|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Lãng Nhân
(1907 - 2008)
Người xưa nuôi chí lớn hay giữ lòng cao, chỉ mong được một người biết cho, là suốt đời tự lấy làm an ủi:
Khối tình lăn lóc cố câm
Cõi trần, được một tri âm, cũng nhiều! (1)
Là vì có nhiều người đến lúc tay buông xuôi, vẫn còn hậm hực rằng chưa từng gặp ai tri kỷ:
Tri kỷ là người biết ta, hiểu ta, như Bão Thúc hiểu biết Quản Trọng.
Quản Trọng thiếu thời nghèo khổ, thường cùng Bão Thúc buôn chung, lúc chia lãi bao giờ cũng lấy phần hơn, mà Bão Thúc không cho là tham, vì biết bạn quẫn bách, bất đắc dĩ phải thế. Quản Trọng nơi chợ búa thường bị uy hiếp, Bão Thúc không cho là nhát, vì biết bạn có lượng bao dong. Quản Trọng bàn việc mà việc hay hỏng, Bão Thúc không cho là ngu, vì biết là chưa gặp thời. Quản Trọng ra trận ba lần, ba lần đều bỏ chạy, Bão Thúc không cho là bất tài, vì biết còn có mẹ già phải phụng dưỡng.
Quản Trọng bị cầm tù, Bão Thúc cứu ra, lại nhường chức tể tướng, lui xuống làm dưới quyền, vì biết bạn có tài trị quốc hơn mình (2).
Được một người hiểu biết mình như thế, há phải dễ đâu! Bởi vậy, Quản Trọng đã thốt ra một lời chí tình: Sinh ta là cha mẹ, biết ta là Bão Thúc!
Cũng bởi vậy, ai may mắn mà gặp tri kỷ, thì khi có rượu giốc bầu cho đến cạn, hết rượu rồi tình âu yếm gởi vào lời thơ:
Hôm qua, có bạn, rượu lại hết.
Hôm nay, có rượu bạn không biết.
Cất đi, đợi bạn đến lúc nào,
Cùng uống, cùng vui, cùng say tít!
Say sưa quên cả ta là ai
Còn hơn lúc tỉnh nhớ mà mệt...(1)
Bạn chẳng may mà mất đi, thì khóc than thê thảm, đập vỡ quách cây đàn...
Tri kỷ đáng yêu đáng quý bao nhiêu, thì ngày nay trong đám văn nhân, các ngài lại thù lại ghét bấy nhiêu: các ngài có yêu có quý, chỉ yêu chỉ quý những kẻ thực không biết mình!
Những người được trời phú cho một sức tưởng tượng quá dồi dào, ưa nhìn bản thân qua một lần kính hiển vi, thấy mình quả nhiên là tài đong tám đầu, sách chở năm xe, liền xưng thần xưng thánh trong làng văn tự.
Bọn người xu nịnh, được rước mời chiều chuộng, thổi họ lên chín từng mây. Họ hửng mũi, vuốt râu, cho bọn này thực là tri kỷ. Còn tri kỷ của họ - người biết rõ tài khí họ - gián hoặc có nói thẳng để cho tỉnh ngộ, thì họ lại căm hờn giận dữ, hay vuốt bụng thở dài, ngâm một giọng buồn xo:
... quốc sĩ xưa nay,
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng!
Một ngày, dễ mấy ai chọn ra tri kỷ. Vì biết như thế nào mới thực là tri kỷ?
Trang Chu cùng Huệ Tử đi chơi trên bờ lạch. Thấy trong lạch đàn cá đang tung tăng, Huệ Tử nói:
- Đàn cá bơi, vui vẻ lắm thay! (3)
Trang Chu hỏi vặn:
- Là cá đấy ư, mà biết được rằng cá vui?
Huệ Tử cãi:
- Là tôi ư, mà biết rằng tôi không biết cá vui?
Đoạn cãi lẫy này chưa ắt đã ngụy biện. Mình biết lấy mình còn khó thay, huống chi
dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông!
Cho nên, nói rằng mình biết rõ bụng người, thường chỉ là một lời tự phụ, có thể lầm người không biết đến đâu.
Từ Hải hỏi nàng Kiều:
- Lại đây xem lại cho gần, phỏng tin được một vài phần hay không?
Đáp lại câu hỏi ngờ nghệch này, Kiều biết nói sao? Gái trầm luân phải giữ lễ, vả cũng đang mong tế độ, lẽ tự nhiên là phải thưa rằng:
- Lượng cả bao dong, Tấn dương được thấy mây rồng có phen!
Đấng anh hùng bấy giờ, nếu là người từng trải, biết giá trị của những lời xu phụ, ắt đã chẳng:
nghe lời, vừa ý, gật đầu,
cười rằng: tri kỷ trước sau mấy người?
khen cho con mắt tinh đời!
Đại vương sau này chôn chân nơi sa tràng, có biết chăng mình đã lầm vì con mắt tinh đời? Có hối chăng mình đã không tinh đời được như Châu Kỵ?
Quốc Sách chép:
Châu Kỵ, nước Tề, người cao, mặt mũi phương phi. Một buổi sáng, soi gương, hỏi vợ:
- Ta đẹp hay Từ công đẹp?
Vợ đáp:
- Chàng đẹp chứ, Từ công sao đọ được!
Kỵ không tin, lại hỏi người thiếp, thiếp nói:
- Từ công sánh thế nào được với ông!
Có khách đến, Kỵ cũng hỏi thế. Khách đáp:
- Từ công đẹp sao được bằng ngài!
Hôm sau, Từ công đến chơi, Kỵ nhìn kỹ, biết rằng mình không bằng, lại soi gương, càng thấy mình kém xa. Ngẫm nghĩ rồi vào trào tâu với Tề vương:
- Thần vốn biết dung mạo không bằng Từ công, vậy mà vợ thần vì yêu, thiếp thần vì sợ, khách thần vì muốn cầu cạnh, đều nói thần đẹp hơn. Nay nước Tề, đất vuông ngàn dặm, thành quách trăm hai, trong cung ai không yêu đại vương, ngoài triều ai không sợ đại vương, bốn phương ai không mong nhờ đại vương. Coi vậy, đủ thấy người ta che mắt đại vương rất nhiều...
Ở đời, gặp nhau đã khó rồi, biết nhau, hiểu nhau, càng khó hơn nữa bao nhiêu!
Có cuộc gặp gỡ bằng thân yêu, thân yêu vì chưa hiểu nhau nên lầm nhau, đến khi hiểu nhau rồi, lại hóa thờ ơ.
Có cuộc gặp gỡ bằng xung đột, xung đột vì chưa hiểu nhau, hiểu nhau rồi, thì khăng khít gỡ không ra.
Ngoài sự gặp gỡ ở hình thức, lại có những phen gặp gỡ trong tinh thần, lâu bền hơn, đằm thắm hơn. Một câu thơ, một tiếng đàn, một dòng chữ viết, một nét đan thanh, thường xui nên những cuộc gặp gỡ lạ lùng.
Cuốn sách in ra, tiếng đàn vẳng lên, ấy đều là những nhịp rung động của tâm hồn truyền đi bốn phương. Tản mác ra bầu trời, nhịp rung động ấy sẽ gặp bao nhiêu nhịp rung động khác, của bao nhiêu tâm hồn tuy cách xa nhau về thời gian và không gian, nhưng cùng hòa chung một tiếng tơ lòng.
Ta gặp những ai? Nào biết đâu...
Ngoài số người mà ta thuộc mặt nhớ tên, còn bao nhiêu người tuy quen mà chưa biết, bao nhiêu người với ta cùng cảm thông trong linh tính, mà chưa từng ngó thấy hình hài.
Thế thì, thi sĩ há nên chán nản mà ngâm:
Đời vắng tri âm sống cũng thừa! (4)
Hãy khá ngậm ngùi rằng biết bao tri âm lẩn quất quanh mình mà không được gặp.
Không được gặp, ấy là điều không may.
Vì, có khi hạnh phúc cả một đời chỉ tùy ở một phen gặp gỡ.
Hạnh phúc thường đi lẩn bên mình, song ít khi nhận thấy. Một nhịp thang, một chuyến tàu, một căn phòng khách, một cuộc xung đột cỏn con, hạnh phúc ẩn hiện quanh quất chứ không xa. Nhưng, nhưng... có nhiều lúc ở đâu xui đến, không tiện ngỏ lời, không dám tỏ lòng, ta dùng dắng đắn đo, tưởng như còn nhiều cơ hội khác đến sau, lúc nào cũng kịp. có ngờ đâu cơ hội thoảng bay qua!
Cơ hội cũng như thời giờ, đã đi là mất.
Hạnh phúc ở đời, có lẽ ai cũng đã từng có phen đi đến, nhưng rồi ai cũng phàn nàn rằng không được gặp, ấy phải chăng là vì ai cũng đã bỏ lỡ mất hội tao phùng!
Bạn mà trời chọn sẵn cho ta, là anh em: yêu nhau, ghét nhau, hiểu nhau hay lầm nhau, gặp sao ta đành cam chịu, không còn mong đổi.
Thế thì anh em sao quý được bằng người bạn mà ta chọn lấy, cho hợp lòng ta, cho giống chí ta!
Ấy vậy mà từ trước đến nay, những bạn ta gặp được, chọn được, chưa ắt đã thực là tri kỷ, còn bạn tri kỷ thì dường như có đấy, mà lại ít có dịp nhìn ra...
Nào những ai xưa kia tin rằng mình đã gặp được người tri kỷ, vì tưởng rằng: Mình với ta, tuy hai mà một! - Parce que c'était lui, parce que c'était moi - Hai bên ý hợp tâm đầu...
Đến nay, nằm trong đêm tối của thời gian, đã thấy rõ chưa, cái mặt thực của tình tri kỷ?
Dám ngờ rằng ít có ai không phải chua chát mà than cùng Aristote:
- Này các bạn tri kỷ của ta ơi, ở đời không ai là tri kỷ hết!
Đời sở dĩ hiếm tìm ra tri kỷ, phải chăng là vì hiếm người quân tử, như lập luận của Âu Dương Tu?
Âu Dương Tu bàn rằng:
- Quân tử với quân tử, lấy cùng lợi mà kéo bè, ấy là lẽ tự nhiên. Song chỉ có qu6n tử là có bạn,còn tiểu nhân thì ham lợi chuộng tiền, cùng mối lợi ắt hò nhau kết liên, thấy lợi thì tranh nhau, hết lợi thì sơ nhau, có khi lại tàn hại nhau, dù ruột thịt cũng không từ. Quân tử giữ đạo nghĩa, xử trung tín, nghĩ danh tiết: lấy đấy mà sửa mình, thì cùng đạo cùng ích cho nhau; lấy đấy mà thờ nước, thì cùng lòng cùng giúp cho nhau.
Đời Nghiêu, bốn tiểu nhân kéo bè, mười sáu quân tử kết bạn. Thuấn lên giúp Nghiêu, đuổi tiểu nhân, tiến quân tử, thiên hạ đại trị. Khi Thuấn nối ngôi, triều đình hăm hai người, việc gì cũng biết phục thiện và nhường nhịn, hăm hai người một bè mà Thuấn dùng được cả, thiên hạ đại trị. Trụ có ức vạn bày tôi, sinh ức vạn lòng, cho nên mất nước. Chu ba ngàn bày tôi cùng chung một dạ, vận nước mới dấy được lên. Đến Hán Hiến đế, đem cầm tù khắp mặt danh sĩ, cho là cùng đảng; khi giặc Khăn vàng nổi lên, thiên hạ cả loạn, bấy giờ hối lại thả tù thì đã muộn, đại thể không cứu được nữa.
Xử cho nhiều người dị tâm không hùa được thành bè đảng, không ai bằng Trụ. Cấm người giỏi không cho bè đảng, không ai như Hiến đế. Đều đi đến diệt vong.
Biết nhường nhịn mà không ngờ lẫn nhau, không ai như hăm hai người của Thuấn, ba ngàn người của Chu: hậu thế khen hai đời ấy là biết phân biệt tiểu nhân với quân tử (5).
Nếu tiểu nhân với tiểu nhân không bạn được với nhau lâu, thì đời này kể có hàng ngàn triệu người bè đảng với nhau nhưng lại chỉ xô nhau vì lợi, ta vẫn có thể luận theo ông thái thú Lư Lăng mà nói rằng: không có bè đảng bạn bầu nào cả, vì đạo nghĩa, trung tín, danh tiết, còn ai biết là những gì nữa đâu?
(1) Bùi Kỷ: Ưu thiên đồ mặc.
(2) Sử ký.
(3) Trang Tử.
(4) Trần Tuấn Khải: Chuyện không hợp ý cười thêm ngượng.
Đời vắng tri âm sống cũng thừa.
(5) Âu Dương Tu: Bằng đảng luận.
- Kịch tác gia Vi Huyền Đắc Lãng Nhân Hồi ức
- Nhà báo Hiếu Chân Lãng Nhân Hồi ức
- Thái Văn Kiểm Lãng Nhân Hồi ức
- TchyA Lãng Nhân Hồi ức
- Hà Thượng Nhân Lãng Nhân Hồi ức
- Tri Kỷ Tìm Nhau Mắt Đã Mờ Lãng Nhân Phiếm luận
- Cao Ngọc Anh Lãng Nhân Giai thoại
- Đồng Khánh và Tự Đức Lãng Nhân Giai thoại
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |