|
Bùi Giáng(17.12.1926 - 7.10.1998) | Du Tử Lê(.0.1942 - 7.10.2019) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà phong tục học Toan Ánh
Cụ Toan Ánh đã già lắm rồi, cụ hiện cư ngụ tại nhà con gái ở đường Nguyễn Kiệm Phú Nhuận, xưa kia là đường Võ Di Nguy, lối lên sân gôn, Tổng y viện Cộng Hoà cũ.
Để giữ gìn sức khoẻ, mỗi sáng cụ đi bộ một vòng quanh công viên cho giãn gân giãn cốt. Cụ đi từ 6, 7 giờ đến 9 giờ mới về nhà, nghỉ ngơi hoặc làm việc. Trước kia cụ đi một mình, nhưng nay con cháu cụ phải đi kèm coi chừng, cụ hiện bị bệnh tiểu đường, do giữ gìn và kiêng khem kỹ nên cụ vẫn sống vui, sống khoẻ. Ngoài việc thèm hút thuốc lá, nhưng cũng phải giới hạn. Cụ không đam mê một thú vui nào khác ngoài sách vở và công việc sửa chữa lại tác phẩm của mình, biết bao nhiêu bản thảo xếp chồng chất cạnh giường cụ làm cho người ta phải khâm phục. Cụ Toan Ánh làm một công việc kiên trì của một nhà văn, một nhà khảo cứu về phong tục Việt Nam, suốt bẩy chục năm cầm bút.
Nhìn vào danh mục mới thấy về sự làm việc kinh hồn của cụ, một sự nghiệp lớn lao về văn hóa mà ít nhà văn nào có thể làm được, có lẻ vì đam mê, sự kiên trì và tuổi đời cao chăng, bây giờ cụ ở tuổi trên 90 nhưng vẫn còn minh mẫn, dù tai nghe không rõ lắm, một chút nhớ nhớ quên quên: 124 tác phẩm.
Nói tác phẩm là một quyển sách chưa đúng hẳn, vì một tác phẩm của cụ có thể là một bộ sách gồm nhiều quyển sách gộp lại mang cùng tên, như tác phẩm Nếp Cũ, gồm cả chục cuốn sách, mỗi cuốn dầy từ 300 trang trở lên. Và còn nhiều bộ như thế, trong một đời cầm bút của cụ.
Được cụ tiếp chuyện cả là một vinh hạnh, với tôi thì cụ là bậc trưởng thượng, bậc đàn anh tôi dành tất cả sự trân trọng và quý mến.
Tôi hỏi cụ về những vị cùng thời với cụ, cụ thở dài:
-Chết hết cả rồi!
Cụ còn nói:
- Người trẻ nhất cũng đã chết rồi.
Ngồi nói chuyện với cụ Toan Ánh, tôi phải thú thật với cụ rằng tác phẩm của cụ nhiều quá, tôi đọc chưa hết, nhưng cũng có đọc những cuốn cụ viết về phong tục, tôi ngưỡng mộ lắm, vì tôi thấy lại quê hương tôi ở miền Bắc, những hội hè đình đám, mà khi tôi có chút hiểu biết thì còn là một trẻ nhỏ, những vùng đất tôi từng đi qua thời tản cư, chiến tranh đánh đuổi giặc Pháp của toàn dân. Này là Đại Từ, Thái Nguyên, Phú Thọ, Núi Tam Đảo, Chapa nơi có chợ tình họp thường xuyên theo phong tục của các sắc dân miền cao, tôi đã đọc và hiểu thêm về những nơi đó. Tôi từng nghe hát Quan Họ biết Bắc Ninh là quê hương của quan họ, nhưng làm sao biết được rõ ràng, nếu không đọc và tham khảo sách của cụ, rồi những hội hè đình đám chốn quê hương Bắc Bộ.
Cụ Toan Ánh cho biết:
- Không thuần ở miền quê Bắc Bộ mà khắp Việt Nam, cả đời tôi làm công chức nên đi nhiều nơi, tìm hiểu cặn kẽ từng vùng từng nơi, và nhờ nhiều vị có uy tín ở địa phương giúp cho những tài liệu chính xác, đáng tin cậy, để tham khảo thêm về phong tục ở từng vùng.
Tôi thú thật rằng sau năm 1954 tôi mới đọc những tác phẩm của cụ, vì khi đó tôi mới lớn và tập tành đam mê chuyện văn chương. Còn cụ cầm bút từ khi tôi chưa ra đời, tức là năm 1934, cụ còn là học sinh ban thành chung đã có bài đăng trên các báo. Theo như tài liệu của gia đình cụ Toan Ánh, tôi thu thập một ít tiểu sử của cụ:
Nhà văn Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1915 tại Thị Cầu, Bắc Ninh, quê hương quan họ, thuộc gia đình trung lưu Hán học, học Hán văn với mẹ và thầy đồ Chu Phượng Nghi trước khi qua học chương trình Pháp Việt phổ thông thời đó. Ngày bé thường đường bố công kênh đi xem các lễ hội quê nên chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền đạo đức, lễ giáo Đông phương, yêu sâu xa các lễ hội, các thuần phong mỹ tục và văn hóa nghệ thuật nước nhà, đồng thời tiếp thu được tinh thần phân tích khoa học và nét trữ tình của nền văn học Tây phương.
Vào làng văn làng bút, Toan Ánh đã làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết và nhất là trở thành nhà Phong-tục-học, viết biên khảo về nếp sống cũ, về thuần phong mỹ tục của Việt Nam (như bộ Nếp Cũ 11 quyển, Bó hoa Bắc Việt, Tinh thần trọng nghĩa Đông phương, Tiết tháo một thời, Phong lưu đồng ruộng, Văn hóa Việt Nam những nét đại cương, Hương nước hồn quê. Về các sắc dân Việt có Người Việt Đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, cao nguyên miền Thượng.
Toan Ánh bắt đầu viết văn làm thơ từ năm 1934 như đã nói ở trên, khi còn là học sinh ban Thành chung đã có bài đăng trên các báo.
• Trước năm 1954: Trung Bắc Chủ Nhật, Tiểu thuyết thuần san, Đàn Bà, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Bắc Ninh tuần báo, Tạp chí Tao Đàn, Tạp chí Bạn Đường (Thanh Hóa), Tạp chí Tin Lào (Vạn Tượng), Phổ thông bán nguyệt san, Jeunesse Studieuse v.v...
• Sau năm 1954: Chỉ Đạo, Bách Khoa, Hải Triều Âm, Lành Mạnh, Chọn Lọc, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Cách Mạng Quốc Gia, v.v...
• Sau năm 1975: Tập san Nghiên cứu dân tộc học, Xuân dân tộc miền núi, Xưa và Nay, Danh nhân trẻ v.v...
Trước năm 1975 Toan Ánh là hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế, phó chủ tịch. Hội viên Hội Thư Viện VN, hội viên hội Văn hóa Giáo dục, hội viên (liên lạc viên) Trung Tâm Văn Hóa Thái Bình Dương, giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học và cao đẳng như đại học Vạn Hạnh, đại học Văn Khoa Huế, đại học Cần Thơ, đại học Đà Lạt, Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, CĐQP Vĩnh Long về phong tục học, Văn Hóa Việt Nam, thẩm mỹ học, xã hội học v.v...
Do tính đa dạng của các công việc (thuế vụ, hành chánh, tòa án, thư viện, tài chánh, thể dục thể thao, xã hội, dậy học), nhà văn Toan Ánh đi làm qua các thời kỳ ở rất nhiều nơi, nên đã có được một sự nghiệp văn hóa vĩ đại. Nhưng cụ vẫn nhũn nhặn khiêm nhường, nói “không ngờ vì sự đam mê mà có được”. Nhưng ai dám phủ nhận tài năng và sức làm việc của cụ trong việc làm vĩ đại ấy.
Trong câu chuyện vui, cụ nói có người còn dám đội tên cụ, nghĩa là xưng mình là nhà văn Toan Ánh, lại khoe với chính con trai của cụ mới là điều trớ trêu. Cụ không nói phản ứng của con trai cụ và cụ thế nào, ra sao với kẻ láo lếu ấy, đó cũng là tính khiêm nhường của cụ.
Sau 30.4.75, cụ sáng tác ít, làm công việc sửa chữa lại bản thảo, phục hồi những bản thảo bị mất bị hư trang, nhiều tác phẩm của cụ chưa in, nên bây giờ cụ cho in lại hoặc tái bản. Cụ hơi bực mình vì việc biên tập ở đây, nhiều khi làm lạc cả ý của cụ, có nhà xuất bản còn thay đổi cả tên tác phẩm của cụ, như quyển Bó hoa xứ Bắc bị đổi là Gái đẹp xứ Bắc! Theo cụ thì đó là điều tục tĩu trong sự đặt tên lại tác phẩm của cụ, và còn lại nhiều sự biên tập khác làm cụ bực mình, không thể chấp nhận được. Chị con gái lớn của cụ là người đại diện cho cụ, cũng đồng ý điều đó, vì thế bây giờ ai in lại tác phẩm của cụ không được sửa đổi bất cứ một câu một chữ nào, dù là một dấu chấm, dấu phẩy, có hợp đồng đàng hoàng.
Sách của cụ tràn lan khắp mọi nơi, kể cả trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tôi hỏi cụ:
- Thưa cụ, sách của cụ có in ở nước ngoài vậy nhà xuất bản nào ấn hành?
- Nhà xuất bản Xuân Thu.
- Cụ có liên lạc với nhà xuất bản ấy không?
Cụ Toan Ánh hừ một tiếng:
- Có, tôi có thấy họ in sách tôi, tôi nghĩ đường xa cách trở nên viết thư liên lạc với họ, tôi có nhận được thư trả lời của họ, một bức thư trả lời lời lẽ không được nhã nhặn cho lắm.
Cụ có thể cho biết rõ hơn?
Họ nói họ in sách tôi là muốn “nâng đỡ” tôi, muốn độc giả không quên tôi, một việc làm phúc đức cho tôi, đáng lẽ ra tôi phải mang ơn họ mới đúng.
Quả thật đó là một chuyện không nên không phải đối với nhà văn có hơn bảy mươi năm hành nghề viết văn làm báo. Tôi hiểu những hạng “đầu nậu” ngành xuất bản như thế có ở nhiều nơi, ở Việt Nam này cũng không thiếu gì loại đầu nậu ấy. Những nhà văn còn lại trong nước bị in sách lậu trả lời bằng sự im lặng. Chẳng phải sợ gì họ mà không muốn nói đến thì đúng hơn.
Tác phẩm của cụ để lại cho đời là tác phẩm hữu ích, để thế hệ mai sau không quên tổ tiên, nguồn gốc. Cụ chỉ muốn đưa lên cái đẹp của Con người, của Quê hương Đất nước Việt Nam, để cho người đọc và hiểu làng quê Việt Nam hình thành như thế nào.
Với một gia tài văn chương văn hóa đồ sộ của cụ Toan Ánh, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu cũng đã viết đến, phân tích, luận bàn không thiếu gì những cái hay cái đẹp trong văn chương và tài liệu cụ thu thập được trên khắp mọi miền đất nước, đó là những lời khen, những thái độ kính phục và cảm phục dành cho một nhà văn lão thành, dầy công trong sự nghiệp của mình, nhưng cụ thì vẫn khiêm nhượng, cái khiêm nhượng sẵn có trong lòng một kẻ sĩ có cả tài lẫn đức.
Riêng tôi, kẻ viết bài này, sinh sau đẻ muộn cũng chung một cảm phục như thế, nên không nói thêm điều gì, mà người ta đã ca tụng, đọc sách của nhà văn Toan Ánh, người ta còn nhìn thấy sự lột tả hết cái chân, cái thật khi nói về làng quê với một chút bỡn cợt nhưng đầy duyên dáng, trữ tình, điển hình là chính ngôi làng nơi mà cụ đã được sinh ra và lớn lên. Tôi xin trích ra một đoạn:
“Làng tôi không thay đổi gì, từ hình thể đến dân làng. Có khác chăng là những thằng bạn thả diều, đánh bi của tôi từ thuở nhỏ đã lớn, những cái đĩ thằng cu, xưa kia đầu chốc, cởi truồng, đã thay hình đổi dạng thành những cô gái làng xinh đẹp đỏm dáng, thành những cậu trai làng khỏe mạnh cần cù thương yêu miếng đất mảnh vườn, xoắn xuýt với thửa ruộng mẫu ao. Còn những cô gái làng xưa, nay đã có chồng, có cô lại còn dắt díu con bồng con mang.”
Và chẳng có gì lọt qua được cặp mắt sắc bén hóm hỉnh của cụ: “Ngắm lại những cô gái xưa tôi thầm yêu trộm nhớ đã là những thím nọ, mợ kia với chiếc áo hở lườn, với đôi vú thõng dưa gang.” Còn nói đến trai làng với một chút hài hước: “Và những thằng bạn thuở nhỏ của tôi, thường cùng tôi vật nhau lúc chăn trâu, thường cùng tôi ê a quyển Hán tự Tân thư, cũng là những anh chồng ngoan ngoãn chăm lo vườn tược ruộng nương, có anh cũng có hai ba con! Anh nào anh nấy bộ mặt nghiêm trang đứng đắn, đi ra khỏi ngõ là áo dài khăn lượt trông thật đạo mạo.”
Và về những người lớn thì đã bắt đầu già: “Có người tóc điểm hoa râm, có người mắt đã bắt đầu đeo kính. Còn các cụ già, nhiều cụ đã không còn nữa! Các cụ đã ăn xôi nói theo danh từ hài hước quê mùa! Hỏi thăm các cụ, các người thản nhiên trả lời: Các cụ đi với ông ‘sáu tấm’.”
Còn với những cô gái làng mới lớn, tôi thấy trong một đoán ngắn:
“Nếu ai đi qua cổng làng tôi gặp lúc chiếc cổng tre giương lên, một cô gái chít khăn mỏ quạ, mặc áo cánh nâu non, yếm mầu mỡ gà với khuôn mặt trái xoan, với hai con mắt long lanh sáng, điểm thêm nụ cười chúm chím như hoa hàm tiếu, tuy vậy cũng để lộ mấy chiếc răng cửa đen nhức như hạt huyền và đều đặn như hạt lựu giữa đôi môi tươi thắm, ắt phải có cảm tượng như được ngắm một bức tranh linh động giữa thiên nhiên. Cô gái làng đang đứng bên cột tre, một tay giơ cao vịn vào cành tre. Cô đứng làm gì?
“Ai có biết nhưng nhìn cô thấy đáng yêu với vẻ ngây thơ. Có khi cô lại cất tiếng hát vài câu ca dao, tiếng vang êm ái nghe thật là quyến rũ:
Chẳng tham ruộng cả ao sâu
Tham gì anh tú tốt râu mà hiền,
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiêng anh đồ.
Hỡi ai là anh Tú, hỡi ai là anh đồ, nghe cô ca có động lòng chăng tá!
Cô gái quê thật thà là bông hoa của đồng ruộng! Cô đã làm cho bao chàng trai say mê, và chính cô cũng đã bao lần tơ lòng rung động trước nỗi niềm tha thiết của những trai làng!”
Nét văn hóa của làng quê Việt Nam nổi bật ở những điểm đó, ở bút pháp vừa già dặn vừa sắc bén của nhà văn nhà khảo cứu Toan Ánh khiến người đọc bị quyến rũ, nao lên, say sưa đọc mãi cho đến trang cuối của cuốn sách dày hơn 300 trang mà vẫn còn muốn đọc nữa.
Khi đọc sách của nhà văn Toan Ánh, tôi thấy mình yêu quê hương đất nước hơn, không phải riêng tôi mà rất nhiều người đồng điệu đều có chung một cảm xúc ấy.
Hỏi về đời sống của cụ, đời sống của cụ sau 30.4.75, cụ vẫn để cho nhà nước xuất bản sách của cụ. Cụ cho rằng sách của cụ cần được phổ biến, không phân biệt mốc thời gian, không chính kiến đỏ đen hoặc phục vụ cho tầng lớp nào đó, mà cho cả thế hệ mai sau. Để con cháu chúng ta biết được phong tục tập quán của dân tộc.
Ngày “cải tạo văn hóa” năm 1975, cụ Toan Ánh là một trong rất ít người làm văn hóa không phải đi học tập, nhưng phòng PC16 cũng không quên cụ, mời cụ lên nói chuyện chứ không phải là lệnh bắt giam. Đối với cụ Toan Ánh là họ đã “chiêu hiền đãi sĩ” lắm rồi. Những tác phẩm của cụ bị đốt đâu không biết, chứ cụ không bị họ vào nhà lục lọi khiêng ra trước cửa đốt. Họ chỉ đạt giấy mời cụ lên, người chấp pháp lấy cung cụ, hình như cũng là nhà văn hóa không biết bao lớn, nói chuyện với cụ bằng tư thế của kẻ chiến thắng, gọi cụ bằng “anh”. Cụ Toan Ánh cho anh ta biết sự phân biệt về tuổi tác, không thể gọi cụ bằng anh được, cụ không chấp nhận. Cốt cách cụ là nhà nho làm văn hóa, cụ viết bao nhiêu sách dậy làm người, ngay cả miền Bắc XHCN cũng còn dùng sách của cụ để dạy học, vậy thì nói chuyện với cụ phải có cái lễ nghĩa của một con người. Người cán bộ chiến thắng ấy bèn đổi giọng nói chuyện với cụ lễ phép hơn suốt câu chuyện.
Trong suốt 30 năm XHCN cầm quyền ở Việt Nam, cụ Toan Ánh sáng tác ít, mà sửa chữa và cho in lại những tác phẩm của cụ thì nhiều, một chuyện làm ăn sòng phẳng giữa nhà văn và nhà xuất bản của nhà nước, khai thác một số tác phẩm nào đó của cụ có hạn định. Đời sống của cụ và đám con cháu bình bình chứ không gian truân, lao đao như nhiều người làm văn hóa khác, con cái có công việc làm. Mừng cho cụ cho gia đình cụ.
Rằm tháng Bẩy, ngày Xá Tội Vong Nhân, chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức một buổi lễ cầu siêu cho hai triệu người dân chết đói tại Bắc Việt, hồi 60 năm trước, đáng lẽ chuyện này phải làm lâu rồi, nhiều người cũng không đồng ý việc chọn ngày Rằm tháng Bảy là theo phong tục dân gian là ngày cúng cho các cô hồn, các đảng. Hai triệu người Việt bị chết oan ức vì quốc nạn do sự xâm lăng và chính sách tàn bạo của quân phiệt Nhật, họ không nằm trong danh sách Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, cái chết của họ phải được tưởng nhớ một cách trân trọng như Nước Nhật hàng năm họ vẫn tổ chức đại lễ tưởng niệm những người dân vô tội đã thiệt mạng vì hai quả bom nguyên tử.
Tôi kể cho cụ nghe về chuyện chết đói mà tôi đã chứng kiến lúc còn bé ở Ô Cầu Giấy, có kẻ vì đói làm liều ăn quỵt tiền cơm, họ bị chủ hàng xua người làm công đánh đấm một cách dã man đến độ ói cả chỗ cơm vừa ăn quỵt nhưng chưa ghê sợ bằng, khi nhìn thấy cảnh số cơm vừa ói ấy được một số người khác cũng đánh đấm, xô đẩy nhau giành giật để ăn, thật là một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Tôi hỏi cụ, với tư cách của một người đã sống qua, chứng kiến những chuyện ấy cụ còn nhớ gì không, cụ trở nên trầm ngâm, nhắc lại khung cảnh thê thảm ngày ấy:
- Xác người chết đói chở xe bò ra những cửa ô đem đổ đi, đổ đi chứ không phải chôn cất, người ta đói quá vồ luôn những bãi mửa của chó mửa ra để ăn, tôi nói là chó chứ không phải người như anh thấy ở Ô Cầu Giấy. Chưa một năm nào dân tộc ta lại thê thảm như vậy.
Trong trí nhớ của tôi, nhớ ra một chuyện hồi 45 năm trước. Tôi còn nhớ người ta kháo nhau chuyện một người đàn bà buôn cám trộn mạt cưa, bán cám cho ngựa của một doanh trại Nhật. Và sau đó họ mổ bụng con ngựa để tìm hiểu nguyên nhân vì ăn cám gạo trộn mạt cưa mà chết, quân Nhật đút luôn kẻ buôn gian bán lận ấy vào bụng con vật, khâu lại rồi mang đi chôn sống. Một hành động quá sức tàn nhẫn của người Nhật với dân bị trị, không phải để trừng phạt cho người ta sợ, mà việc làm mất nhân tính, nên quân đội Nhật hoàng mới mang tiếng tai khắp một vùng Đông Nam Á này. Tự họ đánh đổ thuyết Đại Đông Á mà họ đề ra.
Cụ Toan Ánh nói không phải là lời đồn đãi, đây là câu chuyện có thật. Việt Nam những năm đó phải chịu cái ách từ mọi phía đổ lên đầu dân tộc. Giọng cụ thật xúc động, nỗi buồn trùng xuống trên mái đầu bạc, tôi cũng buồn lây.
Buổi trưa rồi đấy. Tôi phải ra về để cụ nghỉ ngơi, nếu không về cụ sẽ nói chuyện hoài, nói không dứt được. Phải chăng người già ai cũng thế, làm chưa hết thì phải nói cho bằng hết, những gì mà mình cho là còn dở dang.
Hình như có một cơn mưa. Mây đen từ hướng đông chuyển vào thành phố.
Sài gòn, tháng 10.2005
- Nhà Văn, Nhà Phong Tục Học Toan Ánh Nguyễn Thụy Long Tạp luận
- Họa sĩ Vị Ý và quán cà phê Lú Nguyễn Thụy Long Hồi ức
- Nhà Báo Phan Nghị Đã Vĩnh Viễn Bỏ Cuộc Chơi Nguyễn Thụy Long Tạp luận
- Thư viết gửi độc giả hải ngoại Nguyễn Thụy Long Thư ngỏ
• Nhà Văn, Nhà Phong Tục Học Toan Ánh (Nguyễn Thụy Long)
- Chia tay người của "Nếp cũ" (Lam Điển)
- Vĩnh biệt nhà "Bắc Bộ Học" phong lưu ruộng đồng (Như Hà)
- Toan Ánh và tác phẩm (Từ Hoài Tấn)
- Tiểu sử (wiki)
- Ký Vãng
- Nếp Cũ – Tín Ngưỡng Việt Nam
• Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc (Vương Trùng Dương)
• Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ” (Phan Tấn Hải)
• Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến (Nguyễn Văn Tuấn)
• Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |