một đường thẳng góc với đường tưởng tượng trên. Giao điểm 2 đường là nhiệm sở bỏ trống của Nam Tào. Bắc Bán Cầu cũng có một chòm sao hình chữ thập tương tự, nhưng không được gọi là Thập Tự Phương Bắc, mà lại gọi là chòm Thiên Nga, trong đó có sao Deneb và gần đó, các nhà khoa học tìm thấy một lỗ đen (black hole). Sao Deneb này, cùng với sao Ngưu hay Ngưu Lang (Altair chòm Aquila), và Chức Nữ (hay sao Khuê Vega, chòm Thiên Cầm Lyra), tạo nên Tam Giác Mùa Hè.


       

      Hình ảnh từ Cape Towne, Nam Phi. Từ sao Canopy kẻ một đường thẳng góc
       xuống đường kéo dài của trục sao Thập Tự sẽ có điểm chuẩn của hướng nam

      Cuối cùng, liên quan về sao, có một câu chuyện thú vị về Kiều. Cách nay trên 70 năm, trên báo Khoa Học ở Hà Nội, giáo sư Hoàng Xuân Hãn trích dẫn hai câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du, tả lại lúc Kiều chờ đợi Thúc Sinh:


      Đêm thu gió lọt song đào.

      Nửa vừng trăng khuyết ba sao giữa trời.



      để định ra ngày tháng hôm đó.


      Ai cũng biết là cụ Nguyễn Du đang chơi chữ. Tâm là tên thật của Thúc Sinh (Thúc Kỳ Tâm). Mà chữ Tâm gồm có 1 nét mác (giống như nửa vành trăng khuyết) và 3 chấm (như ba ngôi sao). Những ngày có trăng khuyết chỉ là những ngày 3, 4 hay 24, 25 âm lịch. Nhưng những ngày 24, 25 sẽ không hợp lý vì sau nửa đêm trăng mới mọc. Kiều không nghe nói bị bệnh mất ngủ. Vậy chỉ có thể mùng 4 hay 5. Về tháng, giáo sư Hãn dựa vào yếu tố ba sao giữa trời. Theo giáo sư Hãn, ông cho đó là sao Tâm (hay sao Hỏa, chòm Hổ Cáp) vì ông dựa vào từ ngữ Tam Tinh Tại Thiên của Tàu để chỉ sao Tâm. Dùng ngày 4 và sao Tâm, giáo sư Hãn thấy ngày đó mặt trời ở gần sao Giác (Spica) và ông tính được tháng đó là tháng 9 ta. Ông cũng suy ra cửa sổ của Kiều hướng về hướng Tây Nam vì vào ngày 4, lúc 8, 9 giờ tối, mặt trăng thấy được ở hướng Tây.


      Vài tháng sau, trên báo Thanh Nghị, ông Đào Duy Anh không tin ba sao giữa trời là sao Tâm, mà chính là sao Sâm, gồm ba sao nằm trên thắt lưng người thợ săn chòm Orion. Theo lập luận này, cái đêm thu đó là ngày 24 tháng 7 âm lịch chứ không phải ngày 4 tháng 9. Tuy nhiên, theo tôi, lập luận này có lẽ sai, vì tháng 7 ta chưa hẳn là mùa thu và chòm sao Orion chỉ xuất hiện vào những tháng đầu năm, khi còn là mùa đông. Hơn nữa, sao Sâm là sao Betelgueuse ở nách người thợ săn Orion, còn ba ngôi sao kia là ở thắt lưng.


      Trên đây là vài mạn đàm về sao. Trong khi Mai Thảo chờ đến khi nằm trong đất mới hỏi những vì sao về những bí ẩn của vũ trụ, của cuộc đời, thì chúng ta, hãy như Nguyên Sa, không cần thắc mắc đến những điều khó hiểu đó mà chỉ nên cảm nhận những rung động tinh tế của trời sao:


      Em chớ hỏi, sóng đi trên biển lớn.

      Cớ làm sao thành nhã nhạc dâng lên.

      Cớ làm sao muôn tinh tú trong đêm.

      Bỗng rung động khi em cười rất nhẹ.

      Hoàng Dung

      Nguồn: diendantheky.net

      *: Sao là một khối khinh khí khổng lồ liên tục bị cháy nổ từ khi được hình thành. Những phản ứng cháy nổ này, đã biến khinh khí hydrogen thành helium, và mất đi 4% khối lượng. Cũng như ở bom khinh khí, năng lượng phá hoại tạo ra bởi khối lượng mất đi này được phát ra theo công thức nổi tiếng của Einstein E=mc2. Mặt trời chỉ có đủ khinh khí để nổ thêm 5 tỷ năm nữa và sẽ thu nhỏ lại thành sao Tiểu Bạch (Lùn Trắng).

      **: Mặt trời khi đã hết khinh khí, trở thành Lùn Trắng. Sao nào nặng gấp rưỡi đến gấp bốn mặt trời (như sao Sâm Betelguese) sẽ thành sao trung hòa neutron, sao nặng gấp năm hay gấp 10 khi tắt lửa sẽ trở thành lỗ đen black hole.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Và Nhân Quyền Hoàng Dung Chuyển ngữ

      - Vài Liên Tưởng Phân Tâm Học Qua Thơ Bùi Giáng Hoàng Dung Nhận định

      - Nguyễn Tất Nhiên Và Vấn Đề Tự Tử Hoàng Dung Nhận định

      - Có Và Không Của Thế Gian Hoàng Dung Khảo cứu

      - DNA, Đặc Tính Sự Sống và Sinh Vật Hoàng Dung Khảo cứu

      - Vài Mạn Đàm Về Sao Trời Hoàng Dung Khảo cứu

      - Vật Lý Lượng Tử Và Ý Nghĩa Thiền Học Của Vật Chất Hoàng Dung Khảo cứu

      - Thời Gian Hoàng Dung Khảo cứu

    3. Bài Khảo Cứu & Bài Tập Hình Học (Học Xá)

       

      • Bài Khảo Cứu

        Cùng Mục (Link)

      Có Và Không Của Thế Gian (Hoàng Dung)

      DNA, Đặc Tính Sự Sống và Sinh Vật (Hoàng Dung)

      Thử Tìm Hiểu ChatGPT (Đào Như)

      Những khám phá mới về Chất Trắng Trong Não Bộ (Trần Hồng Văn)

      Siêu Thượng Không Gian: Chương Kết Luận (Trà Nguyễn)

      Vài Mạn Đàm Về Sao Trời (Hoàng Dung)

      Vật Lý Lượng Tử Và Ý Nghĩa Thiền Học Của Vật Chất (Hoàng Dung)

      Những Quan Niệm và Học Thuyết Mới về Vũ Trụ (Phần 2) (Trần Hồng Văn)

      Những Quan Niệm và Học Thuyết Mới về Vũ Trụ (Phần 1) (Trần Hồng Văn)

      “Mỹ Ngữ” Và “Anh Ngữ” Khác Nhau Thế Nào? (Đàm Trung Pháp)

       

      • Hình Học (Bài Tập)

       

      Bài 1 - 10,    Bài 11 - 20,

      Bài 21 - 30,   Bài 31 - 40,

      Bài 41 - 47,

      Bài 48 (Điểm Schiffler của tam giác)

       

      Bài  IOM: 7 - 38,   41 - 45,   46 - 51



      • Anh Ngữ

       

       

      • Đố Vui:    1,   2

       

      Liên Kết Trong Mục Học Toán (Học Xá)
       

      Liên Kết

      IMO
      Wolfram MathWorld
      The Math Forum
      USAmts
      Komal
      MathLinks
      Cut-The-Knot

         Từ Điển Anh Việt

       

          

       


       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)