|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Thế Viên
Năm 1974 trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang có một giáo sư Việt văn mới đổi tới, nổi tiếng thơ hay: Giáo sư Hồ Thế Viên, tức thi sĩ Thế Viên. Dạy chung trường nên chúng tôi dễ quen nhau. Tôi lại có cơ hội ghi thêm chân dung một nhà thơ mà trước giờ chưa hề biết. Thế Viên ở một căn lầu chung cư A, Chợ Đầm. Anh đi bộ mỗi ngày đến trường Võ Tánh. Hình như chuyện gia đình của anh có "vấn đề" nên anh sống một mình. Nhắc tới các nhà làm Thơ, Văn, Nhạc, Họa... nói chung là giới nghệ sĩ, ai cũng hình dung họ có một ngoại hình lôi thôi lếch thếch, nhưng Thế Viên thì lúc nào cũng "nhẵn nhụi bảnh bao". Không chỉ những lúc anh đứng trên bục giảng, ngay chốn vui chơi bè bạn, bao giờ trông anh cũng giống như một quan khách trong buổi lễ long trọng. Anh có kích thước dưới trung bình, không mập lắm và nhờ trang điểm nên rất dễ coi. Nước da bánh mật tóc hơi quăn, lúc nào cũng mướt dầu Brillantine. Tôi có cảm tưởng anh cùng dòng máu với ca sĩ Chế Linh. Giọng nói và tiếng cười sang sảng rất nam nhi chi khí, nhưng bàn tay anh, những ngón tay cán bút rất con gái, lúc nào cũng mềm nhũn. Anh không gây được cảm tình từ cái bắt tay.
Nếu bên ngoài, lúc nào anh cũng tươm tất thì bên trong anh sống cả một "cuộc đời nghệ sĩ". Ở, chung cư. Ăn, nhà người bà con, anh Đài y tá tại Trung Tâm Y Tá Nha Trang. Nhưng không mấy khi anh ăn cơm nhà, bữa ra Kiosque số 1 ngoài bờ biển, bữa vào Dân Thiên đường Độc Lập. Tôi đã vất vả với nhà thơ này từ ngày thân với anh. Hôm nào tan trường, anh cũng quá giang về theo nhưng ít khi về chỗ anh ở. Xe chạy đến gần Chợ Đầm là anh bảo vòng ra biển rồi tấp vào một Kiosque nào đó. Uống thì vào Kiosque số 1, có các cô son trẻ để tán dóc. Ăn thì vào Kiosque Phong Thủy nơi có nhiều món đặc sản hấp dẫn. Không bao giờ anh để ý đến thời gian.
Hôm nào không gặp tôi ở trường, anh lại ngồi xích lô đến nhà tìm. Anh luôn luôn có sẵn một câu chuyện hợp lý để lôi tôi ra khỏi nhà. Có khi, đi luôn cả đêm. Một lần đưa anh đi ăn nhậu đến 9 giờ đêm, tưởng được về nghỉ ngơi, không ngờ anh dẫn tôi tới một sòng xì phé trên đường Bạch Bằng. Anh bảo chơi một lúc thôi. Rồi một tiếng, hai tiếng đến khi thấy tôi ngáp ngắn ngáp dài thì anh nài nỉ "ráng chút", và mỗi lần được bạc anh lại bốc một nắm nhét cho tôi. Ngoài tài làm thơ dạy học, anh còn ba "thiên tài" khác: uống rượu, nhảy đầm, đánh bạc. Anh có sức khỏe phi thường, thức trắng đêm mà không thấy mệt. Nhờ nước da ăn ảnh và lối trang điểm rất "neat" nên chân dung anh lúc nào cũng rõ ràng sắc cạnh. Anh có dáng dấp một hoàng tử, một bá tước hơn là một nhà thơ.
Cuộc triển lãm Chân Dung Văn Thi Sĩ được sự bảo trợ của ông Nguyễn Đức Ân, Giám Đốc Công Ty Shell Nha Trang. Chính nhà văn Võ Hồng viết thư giới thiệu tôi với ông Ân, ông là người thích những hoạt động về văn hóa nghệ thuật (sau những ngày loạn ly, ông còn hay mất, tôi muốn nhân đây gởi một lời thăm đến ông). Ông Ân ký cho tôi chi phiếu 60 ngàn, bằng một tháng rưỡi lương của tôi thời đó. Tôi định nhờ anh Dương Kiền hoặc anh Võ Hồng viết lời giới thiệu đầu tập tổng mục (Catalog), nhưng Thế Viên cứ nằng nặc dành cho được. Anh nói sẽ bỏ tiền in phần ruột, tôi chỉ lo bìa. Tôi không mấy tin tưởng vì hai địa hạt nghệ thuật khác nhau, vả lại mới quen nhau, anh chưa biết nhiều về tôi. Tôi nói:
- Được, hôm nào ông xuống nhà, tôi trải hết ra cho ông xem, ta bàn với nhau rồi ông hẵng viết. Nhưng nhớ cho tôi xem trước.
Không ngờ bài viết của anh rất súc tích và hay một cách bay bướm. Cuộc triển lãm diễn ra vào mùa tựu trường niên khóa 74-75. Năm đó, hầu như trường tư nào cũng mời anh phụ trách môn Việt Văn các lớp đệ nhị cấp. Và tôi hiểu tại sao anh cứ đòi viết bài cho tập danh mục. Đến bây giờ mỗi khi đọc lại tôi vẫn còn ngạc nhiên, làm sao mà anh viết hay tới như vậy.
Cuối tháng 3-75 thì mạnh ai nấy di tản. Rồi tù tội. Cho đến năm 90 tôi gặp anh trong Hội Hoa Xuân vườn Tao Đàn. Anh dắt theo một cháu trai chừng năm tuổi, đứa con sau cùng của anh với người ca sĩ trẻ. Người mẹ đã nghe tiếng gọi của con tim, bỏ lại bố con anh, đi vượt biển với người tình (học trò của anh). Anh không khổ, anh vẫn làm thơ ca tụng cái đẹp của người đàn bà đã sống với anh một thời. Anh xem những chậu kiểng của tôi rồi viết ngay mấy câu cảm đề:
Tiếng xưa từ xa vọng
Ngoái đầu trông cố hương,
Dĩ vãng về trong mộng
Như một góc thiên đường
(Chậu kiểng có tựa đề "Hoài Cố Hương")
Anh làm thơ nhanh và dễ như anh uống bia. Qua 91 khi tôi có khu vườn Bosanobo tại 61 Yersin Nha Trang thì anh thường ra Nha trang chơi. Mỗi lần ra, anh lại kéo Triệu Phong (thơ) Thanh Hồ (họa) đến chỗ tôi ngồi nhậu. Lúc đầu đi mua rượu giùm, về sau vườn cà phê lại phải bán kèm thêm rượu. Cái khổ là lúc quí vị đã ngồi vào với nhau thì không còn biết trời trăng gì nữa. Bên ngoài, tôi nghe chuyện mà buồn cười. Vẫn câu chuyện cũ, vậy mà rượu vào là các ông kể ngon lành như mới lần đầu.
Họa sĩ Thanh Hồ thì lúc nào cũng thủ sẵn Điệu Ru Sợi Tóc (tựa tập thơ ế ẩm của Triệu Phong) để tấn công tác giả. Nhà Thơ thì thuộc lòng câu chuyện "Láp Xe Đọp" giọng Quảng Nam để đáp lại Nhà Họa Sĩ (người gốc xứ Quảng). Chuyện kể: Trong lần về Sài Gòn công tác Thanh Hồ vào một tiệm bán xe đạp nói một cách dõng dạc: Bán cho cặp "láp xe đọp". Người bán hàng ngớ một lúc rồi trả lời: Dạ hết rồi. Thanh Hồ đưa tay chỉ một sào lốp xe treo lơ lửng và la to: Cả đống kia mà hết à? Sau khi Họa Sĩ mang cặp lốp xe ra khỏi tiệm người bán hàng chưởi thề: Đ.m. lốp xe đạp không nói lại còn nói lái "láp xe đọp".
Dạo đó Thế Viên xài tiền như nước, hỏi ra mới biết anh có con ở Mỹ chi viện đều đều. Và anh cũng đang thời kỳ chờ phỏng vấn để đi đoàn tụ. Có lần (92) Thế Viên đưa ban biên tập Tạp Chí Mỹ Thuật Thờì Nay trong đó có Vũ Hạnh, Tô Kiều Ngân từ Sài gòn ra thăm khu vườn Bosanobo. Hồi đó sức khỏe anh vẫn bình thường. Vậy mà qua năm 93 tôi nghe tin anh đã ra đi vĩnh viễn sau một cơn thổ huyết. Ngày rời quê hương tôi tìm đến chỗ anh ở (Trần Đình Xú, sau đường Trần Hưng Đạo Sàigòn) để thắp cho anh một cây nhang, nhà vắng tanh, không có ai mở cửa. Nay cháu Thế Anh ít lắm cũng 12 tuổi, không biết mẹ cháu có tìm cách đưa cháu đi không. Ngày còn sống, anh lo cho cháu Thế Anh một cách đặc biệt. Dường như trước đó anh chưa hề có con trai. Anh viết nguyên một tập thơ nói về cảnh gà trống nuôi con, đời sống tình cảm sau cùng của anh. Tựa đề bằng chữ Hán, tôi không sao nhớ nổi, nhưng ý nghĩa ẩn dụ sao đó mà nhà cầm quyền tra vấn anh mãi, rồi tịch thu bản thảo của anh. Không rõ về sau ra sao.
Thế Viên cũng là một trường hợp tài hoa mệnh bạc. Nhà Phật bảo "thọ thì khổ" mà anh thì mang trong mình nhiều thứ quá làm sao tránh cho khỏi!
Trần Công Nhung (4-2000)
Thơ Thế Viên
Bài thơ này cho S.
Tôi đã không làm thơ một năm nay
một năm tôi đóng cửa
tôi không làm một bài thơ nào cho em
không một lời nào cho quê hương đau khổ
tôi không về Saigon
từ khi tôi giải ngũ
tôi vẫn sống nơi đây
vẫn nghe tiếng bom đạn hằng ngày
vẫn những chuyến xe chạy qua đầy binh sĩ
những vụ pháo kích ngã gục đàn bà con trẻ
những vụ gài mìn Claymore sát hại lính Mỹ
ở một góc quán đầu đường
cho em thêm một cái hôn
một cái hôn vĩnh biệt
thôi nhé bạn anh đã chết
bản tin tức cuối cùng của một ngày
dòng chữ cuối cùng của một cuộc đời
nụ hôn cuối cùng của một tình yêu.
một năm nay tôi không làm thơ
một năm nay tôi thường đóng cửa
tôi cũng không buồn trả lời thư bạn bè
ở trong nước hay ngoại quốc
ở những tỉnh lỵ xa xôi hay nơi tiền đồn hẻo lánh
tôi bỏ súng đạn một bên
để trở thành tên phản bội
chúng mang đến cho tôi tội lỗi
tội lỗi làm người
ôi những thằng bọ xít tanh hôi
ăn không dám ăn nói không dám nói
những tên chuyên nghiệp đánh thuê
những tên bắt đầu thú tội
em đừng hỏi tại sao anh vẫn sống
tại sao nước mắt vẫn lưng tròng
bạn bè thường vắng mặt
những vườn cây xanh buổi sớm không người qua
như em thường thấy
những đoàn chiến xa chạy về Châu đốc Cần Thơ
những nơi nào phi cơ oanh tạc
Pleiku, Kontum, Bình Dương, Bến cát
những nơi nào anh năm yên
những nơi nào em nằm yên
dòng lệ rơi trên mắt
nước mắt vẫn lưng tròng
Ôi em ôi em !
(1967)
Nguồn: Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (Tập I)
Tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam, Thư Ấn Quán tái bản 2007
bài này dành cho Hạnh
1.
nửa đêm ngó xuống mặt đường
bóng chìm tuổi nhỏ kẻ từng ô vuông
mắt trong bụi đổ góc tường
mùi cay súng đạn nghe hương quê nhà
sông dài ẩm mốc bờ xa
lau cao ôm mặt xoá nhoà hình em
giọt mưa hồn ngủ giấc chìm
phố buồn vắng mặt nay xin cúi chào
nửa đêm bỗng nhớ em sao
một vùng trời đó khói cao mịt mờ.
2.
từ bao giờ từ bao giờ
sông xanh gọi dáng con đò nghìn xưa
dung nhan em bụi đêm mưa
nghe trong huyền thoại tiếng ca não nùng
yêu em buổi đó biết không
anh như hải đảo cô đơn bốn mùa
chim âu theo bóng ngựa hồ
xa trông núi biếc mịt mờ khói sương
một vùng sỏi đá biên cương
em lời cách biệt như rừng như mây
xin em một phút một giây
tuổi hồng khô héo xa bay thuở nào.
Nguồn: Một Thời Lục Bát Miền Nam, Thư Ấn Quán 2008
Tủ sách Di Sản Văn Học Miền Nam
Như người bỏ cuộc
Tặng Đinh Thế Vinh
Ta nơi xứ lạ về đây
Vui chơi trong cuộc tháng ngày long đong
Bạn bè dăm đứa xa dần
Áo cơm vẫn chuyện một mình bơ vơ
Với sầu tư với đợi chờ
Người tình vẫn khóc những giờ bên nhau
Ta buồn như cỏ xanh rêu
Trong tim nghe xót xa điều ái ân
Ôi em ! khói lửa mênh mông
Thơ ta từ đó thêm vần đau thương
Nỗi đắng cay nỗi đoạn trường
Biển sâu còn lại mù sương trong hồn
Từng đêm nghe tiếng súng rền
Từng đêm ta ngỡ rằng mình chiêm bao
Ta đang lạc ở cõi nào
Hoa không thấy nở trăng sao thấy buồn
Khi nào ta trở về nguồn
Như người bỏ cuộc ta ngoài mê cung
Thơ ta từ đó thong dong
Trăng sao đầy túi nắng hồng đầy thân
Ta quên quên cõi hồng trần
Nằm sao dưới đất nỗi mừng trên cao
Nhân gian để lại đằng sau
Trơ thân cát bụi khối sầu tan theo
Ôi em! chiếc bọt cánh bèo
Ta về xứ lạ ôm bao mây trời
Nguồn: Một Thời Lục Bát Miền Nam, Thư Ấn Quán 2008
Tủ sách Di Sản Văn Học Miền Nam
Nỗi buồn lầu thu
Từ ngày anh đến gặp em
Lầu thu đầy gió tóc mềm đầy trăng
Biết nhau giờ đã một năm
Nói làm sao hết buồn giăng trong hồn
Nẻo về mờ bụi hoàng hôn
Chuyến xe đi khuất em còn vẫy tay
Mắt em lệ vẫn rưng đầy
Thương anh, em chịu những ngày khổ đau
Này đây chiếc ảnh ban đầu
Này đây thơ cũ một màu xanh xanh
Dáng em gầy yếu mong manh
Áo vàng lẫn với tóc bềnh bồng trôi
Hoa tim vẫn thắm trên môi
Tháng ngày anh vẫn ngờ ngờ nhớ thương
Biết bao giờ mộng ngát hương
Biết bao giờ hội yêu đương xây thành
Lầu thu sẽ đẹp trăng thanh
Tình em sẽ đẹp tình anh bốn mùa
Anh về hết nỗi buồn xưa
Xe hoa kết sẵn đợi chờ cưới em.
Nguồn: Một Thời Lục Bát Miền Nam, Thư Ấn Quán 2008
Tủ sách Di Sản Văn Học Miền Nam
Nguồn: Thơ Tình Miền Nam, Thư Ấn Quán 2008
Vết thương
1.
Tiếng nước nào chảy trong lòng bàn tay
Giọng ca nào đổ xuống vai này
Em mùa thu môi mọng
tà áo bay tà áo bay,
Ôi! Bóng hồn xuống chậm.
Những con chim sáo nhỏ trên trời
Chẳng bao giờ buồn nghe bão tố
Và chúng tôi những người
Của thế kỷ hai mươi – dằn vặt u uất
Ôi! Những đám mây mùa thu không trở lại
Trên đôi chân gầy – đá – sỏi khô – chết – tình yêu.
Ôi! Một sớm một chiều
Tóc em thành cuồng-phong mắt em thành lửa biển
Anh làm thơ bằng nửa phiến tim buồn
Và gọi dậy thời gian gọi dậy
Huyền bí đông phương.
2.
Từ giã lâu rồi đồng-xanh-khô-cỏ
Mái lều xa đốm-lửa-khuya-rừng
Thành phố nơi đây khoác áo chiến binh.
Tường vôi loang lổ
Anh nhìn đó bao bài thơ bỏ dở
Cọng rêu xanh đầm suốt linh hồn
Từng đàn xe chạy từng nụ cười vang
Bước chân cẩm thạch
Anh nhìn đó một mặt trời mới mọc
Sóng xô dồn bãi cát-trắng-hồng-gương
Loài sò ốc đọng mù sương
Thở lên thở lên hấp hối.
Anh nhìn đó và mùa thu đi vội.
3.
Xin về trong thư viện
Xin về trước thánh đường
Bàn tay em lật trang kinh cầu nguyện
Những chòm lá xanh bắt đầu tàn rụng
Âm vang không trung
Ôi! Nước mắt – nụ cười – rêu xanh – lửa biển
Móng tay dài vuốt nhọn tình yêu
Em còn đó giấc ngủ buổi chiều
Mùa thu rắc phấn trên trời rộng
Chúng tôi áo mềm vai nặng
Hồn-gọi-xưa bằng tiếng thì thầm
Bom đạn.
12-1962
Nguồn: thica.net
Dọc đường
Em ở miền Nam mây trắng bay
Ðồng xanh bát ngát tóc vương đầy
Mận đào hồng ửng lên đôi má
Muôn nẻo em về hoa nhẹ lay
Tôi ở miền Trung xứ cát dừa
Sông Hương núi Ngự đọng buồn xưa
Bút nghiên đốt sạch theo chinh chiến
Trôi dạt vào Nam gối giấc mơ
Cứ mỗi buổi chiều tôi gặp em
Áo vàng lẫn với nắng vàng êm
Em nhìn núi biếc in trong mắt
Ngơ ngẩn tôi về thức trắng đêm
Thương nhớ em rồi không ước hẹn
Núi sông chuyện cũ tưởng phai mờ
Bỗng dưng một sáng trùng dương gọi
Tôi vội lên đường quên giấc mơ
Tôi bốn phương trời em một phương
Gặp nhau từ buổi biết yêu đương
Sông hồ cách biệt xa đôi ngả
Em ở miền Nam tôi dọc đường.
Nguồn: thica.net
- Nhà Thơ Thế Viên Trần Công Nhung Hồi ức
- Lê Anh Tài: Thi Sĩ Với Chiếc Máy Ảnh Trần Công Nhung Hồi ức
- Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Bá Mậu Trần Công Nhung Hồi ức
• Nhà Thơ Thế Viên (Trần Công Nhung)
• Kỷ Niệm Với Thế Viên (Diên Nghị)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |