1. Head_

    Trần Thiện Thanh

    (12.6.1942 - 13.5.2005)

    Từ Thế Mộng

    (.0.1937 - 13.5.2007)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đôi Mắt (Trần Hồng Văn phóng tác) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      4-1-2024 | TRUYỆN

      Đôi Mắt

       TRẦN HỒNG VĂN
      Share File.php Share File
          

       

      Truyện Ngắn Trung Hoa
      Trần Hồng Văn phóng tác

      Vài hàng về tác giả: Sinh năm 1945 trong một gia định lao động tại huyện Đại Lương, tỉnh Hải Nam, Đặng Cấn đã tỏ ra có năng khiếu về viết văn tư thời thơ ấu. Khi bắt đầu học ở bực trung học, một người thầy đã khuyến khích và nâng đỡ ông, nhưng sau khi người thầy này bị gán cho tội “tư sản hữu khuynh” và cho nghỉ việc, ông trở nên quẫn trí. Rồi sau đó đến lượt cha ông bị gán tội “chống đối cách mạng”. Ông phải nghỉ học vào năm 13 tuổi vì gia đình không đủ tiền cho ông theo học. Tới năm 17 tuổi, Đặng Cấn đi làm thợ hàn. Ban ngày làm ở hãng, ban đêm ông đeo đuổi nghề viết văn mà ông ưa thích. Cho đến nay, tên tuổi của ông đã được công nhận và đoạt nhiều giải thưởng văn học tại Trung Quốc, như Giải Thưởng Văn Học Thượng Hải.


      1.


      Tận cùng phía nam bán đảo Liêu Đông là một cấu trúc dựng đứng và kết thúc bằng những chỏm đá nửa chìm xuống tận đáy biển, nửa kia vươn lên tận những tầng mây xanh. Nhìn từ xa những tảng đá này tựa như những người khổng lồ đang đùa dỡn với làn sóng biển tới tấp xô tới. Ngư dân ở đây rất khỏe và can đảm, hàng ngày họ ra những hòn đá này kiếm cá và chiến đấu với những đợt sóng biển đôi khi rất hung dữ.


      Mỗi năm khi hoa cúc dại bắt đầu nở làm những cánh đồng cỏ vàng rực thì những đàn cá lạ không hiểu từ đâu bơi về để đẻ trứng tại những khe đá dọc theo bãi biển. Bề ngoài những con cá này coi thật xấu xí với thân hình ngắn cũn cỡn và chiếc miệng rộng. Lần đầu tiên nhìn thấy chúng ai cũng sợ, nhưng rồi dân ở nơi đây cũng quen đi và mỗi khi hoa cúc dại bắt đầu nỡ rộ tại các cánh đồng cỏ thì ngư dân lại đổ xô ra đây đánh bắt chúng. Để không làm mất trật tự, những con cá thông minh đang cần nơi đẻ này xếp hàng lần lượt đợi tới phiên mình, nếu đuôi một con dính vào khe đá bên trái, đuôi con sau sẽ để vào khe đá bên phải. Từ xa nhìn vào sẽ thấy một dải cá dài bám chặt theo kẽ đá và khi đó ngư dân muốn bắt bao nhiêu con cũng được. Mà bắt loại cá này rất dễ, chỉ việc túm được chiếc đuôi dài của nó là xong. Mặc dù bề ngoài trông thật xấu nhưng thịt lại trắng như tuyết, mềm và thật ngon và đặc biệt là chúng lại đẻ thật nhiều trứng màu vàng óng ánh. Dân làng đặt tên cho loài cá này là “cá cúc”. Trong vòng vài năm gần đây, nhu cầu về hải sản tăng vùn vụt nên ngư dân phải làm việc nhiều hơn. Nhưng kiếm tiền không dễ, họ phải lặn sâu hơn, phải luồn lách giữa những tảng đá ngầm sắc cạnh, tuy vậy vì phải bơi và lặn nên họ không thể mang nhiều con một lúc được. Phải nói trong đám dân bắt cá loại cá này thì Thuận là một tay lành nghề. Mỗi khi lên bờ, bao giờ ông cũng chia cho đàn trẻ vài con. Nhưng dần dần mức thu hoạch giảm đi thấy rõ. Lý do? Thật giản dị, ông đã nhiều tuổi rồi


      Năm nay những cánh đồng cỏ lại bắt đầu rực rỡ màu vàng với loài hoa hoa cúc dại làm lão già Thuận cảm thấy bồn chồn và bất an. Dân làng bắt đầu chạy xô ra biển bắt cá và cả thằng Lý An ở làng bên cũng tới tham dự nữa. Năm ngoái hắn là tay vô địch, số cá hắn bắt được gấp đôi số lượng mà người trong làng bắt được nhiều nhất.


      Ngồi trên chiếc chõng tre, già Thuận lẩm bẩm:

      - Còn thua tôi hồi xưa nữa.


      Bà vợ nói trong tay không ngừng mạng chiếc lưới:

      - Mình già rồi.


      Già Thuận im lặng, mắt nhìn mặt biển phẳng lì dưới làn gió thu nhẹ. Ông nhìn thấy từng đàn “cá cúc” màu nâu tương phản với màu xanh của nước biển đang bơi lượn dưới tận đáy biển. Chúng đang tìm một chỗ để đẻ trứng, cố đẩy chiếc bụng căng phồng vào một khe đá nào đó. Nín thở, ông già từ từ bơi lại gần rồi túm lấy chiếc đuôi một con cá thật lớn, thật nặng … Ngất ngây với cảm giác tưởng tượng này, ông bật cười lớn. Bà vợ nhìn ông:

      - Nghĩ về quá khứ huy hoàng à?


      Ông bước xuống, nhìn bà vợ rồi mỉm cười:

      - Tôi sẽ bắt cho bà một con cá cúc thật lớn.

      - Bộ ông chán sống rồi sao?


      Nhìn đôi mắt có vẻ lo sợ của bà, ông nói:

      - Nói dỡn thôi mà.


      Sáng hôm sau già Thuận đi ra bãi biển. Đám đông dân làng đang vây quanh Lý An. Tay phải cầm một chiếc dao sắc nhọn còn tay trái nắm một con cá cúc còn sống đang dãy dụa, hắn như đang chuẩn bị cắt đầu con cá. Nhưng con cá không đầu hàng một cách dễ dàng, mặc dù không còn ở dưới nước nhưng nó vẫn chiến đấu mãnh liệt. Có lẽ con cá không đẻ kịp trước khi bị bắt. Đặt nó trên một tảng đá, Lý An nhanh nhẹn đưa lưỡi dao dọc theo bụng con cá. Những viên trứng màu vàng lóng lánh tràn ra trông tựa như những viên dầu cá thu bán ở ngoài tỉnh, đám trẻ con nhào tới rồi tranh nhau nhặt. Lý An đập mạnh sống dao vào viên đá rồi la lớn:

      - Ranh con, tao cắt hết ngón tay tụi bay bây giờ.


      Hoảng sợ, lũ trẻ thụt lùi lại. Có tiếng ở phía sau:

      - Anh bắt được nhiều cá rồi sao còn tiếc mấy cái trứng như vậy?

      - Nếu tôi không ăn thì để cho heo ăn. - Vừa nói hắn vửa làm sạch bụng con cá.


      Nổi giận vì câu nói của Lý An, già Thuận bước lại gần rồi nhìn hắn:

      - Bộ ngoài việc bắt cá anh không còn làm được việc gì khác à? Nói nghe thử xem sao.


      Lý An nhìn lên, thấy ông già Thuận thì đổi giọng:

      - Kìa, ông ngoại. Ông mang hai con về uống rượu đi.

      - Cám ơn, tôi tự mình đi kiếm lấy. - Ông cảm thấy bị tổn thương vì lời nói giả đạo đức đó.

      - Ông nói là … ông sẽ đi một mình? Hắn cười nhạo báng. Với tuổi của ông thì … đi bắt vài con sò lông là tốt rồi.


      Ông già bừng bừng nổi giận. Loài sò lông sống nơi bùn lầy cạn nước, tại bãi biển khi thủy triều rút, đàn bà và trẻ con thường tới để bắt, vì vậy ở vùng biển này khi chế diễu người nào không biết bơi hay bơi dở họ gọi là “thằng bắt sò lông”. Đây là hình thức khinh miệt hay nhạo báng cực mạnh. Dĩ nhiên là ông không thể chịu đựng được sự lăng nhục này.


      Ông quay về nhà, đi vào căn nhà kho nhỏ cất sát bên căn chòi. Lục lọi một lúc, ông tìm thấy chiếc kính lặn bụi bám đầy và chiếc giỏ mây. Nhìn vào nhà ông thấy bà vợ đang cắm cúi vá lưới, ông lặng lẽ bước ra. Ông không chịu đựng được lời chế diễu của Lý An và nhất định phải chứng tỏ cho nó biết tài của mình. Ông cũng thương bà vợ, vài năm gần đây trong khi mọi người trong làng làm ăn khấm khá, bà vẫn lui cui vá thuê những chiếc lưới, hai tay bà đầy sẹo vì những vết cắt. Ông thường khuyên bà làm ít đi, nhưng bà không nghe. Ông thì làm bảo vệ ban đêm cho một vựa cá nhưng lương chẳng được là bao.


      Sau khi đi một vòng quanh bãi biển, ông tới chỗ có hòn đá dựng ngược, nơi mà chẳng ai có thể nhìn thấy ông cả. Đã nhiều năm không xuống nước, ông không muốn làm trò cười cho mọi người nếu có việc gì sơ xuất xẩy ra. Ông nheo mắt nhìn mặt biển rồi cưởi dần bộ quần áo trên người. Đứng im lặng một lát, ông cảm thấy nguồn sinh lực tuổi trẻ lại đang tràn ngập, làn máu nóng như đang bừng bừng trong cơ thể. Ông vớt nước lên thấm ướt đầu, vai, lưng, bụng và chân để cơ thể quen với cái lạnh của nước biển. Ông đeo chiếc kính lặn vào, đeo chiếc giỏ rồi lặn dần ra xa.


      2.


      Ông già trở lại biển! Khởi đầu chỉ có hai làn bọt nước ở hai bên. Ông đang làm gì đây? Cố bắt hai con cá? Dù cho những thắc mắc luẩn quẩn trong đầu nhưng ông thấy hai chân của mình vẫn mạnh và nhịp bơi vẫn như xưa. Khi sải nhanh và im lặng qua những làn sóng, ông tự an ủi là mình bơi vẫn còn giỏi. Đối với dân trong làng, người bơi giỏi phải làm cho mặt nước im lặng, không làm nước bắn tung tóe. Ngư dân địa phương phải trải qua nhiều năm tập luyện mới có được khéo léo này, nếu không sẽ làm cá trốn đi hết. Chỉ có ông già Thuận và Lý An mới đạt được tài nghệ như vậy.


      Nước xanh thẵm của đại dương tựa như tấm vải sa tanh mơn trớn làn da của ông, bao bọc lấy ông như hai người bạn thân thiết ôm lấy nhau sau nhiều năm xa cách. Ông hân hoan thầm nhủ là hôm nay chắc sẽ bắt được nhiều cá. Ông hiểu rõ biển cả, ông biết thật rõ nơi nào loài cá cúc ưa tới. Dù cho có nhiều tảng đá nhẵn nhụi, bề ngoài trông đẹp mắt nhưng ông thèm để ý tới. Ông bơi tới những tảng đá sần sùi có dáng xấu xí, nơi mà đoàn cá thường tới để đẻ. Ông chúi đầu quan sát thật kỹ những kẽ và hốc đá. Nếu con cá không động đậy thì rất khó phân biệt vì màu da của nó giống như màu của tảng đá. Được một lúc, ông tỏ ra thất vọng vì không thấy con nào. Nơi này thật sạch sẽ, tựa như ai vừa quét dọn. Rõ ràng là không cần phải luẩn quẩn ở đây nữa.


      Già Thuận trồi lên và nhìn mỏm đá nằm phía trên mặt nước. Mỏm đá này hình như cũng đang nhìn ông rồi nói với ông: “Lâu quá không gặp, ông bạn già ơi. Chúng mình đều già và thay đổi nhiều rồi đấy”.


      “Tôi già rồi, mà bạn cũng già đi hay sao?” Nhìn quanh, ông thấy mỏm đá và biển cả cũng có gì thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào đây? Thật khó mà diễn tả ra được. Thủy triều đang dâng, mực nước cao dần và phần dưới của tảng đá ngày càng chìm sâu hơn. Có thể bọn cá cúc bây giờ khôn hơn nên đã trốn sâu dưới đáy biển rồi. Ông nhẹ nhàng lặn xuống sâu hơn, thật nhẹ sợ quấy động đàn cá dưới đó. Nhưng cho dù lặn sâu tới đâu ông cũng không thấy dấu vết của chúng ẩn náu dọc theo những hòn đá này cả. Dòng nước tối tăm và vách đá dựng đứng làm ông thất vọng, tuy vậy ông không bỏ cuộc và tiếp tục tìm kiếm, đôi mắt mở to dưới đôi kính lặn. Cuối cùng ông phải trồi lên với nỗi chán chường. Khi chiếc đầu đã nhô lên khỏi mặt nước, cảnh trí huy hoàng và làn gió nhẹ làm nỗi chán nản khi nãy biến đi mất. Ông la to những tiếng vui mừng, gió căng đầy buồng phổi, ông cũng cảm thấy bắp thịt được dãn lỏng dần chứ không còn bị căng thẳng dưới áp xuất của nước khi ở dưới sâu bên dưới nữa.


      Khi đã hoàn toàn phục hồi, ông lại lặn xuống, bơi từ hòn đá này tới hòn đá kia. Thình lình ông thấy một chùm đốm màu vàng lóe lên trong một khe nứt. Không còn thắc mắc gì nữa, đó là trứng của một con cá cúc. Nỗi mừng chưa dứt thì bất chợt một đàn cá trèo đồi (Chú thích: loại cá quả có thân hình dài và chiếc mõm rộng và nhọn) từ đâu phóng vụt tới tấn công đám trứng này. Dù cho còn dính vào khe đá, vị ngon và ngọt của trứng quyến rũ chúng. Những chiếc miệng rộng và đuôi ve vẩy, chúng bơi vọt tới và ngấu nghiến nuốt lấy những chiếc trứng vừa mới được sinh ra. Khi hoàn toàn ăn hết đám trứng, chúng lại bơi đi tìm mồi khác. Ông già thắc mắc là sau khi đẻ xong thì con cá cúc mẹ đâu? Tại sao nó không ở lại để canh chừng đám trứng vừa mới đẻ xong? Bất chợt hình ảnh của Lý An hiện ra. “Đồ khốn nạn”. Ông mắng thầm. “Mày đã bắt con cá mẹ chứ gì”. Ông bơi vòng lại rồi trồi lên mặt nước. Chắc chắn là nơi này đã bị tên trẻ tuổi đó thu dọn sạch sẽ rồi và không thể tìm kiếm ở đây được nữa. Ông hít một hơi dài rồi lặn xuống bơi tới hòn đá khác ở phía xa.


      Tại vùng đá mới, dù cho ông bơi nhẹ nhàng tới đâu cũng chỉ thấy đàn cá trèo đồi hung dữ đi kiếm mồi, thỉnh thoảng ông cũng thấy một con cá cúc nhỏ nhưng nó lẩn tránh thật nhanh khi ông tới gần. Giờ đây thì ông hoàn toàn thất vọng, nhiệt tình lúc đầu cũng như lòng tự tin và hy vọng đã biến mất. Trồi lên mặt nước, ông nhìn chung quanh. Biển cả rộng mênh mông, hồi còn trẻ ông rất quen thuộc với nó, nhưng bây giờ ông đã già và nó cũng thay đổi nhiều, ông còn cảm nhận thấy nó đối xử với ông thật lạ lùng và còn không thân thiện nữa. Tại sao vậy? Ông nhìn quanh lần nữa, thế giới xanh của biển bây giờ biến tầm nhìn của ông xa hơn. Rồi bất chợt ông hiểu lý do tại sao lại đâm chán nản: biển im lặng và vắng quá. Trước kia không bao giờ có tình trạng như vậy mà luôn luôn náo động vì có đông đảo những đàn cá: đàn cá trèo đồi đi từng đàn đông đúc như những đám mây, đàn cá lù đù thường lặn sâu xuống đáy biển rồi lại trổi lên mặt nước tựa như những luồng nước xoáy, đuôi chúng sáng và phản chiếu tựa như thép nguội, và còn nhiều loài cá khác nữa mà khi ông bơi, chúng len lỏi qua người, đụng vào tay, vào chân của ông nữa . Dù cho xuống nước đã lâu nhưng ông không còn thấy quang cảnh như xưa.


      Cảnh hoang vắng của biển làm ông sầu muộn, ông nằm ngửa để mặc cho sóng đưa đẩy, tựa như chiếc lá bị nhồi lên đẩy xuống trong biển cả mênh mông, đây là kỹ thuật ông thường áp dụng để bắp thịt và xương cốt bớt mệt mỏi mỗi khi bơi lặn trong một thời gian dài. Ông nghĩ là biển cũng già đi như ông. Một lúc sau ông thấy mình đã bị sóng đưa ra xa bờ, nhưng ông vẫn nằm yên suy nghĩ. Vài con chim hải âu miệng kêu quang quác bay xà về phía ông, chúng tưởng ông là một con cá bị thương nên rủ nhau tới để kiếm mồi. Một con can đảm nhất bay bổ xuống. Lấy tay tung nước lên, ông la lớn: “Tao chưa chết mà, đồ khốn”. Bầy chim sợ hãi bay tán loạn theo mọi hướng, miệng kêu thất thanh.


      Phía xa là bãi biển, nhà cửa san sát mọc vô trật tự. Xưa kia có đông đảo như thế này đâu. Ông chép miệng: “À, người đông như vậy hèn chi chẳng còn cá mà bắt nữa”. Nghĩ là phải quay trở về tay không mà thôi, đây là một việc chưa từng xẩy ra. Ông bơi theo một vòng tròn, mắt nhìn xem hướng chẩy của dòng nước. Đối với ông, biển cả như ở trong bàn tay, ông có thể nói vị trí và khoảng cách tại một nơi tới bãi biển là bao xa. Nhưng bây giờ tất cả còn nghĩa lý gì, biển không còn cá mà chỉ toàn là loài sò lông thôi. Có lẽ những loài bào ngư hay sò điệp cũng bị săn bắt ráo riết nên chỉ còn loài sò lông thôi. Nghĩ tới việc phải về với hai bàn tay trắng hay phải bắt mấy còn sò làm ông bị tổn thương, thêm vào đó hương vị thơm ngon của loài cá cúc thúc đẩy ông lặn xuống lần nữa và lần mò tới hòn đá gần đó. Ông không chịu được câu nói chế diễu của thằng Lý An: “Lão già Thuận bây giờ là người đi bắt sò lông rồi”. Máu dồn lên tận đầu, ông cố dương đôi mắt lên nhìn cho kỹ. Biển vẫn tĩnh lặng, ngôi mặt trời đã lên cao và chắc là dân làng đang chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Nghĩ tới đây ông thấy bao tử cồn cào và định quay trở về bờ nhưng bất chợt thấy một bóng người bên hòn đá phía xa. Ông nheo mắt lại để nhìn cho rõ nhưng vẫn không thể xác định được là ai, điều này làm ông phân vân. Nghĩ tới việc bị mất mặt, ông thà ở đây cho tới chiều chứ không thể trở về với hai bàn tay trắng, hãy nán lại đây, biết đâu sẽ có một con cá cúc to lớn bơi tới. Biển cả vẫn là biển cả, chẳng lẽ nào mà giống cá này lại bị tuyệt chủng. Ông quay lại bất chợt nhìn thấy một vòng nước xoáy cách đó không xa. Ủa, có phải là “hòn Ông Địa” không nhỉ. Làm sao ông lại quên hòn đá này được. Trước kia, khi những con hải sâm bò ra để kiếm ăn trước mùa đông tới, ông thường chèo thuyền ra đây bắt chúng suốt ngày. Có thể nói nơi đây là kho tàng đã nuôi sống ông suốt thời trai tráng và có thể hôm nay hòn Ông Địa này cho ông một con cá cúc thật to chăng. Hy vọng như vậy và niềm hứng khởi lại tràn ngập trái tim.


      Ẩn hiện dưới làn sóng, hòn đá có hình tròn ngộ nghĩnh nên được ngư dân đặt tên là “Hòn Ông Địa”. Thấy ông đang bơi lại gần hình như nó cười và nói với ông: “Tới đây, tôi có nhiều cá cho ông”.


      Ông ra sức bơi nhanh hơn, trong đầu vẽ ra cảnh từng đàn cá cúc đang ẩn náu nơi đây. Khi tới gần, luồng nước chẩy ngày càng nhanh. Khi lặn sâu hơn nữa, quang cảnh trước mặt làm ông tức giận: tại một khe đá vài con cá trèo đồi đang tranh giành nhau đám trứng cá cúc.


      Thằng Lý An khốn nạn, nó lại bắt mất con cá mẹ rồi. Nếu ông không ở độ sâu như thế này thì ông đã hét lên một tiếng thật to cho thoả cơn bực tức. Ông trồi lên mặt nước để nghỉ một lát vì đã quá mệt, không thể duỗi thẳng lưng ra được nữa. Ông chán nản nhìn Hòn Ông Địa nhưng hòn đá lại như cười chế diễu ông: “Ông già rồi, không thể thi đua với bất cứ ai được đâu”.


      Bây giờ ông nhận ra một điều là không còn hy vọng bắt được con cá nào, và khi trở về, mỗi khi đi ra ngoài đường thì cúi đầu thật thấp để chịu nhận đầu hàng. Ông sửa lại chiếc kính lặn và nhìn sâu xuống nước lần nữa. Tất cả mọi thứ đều như trong suốt và rõ ràng. Những con cá trèo đồi đã biến hết, những khe đá trơ trọi và trống vắng. Ánh nắng chiếu xuyên qua nước trở nên vàng úa, vài con sứa quấn vào nhau bên những viên đá chiếu sáng rực rỡ như những hạt kim cương. Ông già đã bao lần nhìn thấy cảnh đẹp dưới đáy biển và chẳng bao giờ biết chán, nhưng bây giờ ông lại không còn hứng thú thưởng thức cảnh này nữa. Biển mà không có cá thì còn gọi là biển không đây? Ông quyết định quay trở về và tự nhủ từ giờ về sau sẽ không bao giờ trở lại đây nữa. Nhưng khi vừa quay đầu định rời nơi thân yêu nhất đời này thì ông thấy có gì ở phía dưới chân. Ông dụi mắt vài lần nhưng vẫn nhìn không rõ. Như có một tảng đá to lớn màu sắc rực rỡ đang di chuyển phía dưới. Khi người ta già thì thị giác giảm đi rồi chăng? Đá có thễ bơi được không đây? Ông già muốn kêu lên một tiếng thật to, bây giờ tảng đá kia chuyển động chậm rải và còn đang nổi lên nữa. Ông tháo chiếc kính lặn ra rồi dụi mắt vài lần nữa. Ông nhìn thật kỹ lần nữa rồi từ từ lặn xuống để quan sát kỹ hơn, tim ông đập thình thịch Trời, một con cá cúc khổng lồ mà từ trước tới giờ ông chưa bao giờ nhìn thấy.


      3.


      Biển cả trở nên sáng hơn, đẹp hơn và những ngọn sóng như ấm áp hơn. Hơi thở của ông như đứt quãng. Không ai có thể bắt được cá cúc trước khi nó đẻ cả mà phải đợi khi nó để chiếc bụng vào khe vách đá. Dày kinh nghiệm, ông phải đợi cho tới đúng thời điểm. Con cá khổng lồ quẫy chiếc đuôi và nhẹ nhàng bơi xuống tảng đá ngầm, nó thận trọng kiếm nơi an toàn nhất để đẻ trứng, bơi từ góc này sang cạnh kia. Khi tới một hốc đá gần mặt nước nó ngừng lại. Thay vì chui vào hốc đá này, nó nhìn lên mặt nước với vẻ đầy thận trọng. Bây giờ thủy triều đang dâng cao, bất chợt nó phóng nhanh lên gần đụng mặt nước. Nín thở, già Thuận kích động làm thân hình run rẩy. Ông sẽ kiên nhẫn chờ đợi. Ông nói thầm: “Lý An, hãy đợi đó, mở to mắt ra mà nhìn nhé, tao sẽ dạy cho mày một bài học”. Con cá khổng lồ nương theo làn nước bơi lên cao hơn nữa. Chiếc bụng trong suốt căng phồng đầy trứng, da mỏng như tờ giấy bóng, nó không có gì tỏ vẻ vội vã mà như thể đang đợi thời điểm thuận tiện nhất.


      Phản chiếu dưới tia nắng mặt trời, chiếc đầu con cá sáng rực màu vàng trông tựa như đoá hoa cúc. Đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy quang cảnh huy hoàng như vậy: những chiếc vẩy cứng cáp phản chiếu ánh nắng rực rỡ trông như làm bằng đồng và những chiếc ngạnh to lớn vươn ra như chiếc bờm ngựa. Ông tự nhủ: “Một con cá tuyệt vời”. Nó lại theo làn nước trồi lên lần nữa như thể muốn leo lên chỏm đá để đẻ ở đó. Thật kỳ lạ, ông già hơi sửng sốt vì chưa từng thấy hiện tượng lạ lùng như vậy. Với những con cá khác, chúng chỉ cần tìm một kẽ đá rồi bám vào đó để đẻ cho xong là được rồi. Còn con này đang đợi gì đây? Ông già bắt đầu cảm thấy bồn chồn vì nghĩ nó không phải là con cá bình thường.


      Thủy triều đã dâng lên tới mức tối đa và hòn Ông Địa bây giờ đã chìm xuống dưới mặt nước. Biền cả hoàn toàn yên tĩnh, thình lình con cá bơi vụt nhanh. Nó bơi tới bơi lui vài lần để xem nơi này có thực sự an toàn không rồi bơi vế phía khe đá như thể không còn đợi lâu hơn được nữa. Ông già nghĩ ngay ra là nó đợi thủy triều lên, nó khôn ngoan như con người. Khi thủy triều bắt đầu rút thì đẻ. Khi đẻ xong nước tại khe đá cũng rút xuống và đàn cá trèo đồi không thể tới kịp. Khi đó những chiếc trứng mới đẻ ra được ánh nắng làm cho khô, vỏ sẽ cứng đến nỗi cả gọng càng con cua lớn cũng không thể chọc thủng được.


      Ông già bị cuốn hút vào điều kỳ diệu này. Ông nói thầm: “Thật là lạ lùng, không còn ngạc nhiên là tại sao mày có thể sống sót tới ngày nay”.


      Sau khi uốn éo chiếc thân vài lần, con cá khổng lồ bắt đầu đẻ những buồng trứng tròn và lớn. Trong khi đó, ông già vẫn bình tĩnh đợi. Với tất cả kinh nghiệm, ông biết là loài cá cúc rất cảnh giác khi đang đẻ và vẫn có đủ sức kháng cự để vượt thoát được kẻ thù nghịch. Đó là lúc ngư dân thiếu kinh nghiệm thường bị vuột mất cơ hội. Những ngư dân này khi thấy cá bắt đầu đẻ thì bơi lại để tóm lấy đuôi nó, nhưng con cá vẫn có thể vùng vẫy thoát đi được. Nếu kiên nhẫn đợi cho nó đẻ được nửa chừng thì lúc đó nó nằm yên bất động và chế ngự nó dễ dàng, muốn làm gì cũng được.


      Già Thuận chăm chú nhìn con cá. Vì nó quá khôn ngoan, ông phải thật thận trọng. Thủy triều đã ở mức cao tối đa và mặt biển phẳng lặng như tờ, ngay cả hòn Ông Địa vài phút trước như cười và pha trò nhưng bây giờ cũng câm nín như đang đợi một biến cố nào vậy.


      Bụng con cá xẹp xuống dần, khi sức lực của nó giảm dần, chiếc đuôi to lớn thõng xuống, nó ép sát mình vào khe đá. Tới giờ rồi, hai tay sải nhanh và đôi chân đạp mạnh, ông già bơi tới chỗ con cá. Ông nắm chặt lấy chiếc đuôi rồi kéo xuống. Động tác này ông đã làm đi làm lại biết bao nhiêu lần, nhưng con cá này quá lớn khiến cánh tay ông như tê dại. Ông nhìn con cá, lúc này đôi mắt nó đầy vẻ buồn rầu, như muốn tỏ lời với ông: “Ông già ơi, hãy thương xót mà thả tôi ra, tôi còn đang đẻ, mà biển cả bao la này còn thiếu gì thứ nữa … “


      Ông sững người không biết phải làm gì tiếp. Với những ngư dân khác, đặc biệt như thằng Lý An thì chẳng hề quan tâm tới tình cảm của con cá này. Nhưng đối với ông, vì một nguyên do nào đó từ trong tận cõi sâu thẳm của tâm hồn khiến ông ngập ngừng. Có lẽ ông và con cá đều giống nhau là đã già rồi chăng? Hay là ông quá mềm yếu? Có điều chắc chắn là nước mắt của ông đang chẩy dài xuống. Nhìn gần ông thấy con cá to hơn nhiều, những chiếc vẩy tựa như những mảnh đá màu nâu hay chiếc áo giáp. Chắc là nó đã trải qua biết bao khó khăn mới sống sót được để có một thân hình to lớn như thế này. Biết bao nhiêu lưới dăng của ngư dân, những ngọn giáo, móc câu nơi nước cạn, thợ lặn nơi bãi biển, làm sao nó có thể thoát được trước bao nguy hiểm như vậy. Biển cả cũng đã bao bọc những con cái của nó nữa.


      Già Thuận không còn đủ can đảm nghĩ thêm nữa. Còn về phần con cá, nó cũng hiểu là không còn lời nào năn nỉ con người kia nữa nên cố gắng đẻ thêm ra càng nhiều trứng vào lúc tuyệt vọng này càng tốt. Cuối cùng ông già buông con cá ra và ngoi lên khỏi mặt nước, ông không còn đủ can đảm nhìn nó nữa, cái nhìn tuyệt vọng của con cá làm ông không chịu đựng thêm được. Việc gì đã xẩy ra vậy? Có phải là ông đã già nên trái tim không còn cứng dắn như thời trai trẻ nữa hay sao? Trong suốt cuộc đời, lòng can đảm đã đưa ông thành một ngư dân giỏi giang nổi tiếng nhất vùng này, ông đã từng hãnh diện nhìn những con cá chim dãy dụa dưới ngọn giáo, từng vung ngọn dao trên thân con cá, bẻ ngang chiếc càng con cua to lớn hay cứa dọc chiếc bụng mềm của con hải sâm và lúc đó ông cảm thấy sảng khoái biết bao … Còn bây giờ, ông nhìn theo mặt biển phẳng lặng rồi nhìn xuống phía dưới có con cá khổng lồ. Ông lơ đãng bơi một vòng rồi tự nhủ:”Mình tới đây để bắt cá chứ đâu phải để nhìn vào mắt nó”. Quyết định rồi ông lại lặn xuống lần nữa, lần này ông tự nhủ là quyết không để tình cảm chi phối nữa, chỉ cần nắm lấy chiếc đuôi nó rồi vài phút sau mọi việc sẽ đâu vào đó. Nhưng khi tiến lại gần và chuẩn bị nắm lấy chiếc đuôi, một lần nữa ông lại nhìn thấy ánh mắt như van nài của nó, ánh mắt này bây giờ còn toả ra những tia ấm áp như của người thân yêu nhất đời nữa. Ông nghĩ: “Chắc nó nghĩ là mình không làm hại nó đây”. Một lần nữa, ông quay đầu lại và trồi lên khỏi mặt nước. Rồi thình lình ông thấy có ai đó đang bơi lại gần và chẳng ai khác hơn là thằng Lý An.


      4.


      Trẻ và khỏe, Lý An thoăn thoắt bơi về phía ông:

      -Bắt được con nào không, ông già?


      Ông lơ đãng nhìn nó. Phải trả lời như thế nào đây? Còn Lý An thì lại nghĩ là ông bắt được nhiều cá nhưng không muốn nói cho nó biết. Hắn cáu kỉnh nghĩ là sáng nay đã ra chỗ này rồi nhưng không thấy một con cá cúc nào cả. Bơi lại gần ông, hắn nhìn chiếc giỏ mây tróng rỗng đeo ở phía sau lưng rồi ngạc nhiên hỏi:

      - Ủa, cá của ông đâu rồi?


      Ông già Thuận không trả lời, mắt nhìn xuống chỏm đá nơi con cá cúc đang đẻ. Lý An thấy lạ, hắn lặn xuống rồi bơi về phía hòn đá này. “Trời, con cá to quá”. Hắn trồi lên mặt nước, hít một hơi dài rồi lại lặn xuống. Ông già với tay nắm lấy bàn chân làm nó sặc sụa. Ông giận dữ quát to:


      - Không được bắt con cá đó, và mày cũng đừng để ai bắt nó, nghe chưa.

      - Ông nói cái gì vậy?


      Tức giận và cảm thấy sức khỏe đã phục hồi, ông già bơi theo một nhịp đều, thân hình ông hụp xuống trồi lên nhịp nhàng. Ông gằn giọng nói với nó:

      -Tao không bắt nó mà đang canh chừng cho nó đẻ đó.


      Lý An không tin vào tai mình. Tưởng là nghe nhầm, hắn trố mắt nhìn, chắc là ông già đang mưu tính gì đây. Có thể ông ta đang dùng còn cá này làm cái bẫy dụ cả đàn cá vào đây. Bực mình, hắn bơi vòng ra phía sau hòn Ông Địa, nhưng cũng chẳng thấy một con cá nào mà chỉ là biển cả mênh mông hiu quạnh. Quay trở lại chỗ cũ, nước biển trong vắt, hắn có thể nhìn xuống thật sâu, con cá cúc khổng lồ vẫn ở chỗ khe đá cũ, chiếc đuôi phe phẩy và hắn cũng hiểu là nó đẻ sắp xong và nếu không bắt liền thì nó sẽ bơi đi mất. Nghĩ là làm liền, hắn lặn thật nhanh về phía con cá, nhưng ông già Thuận đã ở trước mặt hồi nào. Hắn nhìn ông như muốn hỏi:


      - Bộ ông muốn thả nó hay sao ?

      - Nó đang đẻ mà

      - Thì sao chứ? Biển cả mênh mông …


      Ông già lơ đãng nhìn chỗ khác. Lý An bơi vòng quanh ông rồi chỉ vào ông như muốn nói: “Để tôi bắt nó cho ông nhé”, nhưng ông già đã nhanh nhẹn chặn đường. Hắn nhìn ông tỏ vẻ giận dữ, không còn lễ độ nữa: “Nếu ông không muốn thì để tôi bắt nó”.


      Ông xô nó rồi chỉ về phía mình: “Con cá của tao”.

      - Nhưng biển này là của mọi người, - hắn bắt đầu sử dụng sức mạnh, dùng chân đá và tay đấm ông. Ông gầm lên:

      - Mày dám đánh tao và bắt con cá này à.


      Hai mắt mở hắn to ngạc nhiên vì sức mạnh và sự phẫn nộ của ông. Hắn lùi lại rồi một lát sau trồi lên mặt nước rồi bơi đi khỏi. Thủy triều đã rút, biển cả đã làm xong công tác, hòn Ông Địa đã trồi hẳn lên khỏi mặt nước và cuối cùng những trứng màu vàng óng ánh trong khe đá phơi bày ánh dưới ánh mặt trời.


      - Thật kỳ diệu. - Ông già thốt lên với nụ cười tươi như vừa hoàn thành một sứ mạng quan trọng. Bây giờ ông thấy mệt mòi và nghĩ là đã tới lúc phải nghỉ rồi. Ông bơi nhẹ về phía bờ. Phía xa, nơi hòn đá mà hồi sáng xuống biển, ông nhận ngay ra hình bóng bà vợ già hom hem đầy lo lắng đang đi tìm ông. Ông nghĩ thầm:


      - Mình già rồi, có lẽ bà ấy đi tìm mình cả nửa ngày. - Cúi mặt xuồng làn nước, ông thấy xấu hổ khi phải đối diện với bà.


      Bước chân lên gần bãi biển, ông nói to cho bà vợ nghe:

      - Bà ơi, tôi làm bà thất vọng, đi cả buổi mà chẳng kiếm được con cá nào.


      Chạy bổ về phía ông, bà quên tháo đôi vớ ra mà bước lên cả nước, bà dìu ông lên. Thình lình ông đứng khựng lại, ông muốn nói lời nào thật chân tình và từ đáy lòng với bà. Suốt cuộc đời chung sống với nhau, ông chưa bao giờ thốt lên được một câu nói ân tình với bà cả. Nhưng đôi môi lạnh cóng, ông không thể thốt lên một tiếng.


      Mãi một lúc sau, ông mới cầm tay bà và nói:

      - Con cá đó to thật, mà lại đẻ nhiều trứng nữa.


      Trần Hồng Văn phóng tác

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Pho Tượng Chac-Mool Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Chuyện nàng Feridah Challoner Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Căn Nhà Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Người Khách Lạ Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Tên Phản Bội Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Đôi Mắt Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Như Một Giấc Mơ Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Con Cáo Sa Mạc Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Cánh Vạc Mùa Thu Trần Hồng Văn Truyện ngắn

      - Bên Rạn San Hô Trần Hồng Văn Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’ (Hoàng Thị Tố Lang)

      Pho Tượng Chac-Mool (Trần Hồng Văn)

      Ông Giáo Sư Dạy Sử (Vương Mộng Long)

      Người Tù Binh Trở Về (Thảo Ca)

      Đêm Đình Chiến (Vũ Thất)

      Chuyện nàng Feridah Challoner (Trần Hồng Văn)

      Bắn chậm thì chết (Lê Hữu)

      Mua bán lạc xoong (Trần Yên Hòa)

      Căn Nhà (Trần Hồng Văn)

      Dáng Mỏng (Trần Yên Hòa)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)