|
Hùng Lân(23.6.1922 - 17.9.1986) | Lê Thương(8.1.1913 - 17.9.1996) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Nh. Tay Ngàn
HS. Đinh Cường vẽ
(1943 - 1978)
Nhắc tới Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên, tôi không khỏi liên tưởng đến một nghệ sĩ khác cũng sống hết mình về nghệ thuật và lao đao với những vấn đề trong tâm thức là anh Nh. Tay Ngàn.
Anh Nh. Tay Ngàn, tên thật Nguyễn Văn Nhĩ, sinh năm 1943 và mất năm 1978.
Bài viết này được anh Vũ Mạnh Cung gửi cho tôi cách nay hai năm. Anh Cung là bạn học với tôi 54 năm về trước, và suốt từ 1963 đến 2005, chúng tôi đã mất liên lạc.
Chúng tôi xin đăng lại bài viết của anh Cung về một quãng đời và một bài thơ của anh Nh. Tay Ngàn. (Hoàng Dung)
Hôm đó là một ngày cuối đông trời còn lạnh tuy màn mây xám thường che phủ bầu trời vào mùa này đã bắt đầu hé mở vài chỗ để hiện ra đây đó những mảng trời mầu thanh thiên ở phía sau.
Ánh sáng trên cao xuyên qua những khoảng hở đó làm cho khung cảnh tươi sáng hơn lên gây ra cảm tưởng có một sự thay đổi trong không gian.
Tôi đang ở giữa trung tâm thành phố, có lẽ không đâu lại có thể là nơi trung tâm hơn ở đây được. Đây là đảo Cité, là điểm gốc khai sinh của thành phố này. Từ đó nó đã phát triển để trở thành một mégapole tráng lệ và được thế giới đặt cho cái tên mỹ miều là kinh đô ánh sáng. Dòng sông Seine ở chỗ này chia làm hai nhánh bao vòng quanh đảo tiện cho những chiếc tầu lên xuống đưa đón du khách thăm khu trung tâm cổ xưa mà nếu đi bộ trên đường phố thì chỉ thấy người và xe đông nghẹt như bất cứ mọi trung tâm thành phố lớn nào khác vậy.
Nơi tôi đứng rất ít người biết đến, ít biết ngay cả cho những ai từng sống lâu năm tại đây dù nó chỉ cách chừng trăm thước đường chim bay những vị thế nổi danh mà mỗi năm, hàng triệu du khách mọi nơi trên thế giới đổ tới thăm viếng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến chỗ này qua lời hẹn với một người bạn.
Với tôi Paris chẳng có gì thay đổi mặc dù đã xa cách nhiều năm từ khi tôi lấy quyết định xuống tỉnh làm việc, nhất là cái khu trung tâm này, nơi tôi từng mòn gót giầy lang thang vô định hướng để giết thì giờ một cách vô ý thức những lúc không phải ra công gắng sức trong thời còn là sinh viên, nghĩa là ngoài những năm gian khổ đầu tiên, thì gần như thường trực. Tôi cố để dĩ vãng sang một bên để chú tâm vào hiện tại, điều này không phải là dễ vì tình thực lý do của việc đến đây hôm nay của tôi chỉ có thể dẫn tôi về quá khứ.
Từ ga Lyon, ga xe lửa của những chuyến tầu miền nam, lấy métro đến đây chỉ năm, mười phút. Tòa nhà trước mặt tôi là một tòa nhà cũ kỹ ba từng lầu. Từng dưới cùng xây bằng gạch đỏ có chấn song sắt trước mỗi khung cửa sổ gây cho ta cảm tưởng đứng trước một nhà tù. Bên trên cửa ra vào có ghi hàng chữ “Institut médico légal” uy nghi và lạnh lẽo. Bước qua cửa một cảm giác ớn lạnh không biết từ đâu nhập tới. Đây là Viện Pháp Y hay còn gọi nôm na là “Nhà xác thành phố.”
Người ta thường nói căn nhà có hồn của nó, có lẽ không sai, nhất là như ở chỗ này, nơi tạm chứa những xác người chờ được khám nghiệm để khảo định nguyên do cái chết, những cái chết đau đớn, khốn khổ, man rợ, tàn bạo, bất công, oan ức .., những xác người chờ kiếm ra thân nhân hay người quen nhận lãnh. Tôi có cảm tưởng cái hồn của nhà xác này cũng tác động lên những nhân viên làm việc ở đây vì thái độ của họ cũng khác thường. Họ đi lại như những cái bóng với cử chỉ chậm chạp, lời nói thầm thì, thường ra dấu chỉ tay hơn là nói. Sau khi tôi giải thích lý do về sự hiện diện tại phòng tiếp đón, một nhân viên tại đó lặng lẽ đi trước dẫn tôi vào một hành lang có nhiều pḥòng nhỏ, mở một cánh cửa, đưa tay bật điện và tránh sang một bên để tôi bước vào phòng. Ánh sáng của bóng điện trần trụi từ trần nhà hơi thấp chiếu xuống không sáng lắm nhưng đủ cho tôi thấy đối tượng đặt trên bàn.
Tôi choáng váng nhìn và không tin vào đôi mắt của mình, tuy tia nhìn của tôi như bị một sức hút thu chặt về phía đó. Tôi không còn thấy gì khác ở trong căn phòng này nữa và đứng sững sờ như kẻ mất hồn hồi lâu rồi thẫn thờ quay lại bước ra ngoài. Người dẫn tôi vào phòng cũng yên lặng như cái bóng đi theo, không nói một lời hay tỏ một dấu hiệu nào cả.
Bước ra ngoài sân, tôi muốn đẩy xa cái khung cảnh thảm đạm trong phòng xác bướng bỉnh bám chặt trong đầu. Vài cơn gió nhẹ thổi làm tôi tỉnh táo hơn một chút. Trên nhánh sông tả ngạn, một tầu chở du khách lừng lững tiến lên giữa những tầu chở hàng chậm chạp trôi. Phía bên kia bờ là ga Austerlitz, ga xe lửa của những chuyến tầu đi về hướng tây.
Khung cảnh này thật êm đềm nhưng không giúp tôi quên được sự chấn động mãnh liệt trong căn phòng nhỏ hồi nẫy.
Những hình ảnh của người bạn nghệ sĩ dồn dập tới trong trí óc, gom lại một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi mà với tôi lại đầy ắp kỷ niệm. Một người bạn đúng cái nghĩa bạn không phải chỉ là một người quen, một nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa nghệ sĩ không phải là cái vẻ ngoài lòe loẹt.
Tôi quen với anh hoàn toàn một cách ngẫu biến, không có điểm chung nào trong quá khứ dẫn dắt. Chúng tôi không cùng làng cùng xóm, không quen thuộc họ hàng, không học cùng trường, không học cùng ngành, không cùng tuổi, không cùng môi trường xã hội, không có một hobby nào chung, thậm chí cả đến cái gốc Nam kỳ của anh cũng khác với cái gốc Bắc kỳ của tôi nữa. Nói tóm lại, chuyện gặp gỡ của hai đứa chúng tôi là một ngẫu biến toàn hảo của cuộc đời.
Năm đó tôi nhập vào một nhóm sinh viên trong cư xá sang thăm xứ Ý. Trong nhóm bốn người này có lẽ chỉ có tôi là không quen ai, còn ba người kia không ít thì nhiều cũng đã biết nhau trước. Điều này chẳng quan trọng gì vì mục đích cuộc du lịch là góp nhặt kiến thức riêng cho mỗi cá nhân, còn đi chung là một cách hợp quần và tiết kiệm phương tiện mà thôi. Ba tuần du lịch xứ Ý trôi qua rất tốt đẹp, chúng tôi không biết rõ nhau hơn một tí tẹo nào, cũng không có điều gì phải phàn nàn hay phiền trách nhau. Tôi chỉ nhớ là chúng tôi không nhắm cùng mục đích trong tương lai. Tôi không biết ngay cả chuyện anh hơn tôi vài tuổi, không ghi danh học trường nào và sang Tây là vì mê nghề họa.
Cuộc đời sinh viên nhàn tản hay bận rộn tùy ở cách tổ chức của mỗi cá nhân. Với tôi đã quen cách tự học từ dưới trung học, chẳng học theo thầy nên thời biểu rất lỏng lẻo, tự do, nói cho đúng là tùy hứng mà ít bị bó buộc. Nếu có bạn thì đỡ phải học mà không có bạn rủ đi chơi thì vào thư viện để tụng những gì phải tụng hay những gì mình thích riêng.
Bẵng một dạo tôi không gặp mặt cả ba anh bạn cùng du hành bên Ý, về sau mới biết họ đã rời cư xá hoặc vì xuống tỉnh, hoặc không còn giữ quy chế sinh viên. Khoảng hơn một năm sau mới thấy anh bạn nghệ sĩ của tôi thường lui tới đây trở lại.
Như tôi đã nói, vì không có một điểm chung đặc biệt nào nên sự tiếp cận của chúng tôi cũng chậm chạp tiến theo thời gian qua tiêu chuẩn duy nhất là vun đắp tình bạn trong tinh thần triết lý của Epicure.
Điều lạ là một thời gian khá lâu sau đó, chúng tôi có cảm tưởng thân nhau hơn mặc dù rất ít trao đổi tư tưởng và tôi khám phá ra chúng tôi cũng có vài điểm rất giống nhau, chẳng hạn ít nói và ít lưu ý tới chuyện của thiên hạ.
Có lẽ đó là một điều mà trực giác nhận biết và làm con người thân cận với nhau chăng?
Dù sao với thời gian tình bạn của chúng tôi thắm thiết hơn, bây giờ mỗi khi anh tới cư xá chỉ là cốt để gặp tôi, dù nhiều khi phải chờ cả buổi. Chúng tôi cũng trao đổi tư tưởng nhiều hơn trước dù có những buổi ngồi hàng giờ mà chẳng ai nói một lời. Nhưng đó cũng thuộc một loại quy ước vẫn có ngầm giữa chúng tôi.
Bây giờ thì tôi biết anh là một nghệ sĩ theo cái nghĩa mỹ thuật chân chính nhất. Cái tính nghệ sĩ không hời hợt ngoài mặt như một số người muốn làm ra vẻ qua điệu bộ, cách ăn mặc hay cách sống lập dị. Về vấn đề này thì ngược lại. Anh còn bình thường hơn cả người bình thường với mái tóc cắt ngắn như Tintin trong hoạt họa, quần áo luôn gọn ghẽ, ăn uống chừng mực, lời nói nhẹ nhàng ít có xu hướng tranh chấp.
Tính nghệ sĩ của Nh. Tay Ngàn thể hiện trong tư tưởng, trong cách sống, nhất là trong hành động, hành động mà một nghệ sĩ vẫn giữ dù ở ngay một hoàn cảnh không thể làm chủ được tình thế và thường ra chính những lúc đó cái cá tính của người nghệ sĩ mới hoàn toàn phát hiện với niềm tự hào toàn diện của nó.
Như tôi đã nói, trong thời gian quen biết nhau, chúng tôi không có một điểm mốc chung nào ở ngoài xã hội để bám víu vào đó và tất cả trao đổi giữa chúng tôi là một sự thông cảm hầu như tiềm ẩn qua đó mà chúng tôi hiểu và chấp nhận nhau. Lĩnh vực tò mò của tôi thiên về khoa học, kỹ thuật mà hồi đó tiến bộ vĩ đại của những cuộc phóng vệ tinh hay những dự án thám hiểm không gian chiếm phần lớn thì giờ của tôi trong những quyển sách vật lý khó nhai về vật lý lượng tử hay thuyết tương đối tổng quát của Einstein. Còn lĩnh vực của anh là văn chương, hội họa và siêu hình… là những cái mà tôi chẳng hề màng tới.
Tuy thế anh vẫn thỉnh thoảng muốn lôi kéo tôi về phía lĩnh vực của anh bằng những lời rất nhẹ nhàng, không giỡn cợt mà có phần khẩn khoản. Một lần anh nói với tôi “Toa nên viết đi.” Tôi bật cười trả lời “Moa mà viết cái quái gì.” Anh nói “Cứ viết đi thì mới biết được.” Và không hiểu sao, có lẽ trước vẻ thành khẩn của bạn, sau đó tôi cũng cố moi óc viết được dăm hàng chữ hoàn toàn vô nghĩa rồi bỏ, vì thực tình hồi đó tôi chẳng thấy hứng thú gì để viết ngoài cái điều muốn làm vui lòng bạn. Anh đọc dăm hàng chữ của tôi rồi lại nói “Toa phải viết tiếp đi.”
Nhưng đó là lần cuối cùng tôi làm luận Việt văn trước khi bỏ rơi hoàn toàn cho tới hơn ba chục năm sau. Thỉnh thoảng anh đưa cho tôi xem những bài anh viết và tôi phải thành thực thú nhận là hồi đó tôi không trọng văn chương nên chỉ đọc mà không chú tâm, cũng không biết xét đoán giá trị, đọc để mà đọc và để rồi quên. Có một điều tôi nhận xét là chữ anh rất đẹp như được nắn nót viết ra, cả buổi ngồi viết mà không có một vết dập xóa như thể trước khi viết ra giấy những tư tưởng đã được nhào nặn và thành hình trong óc rồi vậy.
Nhờ có anh mà tôi không lạc lõng hoàn toàn với triết lý hay văn chương đương thời dù không quan tâm đến. Những triết gia như Hégel, Heidegger, Nietzsche thỉnh thoảng được anh đề cập và tên của họ trở thành quen với tôi dù về họ tôi không có một khái niệm rõ rệt nào. Về văn chương, không kể các văn sĩ Pháp nổi tiếng đương thời mà các văn sĩ nước khác gây náo động hồi đó như Henry Miller với những tác phẩm bị lên án làm hại phong hóa đạo đức của những xã hội “puritaine” cũng là đề tài suy ngẫm của anh. Anh đem tới cho tôi đọc Tropique du cancer hay tác phẩm bộ ba gồm có Sexus, Plexus, Nexus của ông này, và như đã nói, tôi không quan tâm đến giá trị văn chương mà chỉ thấy nội dung của các tác phẩm này không xa lạ hoặc hơn gì đời sống một số bạn bè trong cư xá của tôi ở, có nghĩa là đối với tôi tác giả này cũng chẳng có gì đặc biệt.
Có lẽ anh không đồng ý như vậy nên vào khoảng đầu thập niên 70, một hôm anh nói về một người bạn mới đậu bằng tiến sĩ triết học bên Mỹ, ghé Paris một thời gian, đã cùng anh bàn luận về triết lý hiện sinh, về các triết gia trường phái này và về Henry Miller. Anh ngỏ ý muốn dẫn tới giới thiệu cho tôi nhưng có lẽ do sự hờ hững về văn chương của tôi nên không thấy anh thực hiện. Sau này có cơ hội hỏi đến thì anh cho biết người bạn đó đã trở về nước dạy tại đại học Vạn Hạnh.
Nhưng văn chương với Ng.Tay Ngàn chỉ là phụ vì hội họa mới chính là cái mà anh mê say và hầu như bao nhiêu tiền bạc của anh đều tiêu vào việc này. Tôi còn nhớ một lần mới nhận được tiền chuyển ngân từ bên nhà gửi sang, anh tới rủ tôi ra phố, trước hết là đi ăn tiệm để thay đổi những ngày tháng kham khổ, sau đó vào tiệm sách mua những quyển sách về hội họa dầy in thật đẹp giá thật đắt mà anh đã để ý trong những lần vào kiếm xem trước đó. Tiền mua sách hội họa đã hơn nửa số tiền nhận được mà, trên lý thuyết, đủ nuôi sống một sinh viên vài tháng. Ấy là không kể tiền phải mua khung, vải, aquarelle, sơn mầu và các phụ tùng linh tinh khác.
Nói gọn lại, con người anh được thể hiện rõ qua câu nói “nhân sinh vị nghệ thuật” và đó cũng là một điểm mà tôi ưa thích nhất ở anh. Đôi khi tôi thầm nghĩ chắc đó cũng là điều mà các nhà “mécène” yêu thích ở các nghệ sĩ để tận tình giúp đỡ họ.
Dĩ nhiên tôi chẳng dám so sánh với ai chút nào, trước hết là tôi chẳng biết gì về nghệ thuật, sau nữa tôi chẳng có gì để giúp anh, ngoài cái chân tình giản dị của một thằng bạn sinh viên cùng sống thủa hàn vi mà thôi và anh có vẻ cũng thỏa mãn như vậy.
Anh rất ít cho ai tới nhà vì chỉ mướn một phòng nhỏ ở chung trong một appartement cùng với chủ nhà. Khi muốn đưa ai về nhà thưởng lãm tác phẩm của mình, anh thường hẹn trước.
Những lần đó, trước khi tới, tôi đi chợ mua một số món ăn có thể giữ lâu như trứng, bơ, pâté, đồ hộp... để phòng những lúc thiếu hụt và phải cầm cự với cuộc sống, tranh đấu chống thời gian, nghĩa là phải câu giờ chờ viện trợ bên nhà gửi sang. Với tôi, anh hiểu ý nên chấp nhận mà không nói gì và tôi nghĩ đó là một dấu hiệu của tình thân nhưng không phải ai cũng vượt qua được cửa ải khó khăn đó.
Anh Ngàn thường lựa người thưởng lãm tác phẩm của anh và số người này rất ít vì với anh, vấn đề không phải là khoa trương để được tán thưởng mà là trình bầy để được nhận thức. Trong các dịp đó, tôi ngắm những tác phẩm của anh mà không bao giờ đưa ra lời phê bình nào. Trước hết, tôi biết là mình không có căn bản và trình độ để phê bình về hội họa. Tôi chỉ thấy rằng, khác với văn chương là thứ tôi tỏ vẻ hời hợt và ít quan tâm, hội họa cũng như âm nhạc là cái có thể đi thẳng vào trực giác con người. Nghe một bản nhạc hoặc nhìn một bức tranh có thể phát hiện thấy nét hay, vẻ đẹp của nó mà không cần hiểu biết. Có lẽ cũng đồng quan điểm đó nên anh không bao giờ hỏi tôi nghĩ gì về các tác phẩm của anh cả.
Thỉnh thoảng trước những bức tranh khác nhau, anh nói về những kỹ thuật khác nhau, không phải muốn phô triển trí thức, điều này giữa chúng tôi là hoàn toàn vô nghĩa, nhưng như muốn tự hiểu cái kết quả mà mình đã áp dụng vào bức tranh, đồng thời cũng để giải thích, dù vô ích, cho một kẻ ngù ngờ về hội họa như tôi.
Anh là cả một quyển bách khoa về hội họa, có thể nói hàng giờ về các kỹ thuật phong cảnh, kỹ thuật ấn tượng, kỹ thuật điểm họa, về các trường phái khác nhau như dã thú, biểu tượng, lập thể và những họa sĩ đại diện cho các kỹ thuật và các trường phái này. Những lúc đó tôi thấy anh nói một cách say sưa phát hiện rõ điểm mê say của mình. Dĩ nhiên tôi như vịt nghe sấm, lời nói vào tai này chui tọt ra tai kia ngay nhưng cũng hòa đồng với niềm vui của bạn. Trong số họa sĩ mà anh tôn sùng, có lẽ Van Gogh là người có nhiều ảnh hưởng nhất đến anh, không chỉ về kỹ thuật áp dụng mà cuộc đời của ông này cũng thu hút tâm trí anh và anh nghĩ những tác phẩm của Van Gogh được như vậy cũng một phần vì cả cuộc đời cùng khổ của họa sĩ này. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng là anh đem so sánh cuộc sống khó khăn của mình với cuộc đời Van Gogh như một nguồn an ủi và thỉnh thoảng lại tập nhịn ăn mấy bữa liền để tìm cảm giác của cơn đói.
Một buổi sáng, có lẽ đã bắt đầu nhịn ăn bữa trước, anh tới phòng tôi ở nhà Lào-Việt trong cư xá đại học, rủ tôi nhịn ăn bữa trưa hôm đó. Với tôi thì chẳng hề gì vì đã ăn sáng, vả lại, bỏ ăn một bữa cũng là thường nhưng nhìn vẻ mặt xanh xao của bạn, tôi ái ngại không muốn theo mà ngược lại cố dụ anh ra nhà hàng sinh viên cách cư xá chỉ vài chục thước, đề nghị ra xem thực đơn rồi nếu thấy họ cho ăn dở quá thì tôi đi chợ mua thức ăn về phòng làm nhưng anh cương quyết cữ ăn hôm đó nên cuối cùng tôi cũng phải chiều theo bạn.
Tôi nghĩ là những kham khổ vật chất ảnh hưởng nhiều tới tinh thần anh. Đôi khi một cách khó hiểu giữa một cuộc đối thoại bình thường, anh đưa ra một con số khổng lồ về giá một bức tranh của Van Gogh, khi tôi tỏ vẻ không hiểu, anh kiên nhẫn lập lại con số khổng lồ đó và đổi sang đề tài khác như không muốn lẫn lộn nghệ thuật với tiền bạc. Ngoài điểm khác thường đó, tôi không thấy triệu chứng đáng lo ngại nào khác và tuy có thắc mắc tôi thực tâm nghĩ mọi sự sẽ trở lại bình thường sau những giai đoạn khó khăn phải trải qua trong cuộc sống và sẽ chẳng có hậu quả tai hại gì.
Bẵng một dạo vài tháng không thấy anh tới, tôi nghĩ là anh đang trong thời kỳ sáng tác nên vắng bóng cũng như những đợt sáng tác trước mà thôi.
Một buổi sáng, một người bạn làm bác sĩ thực tập trong bệnh viện tâm thần ở Villejuif cho biết là anh vừa được đưa vào đó và muốn tôi tới gặp bác sĩ điều trị để giúp họ tìm hiểu bệnh tình của anh, vì anh không có người thân nào khác. Tôi vội vàng tới ngay và bác sĩ cho biết, theo ông ta, anh bị sa sút tinh thần trầm trọng cần phải nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Tôi trình bầy hoàn cảnh của anh, nói chung là của đa số sinh viên cô độc không có gia đình bên cạnh. Cũng may là hệ thống y tế xứ Pháp rất nhân đạo nên dù không thuộc quy chế sinh viên và không có bảo hiểm xã hội, họ cũng giữ anh lại vài tháng để chữa bệnh.
Trong thời gian đó, cứ mỗi cuối tuần tôi tới thăm anh cả một buổi chiều và ghi nhận các tiến triển so với những bệnh nhân khác. Những kẻ độc miệng nói rằng đó là nhà thương điên, nơi giam giữ những kẻ khùng dở, dữ dằn. Thời gian lui tới đây mỗi tuần như vậy cho tôi một quan điểm chính xác về vai trò và sự ích lợi của trung tâm này. Xét cho kỹ, nơi đó chẳng khác những bệnh viện thường cho mấy dù đường ra, ngõ vào được kiểm soát kỹ càng như các nhà tù và các bệnh nhân nếu chưa được điều trị bằng thuốc hay électrochoc sẽ có những hành động quá khích hệt như ta thấy trong phim Vol au dessus d’un nid de coucou — One Flew Over the Cuckoo’s Nest vậy. Nhưng khi có thuốc, họ trở thành hiền như cục đất và tôi thấy ngồi cùng với họ trong phòng sinh hoạt không khác gì trong một nhà thương bình thường khác.
Anh rất vui mừng mỗi lần tôi tới thăm. Những tuần đầu thì phải ở chung trong phòng sinh hoạt với các bệnh nhân khác dưới sự kiểm soát của một số y tá, nhưng dần dần bệnh anh thuyên giảm và chúng tôi có thể ra vườn đi dạo. Vườn ở đây cũng có những cổ thụ cao lớn tỏa bóng mát và được chăm sóc kỹ càng trông rất đẹp mắt nên chúng tôi có cảm tưởng như đi dạo trong công viên thành phố. Thời gian dưỡng bệnh ở đây giúp khỏi để tâm đến những điều kiện khó khăn của cuộc sống thường ngày và do đó cũng một phần nào giúp anh hồi phục sức khỏe.
Tháng cuối cùng, họ cho anh ở phòng riêng và để anh sinh hoạt trong phòng họa vì coi như anh đã hoàn toàn khỏi bệnh. Sau kinh nghiệm này, anh trở lại đời sống bình thường và chúng tôi không bao giờ đề cập đến giai đoạn này nữa. Ít lâu sau, tôi tìm được việc làm dưới tỉnh. Năm đầu tiên, mỗi tuần tôi về lại Paris nên anh vẫn thường tới nhà chơi. Khi vợ chồng chúng tôi rời hẳn Paris thì hầu như tôi không còn dịp gặp anh nữa.
Lần cuối cùng tôi tới nhà anh là vào mùa hè, anh đã dọn về ở một phòng nhỏ sát mái trong một tòa nhà xưa cũ khu Montparnasse, sáu từng lầu, không thang máy, không lò sưởi với tiện nghi tối thiểu. Trời hè khiến tôi quên các nỗi khổ của mùa đông và không quan tâm đến những cái tối thiểu này. Chúng hẳn nhiên đã dằn vặt và hành hạ thân xác anh trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời và khi đó tôi không thể ngờ lần gặp anh kỳ sau sẽ xẩy ra như nó đã xẩy ra trước đó khi mà anh không còn là anh nữa.
Nhịp sống khi đi làm cùng với các bận rộn và ưu phiền thường trực hàng ngày khiến tôi quên hẳn cuộc sống thời sinh viên, quên hẳn cái môi trường tuy thơ mộng nhưng cũng hơi phi thực và đầy ảo tưởng mà trong đó lẫn lộn những ảnh hình chưa trọn vẹn chỉ dựa trên khái niệm lý thuyết về những quan điểm nhân sinh. Tóm lại, cái ưu phiền thực tại thường trực đã diệt mất vẻ đẹp của thơ mộng và con người bị lôi cuốn vào vòng quay của cuộc sống.
Một lần tôi nhận được thư của anh nói về dự tính triển lãm tranh trong một salon tư và hỏi tôi cho biết ý kiến gấp. Tôi đã có ý kiến rõ rệt về cách làm tiền của những phòng triển lãm tư này vì đã nhiều lần lang thang đi theo anh xem tranh. Đó là những đại lý với lý lẽ con buôn chỉ cốt cho thuê phòng triển lãm để lấy tiền của các nghệ sĩ. Tiền thuê phòng rất đắt vì các phòng này thường tập trung ở khu Saint Germain des Prés nơi trung tâm thành phố đông người qua lại. Số người tới coi tranh cũng nhiều nhưng số người mua rất hiếm, họa hoằn mới có người mua với mục đích đầu tư, mua tranh rẻ tiền để chơi không biết chừng tác giả sau này nổi tiếng thì giá trị sẽ tăng vụt, bán lại lấy lời. Trò chơi này hợp với người có tiền — họa sĩ có tiền muốn phô trương cũng như người mua có tiền để khai thác.
Những nghệ sĩ sống trong hoàn cảnh khó khăn làm sao có thể đi theo con đường này mà không mắc bẫy, dễ vào tròng để phải mắc nợ và đôi khi thành nô lệ cho những con buôn chủ phòng triển lãm. Tôi biết chắc là anh còn biết hơn tôi nữa về cơ chế này nên rất ngạc nhiên mà không biết trả lời sao cho phải. Nếu trả lời như tôi nghĩ thì cũng như không, vì anh đã biết như vậy rồi, thảng hoặc là anh muốn tôi cho ý kiến ngược lại, muốn có một trợ giúp tinh thần nào chăng vì đã đi tới bước đường cùng của sự khó khăn. Tôi hết sức phân vân, một phần muốn cổ động tinh thần cho bạn, một phần sợ làm như vậy sẽ đẩy bạn vào con đường cụt không lối thoát. Phải chi ở cùng nơi thì hai đứa chúng tôi đã có thể bàn luận với nhau mà tôi lại không có cách nào điện thoại cho anh được. Rốt cục tôi chần chờ mãi không trả lời thư đó, hy vọng anh sẽ hiểu, nhưng điều này vẫn làm cho tôi ân hận.
Vài ngày trước đây một người bạn điện thoại báo cho tôi biết tin thảm não là người ta đã thấy anh trong phòng trọ lạnh ngắt không lò sưởi, không biết chết tự bao giờ, xác đã được đưa tới viện pháp y khảo nghiệm và họ kết luận lý do của cái chết là vì kiệt lực.
Tôi thấy lại cảnh tượng cái thân xác gầy guộc, khô cằn, đen đủi, trần trụi, trên bàn nhà xác. Cảnh tượng đó đã làm tôi sững sờ và chắc sẽ còn ám ảnh tôi mãi mãi. Kiệt lực (có nghĩa là lạnh và đói) là từ ngữ bớt thô thiển để kết luận cho cái chết vật chất xác thịt của một con người nghệ sĩ, mà theo tôi, chỉ sống vì lý tưởng nghệ thuật trong cái nghĩa cao đẹp nhất. Tôi đã có hân hạnh quen anh một cách hoàn toàn ngẫu biến, đã cùng anh bước chung một quãng đường ngắn ngủi trên con đường đời chông gai và sẽ giữ mãi những kỷ niệm một nghệ sĩ chân chính phải sống trong hoàn cảnh của anh.
Hôm nay tôi tới đây để đưa anh lìa trần thế, chấm dứt số phận nghệ sĩ của anh ở thế giới này. Chờ ngoài sân khoảng nửa giờ sau thì những người phụ trách chôn cất đem quan tài của anh đặt trên xe hòm.
Tôi lên ngồi cạnh tài xế để đưa về nghĩa trang Père Lachaise, phía đằng sau có hai người bạn khác. Đám tang không kèn trống, không vòng hoa, không nghi lễ, không một người thân trong gia đình, chỉ có vậy. Trong một xe hòm, ba người bạn ngồi ủ rũ yên lặng đưa anh từ giã cõi trần. Père Lachaise là nghĩa trang lớn nhất của kinh đô ánh sáng, rộng hơn bốn chục mẫu tây và cũng là một nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới.
Đây là lần đầu tiên tôi vào bên trong.
Xe đi qua những khu mộ rộng lớn dưới những hàng cổ thụ cao, rậm lá, được chăm sóc kỹ càng. Có những tấm bia của những danh nhân ở lẫn giữa những nấm mồ của những kẻ vô danh. Cái chết đặt họ cạnh nhau trên cùng một bình địa, chỉ người sống mới phân bì, xây những tấm bia khác biệt lớn nhỏ để cố duy trì những cái mà họ suy tôn mà không biết rằng những cái phù phiếm không còn nghĩa gì ở trong thế giới của người chết nữa.
Xe hòm ngừng lại tại nhà hỏa thiêu, căn nhà đồ sộ mầu trắng, cấu trúc hơi giống như nhà thờ Montmartre. Ba người bạn chúng tôi theo sau quan tài đi vào cửa lò thiêu ở phía sau. Trong khung cảnh buồn bã và trang nghiêm, chiếc quan tài trên bàn quay được đẩy dần vào sâu trong lò và cửa lò thiêu từ từ sập lại. Lúc tận cùng, tôi thầm nói lời vĩnh biệt anh khi ngọn lửa bắt đầu bốc cao tiêu hủy cái đã là phần tục lụy của một con người.
Trên xe lửa về lại nhà, một số tư tưởng còn luẩn quẩn trong đầu óc tôi. Phải chi tôi không rời Paris, phải chi tôi làm việc tại Paris thì chắc sự thể có thể đã khác. Anh chắc đã tới nhà tôi những lúc cô độc hay gặp khó khăn và có lẽ đã không ở hoàn cảnh để cho cái chết thuyết phục dễ dàng như thế được. Anh, một nghệ sĩ đầy tự hào và khí phách, không hề nhận sự giúp đỡ của ai nếu không thể hiện qua tình bạn, cái tình bạn mà tôi nghĩ đã có hân hạnh được chia xẻ với anh. Tôi không biết ai đã giữ các bức tranh vẽ và bài viết của anh. Không ở Paris thời gian này, tôi không biết chi tiết và chỉ biết đã có người cất giữ để sẽ đưa lại gia đình anh.
Tôi cố nhớ lại những kỷ niệm vui và lạc quan về anh, nhưng sao thấy ít oi quá. Anh luôn luôn trầm ngâm, nghiêm trọng dù ít để tâm đến những tiểu tiết thiết thực như đang sống trong một thế giới riêng biệt mà không phải là thế giới của mơ mộng hay của tương lai. Tôi chưa hề thấy anh đề cập đến tương lai lúc nào cả trừ một lần anh nói với tôi “Mai mốt toa có nhà, moa sẽ vẽ những bức tranh lớn bằng cả bức tường để trang trí cho toa.” Và tôi nhớ lại lần đầu quen anh trong dịp du lịch ba tuần bên Ý, nhớ lại những lần thăm Rome, Florence, Naples, Venise trong những bảo tàng viện lớn của Ý nơi có những bức tranh lớn phủ trần nhà và tường cao như các bức tranh của Michelangelo trong chapelle Sixtine ở điện Vatican.
Phải chăng đó là điều mong ước của anh?
Là có thể thực hiện những tác phẩm mà thời nay chẳng ai có phương tiện hay điều kiện thực hiện nổi. Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên khi anh nói với tôi câu đó, nụ cười giản dị của niềm vui chân thật.
Nhưng mộng ước nào cũng chỉ là hão huyền, là ảo tưởng và anh đã ra đi trước khi tôi có nhà để anh tới thực hiện điều anh mong muốn. Nhìn qua cửa sổ xe lửa đang chạy nhanh, tôi nghĩ đến tương lai, tới phòng khách trong nhà tôi sau này với những bước tường sơn trắng như vải tranh vẽ được sửa soạn sẵn sàng dù trên đó sẽ không bao giờ có những bức tranh với ký hiệu của anh, ký hiệu nh. Tay ngàn.
NỖI LIÊN
ĐEN TỐI VÔ CÙNG
Tôi có mười hai điệu Liên sầu
Mấy ngày thơ em hẹn tôi như ánh trăng
Đùa quanh tà áo em
Tôi có mười hai năm đi qua trên hơi thở
Run đau khi tiếng vạc buồn hư không
Ngày thơ Liên chờ tôi buổi nắng
Trí nhớ giống mỗi con cánh cam thương yêu
Biết kêu và biết tình ru lòng tơ mộng
Biết những bài trầm ca giấu trong
quyển sách vô vi
Có là chữ Như trong đầu bồ tát
của nền không bị lãng quên
Tôi có mười hai mùa thu bị điên trong trí nhớ
Bằng kẻ đời giấu hết đồ ăn
Trong những thành phố Âu Châu đèn đỏ
Nước mưa chiều cùng trận bão nội tâm
Khi Liên qua đời tôi là hình thân ảo ảnh
Khóc rất đau rồi khóc cho riêng tôi
Nh. TAY NGÀN
- Nh. Tay Ngàn Vũ Mạnh Cung Hồi ức
• Nh. Tay Ngàn (Vũ Mạnh Cung)
• Nghĩ Về Di-Cảo Mấy Ngàn Trang Của Một Nhà Thơ Yểu Mệnh (Trần Văn Nam)
Nh. Tay Ngàn, lập lòe trí nhớ (Thi Vũ)
Lettre à un poète vietnamien avant son suicide… (Phạm Công Thiện)
Paris Nhìn Lên ... (Lê Thị Huệ)
Thi Vũ – Võ Văn Ái, Nh. Tay Ngàn (Paris) Hai Kẻ Mở Cửa Nền Văn Học Tiếng Việt Hải Ngoại (Lê Thị Huệ)
Một Vệt Sao Mờ (Chân Phương)
Nh. Tay Ngàn và bài thơ Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng (Đoàn Thị Thư)
Viết về Nh. Tay Ngàn (Trần Hữu Dũng)
Đùa gió Trà Vinh, sang Paris cơn điên mửa máu (Trần Hữu Dũng)
(Hồ Ngạc Ngữ)
Tác phẩm trên mạng:
- gio-o.com - vanviet.info - mayngan.net - huyvespa.blogspot.com
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
• Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)
• Nguyễn Thụy Đan: Những thác ghềnh ẩn mật (Nguyễn Minh Nữu)
• Nguyễn Minh Nữu (Nguyễn Vy Khanh)
• Nguyễn Thị Thanh Dương và Một Buổi Giới Thiệu Sách Thật Cảm Động (Chu Tất Tiến)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |