1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Cánh Tay Phải (Trần Hồng Văn phóng tác) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-4-2021 | TRUYỆN

      Cánh Tay Phải

       TRẦN HỒNG VĂN
      Share File.php Share File
          

       

      Truyện Ngắn Liên Sô
      Trần Hồng Văn phóng tác

      Vài hàng về tác giả: Aleksandr Solzhenitsyn là một cây đại thụ trong nền văn học thế giới hiện đại. Ông sinh năm 1918 tại Kislovodsk, Caucasia, Nga Sô. Ông là một người can đảm, bất khuất và có phẩm giá cao, được cả thế giới chú ý khi viết cho Đại Hội Liên Hiệp các Nhà Văn Liên Xô vào năm 1967, yêu cầu chấm dứt việc kiểm duyệt các bài viết của văn nghệ sỹ. Trước đó Solzhenitsyn phục vụ trong quân đội Xô Viết, bị cầm tù 8 năm vì đã xúc phạm tới Stalin. Khi danh tiếng của ông vang tới các nước phương tây (Ông nhận giải thưởng Nobel về văn chuơng năm 1970), ông là cái gai nhọn trong guồng máy chính quyền Xô Viết, sau đó bị tước đoạt quyền công dân rồi bị trục xuất sang Tây Đức năm 1974. Truyện “One Day in the Life of Ivan Denisovich” dựa vào kinh nghiệm sống của ông trong trại tù cải tạo lao động được dựng thành phim. Những truyện nổi tiếng khác của ông như: The First Circle, The Cancer WardThe Gulag-Archipelago. Riêng cuốn The Gulag-Archipelago (Quần Đảo Ngục Tù) được in trên 10 triệu ấn bản và dịch ra nhiều ngoại ngữ. Ông mất vào tháng 8 năm 2008 tại Mạc Tư Khoa.

      1.


      Khi tôi trở lại Tashkent vào mùa đông năm đó, một chân tôi đã bước xuống chiếc huyệt nhưng người ta đã cứu tôi ra khỏi tay tử thần. (Chú thích: Tashkent là thủ đô nước Uzbekistan và là thành phố lớn nhất vùng Trung Á)


      Rồi một tháng qua đi, một tháng nữa và một tháng nữa. Trong khi đó bên ngoài mùa xuân qua đi và mùa hè lại tới, mọi việc trở nên đáng yêu, chỗ nào cũng xanh tươi, ấm áp và tôi với đôi chân run rẩy tập đi những bước đầu tiên sau nhiều tháng không cử động được.


      Tôi không dám nghĩ là mình đã khá hơn mà chỉ mơ màng suy nghĩ là mình còn sống được bao lâu nữa. Chậm chậm, tôi lê bước trên con đường trải nhựa trộn lẫn với cát trong công viên ăn thông với khu bệnh viện, rồi ngồi trên thảm cỏ, khi đã mệt thì nằm dài trên cỏ, ngắm nhìn bầu trời trong vắt phía trên.


      Đối với người ngoài thì tôi chẳng khác gì với những bệnh nhân khác, nhưng chỉ có riêng tôi mới hiểu, tôi khác với những người kia và còn tệ hơn là đằng khác: Họ còn có nhiều lợi điểm còn tôi thì không, chẳng có gì. Cuộc đời của tôi tựa như một ẩn sĩ. Họ có người thăm viếng, lo lắng và chúc tụng hay khóc thương, còn tôi thì chẳng có lý do gì cả. Đã ba mươi lăm tuổi, chả quen ai trong thế giới này. Tôi cũng chẳng có một tờ giấy tùy thân nào. Nếu khá hơn thì lập tức bị đuổi cổ ra khỏi công viên xanh tươi này và trở về bãi sa mạc mà nơi đó là nơi tôi bị lưu đầy vĩnh viễn. Tôi đã từng sống ở đó dưới sự kiểm soát ngày đêm của công an. Mỗi tuần tôi phải trình diện. Họ đưa tôi tới bệnh viện này vì tôi bị bệnh nặng, đang chờ thần chết tới đón, vậy thôi.


      Tôi hiểu là phải tận hưởng lấy những gì mình đang có, ví dụ như buớc chân chập choạng nhưng tự do, khi hít vào thấy không đau đớn, món ăn có củ khoai tây tươi không bị đông đá hoặc là có miếng cá trong chén soup. Vì thế dù trong mùa xuân qua tôi có bị đau một chút nhưng lại là mùa xuân hạnh phúc nhất trong suốt quãng đời.


      Mọi vật như mới mẻ, như hấp dẫn, người bán kem với chiếc xe đẩy nhỏ, con đường ngập rác, người đàn bà bán củ cải, không kể đến chú ngựa con chui hàng rào tới đây ăn cỏ. Mỗi ngày tôi đi xa hơn, rồi tới khu những dãy nhà nhiều tầng xây bằng gạch, tôi có cảm tưởng như mình đang bước sang một thế kỷ mới. Tới một chỗ mà nhiều con đường có những hàng cây thẳng tắp hội tụ vào một cổng chính, một khối đá lớn tạc tượng Stalin bóng loáng nhếch miệng cười dưới hàng ria đen, rồi một dãy tượng nhỏ hơn xếp đều đặn ra tới cổng. Gần cổng là gian hàng bán trái cây và trà. Bệnh nhân không được phép vượt qua cổng này. Nghĩa địa lớn của thành phố nằm kế bên nên mỗi ngày 2 hay 3 buổi tang lễ vọng tới công viên và nơi này. Những người khỏe mạnh quay đầu một lát rồi tiếp tục bước đi còn những kẻ bệnh hoạn thì ngừng hẳn lại lắng nghe tiếng nhạc truy điệu.


      Khi thấy con bệnh mỗi ngày một xa dần thân thể thì tôi càng thấy buồn. Phải lìa khỏi nơi này thì thật bất hạnh. Dưới con dốc thẳng đứng, những bông hoa vàng dại đã nở, trong công viên, hàng cây sồi lớn che khuất cả đám cây keo Nhật Bản, một đài phun tám vòi nước mỏng màu bạc lên trời. Rồi những thảm cỏ xanh mướt mà từ lâu đã không còn trong trí tôi vì nơi tôi bị lưu đầy, cỏ không mọc được. Nằm dài trên thảm cỏ này rồi nhẹ hít vào phổi mùi cỏ và mùi đất ấm áp thật là tuyệt diệu biết bao.


      Không phải một mình tôi cô độc nơi đây. Một cô sinh viên trẻ trường thuốc đang đi đi lại lại, đầu chúi xuống cuốn sách dầy cộm. Vài cô khác đang vội vã đi về phía hồ bơi, chiếc túi đựng đồ thể thao đong đưa bên mình. Vào buổi chiều nhạt như thế này, trông họ đều giống nhau. Bất chợt tôi lại thấy thương hại cho những người bạn bị chết vì lạnh tại Demjansk hay bị thiêu sống tại Auschwitz, bị bắt ở Dzeskasgan rồi chết tại Tăiga. Xin lỗi những cô bé này nhé vì tôi không có dịp kể lại cho các cô nghe những câu chuyện đó.


      Suốt ngày đám đông di chuyển trên con đường nhỏ này, họ là những y sỹ trẻ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên văn phòng, y công hay thân nhân bệnh nhân. Họ đi qua, ẩn mình trong chiếc áo bệnh viện hay trong những chiếc áo màu sắc sặc sỡ, còn tôi qua những năm tháng bị lưu đày trông tiều tụy làm sao, nhiều nếp nhăn hiện rõ trên, làn da nhợt nhạt chảy xệ, lưng cong đã thành một cái tật chỉ vì qua bao năm, tự vệ là sách lược cuối cùng của tôi. Chiếc áo khoác ngoài cũn cỡn, chiếc quần không dài quá mắt cá chân và đôi giầy rách không che được chiếc vớ màu nâu. Một người đàn bà xấu nhất thế gian này chắc cũng từ chối cho tôi đi cùng, nhưng may mắn cho tôi là tôi lại không nhìn thấy chính tôi, con mắt tôi còn đang mải mê nhìn cảnh đẹp nơi này.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      2.


      Một buổi chiều kia đang thơ thẩn đứng bên chiếc cổng chính, và như thường lệ, đám đông qua lại, chiếc dù lớn gần cổng lắc lư, những chiếc khăn lụa, quần thanh lịch với những chiếc thắt lưng bóng loáng, những chiếc áo sơ mi thêu màu sắc sặc sỡ. Một lão già dựa mình vào hàng rào, trông lão giống như một gã ăn xin, vừa thở hởn hển vừa nói với người đi ngang qua mặt:


      - Đồng chí, đồng chí.


      Nhưng chẳng ai chú ý tới lão, họ đều có mối bận tâm riêng. Tôi tới gần hỏi lão:

      - Việc gì vậy, bố già?


      Lão có chiếc bụng thật bự, to hơn cả bụng một người mang thai đã 9 tháng. Nó chẩy xệ xuống trông giống như một chiếc túi mà chiều rộng chiếc lưng chiếc quần ka ki không quấn qua nổi. Dù cho là đang là mùa hè, lão mang đôi giầy ủng bụi bậm và chiếc áo khoác ngoài dầy cộm. Chiếc mũ lưỡi chai đã rách không che được đôi mắt lờ đờ.


      Chậm chạp lão dơ tay lên, tôi gỡ tay lấy miếng giấy đã nhầu nát trong tay lão ra. Đó là lá thư xin cho công dân Bobrov được nhập viện, phía bên dưới là hai hàng chữ, một xanh và một đỏ. Hàng chữ xanh là của văn phòng chính viết lý do tại sao lại từ chối đề ngày hôm qua, còn dòng chữ đỏ là lệnh cho phòng khám phải chữa trị cho bệnh nhân này và được viết vào sáng hôm nay.


      - Này, bố phải tới đó, đưa giấy này cho nhân viên tiếp tân. – Nghĩ là ông ta bị điếc, tôi nói lớn. – Toà nhà kia kìa, cứ đi dọc theo hàng rào này tời cuối đường là tới.


      Chợt nhận ra ở chỗ này là gần tới phòng khám bệnh, nhưng ông ta đã kiệt sức không thể lê bước tới đó được nữa, tôi nói:


      - Thôi vậy, bố già, để tôi đưa bố tới đó cho. Đưa cái túi xách tôi mang dùm nào. - May là ông ta còn nghe rõ, một tay đưa cái túi xách cho tôi còn tay kia vịn vào vai tôi. Chúng tôi bước đi như hai gã ăn xin. Tôi cứ tuởng tượng là mình đang đi dạo, tay trong tay với một cô gái đẹp nhất thủ phủ Tashkent này.


      Tới một đoạn có chiếc băng ghế bên đường, ông ta nói muốn ngồi nghỉ một lát. Trong khi đi, ông ta thỉnh thoảng nói chuyện và bậy giờ ngồi nghỉ lại nói nhiều hơn. Lúc đầu ông ta định đi Urals, một tỉnh ở miền tây nuớc Nga để trình diện, nhưng dọc đường bị bệnh, nằm trong bệnh viện ở một thành phố nhỏ vài tuần rồi xuất viện, hết tiền rồi lưu lạc đến nhiều nơi, xin vào bệnh viện nhưng không được, rồi cuối cùng tới đây. Suốt hai ngày qua năn nỉ xin xỏ cuối cùng mới được chấp thuân nhập viên.


      Tôi không hỏi ông ta làm gì ở miền Nam. Theo như giấy tờ của bác sĩ thì ông ta mắc chứng bệnh phức tạp. Tôi đã thấy nhiều người bệnh, người này quả thực mắc bệnh nặng và không thiết sống nữa. Khi nói chỉ mở nửa miệng nên rất khó hiểu ông ta muốn nói gì, đôi mắt thì như có một màng che. Ông ta không già lắm dù cho tóc đã bạc, có lẽ cơn bệnh làm hao tổn sức khỏe. Chiếc cổ thật gầy trông tựa như chiếc cổ gà nên trông khó khăn đỡ được chiếc đầu. Khi ngồi chiếc đầu chĩu ra phía trước ngực. Thình lình ông ta nhìn tôi rồi nói:


      - Cho xin điếu thuốc lá, đồng chí.


      Tôi la lên:

      - Ngồi đây nghỉ một lát mà không hút thì chết à. Tôi không hút thuốc.


      Ông ta thở hổn hển, như con chó, nhướng đôi mí mắt lên nhìn tôi:

      - Thì ít nhất cũng cho tôi ba rubles chứ.


      Suy nghĩ là có nên cho ông ta không. Tôi, một tên tù còn ông ta là một người tự do, có thể là một anh hùng một thời trong quá khứ. Tôi đã phải đổ mổ hôi làm việc không công cho trại tù, vài năm trở lại đây, họ trả lương, với số tiền khiêm nhường mà còn phải trừ đi bao nhiêu khoản nữa, như tiền điện, tiền quản trị, tiền bảo hiểm lao động … Ôi, cả chục thứ tiền.


      Lấy chiếc túi bên ngực ra, tôi đếm xem còn bao nhiêu rồi đưa cho ông ta ba rubles. Nhanh nhẹn cầm lấy rồi bỏ vào túi, miệng thì thào câu nói cám ơn. Chúng tôi im lặng, Một người đàn bà và hai cô gái đi qua, tôi nhìn theo và rất thích họ. Đã mấy năm rồi tôi không được nghe tiếng nói, tiếng giầy khua của một giống người gọi là đàn bà.


      - Ông còn may mắn hơn tôi, ông có những giấy giới thiệu và còn luẩn quẩn ở đây lâu, còn tôi …


      Ông ta ngẩng đầu lên nhìn tôi, mắt trong hơn, giọng nói ít run nên tôi hiểu rõ hơn.


      - Này cậu thanh niên, người ta gửi tôi tới đây vì thành tích của tôi. Tôi đã chiến đấu trong thời cách mạng, từng bắt tay và một dạo là cánh tay mặt của đồng chí Kirov (Chú Thích: Sergei Kirov, lãnh đạo đảng cộng sản Nga, sau bị Stalin thanh toán). Đáng lý ra tôi phải được lãnh tiền hưu ở bậc thượng hạng đấy. – Hai má và đôi môi chuyển động nhanh trên khuôn mặt râu ria lởm chởm có một nét cười hãnh diện.


      - Nhưng làm sao bố lại nên nông nỗi này?


      - Đời mà. – Ông ta thở dài. - Người ta không muốn thừa nhận công lao của kẻ khác. Nhưng tôi phải đi tìm nhân chứng ở đâu đây?. Kirov đã bị giết, tôi lại không giữ được những giấy báo công. Nhưng vẫn còn một thứ.


      Cánh tay phải vươn ra, những chỗ khớp xương bị sưng nên vất vả lắm bàn tay mới lần được vào trong túi áo. Tới lúc này, mọi cố gắng chấm dứt, cánh tay và chiếc đầu xụi lơ. Ngôi mặt trời từ từ chìm sau những dãy nhà khu bệnh viện, bây giờ là giờ cao điểm trong khu tiếp tân. Chỉ còn cách hơn trăm bước, lúc này cũng rất khó tìm được một giường trong bệnh viện.


      Lắc lắc vai ông, tôi nói:

      - Này, này. Tỉnh dậy đi. Bố có thấy cánh cửa kia không? Tôi chạy ra trước hỏi xem sao, bố cố tới nhanh lên nhé. Để tôi mang cái túi xách này cho. Ông ta gật đầu.


      3.


      Ad-22 Ad-22

      Vào ban ngày, phòng tiếp tân lúc nào cũng chật cứng bệnh nhân, họ phải đợi hàng giờ mới được gọi tới tên. Không ngờ giờ này lại không có một bóng người. Gõ cánh cửa sổ, một cô y tá có cái mũi vểnh lên, đôi môi thoa son đỏ chót hiện ra.


      - Gì vậy? – Cô ta ngồi im bên một chiếc bàn, đang đọc dở dang cuốn tiểu thuyết.


      Tôi cầm tờ đơn của ông già trên đó có hàng chữ đỏ cho phép ông ta được khám bệnh và nhập viện. Cô ta vẫn ngồi, nhìn tôi nói vọng ra:


      - Ông có biết bệnh nhân chỉ được khám vào 9 giờ sáng mỗi ngày không?


      Tôi không biết điều này. Tôi cố nhoài người vào trong cho gần cô ta hơn, môi dưới trề ra rồi bắt đầu gầm lên như con dã nhân.


      Có vẻ nao núng, đẩy lùi chiếc ghế xa hơn và có vẻ thân thiện hơn:

      - Hôm nay hết nhận bệnh nhân rồi, sáng mai ông trở lại lúc chin giờ nhé.


      - Tôi to giọng:

      - Cô coi đây.


      Cô ta đọc xong tờ giấy rồi trả lại tôi:

      - Tôi làm được gì? Luật lệ áp dụng cho mọi người. Vả lại chúng tôi không còn chiếc giường trống nào hết. – Cô ta nói như để làm tôi nản lòng.


      - Nhưng ông ta không phải là người ở đây, tối nay cũng chẳng biết có chỗ nào ngủ nữa. – Tôi lùi ra sau, không còn nói giọng của tên tù trong trại tập trung nữa. Nét mặt cô ta lại trở nên lãnh đạm như cũ.


      - Thì sao. Mỗi ngày chúng tôi gặp biết bao nhiêu trường hợp như vậy. Ông kiếm cho ông ấy căn phòng nào đâu đó ở tạm đêm nay đi.


      - Nhìn kìa. Cô coi tình trạng ông ấy đi.


      - Ông nói sao? Tôi không phải là người khám cho bệnh nhân. Tôi cũng không làm trong phòng cấp cứu, ông hiểu chứ. – Cô ta la lớn như mụ bán cá ngoài chợ.


      Nắm tay của tôi hướng về phía cô ta:

      - Vậy cô ngồi đây làm gì? Sao không đóng cửa bệnh viện này lại?


      - Đồ ăn xin hỗn láo, - Cô ta đứng bật dậy chạy về phía tôi. – Ông là ai, sao lại có giọng dậy dỗ người ta như vậy? - Nếu không có lớp son dầy trên môi và làn sơn móng tay đỏ sẫm thì chắc cô ta là một cô gái đẹp. Nét mặt cau có làm mặt cô ta biến thành một con thú hung dữ.


      Có tiếng chân lê nhẹ, lão già đã đứng sau và đã nghe tất cả câu chuyện. Một tay vịn tường còn tay kia dơ ra một cái túi da nhỏ rách bươm. – “Đây, xin cô đọc tờ giấy trong chiếc túi này, đây … đây.”


      Tôi giúp lão ta ngồi xuống chiếc băng ghế, tay lão run run nắm chặt chiếc túi da. Tôi giúp lão lấy mánh giấy đã rách trong túi ra. Những dòng chữ đánh máy tuy đã nhoà nhưng vẫn còn đọc được:

      GIẤY CHỨNG NHẬN: Tôi ký tên dưới đây chứng nhận đồng chí Bobrov N.K. là thành viên trong Biệt Đội Đặc Biệt thuộc Đoàn Quân Giải Phóng Thế Giới, đã đoạt nhiều thành tích trong công tác.

      Phía dưới là mờ mờ chữ ký và dấu mộc màu tím.


      Xoa tay lên ngực, tôi lắp bắp hỏi:

      - Bố có thực nằm trong Biệt Đội Đặc Biệt không?


      Lão ngửng đầu, nói với giọng kiêu hãnh:

      - Thực chứ. Cứ đưa cho cô ta coi đi.


      Tôi nhìn cánh tay ông ta, cánh tay phải kia quá yếu với những đường gân xanh nổi lên cùng chỗ khớp xương sưng phồng. Không thể tưởng tượng ra cũng cánh tay đó đã từng cầm cương ngựa rong ruổi khắp các mặt trận, từng hạ bao nhiêu quân thù. giờ đây không còn đủ sức cầm chiếc túi nhỏ.


      Tôi cầm mảnh giấy tiến lại gần cánh cửa sổ, tay vẫn tiếp tục xoa ngực. Như muốn bệnh, tôi mong được nằm xuống.


      - Đưa tờ giấy đó cho tôi làm gì? Tôi không muốn nhìn. – Cô ta la lớn khi tôi cố đưa mảnh giấy qua cửa sổ.


      Người hùng của giải phóng quân, của quân cách mạng đã ngã gục trên ghế. Không những chiếc đầu mà cả đôi vai như rút vào cái thân, những ngón tay vô hồn dính lủng lẳng vào đôi tay đong đưa và chiếc áo khoác ngoài chạm xuống sàn nhà. Chiếc bụng bự như trái dưa hấu như đang thách đố cô y tá đang trợn tròn mắt ở phía trong.


      Tôi hấp tấp rời khỏi nơi này mà không quay đầu lại.


      Trần Hồng Văn phóng tác

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Chuyện nàng Feridah Challoner Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Căn Nhà Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Người Khách Lạ Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Tên Phản Bội Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Đôi Mắt Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Như Một Giấc Mơ Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Con Cáo Sa Mạc Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Cánh Vạc Mùa Thu Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Bên Rạn San Hô Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Trai Bao Trần Hồng Văn Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Ông Giáo Sư Dạy Sử (Vương Mộng Long)

      Người Tù Binh Trở Về (Thảo Ca)

      Đêm Đình Chiến (Vũ Thất)

      Chuyện nàng Feridah Challoner (Trần Hồng Văn)

      Bắn chậm thì chết (Lê Hữu)

      Mua bán lạc xoong (Trần Yên Hòa)

      Căn Nhà (Trần Hồng Văn)

      Dáng Mỏng (Trần Yên Hòa)

      Người Khách Lạ (Trần Hồng Văn)

      Tên Phản Bội (Trần Hồng Văn)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)