|
Đỗ Khánh Hoan(5.8.1934 - 3.10.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Tâm Thanh
(1942-2015)Được tin nhà văn Tâm Thanh (Ngô Thanh Tâm) qua đời hôm thứ năm 9/4/2015 tại Na-Uy. Lễ an táng sẽ cử hành vào lúc 10 giờ ngày 18/4/2015 tại nhà thờ Lillestrøm.
"Học Xá" xin chân thành phân ưu cùng tang quyến. Nguyện cầu Linh hồn nhà văn Tâm Thanh sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Truyện ngắn nhà văn Tâm Thanh nhẹ nhàng, trong sáng, đầy tình người và hướng về chân thiện mỹ. Đọc truyện của ông, người đọc thấy tâm hồn thanh thản và yêu cuộc sống hơn.
Xin đăng truyện ngắn dưới đây, như đốt một nén nhang tưởng niệm tác giả.
Học Xá
Trong vòng hơn nửa thế kỷ nay, chưa bao giờ tuyết rơi nhiều như năm nay, đài nói như thế. Tuyết ngập hết đường đi. Cái xe Jeep đậu dưới bãi bị tuyết phủ trông như cái mả vôi. Khi Bảo ý thức được hiểm nguy thì không lấy xe được nữa, không chạy kịp nữa. Lúc đầu thằng con trai, Titu, còn khoái chí vì cảm giác phiêu lưu, sau hoảng hốt vì sợ bị bỏ rơi trên núi, bị vùi dưới tuyết không ai tìm thấy. Tuy vậy đầu óc thằng bé tò mò vẫn còn nghĩ được tới ... khoa học, hỏi mẹ:
“Nếu mình bị chết ở đây xác được ướp đá, tới ngày 17 tháng 5* chưa thúi, phải không má?”
“Con đừng nói dại. Chết làm sao được! Ba sẽ lên cứu mình. Không thì cũng có Ðội Cứu Nạn.”
“Má gọi cho ba nữa đi.”
“Má gọi cả trăm lần rồi. Ðiện thoại mobil của ba tắt rồi.”
“Má đưa cho con gọi!”
Titu cũng không hơn gì má. Mấy ngày đầu, kể cả khi chớm bão tuyết, Bảo vẫn còn liên lạc được với chồng. Từ tối hôm qua, chỉ nghe giọng nữ của công-ty Telenor nhắn không mệt mỏi: “Ðiện thoại tắt hoặc nằm ngoài tầm phủ sóng.”
Bảo nổi giận ngang:
“Gọi ba con làm gì nữa. Ông ấy mắc lo cho người khác...”
“Người khác là ai vậy má?”
“Mấy cô ca sĩ từ Mỹ qua.”
Bảo tức khi nghĩ Vinh cho vợ con lên núi trước vì anh bận đi đón hai cô ca sĩ sinh đôi Vân Hà, Vân Hương từ Mỹ sang. Ðúng là đem con bỏ chợ!
“Qua thăm nhà mình?”
“Ai thèm tiếp mà thăm. Qua hát thí cho chùa ấy mà.”
“Thí là gì, má?” “Là hát không lấy tiền. Mấy ca sĩ hát dở thì đi hát thí.”
“Sao má không đi hát... thí?”
Bảo phì cười, cú đầu con, đứng lên hát một câu “Trông kìa con voi nó đứng rung rinh...” rồi hỏi:
“Vầy mà dở à?”
“Dở!”
Bảo mở tủ lạnh coi, thấy có đủ thực phẩm cho vài tuần. Chị nhìn nửa nải chuối nghĩ nó mọc ở mãi Châu Phi, bây giờ bị kẹt trong bão tuyết, và vặt một trái đưa cho Titu.
“Con chê má thì... đi theo mấy cô đó đi!... Bố nào con đó.”
“He he... má ghen!”
Câu nói quá bất ngờ từ mồm miệng con trẻ khiến Bảo bối rối. Thằng bé đâu có ngờ nó bắn trúng boong một tâm điểm trong bóng tối của mẹ. Nhưng bên ngoài Bảo không thừa nhận điểm tối đó, cả với con lẫn với chính mình. “Con nói bậy! Ba thương má nhất, việc gì má phải ghen? Má chỉ không thích ba bỏ má con mình trên núi đi đón người dưng, vậy thôi.”
Thằng bé làm thinh, có vẻ như nó đã bị mẹ thuyết phục. Nhưng Bảo lại không bị thuyết phục bởi chính mình, trong thâm tâm chị cho rằng chồng không coi mình là ‘nhất trên đời’, giới răn số một, nhân quyền tối thượng. Anh có thể bỏ mạng sa trường vì nhiều người đàn bà khác, kể cả một ca sĩ hát thí. Nhưng không bao giờ thèm làm việc gì chiều ý vợ.
Cái tivi cũng chết, có lẽ bão tuyết làm hư cái chảo tiếp vận hoặc cột ăngten nhà hư. Bảo biết là tình trạng tồi tệ thêm. Mẹ con chị vây khốn, trong một hoàn cảnh không ai nhận sự đầu hàng. Nghĩ tới lúc Vinh tìm được xác mẹ con chết rữa trên chòi, Bảo sướng quá. Tuy nhiên, chị vẫn sợ chết. Củi trong lò sưởi tàn, chị không chêm thêm nữa, để phòng trường hợp đứt điện. Chị bảo con nướng cái kẹo đường xốp cuối cùng trước khi than tàn, nhưng nó ngồi yên ngước mắt nhìn vào góc cái cửa sổ chưa bị phủ tuyết, nó muốn để dành cục kẹo cuối cùng, hay nó không còn tha thiết gì nữa, người mẹ không đoán được. Chỉ đau lòng.
Bảo điện thoại về cho một người quen trong ban tổ chức văn nghệ để hỏi xem Vinh ở đâu, nhưng không ai trả lời.
“Titu, làm cách nào để tìm sổ điện thoại trong máy cầm tay?”
Titu cầm máy bấm, trả lời:
“Trống trơn.”
“Tại hồi đó ba tính ghi cho má mà má nói không cần, bây giờ cần thì không có.”
Bảo tiếc những việc nho nhỏ của chồng mà chị cho là bầy đặt. Cả số điện thoại cấp cứu Bảo cũng không buồn nhớ. Ðể cho Vinh lo, trong thâm tâm Bảo nghĩ như thế.
“Số 113, má!”
“Giống bố cái tính này đôi khi cũng được việc,” Bảo nghĩ thầm. Nhưng nói: “Rồi làm sao nói cho họ biết được mình ở đâu?”
“Ba có cái máy GPS.”
“Là cái gì?”
“Cái máy cho biết mình ở đâu, ba mới mua. Mấy lần ba với con đi rừng có mang theo.”
Hai mẹ con không ai bảo ai, chia nhau đi lục hộc tủ, ngăn kéo, kệ sách để tìm cái máy định tọa độ. Cái máy không nằm trong tủ hay kệ mà nằm ngay trong vali hành lý. Vinh nhét vào lúc nào Bảo không hay.
Ðội Cấp Cứu bảo họ bị tràn ngập công tác. Tình trạng của hai người chưa nguy kịch, họ ưu tiên cứu những người nguy kịch hơn, rồi sẽ cứu hai mẹ con sau. Nghe vậy Bảo cũng yên tâm. May mà vừa nói xong thì điện thoại hết pin. Chị đi dọn dẹp những đồ đạc mà hồi nãy đã vung vãi ra trong lúc lục cái máy GPS. Chị mân mê những tấm ảnh gia đình mà chồng chụp mỗi lần đi chơi, từ lúc chưa có Titu tới tuần nghỉ Lễ Phục Sinh mới đây với tấm hình Titu câu được con cá hồi 950 gr. Và chị giấu vội tấm hình khỏa thân Vinh chụp mình trong rừng ố trong một lúc hoang thú. “Cái gã dâm tặc này cũng biết nghệ thuật!” Bảo nói thầm, và người chị nóng ran lên như buổi trưa hè hôm đó. Chị giật mình nghe con gọi:
“Má! Cuốn sách này đẹp lắm, má coi đi!”
Bảo lại bên con kê đầu đọc. Ðó là một cuốn sách tranh thiếu nhi. Trang bên trái là hình vẽ kiểu như bích họa trong hang động, cực kỳ tinh xảo, linh động. Trang bên phải là chữ viết tay rất đẹp. Yên tâm sẽ được cứu, không sớm thì muộn, Bảo đốt lại lò sưởi và cùng con đọc lại từ đầu:
Con Linh Dương
Ngày xưa tại Nambia, Nam Phi Châu
Nơi có nhiều núi cao rừng sâu
Và hoang thú thảnh thơi
Bên suối đồng xa chân trời
Mùa thu lều cạn lương
Ðoàn người lên rừng săn linh dương
Mũi tên dài lao trúng
Con linh dương khờ khạo nhất, vào bụng
Con vật khốn khổ không chết
Triền núi nhấp nhô vừa chạy vừa lết
Chân nọ đá chân kia
Xiêu vẹo như người say
Những người đi săn bỗng thấy hay hay
Như coi màn kịch múa may
Họ vừa cười vừa bắt chước
Chân nọ đá chân kia
Chân kia đá chân nọ
Miệng cười, chân đá vô tội vạ
Ðến khi mình đầy vết thương
Như con linh dương
Từ đó những người đi săn bảo nhau
Con linh dương nó biết đau.
Cuối sách có lời chú thích:
“Phỏng theo bích họa tìm thấy trong một hang động tại Nam Phi. Và được người thế kỷ sau chấm là truyện cười hay nhất thế giới.”
Thấy con trai nghi ngờ, Bảo hỏi:
“Con thấy hay không?”
Thằng bé lật cuốn sách khổ lớn, dừng lại ở một trang, đọc lại, miệng tủm tỉm cười, trả lời mẹ:
“Con thấy con linh dương chạy cà tưng, chân nọ đá chân kia thì tội nghiệp chứ không có gì đáng buồn cười.” Nhưng tới đoạn mấy ông đi săn tự đá vào chân mình bị thương thì thằng bé phì cười nói, “Tức cười quá!”
Bảo đồng ý với con. Nhưng còn một điều thắc mắc mà chị không muốn, đúng ra là không dám, đặt ra cho con, sợ nó không trả lời được, hỏi lại thì chị cũng bí. Chị sẽ hỏi chồng điều này, và sẽ hỏi anh mua cuốn sách này hồi nào mà không đưa cho Titu coi.
Chiều hôm sau Ðội Cứu Nạn bốn người tới bới tuyết và đưa mẹ con Bảo ra khỏi chòi nghỉ mát. Họ chở mẹ con bằng xe scooter trượt tuyết ra đường cái, rồi đưa lên xe cứu thương chớ không chở ra bến xe cho về Oslo. Khi thấy xe đi vào con đường tới bệnh viện Trysil, Bảo ngạc nhiên, vịn vai cô y tá ngồi bên.
“Cám ơn quí ông bà,” Bảo nói. “Nhưng chúng tôi khỏe mạnh cả, không cần vô bệnh viện đâu.”
“Có một người đang ở trong bệnh viện, chắc bà muốn thăm,” cô y tá trả lời.
Bảo giật mình:
“Ai vậy?”
“Chồng bà.”
“Trời ơi! Anh ấy ở trong bệnh viện? Có sao không?”
“Qua khỏi rồi.”
“Anh ấy bị sao vậy?”
“Bị tệ hơn bà và cháu đây nhiều. Ông ấy bị tuyết vùi trên đường tới với bà, chỉ cách mấy trăm mét thôi.”
“Nhưng sao các vị biết được mà cứu?”
“Nhờ bà cho tọa độ hơi sai.”
“Con tôi đọc theo máy.”
“Máy GPS cho tọa độ sai từ 10 tới 50 mét là thường. Chúng tôi lại tính sai một chút. Nhờ thế mà tìm ra ông. Ðó là một tình cờ may mắn lớn.” Cô vuốt ve con chó Bernard, tiếp: “Và chú này.”
Vinh đã tỉnh táo. Anh nằm ôm vợ con vào lòng nghe họ khóc hạnh phúc.
Kết quả khám nghiệm xác nhận Vinh hoàn toàn lành mạnh và bình phục. Dù là sáu giờ chiều tối mịt, Vinh xin xuất viện và bác sĩ chấp thuận để anh về với vợ con.
Trên chuyến xe buýt cuối cùng về Oslo, Bảo cầm tay chồng hỏi:
“Anh còn nhớ cuốn sách về câu truyện săn linh dương ở Nam Phi không?”
“Nhớ. Sao?”
“Anh thấy truyện đó thế nào?”
“Em đọc rồi à?”
“Titu chỉ cho em đọc, lúc bị kẹt trên chòi.”
“Tốt. Ðó là truyện cho Titu, truyện thiếu nhi. Nhưng cũng là truyện người lớn. Truyện được coi là truyện cười hay nhất thế giới.”
“Ðó chính là điều em muốn hỏi anh. Truyện tuy ý vị thiệt, nhưng không thể coi là hay nhất thế giới được.”
Titu nghênh đầu lên chờ câu trả lời của ba.
Vinh cúi xuống con:
“Nó hay ở cái chỗ vừa cười vừa khóc. Tất cả các truyện hay là những truyện vừa cười vừa khóc. Ông giẳng ông giăng ông giằng búi tóc ông khóc ông cười. Trong vài hình ảnh câu truyện này vừa làm người ta cười vừa có thể khóc. Con hiểu không?” Rồi quay sang vợ anh nói: “Hài kịch nằm trong bi kịch. Và ngược lại. Thế là hết ý!”
“Triết như vậy,” Bảo bẻ giọng ẻo và kéo dài chữ ‘triết’ “mà tại sao lại đưa vào thành truyện thiếu nhi, anh?”
“Bởi vì cuộc đi săn đó tóm lược con đường mòn chông gai nhưng kỳ thú nhất để trẻ con thành người lớn.”
“Như thế nào, anh?”
“Biết đặt mình vào địa vị người khác.”
Còn câu hỏi mua sách hồi nào mà không đưa cho con coi mà lại giấu trên chòi, Bảo quên hỏi. Cũng chẳng quan trọng, đằng nào chị và con cũng được đọc rồi.
* Chú thích: 17 tháng 5 là ngày lễ Quốc Khánh Na-uy, trẻ em mong chờ chỉ thua Lễ Giáng Sinh và sinh nhật của chính chúng.
- Lụa Bạch Tâm Thanh Truyện ngắn
- Câu Truyện Hay Nhất Thế Giới Tâm Thanh Truyện ngắn
- Thiên Hương Về Trời Tâm Thanh Truyện ngắn
- Bức Thư của Nhà Văn Tâm Thanh Tâm Thanh Thư
- Trích Tiên Tâm Thanh Truyện ngắn
- Gỗ Thức Trên Rừng Tâm Thanh Truyện ngắn
- Đào Anh Dũng, Một Khoảng Cách Gần Gũi Tâm Thanh Giới thiệu
- Đọc Phạm Tín An Ninh Tâm Thanh Nhân định
- Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, tập truyện mới của Phạm Tín An Ninh Tâm Thanh Giới thiệu
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
• Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng (Trần Hồng Văn)
• Trăm nghìn nhánh khổ (Vũ Thế Thành)
• Một Đêm (Trần Yên Hòa)
• Cây Thập Tự Giá (Trần Hồng Văn)
• Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’ (Hoàng Thị Tố Lang)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |