1. Head_

    Bùi Giáng

    (17.12.1926 - 7.10.1998)

    Du Tử Lê

    (.0.1942 - 7.10.2019)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Trần Thanh Hiệp, “Lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo? (Du Tử Lê) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      31-10-2022 | VĂN HỌC

      Trần Thanh Hiệp, “Lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo?

        DU TỬ LÊ
      Share File.php Share File
          

       

      Trần Thanh Hiệp, “Lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo?



          Nhà văn Trần Thanh Hiệp

      Một nhà nhà sử học tây phương từng cho rằng, lịch sử nào cũng chứa ít, nhiều những tình cờ định mệnh. Ngay cả lịch sử văn học, nghệ thuật với sự ra đời và biến, hoại của các học thuyết hay trường phái…


      Nhận định này khiến nhiều người đã liên tưởng tới sự ra đời của tạp chí Sáng Tạo ở Saigon, năm 1956, với những thành viên sáng lập, tình cờ gặp nhau trên bước đường di cư, từ miền Bắc vào miền Nam. Họ tập trung, quanh tờ Lửa Việt, tiếng nói của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội Di Cư.


      Về sự có mặt của tạp chí Sáng Tạo, đa phần người ta hay nói về nhà văn Mai Thảo, trong cương vị chủ biên tạp chí này, chứ không mấy ai để ý tới vai trò có tính cách kiến tạo, khởi đầu của những nhà văn như Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp…


      Sinh thời, nhà văn Mai Thảo từng nhắc tới hai nhân vật kể trên, như hai “lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo. Nhưng cố nhà văn Nguyễn Sỹ Tế rất ít có những bài viết bàn về vấn đề VHNT. Tác giả “Đêm Giã Từ Hà Nội” cũng cho biết thêm rằng, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế không biết vì quá bận rộn hay vì bản chất kín đáo, dè dặt, nên trước mấy cuộc thảo luận bàn tròn về thi ca, hội họa… của Sáng Tạo, ông cũng không tham dự. (1)


      Vẫn theo nhà văn Mai Thảo thì họ Nguyễn chỉ trình bày quan điểm, suy tư của ông trong những họp mặt, gặp gỡ riêng tư, hoặc cho in trong những tác phẩm phê bình, nghiên cứu văn học được ông cho ấn hành mà, không nhân danh, cũng không để Sáng Tạo đứng tên xuất bản…


      Hơn thế nữa, tinh thần cởi mở, khách quan, không phe nhóm của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế còn biểu lộ rất rõ, khi ông nhắc tới dư luận đám đông, phê bình về nhóm Sáng Tạo (do chính nhà văn Trần Thanh Hiệp ghi lại trong một bài viết về Mai Thảo.)


      Đại ý nhà văn Nguyễn Sỹ Tế kể, có một thời gian, người dân Saigon đã vui đùa, truyền tai nhau rằng, nếu ghé thăm “ngôi nhà” Sáng Tạo…, thì sẽ “… chỉ thấy bốn năm ông nhà văn mỗi ông ngồi một xó trước cái bàn thờ tổ sư riêng...” (Trích: Trần Thanh Hiệp: “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn”).


      Phải chăng nội dung sâu xa của nguồn dư luận này, ngụ ý, mỗi nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo là chưởng một môn phái văn chương riêng? Và họ tự lậy chính họ?


      Cũng trong bài viết này, có thể do tuổi tác, nhà văn Trần Thanh Hiệp (hiện ngoài 90 tuổi) đã lầm lẫn khi nói rằng, câu thơ nổi tiếng “Nhà văn An Nam khổ như chó”, là thơ của nhà văn Lê Văn Trương. Trong khi câu thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Vỹ, trong một bài thơ Nguyễn Vỹ viết tặng bạn là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Trương Tửu. (2)


      Về phương diện văn chương, tuy cả hai được cố nhà văn Mai Thảo ghi nhận là hai “lý thuyết gia” của Sáng Tạo, nhưng, nhà văn Trần Thanh Hiệp thì ngược lại với Nguyễn Sỹ Tế. Họ Trần năng động, xông xáo với nhiều bài viết trên Sáng Tạo và, thường xuyên ủng hộ, bênh vực những phát biểu của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, khi nhà thơ này bị dư luận phản ứng gay gắt trước những nhận định mới mẻ của ông về thi ca.


      Điển hình trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà văn Hoàng Lan Chi, (Web site “Người Muôn Năm Cũ”), họ Trần đã “trầm trọng” bảo vệ Thanh Tâm Tuyền ở lãnh vực thơ tự do, khi ông nghe Hoàng Lan Chi nói thật cảm nghĩ của bà, về thơ Thanh Tâm Tuyền…


      Trần Thanh Hiệp ghi nhận rằng “lịch sử” thơ Tự Do ở Việt Nam, đã chào đời khoảng cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930. Họ Trần cũng dẫn chứng một bài thơ tự do của Nguyễn Đình Thi (ở miền Bắc), sáng tác năm 1945, được coi là thuở “sơ khai” của thơ Tự Do, với những câu như:


      “Sáng mắt trong như sáng mắt năm xưa

      Gió thổi mùa thu hương cốm mới

      Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

      Gió thổi mùa thu vào Hà Nội

      Phố dài xao xác heo may

      Nắng soi ngõ vắng

      Thềm cũ ra đi lá rụng đầy” (3)


      Ngược lại, vẫn theo nhà văn Trần Thanh Hiệp thì thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền (ở miền Nam), trên Sáng Tạo (sau 1954) đã “dọn” cho thơ tự do một chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn. (Nđd.)


      Để minh diễn quan điểm của mình, (mục đích chính là bênh vực cho thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền), họ Trần đưa ra một định nghĩa mới cho thơ tự do, nhân cuộc phỏng vấn khá “gập ghềnh” của Hoàng Lan Chi. Ông cho rằng thơ tự do (của Thanh Tâm Tuyền?) là loại thơ kết hợp được nhiều đặc tính của các loại thơ đã ra đời từ trước. Tuy nhiên, vẫn theo họ Trần thì thơ tự do (ở tạp chí Sáng Tạo) cũng có vần, điệu, niêm, luật… “nhưng theo một cung cách diễn tả mới, tự do hơn để bám sát hiện tượng sống của con người trong xã hội.” (Nđd)


      Phát biểu hay quan niệm thi ca của nhà văn Trần Thanh Hiệp, tiếc thay lại không nói rõ “cung cách diễn tả mới” là cung cách gì? Thế nào? Ra sao? Và, “để bám sát hiện tượng sống…” Mà, tiêu biểu cho quan điểm của mình, vẫn theo nhà văn Trần Thanh Hiệp, là thơ tự do thời Thanh Tâm Tuyền. Ông cũng thận trọng khi nhấn mạnh xin độc giả đừng hiểu lầm là ông có quan niệm lệch lạc vì tinh thần phe nhóm hoặc, vì tình bạn mà thiếu khách quan. (Nđd)


      Dù vậy, vẫn có không ít người muốn được hỏi họ Trần rằng: Chỉ tính từ thời thơ mới (tức thơ Tiền Chiến) thôi, phải chăng tất cả đều là loại thơ xa lìa đời sống? Trong khi khó ai có thể phủ nhận, ngay thơ siêu thực, những tưởng nó không liên quan gì tới con người thì, hiểu theo nghĩa nào đó, nó vẫn có phần máu, thịt của cuộc sống nhân loại vậy!


      Trần Thanh Hiệp: “Thất bại của nhóm Sáng Tạo?”


      Như đã trình bày, theo tiết lộ của cố nhà văn Mai Thảo (4) - - Chủ biên tạp chí Sáng Tạo từ số đầu tiên tới số cuối cùng, trước khi đình bản thì, Sáng Tạo có hai lý thuyết gia. Một là nhà văn, giáo sư Nguyễn Sỹ Tế. Hai là nhà văn, luật sư Trần Thanh Hiệp. Nhưng gần như chỉ có nhà văn Trần Thanh Hiệp, xuất hiện đều đặn trên Sáng Tạo, như một lý thuyết gia, những khi ông trình bày quan niệm của ông về thơ tự do, hoặc nhận định về những đóng góp của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thời kỳ Sáng Tạo có mặt ở Saigon, trước 1975 và, năm, tháng ông sống ở hải ngoại, sau 1975.


      Ở khía cạnh này, nhà văn Trần Thanh Hiệp từng thay mặt tất cả các thành viên của nhóm Sáng Tạo, khi phát biểu: “Tự Lực Văn Đoàn chưa bao giờ là thần tượng của mấy anh em chúng tôi”. (Nđd)


      Nhưng cũng ở trang mạng Wikipedia-Mở, nhiều chục năm sau, người ta lại được đọc một bài viết khác của cựu chủ nhiệm đặc san Lửa Việt, tuyên dương những đóng góp mang tính mở đường của nhà văn Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam, con chim đầu đàn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thời tiền chiến. Nhà văn Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam tự tử ngày 7 Tháng Bảy, 1963 tại Saigon, với di ngôn nổi tiếng: “Đời tôi để lịch sử xử…”


      Đó là bài viết nhan đề “Để trả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam về cho lịch sử”.


      Trong bài này có đoạn, họ Trần nhấn mạnh: Với bút danh Nhất Linh, một nhà văn, nhà báo…, ông là cha đẻ của một loạt nhân vật hư cấu, những Lệ Nương, Loan, Dũng, Nhung, Nghĩa, Phương, Thái, Triết, Trương, Thu, Mùi v.v… Những nhân vật không có thật, nhưng rất sống động, tựa như họ có thực và đang sống ở ngoài đời. (5)


      Vẫn theo họ Trần thì, vì thế mà những nhân vật ấy, đã phản ảnh được một bộ mặt nhất định của xã hội thời đó. Với tư cách nhà văn, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, Nhất Linh đã, mở được một chiều hướng đi lên cho cuộc sống. Ông cũng cung cấp cho xã hội một kiểu mẫu sống, một rung cảm mới và, nhất là một ngôn ngữ mới, một văn phong mới. Công trình mở đường này đã khiến cho Nhất Linh được đồng thanh nhìn nhận là người mở đường cho văn học sử Việt Nam vào thời điểm thập niên 30, mang lại cho bộ môn tiểu thuyết một bước tiến bộ theo hướng nghệ thuật, và thổi vào báo chí tiếng Việt một sức sống tích cực, mới.


      “Trong chừng mực đó, Nhất Linh đã đi vào lịch sử của đất nước”. Và tác giả ra khỏi bài viết của mình bằng câu:


      “Người Việt Nam có thể tự hào đã có một nhân vật Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trong lịch sử”.


      Tôi không đề quyết rằng với những cảm nhận như đã ghi lại ở trên, của nhà văn Trần Thanh Hiệp, dành cho nhân vật đứng đầu nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam, khiến cho nhóm Tự Lực Văn Đoàn trở thành “thần tượng” của luật sư Trần Thanh Hiệp và các bạn của ông. Nhưng có người cho rằng sự nhìn lại của họ Trần, có phần công bình hơn về Tự Lực Văn Đoàn: Tiêu biểu là tài năng và những đóng góp to lớn của Nhất Linh, cho văn học và đất nước!


      Nói cách khác, thời Sáng Tạo ra đời, với những bài viết nằm trong “chiến dịch” chôn sống Tự Lực Văn Đoàn, khó ai có thể phủ nhận sự tham dự vào “chiến dịch” của nhà văn Trần Thanh Hiệp, với tư cách “lý thuyết gia” của tạp chí này. Dù cho nhà văn Trần Thanh Hiệp có “nhìn lại” hay không thì, lịch sử văn học Việt Nam cũng đã dành cho những đóng góp tài năng và trí tuệ của Tự Lực Văn Đoàn, một vị trí trân trọng. (6)


      Nhận định trên, theo chỗ tôi được biết, không phải chỉ riêng với tác giả Hoàng Lan Chi, (thể hiện qua bài phỏng vấn nhà văn Trần Thanh Hiệp cách đây trên 10 năm) - - Mà, đó cũng là quan điểm của nhiều người thuộc đa số thầm lặng.


      Tinh thần “nhìn lại” của nhà văn Trần Thanh Hiệp, còn được thể hiện cụ thể hơn, qua bài ông viết về cố nhà văn Mai Thảo, tựa đề “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn” viết tại Paris, mùa xuân 2008.


      Ở bài viết có nhiều tiểu đoạn này, một trong những tiểu đoạn đó, có tiểu tựa bất ngờ là “Mai Thảo là Sáng Tạo nhưng Sáng Tạo không là Mai Thảo”.


      Mở đầu tiểu đoạn này, họ Trần ghi nhận, tạp chí Sáng Tạo đã tự ý đình bản năm 1962. Nhưng những thành viên nòng cốt vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực văn chương và, Mai Thảo là người tích cực nhất…


      Kế tiếp, với tiểu đoạn “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn”, Trần Thanh Hiệp cho biết, đại ý Mai Thảo đã viết xuống truyện của mình bằng những mới mẻ, nhất là ở phương diện hình thức, nếu không muốn nói rằng Mai Thảo đã làm thành một cuộc đổi mới cho cho văn học Việt. Có dễ vì thế mà sáng tác của Mai Thảo thường được phê bình từ lăng kính văn học sử. Trước khi ra khỏi bài viết của mình, nhà văn Trần Thanh Hiệp kết luận:


      “Tòa kiến trúc văn học đồ sộ Mai Thảo để lại cho đời sau, theo tôi quả thật Sáng Tạo chẳng có công lao gì.” (Nđd)


      Tôi nghĩ những ai, từng có dịp giao tiếp với các thành viên của nhóm Sáng Tạo, sẽ nhận ra rằng, họ chỉ được nghe Mai Thảo ngợi ca những bằng hữu trong nhóm của ông mà, hầu như không bằng hữu nào của tác giả “Tháng Giêng Cỏ Non”, công khai tuyên dương tài năng, trí tuệ của Mai Thảo, như họ Trần đã làm. Nếu tôi không lầm, đó là bài viết đầu tiên và duy nhất, tính tới hôm nay, của một thành viên sáng lập tạp chí Sáng Tạo.


      Hơn thế, cũng lần đầu tiên, cách đây hai năm, khi chúng tôi tới Paris thăm, ở lại ăn Tết với bạn, là nhà văn Vũ Thư Hiên… Thì, trong một bữa ăn trưa do nhà văn Từ Thức/ Trần Công Sung khoản đãi, nhà văn Trần Thanh Hiệp đã bất ngờ hỏi, theo tôi thì đâu là thất bại của Sáng Tạo? Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói:


      “Sáng Tạo đã thành công trong việc đổi mới thơ. Nhưng đã thất bại trong việc đổi mới thơ cho mọi người; Thay vì chỉ đổi mới thơ cho một số người chủ trương nó.” (7)


      Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ “bất ngờ” vì, chưa bao giờ tôi có ý chờ đợi phong cách nhà-văn-thẳng-thắn-tự-tin, như phong-cách-Trần-Thanh-Hiệp, ở Paris, hôm đó. Vô tình, ông đã cho chúng tôi, một cái nhìn ấm áp về con người của ông.


      Trần Thanh Hiệp: “sinh vật lưỡng cư?”


      Đề cập tới nhà văn Trần Thanh Hiệp mà, bỏ quên con người làm chính trị của ông, tôi cho là một khiếm khuyết lớn. Bởi vì, tiểu sử của ông, ngay từ thời còn là sinh viên, đã cho thấy năng khiếu ông có là năng khiếu thiên về chính trị. Cụ thể là ông đã giữ vai trò “chủ nhiệm” đặc san “Lửa Việt”, tiếng nói của Hội Sinh Viên Hà Nội Di Cư, ngay những ngày đầu ở miền Nam.


      Trước khi được chọn đại diện cho chính quyền VNCH, tham dự Hội nghị Paris đầu thập niên 1970, nhà văn Trần Thanh Hiệp cũng đã từng là Bộ Trưởng Lao Động và, dành nhiều thời gian cho những phong trào chính trị, đảng phái… Ở cả hai lãnh vực Văn học và chính trị, họ Trần đều cho thấy khả năng chuyên môn bén nhậy, khiến cho hơn một nhà văn đã phải nói rằng: Họ Trần có khả năng bẩm sinh của sinh vật “lưỡng cư”, (sống được trên bộ cũng như dưới nước) - - Tức ở môi trường nào, ông cũng xuất sắc; cũng thích hợp và, đạt được những điều mình muốn.


      Thời gian sống ở hải ngoại, họ Trần đã cống hiến cho lãnh vực chính trị, nhiều luận thuyết. Một trong những luận-thuyết của ông, có tên “Vai trò biểu tượng của tri thức Việt Nam trước nền Văn Hóa Thứ Ba”, in trong tuyển tập “Việt Nam Trên Đường Dân Chủ Hóa” do Nhà Xuất Bản Thái Bình Dương ở Paris ấn hành, cách đây trên dưới 10 năm.



         Nhà văn Trần Thanh Hiệp
          (Hình NguoiViet blog)

      Bài viết hay luận thuyết này của họ Trần, đã nhận được quan tâm, chia sẻ của rất nhiều độc giả. (8)


      Theo tác giả luận thuyết này thì có 3 ngộ nhận liên quan tới cụm từ “Trí thức”, bao gồm cả trí thức Việt Nam quá khứ và, hôm nay”.


      - Về ngộ nhận thứ nhất, nhà văn Trần Thanh Hiệp chỉ ra rằng, phương đông đánh đồng “trí thức” với ý niệm hay vai trò của “kẻ sĩ”. Ý niệm đó, từ nền văn hóa Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam.


      Nói ngắn gọn thì “trí thức” hay “kẻ sĩ” theo quan niệm Việt Nam là một thứ giai cấp xã hội. Hoàn toàn không giống quan niệm về “trí thức” ở phương tây. (9)


      Còn từ ngữ intellectuel, tiếng Pháp hay intellectual, tiếng Anh, đã được dùng để chỉ những nhà văn, nhà giáo, nghệ sĩ nổi tiếng về học thuật, dám công khai phê phán hay lên án những xúc phạm trầm trọng tới nhân phẩm con người của giới cầm quyền... Do đó, nó trở thành trung tâm của ý thức xã hội đương thời. Nhưng trí thức tây phương không mang ý nghĩa giai cấp xã hội, mà chỉ phản ánh tâm thái cá nhân cùng vai trò của mình trong xã hội. (10)


      Tác giả Trần Thanh Hiệp nhắc nhở:


      “Bởi thế, khi bàn về trí thức ở Việt Nam, nên tránh đồng hóa ”Sĩ” với “Trí thức”. (Nđd)


      - Về Ngộ nhận thứ hai, nhà văn Trần Thanh Hiệp cho rằng, người trí thức xuất phát từ chế độ chính trị nào, cũng đều là trí thức như nhau. Nhưng nếu căn cứ vào quan niệm về trí thức của Lê-Nin trong bức thư trả lời nhà văn Maxim Gorky ngày 15 tháng 9 năm 1919 thì trí thức được đào tạo trong chế độ Tư Bản, trên thực tế “không phải là bộ não mà là cứt!” Sau này, Mao Trạch Đông cũng ví trí thức với phân người! (11)


      Tới đây thì họ Trần kết luận rằng, dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam, đã không có những người “trí thức đúng như mẫu phương Tây”.


      - Về Ngộ nhận thứ ba, sau cùng là, một số ý kiến cho rằng ở Việt Nam đã có những nhà trí thức, hoặc là những người tiếp diễn, trong thời đại mới, nếp sống của những kẻ “Sĩ” thời cổ đại ở Trung Hoa!? Nhà văn Trần Thanh Hiệp ghi lại cả hai quan điểm trong và ngoài nước, như sau:


      Trí thức đầu tiên trong nước, được nhà văn Trần Thanh Hiệp dẫn chứng là giáo sư Chu Hảo.


      Ông Hảo từng là cựu Thứ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hiện là ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tuyên bố với đài phát thanh BBC nhân đầu năm mới 2012, rằng, theo quan niệm của ông thì, người trí thức phải có “… Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội…” Nhưng “chưa có nhiều”. Từ đó, ông Hảo kết luận, tầng lớp trí thức VN, chưa thành hình sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975, ở miền Nam…”


      Trước phát biểu của giáo sư Chu Hảo, ở hải ngoại, nhà văn Phạm Thị Hoài, một khuôn mặt văn nghệ nổi bật ở hải ngoại, cho rằng, những người mang danh là trí thức ở Việt Nam chỉ lo “phò chính thống”. Bà xếp ông Chu Hảo vào loại trí thức trung thành với Đảng. Hay, ông ta (như nhiều trí thức khác), đã chỉ làm công việc mà bà gọi là "Giải phẫu thẩm mỹ cho một chế độ toàn trị, giúp nó tồn tại mỹ miều hơn", để kiếm chút hư danh hoặc địa vị hão huyền mà thôi. (Nđd)


      Qua một cách diễn tả khác, nhà toán học có tầm cỡ quốc tế, Ngô Bảo Châu cũng xác nhận tình trạng ở Việt Nam không có trí thức kiểu phương Tây khi ông phát biểu rằng "Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’…


      Theo GS Ngô Bảo Châu thì, “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội".


      Họ Trần cũng trích dẫn một phát biểu của nhà văn Albert Camus khi nhà văn này nói, đại ý, không có trí thức phục vụ chế độ mà chỉ có trí thức “phục vụ con người”. (Nđd)


      Trước khi bước vào nền “Văn Hóa Thứ Ba/ Third Culture” họ Trần nhắc tới hiện tượng rồi đây, con người sẽ phải sống chung với máy (Cyborg-power society).


      Ông nói, theo nhà tương-lai-học Edouard Cornish, sự thay đổi đầy đảo lộn này sẽ tạo ra những nhu cầu mới, gây nên những xung đột mới, khiến cho các cá nhân cảm thấy bất ổn trong đời sống. Nhưng không ai có thể “đứng ngoài cơn lốc đổi đời lịch sử này”.


      Vì thế, muốn hay không muốn, nhân loại cũng phải tiếp tục xây dựng cuộc đời. Ở trường hợp này, Albert Einstein cho rằng, trí thức sẽ đóng vai trò đắc lực nhất. (Nđd).


      Ông kể, trong cuốn sách “Văn hóa thứ ba (The Third Culture), xuất bản năm 1963, nhà tương-lai-học John Brochman cho biết các nhà trí thức của Nền Văn Hóa Thứ Ba có khuynh hướng tránh né lớp người trung gian (middleman). Vì họ muốn tự chính họ tìm được cách biểu thị tư tưởng thâm hậu của mình, sao cho lớp trí thức bình dân có thể bắt kịp đà chuyển hóa đã tới cực đỉnh và khoa học trong đời sống con người, đã giữ một vai trò rất quan yếu…


      Tóm lại, trí thức biểu tượng cho nền Văn Hóa Thứ Ba phải là nhân vật có khả năng gắn liền với quần chúng, hay đại chúng gồm đủ mọi tầng lớp của toàn thể dân tộc.


      Nhà văn Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh: Muốn trở thành biểu tượng trí thức của dân tộc thì con người trí thức phải gắn liền với lịch sử dân tộc, mang trong mình dấu ấn “tiêu thức sơ nguyên” (archetype) tức là những vang vọng đời sống tâm linh của dân tộc trong quá trình sống còn, nối tiến hóa trải qua sinh hoạt thăng trầm của cộng đồng.


      Ông kết luận bài viết của mình trong niềm tin và hy vọng rằng, lịch sử, cũng như dân tộc, đang chất vấn trí thức Việt Nam. Và thời đại cũng đang đặt tầng lớp này trước những thử thách gay go. Nhưng theo họ Trần thì:


      “Đó lại chính là cơ hội cho trí thức Việt Nam triển khai tài năng và phẩm hạnh để mở đường phục hưng và tiến hóa cho dân tộc vậy”.


      Du Tử Lê

      (Garden Grove, Dec. 2017)

      _________

      Chú thích:

      (1) Được biết nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định. Gia đình nội, ngoại thuộc hàng Nho học có khoa bảng. Thuở nhỏ ông học chữ Hán tại nhà, sau học trường Thành Chung Nam Định, trường Bưởi Hà Nội và trường Đại học Luật khoa Hà Nội. Ông làm thơ chữ Hán từ hồi nhỏ, làm thơ chữ Pháp từ thời trung học. Bắt đầu viết văn và dạy học từ 1945. Ông hoạt động trong ngành giáo dục nhiều năm… Ông mất ngày 16 tháng 11 năm 2005, tại Hoa Kỳ.


      Về những tác phẩm nghiên cứu văn học của ông, có thể kể: Hồ Xuân Hương (khảo luận, 1956). Việt Nam Văn Học Nghị Luận (khảo luận, 1962). Tiểu Luận Văn hóa và Giáo Dục (khảo luận 2000). Luận đề về các tác giả cận kim và hiện đại Việt Nam (sách giáo khoa)…(Theo Trang nhà “Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Saigon”, tác giả Ngộ không Phí Ngọc Hùng.)


      (2) Bài thơ này có những câu: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó / Nhà văn An Nam khổ như chó / Mỗi lần cầm bút nói văn chương / Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương / Và nhìn chúng mình hì hục viết / Suốt mấy năm giời: Kiết vẫn kiết! / Mà thương cho tôi, thương cho anh / Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh”. Đọc thêm: “Trần Thanh Hiệp: Mai Thảo, người kể truyện bằng văn”, sưu tập của Lê Hoàng Tuấn Kiệt (Trang nhà dutule.com)


      (3) Sự thực, ngay khi bài thơ trên của Nguyễn Đình Thi được phổ biến, dư luận những người làm thơ thời đó, đã cho rằng, đó là một thứ thơ 7, 8 chữ biến thể - - không chú trọng số chữ, hiệp vần, nhưng hơi thơ vẫn là loại thơ có vần, điệu. Ngược lại, khá nhiều bài thơ của nhóm “Nhân văn, Giai Phẩm” xuất hiện giữa thập niên 1950, mới thực sự là thơ tự do…


      (4) Trang nhà Wikipedia-Mở cho biết, nhà văn Mai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927, tại thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định, trong gia đình giàu có nhờ buôn bán và làm ruộng. Mai Thảo là cựu học sinh trung học Đỗ Hữu Vị, (sau đổi tên là Chu Văn An, ở Hà Nội.


      Ông có một thời gian tham gia kháng chiến, khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Năm 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành đi buôn.Thời 16, 17 tuổi, ông làm thơ rất nhiều. Nhưng sau khi vào miền Nam, 1954, ông chuyên viết truyện, không làm thơ nữa. Năm 1956, ông là chủ biên tạp chí Sáng Tạo, gây được tiếng vang lớn… Năm 1974, ông trông nom tạp chí Văn… Ngày 4 tháng 12 -1977, Mai Thảo vượt biển, tới Pulau Besar, Mã Lai. Tháng 7 năm 1982, ởHoa Kỳ, ông cho tái bản tạp chí Văn. Đến 1996, vì tình trạng sức khỏe, ông trao tạp chí Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng. Ông có rất nhiều truyện nổi tiếng đã được xuất bản. Năm 1989, ông cho in thi phẩm “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền”, được đón nhận nồng nhiệt.


      Nhà văn Mai Thảo mất ngày 10 tháng 1 năm 1998, ở miền nam California.


      (5) Trần Thanh Hiệp, “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn”. Sưu tập của Lê Hoàng Tuấn Kiệt (Web-Site dutule.com)


      (6) Sau nhiều chục năm nhà cầm quyền CS Hà Nội, vì quan điểm chính trị, coi như trong lịch sử văn học Việt Nam, không hề có sự hiện diện của cái gọi là nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì năm đầu thiên niên kỷ mới, Năm 2000, cơ sở Văn Hóa – Thông Tín ở Hà Nội đã cho xuất bản tập sách tựa đề “Nhất Linh, cây bút trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn”, có bài của ông Nguyễn Tường Thiết, trưởng nam cố nhà văn Nhất Linh, hiện cư ngụ tại TB Washington, HK về cái chết của cha ông. Trước đó, tác phẩm của Thạch Lam (trong nhóm TLVĐ) cũng đã được Hà Nội cho phép in lại…


      (7) Nguồn: FB Tuyền Phan / Video post ngày 7 tháng 1 năm 2016.


      (8) Dẫn theo VanhoamagazineOnline.com


      (9) Họ Trần đã dẫn chứng bằng 2 câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” (tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên).


      (10) Phân đoạn này, nhà văn Trần Thanh Hiệp dựa theo một bài phân tích của tác giả Chức Sa Mộng, bài viết bằng Hoa ngữ đăng trên mạng Internet, bản dịch của Quốc Trung…)


      (11) Tác giả trích dẫn Nguyễn Đình Đăng, Lênin Toàn tập, tái bản lần thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49).


      Du Tử Lê
      dutule.com

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng Du Tử Lê Nhận định

      - Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam Du Tử Lê Nhận định

      - Nhà văn Tuấn Huy Du Tử Lê Nhận định

      - Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết Du Tử Lê Phỏng vấn

      - Họa Sĩ Phạm Tăng Du Tử Lê Nhận định

      - Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình! Du Tử Lê Nhận định

      - Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức Du Tử Lê Nhận định

      - Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên Du Tử Lê Nhận định

      - Lê Lạc Giao - Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Du Tử Lê Nhận định

      - Trần Thanh Hiệp, “Lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo? Du Tử Lê Nhận định

    3. Bài viết về nhà văn Trần Thanh Hiệp (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc (Vương Trùng Dương)

      Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ” (Phan Tấn Hải)

      Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến (Nguyễn Văn Tuấn)

      Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)

      Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)