1. Head_

    Hoàng Giác

    (..1924 - 14.9.2017)

    Nhật Tiến

    (24.8.1936 - 14.9.2020)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái  (T. V. Phê) Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      8-2-2018 | ÂM NHẠC

      Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái

        T. V. Phê
      Share File.php Share File
          

       


          Nhạc sĩ Vô Thường
          (1940 – 2003)

      Tình cờ đọc báo trên mạng có bài: "VÔ THƯỜNG (1940 – 2003): Một hiện tượng trong làng tân nhạc Việt Nam hải ngoại", thấy tên người đồng hương mà cũng là bạn học thời tuổi trẻ, tôi chú ý theo dõi. Nhạc sĩ Trần Quang Hải viết rất xúc tích để tưởng niệm một người bạn, nhưng đọc đến đoạn: "Nhục nhã của 16 năm làm lính, mất «quê hương», mất gia đình, mất tất cả, lại thêm một nhục lớn là phải ở xứ lạ quê người ..." (1) tôi thấy có điều không hợp lý, nhất là câu "Nhục nhã của 16 năm làm lính" nên buộc lòng phải viết đôi dòng!


      Sao làm lính lại nhục nhã, đó là tâm ý của anh Thường hay chỉ là suy diễn của nhạc sĩ Hải? Bài của nhạc sỉ Trần Quang Hải viết xong tại Paris vào mùa thu 2003, nhạc sĩ Vô Thường từ trần tại Garden Grove, vào lúc 2 giờ 50 trưa ngày 26 tháng 4 năm 2003, nên dĩ nhiên nhạc sĩ Thường không thể đọc và lên tiếng để chúng ta có thể biết rõ đó là nhận định của ai.


      Nhìn lại thời gian trước 75, dù anh Thường có bị "bắt buộc" vào lính đi nữa; nhưng anh tự ý vào ngành Tâm lý chiến chứ không ai bắt buộc anh cả, mọi người sống ở miền Nam trước đây đều rõ điều này, đó là tâm nguyện của anh. Như vậy khó có thể nói anh thấy nhục nhã khi làm lính Tâm lý chiến! Tôi cho rằng đa phần những người lính miền Nam, nhất là thành phần sĩ quan, không có mặc cảm "nhục nhã" đó.


      Đến thời điểm năm 2003, ai đã từng sống qua hai chế độ, mới thấy cái quí giá của những ngày được tự do ở miền Nam. Người lính đã góp phần không nhỏ để gìn giữ cái không gian tự do ấy khỏi bị mất. Tự hào thay cho những năm làm lính. Nhạc sĩ Vô Thường từng viết những dòng tâm tình sau đây trên bìa sau CD-Vol 66: "Tình Ca Của Lính" cũng đã tự thanh minh cho mình rồi:

      "Sau cuộc chiến tàn. Hình ảnh oai hùng của người Lính thuở nào dù đã nằm xuống hay còn sống giờ lưu lạc xứ người vẫn mãi đẹp và khắc sâu trong lòng. Cũng như nhạc phẩm viết về Lính mãi mãi sẽ là kỷ niệm không quên trong cuộc sống tha hương của chúng ta." (Vô Thường, Vol 66: Tình Ca Của Lính).

       

      Hình bìa trước, bìa sau và mặt trên của CD-Vol 66 -

      Nhạc sĩ Vô Thường tên thật là Võ Văn Thường, pháp danh Thiện Quả, sinh năm 1940 tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận; mất năm 2003 tại California, thọ 63 tuổi. Tôi quen anh khi còn học Trung học tại quê nhà. Hai đứa có chung sở thích sưu tập những tờ chương trình do hai rạp hát Việt TiếnThanh Bình phát hành mỗi khi giới thiệu một phim mới. Dĩ nhiên là "bộ sưu tập" của anh lúc nào cũng nhiều hơn của tôi vì anh có lợi thế hơn: nhà anh ở gần rạp hát Việt Tiến nên dễ theo dõi thời điểm quảng cáo và chiếu những phim mới để kịp thời thu góp những tờ chương trình; nhưng lợi thế nhất là anh đam mê hơn tôi, tôi chỉ sưu tập tài tử, tùy hứng!


      Đối với chúng tôi lúc đó, tờ chương trình rất hấp dẫn, có in hình những tài tử chính nổi tiếng, những cảnh quan trọng trong phim và luôn luôn có tóm tắt nội dung cuốn phim ở phần cuối. Tôi còn nhớ anh sôi nổi kể nhiều chi tiết lý thú về những tài tử chính nổi tiếng mà anh rất rành rẽ, miệng lúc nào cũng nở nụ cười hóm hỉnh, rất tếu và dễ thân thiện. Đến bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng về trí nhớ đặc biệt của anh. Năm 1958, tôi ra Nha Trang để tiếp tục học, rồi cuốn hút vào dòng đời với phần nhiều thời gian là xa quê nên ít có cơ hội gặp lại anh nữa!


      Trước năm 1975, quán cà phê Diễm của Vô Thường cũng khá nổi tiếng, là nơi họp mặt nhiều anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà như: Nguyên Minh, Ngy Hữu (Trần Hữu Ngũ), Võ Tấn Khanh (Tôn Nữ Hoài My), Tô Đình Sự, Chu Trầm Nguyên Minh, Nguyễn Phan Thịnh... để hàn huyên và bàn chuyện văn chương. 


      Nhạc sĩ Vô Thường tốt nghiệp khóa 9 trường Sĩ Quan Thủ Đức, phục vụ ngành tâm lý chiến thuộc tỉnh nhà. Thời gian phục vụ trong quân đội, anh chiếm giải "người đánh đàn mandoline hay nhứt quân khu" (1). Nhưng vào năm 1966, anh chuyển từ mandoline qua tây ban cầm. Điều độc đáo là anh đàn tây ban cầm bằng tay trái, thành ra phải học mò, không học ký âm pháp nhiều và đàn lấy một mình khi còn nhỏ. Nhờ trí nhớ tốt, những bản nhạc nghe qua một hai lần là anh đánh được, dầu không đúng hẳn. Sau đó anh đàn trong ban nhạc trình diễn ở các club Mỹ tại Phan Rang, Nha Trang, Đà Nẵng.


      Biến cố 30-4-75 xảy ra, anh thoát thân đến Mỹ không kịp đem theo vợ con, phải làm nhiều nghề để kiếm sống, sau đó là mở cửa hàng bán bàn ghế ở Quận Cam và có lúc phát triển đến bốn cơ sở. Vốn tâm hồn nghệ sĩ, chỉ khi nào về với tiếng đàn của mình anh mới thấy thực sự hứng thú và hạnh phúc. Khi có điều kiện thuận lợi, anh hùn với một người bạn mở khiêu vũ trường RITZ vào tháng 3, 1983; nhưng hai năm sau lại sang cho nghệ sĩ Ngọc Chánh.


      Trong lãnh vực sáng tác, Trần Quang Hải cho biết có tất cả 11 bài, thể hiện qua các chủ đề: thương nhớ quê hương, nuối tiếc hạnh phúc và tuyệt vọng trong kiếp sống lưu vong. Đó là các nhạc phẩm: Giọt Nước Mắt Lưu Đày, Hạnh Phúc Phù Du, Hạnh Phúc Nửa Vời, Tình Khúc Cho Sài Gòn ... chủ đề chung: "Hạnh phúc nửa vời" phát hành giữa năm 1987. Đặc biệt nhạc phẩm "Khi Tôi Đến Nơi Đây" do chính giọng hát trầm buồn, khàn đục của anh lột tả nổi cay đắng, chán chường, uất hận của kẻ tha hương mất nước, tan nát gia đình:

      Khi tôi đến nơi đây, đôi tay trắng vai gầy

      Chợt đời ngu ngơ, muộn màng trên đất mới

      Kỷ niệm mang theo nước mắt tù đày

      Bỏ lại sau lưng trăm ngàn nỗi đắng cay

      ....

      Phải rồi em, rượu nào không cay đắng

      Phải rồi em, tình mình không may mắn

      Phải rồi em, đợi chờ gì khi xa vắng

      Tiếc làm gì một chút nghĩa trăm năm

      ....

      Ôi kiếp sống tha hương ngày tháng sao chán chường

      Nửa vời yêu thương hạnh phúc xa tầm tay

      Còn lại chăng tiếc nuối ăn năn

      Còn lại chăng giọt nước mắt lặng câm.

      Anh chú tâm nhiều hơn trong việc luyện tiếng đàn tây ban cầm với những nhạc phẩm quen thuộc của miền Nam, kể cả nhạc ngoại quốc, đây cũng là thú vui riêng. Bạn bè nghe thấy hay và khuyến khích, anh thu lại tiếng đàn trong băng cassette để gởi bán thử, chỉ mới có mấy tháng trong năm 1987 mà đã gây tiếng vang lớn, được thính giả khen ngợi nhiệt liệt. Cuối cùng anh quyết định sống chỉ bằng tiếng đàn của mình.


      Anh tự sản xuất CD nhạc không lời đủ loại: tình ca, hòa tấu, khiêu vũ, country music, ngoại quốc .... Ngay trong thị trường Mỹ, mỗi tuần anh nhận được nhiều thơ hỏi mua, hoặc viết lời khen, cám ơn anh đã mang lại cho họ những giây phút hạnh phúc qua tiếng đàn điêu luyện của anh thể hiện những nhạc phẩm nổi tiếng (2).


      CD của anh trình bày trang nhã, nghệ thuật, khác hẵn những CD có trên thị trường. Đôi khi ở bìa sau CD anh tóm tắt rất xúc tích về cuộc đời của các nhạc sĩ có bản nhạc anh đàn. Cầm CD lên xem đã thấy đẹp mắt, còn nội dung thì sao? Tôi chưa từng nghe tiếng đàn nào độc đáo như "ngón đàn" của anh! Lúc réo rắt êm dịu, lúc tha thiết áo não, âm thanh rót vào tai như mật ngọt làm xúc động đến tận cùng lòng người! Nhất là anh tự tạo thêm một đoạn nhạc ngắn ở khúc dạo đầu cũng như dồn hết kỹ năng vào ngón rung ở cuối mỗi đoạn, đôi khi còn rung cho từng nốt nhạc khiến âm thanh réo rắt liên tục như tiếng suối chảy thật tài tình! Thí dụ bài Biệt Kinh Kỳ (Minh Kỳ - Hoài Linh), Ai Nói Với Em (Trần Thiện Thanh), Sắc Hoa Màu Nhớ (Nguyễn Văn Đông), Paris Có Gì Lạ Không Em (Ngô Thụy Miên) ...


      Anh cũng điêu luyện trong cách luyến, láy, chuyển cung nên âm điệu bản nhạc lúc trầm lúc bỗng thay đổi liên tục nghe không chán; điển hình các bài Để Quên Con Tim (Đức Huy), Tình Thư Của Lính (Trần Thiện Thanh), Gặp Nhau Làm Ngơ (Trần Thiện Thanh) ...


      Các CD hòa tấu của anh cũng xuất sắc, thực hiện công phu, âm thanh các loại nhạc cụ rất hòa hợp; tùy nội dung nhạc phẩm tiết tấu có thể êm dịu nhẹ nhàng, trầm buồn sâu lắng, hoặc sôi nổi vui tươi như thổi một sinh khí mới cho bản nhạc; chẳng hạn các bài: Hoa Soan Bên Thềm Cũ (Tuấn Khanh)Ai Về Sông Tương (Thông Đạt), Như Mây Như Mưa (Lê Tín Hương), Chiều (Dương Thiệu Tước, thơ Hồ Dzếnh) ...


      Còn nhạc khiêu vũ thì tuyệt diệu: vui nhộn, tươi trẻ, đầy sức sống, chỉ cần nghe khúc dạo đầu là thấy phấn chấn yêu đời! Hãy mở: Ô Mê Ly (Văn Phụng), Đêm Đô Thị (Y Vân), Phố Vắng Em Rồi (Mạnh Phát), Anh Về Với Em (Trần Thiện Thanh), Mùa Thu Cho Em (Ngô Thụy Miên) ...


      Cuối cùng, đa phần những CD nhạc ngoại quốc của anh là tuyệt phẩm, thính giả nước ngoài cũng mê những nhạc phẩm nổi tiếng sau đây qua tiếng đàn guitare tay trái bất hủ: Paloma, Fernando, Amor Amor, Jambalaya, Limbo Rock, Lambada, Besame Mucho, Sundown, Guatanamela, El Cumbachero, Pearl Of Asia, Stupid Cupid, I Love You Rose ...


      Mười sáu năm hoạt động trong lãnh vực ưa thích với hết khả năng của mình, anh đã thu âm được 150 CD về đủ thể loại và rất đa dạng: Tình Khúc Tiền Chiến, Tác Giả & Tác Phẩm, Tình Ca Cho Nhau, Tình Ca Của Lính, Lính và Kỷ Niệm, Thơ Nhạc, Tình Ca Xuân, Nhạc Hòa Tấu, Nhạc Khiêu Vũ, Nhạc Ngoại Quốc, Country Music ... Nội dung các thể loại trên giới thiệu hầu hết các nhạc sĩ và nhạc phẩm danh tiếng một thời, kể cả nhạc ngoại quốc, mà ai cũng ưa thích. Trung bình mỗi CD tối thiểu 10 bản nhạc, 150 CD tính ra hơn 1500 nhạc phẩm. Đó là một số lượng không nhỏ để lại cho đời, vì toàn là tuyển chọn những bản hay và nổi tiếng.


      Nhiều người, nhiều giới không tiếc lời khen ngợi tiếng đàn bất hủ của anh, nhạc sĩ Trần Quang Hải cho rằng tiếng đàn Vô Thường không có "đối thủ", còn nhà nhạc học nổi tiếng, Giáo sư Trần Văn Khê, đã thẩm âm và nhận xét:

      "Tiếng đàn có sức hấp dẫn lạ thường, nghe câu đầu muốn nghe tiếp câu sau, và liên tục như thế đến khi dứt bài mà cũng còn vọng lại dư âm. Những bản nhạc phần nhiều rất quen thuộc với người nghe. Nhưng qua ngón đàn của Vô Thường, mỗi bài mỗi tươi thắm với một sắc thái mới, đậm đà với một hương vị mới. Có phải chăng nhờ phong cách đàn độc đáo, không phải chỉ đàn bằng ngón tay mà đàn bằng con tim, không phải chỉ phô trương kỹ thuật mà áp dụng nghệ thuật, biểu diễn như Vô Thường không phải lập lại mà tái tạo ..." (3)

      Gần cuối đời anh chú tâm trở lại đến việc viết ca khúc, anh chuẩn bị thực hiện một CD gồm những bản tình ca (Tình Ca Vô Thường) qua tiếng hát của anh, Quỳnh Lan, Đức Minh. Riêng bài "Nhớ chút tình bỏ quên" do Bạch Yến hát cả lời Việt và Pháp ("Souvenir d’un amour oublié", Bạch Yến dịch). Nhưng công việc chưa xong thì anh đã ra đi.


      Nhạc sĩ Vô Thường đã lập gia đình với chị Lê Tín Hương, hai tâm hồn đồng điệu. Trong thời gian quen nhau lúc tình còn nồng, nhạc sĩ Trần Quang Hải có kể lại: "Khi anh sang thăm chúng tôi tại Paris vào đầu thập niên 90, anh Vô Thường giới thiệu Tín Hương, một người đàn bà miền Trung rất đẹp. Một bài nhạc đã được viết ra trên đất Pháp, dọc sông Seine, giữa thành phố Paris hoa lệ." (1) Đó là bài "Một Chút Tình Bỏ Quên" nêu trên, trong đó có đoạn:

      ...

      Paris dường như đã

      Nghe tình lên trong ta

      Từ Anh lặng lẽ tới

      Cho nhung nhớ đầy vơi

      Cho mộng tràn chăn gối

      ...

      Dĩ nhiên anh khuyến khích chị sáng tác nhạc và tạo điều kiện thuận lợi cho chị đưa các nhạc phẩm đó đến thính giả. Trong thời gian hai người sống chung, anh có làm một CD hòa tấu toàn nhạc của chị, ghép tên hai người làm tên CD: Hương Vô Thường. Riêng chị thực hiện được những CD có tên: Con Đường Tôi Về, Dòng Đời Mong Manh, Có Những Niềm Riêng ...


      Nhạc của chị diễn tả tình yêu, quê hương, nỗi niềm, thân phận con người ... với tiết tấu nhẹ nhàng, êm dịu, đôi lúc tha thiết xót xa; lời ca giản dị nhưng ý nghĩa sâu sắc, nhân bản. Bài "Con Đường Tôi Về" diễn tả cuộc sống cực khổ lam lũ của người dân mà chị có dịp thấy trên đường trở về. Anh Dũng hát nghe sao buốt trong tim và lệ muốn trào:

      . . .

      Con đường tôi về, còn tiếng chim ca

      Còn hàng phố nhỏ, nhập nhòa bóng ma.

      Còn anh mệt nhoài, trên đôi nạng gỗ

      Trên chiếc xe lô, lê giữa chợ đời

      Nuôi thân khô cằn, giọt mồ hôi rơi!


      Con đường tôi về, còn đó như xưa

      Nhưng người năm cũ, là xác chưa đưa

      Cha về từ tù, đau thương hao mòn

      Mẹ quê gầy còm, mong manh áo vá

      Vá được áo đời, hồn rách tả tơi!

      Bài "Có Khúc Sông Nào" (Album: Con Đường Tôi Về) do Thái Hiền hát cũng làm ta se lòng:

      Có khúc sông nào đời đưa ta đi

      Êm đềm êm đềm, dòng sông tuổi nhỏ

      Nụ hoa vừa chín, mắt môi ngọt đời

      Ngày xanh gọi mời, tình xuân chơi vơi.


      Có khúc sông nào đời đưa ta đi

      Ngỡ ngàng, ngỡ ngàng, dòng sông bão nổi

      Từ đâu bão tới cuốn trôi vườn đời

      Tình vui giọt sầu, ngày vui tàn mau.

      Đến cuối năm 1999, anh và Tín Hương chia tay. Chị có sáng tác ca khúc "Vùi Trên Lối Mòn", có lẽ để kỷ niệm cho một cuộc tình ngắn ngủi:

      ...

      Giờ ta chia phôi, cố quên tháng ngày

      Hạnh phúc trong tay, giờ đã xa bay

      Như giấc cô miên mối tình muộn phiền


      Hãy cố quên những lời thề ước

      Hãy xóa đi những lời yêu nồng

      Ôi trái tim đầy những nát tan

      Cơn bão yêu càng thêm phũ phàng


      Hãy cố quên mối tình đã lỡ

      Hãy xoá đi mối tình hững hờ

      Ôi trái tim giờ đây héo hon

      Như cỏ non vùi trên lối mòn

      Nhạc sĩ Vô Thường tính tình hiền lành, "nếu có tranh cãi thì chỉ đến câu thứ ba thứ tư là anh chịu phần thua. Chính vì vậy mà ngày anh nằm xuống hầu như tất cả anh chị em văn nghệ sĩ từ người sáng tác, trình diễn cho đến các Trung Tâm sản xuất đều thương tiếc. Theo ước nguyện, gia đình đã không nhận phúng điếu nhưng gần 100 vòng hoa được gởi đến để chật cả nhà quàng và dọc theo hai đường đi." (4)


      Anh cũng sống khiêm cung và chu đáo. Trên CD của anh thường có những lời cảm tạ chân tình:

      "Cảm tạ ơn Trên, Cảm tạ Cha Mẹ, Cảm ơn Đời, Cảm ơn các Nhạc sĩ sáng tác, Cảm ơn Quí thính giả mến mộ, Cảm ơn những tình bạn bè ... Với một chút nghệ sĩ tính do ơn trên và cha mẹ đã ban cho tôi, nếu tiếng đàn lời nhạc có chia xẻ và mang lại chút vui chút buồn nào đó, Vô Thường xin cảm tạ và ghi nhớ mãi những thân thương này."

      Anh thực sự đã dốc hết tài năng và tâm huyết tạo ra những âm thanh tuyệt diệu để lại cho đời. Tiếng đàn Vô Thường có sức mầu nhiệm giúp ta thấy đường dài từ nhà đến chỗ làm rút ngắn lại, giúp ta sảng khoái sau những giờ làm việc mệt nhọc căng thẳng, giúp ta dễ chìm vào giấc ngủ đầy êm dịu, thoải mái; giúp ta thấy cuộc đời hạnh phúc và đáng sống hơn. Cảm ơn anh Vô Thường.


      Giáo sư Trần Văn Khê đã chí tình nói những lời tốt đẹp về tiếng đàn của anh. Ông diễn tả rất khéo rằng:

      "Vô Thường không cần đọc nhạc. Chỉ nghe qua một nhạc khúc rồi nhớ nằm lòng. Nét nhạc tan vào huyết quản, biến thành máu thịt, thân xác và cả tâm hồn Vô Thường. Và từ đó trong người, trong tim, trong hồn của Vô Thường nét nhạc trở ra mang theo một xúc cảm, một say mê đặc biệt của Vô Thường. Người nghe hẳn nhận thấy bản nhạc tuy quen mà rất lạ, tuy cũ mà rất mới, nhạc theo nguồn hứng của nghệ sĩ mà tuôn như suối, bay như mây, lướt như gió, ngân như tiếng chuông ..." (3)

      Rất mong tiếng đàn của anh mãi mãi ngân vang khắp thế giới, vào mọi gia đình Việt Nam ở hải ngoại và cho đến tận góc trời nhỏ bé nơi quê hương thân yêu của chúng ta.

       

      (tháng 8/2008)

      T. V. Phê

      Học Xá

      (1) tranquanghai1944.com

      (2) To Mr. VOTHUONG: Lan has shared your lovely guitar music with me. It has become one of my favorite tapes. I hope you will continue to spread your beautiful sound for all of us on this earth to enjoy. Thank you, Caroline Johnson Seatle WA. 1/2/92.

      (3) Lời khen của Dr. Trần Văn Khê, Honor Member Of CIM (UNESCO) FRANCE; (Trích từ bìa CD Nhạc Khiêu Vũ 11, Vol. 125, VÔ THƯỜNG GUITAR).

      (4) Văn Nghệ Magazine số 18/2003, trang 57.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định

      - Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận

      - Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận

      - Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định

      - Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút

      - Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận

      - Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận

      - Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận

      - Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút

      - Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút

    3. Bài viết về Nhạc sĩ Vô Thường (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
      Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá)

       

      Âm Nhạc

       

      Tình Ca Mùa Xuân

      Tình Ca Mùa Thu

      Thơ Phổ Nhạc

      Thơ Nhạc Giao Duyên

       
      Cùng Mục (Link)

      Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)

      Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)

      Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)

      Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)

      Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)

      Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng (Du Tử Lê)

      Trần Quang Hải: Nhà âm nhạc học (Trường Kỳ)

      Màu tím vấn vương trong nhạc Việt (Lê Hữu)

      Trần Quang Lộc - Người Về Khuất Chân Trời (Lê Chiều Giang)

      Tiếng hát thủy tinh của ca sĩ Quỳnh Giao (Phan Anh Dũng)

       

      Các nhóm nhạc (Wikipedia):

       Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng

       

      Nhạc sĩ:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) Anh Bằng,  Anh Linh,  Anh Việt,  Anh Việt Thu,  Bảo Thu,  Canh Thân,  Châu Kỳ,  Châu Đình An,  Chung Quân,  Cung Tiến,  Dương Thiệu Tước,  Duy Khánh,  Duy Trác,  Dzoãn Mẫn,  Dzũng Chinh,  

       

      Trang nhà:

      Phạm Duy, Trường Sa

       

      Nhạc tuyển::

      Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com

      Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan

      Mùa thu Paris Thái Thanh

      Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo

      Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh

       

      - Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975

      - Ảnh Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa

      - Bìa Các Bản Nhạc Xưa

      - Cổ Nhạc Miền Nam: I, II

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)