|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Một trong những cuốn sách được nhiều người chú ý nhất của Hồ Hữu Tường là cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, một tập sách mỏng, viết năm 1946 tại Hà Nội. Dưới đây Thế Kỷ 21 (số 170 June 2003) xin trích đăng một số đoạn của cuốn sách ấy để giới thiệu cùng bạn đọc.
Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thực to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin... để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta, dân tộc Việt.
Đây là một gia đình nghèo nàn, khốn khổ. Mẹ bệnh la liệt, không tiền chạy thuốc. Gạo trong vò hết sạch. Em nhịn đói không nỗi kêu khóc vang tai. Tất cả anh, chị, em đều đuối sức, mệt hơi vì thời buổi làm ăn vất vả... Ngẫu nhiên, một đứa con trong gia đình này gặp ở giữa rừng một khối vàng to. Khối vàng quá to, thừa sức cung cấp để chạy thuốc cho mẹ, mua gạo nuôi cả nhà, trang trải các mối nợ và làm cho gia đình trở nên mấy ngàn lần triệu phú. Khối vàng quá to, nên sức mình ôm về, hay lăn về không nổi. Rồi hối hả, đứa con ấy chạy đi kêu anh, chị, em lên "tiếng gọi đàn," để vào rừng cùng đem khối vàng về. Đem khối vàng về, có thể giải quyết tất cả sự khốn nạn của gia đình và có thể làm cho từ đây trở nên giàu sang không ai bì kịp.
Trong lòng của đứa con ấy, ồ ạt những nỗi vui mừng, sung sướng. Say mê, nó sống trước những khoái lạc. Khoái lạc vì thấy sắp cởi thoát được bao nhiêu cung cực đè nặng trĩu tự bao giờ. Khoái lạc vì đượm nhuần cái bầu không khí huy hoàng tráng lệ của một tương lai mà những chuyện thần tiên cũng chưa tả nổi.
Trong lòng của đứa con ấy, nhộn nhịp những sự tính toán, suy nghĩ. Khối vàng quá to, thì làm sao mà đem về? Để nguyên khối, rồi anh, chị, em ráng sức cùng lăn một lượt chăng? Hay là dùng đòn mà xéo, mà bắn nó đi tới? Hay là chia nó ra từng khối nhỏ lần lượt mà đem về ?
Trong lòng của đứa con ấy, bận rộn những mối lo âu: Khi về gọi đàn, phỏng có kẻ khác gặp khối vàng của mình chăng? Nếu họ có gặp, liệu tự họ có thể đem về một mình không? Hay là họ cũng phải như mình mà trở về gọi đàn, rồi trong khoảng thời giờ ấy, anh, chị, em mình đến kịp mà đem vàng về chăng? Hay là phải giành với họ, và nếu không đem cả khối về, thì cũng được lấy một phần. Một phần mà cũng đủ tạo ra cái hạnh phúc và vinh quang đã mộng thấy chăng?
Trong lòng của đứa con ấy, dồn dập những luồng thổn thức, e ngại. Làm sao mà có được những lý lẽ đanh thép để cho anh, chị, em tin? Cảm hóa, tin rằng mình đây không phải là điên rồ, không phải là mê mộng, lại sáng suốt mà báo tin mừng cho gia đình và lên tiếng gọi đàn, để cùng nhau chung sức, nắm ngay lấy hạnh phúc và vinh quang.
Nếu tôi là văn sĩ, tôi sẽ hổ thẹn vì phải dài dòng kể lể các hình ảnh tượng trưng ở trên. Nhưng tôi không phải là văn sĩ. Tôi không muốn cho người ta khen mến một vài nét chấm phá có tài hoa. Tôi chỉ tha thiết muốn cho ai ai cũng cảm thấy sự vui mừng, sung sướng, những sự tính toán, suy nghĩ, những nỗi lo âu, những điều thổn thức kia. Để rồi tôi mượn tình trạng ấy mà diễn tả tâm hồn của tôi trong lúc này. Thế mà tôi vẫn tiếc. Tiếc sao không đủ tài, đủ lời để tả cái tâm trạng ấy cho linh hoạt. Tiếc rằng, dù tả cái tâm trạng ấy cho linh hoạt đến bực nào, cũng khó thể làm cho người ta lĩnh hội được bao nhiêu ồ ạt trong lòng tôi.
Bởi vì sự nghèo nàn túng bấn của gia đình kia, đem so với những khốn nạn của dân tộc Việt, thì nào có ra cái gì? Bởi vì món nợ to mà nó phải trả, đem so sánh với món nợ mà dân tộc Việt phải trả với lịch sử nhân loại, thì nào có ra gì? Bởi vì khối vàng của đứa con kia tìm đuợc, đem cân với cái tôi thấy có thể đem hạnh phúc và vinh quang cho dân tộc Việt thì giá trị có bao nhiêu?
Nhưng mà tôi biết. Tiếng gọi đàn của đứa con kia còn có thể làm cho anh, chị, em của nó cảm, hóa, tin theo được. Còn tiếng gọi đàn của tôi dù có thét to đến bực nào, dù có một giọng tha thiết như thế nào, dù có những luận điệu đanh thép cho cách nào, tiếng gọi đàn của tôi cũng sẽ là tiếng kêu trong sa mạc. Tung lên trời, nó chạy thẳng, đuổi theo cái vô biên, không một tiếng vang, không lời đáp lại ... Mà lòng thổn thức, không thể nào dằn. Phải cất giong to mà lên tiếng gọi đàn. Ấy là để cổi lòng nếu không đem lại tất cả những kết quả của tôí trông thấy.
Ngài không làm như lời tôi bày vẽ, thì ngài hãy tin giùm. Ngài không tin theo lời tôi bầy vẽ, thì ngài hãy cảm giùm. Ngài không cảm vì lời tôi bày vẽ, thì ngài hãy nghe giùm. Nghe cho nốt tiếng gọi đàn của tôi, để giúp cho tôi khỏi cái đau khổ của một kẻ phải thét to trong sa mạc.
Nhắn bạn...
Bạn đã lên đường. Bạn đi dự hội nghị Văn hóa toàn quốc. Bạn là Nguyễn. Bạn là Lê. Bạn là Lý. Bạn là Trần. Bạn là Đinh. Bạn là... một nhà văn hóa Việt Nam. Bạn là "anh" mà bạn cũng là "chị" nữa. Ủy ban vận động hội nghị đã vạch rõ sứ mạng lớn lao của bạn.
Này:
"Cuộc phấn đấu giải phóng dân tộc của chúng ta đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn giành độc lập hoàn toàn trên lập trường chính trị, kinh tế, văn hóa nhiều hơn là bằng võ lực, tuy rằng việc chuẩn bị võ lực không phút nào chúng ta xao lãng."
Bạn tham gia vào công việc của hội nghị. Bạn say sưa với sứ mạng, cảm động vì thấy dân tộc sở cậy vào bạn, sung sướng vì lần thứ nhất bạn được trình bày tài ba riêng tư và hoài bão thầm kín của bạn, với một hi vọng nồng nàn rằng mộng bạn sắp được thực hiện! Bấy lâu, tinh thần thượng võ chỉ ca tụng những đấpng anh hùng sống dưới lằn tên mũi đạn, chết da ngựa bọc thây, lấy xương máu xây đắp vinh quang cho dân tộc. Bạn là nhà văn hóa. Bạn sống trong cảnh yên tịnh, bạn chết giữa thân thuộc vợ con, bạn chỉ đem cái văn hóa vô hình mà gom góp vào việc xây dựng xã hội. Trong những lúc ai nấy góp phần xương máu để xây dựng một tương lai khoáng đãng và rực rỡ, bạn muốn đem một cái mà, riêng bạn, bạn cho là cao quí hơn, có công hiệu hơn, để góp phần; cái ấy là trí óc của bạn, mà hiện thân là văn hóa. Điều này, chỉ có riêng bạn biết. Khổ nỗi! "Người ta" phỏng có chê bạn hèn nhát, không dám đem xương máu mà góp phần, lại bày đặt đem một cái vô hình là văn hóa mà thay thế vào chăng? Càng khó hơn nữa là "Người ta" ấy, chính là lương tâm của bạn! ... Nay trong giai đoạn mới này, văn hóa của bạn được lãnh một sử mạng lớn lao, ngang hàng với chính trị và kinh tế. Chắc bạn đã khỏi phải phập phồng, e ngại như hồi xưa! Không còn băn khoăn riêng tây ở cõi lòng, bạn sẽ tham gia vào công việc của hội nghị với tát cả tâm lực.
Tôi không phải là một nhà văn hóa.
Vì lẽ ấy tôi cảm thấy Văn hóa có một cái gì thiêng liêng, có một sự sáng suốt toàn trị, có một sức lực toàn năng như Thượng Đế. Hơn nữa, Thượng Đế chỉ là một vật sáng tạo của những văn hóa cũ xưa, thì tôi tin rằng Văn hóa tương lai sẽ đến bực thiêng liêng, toàn tri và toàn năng! Phỏng có ai cắt nghĩa cho rằng tôi lầm, tôi sẽ không nghe. Tôi sẽ tin mãi nơi Văn hóa... cho đến chừng thành một nhà văn hóa, đạt đến tuyệt đỉnh của Văn hóa, xem đã cùng, đã khắp, đã thấu, đã triệt những đại thể, chi li và khả năng của Văn hóa, tôi lại phải đến kết luận rằng Văn hóa không có gì là thiêng liêng cả. Chừng đó tôi sẽ thay đổi tin tưởng của tôi. Nhưng bây giờ, tôi chưa phải là một nhà Văn hóa. Thì hãy để cho tôi tin vậy.
Đuổi theo một mục đích thực tiễn, bạn thấy "nghề văn hóa" nuôi sống bạn rất khỏe thân hơn là nghề cầm cầy, nghề phu mỏ. Bạn chọn một ngành hoạt động văn hóa nào đó làm sinh kế. Tôi nào có trách chi bạn về việc gán cho Văn hóa một giá trị quá ư thực tiễn. Tôi chỉ nhắm vào giá trị tinh thần của sự hoạt động của bạn. Tôi chỉ kể tính cách tu dưỡng của sự hoạt động ấy. Hễ thấy loài người được rèn, luyện, uốn, nắn, hun đúc, cho ngày càng tốt đẹp cao quí hơn nhờ cái "nghề văn hóa" thì tôi đã cảm thấy cái giá trị thiêng liêng của Văn hóa rồi. Tôi sẽ thay lời cho tất cả những kẻ như tôi mà cám ơn bạn, đinh ninh với nhau rằng: những sung sướng vật chất, hãy để cho nhà văn hóa riêng hưởng, còn cái Văn hóa tự thân, thì chúng ta, nhân loại đây, chúng ta hãy giành hưởng lấy tinh hoa!
Đuổi theo những hương vị riêng của thuật hành lạc, bạn thấy "chơi văn hóa" thích ý bạn hơn là uống rượu, hút thuốc phiên, đánh bạc. Bạn chọn một ngành văn hóa nào đó làm tháp ngà để riêng sống một đời thú vị. Tôi nào có trách chi bạn về việc gán cho Văn hóa một tính cách quá ư vị kỷ. Tôi chỉ nhắm vào giá trị nhân bản của sự hành lạc ấy. Hễ thấy loài người được rèn, luyện, uốn, nắn, hun đúc cho ngày càng tốt đẹp, cao quí hơn nhờ cái "chơi văn hóa" thì tôi đã cảm thấy cái giá trị thiêng liêng của văn hóa rồi. Tôi sẽ thay lời cho tất cả những kẻ như tôi mà cám ơn bạn, đinh ninh với nhau rằng: những vui thú ở tâm hồn, hãy để cho nhà văn hóa riêng hưởng, còn cái Văn hóa tự thân, thì chúng ta, nhân loại đây chúng ta hãy giành hưởng lấy tinh hoa!
Đuổi theo những phương tiện quảng cáo và tuyên truyền, bạn thấy ngón văn hóa khéo léo, hiệu quả hơn những phương tiện khác. Bạn chọn một ngành văn hóa nào đó làm phương tiện để theo đuổi một mục đích chính trị, kinh tế, quân sự. Tôi nào có trách chi bạn về việc lợi dụng Văn hóa để bước sang qua một địa hạt khác. Tôi chỉ kể năng lực tiềm ẩn của sự vận dụng tâm hồn quần chúng. Hễ thấy loài người được rèn, luyện, uốn, nắn, hun đúc cho ngày càng tết đẹp, cao quí hơn nhờ cái "ngón văn hóa," thì tôi cảm thấy giá trị thiêng liêng của Văn hóa rồi. Tôi sẽ thay lời cho tất cả những kẻ như tôi mà cám ơn bạn.
Bạn là anh?
Bạn là chi?
Bạn là già?
Bạn là trẻ?
Bạn là ở tầng lớp xã hội nào đó, giai cấp nào đó, bạn co học lực nào đó, có sự nghiệp danh vọng nào đó.
Tôi nào có nghĩ đến những điều ấy bao glờ. Nhà văn hóa của tôi là kẻ gắng sức một cách thường xuyên để rèn, luyện, uốn nắn, hun, đúc loài người cho ngày càng tốt đẹp, cao quí hơn.
Bạn có cố gắng như thế, bất cứ ở một địa hạt nào, hoặc cải tạo hoàn cảnh sinh sống, hoặc cải tạo điều kiện xã hội, hoặc cải tạo thân thể, lý trí, tam hồn của loài người, mục đích tu dưỡng, bạn đạt bằng đường lối cá nhân hay đường lối tập thể, ý nghĩ cao quý, bạn đeo đuổi bằng ý thức hệ nầy, hay bằng ý thức hệ khác... bạn có cố gắng "người" trở nên NGƯỜI, bạn là nhà Văn hóa của tôi vậy.
Mà nếu là như thế, tất cả những ai không buông mình thả trôi theo cái chiều của sự sống lười biếng, trái lại cố gắng vận dụng tinh thần để đeo đuổi mục đích "người" trở nên NGƯỜI, tất cả những kẻ ấy đều nuôi nấng một tinh thần Văn hóa.
Thú thực với bạn,
Tôi vẫn hoài bão tinh thần nhân bản ấy.
Tôi vẫn muốn rèn, luyện, uốn, nắn, hun, đúc tôi, cho tôi ngày nay đẹp hơn ngây hôm qua, cho tôi ngày mai càng đẹp hơn tôi ngày nay, để rồi bây giờ tôi là "người" dần dần đuổi theo NGƯỜI, cái NGƯỜI ngày càng to lớn, đẹp đẽ, phát triển với thời gian. Tôi chưa ghi được một thành tích gì trong phong trào văn hóa, song lòng ham muốn tha thiết, tôi vẫn có thừa. Phỏng tôi bất tài không đủ sức lượm được kết quả gì, bạn có cho tôi nhập vào đại gia đình Văn hóa chăng?
Cao vọng ấy ngày nay tôi chưa đặt ra. Nhưng tôi xin bạn một điều: bạn hãy nghe những lời băn khoăn, những đòi hỏi tha thiết của một kẻ yêu mến Văn hóa và hãy nghe cuồng mộng của một kẻ, vì không phải là nhà Văn hóa VIỆT NAM.
Bạn là một nhà "văn hóa" Tây phương. Bạn là một nhà triết học. Bạn là một nhà khoa học. Bạn theo một thuyết nào đó. Bạn hoạt động theo một ngành văn hóa nào đó.
Bạn cảm thấy sức mạnh của Tây phương. Tôi không nói bạn mê say sức mạnh của tàu bay, tàu lặn, của đại bác, của bom... Không đâu! Bạn thấy văn chương cổ điển có cái gì phổ biến, văn chương lãng mạn có cái gì say sưa, ồ ạt. Bạn thấy nghệ thuật có cái gì sâu sắc, đậm đà, ủy mị. Bạn thấy triết học có cái gì uyển chuyển, tinh tế. Mà nhất là khoa học. Khoa học, cái quí báu độc nhất vô nhị của Tây phương!
Hiện nay, bạn thấy Tây phương đắc thắng, chiếm vị trí tối thượng, hãnh diện với thế giới. Về quân sự, về kinh tế, về chính trị, Tây phương là tất cả. Bạn cho Tây phương là cái gương duy nhất, rồi bạn toan nêu cái "văn hóa" Tây phương làm Văn hóa Việt Nam.
Tôi van bạn. Tôi ước mong bạn xây đắp riêng cho Việt Nam một nền Văn hóa rực rỡ, để trình trước Đại Hội đồng nhân loại làm sự nghiệp của mình.
Sao bạn nỡ vô tình, bảo tôi cúi đầu dưới "văn hóa" Tây phương? Sao bạn còn ác ý, bảo tôi đem cái văn hóa Tây phương mà cổ võ gọi là của mình?
Không đâu! Tôi không chịu đâu! Đã tủi nhục về mặt quân sự, đã thiệt thòi về mặt kinh tế, đã khổ sở về mặt chính trị tôi còn lòng nào đem tâm hồn mà rèn luyện, uốn nắn, hun đúc theo khuôn mẫu của nó.
Tôi đã như thế.
Mà dân tộc Việt có lẽ cũng như thế. Một nghìn năm bị Tàu đô hộ mà còn không bị đồng hóa, nay lại hăm hở đồng hóa với Tây phương sao?
Bạn thấy văn chương Tây phương đáng yêu?
Thì bạn cứ yêu!
Bạn thấy nghệ thuật Tây phương đáng thích?
Thì bạn cứ thích!
Bạn thấy triết học Tây phương đáng quí?
Thì bạn cứ quí!
Bạn thấy khoa học Tây phương đáng dùng?
Thì bạn cứ dùng!
Nhưng văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học của Tây phương là khác. Mà "văn hóa" Tây phương là khác. Bạn hãy phân biệt.
Tây phương không có Văn hóa. Tây phương chỉ có Quái hóa. Chính cái Quái hóa này chế ngự tâm hồn Tây phương, nó rèn luyện, uốn nắn, hun đúc con người ngày càng lánh xa nhân bản.
Văn chương tốt là đẹp, là đáng yêu. Cái Quái hóa này lại chi phối lấy, hướng dẫn lấy, làm một cái lợi khí ru ngủ, lường gạt để đặt lên đầu cổ loài người áp bức, đè nén, bóc lột.
Nghệ thuật vốn là khéo, là đáng thích. Cái Quái hóa này lại chi phối lấy, hướng dẫn lấy, làm một phương tiện mê ngủ, lường gạt để đặt lên đầu cổ loài người sự áp bức, đè nén, bóc lột. Đến những tư tưởng đẹp đẽ như tự do, bình đẳng, bác ái, cái Quái hóa này cũng đổi làm khí giới chinh phục.
Cái Quái hóa ấy rèn luyện, uốn nắn, hun đúc người Tây phương xảo trá, quỉ quyệt, nham hiểm vô cùng, làm cho họ không đeo đuổi mục đích phụng sự loài người, không theo nhân đạo, không lấy nguồn gốc ở nhân bản.
Ở thế kỷ XVI, đã có người thấy cái trạng thái ấy, giật mình mà cả tiếng kêu: "Khoa học mà không lương tâm chỉ tổ làm tiêu hủy tâm hồn." Nhưng mà cái Quái hóa ấy đã thúc giục mãnh liệt hơn lời gọi kia. Quái hóa ấy nô lệ hóa khoa học nốt.
Quái hóa ấy đã xui khoa học chế ra đại bác, chiến xa, tàu chiến, phi cơ, hơi ngạt, vi trùng, bom nguyên tử, để giết người, để chinh phục kẻ yếu, để đè nén áp bức, dày xéo chúng ta.
Thỉnh thoảng, một hai cá nhân tự nhiên xướng một hai học thuyết cao siêu, một hai chủ nghĩa hùng vĩ. Nhưng không lâu, học thuyết ấy, chủ nghĩa ấy bị Quái hóa biến thành phương tiện ru ngủ và chinh phục.
Thỉnh thoảng, một hai nhóm quần chúng tự nhiên vùng vẫy nổi lên cách mạng. Nhưng không lâu, phong trào cách mạng ấy bị Quái hóa biến thành phương tiện để lập một bộ máy đè nén, áp bức và chinh phục.
Quái hóa ấy điều khiển, chế ngự, làm cho tình vi tất cả các ngành Văn hóa để đi ngược lại mục đích của Văn hóa.
Cũng đồng rèn luyện, uốn nắn, hun đúc loài người. Nhưng Văn hóa đuổi theo cái mục đích làm cho "người" trở nên NGƯỜI. Còn Quái hóa đuổi theo mục đích trái lại, làm cho người trở nên nô lệ.
Nô lệ tất cả. Người hèn yếu bị làm nô lệ cho kẻ giàu mạnh. Kẻ giàu mạnh bị làm nô lệ của tiền bạc. Tiền bạc bị làm nô lê của một lực lượng huyền bí, vô hình... của Quái hóa.
Tinh túy của Tây phương là rèn luyện, uốn nắn, hun đúc tất cả cái gì cũng thành phương tiện, bất cứ phương tiện nào cũng trở nên tinh xảo, để cho Quái hóa sai khiến, lợi dụng.
Văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học ... tất cả đều là phương tiện. Thử cho Tây phương một cái văn hóa nào đó xem! Chẳng bao lâu, cái văn hóa ấy bị đổi thành phương tiện nốt.
Bạn hãy kiểm điểm lại xem. Có tư tưởng, học thuyết, chủ nghĩa nào không bị đổi làm phương tiện, không bị lợi dụng đâu?
Bạn cãi với tôi. Bạn nói rằng đó là thời cũ, người cũ, văn chương cũ. Bạn nói rằng thời mới, người mới, văn hóa mới, sẽ không còn trạng thái ấp nữa. Tôi cũng ráng tin theo bạn vậy.
Nhưng mà ít nữa cái Quái hóa phải bị tiêu diệt. Nó không còn chế ngự, hướng dẫn văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học. Tây phương không còn theo đuổi mục đích chính phục, đè nén, áp bức, bóc lột. Tây phương phải đi ngược dòng lại.
Người Tây phương theo đuổi tha thiết, cái mục đích rèn luyện, uốn nắn, hun đúc, cho người ngày càng tốt đẹp, cao quí hơn, cho "ngưòi" trở nên NGƯỜI.
Tây phương phải có Văn hóa.
Và cái văn hóa ấy chúng ta đây, dân tộc Việt chúng ta hãy xây đắp để cung cấp cho Tây phương, cho Đông phương: cho tất cả nhân loại.
Này bạn!
Ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc, bạn có thể nêu lên khẩu hiệu: thu nạp các phương tiện của Tây phương. Trong văn chương cua Tây phương, bạn có thế chọn lọc những tinh hoa, những nguồn cảm hứng, nhũng thuật diễn tả để cung cấp cho văn chương Việt Nam. Trong nghệ thuật của Tây phương, bạn có thể chọn lọc những ưu điểm, những đề tài, những ngón tinh xảo để bồi bổ cho nghệ thuật Việt Nam.
Trong triết học Tây phương, bạn có thể chọn lọc những siêu việt, những phương pháp, những tư biện, để gây dựng một nền triết học Việt Nam. Trong khoa học, nhất là trong khoa học, bạn có thể chọn lọc những thành tích, những nền nếp, những tinh thần để kết cấu một tòa khoa học Việt Nam.
Chọn lọc, chọn lọc!
Nhưng bạn phỏng theo cây thước đo nào mà chọn lọc?
Nhưng bạn phỏng theo tâm hồn nào mà chọn lọc?
Nhưng bạn phỏng theo mục đích nào mà chọn lọc?
Tất cả cái gì của Tây phương đã khoa học hóa, kỹ thuật hóa, nghĩa là đã thành những phương tiện. Bạn chọn ở Tây phương cái gì không phải là phương tiện để phỏng theo!
Không có cái gì không phải là phương tiện cả!
Bạn chỉ còn có một con đường. Ấy là phỏng theo Văn hóa, cái làm cho "ngươi" trở nên NGƯỜI.
Bạn hãy tạo ra vậy!
Bạn hãy tạo ra để làm ý nghĩa sống cho dân tộc Việt, để làm vinh quang cho dân tộc Việt.. . Và tôi mượn nó hãnh diện cho tôi vậy!
- Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp Hồ Hữu Tường Truyện đạo
- Tương Lai Văn Hóa Việt Nam Hồ Hữu Tường Biên khảo
• Mười cái chết oan khiên của Văn Nghệ sĩ miền Nam (Phạm-Văn Duyệt)
• Hồ Hữu Tường (1910 - 1980) (Thụy Khuê)
• Về Một Kiệt Tác Của Hồ Hữu Tường (Thiện Hỷ)
• Nhà Văn Hồ Hữu Tường (Nguyễn Văn Sâm)
• Hồ Hữu Tường Trò Chuyện Với Nguyễn Ngu Í (Nguiễn Ngu Í)
Hồ Hữu Tường và cái nghiệp làm báo
(Trần Ngươn Phiêu)
Hồ Hữu Tường - Những ngày cuối đời
(Phan Chính, Talawas)
Ngô Văn nhớ về Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê ghi)
Tiểu Sử (Wikipedia)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Tương Lai Văn Hóa Việt Nam (Hồ Hữu Tường)
Kể chuyện (talawas)
Nợ Tinh Thần (Scribd)
Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình (VietMessenger)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |