1. Head_

    Song Linh

    (15.12.1940 - 24.1.1970)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Vật Lý Lượng Tử Và Ý Nghĩa Thiền Học Của Vật Chất (Hoàng Dung) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      8-04-2020 | KHOA HỌC

      Vật Lý Lượng Tử Và Ý Nghĩa Thiền Học Của Vật Chất

        HOÀNG DUNG
      Share File.php Share File
          

       

      Lời Tác Giả: Những nét về Thiền Học ở chương này có thể không hoàn toàn chính xác, mục đích chỉ dùng để làm cho phần viết về vật lý lượng tử thêm dễ hiểu. Cũng trong chiều hướng đó, tác giả xin phép đã "thiên văn hóa" một số câu thơ trích dẫn."

                 Có thì có tự mảy may

                 Không thì cả thế gian này cũng không


      Khi thiền sư Không Lộ đời Lý làm thơ, ông không biết đến ý niệm về nguyên tử, ông chỉ muốn đưa ra một ý niệm Thiền học là mọi chuyện trên thế gian đều như khói tỏa mây bay. Đó chỉ là một ý niệm triết lý. Nhưng đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, bên trời Tây, một ngành khoa học mới đã nảy sinh để đưa ý niệm triết lý đó đến gần với vật lý. Ngành khoa học đó là vật lý lượng tử, nhằm nghiên cứu về những cấu tạo căn bản nhất, nhỏ nhoi nhất của vật chất. Nhưng chính từ những hiểu biết về những cấu tạo nhỏ li ty này mà con người đã hiểu rõ hơn về những cấu tạo rộng lớn bao la ngoài trí tưởng tượng của con người là vũ trụ.


      CẤU TẠO CỦA VẬT CHẤT: CHỈ LÀ BA LOẠI HẠT ĐIỆN TỬ VÀ CHÂN KHÔNG


      Cuộc chiến đấu nhố nhăng đang diễn ra. Ta nhìn thấy đủ cả: đấu trường và mặt trời, bò và tay đấu bò, khán giả và trọng tài, bàn và ghế, giầy dép và ve chai đấm đá nhau, húc nhau, vật nhau túi bụi.


      Trong đoạn thơ trên, Nguyên Sa đã thâu tóm đủ mọi thứ mọi loại vật chất của vũ trụ: thiên nhiên, mặt trời, sinh vật, con người và đủ thứ đồ vật vào với nhau. Dĩ nhiên, chúng ta có thể nói tất cả đều đã do Tạo Hóa tạo ra. Nhưng chúng ta biết Tạo Hóa đôi khi cũng hành sử như trẻ con: Trẻ Tạo Hóa đành hanh qua đỗi, vì Tạo Hóa đã chỉ dùng có ba loại hạt điện tử là dương điện tử, trung hòa tử và âm điện tử, ngồi nghịch ngợm sắp xếp theo những số lượng khác nhau mà tạo ra khoảng hơn 100 nguyên tử vật chất, để từ những nguyên tử đó tạo ra vũ trụ và muôn vật, kể cả con người, đấu trường, mặt trời, giày dép, ve chai...


      Tuy nhiên, dù kích thước trung bình của nguyên tử chỉ vào khoảng một phần triệu milimet, trong mỗi nguyên tử, các hạt điện tử lại chỉ chiếm khoảng một phần triệu thể tích nguyên tử, tất cả còn lại chỉ là chân không, nhưng những cặp mắt trần tục của chúng ta đã không thể phân biệt được khoảng cách quá nhỏ bé giữa những nhân nguyên tử nên chúng ta tưởng như vật chất trong thiên nhiên là những thế đặc cứng.


      Hoằng Nhẫn, vị tổ sư thứ năm của Thiền Trung Hoa, khi kiếm người thừa kế, đã cho đệ tử mỗi người làm một bài kệ. Người đệ tử thông minh nhất là Thần Tú làm bài kệ đại ý Thân như cây bồ đề. Tâm như tấm gương sáng, không dính một hạt bụi... Huynh đệ đồng môn ai cũng khen hay. Nhưng đêm đến, một người giúp việc trong chùa lén làm một bài kệ khác, đại ý nói bồ đề cũng là không, gương sáng cũng là không thì làm gì có việc dính bui. Người này được Hoằng Nhẫn truyền y bát, trở nên Lục tổ Huệ Năng. Huệ Năng, nếu không thấy được chân không trong vật chất thì có lẽ cũng lờ mờ ngộ rằng tất cả vật chất đều được tạo ra từ năng lượng, bằng ba loại hạt điện tử khai sinh từ thuở Big Bang. Mỗi hạt âm điện tử trong nguyên tử dưỡng khí chúng ta thở, mỗi hạt dương điện tử trong nguyên tử sắt luân lưu trong dòng máu chúng ta, tất cả đều đã có từ thuở vũ trụ mới khai sinh hơn mười tỷ năm trước. Vũ Hoàng Chương đã viết:


      Ta vượt ngàn năm đường ánh sáng.

      Từ ngoài vô tận đến nơi đây


      nhưng thật ra là chúng ta đã phải vượt hơn mười tỷ năm đường ánh sáng mới tới nơi này.


      Tất cả những hạt điện tử cấu tạo nên thế giới và vũ trụ chúng ta đều đã có từ hơn mười tỷ năm về trước. Chúng đã tạo nên mặt trời, những hành tinh, trái đất, những loài khủng long hàng triệu năm trước, tạo nên thiên nhiên, sinh vật. Nhưng trái đất và mặt trời cũng chỉ sống được thêm năm tỷ năm nữa. Toàn thể Thái Dương Hệ đều sẽ tiêu tan, nhưng tất cả những hạt điện tử trong chúng ta, trong cỏ cây hoa lá đất trời sẽ vẫn còn sống thêm 10 ngàn tỷ tỷ tỷ năm nữa. Căn bản sinh hoạt của toàn vũ trụ chỉ là một sự cấu trúc, tái cấu trúc, phối trí và tái phối trí, xào đi xào lại những hạt điện tử kể trên. Vì thế, sự hiện hữu của con người, của thiên nhiên, của trời đất, trăng sao chỉ là những kết hợp tạm thời của những hạt điện tử do nhân duyên mà tạo thành như trong thơ Trần Văn Nam:


      Hình như có hạt bụi chơi vơi

      Có giọt sương khuya xuống rạc rời

      Sinh vật hành trình vào số kiếp

      Đến rồi đi, một cuộc rong chơi


      Nhưng ý niệm phù du của thế gian không phải chỉ bao hàm trong cấu tạo nguyên tử của vật chất, nó còn bàng bạc trong sự vận hành của những hạt điện tử nhỏ li ti bên trong. Ngành khoa học nghiên cứu về sự vận hành của những hạt điện tử đó, được gọi là vật lý lượng tử, mới được phát triển từ hơn một trăm năm nay. Người được coi như khai sinh ra vật lý lượng tử là Planck, một khoa học gia Đức. Năm 1900, Planck khám phá ra được là ánh sáng được tạo ra do những nhúm, những lượng (quanta) rất nhỏ năng lượng mà ông gọi là quang tử. Cái tên lượng tử (quantum) bắt đầu từ đó.


      Sau Planck. người đã đặt nền móng cho vật lý lượng tử là Niels Bohr, một vật lý gia Đan Mạch, và rồi Rutherford đưa ra một khuôn mẫu về nguyên tử theo cấu trúc hành tinh, theo đó nguyên tử có một nhân ở giữa như mặt trời, xung quanh có những âm điện tử xoay quanh như những hành tinh. Nguyên tử giản dị nhất và có nhiều nhất trong vũ trụ là nguyên tử khinh khí hydrogen (kích thước nhỏ hơn một phần triệu milimet), có một dương điện tử trong nhân và một âm điện tử xoay quanh. Tuy cấu trúc của Rutherford sau đó được các nhà vật lý học lượng tử khác cải biến, nhưng vẫn là một cấu trúc căn bản.


      Những hạt điện tử kết hợp nhau thành nguyên tử, nguyên tử này kết hợp với nguyên tử kia thành phân tử, những phân tử kết hợp nhau thành vật chất, rồi vật chất hút nhau để kết tụ thành trái đất, trăng sao. Sau đó trăng xoay quanh trái đất, trái đất xoay quanh mặt trời.. ..Sự kết hợp và vận hành của vật chất và vũ trụ như thế là do những lực. Vạn vật trong vũ trụ đã nhất thể về cấu tạo, nó cũng nhất thể về những lực điều hành vũ trụ.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      LỰC - CHẤT KEO LIÊN KẾT VẬT CHẤT TRONG VŨ TRỤ


      You must feel the Force.

      It is everywhere around you

      (Vị thày Jedi Yoda trong phim Star War)


      Yoda đã dạy nhân vật Skywalker là Lực có ở khắp mọi nơi. Dù Star War chỉ là một phim khoa học giả tưởng, nhưng nhân vật Yoda đã nói rất đúng vì về phương diện vật lý, toàn vũ trụ chúng ta đang được điều hành bởi bốn loại lực, bốn sức hút. Đó là cường lực, nhược lực, lực điện từ và trọng lực. Bốn lực đó, bốn sức hút lẫn nhau đó, như những chất keo kết hợp vật chất và vũ trụ.


      Bùi Giáng, trong một sáng mùa xuân:

      Ghé thăm trái mận ban đầu

      Bình minh vẫn vẹn nguyên mầu ban mai


      Trái mận dính trên cành là do lực điện từ kết hợp, níu kéo những nguyên tử Carbon, Hydrogen, Oxygen, Nitrogen... của cuống trái mận với nhau. Trọng lực, dù là sức hút của toàn thể trái đất đã cố kéo trái mận rơi xuống, nhưng nó yếu hơn lực điện từ và lại càng yếu hơn vì trọng tâm lại ở tận trung tâm trái đất, cách mặt đất 6000 km nên suốt mùa xuân, trái mận vẫn nhởn nhơ trên cành. Khi mùa thu tới, những phản ứng hóa học làm một số phân tử của cuống trái mận biến chất, lực điện từ dần dần yếu hơn trọng lực để rồi một chiều thu, khi Bùi Giáng trở về chốn cũ, ông chỉ thấy:


      Mép bờ trái rụng ngổn ngang

      Ngàn thương nhớ phủ con đàng đi qua.


      Tuy trọng lực yếu như thế, nhưng nó lại hiện hữu ở khắp nơi khắp chốn. Nó làm hoa rơi lá rụng. Nó làm chúng ta không bị văng ra khỏi trái đất khi trái đất quay, làm mặt trăng xoay quanh trái đất, trái đất xoay quanh mặt trời và khi những vì sao tắt lửa, trọng lực khiến chúng teo lại thật nhỏ vào trung tâm để trở nên những sao Tiểu Bạch, sao Trung Hòa hay hố đen.


      Cường lực và nhược lực hoàn toàn là nội lực, chỉ có tác dụng trong phạm vi nhỏ bé của nhân nguyên tử. Nhược lực tuy yếu nhưng là thứ keo đặc biệt, chỉ dùng để dán những hạt neutrino vào trung hòa tử. Cường lực là một loại super glue, mạnh nhất, mạnh gấp 137 lần lực điện từ. Vì thế, những dương điện tử dù có cùng điện tính không những đã không đẩy nhau mà còn cùng bị giữ lại trong nhân. Nhưng nếu một nguyên tử có quá nhiều dương điện tử (gần 137) trong nhân, sức mạnh tổng hợp của lực điện từ sẽ gần ngang ngửa với lực mạnh khiến cho nhân nguyên tử dễ bị nứt ra, không còn kết hợp với nhau để tạo thành nguyên tử nữa. Vì thế mà chúng ta chỉ có thể có dưới 130 loại nguyên tử khác nhau trong vũ trụ.


      Thuở mới khai sinh vũ trụ, bốn lực điều hành vũ trụ kể trên chỉ là một lực và lực này đã tách rời thành bốn loại lực vào thời điểm Planck, thời điểm giới hạn của những định luật vật lý. Lúc đó, tuổi vũ trụ mới được 1 phần 10 triệu tỷ tỷ tỷ tỷ (43 số 0) giây đồng hồ.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      THẾ GIỚI KỲ ẢO CỦA LƯỢNG TỬ


      Tất cả bắt đầu từ hai cái lỗ

      (Feynman - giải Nobel vật lý)


      Cùng ra đời vào đầu thế kỷ 20, nếu thuyết tương đối đã bẻ gẫy vật lý Newton khi vật chất di chuyển thật nhanh, thì vật lý lượng tử cũng đã bẻ gẫy vật lý Newton khi áp dụng vào những kích thước nhỏ li ti căn bản của vật chất. Trong phạm vi nguyên tử, nguyên lý nhân quả không còn áp dụng. Những hạt điện tử đã điều hành theo những quy luật vật lý riêng rẽ và lạ lùng.


      Vật lý hay cơ học lượng tử bắt đầu từ những điều giản dị như câu nói nêu trên của Feynman. Tất cả bắt đầu từ hai cái lỗ.


      Trong bài phú Than Nghèo của Nguyễn Công Trứ có câu: Ánh nắng rọi trứng gà trên vách, thằng bé bị bô. Nếu chúng ta thay lỗ thủng tròn trên mái nhà bằng một khe nhỏ cỡ nửa milimet, ánh nắng sẽ không rọi hình trứng gà mà rọi sáng đều theo một hình chữ nhật trên vách. Nếu khoét thêm một khe nhỏ tương tự sát bên khe thứ nhất, chúng ta dự đoán ánh sáng sẽ rọi thêm trên vách một khoảng sáng hình chữ nhật bên cạnh. Nhưng không phải thế. Thay vào đó, chúng ta lại thấy trên vách những vạch sáng A và vạch tối B sát cạnh nhau thành những đường vân sáng tối liên tiếp. Những vạch sáng A là nơi tập trung của những quang tử và vạch tối B là nơi không có quang tử.


      Âm điện tử hay quang tử khi đi qua hai khe nhỏ sẽ tạo ra những đường vân

      Tương tự như thế, thay thí dụ trên bằng một máy phóng âm điện tử qua hai khe nhỏ tới một màn chắn. Âm điện tử cũng sẽ đứng xếp hàng theo những vạch song song, theo đó một vạch thẳng A đầy âm điện tử đứng sát bên cạnh vạch B không có âm điện tử. Bịt đi một khe hở, âm điện tử lại trải đều ra trên màn chắn.


      Lý do ngăn cản những quang tử hay âm điện tử không đi tới những vạch B khi có hai khe hở được giải thích là những điện tử vừa là hạt vừa là sóng. Khi di chuyển, chúng là sóng. Những luồng sóng đó khi di chuyển đã giao thoa với nhau để tạo ra hình ảnh đậm nhạt như vậy trên màn chắn.



      Sự kiện những hạt điện tử lúc di động thì như sóng, khi đứng lại thì như hạt đã là căn bản trong Diễn Dịch Về Lượng Tử Copenhague năm 1927.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Nhưng sự kỳ diệu về sự di động của điện tử không ngừng ở đó. Trong thí dụ kể trên, nếu ta đóng bớt một khe hở, và chỉ bắn ra từng âm điện tử một, các âm điện tử đó lần lượt sẽ được thấy tản mác đều khắp trên màn chắn. Nhưng nếu ta lại mở ra khe hở thứ hai và cũng bắn từng âm điện tử một, những âm điện tử này như có mắt hay đã nhận được lệnh nên sẽ chỉ thấy tập hợp theo những đường vân sáng. Làm sao chúng biết có khe hở thứ hai? Làm sao chúng biết có những âm điện tử được phóng ra trước nó và sau nó để đường đi của chúng giao thoa nhau? Và một điều kỳ lạ là khi các nhà khoa học tìm cách đặt một máy dò bên cạnh khe hở để theo dõi đường đi của quang tử hay âm điện tử, hiện tượng điện tử tập trung theo những hàng lối kể trên mất đi, chúng lại tản mác ra. Chúng như đã nhận được lệnh không cho con người biết là chúng đã di chuyển qua khe hở nào và di chuyển ra sao.


      Như thế, trong thế giới vi mô, hạt điện tử không hẳn chỉ giản dị là một hạt nhỏ vô tri giác bị ràng buộc một cách tuyệt đối vào những định luật vật lý mà chúng ta biết.


      Trong thí dụ kể trên, một âm điện tử được phóng đi từ nguồn S đi qua khe hở và thấy được ở vị trí A. Âm điện tử đó đã không nhất thiết phải đi theo đường thẳng. Nó có thể đã đi qua khe hở thứ nhất hay khe thứ hai. Vì chúng ta không thể nào biết chắc chắn nên các nhà vật lý lượng tử nghĩ rằng nó đã di chuyển trên những sóng xác suất hay sóng khả thể (probability waves). Khi di chuyển, hạt điện tử có thể ở bất cứ một vị trí nào trong phạm vi những sóng khả thể đó. Theo Bohr và Rutherford, trong nguyên tử, âm điện tử di chuyển trên một quỹ đạo quanh nhân như trái đất xoay quanh mặt trời. Tuy nhiên, vật lý lượng tử hiện đại cho thấy vị trí của âm điện tử đó chỉ là một vị trí được tiên đoán gần đúng trong một vùng mây âm điện tử quanh nhân.


      Như thế, lượng tử đã dựa trên sự bất định và gần đúng. Đọc thơ Trần Dạ Từ:


      Em mười sáu tuổi trăng mười sáu.

      Mười sáu trăng tròn em biết không?


      Tuy nhiên, số tuổi mười sáu đó chỉ là một con số dự đoán. Cô em mười sáu đó có thể nhỏ hơn hay lớn hơn một năm. Sai số tối đa là hai năm. Khi Bùi Giáng sống ở Sài gòn, ông đã lang thang phiêu bạt khắp nơi khắp chốn trong thành phố, mà thành phố này có đường kính mười cây số. Khi chúng ta đi tìm ông, sai số về vị trí của ông là mười cây số. Trong vật lý lượng tử, phạm vi sai số về vị trí của những hạt điện tử hay kích thước của những sóng khả thể được gọi là psi field và được tính bằng công thức Schroedinger ( = b/ms, h là hằng số Planck, m là khối lượng, s là vận tốc hạt điện tử). Trong phạm vi psi field đó, hạt điện tử có thể gặp ở bất cứ chỗ nào (Einstein gọi psi field là bãi ma, ghost field).


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      NGUYÊN LÝ BẤT ĐỊNH CỦA HEISENBERG


      Mỗi đời người một lý lẽ, bất an

      Mỗi cuộc chết có một hình thức, khác

      Mỗi đắm đuối có một mầm, gian ác

      Mỗi cuộc tình có một thú, chia ly


      Nếu Bohr đã đặt ra nền tảng của vật lý lượng tử, Schroedinger tìm ra giới hạn những sóng khả thể, người đóng góp nhiều nhất về phương diện lý thuyết và triết lý cho vật lý lượng tử là Heisenberg.


      Cũng như Nguyễn Tất Nhiên, mỗi đời người một lý lẽ, bất an. Đối với Heisenberg, những hạt điện tử cũng có những lý lẽ bất định của nó. Bất định về vị trí, bất định về sự di chuyển. Chỉ khác hơn là vì là một nhà vật lý học, Heisenberg đã tìm ra giới hạn của sự bất định, theo đó khi ta đem nhân sự bất định về vị trí với sự bất định về sự di chuyển, tích số của hai trị số bất định này phải gần bằng tỷ số h/ m. (h là hằng số Planck, rất nhỏ, m là khối lượng hạt điện tử). Vì dương điện tử nặng hơn âm điện tử 2000 lần, sự bất định của nó cũng nhỏ hơn âm điện tử 2000 lần.


      Như thế, ta có thể coi bất định là kiếp số, là thân phận của hạt điện tử. Được sinh ra với khối lượng m, hạt điện tử như đã mang cái nghiệp vào thân, bị bắt buộc phải sống sao cho sự bất định của nó phải gần bằng h/ m. Nếu phải di chuyển ở một phạm vi thu hẹp lại, con người dễ đoán được vị trí, hạt điện tử phải di chuyển nhanh chóng và kỳ quái hơn.


      Cũng chính vì phải tôn trọng nguyên lý bất định mà âm điện tử, điện tính âm, dù bị ảnh hưởng của lực điện từ, đã không bị dương điện tử hút vào trong nhân vì như thế sự bất định cả về vị trí lẫn sự di động đều bị giới hạn. Thí dụ Thúy Kiều dù bị Kim Trọng thu hút, vẫn không thể lấy Kim Trọng vì cô phải chịu cái nghiệp của sự bất định (đây chỉ là một thí dụ tượng trưng vì khối lượng m của Kiều ít ra cũng gần năm chục ký, tích số bất định h/ m của Heisenberg sẽ rất nhỏ).


      Trở lại với thí dụ hai khe hở trên, khi những điện tử di chuyển, chúng là sóng và có thể bắt gặp ở bất cứ chỗ nào trong phạm vi psi field. Nhưng khi ta chận được chúng lại và thấy được chúng, chúng đã trở về là hạt. Khi một khe hở đóng lại, chúng tản mác ra khắp màn chắn. Khi cả hai khe mở ra, chúng tụ lại trên những vị trí thẳng hàng. Để một máy dò dù tinh xảo và nhỏ đến đâu sau một khe hở để quan sát sự di động của chúng, dù cả hai khe hở cùng mở, những hạt điện tử vẫn tản mác ra. Một nhà khoa học đã tóm tắt: Khi không ai nhìn, thế giới được cấu tạo bằng sóng. Chỉ cần được nhìn thấy thôi, sóng đã biến thành hạt. Sự hiện hữu của vũ trụ, của thế giới như thế cũng rất hư ảo.


      Vũ trụ có ta còn hiện hữu.

      Không ta nào biết có hay không?

      (Vương Đức Lệ)


      Khám phá của Heisenberg đã đưa ra một nguyên lý căn bản cho Vật Lý Lượng Tử và Thiên Văn Học. Theo đó sự di chuyển của những đơn vị cấu tạo nhỏ nhất và căn bản nhất của vũ trụ không thể được xác định và tiên đoán một cách tuyệt đối chính xác. Chính vì phải tôn trọng nguyên lý bất định mà những vì sao khi tắt lửa, tàn lụi đi, bị trọng lực hút nhỏ lại, những hạt điện tử của vì sao bị tập trung vào một khoảng không ngày càng nhỏ đã phải phản kháng bằng cách di chuyển nhanh chóng hơn, kỳ quái hơn để duy trì tình trạng bất định. Từ đó, chúng đã tạo nên một áp lực phản kháng lại trọng lực và được gọi là áp lực suy biến. Tùy theo tương quan lực lượng giữa trọng lực và áp lực suy biến đó mà một vì sao khi chết đi sẽ thành sao Tiểu Bạch, sao neutron hay hố đen.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Một kết luận khác của nguyên lý bất định là khi ta quan sát thiên nhiên, ta đã tác động tới thiên nhiên, đã biến sóng thành hạt. Chúng ta đã không thấy được chân lý đằng sau giác quan.


      Nói một cách cơ học lượng tử, khi quan sát, chúng ta đã phá nát hệ thống sóng khả thể và hiện thực hóa hệ thống hạt. Đó là cách giải thích cái công án nổi tiếng của Vật lý lượng tử Con mèo của Schroedinger. Schroedinger lấy một thí dụ rất “hiện thực xã hội chủ nghĩa” là một con mèo bị bỏ trong một hộp kín thông với một bình hơi ngạt. Nắp bình hơi có thể bị xì ra bất cứ lúc nào. Theo vật lý cổ điển, tại một thời điểm nào đó, con mèo hoặc đã chết hoặc còn sống. Nhưng theo Schroedinger, con mèo trong hộp, khi không có ai nhìn, có thể ở trong cả hai trạng thái chết và sống. Khi chúng ta mở nắp hộp ra xem, một trạng thái thành hiện thực và một trạng thái biến đi. Trang Tử đời xưa nằm mơ thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy không biết mình là bướm hay là người. Có thể trong hệ thống sóng, ông là bướm, trong hệ thống hạt, ông là người. Cùng trong ý nghĩa kể trên, khi Bùi Giáng tự hỏi:


      Ta đi còn gửi đôi dòng.

      Lá rơi có dội ở trong sương mù.


      Trong sương mù, khi không có ai nhìn thấy, lá cây có thể ở trạng thái vừa dội vừa không. Chỉ khi nào sương tan, một trạng thái mới hiện thực hóa.


      Chẳng những khi quan sát, chúng ta đã biến sóng thành hạt, mà trong đời sống, kể cả vi mô và vĩ mô, khi chúng ta đo lường, nghiên cứu, tìm hiểu một vật hay một điều gì, chúng ta đã để cho ý thức của chúng ta tác động trên ngoại vật. Khi chúng ta nghiên cứu đặc tính của một hạt điện tử, chúng ta không chắc đã biết được những tính đặc thù, độc lập của nó mà chúng ta chỉ có thể biết được những đặc tính đã bị tác động, biến chất trong cả một hệ thống gồm có psi field, dụng cụ quan sát, cặp mắt và ý thức chúng ta v.v... Trong khi vật lý Newton xác quyết là những điều kiện giống nhau đưa đến những hậu quả giống nhau, vật lý lượng tử không thể xác quyết một cách tuyệt đối như thế mà chỉ có thể tiên đoán về vật chất một cách gần đúng, trong một phạm vi, một giới hạn. Cũng như Thiền học, vật lý lượng tử không cho phép chúng ta thấy được cái chân diện mục của sự vật.


      Kể từ đầu thế kỷ nay, hai ngành vật lý tân tiến đã nảy sinh để bổ khuyết vật lý Newton trong những trường hợp vật chất di chuyển nhanh cực độ (thuyết tương đối đặc biệt), lớn cực độ (thuyết tương đối tổng quát) hay nhỏ cực độ (cơ học lượng tử). Tuy nhiên, trong khi thuyết tương đối được coi như đã hoàn tất thì cơ học hay vật lý lượng tử vẫn còn như một cuốn sách chưa viết xong. Dù đã là yếu tố chính trong những tiến bộ khoa học hiện đại như áp dụng trong năng lượng nguyên tử, trong máy vi tính, những dụng cụ điện tử, những phát kiến y học, những hiểu biết về vũ trụ. .., Vật lý lượng tử còn có những đóng góp triết học quan trọng. Nó đã đảo lộn trật tự Newton. Nó cho thấy vũ trụ là bất định, tình cờ, may rủi, khó đoán trước kể từ những cấu tạo cực kỳ căn bản và nhỏ bé. Những cấu tạo nhỏ bé đó quá mong manh nên chỉ quan sát tới thôi, chúng cũng đã thay đổi. Vì thế, vũ trụ mà chúng ta hiện đang cảm nhận chỉ là một vũ trụ đã bị biến chất qua những cảm quan và ý thức của chúng ta. Có thể, đâu đó ngoài kia, có một vũ trụ độc lập, bất biến mà nếu mắt phàm của chúng ta chỉ vô tình liếc thấy thôi, loài hoa trên đó đã mùa đông rã cánh. Những khó hiểu và kỳ diệu đó của vật lý lượng tử như thế đã vượt xa tất cả những điều hư cấu nhất trong văn chương.


      Hoàng Dung

      Nguồn: Đi Vào Cõi Vô Cùng
      Nxb Thời Văn, 2001

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Và Nhân Quyền Hoàng Dung Chuyển ngữ

      - Vài Liên Tưởng Phân Tâm Học Qua Thơ Bùi Giáng Hoàng Dung Nhận định

      - Nguyễn Tất Nhiên Và Vấn Đề Tự Tử Hoàng Dung Nhận định

      - Có Và Không Của Thế Gian Hoàng Dung Khảo cứu

      - DNA, Đặc Tính Sự Sống và Sinh Vật Hoàng Dung Khảo cứu

      - Vài Mạn Đàm Về Sao Trời Hoàng Dung Khảo cứu

      - Vật Lý Lượng Tử Và Ý Nghĩa Thiền Học Của Vật Chất Hoàng Dung Khảo cứu

      - Thời Gian Hoàng Dung Khảo cứu

    3. Bài Khảo Cứu & Bài Tập Hình Học (Học Xá)

       

      • Bài Khảo Cứu

        Cùng Mục (Link)

      Có Và Không Của Thế Gian (Hoàng Dung)

      DNA, Đặc Tính Sự Sống và Sinh Vật (Hoàng Dung)

      Thử Tìm Hiểu ChatGPT (Đào Như)

      Những khám phá mới về Chất Trắng Trong Não Bộ (Trần Hồng Văn)

      Siêu Thượng Không Gian: Chương Kết Luận (Trà Nguyễn)

      Vài Mạn Đàm Về Sao Trời (Hoàng Dung)

      Vật Lý Lượng Tử Và Ý Nghĩa Thiền Học Của Vật Chất (Hoàng Dung)

      Những Quan Niệm và Học Thuyết Mới về Vũ Trụ (Phần 2) (Trần Hồng Văn)

      Những Quan Niệm và Học Thuyết Mới về Vũ Trụ (Phần 1) (Trần Hồng Văn)

      “Mỹ Ngữ” Và “Anh Ngữ” Khác Nhau Thế Nào? (Đàm Trung Pháp)

       

      • Hình Học (Bài Tập)

       

      Bài 1 - 10,    Bài 11 - 20,

      Bài 21 - 30,   Bài 31 - 40,

      Bài 41 - 47,

      Bài 48 (Điểm Schiffler của tam giác)

       

      Bài  IOM: 7 - 38,   41 - 45,   46 - 51



      • Anh Ngữ

       

       

      • Đố Vui:    1,   2

       

      Liên Kết Trong Mục Học Toán (Học Xá)
       

      Liên Kết

      IMO
      Wolfram MathWorld
      The Math Forum
      USAmts
      Komal
      MathLinks
      Cut-The-Knot

         Từ Điển Anh Việt

       

          

       


       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)