|
Hùng Lân(23.6.1922 - 17.9.1986) | Lê Thương(8.1.1913 - 17.9.1996) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Mẹ già đi đứng khó khăn, trợt chân té, bị nứt xương chậu, phải nằm một chỗ. Ông bà Thành vội về quê thăm mẹ, cho mẹ vui, lên tinh thần. Thấy ông bà suốt ngày quanh quẩn ở nhà, mẹ biểu hai con cứ đi du lịch đó đây như mấy lần trước, nhưng ông bà không đành lòng, có đi đâu cũng lòng vòng trong tỉnh. Đôi ba ngày, ông đạp xe đến quán cà phê của ông Hùng, một người bạn học cũ, ngồi ngó ông đi qua bà đi lại, kể chuyện xưa, tán dóc cho vui.
Trưa hôm ấy, trong khi bạn bận tiếp khách đến uống cà phê, ông Thành ngồi một mình, đọc báo cho qua thời giờ. Lướt mắt qua cột tin tức nói về “một bộ phận không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc rồi lan xuống miền Trung...” ông cảm thấy buồn cho tiếng Việt của mình. Tâm trí còn đang trầm ngâm, tư lự, bỗng có một bàn tay chìa vài tấm vé số trước mặt làm ông giật mình. Đó là một thiếu niên khoảng 11, 12 tuổi, đầu đội nón kết đỏ đã bạc màu, áo quần cũng đã cũ mèm nhưng không đến nỗi vá chùm, vá đụp.
“Dạ, ông mua giùm cháu vài vé số, mười nghìn một vé, tuần tới xổ...”
Ông Thành vốn không thích đỏ đen nên ông thường hay từ chối những lời mời mọc mua vé số, song nhìn ánh mắt trong sáng, mang chút nét van nài, cầu khẩn của chú bé, ông không đành lòng. Mới có mười mấy tuổi đầu mà nó đã phải ra đường mưu sinh rồi. Tội nghiệp! Thôi, mười ngàn tiền Việt, khoảng nửa đô la một vé mua giúp cũng không chết thằng Tây nào. Ông móc túi, lấy tiền nhưng nhìn dáng điệu học trò của thằng nhóc, ông chợt nhớ đến bản tin mình vừa đọc nên đưa tờ báo ra trước mặt nó, chỉ ngay cột báo, nói:
“Ừa, ông sẽ mua giúp cháu. Nhưng trước tiên, xin cháu đọc bản tin này rồi làm ơn giải thích cho ông hiểu một bộ phận không khí lạnh tăng cường nghĩa là gì?”
Ánh mắt chú bé lộ vẻ ngạc nhiên khi cầm lấy tờ báo. Nó lẩm bẩm đọc rồi nói:
“Dạ, thưa ông, cháu nghĩ... ý họ muốn nói nhiệt độ xuống thấp thì trời lạnh đấy ạ...”
Thằng nhóc chưa nói hết lời, ông đã vỗ đùi nghe một cái bốp, sung sướng nở một nụ cười, chìa ra tờ giấy 50 ngàn.
“Giỏi! Ráng học cho giỏi sau này viết báo cho hay, cho đúng tiếng Việt của mình nhen cháu. Bán cho ông bốn vé, số nào cũng được. Cháu khỏi thối tiền!”
Chú bé nhanh nhẹn chọn bốn vé số trao cho ông, lấy tiền, cám ơn ông, rồi tót lên xe đạp...
Nhìn dáng chú bé đạp xe dưới ánh nắng chang chang, ông Thành không khỏi thở dài, thương xót. Hoà bình đã hơn bốn mươi năm rồi mà đồng bào vẫn còn nhiều người thiếu ăn, nhiều kẻ thiếu mặc...
“Có chuyện gì mà bạn già ngồi thừ người ra vậy?”
Nghe bạn hỏi, ông Thành bèn kể lại chuyện bài báo và lời giải thích của chú bé bán vé số. Ông Hùng cười khì, bàn thêm:
“Ừ, bây giờ đọc báo và nghe thiên hạ nói tiếng Việt, nhiều lần mình có cảm tưởng họ từ hành tinh nào đến... “
Ngó mấy tấm vé số còn nằm trên bàn, ông bạn nói tiếp: “Vậy là bạn già mua hết bốn vé số giải đặc biệt trúng một tỷ rưỡi đó. Nếu thời may trúng số thì xin nhớ bạn bè, đừng có dông luôn nhen bạn già!” Rồi ông ta bỗng la lên:
“Ủa! Đây là vé số xổ hôm thứ năm tuần rồi mà! Trời đất! Ông bị thằng nhóc đó gạt rồi! Ôi! Bó tay chấm cơm! Bó tay! Bó tay!”
Ông Thành lại ngồi thừ người, thở dài, lắc đầu
ngao ngán. Mới có mười mấy tuổi đầu mà thằng
nhóc tì đã đầy nhóc “bụi đời”!
Mấy hôm sau, ông Thành mới đạp xe trở lại quán cà phê của bạn. Ba điều bốn chuyện với bạn chưa xong, ông đã phải ngồi một mình vì bạn bận pha cà phê cho khách. Quán có wifi, ông lấy trong túi ra chiếc iPad đọc điện thư, xem Facebook để khỏi phải đọc báo, đọc những dòng chữ chướng tai gai mắt. Ông vừa vào trang điện thư được chừng năm phút thì có một bàn tay với vài tấm vé số xen vào, che mất màn hình. Ông ngẩng đầu lên, bắt gặp một gương mặt quen quen. À, thì ra đó là thằng nhóc tì bán vé số hôm trước. Nó chì thật, hay là nó đã lường gạt nhiều người, nên không nhớ...
“Dạ... cháu xin lỗi ông ạ! Đây mới là bốn tấm vé số cháu phải bán cho ông, ngày mai thứ Năm xổ.”
Nghe chú bé nói vậy ông Thành rất đỗi ngạc nhiên nhưng ông cố gắng làm mặt tỉnh, chỉ chiếc ghế trước mặt:
“Cháu ngồi xuống đây cho ông hỏi chuyện.”
Chú bé rụt rè ngồi vào ghế, ngập ngừng nói:
“Vâng ạ... xin ông bỏ qua cho cháu. Một đứa bạn bán vé số nó... nó xúi cháu làm như vậy với mấy ông Việt... Việt kiều. Hôm ấy, cháu đạp xe đi rồi mà hình ảnh Chúa Giêsu chịu nạn trên cây Thánh Giá ông đeo ở cổ cứ lởn vởn trong đầu làm cháu... cháu thấy cắn rứt lương tâm. Mấy hôm rồi cháu trở lại quán này nhiều lần, mong gặp ông mà không thấy. Hôm nay, may quá ông đến uống cà phê, nếu không, cháu phải đi xưng tội mới...”
Ông khoát tay, không để chú bé nói dứt câu, và không hiểu sao ông liên tục xổ ra một tràng câu hỏi:
“Cháu tên gì? Cháu còn đi học không? Nhà ở đâu? Vì sao còn nhỏ tuổi mà cháu phải đi bán vé số rồi?”
“Dạ vâng, cháu tên Hiển, bố mẹ đặt tên cháu theo tên Thánh bổn mạng Giuse Hiển đó, thưa ông. Cháu đang học lớp sáu, ở trên xứ Cao Xá. Thứ Bảy, Chúa Nhật cháu đi bán vé số. Vâng ạ... mới đây thôi! Bố mẹ cháu làm công nhân cho xưởng da giày Trung Quốc ở khu công nghiệp Chà Là. Mấy tháng nay mẹ cháu phải ở nhà vì có em bé nên cháu đi bán vé số, kiếm tiền đóng học phí.”
Ông lại thở dài, lắc đầu ngao ngán. Về thăm quê nhà mấy tuần nay, ăn không ngồi rồi, ông mới có dịp hỏi thăm bà con, biết được thời nay học sinh trường công lập cũng phải đóng học phí và cũng phải có tiền đi học thêm đủ các môn mới theo kịp chúng bạn.
Ông móc túi lấy ra vài tờ trăm ngàn, nhét vào tay chú bé bán vé số: “Đây, ông cho cháu chút quà đóng học phí. Cháu ráng học cho giỏi!”
Nhưng thằng nhóc lắc đầu, lùa mấy tờ giấy bạc trở vào tay ông Thành.
“Dạ, cháu không dám. Cháu chỉ muốn gặp lại ông để xin lỗi và đưa cho ông mấy tấm vé số thôi.”
Nghe giọng nói của chú bé không chút đắn đo, do dự, ông biết nó đã quyết định không nhận quà của ông rồi nên đành phải nói: “Vậy thì cháu bán thêm cho ông vài vé, được không?”
Thằng nhóc nở một nụ cười thật tươi, hỏi: “Dạ vâng, ông muốn mua bao nhiêu vé?” Nhưng nó lại nói tiếp: “Cháu thấy ông mua năm vé đủ rồi, ông ạ. Thật ra, nếu Chúa thương Chúa cho, mình mua một vé cũng trúng, phải không ông?”
Xong việc, ông Hùng trở lại bàn, kéo ghế ngồi đối diện bạn. Thấy mấy tờ vé số để trên bàn, không nói không rằng, ông ta lấy lên xem.
“Tốt! Lần này bạn già khôn ra, không bị gạt!” Ông Hùng khen bạn rồi mỉm cười nói tiếp, gương mặt cố làm vẻ nghiêm trọng nhưng không giấu được ẩn ý khôi hài:
“Chà, kỳ này bạn già về thăm quê lại ưa mua vé số đó nhen! Bộ tính trúng số rồi ở luôn hả? Hay là đã gặp một em trẻ đẹp nào nên mua vé số, mong trúng lớn để lập phòng nhì?”
Nghe bạn nói đùa, ông Thành chỉ biết cười trừ. Thời buổi này đã có biết bao chuyện dở khóc dở cười dính líu đến quý ông bà Việt kiều “vinh quy bái tổ”. Ông đã quyết định không tiết lộ câu chuyện chú bé bán vé số với bạn. Nếu ông kể ra, cách nào bạn ông cũng không tin mà còn khuyên ông phải cảnh giác, biết đâu đó là một chiêu làm tiền... Bạn ông đã bảo bó tay chấm cơm. Riêng ông, những gì ông vừa trải qua khiến ông tin rằng tương lai Việt Nam sẽ tươi sáng hơn với triệu triệu người trẻ tuổi như Hiển, một chú bé bán vé số biết nhận ra lằn ranh đạo đức và gian dối, thiện và ác, ánh sáng và bóng tối... Và, ông Thành thầm nghĩ, phải chăng đời không là những canh bạc, những tấm vé số may rủi như thiên hạ thường nói mà là một chuỗi lựa chọn?
- Mai Vàng Trên Đảo Bidong Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Mùa Xuân Trở Lại Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chiếc Áo Nhà Binh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cội Nguồn Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cặp Song Sinh Ái Nhĩ Lan Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Hãy xét đoán cho công minh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vác chõng mà đi Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Theo Đạo Vợ Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vé số cuộc đời Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chuyện Một Ngôi Sao Đào Anh Dũng Truyện ngắn