Đọc Lại Hoàng Đạo (Nguyễn Mộng Giác)
|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Hoàng Đạo
(1907 - 1948)
Tranh Hoa Cúc do Nhất Linh vẽ mùa Xuân năm 1948, đúng vào năm Hoàng Đạo mất, từ chậu cúc Hoàng Đạo mua về để bày Tết trong một gian nhà ở Quảng Đông, nơi ông sống ẩn dật với Nhất Linh trong thời gian nghiên cứu lý thuyết chính trị để đoàn kết những thành phần quốc gia chống Việt Minh. Theo Nhất Linh trong bài Cúc Xưa:
"Ngoài việc bày cúc mừng Tết, chúng tôi có dán câu đối. Hoàng Đạo thì nghĩ câu đối, tôi thì viết chữ. Đôi câu đối dán ngay chỗ Hoàng Đạo ngồi viết đến nay tôi còn nhớ:
Tĩnh chỉ thanh u xứ
Nhàn quan thiên hạ xuân
(ngồi yên ở một nơi thanh u
nhàn nhã ngắm xuân thiên hạ)
Câu ấy diễn đúng cái cảnh của hai anh em chúng tôi vì ở một nơi hẻo lánh và cũng tả đúng cái cảnh ngắm xuân thiên hạ (xuân ở hải ngọai). Nhưng cũng là báo trước cái chết của Hoàng Đạo. Ngồi yên ở nơi thanh u tức là nằm trong mộ lạnh, mà xuân từ nay chỉ là xuân của thiên hạ thôi, riêng mình không bao giờ có mùa xuân nữa.
Tôi đã về hưu gần một năm nay. Trước khi được rảnh rỗi toàn thời gian, như nhiều người khác, tôi cũng có những “kế hoạch lớn”: nào là rán viết cho được một bộ tiểu thuyết về kinh nghiệm lưu vong của mình và thế hệ mình, nào là rán viết một bộ nghiên cứu văn học hải ngoại. Trong một lần trả lời phỏng vấn, tôi có dại dột kể lể những “kế hoạch lớn” ấy, kể xong chợt thấy mình hố to, nên mới thêm câu nói thòng: “nhưng không biết lực có tòng tâm hay không”.
Quả nhiên, “lực bất tòng tâm” thật. Vừa được cho về hưu non là phải bắt đầu lo lắng cho sức khoẻ. Đến lúc bệnh tật “không gây thành chuyện lớn” (1) định bắt tay vào “kế hoạch lớn” thì mới thấy chẳng có cái gì là “lớn” trên đời này nữa. Khám phá ấy làm cho căn bệnh lười bùng phát. Còi thổi ra hiệu khởi hành nhiều lần mà vận động viên cứ giậm chân tại chỗ. Cuối cùng, tự an ủi: viết không được thì đọc vậy!
Tôi đọc lại những tác phẩm thời trẻ mình say mê, yêu thích. Kết quả: tôi thấy tuổi trẻ thật dễ tính, ăn thứ gì cũng thấy ngon, dù là một quả ổi xanh chấm muối. Những tác phẩm một thời mê hoặc bây giờ đọc lại thấy quá đơn giản, đơn giản như những chuyện đời xưa từng làm sáng những đôi mắt trẻ thơ. Người nghèo thì bao giờ cũng hiền lành lương thiện. Người giàu thì lúc nào cũng tham lam tàn ác. Anh thì ăn hiếp em. Vợ thì ăn hiếp chồng. Quan lại thì lúc nào cũng ngu si, dâm dật. Thế giới hiện ra rõ ràng đen trắng, không có vùng xám mơ hồ. Tôi hoang mang, chẳng hiểu “tôi bây giơ” đúng hay “tôi thời trẻ” đúng. Càng hoang mang hơn khi cái ưa thích về văn chương, âm nhạc... của mình quá khác với thị hiếu chung của đám đông. Nhiều bài hát đang thịnh hành bị tôi chê là nhạc sến. Nhiều tác phẩm “tân kỳ, mới mẻ” theo nhận định của rất nhiều người có thẩm quyền, tôi tìm đọc, chỉ thấy toàn đồ giả. Kể cả những cái tân kỳ một thời làm rúng động Sài Gòn.
Ngược lại, có những người và việc thời trẻ tôi cứ yên tâm như thế như thế, bây giờ đọc lại, mới thấy thành kiến của mình sai. Như trường hợp nhà văn Hoàng Đạo.
Phải nhìn nhận là Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh là hai nhà phê bình đã áp đặt thành kiến của mình lên nhiều thế hệ suốt nửa thế kỷ qua, Hoài Thanh tạo thành kiến về thơ, Vũ Ngọc Phan về văn. Giở bộ Nhà Văn Hiện Đại, chúng ta tìm thấy ngay nhận định áp đặt của Vũ Ngọc Phan về Hoàng Đạo, cả về tác giả lẫn tác phẩm. Vũ Ngọc Phan viết:
“Người ta nhận thấy Hoàng Đạo rất thiết tha với những sự công bình trong xã hội, nên tiểu thuyết của ông ngả hẳn về mặt bình dân. Nhưng cái khuyh hướng thương xót người nghèo của Hoàng Đạo vẫn còn là cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình. Cái khuynh hướng ấy của ông phô diễn rất rõ trong tiểu thuyết của ông” (2).
Phần cuối đoạn viết về Hoàng Đạo, Vũ Ngọc Phan tổng luận:
“Hoàng Đạo là một nhà văn sở trường về nghị luận, về châm biếm hơn là về tiểu thuyết; ở hai loại trên ông phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn, còn ở loại tiểu thuyết, ông không được giàu tưởng tượng cho lắm”. 3)
Vũ Ngọc Phan chê Hoàng Đạo ở hai điều:
Thứ nhất, Hoàng Đạo không có tài viết tiểu thuyết như hai người anh em khác trong Tự Lực văn đoàn là Nhất Linh và Thạch Lam. Nguyên do là Hoàng Đạo “không được giàu tưởng tượng cho lắm”.
Thứ nhì, tư tưởng chính trị của Hoàng Đạo chủ yếu vươn tới lý tưởng công bình xã hội. Nhưng thế đứng của Hoàng Đạo là thế đứng của người ở giai cấp trên nhìn xuống xót thương kẻ kém hơn mình.
Vũ Ngọc Phan khen Hoàng Đạo “sở trường về văn nghị luận, châm biếm”, vì khi viết theo các thể loại này, tác giả “phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn”.
Để kiểm chứng những thành kiến trên, tôi đã tìm đọc lại những tác phẩm Hoàng Đạo đã tái bản ở hải ngoại như Con Đường Sáng, Mười Điều Tâm Niệm, Bùn Lầy Nước Đọng, cũng như những bản photocopies các bài viết của Hoàng Đạo trên Phong Hoá và Ngày Nay (lưu trữ tại thư viện Hà nội) nhà văn Đặng Thơ Thơ cho mượn.
Tôi đồng ý với Vũ Ngọc Phan về những lời phê bình cuốn tiểu thuyết Con Đường Sáng. Tôi có cảm tưởng Hoàng Đạo viết cuốn sách này sau khi đọc tác phẩm Anna Karenine của Leon Tolstoi, vì nhân vật Duy rất giống với nhân vật Levine của nhà văn Nga. Tôi cũng nghĩ chẳng những Tolstoi ám ảnh Hoàng Đạo, mà còn ám ảnh cả Nhất Linh, Khái Hưng. Vì thế mới có cặp vợ chồng Hạc và Hảo trong Gia Đình, mới có Dũng và Loan trong Đôi Bạn và Đoạn Tuyệt, mới có cảnh một buổi chiều cuối năm ở đồn điền Độ, từ trên nhà đồi mấy người bạn thân giàu lòng trắc ẩn vừa uống rượu mùi vừa nghe tiếng kêu ơi ới của những người dân quê nghèo khổ từ dưới đồi vọng lên, lòng người nào cũng lâng lâng xót thương cho những số phận hẩm hiu. Ngay cả về sau, lúc đã trải qua những kinh nghiệm thất bại chua chát trong hoạt động chính trị, viết bộ Dòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh vẫn không bỏ được mẫu người làm chính trị lãng mạn đó. Lối xây dựng nhân vật lý tưởng ấy có trách nhiệm trong việc tạo thành kiến “người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình”, hoặc đi xa hơn, mẫu đạo đức chính trị “không thành công thì thành nhân”. Nhiều nhà bình luận chính trị hoặc sử gia cũng đã dùng thành kiến ấy giải thích sự thành công của phe Cộng sản Việt Nam trong quá trình tranh giành quyền lực với phe Quốc gia trong những năm đầu thập niên 40, nhất là sau khi chiến tranh thứ hai chấm dứt và mở màn cao trào đấu tranh giành độc lập ở các nước thuộc địa. Người ta bảo: Không thua sao được khi một bên chỉ chăm chắm muốn “thành nhân”, còn bên kia thì phải “thành công” với bất cứ giá nào, chính trị là một nghề nghiệp toàn thời gian chứ không phải là nghiệp dư.
Nhưng tôi nghĩ định giá Hoàng Đạo như một nhà văn là đã cư xử bất công đối với ông. Trong ba anh em (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam), ông là người từng trải, am hiểu thực trạng xã hội Việt Nam nhất; “phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn” nhất; có ý thức hành động rõ ràng nhất; nghĩa là ông có tất cả các tiêu chuẩn để trở thành một chính trị gia xuất sắc. Nhất Linh có hoạt động chính trị, nhưng hoạt động chính trị theo cung cách của một nhà văn. Hoàng Đạo có viết văn, nhưng viết văn theo cung cách của một người làm chính trị. Hai anh em bổ khuyết cho nhau, nên khi Hoàng Đạo mất đột ngột, Nhất Linh không thể hoạt động chính trị hữu hiệu được nữa. Ông liên tiếp gặp nhiều thất bại, muốn qui ẩn cũng không yên, nhiều khi tham dự trong cái thế bị động hơn là chủ động. Chính Nhất Linh về cuối đời cũng hối tiếc về chuyện theo chính trị mà bỏ bê văn chương.
Cho nên giá trị văn chương của Hoàng Đạo không thể tìm trong tiểu thuyết, mà ở những bài viết thuộc thể chính luận và phóng sự. Tôi nhận ra điều này nhờ đọc lại Trước Vành Móng Ngựa, Bùn Lầy Nước Đọng, và những bài phóng sự và nhận định chính trị Hoàng Đạo cho đăng trên Phong Hóa và Ngày Nay. Trong các thể loại (nặng về lý tính hơn cảm tính) này, chúng ta mới thấy hết cái thông minh, sắc sảo của Hoàng Đạo. Trong cái bể khổ mênh mông của đồng bào, nhất là những người dân quê suốt đời đói rét mà không có một tia hy vọng le lói ở chân trời, Hoàng Đạo chọn ra được những mẫu tiêu biểu nhất, sống động nhất, kiệm lời mà nói được nhiều nhất. Về điểm này, Hoàng Đạo không thể nào thua Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Xin thử đọc bài “Hai nghìn quan tiền tây” của loạt phóng sự “Trước vành móng ngựa”:
“Không có gì buồn và chán nản bằng một phiên tòa xử “tù rượu”, nghĩa là những người bị cáo về tội buôn rượu lậu. Cũng không có gì làm cho ta nghĩ ngợi bâng khuâng hơn.
Một giẫy người khốn khổ, ốm yếu, áo nâu tả, váy đụp, không dám ngồi hẳn lên chiếc ghế dài để riêng cho tội nhân, sợ làm bẩn mặt ghế của nhà nước, một giẫy người hốc hát, hôi hám như những tang chứng hoạt động của sự lam lũ, nheo nhóc ở nơi bùn lầy, nước đọng, trông tưởng như một lũ ma đói hiện hồn lên trách thầm cái phú quý của những người khác.
- Mày có nấu rượu lậu không?
- Bẩm có.
Ông Chánh án:
- Phạt hai nghìn quan tiền tây.
Sự thất vọng và tính nhẫn nại đều hiện cùng một lúc lên nét mặt gầy gò xanh xao của một người nông phu rét run trong manh áo mỏng sờn vai, vá nhiều chỗ. Anh ta đã rời vành móng ngựa còn quay cổ lại như muốn nói điều gì, nhưng có lẽ biết rằng cũng đều vô ích, nên lại bước chân đi.
- Mày có cơm rượu lậu không?
- Bẩm, con không nấu rượu lậu...
- Nhưng người ta bắt được bã rượu ở nhà mày.
- Bẩm có.
Ông Chánh án:
- Hai nghìn quan tiền phạt.
Bị cáo nhân, một bà lão, kêu van:
- Bẩm, con già nua, quan thương cho.
Viên thông ngôn:
- Già nua mặc kệ, về việc đoan, không ai thương xót đâu. Ra!
Bà lão thở dài, nước mắt rưng rưng muốn khóc, cố van lớn:
- Bẩm, những hai nghìn, con nghèo khổ, con lấy đâu con giả?
Viên thông ngôn:
- Toà xử rồi. Không bằng lòng thì chống án. Đi. Đi ra!
Thấy bà lão còn trù trừ, viên thông ngôn quát:
- Đội xếp đâu! Lôi nó ra!
Người đội xếp sấn sổ lại, kéo bà lão ra ngoài, để đến phiên người khác.
Một người đàn bà, áo tứ thân rách, váy đụp, vừa đứng dậy vừa vạch yếm cho con bú.
- Mày có cơm rượu lậu không?
- Bẩm không.
- Nhưng người ta bắt được bã rượu ở nhà mày.
- Bẩm không, ở ruộng con đấy ạ.
- Thế là đủ rồi.
- Bẩm, ruộng con cách xa nhà con lắm. Người ta thù con, người ta bỏ vào đấy ạ.
- Có biết ai bỏ không?
- Bẩm không.
Ông Chánh án:
- Hai nghìn quan tiền phạt.
Rồi kế tiếp nhau, năm sáu chục người nhà quê ra chịu tội. Ông Chánh án không mấy khi phải nghĩ ngợi khi lên tiếng:
- Hai nghìn quan tiền phạt.
Sau cùng đến lượt một người gù lưng ra van lạy:
- Bẩm, con tàn tật...
- Tàn tật mặc anh. Có cơm rượu lậu không?
- Bẩm có.
- Anh đã bị cáo hai lần rồi. Sao lại còn tái phạm?
- Bẩm, con chỉ có nghề làm rượu. Con tàn tật, bỏ nghề ấy thì con chết đói mất.
- Không biết. Hai nghìn quan tiền phạt.” (4)
Lời kể trên đây không hề có chút “thương xót” của “người phú hào” cúi xuống nhìn “hạng thấp kém hơn mình” như nhận định của Vũ Ngọc Phan. Ngược lại, có cái đau xót, cái phẫn uất của người trong cuộc. Đó là những xúc cảm thật, quá thật, đến nỗi đọc xong, chữ nghĩa Hoàng Đạo (lúc ấy còn lấy bút hiệu Tứ Ly) có sức mạnh thúc đẩy người ta hành động. Người đọc Trước Vành Móng Ngựa bị buột phải tự hỏi: Phải làm cái gì chứ! Hoàng Đạo đã làm xong phận sự nhà văn rồi.
Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông tự thấy trách nhiệm của mình không chỉ là nêu ra thảm cảnh của dân tộc, đặc biệt là dân nghèo ở nông thôn, mà còn phải tìm hiểu nguyên do của thảm trạng, và tìm cho ra biện pháp giải quyết. Tức là văn chương phải đi đôi với hành động. Tháng Chín năm 1938, Hoàng Đạo cho xuất bản cuốn Bùn Lầy Nước Đọng, vừa bày bán thì bị chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành. Đây là một tiểu luận chính trị nhằm mổ xẻ phân tích thảm trạng của nông thôn Việt Nam, sau đó đưa ra các phương thức giải quyết. Tiểu luận đề cập tới thực trạng nông dân Việt Nam trên ba phương diện:
- Phương diện hành chính và chính trị: quan trường, tiếng trống ngũ liên, miếng thịt giữa làng, phá đình, tự do với dân quê.
- Phương diện kinh tế: Sinh kế ở thôn quê, nỗi lo hằng năm, thuế dinh điền, tự do uống rượu, đội không quân Nam Việt, công nghệ, công điền, đồn điền, di dân, nạn cho vay nặng lãi ở thôn quê.
- Phương diện tinh thần: vấn đề giáo dục dân quê, vũng nước tù, tinh thần thể thao, ánh sáng ở thôn quê, hạng trí thức sau lũy tre. (5)
So sánh với những tài liệu học tập chính trị của đảng cộng sản Đông dương về vấn đề dân cày, vấn đề thuộc địa cùng thời gian này, thì trình độ lý luận và nhận định của Hoàng Đạo về nông thôn thuộc địa cao hơn, sáng sủa hơn, nhiều sức thuyết phục hơn.
Sức phổ biến những tư tưởng chính trị ấy lại rộng rãi, không thu hẹp trong vòng hội kín như phe cộng sản. Đôi lúc, Hoàng Đạo cũng tỏ ra rất cực đoan, như chủ trương “theo mới, hoàn toàn theo mới, không chút do dự” và cho rằng “đình làng không còn có cớ gì để sống sót trong lúc mọi vật chuyển dời. Nó là một vật đã quá cổ... Thời đại này không phải là thời đại của nó nữa, ta còn đợi gì mà không phá nó đi” (6).
Những tư tưởng cực đoan như thế, thời nào, cũng có hấp lực đối với lớp trẻ. Chưa kể những giấc mơ lãng mạn, phiêu lưu. Thế nhưng lúc thời cơ đến, những người làm chính trị như Hoàng Đạo lại không vận động được quần chúng thành những tổ chức có sức mạnh. Vì sao thế?
Câu hỏi mở ra một vùng trời khác, đầy giông bão hiểm nguy. Xin cho tôi dừng ở đây, mép ranh an toàn.
(1) mượn thơ Mai Thảo, bài Dỗ Bệnh:
Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng.
(2) Nhà Văn Hiện Đại, Nxb Khoa học Xã hội 1989, tập 2, trang 841
(3) Nhà Văn Hiện Đại, Nxb Khoa học Xã hội 1989, tập 2, trang 845
(4) Đăng trên Ngày Nay số 5 ra ngày 10 tháng 3 năm 1935
(5) Bùn Lầy Nước Đọng, Nxb Đời Nay, phần Mục Lục
(6) Bùn Lầy Nước Đọng, Nxb Đời nay, trang 42
- Đọc Lại Hoàng Đạo Nguyễn Mộng Giác Nhận định
- Nghĩ về Kiệt Tấn Nguyễn Mộng Giác Nhận định
- Nhìn Lại Một Năm Văn Chương Hải Ngoại Nguyễn Mộng Giác Nhận định
- Đọc Tâm Thanh, Từ Một Góc Riêng Nguyễn Mộng Giác Nhận định
• Đọc Lại Hoàng Đạo (Nguyễn Mộng Giác)
- Hoàng Đạo (1907- 1948) Người trí thức dấn thân (Thụy Khuê)
- Nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn (Mặc Lâm)
- Tưởng Nhớ Nhà Văn Hoàng Đạo (1907-1948) Tưởng Niệm 74 Năm, Ngày Mất Nhà Văn Hoàng Đạo (22/6/1948) (Vương Trùng Dương)
- Tính giễu nhại và tinh thần hậu hiện đại trong những tác phẩm chưa xuất bản của Hoàng Đạo (Đặng Thơ Thơ)
- “Con đường sáng” của Hoàng Đạo (Hoàng Yên Lưu)
Tiểu sử (wiki)
- Mười điều tâm niệm (phanphuongdat.com)
- Con Đường Sáng (vietmessenger.com)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |