|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Phạm Tín An Ninh
Truyện của Phạm Tín An Ninh đi thẳng vào lòng người, thực ra không cần mưỡu đầu hay bạt đuôi. Nếu phải có, thì người viết, ngoài thế giá văn chương, nên là một người phần nào đã trải qua như anh - từng xông pha trận mạc, từng đi tù cộng sản, từng vui tuổi thơ hoa mộng, từng một thời đào hoa bay bướm, rất chiu chắt tình bạn, và bây giờ được bình tâm ôn chuyện xưa ... Người như thế không hiếm trong số các bạn hữu đông đảo của anh. Nhưng anh Ninh lại thích dành danh dự cho một người hoàn toàn không đạt được một tiêu chuẩn nào trong các tiêu chuẩn trên - một độc giả thầm lặng trong số hàng vạn độc giả của anh.
Độc giả này chỉ có mỗi một ưu thế là cư ngụ chung với tác giả trên một vương quốc nhỏ bé yên bình miền Bắc cực. Và vì là đồng cư của anh, trong thời gian gần đây, hầu như mỗi tuần độc giả này lại nhận được một điện thư hỏi "Bạn ở Na-uy có biết Phạm Tín An Ninh không, sao viết cảm động thế ?" Câu trả lời rất đơn giản: Phạm Tín An Ninh là một người sống thiết tha, và viết chân thành. Văn anh trở thành một dòng chảy hồn nhiên bắt nguồn từ đời sống và song song với đời sống. Anh kể về đời tù cải tạo ở Nghĩa Lộ với cùng một giọng đôn hậu như khi kể về tuổi thơ ở Vạn Giã, Nha Trang.
Anh Ninh sống thế nào viết thế nấy. Nhờ đó, mỗi câu chuyện, dù rất lạ lùng, ẩn hiện bóng dáng quen thuộc của chính người đọc. Nhiều hình ảnh đẹp khó tìm thấy trên đời (như quản giáo Nguyễn Văn Thà trong truyện ruột Ở Cuối Hai Con Đường), không cần tác giả cam đoan có thật, ta vẫn muốn tin là có thật, để đời đáng sống hơn. Đọc Phạm Tín An Ninh ta có cảm tưởng như những mảnh đời phiêu bạt tha thiết gọi nhau, sum họp trong lòng mình. Chuyện vinh nhục đời lính, chuyện đắng cay tù cải tạo, chuyện HO ở tuổi tri thiên mệnh ... từ trên 30 năm nay đã hàng ngàn người kể, đến nỗi sắp thành nhàm chán, bỗng Phạm Tín An Ninh xuất hiện, khai quật những di tích mới.
Làm mới chuyện cũ, biến chuyện cũ thành gần như cổ tích thời đại, là đóng góp đặc sắc nhất của anh trong văn đàn hải ngoại. Khác với cổ tích thần tiên, truyện của anh chứa nhiều nghịch cảnh, đọc dễ chảy nước mắt, nhưng chúng ta có thể yên tâm mà đọc, vì trong mọi nghịch cảnh, kể cả thảm cảnh thù hận và tình yêu tan vỡ, Phạm Tín An Ninh không bao giờ dập tắt ngọn nến cuối cùng - niềm tin.
Trên con đường thành công quá bất ngờ, anh thường tâm sự mình không phải là nhà văn. Nhưng anh đã cầm bút như bất cứ nhà văn lớn nhỏ nào - khai thác đời sống. Anh tìm người. Anh săm soi tìm người, và anh may mắn hơn Diogènes - không cần thắp đuốc lang thang, anh vẫn thấy bóng người ở mọi ngả đường. Dù đôi khi dáng người mờ nhạt sau dáng thú - như nơi nhân vật Hồng Hương trong truyện Chiếc Nhẫn - anh vẫn phù chú ‘bắt’ đương sự cởi bỏ lốt thú. Hoặc giả trong những tình huống hoàn toàn bế tắc - như trong truyện Ba Dòng Nước Mắt, một phiên bản mới của Lưu Bình Dương Lễ - anh lại khai thông, cho tất cả chảy về hồ thủy chung, cái chung thủy không chỉ cần thiết cho tình vợ chồng. Thủy chung với nhau và thủy chung với căn tính con người hình như là đặc tính của cả văn lẫn người Phạm Tín An Ninh.
Nhờ sống và nhìn đời bằng phong thái ấy mà anh cho chúng ta thấy ở cuối mọi ngả đường luôn hiện ra một điểm hội tụ sáng ngời nhân tính.
Muốn mua sách, Xin bấm vào hình
Với nhiều người mến mộ, nhà văn Phạm Tín An Ninh thường nói: ông không phải là một nhà văn. Thực ra từ những ngày thơ ấu ở làng Phú Hội, huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, qua những ngày di học ở Nha Trang, Sài gòn, những ngày trong quân ngũ như hầu hết thanh niên Việt ở cùng thời, cùng tuổi, cho tới những năm bị kẻ chiến thắng đầy đọa trong các trại khổ sai mang danh trại "cải tạo," ông chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ cầm bút để viết truyện. Chỉ sau khí "trải qua một cuộc bể dâu," khi cuộc sống đã tạm ổn định trong cảnh lưu lạc cách quê hương nửa vòng trái đất, nhất là trong những lúc thật buồn, ông mới dành được chút thời giờ ngồi viết lại những kỷ niệm cũ để giải toả bớt phần nào những u ẩn trong tâm tư. Ông cho biết hầu hết các bài viết truyện ngắn của ông đều bắt nguồn từ những sự kiện có thật trong cuộc đời của chính ông, của gia đình, họ hàng và những bạn bè thân.
Phạm Tín An Ninh nhận định về việc ông được mến mộ một cách rất khiêm nhượng. Theo ông ở thế hệ chúng ta, ai cũng phải trái qua nhiều mất mát, thăng trầm. Vì thế khi đọc ông, hầu hết độc giả đều thấy sự đống cảm, và do đó, đã dành cảm mến cho tác giả. Ông được coi như đã "viết hộ," "nói ra hộ" nhiều người không có cơ hội cầm bút hoặc năng khiếu vận dụng ngòi bút.
Có người cho rằng cảnh ngộ của cá nhân và đất nước đã khiến Phạm Tín An Ninh thành công như một nhà văn: sự sụp đổ của miền Nam năm 1975 với những đau thương, ngang trái ông đã phải trải qua hay chứng kiến. Tuy không ai muốn đón nhận, đau khổ trong cuộc đời vẫn là những đóng góp hữu ích cho văn chương. Cuộc đời nhà thơ Đỗ Phủ với những cảnh trong xã hội chung quanh khi biến loạn An Lộc Sơn xảy ra đã là một dẫn chứng cụ thể. Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San cũng cho rằng những từng trải trong cuộc sống khiến văn chương thêm già dặn và phong phú: "Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí, Nhân bất phong sương vị lão tài" (Không có "núi" và "nước," văn không có khí lạ, không trải qua sương gió, người chưa có khả năng già dặn).
Chính những thương đau, tủi nhục xảy tới cho bản thân, gia đình, bạn hữu cùng bao người quen biết sau những tan tác năm 1975 đã giúp Phạm Tín An Ninh chất liệu để hoàn tất hầu hết các truyện ngắn cửa ông, nhất là "Chiếc nhẫn cưới," Đà Lạt trời mưa," "Ba dòng nước mắt," Người bán sách trên bãi biển Nha Trang"...
Cũng công bình mà nói, không nhiều người viết có được những cơ duyên hữu ích cho việc xây dựng truyện như ông. Gặp được một quản giáo còn có tình người và lương tâm như Thượng úy Nguyễn Văn Thà trong một trại "học tập cải tạo" đã là một may mắn hiếm có. Nhưng sau đó, lại gặp trên đất Na uy con của một nhân vật từng giữ địa vị cao của chế độ Hà nội để có thể nhắn tin, tìm cách giúp ông Thà đã bị "phục viên" về sống ở Nghệ Tĩnh, cộng thêm mối giao tình với một Đại tá Ba Lan, người đang giữ trọng trách trong ngành Cảnh sát nước này, để nhờ đó có thể giúp hai người con ông Thà đang lưu lạc trên đất Ba Lan một cách thực tiễn, thì quả là những hạnh ngộ đặc biệt. "Ở cuối hai con đường" không thể thành công như chúng ta đã thấy nếu tác giá không có những cơ duyên đặc biệt ấy.
Trên một khía cạnh khác, dù có nhiều từng trải, nhưng nếu người trải qua cảnh ngộ không có một cái "tâm" đồng cám thì câu chuyện chưa chắc được lưu ý đúng mức để có thể viết ra. Cho dù có được viết, đôi khi cũng chỉ thành những chuyện kể thiếu sâu sắc. Từ nhỏ, ai trong chúng ta không có ít nhiều liên hệ đáng ghi nhớ với họ hàng, bè bạn, không chứng kiến một số cảnh đau khổ? Từ sau 1975, bao nhiêu người trải qua hoặc thấy tận mắt những oan trái, thương đau. Nhưng số lượng tác phẩm chan chứa tình cám, có thể khiến người đọc xúc động vẫn chưa xuất hiện nhiều. Phạm Tín An Ninh quả có nhiều từng trái và cơ duyên đề thành một nhà văn, nhưng yếu tố chính khiến ông trở nên một nhà văn được quý mến không chỉ ở những ưu điểm ấy.
Một đặc điểm nổi bật trong hầu hết các truyện của Phạm Tín An Ninh là chan chứa tình cảm và tình người. Khi kể lại những đau khổ, bất công bản thân mình phải gánh chịu, ông viết rất bình thản, nhẹ nhàng. Nhưng khi kể lại những đau khổ, bất công người khác phải gánh chịu, hoặc khi kể lại những hi sinh của người khác, ông tha thiết và chân thành. Nói chung, tác phẩm của ông là tác phẩm của tình người, với niềm trắc ẩn, sự cảm thông, lòng hi sinh và thương yêu.
Qua Phạm Tín An Ninh, những người Việt không hề quen biết trước, chỉ cần chút "đồng cảnh," cũng đủ để thương nhau. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bức thư người con bà Vương Chu Khánh Hà (một bà cụ gốc Hà nội, "cái thời còn một Hà nội thanh lịch"), gửi cho tác giả, một tù "cải tạo" cũ, ở cuối truyện "Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ":
Không ngờ chỉ có mấy ngày ngắn ngủi rất xa xưa, mà mãi đến nay Anh vẫn còn nhớ đến mẹ con em. Riêng em thì gần như đã quên chuyện ấy nếu không có Anh nhắc lại hôm nay.
Giờ em mới nhớ lại, sau khi các anh rời khỏi nhà em, mẹ em khóc mất mấy hôm. Bà bảo phần thì tội nghiệp các anh, phần thì nghĩ tới số phận oan khiên cua gia đình em vào những ngày Đảng vừa lên nắm chánh quyền. Bà bảo các anh và gia đình chúng em cũng cùng gánh chung số phận."
Sau khi cho biết bé Khiêm đã qua đời (đứa bé từ quê hương Nghĩa Lộ ngoài Bắc đã phải vào tận Sàigòn đánh giày kiếm sống và được tác giả tặng tiền giúp đỡ sau khi phát hiện là cháu một ân nhân cũ), người cha của cháu viết cho tác giả như sau:
Bây giờ cháu cũng đang nằm bên cạnh ông bà nội và cô út của nó, chắc cháu cũng đuợc ấm lòng nơi chín suối. Chúng em tin là cháu sẽ mãi mãi theo phù hộ cho Anh trong những ngày Anh xa quê, lưu lạc xứ người."
Chúng ta hãy đọc một đoạn trong "Những điều mơ ước," viết về cuộc đời của Cô Út, người cô ruột không lập gia đình, đã chăm sóc và yêu thương tác giả từ sau khi mất mẹ ở tuổi lên ba:
"Ngày mãn phép, tôi trở lại đơn vị, Cô giặt ủi mấy bộ áo quần của tôi xếp vào túi xách, kèm theo một gói xôi đậu xanh để ăn dọc đường. Ngồi trên xe đò, khi lấy gói xôi ra ăn, tôi thấy có một cái túi nhỏ may bằng vải, mở ra mới biết, một xấp tiền mới tinh xếp ngay ngắn trong đó. Nhớ tới Cô, nước mắt tôi cứ trào ra."
Và đây là tình cảm giữa hai cô cháu khi tác giả phải bỏ nước ra đi:
"Khi tính chuyện vượt biển, tôi tâm sự xin Cô cùng đi
với chúng tôi. 'Dù trôi nổi ở đâu, có Cô bên cạnh là con
mãn nguyện rồi.' Nhưng Cô bảo Cô đã già, không muốn
rời bỏ quê hương, hơn nữa còn phải trông coi ngôi nhà
từ đường và mồ mả ông bà, không để cho hương tàn khói lạnh...
"Mấy ngày sau, tôi thấy Cô xuống tóc là ăn chay trường. Đêm nào cũng quì trước bàn thờ. Tôi biết là Cô đang cầu nguyện cho tôi đi đến bến bờ. Hôm tiễn biệt, Cô nắm chặt tay tôi: 'Xin ông bà và cha mẹ con phù hộ cho vợ chồng con và mấy đứa nhỏ,' rồi im lặng nhìn tôi với hai hàng nước mắt."
Theo Phạm Tín An Ninh, người Việt Nam sẽ có đủ khả năng để tỉnh một cơn ác mộng, nhận ra những sai trái, và biết thương yêu nhau. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bức thư ông nhận được từ Thượng úy Nguyễn Văn Thà trong truyện "Ở cuối hai con đường":
"Hơn ba năm nay, tôi bị ốm nặng, nằm liệt giường. Nhờ chị em cháu Hà gởi tiền về nuôi tôi và cả gia đình, tôi mới còn sống được đến hôm nay. Biết trốn lại Ba Lan, không có giấy tờ, hai cháu sẽ khó khăn ghê lắm, nhưng vẫn còn hơn là về lại bên này. Có làm suốt ngày cũng chẳng đủ ăn. May mà nhờ các anh hết lòng giúp hai cháu. Cái ơn này biết khi nào chúng tôi mới trả được cho các anh đây.
"Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian."
Cùng với Phạm Tín An Ninh chúng ta ước mong những điều Thượng úy Thà nhận thức được trước khi hấp hối cũng sẽ là nhận thức chung của đa số người Việt:
"Không ngờ lá thư đầu tiên này cũng là lá thư cuối cùng chúng tôi nhận được từ anh Thà. Anb dã qua đời sau đó không lâu. Nghe cháu Hà kể lại, khi hấp hối, anh bảo vợ anh mang mấy cái huy chương anh được cấp trong tbời chiến tranh, đào lỗ chôn xuống phía sau nhà. Anh thầm thì: 'Xin hãy chôn chặt hộ tôi cái quá khứ đau thương và lầm lỡ đó lại. Chính nó đã gây biết bao chia lìa, tang tóc, và thù hận giữa những anh em cùng một mẹ, không biết sẽ kéo dài cho đến bao giờ?'"
Tuy được xây dựng trên những dữ kiện có thật, nhiều truyện của Phạm Tín An Ninh được dàn xếp rất khéo. Dùng yếu tố bất ngờ, ông đã tạo cho người đọc nhiều ngạc nhiên thích thú. Trong "Đà Lạt trời mưa," sau khi để ta thất vọng, có phần bực bội, vì "ca sĩ Hà anh" trong buổi họp mặt của Hội Đồng Hương Đà Lạt ở California, tuy nét mặt vẫn thế, không còn là Hà Nhất Anh tình cảm và tình nghĩa xuất hiện ở Đà Lạt trước kia. Yếu tố then chốt (hai chị em Nhất Anh, Nhị Anh giống hệt nhau) chỉ được đưa ra ở hai trang cuối để câu chuyện được kết thúc một cách thỏa đáng, rất đẹp, và "có hậu."
Trong "Người bán sách trên bãi biển Nha Trang," tác giả về thăm quê lần thứ hai sau hơn 16 năm từ ngày vượt biển ra đi. Mục đích tìm mộ cô em gái để có thể cải táng cạnh mộ thân phụ và thân mẫu trong nghĩa trang gia tộc ở quê chưa đạt được trong chuyến về năm trước. Do mối thiện cảm đặc biệt với một người bán sách dạo nhã nhặn, tư cách, nhưng tàn tật đã gặp trong chuyến về trước, ông để ý hói tung tích người ấy. Khi được biết anh ta đã mất, lòng ông thắt lại vì thương cảm, nhờ người đưa ra mộ để "thắp cho anh nén hương." Sau khi đứng trước mộ thắp hương và nguyện cầu, ông bước sang thắp thêm ba nén hương ở mộ bên cạnh (được cho biết là mộ cửa "cô em gái anh Bá," người bán sách). Nhân tò mò bước lên xem tấm ảnh trên mộ bia, ông lặng người bàng hoàng vì "cô em gái" người bán sách này chính là cô em ruột của ông, ngươi ông đang cố tìm mộ để có thể cải táng về nghĩa trang gia tộc. Sự việc được giải thích một cách thật cảm động sau khi tác giả có trong tay cuốn nhật ký cửa anh Bá. Qua nhật ký, ông được biết rằng anh, một Trung úy phi công ưu tú của miền Nam trước, chính là người yêu chung thủy và tình nghĩa của em gái ông mà vì đời sống trong quân ngũ trước l975, ông chưa có dịp gặp mặt. Chính anh đã dành dụm tiền xây lại ngôi mộ cửa cô, và đã mua phần đất bên cạnh, dành trước cho mình.
Tác giả dùng những hàng sau đây để kết thúc câu chuyện bất ngờ đầy cảm động này:
"Tôi không còn ý định dời ngôi mộ em tôi về bên cạnh cha mẹ tôi. Tôi về quê, quỳ trước mộ cha mẹ để xin phép được xây lại hai ngôi mộ của em tôi và Bá chung trong một vòng thành. Không ai có quyền chia rẽ họ thêm một lần nữa, dù bây giờ chỉ còn là một thế giới vô hình."
Để thuật chuyện, Phạm Tín An Ninh dùng một lối hành văn tự nhiên giản dị. Nhưng điều này không ngăn được nhiều đoạn lời rất đẹp trong các tác phẩm của ông. Trong "Tiểu Thơ," truyện ngắn về mối tình đầu tiên trong đời, tác giả cho biết nhân một chuyến từ Na uy sang Mỹ năm 1989, vợ chống ông tới thăm gia đình một người anh họ ở Sacramento, California. Cùng vợ chồng ông anh đến thăm một ngôi chùa sư nữ để chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho người cháu (con ông anh) vừa qua đời, tác giả được sư bà cho biết có nhiều ni cô gốc Nha Trang cũng đang tu tại đó. Trong bửa cơm chay do nhà chùa khoản đãi, khi được giới thiệu, tác giả đứng dậy chắp tay trước ngực, để giật mình chợt thấy "một đôi mắt thật to, tròn xoe, của một ni cô ở phía cuối bàn." Sau khi viết thêm, "Ni cô cũng vừa nhìn tôi rồi cúi xuống," và, "Trên thế gian này, chỉ có 'Tiểu thơ' mới có đôi mắt ấy mà thôi," tác giả kết thúc truyện như sau:
"Tôi từ giã Sư Bà, trong lúc mắt nhìn quanh như muốn tìm kiếm một điều gì. Nhưng tất cả chỉ có im lặng, ngoài tiếng chuông chùa ngân nga như chẳng bao giờ muốn tan đi trong không gian bao la vô tận.
"Tôi bước ra khỏi cổng chùa. Chùa nằm trên một khu đất bằng phẳng, nhưng sao tôi có cảm giác như mình đang lững thững bước xuống chân đồi. Tôi hình dung đến Ngọc vừa chia tay 'chú tiểu' Lan lần cuối cùng ờ chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, nà ngày xưa 'Tiểu Thơ' đã bắt tôi phải kể đi kể lại bao nhiêu lần."
Truyện "Người bán sách trên bãi biển Nha Trang" vừa tóm lược ở trên được tác giả chấm dứt như sau:
"Cũng như lần trước, ngày cuối cùng, tôi thuê xích lô đi một vòng dọc theo con đường Duy Tân cũ. Con đường đẹp nhất của Nha-Trang. Những cơ sở công quyền, những dinh thự của cán bộ bây giờ được dựng lên nguy nga đồ sộ. Nhìn lá cờ màu đỏ trên mấy nóc nhà, bỗng dưng tôi lạnh toát cả người. Chẳng lẽ những thay đổi 'to lớn' ấy phải xây trên máu xương, trên những đớn đau, chia lìa thảm khốc của bao nhiêu thế hệ đã từng một thời góp súc tạo nên cái thành phố hiền hòa thơ mộng này. Bỗng chốc, tôi không còn nhìn thấy thành phố Nha-Trang đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma, dài ra, vô tận. Tôi nghe trong gió văng vẳng tiếng đàn dạo bài 'Nha-Trang,' mà ngày xưa đài phát thanh Nha-Trang dùng làm nhạc hiệu mở đầu..."
Để hiểu thêm Phạm Tín An Ninh, thiết nghĩ chúng ta hãy cùng đọc đoạn cuối cửa "Dòng sông tuổi thơ," thiên truyện ông viết để ghi dấu ngày giỗ của thân phụ ông, một nhà giáo, nhưng cũng bị bắt đưa vào trại "học tập cải tạo" sau biến cố 1975, và đã qua đời một năm sau đó:
"Rồi mấy óng tù cải tạo lần lượt vượt biên, ra đi theo diện H.O., tha hương lưu lạc bốn phương trời. Mấy ông anh em nông dân bên quê nhà, bây giờ không còn làm chủ một tấc đất, mà được 'làm chủ tập thể,' nghèo lại nghèo hơn. Vài năm sau, mấy ông anh em từ hải ngoại về thăm, chung tiền cất nhà từ đường, xây mồ mả ông bà, chú bác, anh em, cho dù đã chết cho bên này hay bên kia, và giúp vốn cho mấy ông anh em nông dân đi tìm sinh kế khác. Kẻ mua đìa nuôi tôm, người trồng cây điều hoặc chạy xe ôm.
Mười lăm năm sau, lần đầu tiên tôi về thăm quê. Một ông anh họ mà lúc nhỏ đánh bi, đẽo vụ hay nhất trong bọn, rủ tôi ra đìa tôm, xem ông làm ăn nhờ tiền của mấy thằng anh em gốc 'ngụy' chúng tôi góp cho làm vốn. Anh ghé các quán nhỏ đầu làng mua một xách bia SaiGon, bảo 'đem ra đìa nướng tôm, hai thằng nhậu lai rai, rồi kể lại chuyện xưa chơi.'
"Không ngờ cái đìa tôm của anh nằm ngay trên con sông Gốc, đúng cái nơi mà tbằng cháu họ chết đuối khi đi tắm sông cùng với cả đám bọn tôi năm mươi năm trước. Con sông Gốc không còn nữa. Người ta đã ngăn bằng một cái đập phía trên. Phần dưới đập chỉ còn là những cái đìa tôm, loang lổ đất.
Tôi đứng yên lặng trên bờ đìa, hồi tưởng dòng sông năm xưa và những đổi thay của cả một dòng họ. Xa xa nơi cuối cùng con sông, sóng biển vẫn rì rào..."
Ít lâu sau khi đọc "Ở cuối hai con đường" từ một địa chỉ trên Net, người viết những dòng này có cơ duyên được biết tác giả, đúng lúc ông đang viết "Dòng sông tuổi thơ." Khi được Phạm Tín An Ninh cho biết ông đang cùng một số thân hữu thu góp các truyện đăng rải rác trên Net để in thành một tập, tôi hân hoan tán thành. Những dòng này được viết trong tinh thần "tằm trả nghĩa dâu," ghi lại chút tình thanh khí, chút niềm đồng cảm trong văn chương giữa người đọc truyện với tác giá. Rất ao ước sẽ có thể hữu ích phần nào với những vị chưa có hoàn cảnh biết nhiều về Phạm Tín An Ninh.
California, tháng 4 năm 2008
Năm 1970 trong một lần về phép tại Ninh Hòa tôi gặp lại chị Trương Thị Thức, bạn học cùng lớp thời trung học tại trường Trần Bình Trọng. Chúng tôi tổ chức một buổi du ngoạn loại bỏ túi tại bãi biển Đại Lãnh cùng một số bạn học cũ. Lúc đó mặc dù tôi đã là lính, đã có thể được gọi là dạn dày sương gió, nhưng gặp lại chị Thức với một số bạn bè tôi vẫn là một tên học trò mặt còn búng ra sữa như ngày nào.
Trong lúc chúng tôi đang vui đùa trên bãi biển thì một chiếc xe jecp ngừng lại, một sĩ quan nhỏ nhắn dáng dấp phong sương từ trên xe bước xuống. Chị Thức giới thiệu với chúng tôi đó là ông xã. Anh ghé lại đây khi đang trên đường từ chiến trường An Khê trở về hậu cứ. Và tôi được biết anh Phạm Tín An Ninh từ đó. Biết là biết thế thôi, tôi và anh Phạm Tín An Ninh phục vụ ở hai đơn vị khác nhau, chúng tôi là những quân nhân, cuộc sống nay chỗ này mai chỗ kia, giữa sự chết và sự sống cách nhau chỉ bằng một lằn ranh mỏng như sợi chỉ.
Đời lính quen biết được nhau dù chỉ một lần cũng đã gọi là định mệnh. Năm 1975 anh ở tù ngoài Bắc còn tôi thì tù trong Nam. Trôi dạt xứ người anh định cư tại Na Uy còn tôi ở Mỹ. Xa xôi như thế đâu nghĩ rằng với biết bao thăng trầm mà vẫn có lúc liên lạc lại được với nhau, cho dù mãi đến gần ba chục năm sau.
Tuổi đời tôi chỉ là em út của anh Phạm Tín An Ninh, tuổi lính thì anh là huynh trưởng. Khi tôi vừa mang ba lô ra chiến trường thì anh đã dạn dày lửa đạn. Bà xã anh Ninh là bạn học cùng lớp cùng trường cửa tôi, thiết nghĩ rằng bấy nhiêu yếu tố đó gộp lại thì nó sẽ là sự thuận lợi khiến giữa tôi và anh dễ thân tình gần gũi thấu hiểu nhau hơn. Nhưng thực ra tất cả các điều trên chỉ là phụ. Yếu tố chính đem tôi gần với anh hơn đó là những bài viết, những câu chuyện mà anh đem tâm tình trang trải trên đó. Tôi bắt gặp những niềm đau man mác của chính tôi, tựa hồ tất cả những uẩn khúc trong lòng tôi được anh thấu hiểu, mặc dù truyện của anh được kết nối từ những mảng sống trôi trên dòng đời của chính anh. Anh viết như thể anh đang bơi giữa dòng sông đầy cánh lục bình, anh cố sức quơ tay gom góp lại.
Thời còn thơ trẻ tôi say mê Đoạn Tuyệt của Nhất Linh hay Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng. Lối viết truyện của những nhà văn đó khiến cho cảm xúc của tôi cứ man mác suốt ngày. Lớn lên đọc lại tôi vẫn thấy hay nhưng sự man mác không còn vương vấn nữa. Tôi cứ nghĩ rằng do hoàn cảnh của dòng đời biến chuyển cho nên cảm xúc của mình bị chai lì theo thời gian, tuy nhiên mãi sau này khi tôi có dịp được đọc truyện "Những Điều Mơ Uớc" của anh Phạm Tín An Ninh thì bất ngờ những cảm xúc tưởng đã không còn kia nay ùn ùn sổng lại. Đọc xong tôi có cảm tưởng như mình vừa nuốt ngược vào trong những giọt lệ ngậm ngùi. Cảm xúc của tôi không khác gì những cảm xúc trước kia khi tôi đọc truyện cửa nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nhẹ nhàng nhưng thê thiết. Anh Phạm Tín An Ninh viết văn như thể là anh kể chuyện cho ai đó đang nghe và cũng bởi vì anh kể bằng lối văn quá chân thành nên dễ khiến cho người nghe xúc động.
Hầu hết anh viết về số phận của những người lính sau khi cuộc chiến tàn, những người lính cửa cả hai miền Nam Bắc. Hai bên có hai con đường đi riêng biệt, để rồi "Ở cuối hai con đường", nhân nghĩa vẫn thắng bạo tàn - cái chiến thắng âm ỉ trong lòng người - cho dù vào tháng 4/75, những người lính miền Nam đầy nhân bản đã bị bao điều oan nghiệt buộc họ phải trở thành những người bại trận. Nhưng rồi chỉ gần mười năm sau, chủ nghĩa Cộng sản đã hoàn toàn phá sản.
Anh Phạm Tín An Ninh thường tâm sự với tôi và bạn bè anh là anh viết không phải để thành một nhà văn mà chỉ muốn dịu bớt những nỗi đau, vơi đi những gì cứ đè nặng mãi trong lòng anh. Và anh không có ý định in thành sách. Tôi theo năn nỉ anh hết sức bởi vì tôi nghĩ những gì anh viết chính là những câu chuyện cần được lưu lại cho thế hệ sau này, nếu để bị mai một đi thì rất uổng.
Tuy tôi là bạn thân cửa chị Thức, nhưng lại gần gũi với anh Phạm Tín An Ninh hơn vì trong dòng anh trôi nổi cùng có tôi lềnh bềnh trên đó. Khi được biết anh quyết định in thành sách, tôi rất mừng vì sau này khi muốn tìm lại chính mình, tôi chỉ cần giở sách anh Phạm Tín An Ninh ra, và tôi nghĩ sẽ không phải chỉ là riêng tôi thấy mình trong đó mà còn có hầu hết những người lính VNCH cùng chung số phận.
New Orleans tháng 3/2008
Giao Chỉ (San Jose)
... Vì viết văn tử tế nên ông là người tử tế, đi đến đâu cũng có bạn bè, nào là bạn học suốt dọc miền duyên hải quân khu 2, bạn lính trên cao nguyên, bạn tù ở miền Bắc và bạn vượt biên ở bốn phương trời. Bây giờ trong số các nhà văn viết muộn mà nổi tiếng sớm ta có Phạm Tín An Ninh. Nếu không tính đến cuốn sách chúng tôi giới thiệu vừa mới in xong tại San Jose thì ông lại là một nhà văn chưa có tác phẩm. Có phải không? Vì vậy tác giả thật sự có vẻ ngại ngùng khi được gọi là nhà văn.
Bây giờ lại được gọi là Người Viết Văn Tử Tế thì e rằng ông Phạm Tín An Ninh hết sức quản ngại. Vì vậy nên chúng tôi không đi xa vào tác phẩm. Xin để quí vị độc giả tự khám phá xem "Văn Chương Tử Tế" như thế nào? Dù sao, chắc chắn với tác phẩm đầu tay như thế này, tác giả sẽ là người may mắn. Đi đến đâu cũng sẽ gặp toàn bạn bè và độc giả tử tế.
Huy Phương (Thời Báo)
... Đây là một buổi giới thiệu sách mới thành công về cả hai mặt, tài chánh và tình cảm giữa tác giả và người đọc làm ấm lòng một nhà văn đến từ Vương Quốc Na Uy xa xôi. Tác giả Phạm Tín An Ninh là một người được rất nhiều sự yêu mến của bạn đọc ở khắp nơi, nhiều bà cụ già đã đi bộ từ nhà dưỡng lão đến gặp tác giả mua sách, hay trường hợp một gia đình từ Hawaii, có hoàn cảnh bị đánh tư sản mại bản như nhân vật Vương Chu Khánh Hà trong sách đã đến gặp Phạm Tín An Ninh để nói một lời cám ơn chân tình về những điều tác giả đã viết trong sách.
Hoài Mỹ (Nhật Báo Viễn Đông)
... Trước 1975, vào giai đoạn sôi động nhất của cuộc chiến ở miền Nam, chúng ta đặc biệt có nhà văn quân đội Phan Nhật Nam. Ông đã thành công và được ca ngợi qua các tác phẩm phóng sự chiến trường. Nay ở hải ngoại, chúng ta lại có một nhà văn quân đội khác, cũng thành công và cũng được ngưỡng mộ. Đó là Phạm Tín An Ninh.
Dĩ nhiên hai tác giả này có những đặc điểm khác nhau. Sự khác biệt này bởi nhiều nguyên nhân, có thể vì bản tính tuy cả hai đều là những người yêu nước, thương đồng đội, xót xa đồng bào - và cũng rất có thể vì cầm bút vào hai thời điểm khác nhau; người trong cuộc chiến, người sau cuộc chiến tuy cả hai đều lấy chiến tranh làm bối cảnh, lấy nạn nhân của chiến tranh làm "phương tiện", lấy "nhân hậu thắng bạo tàn" làm "cứu cánh".
Nhưng ở Phan Nhật Nam, văn chương của ông hừng hực bốc lửa, nổ vang tựa trái phá, mang sức tiến quân vũ bão. Đọc Phan Nhật Nam người ta không thể ngồi hay nằm mà đọc, nhưng đứng bật dạy, gầm lên, nóng ran toàn thân...
Ngược lại, với Phạm Tín An Ninh, độc giả "đọc dễ chảy nước mắt" (Tâm Thanh), đọc trong thể lặng người, đọc rồi trăn trở, ngẩn ngơ, suy gẫm. "Ông viết rất bình thản, nhẹ nhàng" (Trần Huy Bích).
Tuy nhiên như đã nhận định ở trên, cả hai nhà văn quân đội này đều sử dụng khôn khéo, tài tình văn chương của mình làm thứ "chiến thuật chiến lược" để đánh phá cứ điểm cuối cùng của kẻ thù dân tộc Việt Nam, tổ quốc Việt Nam. Đó là chủ nghĩa cộng sản lạc hậu nhưng vô cùng bạo tàn hiện tiếp tục thống trị quê hương Việt Nam.
GS Nguyễn Thanh Liêm (California)
... Sứ mạng cao cả của tiểu thuyết gia là làm sống mãi một cách linh động những dấu vết của cuộc sống thực của một giai đoạn lịch sử nào đó mà chính tác giả đã từng sống qua, hay đã từng là chứng nhân. Tiểu thuyết gia là sử gia cửa thời hiện tại (Le romancier est un historien du present) như một nhà văn Pháp đã nói.
Những tiểu thuyết nổi tiếng đều ít nhiều phản ảnh trung thực lịch sử của thời đại của tác giả. Ở địa hạt này Phạm Tín An Ninh là một tiểu thuyết gia thành công. Tiểu thuyết của anh cung ứng cho người đọc hiện nay và về sau hình ảnh trung thực của con người và xã hội Miền Nam trước và sau ngày cộng sản xăm chiếm miền này.
...
Với câu chuyện "Ở Cuối Hai Con Đường", Phạm Tín An Ninh không giảng đạo, không viết một bài học đạo đức luân lý nào trong tác phẩm của anh. Anh cũng không triết lý dài dòng. Anh chỉ viết ra một câu chuyện khá đặc biệt, khá ly kỳ, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Và câu chuyện của anh mang đến cho độc giả một thông điệp đầy nhân bản tính: con người trên hết, hãy đối xử với nhau bằng tình người.
Được hấp thụ nền giáo dục nhân bản, được trưởng thành trong xã hội văn hóa nhân bán của Miền Nam tự do, và được định cư tại Na Uy nơi mà người dân và chánh quyền đã bảo trợ, giúp đỡ người ty nạn một cách hết sức lịch sự, hết sức nhân đạo, bằng tất cả tình người, tác giả đã nuôi dưỡng trong tâm một triết lý sống đầy tình người, vô cùng nhân bản. Anh đã thể hiện triết lý nhân bản đó trong tác phẩm của anh.
Nguyễn Linh Giang (Nhật Báo Viễn Đông)
... Đến nay, tên tuổi Phạm Tín An Ninh đã nghiễm nhiên đi vào dòng văn chương Việt hải ngoại, và độc giả mến mộ anh ngày càng nhiều.
... Những câu chuyện được viết bằng một giọng văn hòa ái, giản dị nhưng không kém phần trau chuốt, cốt chuyện thì rất mạch lạc, với kết thúc bất ngờ, trọn vẹn và nhiều ý nghĩa, gợi lên trong lòng độc giả một niềm thương cảm sâu xa.
... Đọc hết tập truyện, độc giả có thể cảm thấy rất thân thuộc với tác giả và có một hiểu biết khá tường tận về những sinh hoạt cửa miền Trung và Nam Việt Nam, cũng như hiểu hơn về cuộc chiến và những người lính cũ.
Người đọc cũng dễ dàng tin tưởng những chuyện đã kể là chuyện thật trăm phần trăm, dù tác giả không hề tuyên bố như vậy mà chỉ để là tập truyện ngắn.
... Nếu bạn đọc hết cuốn sách Ở Cuối Hai Con Đường, có thể bạn sẽ tìm ra nhiều điều thú vị trong cuốn sách đầy tình người này.
GS Lưu Trung Khảo (California)
...Đọc Phạm Tín An Ninh, ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó để mà tiếc nuối, hờn tủi, trách cứ, phẫn nộ và thương xót cho đất nước, cho dân tộc, cho bạn bè, cho vợ con và cho chính bản thân mình.
Tác giả Phạm Tín An Ninh đã trở thành một nhà văn ngoài dự liệu của bản thân ông. Ông viết truyện để giải tỏa những trăn trở và gởi gấm đến độc giả một thông điệp. Thông điệp đó là Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại với thời gian ...
Cổ Ngưu (Việt Báo)
... Ông không bao giờ nghĩ mình là nhà văn nhưng ông sẽ tiếp tục viết lại những gì còn trong ông với tấm lòng của một người Việt nam tha phương. Ông hy vọng những chuyện kể cửa ông cũng sẽ làm vơi đi những dằn vặt trong tâm tư của mỗi người chúng ta.
... Cũng nên nhắc lại trước đây những truyện của Phạm Tín An Ninh đăng rải rác đã làm nhiều người đọc rất ưa thích lối văn giản dị của ông. Nhà Văn Phan Nhật Nam đã nói với bè bạn rằng: "Phạm Tín An Ninh là một hiện tượng trong lối viết hiện nay."Thật vậy đọc "Ở Cuối Hai Con Đường" để thấy một phần đời mỗi người cửa chúng ta trong truyện của ông viết.
Tin Vietnews (San Jose)
... Chỉ một thời gian rất ngắn, sau khi những truyện ngắn đầu tiên được đăng tải trên tuần báo chúng tôi, bốn chữ "Phạm Tín An Ninh" trở thành đề tài được mọi người, nhất là giới văn nghệ sĩ ở hải ngoại nhắc nhở và biết đến.
Tên tuổi của Phạm Tín An Ninh trở thành một hiện tượng mới lạ trong vườn hoa văn học hải ngoại, ngay những bước đầu tiên của cái nghiệp văn chương đã để lại dấu ấn đối với mọi người.
Sở dĩ Phạm Tín An Ninh mau chóng có chỗ đứng trong vườn hoa văn học hải ngoại do bởi văn phong rất đặc biệt của tác giả.
Phan Nhật Nam (SBTN) (Cali, Đất Mỹ, 15/8/2008)
... Cho dù Ở Cuối Hai Con Đuờng là một văn phẩm có giá trị cao do nội dung và tinh thân chứa đựng trong ấy, chúng tôi xin được đề cập đến một điều cao quý, cảm động và hãnh diện hơn - Tình Thương mà Người Lính, Người Lính QL/VNCH hằng chiến đấu, bảo vệ, gìn giữ - Dẫu kinh qua vô vàn khổ đau của chính bản thân, gia đình, chiến hữu, bằng hữu... Nỗi Đau lớn hơn sự chết, ghê gớm hơn cái chết mà toàn Dân Tộc phải gánh chịu trong nghiệp hận oan khiên tưởng như không hề có thật...
Những nội dung qua chữ nghĩa của Người Lính Phạm Tín An Ninh gây nên cảm giác không thể tiếp tục cuốn sách như khi vừa đọc tới chuyện thứ hai... "Chuyện Sắt Son - Về người đàn bà tên gọi là Chị Thà", hoặc đến chuyện thứ ba, "Ở Cuối Hai Con Đường - Về người quản giáo cộng sản ở Trại Nghĩa Lộ, Yên Bái" thì bản thân thật sự rơi vào trạng thái kiệt sức với câu tự hỏi nói ra lời: Sao con người có thể tàn ác với nhau đến như thế? Sao con người (người cộng sản) có thể tàn nhẫn với đồng chí, ngay cả vợ con mình như thế? Tại sao và tại sao...?! Và đến chuyện Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ với cái chết oan khốc bi thương của bé Khiêm thì chúng tôi đã phải kêu lên lời tán thán: Thượng Đế ơi Ngài ở đâu khi con người bị bức hại và đày đọa bởi Sự Ác/Bởi Kẻ Ác?
Tuy nhiên, Phạm Tín An Ninh đã viết xuống với tràn đầy thương yêu qua mỗi giống chữ... Từ đâu anh có năng lực kỳ diệu cảm động này? Từ đâu anh viết ra những câu chuyện kinh hoàng, đáng sợ kia với văn phong bình lặng thuần hậu đến như thế? Anh đã là lính tác chiến thực thụ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh nơi chiến trường Tây Nguyên trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất trước 1975...
Đối với người lính chiến miền Nam Việt Nam, chỉ cần nhắc tên một ngọn núi, như Núi Tà Dôm hay Chu Pao, một con đường, như Quốc Lộ 14, Tỉnh Lộ 7 B; một đồ vật như đôi giầy “xô”, cái nón sắt… là có thể tâm hồn òa vỡ. Vết thương lính có thể lành nhưng ký ức không bao giờ phai nhạt. Nó bừng lên nếu có ai bật nút. Phạm Tín An Ninh là một trong số người bật nút tài tình vào bậc nhất hiện nay. Năm ngàn (5000) cuốn Ở Cuối Hai Con Đường được bán sạch trong vòng một năm chứng tỏ sau 35 năm kết thúc cuộc chiến, truyện lính vẫn hấp dẫn, không riêng đối với lính mà với mọi người ít nhiều có liên hệ tới cuộc chiến. Nếu đặt Ở Cuối Hai Con Đường trong hoàn cảnh thị trường sách và tình hình đọc ở hải ngoại ngày nay, thì tập truyện này là một hiện tượng.
Tôi là người ngán đến mang tai truyện chiến tranh (dù hay như Platoon hay buồn nôn như Deer hunter, thấy trên TV là tôi bật đài khác liền, bởi vì trong những phim ấy tôi chỉ thấy Mỹ và Việt Cộng, không có “Ta” trong đó, “Ta” đã bị loại ra khỏi vòng chiến ngay từ đầu; (nếu có “Ta” là đi đôi với những tướng tá lệ thuộc, ươn hèn). Nhưng tôi thích truyện PTAN. Bạn bè tôi cũng thích và chúng tôi hỏi nhau tại sao chán phim chiến tranh mà độc giả - cả lính lẫn dân - lại thích truyện PTAN? Câu trả lời đơn giản là vì PTAN không kể chuyện chiến tranh (thản hoặc chỉ lấy chiến tranh làm bối cảnh). Anh kể chuyện lính, tức là kể về những con người, trong đó “đánh đấm” chỉ là một khía cạnh. Và không phải người lính đơn độc, mà người lính gắn liền với người dân, với một mối tình. Người lính không chỉ có kiêu hùng mà còn lãng mạn, nhân bản, vị tha. Hình ảnh người lính của PTAN không phải đẹp với bộ quân phục mà đẹp trong suy nghĩ, trong tâm hồn.
Độc giả sẽ thấy những nét đặc thù đó nổi bật hơn nữa trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân.
Hai anh lính trẻ nhận được hai tấm khăn thêu và hai lá thư ‘sao y chánh bản’ tới tận trường tìm cô em gái hậu phương, để sau đó một người thành người tình bạc mệnh, một người thành nhà sư canh mộ cho bạn mình (Gói quà đầu năm). Anh lính Biệt Động Quân gùi đứa con trai bốn tuổi sau lưng, mở đường máu cho đồng đội, để cuối cùng bỏ xác, bỏ con trên rừng thẳm (Rừng khóc giữa mùa xuân). Cô gái cán bộ lâm trường người Hà Giang yêu anh lính tù cải tạo, giúp anh bản đồ, địa bàn và lương khô để vượt ngục; cuộc đào thoát thất bại, cô tưởng anh đã chết, sáu năm mới đi lấy chồng, nhưng anh vẫn còn sống và trở thành một vị thầy tu... (Nghỉ hè ở Mallorca). Những anh lính trẻ hành quân tại Ngân Sơn không bao lâu, ngày lên đường, trên đoàn xe GMC của tiểu đoàn, thấp thoáng những cô dâu mới trong bộ đồ lính trận (Người lính trinh sát). Sau cuộc chiến, dù là người bại trận, họ vẫn luôn dang hai tay ôm lấy cái tình huynh đệ, cố giữ hào khí, tư cách của ngày xưa (Những cánh đại bàng sau cơn bão lửa). Nhiều năm khốn khổ trong lao tù, trở về với một gia đình tan nát, người lính vẫn chịu đưng bao dung, bao nhiêu nỗi oan khiên gởi theo hồn tiếng sáo (Tiếng Sáo).Về già, ngồi “điểm danh”, nhớ thương từng đồng đội cũ, tiếc nuối bao kinh nghiệm chiến trường giờ không biết còn truyền lại cho ai (Lá rụng không về cội)…
Đó là những hình ảnh tưởng chỉ có trong phim về chiến tranh Nam-Bắc Mỹ hoặc Chiến tranh và Hòa bình tại Nga. Nhưng đó là những hình ảnh con người trong chiến tranh Việt Nam. PTAN thu được những hình ảnh đó nhờ anh là lính chiến; anh kể lại chi tiết từng địa danh, năm tháng, không hẳn vì nhờ có trí nhớ tuyệt vời, mà chính vì anh không thể nào quên. Nhưng yếu tố quan trọng không kém khiến cho truyện PTAN có giá trị đặc biệt, là anh có một triết lý riêng để lý giải tất cả mọi việc trên đời - thái độ trước định mệnh.
Cuộc đời trong thế giới PTAN đầy oan trái, và đầy tính định mệnh. Nhưng các nhân vật không thúc thủ trước định mệnh. PTAN tin ”xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Truyện PTAN thường cực kỳ éo le, chằng chịt khúc mắc, dàn dựng khác với phép dựng kịch (dramaturgy) của truyện ngắn cổ điển (vả lại, có bao nhiêu nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn theo sách vở?). PTAN dàn dựng truyện như thế này:
tình cờ - hạnh ngộ - chia ly - đi tìm - thấy - xử trí theo tình nghĩa.
Các truyện trong Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, vì thế, phần nhiều là bi kịch, nhưng luôn luôn có hậu, khuynh hướng mà đa số độc giả trông đợi. Nhờ thế, đọc truyện Phạm Tín An Ninh, dù chảy nước mắt nhưng ai cũng phải hài lòng.
- Lụa Bạch Tâm Thanh Truyện ngắn
- Câu Truyện Hay Nhất Thế Giới Tâm Thanh Truyện ngắn
- Thiên Hương Về Trời Tâm Thanh Truyện ngắn
- Bức Thư của Nhà Văn Tâm Thanh Tâm Thanh Thư
- Trích Tiên Tâm Thanh Truyện ngắn
- Gỗ Thức Trên Rừng Tâm Thanh Truyện ngắn
- Đào Anh Dũng, Một Khoảng Cách Gần Gũi Tâm Thanh Giới thiệu
- Đọc Phạm Tín An Ninh Tâm Thanh Nhân định
- Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, tập truyện mới của Phạm Tín An Ninh Tâm Thanh Giới thiệu
• Phạm Tín An Ninh (Học Xá)
• Phạm Tín An Ninh – Con đường giải oan cho một cuộc bể dâu (Đỗ Trường)
• Ít hàng của một người đọc truyện (Trần Huy Bích)
• Đọc Phạm Tín An Ninh (Tâm Thanh)
• Vài dòng nghĩ về anh Phạm Tín An Ninh (Quan Dương)
• Một số nhận định khi ra mắt tập truyện "Ở Cuối Hai Con Đường" (Nhiều tác giả)
• Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, tập truyện mới của Phạm Tín An Ninh (Tâm Thanh)
Nói chuyện với Phạm Tín An Ninh (chinhnghia.com)
Đọc tác phẩm Phạm Tín An Ninh (Ông Bút)
Nhà Văn Phạm Tín An Ninh Ra Mắt Tuyển Tập Truyện Ngắn (Việt Báo)
Tác Phẩm Mới Của Phạm Tín An Ninh (Hà Nguyên Vy)
Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân: Truyện Thời Chiến Của Phạm Tín An Ninh (Trọng Đạt)
• Đôi điều về một người thầy khả kính: Giáo sư Lưu Trung Khảo (Phạm Tín An Ninh)
• Đỗ Trường – Người Chuyên Chở Văn Học Miền Nam Qua Vũng Lầy Lịch Sử (Phạm Tín An Ninh)
• Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù (Phạm Tín An Ninh)
• Đôi Mắt Mùa Xuân (Phạm Tín An Ninh)
• Huy Phương – trên sân ga cuối đường tàu
Nhà Văn Phạm Tín An Ninh Phát Biểu Về "Vết Chém"
Bài trên mạng:
- taberd75.com - nsvietnam.com
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |