1. Head_

    Bé Ký

    (.0.1938 - 12.5.2021)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Mùa Xuân Trở Lại (Đào Anh Dũng) Ad-23-468x60created-2-1-10 (Học Xá) Ad-23-468x60created-2-1-10 (Học Xá)

      28-1-2022 | TRUYỆN

      Mùa Xuân Trở Lại

        ĐÀO ANH DŨNG
      Share File.php Share File
          

       

      1.


      Nguồn: Tuần báo Trẻ Xuân NHâm Dần 2022

      Sáng chúa nhật nhưng cũng như mọi ngày trong tuần, bà Minh tự động thức dậy vào lúc sáu giờ, không cần phải để đồng hồ báo thức. Nghiệp, ông xã của bà cũng vậy, không còn ngủ nán lại như hồi chưa nghỉ hưu. Hai người đọc kinh sáng, uống hai ly nước ấm, đi làm vệ sinh cá nhân rồi tập một số động tác yoga. Vì là sáng chúa nhật nên ông bà không dùng điểm tâm mà thay quần áo và ngồi vào ghế sa-lông chờ đến giờ lái xe đi xem lễ vào lúc tám giờ 15 phút.


      Trong lúc ngồi chờ, ông bà có thói quen đọc cho nhau nghe hai bài đọc và bài Phúc Âm để suy gẫm trước lễ Misa. Hôm ấy là Chúa nhật vào giữa tháng 11, ông Nghiệp bắt đầu với bài đọc thứ nhất nói về bà goá thành Sarephta. Vào nạn đói năm ấy, bà và đứa con trai chỉ còn có một chút dầu ăn và bột mì mà thôi. Nhưng, khi ngôn sứ Êlia đến xin bà một chiếc bánh ăn đỡ đói, bà sẵn lòng nướng bánh cho ngôn sứ mặc dầu bà biết rằng sau bữa ăn hôm ấy mẹ con bà sẽ chết vì đói. Thiên Chúa chứng giám tấm lòng thành của bà và Ngài ban ơn phước. Hũ bột và bình dầu của bà goá thành Sarephta không bao giờ cạn và phép lạ ấy đã nuôi sống hai mẹ con của bà qua nạn đói.


      Năm nào cũng vậy, mỗi khi nghe bài đọc nói về bà goá thành Sarephta, bà Minh lại nhớ đến một ơn phước Chúa đã ban cho gia đình bà vào những ngày cận Tết Kỷ Mùi, năm 1979.


      2.


      Năm ấy, mỗi ngày nhà nước phát loa chiêu dụ rồi ra lệnh những người không nghề nghiệp như Minh phải dời 'hộ khẩu' về vùng kinh tế mới, nhưng chị luôn tìm mọi cách để ở lại Sài Gòn. Thật ra, vì căn phố đơn sơ của vợ chồng chị nằm trong một con hẻm chứ nếu nó 'hoành tráng' và ở ngoài đường cái thì họ đã tìm đủ mọi cách tống mẹ con chị đi kinh tế mới để chiếm nó rồi. Minh nguyên là một giáo sư Pháp văn. Khoảng một năm sau biến cố tháng Tư 1975 chị đành phải bỏ nghề vì lương bổng không đủ sống và chị gặp quá nhiều điều nghi kỵ, khó khăn với nhóm đồng nghiệp đến từ miền Bắc. Đối với họ, Minh thuộc thành phần có lý lịch xấu vì Nghiệp, chồng của chị là sĩ quan 'nguỵ' đang 'học tập cải tạo'. Một mẹ một con, mỗi ngày chị gởi cháu Thiện cho cha mẹ chị giữ giùm để chị đi buôn bán tảo tần kiếm miếng ăn. Trăm bề khổ cực, đôi khi chị muốn thử thời vận, liều mình đi kinh tế mới. Tuy nhiên, theo lời nhiều người kể lại thì nếp sống ở những vùng xa xôi ấy rất nhọc nhằn mà vẫn không đủ ăn, lại còn có thể mang đủ thứ bệnh tật mà không có thuốc chữa, nhất là bệnh sốt rét. Minh nhất quyết phải sống để gặp lại chồng của chị. Cháu Thiện cũng vậy, nó cũng phải sống để biết mặt cha của nó. Khi ấy, Nghiệp vẫn biệt tăm từ ngày anh đi trình diện tù 'cải tạo'.


      Tính đến lúc ấy, những ngày gần cuối tháng Giêng năm 1979, Nghiệp và Minh xa nhau đã hơn ba năm rồi. Xóm Nguyễn Thông của vợ chồng chị, nằm ở con hẻm phía sau nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, có vài sĩ quan VNCH cấp bậc chuẩn hay thiếu uý đã được chính quyền trả tự do. Chị hy vọng chừng một hai năm nữa thôi họ sẽ thả Nghiệp về với gia đình. Trước biến cố tháng Tư 1975, anh mang lon đại uý.


      Chiều hôm ấy, Minh ghé nhà cha mẹ đón con, lòng tơi tả, buồn khôn xiết mà chị nào có dám cho ông bà hay chuyện vừa xảy ra. Hai cậu em của chị cũng đồng cảnh ngộ với Nghiệp, cũng đang ở tù 'cải tạo', làm cho cha mẹ chị tuổi đã già, không làm lụng gì được, chỉ biết dần dà bán đi của cải như nữ trang, quần áo, bàn ghế, giường tủ... trong nhà để sống qua ngày mà còn phải lo lắng cho mạng sống của con và rể nữa. Hơn sáu tháng qua, Minh đi buôn dầu phộng, lẽ dĩ nhiên là buôn lậu vì thời ấy là thời 'hợp tác xã, bao cấp, quốc doanh'. Mỗi ngày chị đạp xe đến tận Hốc Môn, mua khoảng một chục lít dầu phộng chở về chợ Phú Nhuận bỏ mối. Công việc khá trôi chảy vì, nói thiệt, sau hơn ba năm sống dưới chế độ cộng sản, chị đã khôn ra, biết lèo lách, khi đi đường này, lúc đạp xe ở ngõ khác để tránh các trạm kiểm soát của công an. Chuyến đi buôn lậu ấy, nếu êm xuôi mẹ con chị sẽ có đủ tiền để ăn Tết. Nhưng, chị nào có ngờ họ theo dõi và hôm ấy họ chận bắt chị, tịch thu tất cả dầu và số tiền chị mang theo.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Minh đạp xe, chở con về nhà. Thằng bé ba tuổi rưỡi, ngồi phía sau, hai tay ôm bụng mẹ nó, hỏi han đủ điều nhưng, đầu óc rối bù, Minh im lặng, không có lấy một câu trả lời con. Trời tối om, khiến cho Minh tự hỏi, sau cơn mưa không lẽ trời cứ u ám như thế này? Ba năm trôi qua, ba cái Tết ảm đạm đã đến và đi làm cho Minh ngày càng bi quan, nghĩ rằng mùa Xuân sẽ không bao giờ trở lại. Minh đưa mắt nhìn quanh, ba ngày nữa là mùng Một Tết rồi, vậy mà nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế vẫn chưa có một trang hoàng, một ánh đèn nào để mừng Xuân như trong những năm trước ngày 'giải phóng'. Còn hang đá Đức Mẹ thì sao, giờ này có ai đến viếng? Nghĩ đến đó, Minh bẻ ghi đông, quẹo xe vào cổng nhà thờ. Mấy năm qua chị cố gắng hết sức mình để làm lụng, để hai mẹ con chị có thể sống còn và chị luôn cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ cứu giúp với tất cả lòng thành, đức tin cậy. Chị cũng sống với câu châm ngôn bằng tiếng Pháp sơ Julia dạy lớp của chị năm xưa: "Aide-toi, le ciel t'aidera." (Bạn hãy tự cứu lấy mình, Thượng Đế sẽ cứu bạn.) Nhưng hôm nay, vừa đạp xe vừa nghĩ đến nhà mình chỉ còn có vài lon gạo, một chén nước mắm và một tán đường trong khi tiền nong đã mất hết, chị không biết mẹ con chị có thể sống thêm được mấy ngày nữa đây? Chị cảm thấy quá tuyệt vọng, nhưng khi nhìn thấy cây Thánh Giá trên đỉnh tháp chuông nhà thờ, chị thì thầm câu kinh: "Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con biết việc phải làm..."


      Minh dựng chiếc xe đạp, nắm tay thằng con, đứng trước hang đá Đức Mẹ, cúi đầu xuống, nói nhỏ vào tai, biểu nó làm dấu Thánh Giá, đọc kinh. Thường ngày, thằng bé luôn vâng lời mẹ mặc dầu câu kinh Kính Mừng của nó vẫn còn vấp váp, nhưng hôm nay nó ngước mắt nhìn mẹ, lắc đầu, miệng thở than: "Mẹ ơi, con đói bụng quá!" Minh ôm con, lòng buồn chất ngất, bỗng dưng chị cảm thấy quá mỏi mệt, chân không đứng vững được nữa. Chị dìu thằng con, ngồi bệt xuống đất, tay ôm nó vào lòng, chị thì thầm: "Lạy cha chúng con ở trên trời..." Thằng bé im lặng, ngả đầu vào vai chị...


      Đang chìm đắm trong câu kinh bỗng dưng nghe tiếng trẻ con: "Mẹ ơi, con đói bụng quá!", Minh giật mình, nhìn thằng con của chị. Lạ quá, nó vẫn ngủ say sưa, đâu có nói gì! Đưa mắt nhìn quanh, trời vẫn tối om nhưng nhờ một ánh đèn leo lét đâu đó dọi tới chị mới biết cách mẹ con chị vài bước có một người đàn bà vai mang một túi vải và một cháu gái đang đứng trước hang đá Đức Mẹ. Chị làm dấu Thánh Giá rồi khều vai thằng con, đánh thức nó dậy để đi về nhà. Nhưng khi bước đến gần hai mẹ con người đàn bà, chị lại giật mình thêm một lần nữa.


      Minh dừng chân, đưa mắt nhìn kỹ người đàn bà ấy trong lúc đứa con của chị ta, một cháu gái tóc dài, ăn mặc hơi lem luốc, đứng nép sau lưng mẹ. Dáng vóc của chị ta trông rất lam lũ, nghèo khó nhưng gương mặt trái xoan, cặp mắt to, sống mũi cao của chị gợi cho Minh một hình ảnh rất quen thuộc... Hình như đó là chị Sương, ngày xưa học trên Minh hai lớp, là một hoa khôi, là một học sinh nổi tiếng vì chị tham gia nhiều chương trình văn nghệ tại trường Thiên Phước, toạ lạc kế bên nhà thờ Tân Định. Minh cất tiếng hỏi, giọng ngập ngừng:


      "Dạ, có... có phải chị là chị... chị Sương, hồi... hồi đó học ở trường... trường Thiên Phước, nhà chị ở phía bên kia cầu Trương Minh Giảng, bên hông trường Vạn Hạnh không vậy chị?"


      Người đàn bà trả lời, giọng nói cũng không kém ngập ngừng như Minh:


      "Đúng! Tôi... tôi là Sương. Chị... chị là ai mà biết tôi?"


      "Em là Minh, ngày xưa cũng học trường Thiên Phước. Có lần, em đóng vai thiên thần, chị đóng vai Đức Mẹ trong hoạt cảnh 'Đêm Thánh Vô Cùng' đó chị."


      Nguồn: Tuần báo Trẻ Xuân NHâm Dần 2022

      Chị Sương đứng tần ngần một hồi lâu rồi chị đưa tay ôm chầm lấy Minh, lắp bắp nói:


      "Chúa ơi! Chị... chị nhớ ra rồi! Em là Tố Minh nhưng lúc học ở Thiên Phước biệt danh của em là Tố Nam vì hồi đó dáng em hơi cao, tướng đi của em cứng, em nói năng không dịu dàng, tựa như là con trai."


      Nghe chị Sương trả lời như vậy, Minh không nhịn được nụ cười. Bà thánh Claire là thánh bổn mạng của chị. Tên Claire, tiếng Pháp dịch sang tiếng Việt là thông minh, còn chữ Tố gốc Hán-Việt có nghĩa là trong sạch. Vì thế cha mẹ chị đặt tên chị là Lê Thị Tố Minh. Ôm chị Sương sát vào lòng mình, Minh vui mừng đáp lời chị:


      "Chị nhớ dai thiệt! Vì vậy mà hồi đó em xin chị tuyển em vào ban kịch, làm thiên thần để em tập múa cho thân mình uyển chuyển, để bạn bè không chọc ghẹo, gọi em là Tố Nam đó chị."


      Minh nói đến đó, buông chị Sương ra, nhìn chị và hỏi: "Tại... tại sao chị ra nông nổi này hả chị?" rồi nghẹn ngào nói:


      "Xin... xin lỗi chị. Còn em, em cũng đâu có khá hơn chị, cũng thân tàn ma dại. Vì ai? Vì ai, hả chị?"


      3.


      Tối hôm ấy, chị Sương và Minh, hai chị em cựu học sinh Thiên Phước ngồi trước hang đá Đức Mẹ cả tiếng đồng hồ, kể cho nhau nghe những gì đã xảy ra cho mình sau cái ngày đen tối ấy, ngày 30 tháng Tư, năm 1975.


      Nghe tâm sự của Minh xong, chị Sương lắc đầu nói: "Khổ, ai cũng khổ hết em à! Điều an ủi là chị em mình còn có đức tin cậy vào lòng thương xót của Chúa và Đức Mẹ. Em an tâm, Chúa sẽ giúp, sẽ cứu giúp chị em mình!" rồi chị chậm rãi kể chuyện đời của chị, như sau:


      Đậu Bac II (tú tài đôi, chương trình Pháp) xong chị lấy chồng. Anh tên Thanh, một dược sĩ du học tại Pháp vừa mới về nước. Nhờ uy tín của anh Thanh và vốn liếng Pháp văn của mình, chị được tuyển dụng và huấn luyện làm nghề trình dược viên cho một công ty bào chế dược phẩm của người Pháp tại Sài Gòn. Anh chị thương yêu nhau, sống rất hạnh phúc, chỉ có một điều khác biệt là anh bị nhiểm tuyên truyền trong những tháng năm du học nên say mê xã hội chủ nghĩa. Chị yêu anh nên chấp nhận sự khác biệt, hy vọng rằng sau khi va chạm với thực tế anh sẽ nghiệm ra và từ bỏ cái lý tưởng ngu muội ấy.


      Tháng Tư năm 1975, cả hai gia đình bên anh và bên chị đều có cơ hội di tản. Tuy nhiên, anh vẫn khăng khăng, nhất định ở lại góp một bàn tay xây dựng đất nước sau bao năm chiến tranh. Anh được ban 'quản lý' mới từ Hà Nội vào 'tiếp thu' công ty bào chế dược phẩm giữ lại làm phó 'thủ trưởng'. Nhưng, sau khi anh đã chuyển cho họ mọi hiểu biết về công ty, họ đưa ra một lý do thật đơn giản để giáng chức anh thành một dược sĩ quèn nằm trong 'khâu' bào chế thuốc. Anh chưa là đảng viên nên anh không thể nằm trong ban lãnh đạo công ty.


      Vậy mà anh vẫn chưa sáng mắt, vài tháng sau anh nghe lời họ đưa gia đình đến một vùng kinh tế mới nằm gần biên giới Việt-Miên. Nơi đó, chính quyền cách mạng đang cần một dược sĩ phụ trách thuốc men cho dân chúng. Không bao lâu sau anh tỉnh ngộ khi thấy mọi người dân làm việc cực nhọc, sống thiếu thốn mọi bề mà vẫn không đủ ăn, lại còn bị cán bộ kìm kẹp nữa. Anh phụ trách thuốc men nhưng tủ thuốc của chính quyền chỉ có xuyên tâm liên và một số thảo mộc khác mà thôi. Anh nộp đơn, xin trở về công ty dược phẩm nhưng không được chấp thuận.


      Cho đến một hôm anh đạp nhầm một cây đinh rỉ sét, bị nhiễm trùng phong đòn gánh trong khi cả vùng kinh tế mới không có lấy một mũi thuốc giải độc. Sau khi anh qua đời, chị và bé Lan sống bơ vơ, khổ nhọc nhưng không thể trở về Sài Gòn vì không có giấy phép. Cũng may là khi rời Sài Gòn anh chị có mang theo bốn valise quần áo cũ nên thỉnh thoảng chị bán đi một món cho vợ con cán bộ để mua gạo và rau mắm sống qua ngày, và cũng để dành tiền mua vé xe đò khi mẹ con chị có giấy phép rời vùng kinh tế mới. Sau khi dành dụm được một số tiền, chị bèn đánh liều nói với vợ của một cán bộ chị cần có giấy phép để về Sài Gòn và chị sẽ trả ơn bằng một valise quần áo còn lại của anh chị và cháu gái. Chị vợ cán bộ xem xong valise quần áo, gật đầu đồng ý. Vài ngày sau, chị ta mang đến một tờ giấy có đóng dấu đỏ và chữ ký của sở Công An cho phép chị và cháu gái đi Sài Gòn thụ tang mẹ vừa qua đời.


      Chị và cháu gái về đến Sài Gòn vào xế trưa. Từ bến xe đò, mẹ con chị đi bộ ngay đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Từ lâu chị có tâm nguyện rằng, nếu được về Sài Gòn việc làm đầu tiên của chị là đến hang đá Đức Mẹ để đọc kinh tạ ơn Đức Mẹ đã cứu vớt mẹ con chị.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      4.


      Nghe chị Sương kể tới đó và nhớ tới câu than đói của con mình và của cháu gái con chị, Minh buộc miệng hỏi chị:


      "Trời tối quá rồi. Tối hôm nay chị và cháu định ngủ ở đâu? Nhà em rất gần đây. Em xin mời chị và cháu đến tắm gội, ăn uống, ngủ với mẹ con em đêm nay nhen chị."


      Nói đến đó, Minh nắm tay cháu gái, con của chị Sương, và hỏi cháu:


      "Còn cháu, cháu tên là gì? Mấy tuổi rồi? Tự nãy giờ dì cứ lo nghe mẹ cháu kể chuyện, quên hỏi thăm cháu."


      Cháu gái rụt rè nhìn Minh, im lặng. Chị Sương dịu dàng biểu cháu:


      "Con khoanh tay chào dì Minh đi con. Tội nghiệp, cháu nó trở nên nhút nhát từ lúc anh chị đi kinh tế mới đó em. Cháu tên Lan, bảy tuổi rồi."


      Cháu Lan nhè nhẹ gật đầu chào Minh, chưa kịp nói lời nào thì Thiện đã nắm tay Lan, lanh miệng nói:


      "Con tên là Thiện, ba tuổi 'gưỡi'."


      Câu nói của Thiện làm chị Sương, Minh và cháu Lan cười rộ lên. Đó là câu trả lời thường tình của Thiện khi ai đó hỏi tên, tuổi của cháu. Gặp ai Thiện cũng xưng con vì khi ấy cháu là đứa cháu duy nhất của ông bà nội, ngoại. Câu nói đó cũng khiến cho Lan bạo dạn hơn, tíu tít nói chuyện với Thiện sau khi khoanh tay, nói lời chào Minh. Một lát sau, chị Sương mới trả lời:


      "Nói thiệt với Minh, chị không biết tối nay chị và cháu Lan sẽ ngủ ở đâu nữa. Cám ơn em thương tình, cho mẹ con chị ở đậu tối nay. Như chị đã kể cho em nghe, gia đình ba má anh Thanh và ba má chị di tản qua Mỹ từ cuối tháng Tư năm 1975. Ngoài bạn bè thân thiết, anh chị còn vài người em bà con chú bác, cô cậu nhưng chị không biết họ còn ở chỗ cũ hay đã vượt biên rồi."


      Khi ấy, Minh chợt nhớ mẹ con chị chỉ còn có vài lon gạo, một chén nước mắm và một tán đường mà thôi. Vậy mà chị đã tự nhiên mời chị Sương và cháu Lan về nhà dùng cơm với mẹ con chị. Nghĩ đến đó, Minh bỗng nhớ đến bài đọc thứ nhất nói về bà goá thành Sarephta chị nghe đọc trong một thánh lễ Misa. Chính nhờ bài đọc đó mà Minh không có chút do dự nào khi đưa mẹ con chị Sương về nhà, và trong khi hai mẹ con chị Sương đang tắm gội, Minh trút hết số gạo vào nồi, nấu một nồi cháo trắng. Riêng chén nước mắm chị dùng nó để làm một mẻ kho quẹt với tiêu và đường. Tối hôm ấy, cả nhà ngồi quanh nồi cháo và mẻ kho quẹt ăn uống thật ngon lành.


      Sáng hôm sau, thức dậy thấy chị Sương ngồi ở góc nhà, đôi mắt chị ướt đẫm, Minh hỏi thì chị đưa tay chỉ hũ gạo. Thì ra chị thức dậy trước, dọn dẹp căn bếp giúp Minh và chị đã khám phá ra nhà không còn một chút lương thực nào hết. Minh đành phải nói ra sự thật. Chị Sương ngồi im lặng một lát, mắt đăm chiêu nghĩ ngợi. Cuối cùng chị nắm lấy hai bàn tay của Minh, chậm rãi nói:


      "Chị từng làm trình dược viên nên chị quen biết rất nhiều chủ nhân nhà thuốc tây. Chị nghĩ họ vẫn còn lén lút mua bán thuốc để kiếm sống. Thời buổi này thuốc tây rất khan hiếm, chị sẽ tìm cách liên lạc xin họ cung cấp thuốc để chị em mình tìm mối bán. Quần áo cũ loại sang trọng cũng vậy, vợ con cán bộ ở ngoài Bắc bao năm ăn mặc thiếu thốn, vào đây họ rất mê quần áo cũ trong Nam đó em. Mình đi tìm mua rồi bán lại cho họ để kiếm lời. Chị em mình có thể kiếm tiền sinh sống bằng hai cách này. Em đừng lo!"


      "Nhưng mình tìm đâu ra vốn hả chị? Hôm nay, chị em mình có thể nhịn đói, nhưng hai cháu, mình... mình..."


      Minh chưa nói hết câu, miệng còn đang lập bập thì chị Sương đã moi trong túi ra một cuộn tiền nhỏ, đưa hết cho Minh:


      "Chị còn một số tiền này, em hãy cầm lấy mà mua gạo, mua khô, mua mắm cho hai cháu và chị em mình. Chị sẽ đi tìm thân nhân và bạn bè cũ nhờ họ giúp đỡ. Hôm qua, chị tình cờ gặp lại em và chị tin rằng Chúa sắp đặt như vậy. Hôm nay, chị có linh tính mình sẽ gặp may mắn, Chúa sẽ đưa đường dẫn lối cho chị em mình gặp quới nhơn phò trợ đó em."


      Thật vậy, chiều hôm ấy chị Sương trở về với một cành mai chi chít nụ trên tay và hai tin vui. Chị tìm lại được một người anh bà con cô cậu ruột, anh ta biếu chị một số tiền và hứa sẽ giúp vốn cho chị làm ăn. Chị cũng gặp lại một người bạn thân ngày xưa là trình dược viên, ngày nay chuyên nghề bán thuốc tây. Người bạn này cũng hứa sẽ giúp chị kiếm sống. Ba ngày Tết năm ấy, Sương và Minh, hai bạn học cùng trường, và hai con cùng nhau ăn Tết với hai đòn bánh tét, một nồi thịt kho, một hũ dưa giá... không được sung túc như những năm xưa nhưng rất đậm đà, ấm cúng. Minh vẫn còn nhớ những đoá hoa vàng trên cành mai chị Sương mang về, chưng trong bình sứ, để trên bàn thờ Chúa. Chúng nở đúng ngày Tết, thật xinh tươi, rạng rỡ, giúp cho Minh có một niềm tin vững bền rằng mùa Xuân đã trở lại.


      Vâng, kể từ mùng bốn Tết năm ấy, nhờ chị Sương hướng dẫn Minh không còn phải đi Hóc Môn buôn dầu phộng lậu nữa. Minh bán thuốc tây lậu, quần áo cũ ngay tại Sài Gòn, kiếm tiền đủ sống cho đến ngày gặp lại Nghiệp và vài năm sau đó cả gia đình anh chị đi Mỹ qua chương trình HO. Riêng chị Sương và cháu Lan, hai mẹ con chị được gia đình bảo lãnh sang Mỹ trước Minh bốn năm. Chị ở Cali, Minh ở tận Minnesota nhưng hàng năm hai chị em cựu học sinh Thiên Phước đều gặp nhau, ít nhất là một lần...


      5.


      "Suy gẫm điều gì mà lâu vậy? Em đọc bài đọc thứ hai, bài Thánh Thư của thánh Phaolô đi!"


      Bà Minh giật mình, trở về với hiện tại. Bà mỉm cười nhìn ông xã của bà, rồi bà mang kính, nhìn vào trang sách lễ, mở miệng đọc: "Trích thư thánh Phaolô gởi tín hữu Do Thái ..." Nhưng, không hiểu tại sao trong đôi mắt của bà vẫn còn hình ảnh của những cánh mai vàng nở rộ vào ngày mùng Một Tết năm ấy.


      Đào Anh Dũng

      Nguồn: Tuần báo Trẻ, Xuân Nhâm Dần 2022

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Mai Vàng Trên Đảo Bidong Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Mùa Xuân Trở Lại Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Chiếc Áo Nhà Binh Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Cội Nguồn Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Cặp Song Sinh Ái Nhĩ Lan Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Hãy xét đoán cho công minh Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Vác chõng mà đi Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Theo Đạo Vợ Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Vé số cuộc đời Đào Anh Dũng Truyện ngắn

      - Chuyện Một Ngôi Sao Đào Anh Dũng Truyện ngắn

    3. Truyện Ngắn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Truyện

        Cùng Mục (Link)

      Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’ (Hoàng Thị Tố Lang)

      Pho Tượng Chac-Mool (Trần Hồng Văn)

      Ông Giáo Sư Dạy Sử (Vương Mộng Long)

      Người Tù Binh Trở Về (Thảo Ca)

      Đêm Đình Chiến (Vũ Thất)

      Chuyện nàng Feridah Challoner (Trần Hồng Văn)

      Bắn chậm thì chết (Lê Hữu)

      Mua bán lạc xoong (Trần Yên Hòa)

      Căn Nhà (Trần Hồng Văn)

      Dáng Mỏng (Trần Yên Hòa)


      Truyện Đọc

       

      Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn) 

      Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu

       (Trần Hồng Văn) 

      Đứa Con Út (Trần Hồng Văn) 

      Một Đêm Phiền Muộn

       (Trần Hồng Văn) 

      Tiếng Vọng từ Đáy Vực

       (Trần Hồng Văn) 

      Con Cọp (Trần Hồng Văn) 

      Đại Sư Và Giai Nhân

       (Trần Hồng Văn) 

      Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân) 

      Cái Giếng (Trần Hồng Văn) 

      Vùng Đồi (Phạm Văn Nhàn) 

      Người Cha (Trần Hồng Văn) 

      Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn) 

      Người Mẹ (Trần Hồng Văn) 

      Lưỡi Dao Cạo (Trần Hồng Văn) 

      Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục

       (Trần Hồng Văn)    

       

      Truyện Đạo

        Cùng Mục (Link)

      Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)

      Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)

      Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)

      Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)

      Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)

      Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

      Phim VN trước 1975

       

      (Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)

       

      - Chiếc Bóng Bên Đường   - Nàng (1970)

      - Người Cô Đơn (1972)    - Xa Lộ Không Đèn

      - Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)

      - Chúng Tôi Muốn Sống (1956)

      - Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)

      - Giỡn Mặt Tử Thần (1975)

      - Năm Vua Hề Về Làng (1974)

      - Tứ Quái Sài Gòn  - Những Giọt Sương Khuya

      - Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2

      - Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4

      - Vượt Sóng

      - Cuộc Di Cư Năm 1954

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)