|
Anh Bằng(5.5.1926 - 12.11.2015) | Cao Xuân Huy(.9.1947 - 12.11.2010) | Trần Thái Đỉnh(14.11.1922 - 12.11.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
LTS. Sau đây là một số đoạn chứng tôi trích từ cuốn "Sống và viết với Hồ Hữu Tường," do Nguyễn Ngu Í viết lại những cuộc trò chuyện với Hồ Hữu Tường, bắt đầu từ năm 1946 ỏ Hà Nội, kết thúc vào 1966 ở Sài Gòn. Nguyễn Ngu Í viết quyển này theo lối chữ quốc ngữ cải cách của ông, chúng tôi đánh máy lại sửa thành chữ thường để độc giả dễ đọc.
Chân dung Hồ Hữu Tường do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1964 (nguồn: Tạp chí Thế Kỷ 21)
Một đêm mùa hạ, năm l954. Anh sắp sửa lên đường sang Pháp để rồi đi Genève vận động cho "trung lập chế," tôi ở lại chơi với anh có hơi khuya, và bởi căn phố anh ở hẻm Frère Louis ấy tối đến muỗi khá nhiều, nên chúng tôi chui vô mùng trò chuyện. Bỗng anh hỏi tôi có đọc Phong Kiếm Xuân Thu?
Tôi gật đầu.
- Thế anh phục ai?
- Tôi đọc lúc lên mười. Đúng hơn là đọc cho bà chủ trọ nghe trong những ngày nghỉ học lúc ở Phú Lâm. Không nhớ mình phục ai, song thương ai thì lại nhớ rõ!
- Ai vậy?
- Tôn Tẩn.
- Chắc vì Tôn Tẩn bị chặt cụt chân.
- Vì nạn ấy thì ít mà vì Tôn Tẩn quá thương mẹ, quá yêu Tổ quốc mình mà đem hết sức chống lại nhà Tần, tuy biết rằng "số Trời" đã định, Tần Thỉ Hoàng sẽ gồm thâu Lục quốc.
Anh im lặng một hồi, rồi chậm rãi:
- Trường hợp bi đát của Tôn Tẩn ám ảnh tôi từ thuở nhỏ. Và bây giờ, tôi càng thông cảm cái nỗi bi đát ấy của họ Tôn. Tâm sự với anh một chút trước khi đi. Từ cuối năm ngoái, tôi được biết Pháp và Việt cộng đã bí mật điều đình với nhau: chia hai đất nước mình. Như thế là một đại họa cho dân tộc. Miền Bắc Cộng sản sẽ bị áp bức và bóc lột nặng nề; miền Nam Quốc gia sẽ bị Cộng sản dùng sách thuật "thả sâu vào quả" mà chịu cảnh nội chiến triền miên. Thế là sau mười năm máu lửa, nước mình không được thống nhút, dân mình còn bị lầm than và chết hại, "số Trời" định thế đó, tôi nghĩ ra biện pháp "Trung lập chế" thuyết trình trước một số thính giả chọn lựa, đăng trên báo Phương Đông (l) rồi sắp đích thân đi vận động ở Genève, là tôi muốn "cãi số Trời" như Tôn Tẩn thuở xưa.
Im lặng một chặp.
- Tôi có khi đâm ra lẩn quẩn. Không tin rằng dân tộc ta đã dùng sắt máu để tiêu diệt dân Chàm, mà đã đồng hóa họ nhờ văn hóa cao hơn, thế mà sao đôi lúc tôi nghĩ rằng tổ tiên ta đã "làm sao ấy" đối với họ cho nên con cháu ngày nay phải trả cái "nợ" nặng nề kia. Có vùng vẫy đến đâu, rốt cuộc rồi bi đát cũng hoàn bi đát!
Và tôi nghe một tiếng thở dài. Nhưng liền sau đó:
- Nhưng đã là con thằn lằn đã chọn nghiệp (2) thì "cãi số Trời" cứ cãi cho đến hơi thở cuối cùng xem sao!
Một trưa mùa thu năm 1946, ở thủ đô Hà Nội. Tôi ngừng ở lại đầu thang gác. Anh đang chăm chú sửa ấn cảo một cuốn sách, trông anh có vẻ một học giả lừ đừ hơn là một chiến sĩ say sưa, hay một công nhân lanh lẹ, hai hình ảnh quen thuộc của anh lúc ở trong Nam. Tôi ngừng lại ở đầu thang gác, vì lần đầu bắt gặp ở anh hiện thân của sự đau buồn: cái lưng khom khom như mang gánh nặng vô hình, đầu tóc dài kém trật tự như không hề làm bạn với cái lược cái gương, đôi mắt có vẻ mệt mỏi, có dáng nặng nề, gương mặt hằn nỗi lo âu của sự luôn luôn phải đối phó, ở trong căn gác im lìm bày biện sơ sài, cạnh chiếc nôi mà thỉnh thoảng anh với tay đẩy nhẹ. Mấy người bạn đường cũ, nay cỏ đã xanh mồ, riêng anh ngồi đây, giỡn chữ, đưa con.
- Người chưa chết đang làm gì đó?
Anh quay lại, tròn đôi mắt, mỉm cười:
- Đang sửa di chúc đây.
Tôi bước lại gần anh:
- Di chúc để lại cho ai?
- Chịu khó đọc vậy.
- Tương lai văn hóa Việt Nam. "Tặng X. T. độc giả vị lai của quyển này ..."
Tôi nhìn "đứa con đỏ" đang nằm ngủ trong nôi, rồi nhìn anh:
- Để cho hai chục năm về sau?
- Ba chục năm.
- Tam thập nhị lập... À, anh khinh người đồng thời mà trọng kẻ đến sau. Anh "làm phách," thế mà "thiên hạ" chưa cho anh mò tôm nhá!
Anh không đáp, chỉ cười, một cái cười buồn, rất buồn.
( ... )
Xét lại đời anh trong hai mười lăm năm nay, hết thất bại này đến thất bại khác. Anh thì chắc sau những phen mệt mỏi, chán ngán không tránh khỏi, sẽ liên tục con đường "cãi số Trời" của mình đến hơi thở cuối cùng "để xem sao." Nhưng còn người bạn đời mà tù đày đã giành hết phân nửa thời gian chung sống với chồng?
- Chị có thất vọng về anh không?
Chị nhìn tôi, như chưa hiểu câu tôi hỏi.
- Anh cứ đuổi theo những mộng mà thiên hạ cho là khó thành, để mình chị gánh vác bao nhiêu là bổn phận, hẳn chị có lúc cũng thấy ông chồng "kỳ khôi" của mình làm mình thất vọng phần nào.
- Tôi hiểu chú muốn gì rồi. Tôi có những lúc khổ vì nhà tôi thật, mà không thất vọng. Vì ba mươi năm về trước, khi nhận lời làm vợ nhà tôi, thì nhà tôi là một anh chàng công nhân, mà tôi không biết tên thật là gì.
- Sao lạ vậy chị?
- Lúc đó chúng tôi là đồng chí, hoạt động trong bí mật.
- Việc cũng ly kỳ. Nếu chẳng có gì bí mật, chị có thể cho biết sơ qua cái thuở ban đầu gặp gỡ ấy ...
- Năm ấy, tôi hoạt động trong một chi bộ ở Cà Mau, thì được lệnh lên Sài Gòn. Bắt được liên lạc với người đồng chí cao cấp ấy rồi, tôi kín đáo theo anh xuống dưới gầm cầu Móng. Gặp một đồng chí lạ, mặc áo công nhân. Đó là đồng chí Năm, mà tôi phải sống chung làm một cặp "vợ chồng đối phó" để tiện bề hoạt động.
- Vậy anh chị đóng vai vợ chồng giả trong bao lâu thì thành "vợ chồng thật"?
- Ba tháng sau, chú à.
Năm đã hầu tàn. Anh có phần rỗi rãi. Tôi lợi dụng khoảng thời gian anh hết bận rộn vì chức vụ Phó viện trưởng và Giáo sư viện Đại học Vạn Hạnh mà quấy rối anh.
- Nhờ anh cho biết anh bắt đầu viết lúc nào.
- Lúc tôi mười sáu tuổi, đang theo học Đệ nhị trường Trung học Cần Thơ. Tôi viết báo, báo tay với anh em cùng lớp. Chủ bút là người anh biết, Trúc Hà Trần Thiêm Thới, sau này sẽ đi xa trong báo giới và học giới; trong bộ biên tập, có hai anh này sau sẽ đi xa về Quân sự và Chánh trị, là Nguyễn Văn Tây và Ung Văn Khiêm. Lâu quá, tôi quên tên tờ báo học trò ấy. Nhưng tôi không quên việc tréo cẳng ngỗng này: báo Quốc ngữ, mà anh em giao tôi mỗi kỳ cố "rặn" cho ra một bài xã thuyết bằng tiếng Tây. Đố anh biết để chi? Để rủi báo có bị tịch thâu thì ông đốc Tây biết ngay đại ý tờ báo muốn nói gì.
- Chắc bài này không ký tên.
- Có chớ. Ký biệt hiệu Tây đàng hoàng: Vu-Tren!
- Vu-Tren?
- Nói lái là Ventru. Ventru nghĩa là "Bụng bự." Lúc đó bụng tôi to hơn mức bình thường, anh em gọi đùa tôi là "Tường bụng."
- Hồi đó, mà anh đã tỏ ra "rắc rối" rồi! May mà anh chưa biết biện chứng pháp... phổ thông! Không thì bạn học còn "ngán" anh đến đâu!
- Tờ báo tay ấy có thọ không, anh?
Anh lắc đầu:
- Nhân vụ án Nguyễn An Ninh, bọn chúng tôi tham gia phong trào bãi khóa, và bị đuổi. Sang Pháp, tôi lại viết báo... bằng tiếng Pháp lần nữa, và ở một trường hợp đặc biệt. Anh Thâu đang viết loạt bài "Après Yên-Bái, que faire?" (3) trong tờ La Vérité, thì bị trục xuất vì dự cuộc biểu tình trước điện Élysée phản đối việc xử tử Nguyễn Thái Học với 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tôi và anh Hùm nhờ lẹ chân trốn sang Bỉ nên khỏi bị đuổi về nước. Tôi thay anh Thâu viết tiếp loạt bài bỏ dở.
- Après Yên-bái, que faire? Ký tên ai?
- Ký: Un émigré indochinois (4).
- Thế bao giờ anh mới bắt tình với báo Việt?
- Năm 1931. Khi ở Pháp về. Anh Thâu có người thày cũ rất thương anh, anh Nguyễn Văn Bá, lúc ấy nghỉ dạy và trông nom tờ Công Luận. Anh Thâu đưa tôi lại thăm thầy cũ, và trổ tài hùng biện để kéo thầy cũ theo chủ nghĩa của mình. Ảnh nói nhiều, không để thày nói bao nhiêu. Làm ông Bá bực. Còn tôi vốn trầm lặng, ít nói, nên ngồi làm thinh mà nghe. Ông Bá hỏi, tôi mới trả lời; ông có cảm tình với tôi ngay và mời tôi cộng tác. Tôi nhận lời, và bút hiệu Bửu Liên của tôi xuất hiện từ đó.
- Báo Tây, báo Ta, báo công khai ... giờ anh cho biết về báo ... bí mật, thứ báo chẳng thấy trưng bày trong cuộc triển lãm 100 năm Báo chí vừa qua ở nhà Văn hóa.
- Tôi chắc anh em bây giờ không ai còn giữ được số nào. Có trên ba chục năm rồi, và biết bao nhiêu phen máu lửa xảy ra! Họa may Công an còn giữ số nào chăng, nếu được thực dân Pháp không chở về Tây để làm của quý! Anh nhờ nói đến việc này, là anh làm tôi trẻ lại như hồi mới hai mươi! Viết bài, thì tôi viết. Anh Đào Hưng Long, chữ tốt, đóng vai trò "thợ sắp chữ," nghĩa là ảnh chép lại những bài của tôi bằng mực tím đậm rồi giao cho "nhà in," tức là những nữ đồng chí có nhiệm vụ "in" ra trên xu xoa. Anh chắc cũng biết qua lối "in" này. Úp bản cái lên mặt khuôn xu xoa, vuốt cho đều tờ giấy, để đó mười lăm phút cho mực thấm vô xu xoa, vuốt cho giấy sát. Rồi gỡ bản cái ấy lên, mình có bản chánh "in" ngược lên xu xoa. Giờ chỉ còn lấy giấy để lên mặt xu xoa, vuốt giấy cho sát, để chừng một phút, gỡ ra. "In" độ năm mươi bản thì chữ mờ. Tôi có nghĩ ra một cách có lợi cho việc "in xu xoa" này. Thói thường là nấu xu xoa, đổ vô một cái khuôn, và chỉ dùng được có mặt xu xoa ở trên mà thôi. Tôi cho cắt những tấm kiếng bằng nhau để trong khuôn, tấm này cách tấm kia độ một phân (giữa hai tấm kiếng ở hai đầu, có cây cạnh cao chừng một phân), đổ xu xoa vô, thì mỗi lớp xu xoa có hai mặt, mặt trên in cũng được, mà lật lại mặt dưới, in cũng được. Ví như ta có năm tấm kiếng thì ta có sáu miếng xu xoa, tức là mười một mặt xu xoa in được.
- Chẳng khác nào trước ta có một máy in, mà giờ ta có mười một máy in vậy. Thế mà anh chẳng làm đơn xin bằng phát minh cũng uổng!
Chúng tôi cùng cười. Rồi anh tiếp:
- Đến khoảng 1935, chúng tôi có ý chẳng ngu này: làm sao báo bí mật của đoàn thể mình "in" bằng chữ nhà in, mà gạt được bọn mật thám Tây. Nghĩa là làm sao cho chúng nó bảo nhau báo này không thể in ở Việt Nam được, mà in ở bên Pháp; được thế, chúng không tìm ở bên này, mà lo kiếm ở bên Pháp để làm cho ướt ngòi từ Mẫu quốc.
"Chúng tôi tổ chức một cuộc ăn cắp. (Anh mỉm cười). Chuyện đã xưa rồi, bây giờ khai ra đây, chắc không ai bắt thường bắt tội mình đâu. Chúng tôi tổ chức một đám trẻ em, xin vô làm nhà in Ardin, học nghề sắp chữ. Anh còn nhớ nhà in Pháp này ở đường Catinat chớ? Nhà in lớn, có chú hạch gác cửa, giờ về, chú khám thợ thuyền, sợ ăn cắp chữ. Thế mà không khỏi tay ... các "tiểu đồng chí" của chúng tôi. Mò túi, rờ lưng, chú hạch chẳng bắt được gì. Thế mà về đến cơ quan, các em nộp "chiến lợi phẩm" cho chúng tôi: trung bình mỗi ngày bốn gói, mỗi gói độ vài chục chữ. Đố anh biết các em làm sao qua mặt chú Chà-và gác dan kia không? Chữ ăn cắp, các em giấu trong... ghi đông xe đạp. Kiến tha lâu đầy ổ. Rồi một ngày nào đó, chúng tôi "đủ sức" dựng một cái "nhà in" bí mật. Nói dựng nhà in cho oai, chớ thật ra là cất một cái chòi, để các em ở đó. Ban ngày lại nhà in thực dân, học; ban đêm, về nhà in của mình, thực hành. Tôi còn nhớ anh bạn phụ trách "nhà in" này, anh tên X hiện ở Paris. Sắp chữ xong xuôi, "mi" rồi, là vỗ. Công phu nhất là phần việc chót này. Vỗ cho cẩn thận, cho khéo léo, thì tờ báo xem i hệt như là in máy thật. Tờ Thường Trực Cách Mạng "in" bí mật theo lối này, làm bọn mật thám bứt đầu bút cổ. Số in à? Thường thì vài trăm. Gặp trường hợp đặc biệt, tới mấy ngàn.
Và mắt anh như mơ màng. Chẳng biết anh nhớ đến một thời hay những bóng hình ai.
Tôi thì nhớ dịp kỷ niệm trăm năm Báo chí, nên chưa muốn rời địa hạt này. Huống hồ chi lại định hỏi anh về tờ báo đã từng đóng một vai trò lịch sử trong công cuộc chống thực dân và phong kiến, mà đời hoạt động cách mạng của anh lúc đầu "ăn chịu" nhiều với báo.
- Anh bật mí báo chí bí mật do anh điều khiển, bao nhiêu đó cũng tạm đủ. Nhờ anh cho biết về tờ báo công khai La Lutte. Mấy anh dính líu mật thiết với nó đã bị Đệ tam sát hại cả, chỉ còn có mình anh. Gợi kỷ niệm xưa, chắc anh buồn, nhớ những bạn đồng hành xấu số, nhưng anh lại giúp cho anh em đến sau một số tài liệu sống của người trong cuộc.
Anh hơi mỉm cười:
- Nói ra, thì khó tin, nhưng nguyên nhân ra báo là một trò "giỡn chơi." Mà giỡn chơi với nhà cầm quyền Pháp. Số là sắp có cuộc tranh cử Hội đồng thành phố. Anh em có ý đưa ra một sổ đối lập với các sổ tay sai thực dân. Lấy tên là sổ Lao động, gồm có mười hai người. Tôi chỉ nhớ tên sáu người là Nguyễn Ván Tạo, Trần Văn Thạch, Lê Văn Thử, Lê Văn Lưỡng, Huỳnh Văn Tài. Đứng trong sổ Lao động nên nghề nghiệp anh em đưa ra đều có màu sắc Lao động cả, trái lại với các ông điền chủ nhà giàu. Tạo làm nghề viết báo, Thạch làm nghề dạy học. Thử với "chức": thợ nhà in, Lưỡng: thợ máy, Tài: lon ton. Có sổ rồi, phải có báo, vì có báo ai mà dám cổ động cho bọn tay làm hàm nhai này. Ra báo chữ Tây cho khỏi phải chịu chế độ kiểm duyệt. Chúng tôi nhờ ông Ganofsky làm quản lý. Ông là một nhà báo, có tinh thần cấp tiến, nên vui lòng tham gia "trò chơi" này. Anh em thì nghèo mà số đầu cần ra gấp, tiền chạy chưa đủ. May thay, ông huyện Của, chủ nhà in Union và cũng là chủ tờ báo kỳ cựu Lục tỉnh tân văn, vui lòng cho in chịu. Báo chạy. Trả nợ nhà in và lo tiền cho số kế. La Lutte đợt đầu chỉ bán ra có bốn số, trong thời vận động tranh cử. Đến số bốn, mới có tôi.
- Thế lúc ấy, anh ở đâu?
- Tôi bị kẹt trong tù. Kẹt sáu tháng. Về tội... "báo bí mật." Và lãnh ba năm tù treo. Sẵn đây, tôi kể anh nghe vì sao tôi từ bí mật ra hoạt động công khai. Cũng do một người bạn "giỡn chơi." Vừa ra tù, tôi đi dự một cuộc họp ở rạp hát Thầy đội Có ở Tân Định, do các ứng cử viên đối lập với sổ Lao động tổ chức để vận động cử tri. Những cuộc họp như thế, có chất vấn, có tranh luân, nên mở đầu là giới thiệu người vào chủ tọa đoàn. Anh Nguyễn Bá Tường (giờ là một nhà triệu triệu phú, một trụ cột của xưởng thuốc điếu Bastos) muốn phá tôi chơi, bèn giới thiệu tôi làm thị sự (ascesseur). Tôi đành phải bước lên diễn đàn. Thính giả cười ồ. Vì tôi mới ở khám ra, "cái đầu trọc lóc như trái dừa khô." Anh bạn nhân đó bồi thêm một chưởng: "Đây là một nhà chánh trị thứ thiệt. Thành tích chống thực dân ở ngay trên đầu. Để đồng bào tiện bề kiểm soát!" Cả rạp vỗ tay. Từ trước, tôi hoạt động trong bí mật, có viết bài ở báo công khai, thì đều ký biệt hiệu, nên đại chúng chẳng biết tôi làm chánh trị. Lần này vì bạn phá chơi, tôi kẹt, mà phải ra công khai từ đó. À, tôi quên nói là việc xảy ra năm 1933. Còn có điều đáng nói là trong những buổi tổ chức như thế, anh em trong sổ Lao động thường "cướp diễn đàn." Nhờ kinh nghiệm quần chúng, nhờ tài hùng biện, nhờ tài xoay xở. Người ta tốn của mướn rạp, tốn công mời công chúng, mình chỉ có chờ cơ hội là nhảy ra bắt bí diễn giả đối lập, làm họ tắc tị, hay khiến họ làm trò cười cho thính giả, rồi mình lôi cuốn công chúng về phe mình, và tha hồ tuyên truyền, cổ động cho "gà" nhà. Người ta dọn cỗ sẵn để mình ăn !
Anh như toan nói gì thêm, nhưng lại dừng. Sao tôi lại đoán rằng anh định nói: "Sân khấu Chánh tri ba mươi năm về trước coi vui nhộn hơn bây giờ nhiều."
- Theo anh, thì ra La Lutte đợt đầu là để "giỡn chơi" trong mùa tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng còn qua năm sau, các anh cho ra lại La Lutte, cơ quan binh vực quyền lợi cho giới lao động, thì lần này là "làm thiệt" chớ?
Anh gật đầu.
- Vậy vì nguyên do nào?
- Hơi dài dòng đó. Năm 1934, phái đoàn Cộng sản Pháp đo Gabriel Péri cầm đầu qua xem xét tình hình, thấy hàng ngũ Đệ tam tan rã gần hết, Péri mới tìm Nguyễn An Ninh để bàn bạc (Anh Ninh vốn là một chiến sĩ thuần túy quốc gia, nhưng anh không ngần ngại gì bắt tay với các tổ chức quốc tế để chống thực dân, nên có cuộc đối thoại mà tôi rút gọn như sau:)
Péri - Thất bại trong bí mật, sao Đệ tam không tìm ra công khai?
Ninh - Vì không đủ tài.
Péri - Không đủ tài thì bước đầu hợp tác với những ngươi có tài. Rồi sau sẽ tủy cơ ứng biến. Nhóm nào có năng lực?
Ninh - Nhóm Tờ rôt kít.
Péri - Có đông không?
Ninh - Năm, sáu đứa
Pérl - Họ bằng lòng hợp tác?
Ninh - Tụi nó dễ chịu lắm.
Thế là Péri chuyển đề nghị qua Moscou. Moscou chấp nhận. Paris mới đưa ra chỉ thị cho Sài Gòn; anh Ninh làm mối lái. Anh em chúng tôi bằng lòng: nhóm La Lutte thật sự ra đời sau đó. Nó gồm có những phần tử Đệ tam, Đệ tứ và những phần tử chân chánh quốc gia như Nguyễn An Ninh, Trịnh Hưng Ngẫu. Tờ La Lutte lại ra đời, đánh số 5 ngày 4-l0-1934. Qua tháng hai năm sau, nhóm quyết định đưa người ra tranh cử Hội đồng Quản hạt. Bản tuyên ngôn của nhóm (Aux électeurs des classes moyennes: Gởi cử tri các giai cấp trung lưu), Thâu và tôi thảo. Anh em bảo tôi ra, tôi không chịu, vì không thích, mà cũng vì tôi trẻ nhất trong đám anh em, thiếu hai tuổi để làm ứng cử viên. Nhưng anh em cứ biên đại tên tôi, đứng cùng sổ với Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Nguyễn, ra quận 1, gồm những tỉnh Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. À, chút nữa quên, còn Côn Nôn nữa!
Tôi cười:
- Quả là tiền định. Ba anh ra ứng cử cái quận có Côn Nôn, nên về sau, anh nào cũng nếm mùi Côn Đảo. Con anh thì thiếu hai tuổi... nên duyên nợ với nó đến hai lần! Mà này, như thế, thì hai Đệ tứ và một Đệ tam ra ứng cử. Đệ tam chịu lép vế sao?
- Đâu có, còn sổ thứ nhì: Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch ra ứng cử quận nhì (tức Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho). Nam kỳ lúc đó chia ra làm năm quận bầu cử.
- Nhưng chuyến "xuất quân" đầu tiên ấy thắng hay bại?
- Bại. Chúng tôi thất cử vì bị ăn gian thăm.
- Trong thời làm báo La Lutte, có gì vui không anh? Tranh đấu, thì có lúc bại, lúc thắng, khi buồn, khi vui ...
- Tôi còn nhớ hai cái khoái. Một là ủng hộ Trần Văn Thạch trong việc mở mục Petits clous (Đinh cúc), và góp ý với ảnh để ảnh dùng giọng văn trào phúng mà viết mục bài phong kiến, đả thực dân này. Anh Thạch viết Pháp văn rất cừ và có duyên, nên mục Đinh Cúc được độc giả hoan nghênh. Anh biết hạng độc giả nào đọc mục châm biếm này nhiều nhất không? Ba phần tư là... người Pháp. Thực dân Pháp ghét cay ghét đắng tờ La Lutte. Nhưng lại thích đọc mục Petits clous (có những người mua La Lutte để chỉ đọc có mỗi mục này), và buồn cười, là họ lại cho chúng tôi tuy dô để viết bài "hạ" đồng bào họ nữa chớ. Đó là cái khoái thứ nhất. Cái khoái thứ nhì là việc hạ uy tín Nguyễn Phan Long ở phe Lập hiến. Bọn chúng tôi biết được hiện tượng kỳ cục này: thiên hạ phục Nguyễn Phan Long, chẳng phải vì đường lối chính trị của ông, mà vì ông viết tiếng Tây hay. Vậy muốn hạ con "Rồng" có uy tin với đồng bào này, thì tìm cách chứng minh rằng ông ta viết tiếng Pháp... sai mẹo. Anh em đọc thật kỹ các bài của ông Long, hễ thấy lỗi là mách cho anh Thạch. Anh Thạch bèn viết bài bắt bẻ Gờ ram me ông Long. Vài lần, là ông Long mất mặt với độc giả. Uy tín riêng của ông - và cả uy tín của đảng Lập hiến - sút đi vì vụ này. Các bạn trẻ bây giờ hẳn không tin đó là sự thật. Phải sống vào thời kỳ ấy, mới thấy có lúc không thể lấy cái "lô gíc" (logique) mà giải thích một hiện tượng xã hội.
"Lại còn một điều tức cười này. Tòa soạn La Lutte ở 99 đường Lagrandière, giờ là đường Gia Long. Chắc chắn đó là toà soạn nhỏ hẹp nhất của báo... công khai. Nửa căn phố thôi vì phân nửa đầu bị cái thang lầu chiếm gần hết. Nhỏ, hẹp lại bất tiện, nên chẳng ai thèm mướn. Phố của chú Hỏa. Chúng tôi chỉ phải trả tiền phố tháng đầu. Những tháng sau - mà chúng tôi ở đó tới hai năm - chú Hỏa không dám thâu tiền phố chúng tôi.
- Không dám? Anh chủ quan rồi đó. Chú Hỏa cũng thuộc về đám... thực dân da vàng, thì có sợ gì đám dân lao động bị trị các anh. Chẳng qua là chú Hỏa biết các anh nghèo, nên... thương tình, không nỡ thâu tiền phố đó thôi. Vả lại người Tàu vốn thấy xa, nên chú tư bản này bắt đầu thực hiện khẩu hiệu: "lao tư hợp tác"' mà các anh vì say cái thuyết tranh đấu nên chẳng hiểu cái "lo- gíc" ấy!
Chúng tôi cùng cười.
- Bây giờ, hỏi anh đôi cái bí mật trong nghề đây. Tuần báo La Lutte mỗi kỳ in bao nhiêu số?
- Một ngàn.
- Cái vốn để ra báo ...
- Anh em chúng tôi góp tiền kẻ ít người nhiều. Rồi các nhà trí thức hảo tâm giúp đỡ, nên phần tài chánh cũng nhẹ lo. Hơn nữa, lần lần tờ báo tự túc được.
- Làm báo mà khỏi lo "chạy tiền" là các anh thành công trên mặt thương mãi rồi đó.
- Nhưng làm báo để tranh đấu, thành ra vẫn cứ "chạy tiền" như thường. Cần tổ chức những cuộc đình công, bãi thị để chống thực dân, thì phải sẵn tiền để giúp đỡ anh chị em cơm nước hoặc thuốc men trong suốt thời gian tranh đấu.
- Anh còn nhớ mỗi lần tổ chức một cuộc tranh đấu như thế, cần bao nhiêu tiền?
- Một ngàn. Nhưng ngàn đồng lúc đó lớn hơn ngàn đồng bây giờ nhiều. Anh muốn hỏi "chạy" đâu ra một số tiền lớn thế? Thì đi quyên. Những người bạn hay quen biết giầu có mà ghét thực dân, không phải ít. Họ luôn luôn sẵn lòng. Kẻ công người của!
- Có chút thắc mắc nầy, vừa dính đến báo lại dính đến sách. Có vài người nói quyển "Phong kiến là gì?" của anh ký Duy Minh, do nhà Minh Đức xuất bản năm 1946 ở Hà Nội là gồm những bài báo trước đăng ở Công luận, ký Phan Văn Hùm. Chẳng hay chị Hùm - Mai Huỳnh Hoa (5) - có tìm anh để hỏi đầu đuôi câu chuyện chưa?
Anh "à" lên một tiếng.
- Chị Hùm - Mai Huỳnh Hoa (để nói theo anh) tới nay chưa làm "khó dễ" gì tôi về vụ "sang đoạt" này. Chắc là chỉ chưa hay. Số là dạo ấy, năm 1935, nếu tôi nhớ không lầm, "ông già" Phan Khôi có viết một bài dài, cho rằng nước Việt ta không có gì là phong kiến cả, và những kẻ nào nói có, là những kẻ dốt. Rồi ông lại kêu đích danh Phan Văn Hùm ra bút chiến với ông. Anh Hùm không thể làm thinh. Nhưng khổ nỗi là ảnh chuyên về Triết học, mà không chuyên về Xã hội học. Trong anh em, tôi là người đã nghiên cứu chút ít về môn này, nên lãnh cái "nợ viết những bài trả lời lão tướng Phan Khôi. Anh Hùm sửa lại cho có "giọng" của anh và ký tên ảnh. Tuy thế, vốn là người cẩn trọng, ảnh chú rằng tài liệu vốn mượn của tôi.
- À ra thế!
- Trong những phong trào chính trị, thường thì người này viết tài bệu, rồi để người khác ký tên. Các sử gia về sau nếu chỉ căn cứ theo những gì nằm trên giấy trắng mực đen, thì làm sao tìm cho ra sự thật! Tôi xin đưa ra một trường hợp của tôi: chính tôi là người điều khiển tạp chí bí mật Thường trực Cách Mạng, nhưng khi đổ vỡ, thì một đồng chí đứng ra "chịu tội" trước pháp luật. Mai sau, có sử gia nào đó tìm tòi trong hồ sơ của tòa án, thấy tên người đồng chí nọ, vội bằng lòng với kết quả đó, rồi công bố trong sách vở mình, trong khi "chánh danh thủ phạm tên là thằng tôi!" Và nếu lúc ấy, những người trong cuộc không còn, thì sự sai lầm kia được truyền mãi về sau, như là một chân lý!
Nhân trường hợp của tôi mà suy ra, tôi mong những ai muốn viết về lịch sử nước nhà trong thời Pháp thuộc - nhất là về những đảng Cách mạng - phải hết sức cẩn trọng và chớ có bằng lòng những tài liệu đã có trong sách, trong báo. Khảo cứu mà làm như Nguyễn Văn Tố trước kia, tôi cho là hẹp hòi, máy móc, khó tiìm ra sự thật.
- Tôi nhớ anh có đem "ông cụ" Ứng Hòe nhà ta mà ngạo trong Phi Lạc sang Tàu, với bốn câu hỏi đặt vào miệng ông ấy: "Ngài dựa vào sách nào? Trang mấy? Tờ a hay tờ b? Dòng thứ mấy?"
- Tôi dụng ý công kích cái tinh thần "nệ sách" của một hạng người khảo cứu mà điển hình là "Tố tiên sinh!"
- Thế là anh đả kích phương pháp sử học của Âu - Mỹ mà các "sử gia" của ta tốt nghiệp tại các trường Sorbonne, Harvard, Columbia đang áp dụng trong khi nghiên cứu sử nước nhà hoặc đang truyền lại cho sinh viên "bản xứ."
- Tôi đâu dám phê bình phương pháp sử học Tây phương, vì tôi không phải là một sử gia, mà cũng không phải là người rành sử. Chẳng qua là tôi muốn góp chút ý mọn của mình, là hoàn cảnh nước nhà nó có khác, vậy nên uyển chuyển trong việc nghiên cứu sử của dân tộc, chớ còn một mực áp dụng phương pháp học ở phương trời Tây, thì e kết quả thâu thập có phần thiếu sót, không sống động, đôi khi còn có thể sai lạc. Bởi vì nước ta thường sống trong cảnh loạn ly, tài liệu chép, in mất đã nhiều, mà còn tệ một nỗi là triều đại sau có cái thói hủy diệt dấu tích triều đại trước nếu triều đại này vốn là thù nghịch; lại còn ngàn năm thuộc Tàu, trăm năm thuộc Pháp. Viết sử nước nhà trong hai thời này, mà chỉ căn cứ vào tài liệu của sử gia Tàu, Tây (hoặc sử gia người mình mà mất gốc), thì hẳn là khó mà đầy đủ, khó mà chính xác. Tôi tưởng ta không thể bỏ qua loại văn chương truyền khẩu thời Bắc thuộc, văn chương "quốc cấm" thời Pháp thuộc ở trường hợp này.
"Tôi mong sao các sử gia của ta xuất thân từ các trường dạy sử danh tiếng Âu - Mỹ, ngoài các phương pháp của Seignobos, còn cố tìm phương pháp của văn chương sử liệu."
...
- Tác phẩm mà tôi mong được dịch ra tiếng Pháp, Anh... va xuất bản ở Âu Mỹ để làm bức thơ cám ơn chung cho những ai ở ngoại quốc và ở trong nước đã ký tên xin ân xá cho tôi, là bộ Thuốc trường Sanh.
Tôi viết nó ở trong tù Côn Đảo, tháng 4 và tháng 5-1958. Đó là một quyển khảo cứu về Triết học, trình bày dưới hình thức tiểu thuyết, có tánh chất thời đại. Nó khảo cứu về thuyết nhân quả, về hành động, về đức tin. Các nhà văn Âu châu tả sự cô đơn của cá nhân; trong Thuốc Trường Sanh, tôi tả sự cô đơn tập thể, sự cô đơn của nhóm Tuyết-Lê, trong thế giới hai phe đương chống đối nhau kịch liệt bằng máu lửa, mà không theo một bên nào được, nên đuổi theo mộng "lập cái hố của đấu tranh, của hận thù." Và nhân vật chánh trong tiểu thuyết tượng trưng này, tôi dành cho loài cọp, mà tôi thấy hơn loài người: cọp giết người vì bản tánh tự nhiên, còn người giết người lắm khi vì một cớ không đâu.
- Anh viết nó chắc là không giống như mấy lần trước: bị anh em giao cho trách nhiệm viết tuyên ngôn, thuyết trình, khảo cứu, bị vợ hụt tiền chợ xúi anh bán văn, bị ở vào cảnh không còn sanh kế nào khác, như có lần ở Côn Đảo anh viết thơ cho tôi, khi tôi phỏng vấn anh về truyện ngắn hay cho Bách Khoa.
- Đúng vậy. Lần này, không bị ai hay bị gì bắt mình phải viết. Mà chính mình buộc mình phải viết. Và viết có chương trình hẳn hoi. Để quên cái ám ảnh bị chết mòn. Vì rời khám Chí Hòa, vô ngục Côn Nôn, chúng tôi thấy ngay anh em họ Ngô Đình quyết tình giết chúng tôi một cách từ từ mà chắc chắn: chân bị còng, đồ ăn nuốt chẳng vô: mắm chưng thì mục nát, cơm đỏ thì hẩm, lộn dầy thóc sạn. Tôi cắm đầu cắm cổ viết, trừ giờ ngủ và giờ ăn.
- Hẳn lúc ấy, anh viết một cách say sưa?
- Không đâu. Tôi say sưa hành động thì có, còn say sưa viết thì không. Tôi viết đều đều, chậm chậm. Anh đã thấy bản thảo mấy tác phẩm tôi viết ở Côn Dào thì rõ: tuồng chữ đều đều, chẳng có vẻ gì là "chuếnh choáng hơi men" cả, thỉnh thoảng mới bôi hay thêm đôi chữ.
- Với bộ Thuốc Trưòng Sanh, hẳn là anh phải làm một cái dàn trước?
- Làm sơ trong đầu thì có, chớ làm trên giấy thì không. Mà quyển nào cũng thế, trước kia cũng như bây giờ. Nuôi đề tài trong trí, rồi cầm viết lên là viết. Chỉ trừ một lần. Mà lần này, chẳng phải tôi làm cho tôi, mà cho anh Khái Hưng. Việc xảy ra ở Hà Nội, năm 1946. Tôi có bàn với anh Khái Hưng nên đưa hình thức tiểu thuyết mới, vì từ 1945, quần chúng bước ra sân khấu lịch sử, vai trò của cá nhân phải lu mờ trước vai trò của đoàn thể. Vậy, nội dung và thể tài của tiểu thuyết này phải khác. Anh Khái Hưng đồng ý, và chúng tôi hợp tác với nhau để viết chung một bộ tràng giang tiểu thuyết. Tôi chọn đề tài dựng sườn, phác họa nhân vật; anh Khái Hưng viết. Tên bộ tiểu thuyết: Gái nước Nam làm gì? Quyển đầu có tên: Nổi cơn gió bụi, mượn ở câu đầu "Chinh phụ ngâm": Thuở Trời Đất ...
- Chớ không phải Thu Hương?
- Không. Thu Hương, Chị Tập là hai phần trong bộ Gái nước Nam làm gì? cũng như Jean Valjean, Fantine, Cosette, Mrius, trong bộ Les Misérables của Victo Hugo.
- Nhưng sao lại chọn đề tài Gái nước Nam làm gì? mà không Trai nước Nam làm gì? như một cuốn sách viết về thanh niên của anh Hoàng Đạo Thúy?
- Vì người con gái hành động do tình cảm, theo bản năng, mà rất nhẹ về lý trí. Tôi thấy lúc ấy lịch sử sắp lật qua trang mới, nên tôi muốn đặt lại vấn đề: "Hành động phải làm sao?" trong bộ Gái nước Nam làm gì? Anh Khái Hưng sửa soạn bắt tay vào việc, thì chiến tranh toàn quốc bùng nổ. Anh tản cư rồi bị hại. Tôi bị quân Pháp bắt về Hà Nội, rồi tôi về Sài Gòn. Tôi mới viết hai phần giữa rút ra trong bộ ấy. Thu Hương, rồi Chị Tập ra đời trên nhật báo Ánh sáng, rồi sau in thành sách. Đây chỉ là hai phác họa trong cái bích họa dự định để đánh dấu sự chỗi dậy của dân tộc khởi từ 1945, mà sự chỗi dậy này chẳng những đánh dấu lịch sử nước mình, mà cũng đánh dấu lịch sử nhân loại, vì do đó mà khơi mào cuộc chiến tranh nguội giữa hai khối Cộng sản và Tư bản. Tôi vẫn luyến tiếc cái dự định văn chương này, nên ra ngoài ngày tôi sẽ khởi đầu viết để đăng trên Hòa đồng.
- Trước Thu Hương, Chị Tập, có Phi Lạc sang Tàu sáng tác dài đầu tay này hẳn làm anh mệt, như phần đông sáng tác đầu lòng?
Anh xác nhận rằng anh rất mệt vì cái quyển tiểu thuyết trào phúng này. Bởi anh phải giải quyết một bài toán hết sức khó, gồm năm phương trình:
1) Làm sao mà trình một văn kiện chánh trị vạch rõ được tiền đồ, chiến lược và triển vọng của dân tộc Việt?
2) Làm sao mà văn kiện này lọt qua lưới kiểm duyệt của Việt Minh cũng như của Pháp?
3) Làm sao mà văn kiện này, tuy lọt qua lưới kiểm duyệt, mà vẫn để cho quần chúng hiểu được nó nói gì?
4) Làm sao mà nó thâm nhập được trong nhân gian mau lẹ và có thể ảnh hưởng được thời cuộc nước nhà?
5) Làm sao mà độc giả xem qua một lần, không ném nó một bên lại đành để mà đọc đi đọc lại, và nhờ ánh sáng của thời cuộc rọi, mỗi lần đọc lại thấy phong phú và xác đáng hơn?
Do đó mà nói chuyện nước Tàu (Quốc, Cộng đánh nhau) để nói chuyện nước nhà sẽ phải chia hai, và chọn hình thức tiểu thuyết với thể tài trào phúng vốn được dân gian thích, rồi đến dùng sấm kí của Tàu và của Ta (dân ta thích nghe sấm, bàn sấm và suy nghĩ về sấm); họ của nhân vật chánh nhắc lại Quang Trung với chiến lược trước thành công ở Nam, sau thu công ở Bắc (nhưng không dùng biện pháp quân sự, mà phải dùng biện pháp chánh trị và đạo đức, tức là Minh đạo) và tên là tượng trưng cho đường lối dân tộc.
- Anh mà bạc đầu sớm cũng vì "mang nặng" đứa con so nầy. Như thế, hẳn khi đẻ nó cũng đau chớ?
- Mang nặng thì có, mà đẻ không đau. Lúc bấy giờ - năm 1948 - cả ngày lo chạy sống, gặp bạn bè xa gần, rồi khoảng bốn giờ chiều, ngồi lại, viết một mạch. Báo Sài gòn mới cho tùy phái đến, viết được trang nào họ lấy trang nấy, tôi không thì giờ để đọc lại nữa.
- Anh tạo nhân vật chánh của bộ Ngàn năm một thuở ấy, cái anh chàng Phi Lạc chỉ đem cái miệng tài mà chọc Tàu, phá Mỹ, bỡn Nga, chắc cũng do một nhân vật thật nào đó...
- Do một nhân vật tưởng tượng mà người Việt nào cũng biết và cũng thích: đó là Cống Quỳnh.
- Còn nàng Thu Hương, cô sinh viên xinh đẹp và khả ái, tham gia phong trào cách mạng năm 45, và đi buôn lậu cho đoàn thể?
- Không có Thu Hương sinh viên, nhưng có Thu Hương buôn lậu mà tôi và anh Thâu đi nhờ xe từ Huế ra Hà Nội, sau khi tôi xoay cho cổ một cái giấy phép của ông bộ trưởng Tiếp tế, như trong sách đã kể.
- Việc cũ rồi qua việc mới. Một số anh em bực mình vì những gì anh viết sau này thường hay nói đến cái "tôi." Mà cái "tôi" của anh lại là cái "tôi" đặc biệt: anh thông minh, anh nhớ giỏi, anh có dính dấp đến những người, những việc lịch sử...
Anh cười.
- Thì tôi xin các anh em ấy đừng đọc những gì tôi viết nữa.
Rồi anh chau mày:
- Nghĩ cũng buồn: ta học thầy Pháp rồi đem cái câu "cái tôi đáng ghét" (Le moi est haissable) của Pascal nói từ thế kỷ XVII mà áp dụng cho ngày nay. Ngày nay, các nhà tư tưởng trên thế giới đều nhận cái học nó minh mông vô cùng, không ai dám nhận rằng mình nắm được chân lý, mình thấu hiểu tất cả, không ai dám nói với cái giọng tuyệt đối. Cho nên phải nói đến kinh nghiệm cá nhân của mình. Vì lẽ đó mà các nhà tư tưởng lớn hiện đại đều nói đến cái "tôi" của họ cả. Tôi đem cái "tôi" của tôi ra, chẳng phải để cho mình là một nhà tu tưởng lớn, mà để chịu trách nhiệm những gì mình nói. Kinh nghiệm bản thân tôi là thế. Tôi đã nghe như thế, tôi đã thấy như vầy, tôi đã nghĩ như vậy, tôi đã làm như ri, tôi đã là thế đó. Trong không gian nào, trong hoàn cảnh nào. Tôi thành thật với chính tôi. Tôi cho những ai hành động như thế mới đích thị là khiêm tốn. Tôi thẳng thắn: tôi không dùng ngôi thứ ba, tôi không nhờ một ai khác vỉết. Còn những anh em nào đó lại cho như thế là thiếu khiêm tốn, là tự đề cao, là khoe khoang khoác lác, thì tôi còn biết nói sao.
Ngừng một chặp anh tiếp:
- Tôi viết tự truyện Thằng Thuộc, con nhà nông là để tôi tìm hiểu lại tôi, cái tôi thật ẩn náu tận đáy lòng, ở trong tiềm thức sau này tô lên một lớp sơn dày. Mà Thằng Thuộc, con nhà nông cũng là quyển đầu của bộ Một kinh nghiệm sống. Quyển kế sẽ là Căm hờn, tả nỗi lòng của tôi từ khi ý thức được thân phận của mình, thân phận của con một nhà nông nghèo bị đè đầu, bị hiếp đáp, bị bóc lột; phải phục thù, tôi chụp lấy cái khí giới Mác-Lê. Quyển ba là Mê li đồ: người tín đồ cuồng tín của chủ nghĩa Mác-Lê là tôi đã hành động, rồi băn khoăn để tỉnh ngộ ra sao, đó là đại ý quyển này.
...
- À, tôi muốn biết anh em, ngoài "cái tôi của tôi" còn thắc mắc gì nữa?
- Còn ba điều. Anh em muốn biết rõ vì sao anh công khai rời bỏ chủ nghĩa Mác-Lê mà anh đã phụng sự hết mình?
- Có nhiều nguyên do. Nhưng tựu trung có hai nguyên do chánh. Sau 1936, phong trào thợ thuyền ở Pháp xẹp, cuộc cách mạng bình dân ở I-pha-nho bị bỏ rơi, tôi thấy cuộc Cách mạng vô sản thế giới mà chủ nghĩa hứa hẹn sẽ không bao giờ có , tôi mất đức tin từ đó. Rồi tính năng nguyên tử xuất hiện, loài ngươi mà cứ theo thuyết tranh đấu, sẽ tận diệt lẫn nhau. Tôi thấy chủ nghĩa Mác- Lê lỗi thời nên tìm một ý thức hệ khác cao đẹp hơn (6).
- Điều thứ hai: anh em thắc mắc sao khi đọc hai tiểu thuyết trào phúng mới cửa anh đăng trên Hòa đồng: Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn và Diễm Hồng xuất giá. Họ thấy trong đó, anh "nói xuôi cũng ngược, nói ngược cũng xuôi." Chẳng biết đâu mà rờ!
Anh cười:
- Đó là tôi cố ý chứng minh rằng "biện chứng pháp" chỉ là một... luật sư. Luật sư ăn tiền thì dầu biết thân chủ mình có tội cũng cãi xuôi rót. Với biện chứng pháp, hễ "ở đâu" muốn nó "trắng" thì nó biện luận ra cho trắng, mà ở đâu muốn nó đen, thì nó làm ra cho đen. Không thể nhờ nó mà tìm ra Chân lý được. Thế là tôi đã giải hai điều anh em thắc mắc. Còn điều thứ ba?
- Điều thứ ba ... còn khuya! Để bao giờ thế chiến thứ ... ba nổ, tôi sẽ cho anh biết. À này, anh ở tù nhiều lần, lại nhiều năm, hẳn lắm kỷ niệm. Anh kể cho đôi cái làm quà cho bạn đọc.
- Cha! người ta khó dễ với nhau để làm tiền, anh khó dễ với tôi để làm kỷ niệm. Thì tôi kể cho anh một kỷ niệm có tánh chất... lưu manh vậy.
"Lần tôi ở Côn Lôn kỳ nhất, có hai anh bạn trẻ rất mến tôi. Anh L. và anh N. Sau này, một anh làm khu trưởng, một anh làm bộ trưởng. Hai anh mến tôi đến đỗi học nghề ăn cắp để ăn cắp đồ ăn chia cho tôi! Ở tù, lúc nào mà no được, nên được một miếng khi đói trong hoàn cảnh ấy, bằng mấy gói khi no.
"Coi bộ anh muốn 'làm' một kỷ niệm nữa. Thì đây: lần này trong đất liền. khám Ca-Ti-Na, năm 1932. Tôi bị nhốt vào xà lim. Một lần nọ, người nhân viên gác khám trao qua cái lỗ vuông ở cửa một cái hộp quẹt, bảo nhỏ rằng trong đó có một bức thơ, của một cô 'rất ngộ' bị nhốt ở xà lim đằng kia nhờ gởi cho tôi, dặn tôi coi rồi thì nhai cho nhỏ rồi bỏ lỗ cầu tiêu. Tôi mở hộp quẹt ra, bức thơ là một bài thơ tứ tuyệt:
Thương người tình nghĩa nặng oằn vai,
Hồ hải tang bồng cả chí trai.
Hữu chí vô phần thân phải lụy,
Tường cao ngăn đón bực anh tài!
"Năm qua, có lúc buồn chán quá, tôi lại nhớ đến người-rất-ngộ-nạn mà mình không biết mặt, cũng chẳng biết tên. Và buồn cười, là tôi có lúc bắt gặp mình như chờ đợi một bà già tóc bạc đến tìm mình, mở đầu: "Ba mươi năm về trước, một đêm vừa..."
Anh tỏ ý muốn tôi kết thúc bài này bằng một chuyện ngụ ngôn do anh đặt từ Côn Đảo, nhưng tôi không đồng ý với anh, mà lại chấm dứt bằng bốn câu của một bài thơ do anh làm ở Hà Nội (và anh đặt vào miệng một nhân vật đứng vào hạng chót trong xã hội nước nhà) nhưng lại đổi đi một dấu chấm câu: Việc đời may rủi hỡi này ai, Thành bại nào do một chữ Taì? Lắm lúc không mong mà lại được, Cho hay chờ đợi hóa ra sai?
Chú thích:
(1) Số 12, ngày 13-3-1964
(2) Con Thằn lằn chọn nghiệp, tên một truyện ngắn triết lý của anh đăng ỏ tuần báo Mới, số 28, ngày 16-5-1956, sau đăng trong quyển "Nợ tinh thần," 1965. Bạn thân thường gọi đùa anh là "Thằn lằn chưa chọn nghiệp"
(3) "Sau Yên-Bái, làm gì đây?"
(4) Một người dân Đông Pháp kiều cư.
(5) Gọi dài dòng thế) vì có tới hai chị Phan Văn Hùm; chị Hùm trên đây vừa là bạn đời vừa là bạn văn của tác giả "Nỗi Lòng Đồ Chiểu."
(6) Tôi nghĩ đến hai câu ca này của Phạm Duy ờ bài hát Kẻ thù ta trong "Mười bài Tâm ca" vừa xuất bản:
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
- Phỏng Vấn Doãn Dân Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
- Nhớ và nghĩ về bài quốc ca Việt - 2 Nguiễn Ngu Í Hồi ức
- Nhớ và nghĩ về bài quốc ca Việt Nguiễn Ngu Í Hồi ức
- Tổng Kết Cuộc Phỏng Vấn Về Quan Niệm Sáng Tác Của Các Nhà Văn Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
- Cuộc Phỏng Vấn Văn Nghệ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
- Họa sĩ Hiếu Đệ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
- Phỏng vấn các Họa sĩ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
- Phỏng vấn các Nhạc sĩ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
- Phỏng vấn Đinh Cường Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
- Nhạc sĩ Lam Phương, Nguiễn Ngu Í phỏng vấn Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn
• Mười cái chết oan khiên của Văn Nghệ sĩ miền Nam (Phạm-Văn Duyệt)
• Hồ Hữu Tường (1910 - 1980) (Thụy Khuê)
• Về Một Kiệt Tác Của Hồ Hữu Tường (Thiện Hỷ)
• Nhà Văn Hồ Hữu Tường (Nguyễn Văn Sâm)
• Hồ Hữu Tường Trò Chuyện Với Nguyễn Ngu Í (Nguiễn Ngu Í)
Hồ Hữu Tường và cái nghiệp làm báo
(Trần Ngươn Phiêu)
Hồ Hữu Tường - Những ngày cuối đời
(Phan Chính, Talawas)
Ngô Văn nhớ về Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê ghi)
Tiểu Sử (Wikipedia)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Tương Lai Văn Hóa Việt Nam (Hồ Hữu Tường)
Kể chuyện (talawas)
Nợ Tinh Thần (Scribd)
Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình (VietMessenger)
• Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn (Nguyễn Lệ Uyên)
• Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Doãn Cẩm Liên)
• Nguyên Minh, một đời chung thủy với văn chương (Trần Thị Nguyệt Mai)
• Tình bạn trong văn chương (Trần Doãn Nho)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |