1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đọc Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc (Bùi Vĩnh Phúc) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      4-10-2020 | VĂN HỌC

      Đọc Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc

        BÙI VĨNH PHÚC
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc

      Ngọn Cỏ Bồng là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bá Trạc. Mặc dù những bài viết, và đặc biệt là thơ, của Nguyễn Bá Trạc đã xuất hiện từ đầu năm 1981 trên Thời Luận, tờ báo do tác giả và bằng hữu chủ trương ở San Jose, và rải rác sau đó trên một số báo chí ở miền Nam và Bắc Cali, mãi cho đến tháng 4 năm 1985, Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc mới thực sự ra mắt độc giả với hình thức là một tập thơ văn phá cách. Phá cách, bởi lẽ tác giả tự để cho mình phất phơ, sống trong đời sống mà vẫn có vẻ như không chịu nhập cuộc, không chịu ép mình vào một qui luật, một giới hạn nào. Cái cung cách sống đờisống văn chương như thế phản ánh một phần nào cái thế sống và tâm tư của những con người tỵ nạn Việt Nam. Những con người, trên bề mặt hiện tượng, đã bị bứng gốc, đứt rễ, déraciné, uprooted, để đem đi trồng ở một thổ ngơi khác.


      Thực sự, Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc có phản ánh hoàn toàn cái tâm tư đứt rễ và trôi-nổi-không-một-hướng-về của một số đời lưu vong hay không, hay là nó đã mang gói, giấu kín trong nó một tâm tình thiết tha nào khác mà chỉ có những người nặng lòng với đất nước quê hương, với màu xanh của cỏ cây sông núi, mới có thể nhìn thấy. Người ta có thể tìm ra câu trả lời cho vấn nạn này bằng cách đi thẳng vào nội dung cuốn sách, đối diện trực tiếp với tác giả và Ngọn Cỏ Bồng.


      Trước hết, qua Ngọn Cỏ Bồng, người ta thấy tác giả tự nói về mình như sau:

      “Đối với nước Mỹ kỷ luật và ngăn nắp, ông Nguyễn không phải là một công dân tốt. Thuế má không sòng phẳng. Đến kỳ hạn không khai. Lương khoán chưa khấu trừ thuế, lãnh được đồng nào là chi tiêu hết đồng ấy. Gửi đồ về Việt Nam thì hồ hởi, mà đến hạn đóng thuế là hết tiền, ù lì cả ba năm trời nay…” (trang 4).

      Sau khi đã tỏ bày rõ ràng cái cung cách… công dân của mình đối với nhà nước Mỹ như thế, tác giả cũng tự khai với độc giả về cái credit của mình với ngân hàng Mỹ. Tựu chung là tệ hại. Tệ hại đến nỗi tên ông bị ghi trong máy điện toán như một người có tín chỉ xấu.


      Đối với sở lái xe và nhân viên cảnh sát Mỹ, ông cũng là người bất cẩn. Trong vòng ba năm, ông nhận được trên bốn mươi tấm giấy phạt lưu thông. Cứ là vượt đèn đỏ và không chịu ngừng ở bảng Stop. Ông Nguyễn luôn luôn nghĩ ngợi, trăn trở về hết chuyện này đến chuyện kia ở chốn quê hương cũ, ngay cả trong khi lái xe, thế cho nên các quy luật về giao thông, các quy ước về xã hội ông bỏ quên hết.


      Dù sao, tác giả có biện hộ cho ông Nguyễn của mình là thật sự “Ông không có cái gì gọi là tác phong chống xã hội”. Ông chưa bao giờ can án. Sức khỏe thể chất và tinh thần đều tốt. Còn đối với các hiện tượng có vẻ là không tích cực kia đối với nhà nước và xã hội Mỹ, ông chỉ muốn xem đấy là những hiện tượng biểu kiến. Ông thực tình không muốn làm phiền gì ai. Nhưng, “đối với một người Việt Nam xa lìa khỏi gia đình bạn bè xứ sở, một mình với bao âu lo, nhớ nhung, phiền muộn. Trí óc chìm đắm vào những biến cố, những câu hỏi, những duyệt xét… Nghĩ cho kỹ ra, quả đấy là chuyện thường tình” (trang 5).


      Đó là hình ảnh và tác phong xã hội của tác giả. Thật sự, nhìn một cách bình thường thì những tác phong này có vẻ hơi… mất bình thường. Tuy nhiên, xét kỹ ra thì sự bất thường ở đây đã phát xuất từ một số hoàn cảnh tâm lý riêng. Những xót xa, phiền muộn, nhớ nhung… khi phải rời bỏ quê hương thì ai cũng có; nhưng ở một tâm hồn có những cảm nhận quá buốt sắc với đời sống như Nguyễn Bá Trạc, những xót xa, đau đớn của tâm tư đó phóng chiếu vào đời sống thành những nghịch thường. Những nghịch thường đó có khi đi đến chỗ tội nghiệp:

      “Tôi rút kín như một cái đồn. Tôi thất lạc trong các câu chuyện” (trang 13).


      “Tôi (…) bước đi im lặng trở về một vùng kia thật xa xăm, không ai biết tới, không ai nhớ tới. Nơi đó, tôi ngồi xuống bên một đường rầy sắt cũ…” (trang 13).

      Vâng, tôi đi lang thang theo một đường rầy xe lửa hoặc ngồi buồn bã ở một đoạn đường rầy, nghe tiếng còi tàu hú buồn se sắt… Tiếng còi tàu thổi thốc vào quá khứ tôi. Quá khứ tan nát đôi khi vỡ ra như thủy tinh lóng lánh để tôi còn được một thoáng nhớ về những kỷ niệm và những giấc mơ. Quá khứ đôi khi lấp lánh trong những mảnh vỡ thủy tinh làm tôi nhìn thấy đau thương mình đẹp đẽ xót xa như nhìn qua một chiếc kính màu kaleidoscope. Chiếc kính vạn hoa của tâm hồn tôi đôi khi cũng dội lại mơ hồ vơ vẩn một vài tiếng còi tàu. Những ánh nắng buổi chiều rơi ngã trên những hàng cây bông gòn mọc dọc đường xe lửa suốt quá khứ tôi. Tôi còn nghe mãi tiếng còi tàu đó trong buổi chiều u buồn ngày xưa tôi nhìn tôi ngồi xuống bên một đường rầy sắt cũ. Que c’est triste un train qui siffle dans le soir… J’entendrai siffler ce train toute ma vie. Tiếng hát mơ hồ rớt rơi vào giữa quá khứ tan nát.


      Buồn và cô đơn, tội nghiệp như thế đó. Nhưng tôi cũng là một người mơ mộng: “Tôi là một cánh diều đâm thẳng lên trời, buổi trưa nằm lười biếng trên võng nghe tiếng chim cu gáy trong vườn mít” (trang 12).


      Tôi mơ màng được sống trong cái không khí Diệu Ca, Nhã Ca của Kinh Cựu Ước và của vua Salomon ngày xưa:


      “Hôm nay ta lại là ta

      quần đùi áo cộc bước ra núi đồi

      đến nơi chim hót hoa cười

      làm hoa cải dại mặc chơi áo vàng”

      (trang 62)


      Tôi tiếp tục mơ mộng và nhớ nhà:


      “…Tôi cũng như trăng chẳng biết già

      vẫn xoàng như một gốc cây đa

      vẫn xưa như dáng chân trời cũ

      vẫn thả hồn về những chốn xa”

      (trang 123)


      Tôi nhớ về cái bến xe An Đông. Nắng Sàigòn phần phật từng lớp gió thông thốc thổi suốt chiều dài tâm hồn. Tôi muốn về thăm quê nhà. Tôi muốn rủ anh, chị, những ngưoi Việt Nam đang lênh đênh trong cuộc sống mệt mỏi, tù hãm ở đây, về thăm lại quê hương chúng ta:

      “Anh sẽ đi qua những đồi trơ trụi, một vài ngọn tháp chàm nhô khỏi lên trên biển trời mây nhạt. Anh sẽ ngửi thấy mùi biển, mùi cá. Mùi tôm khô củ kiệu. Anh sẽ thấy những khu rừng lá chạy dài ra theo đường đi. Anh dừng lại ở Cà Ná buông thõng hai chân xuống nước trân trọng ăn một con tôm càng luộc chấm muối tiêu (…) Anh sẽ đến một vùng từ đèo nhìn xuống lá dừa xanh ngắt chạy mênh mông cho đến biển. Anh đi vào trong bóng lá nhìn sợi giây dừa trắng mềm giăng từ thân cây này sang thân cây khác và những quả nâu khô lăn trên cát. Anh ngửi thấy mùi đường phổi. Anh sẽ lội qua một khúc sông chỉ tới mắt cá (…), những cây cầu tre từ làng bắt qua con rạch nước nửa mặn nửa ngọt…” (trang 42-43).

      Như thế. Đó là quê hương của chúng ta. Quê hương thật sự với những đất cát, hình ảnh… mặn mòi còn chảy mãi trong dòng máu của mỗi chúng ta một đời không hề bôi xoá.


      Đó là quê hương chung, nhưng mỗi một chúng ta cũng còn có những mái nhà riêng, những-ngõ-trước-vườn-sau của riêng mỗi đời người. Ở đó, có thể ta đã sống hết một thời thơ ấu hay tuổi trẻ với những cây vú sữa cao ngang đầu người. Những cây hoa giấy. Cây mít. Cây xoài. Ở đó, có thể chúng ta những ngày còn nhỏ đã úp mặt xuống miệng giếng mà hét hò thoả chí những buổi trưa hè oi bức. Đôi khi, có những cô bé con xinh xắn từ những nhà bên cạnh chạy đến úp mặt xuống miệng giếng để soi nhìn những tấm nhan sắc thơ ngây. Những tấm nhan sắc mà, sau này, trong những ngày phiêu bạc gió sương, đôi khi ta thấy trở về trong trí nhớ khô cằn của mình như những giọt nước mát. Ngõ trước vườn sau, mình nhớ quá nhiều thứ. Nhớ “mấy lá điều rụng đầy sân. Buổi chiều chim chào mào gọi nhau về. Chim khuyên nhảy nhót trên cành hoa khế. Nhà ông ngoại hoa nhãn nở. Những ngọn cau phất phơ như tóc con gái bôi dầu dừa bóng láng. Hoa sen nở đầy hồ…” (trang 44).


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Nhớ về quê hương và nơi chốn tuổi nhỏ của mình như vậy chưa đủ, nhiều lúc ta còn ngồi mơ màng nhớ đến tiếng nước chảy trong khu xóm nhỏ. Nhớ đến những buổi sáng tinh mơ, mặt trời chưa mọc, ta lò dò ra quán ngồi co cẳng uống cà phê bít tất dưới ánh đèn khí đá trong khu chợ Cầu Ông Lãnh. Tiếng xích lô máy chạy trên mặt đường mờ sáng. Tiếng gõ mõ tụng kinh đều đặn của các cụ già trên những căn gác gỗ. Tiếng tụng kinh gõ mõ rơi vương vất trên những tàng cây trứng cá già cỗi, rớt trong các con ngõ nhỏ buổi tinh mơ người ta ra chợ nhìn chưa rõ mặt nhau. Ta nhớ đến những mùa mưa và vài ánh đèn vàng vọt trên các vũng nước. Nhớ ngược trở lại những ngày còn bé đi học trên những con đường quê. Ngôi trường tiểu học cây mọc um tùm chen lẫn cùng cỏ dại. Cái trống trường cũ kỹ treo ở dãy nhà ngang, ở giữa hai mặt trống có vẽ hình bát quái. Nhớ anh tùy phái kiêm hành nghề đánh trống trường. Tụi bạn học trò lem luốc. Những quyển vở quăn queo, cụp xuống như tai con chó mực ông nội nuôi ở nhà.


      Hạnh phúc cho những kẻ nào có một quê hương để nhớ về. Dù cho đó là một quê hương thật sự hay một quê hương tâm linh. Tâm thức lưu đầy của những con người xa xứ, nhìn dưới một góc cạnh nào đó, là một tâm thức lãng mạn. Những từ “lãng” và “mạn” ở đây được hiểu theo nghĩa từ nguyên, nghĩa gốc, có nghĩa là “sóng, lượn sóng” và “nước tràn ra”. Tâm thức đó là một tâm thức động, phản ánh hình ảnh những lượn sóng đẩy xô, tràn tới trong tâm hồn con người mà họ không thể kìm giữ. Nỗi nhớ nhà cũng thế. Người ta không thể bỏ ra chín tháng hăng hái làm việc, cật lực tranh đua để tiến thân trong đời sống mới này; sau đó, để dành ba tháng suy tư, dành riêng cho việc nhớ nhà. Người ta cũng không thể nhớ nhà theo cái lối chia cắt-thời-giờ-làm-việc và thời-giờ-ăn-chơi như kiểu người Mỹ. Nhớ nhà, hoài quê, hoài hương, là một tâm thức luôn luôn ở trong tình trạng bị dồn đẩy để tràn ra. Nếu chúng ta cố giữ lại những gì cần phải được tuôn tràn, có thể con người chúng ta sẽ bị rơi vào một tình trạng bệnh lý nguy hại. Nếu chúng ta cho tràn ra, chúng ta cũng sẽ ở trong một tình trạng bệnh lý nào đó. Tuy nhiên, tình trạng đó có thể chấp nhận được. Ta tạm gọi đó là tình trạng bệnh lý khả chấp. Bởi lẽ, một mặt, trong khi nhận chịu phần nào sự tác hại của sự tuôn tràn kia; mặt khác, người ta lại được đằm mình trong dòng nước mát. Dòng nước của con suối quê hương. Nó quét sạch đi những bụi bặm và rửa sạch những vết thương mà con người lưu vong đã phải hứng chịu trong đời sống này.


      Có thể nói, bàng bạc trong Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc, người ta luôn luôn bắt gặp những tâm tình quê hương. Có khi là những tâm tình nguyên chất. Có khi là những phó sản, những mặt nạ của tâm tình ấy. Sự thể hiện của những phó sản, những mặt nạ ở đây là kết quả từ cuộc tranh đấu của tác giả để giữ lại mình trong cuộc sống này. Những cười cợt, những bốc đồng, những bất đắc chí, đôi khi cả những ngạo mạn, ngang tàng, say sưa (của tác giả hoặc bạn bè tác giả) trong quyển sách, chỉ là một thứ trá hình của nỗi nhớ nhà. Người ta có thể thấy rõ điều đó. Nhưng tràn ngập và bao phủ lên trên tất cả những tình cảm có tính cách biểu kiến kia là một lòng thiết tha, gắn bó với đất trời, với cội rễ, và với con người quê hương. Nhớ người còn ở lại quê hương thì tác giả viết thư về thăm:


      “Mong em vẫn được yên lành

      hàng ngày có đủ trời xanh che đầu

      đến mùa tháng bảy mưa ngâu

      bên này bên ấy bên nào chẳng mưa?

      (…….)

      Ngồi luẩn quẩn nhìn quanh chốn lạ

      ở lâu rồi vẫn lạ chứ em

      có người trước lạ sau quen

      có người trước lạ sau điên cái đầu”

      (trang 140)


      Nhớ bạn thì xa xót:


      “…Thấy bằng hữu từ thời trong trắng

      Thấy cuộc đời gánh đắng gồng cay

      bạn bè còn lại một hai

      đứa tàn bên nọ đứa đầy bên kia

      đứa gia quyến chia lìa tan nát

      đứa banh gan bỏ xác rừng sâu

      đứa trơ xương đứa cúi đầu

      đứa đau thân nọ đứa sầu lòng kia…

      (trang 165)


      Và cứ nhớ đến bạn bè, nhớ đến những người thân yêu cũ, thì kỷ niệm lại vỡ ra như thủy tinh:


      “Đêm dài lục soát tương lai

      nghe trong dĩ vãng tiếng cười trẻ thơ"

      (trang 210)


      Hoặc, những hình ảnh xưa nở hoa thơm ngát thực-tại-héo-úa-bây-giờ:

      “Khu vườn, khi tôi ra đi cây vú sữa cao ngang đầu người. Những cây chuối bắt đầu ra hoa. Cây đào có trái từ nhiều năm trước. Cây bông giấy mọc lên rậm rạp bên những cây điều, hoa đỏ nở rực rỡ che một khoảng mát dưới ánh nắng trời. Cái giếng trong vườn đầy cát, cứ đến mùa nông là cạn nước và đục ngầu, ông cụ cởi trần mặc quần đùi hì hục đào vét (…). Bây giờ nhiều lúc nghe tiếng nước chảy trong phòng tắm, tôi nghĩ đến trai gái xếp hàng với dãy thùng thiếc chờ đến lượt hứng nước. Các mối tình nở ra…” (trang 138).

      Và Sàigòn trở về trong trí nhớ. Bập bùng như một ngọn lửa:


      “Tiếng còi xe buýt Hoà Hưng

      lồng chim chợ cũ phế binh Cộng Hoà

      hàng me đại học Văn Khoa

      đám đông ngã bẩy mái nhà Phú Lâm”

      (trang 263).


      Khi người ta cứ nhớ nhung, mơ mộng mãi, khi người ta cứ hoài niệm mãi về cái quá khứ xa xôi, thì quá khứ không còn ở phía sau lưng của con người:


      “Quá khứ ở đằng trước mặt. Tương lai ở sau lưng. Cái gì chúng ta nhìn thấy là những cái đã xảy ra. Còn cái gì chưa xảy ra là vì nó đang ở phía sau lưng ta tiến tới. Cho nên ta chưa thấy tương lai” (trang 110).


      Cái lý luận này của Nguyễn Bá Trạc trùng hợp một cách lý thú với quan niệm về thời gian của một số bộ lạc người da đỏ ở Mỹ Châu. Trong cái hướng nhìn về thời gian (time orientation), những người da đỏ này cũng lập luận y như tác giả Ngọn Cỏ Bồng. Từ sự lập luận ấy, cả một hệ thống giá trị (value orientation) thay đổi. Người Mỹ cho rằng quá khứ là cái đã qua, thường là chưa toàn bích; hiện tại là cái ta đang cố gắng thực hiện cho tốt; và tương lai luôn luôn là một hình ảnh của sự tiến bộ, là sự cải đổi cho tốt hơn của hiện tại và quá khứ.


      Thế cho nên, họ hết sức làm việc và luôn luôn phóng một cái nhìn tin tưởng về tương lai. Tuổi già, một ý niệm và một thực tại được xếp đồng loại với quá khứ, thường bị gạt qua một bên. Và gần như không được tôn trọng ở xã hội Mỹ.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Người da đỏ ở Mỹ có lẽ cũng đã có một quá khứ hùng tráng và thơ mộng, ít ra là so với thực tại của đời sống họ bây giờ, thế nên họ cũng thiết tha và tôn trọng những gì thuộc về quá khứ. Tác giả Ngọn Cỏ Bồng, theo truyền thống Đông Phương,và sống trong một tâm thức lưu đầy, có lý do để chọn lựa một cái nhìn về thời gian. Ông chọn cái nhìn về phía quá khứ. Sự chọn lựa của ông, theo ý riêng người viết bài này, là khôn ngoan và đáng yêu. Có khi, sự chọn lựa ấy lại có lý do rất là dân tộc. Nhìn về quá khứ, người ta có thể tìm gặp lại những vẻ đẹp rất hồn hậu, rất quê hương, mà trong đời sống lưu vong này người ta khó có thể bắt gặp.


      “Hôm nay gió lạnh run trời đất

      gió lạnh đi về buốt lỗ tai

      đàn bà con gái trên đường phố

      chẳng có một ai mặc áo dài.

      Nói chung ai cũng giống như ai

      lan xem như cúc trúc như mai

      mai lan cúc trúc mai lan trúc

      cúc trúc mai lan cúc trúc mai”

      (trang 56)


      Từ sự chọn lựa đứng về phía quá khứ như thế (nhớ và mong đợi bóng dáng một chiếc áo dài, một biểu tượng của dân tộc, một hình ảnh đang mờ dần về phía quá khứ), tác giả tỏ vẻ lo ngại về cái đời sống có tính cách máy móc và cơ khí hoá của xã hội Mỹ. Hình ảnh những tảng sắt lao vù vù trên xa lộ. Tiếng nhạc trong máy phát thanh, máy truyền hình như đổ lên đầu con người những mảnh vụn cơ khí. Những vũ công nhảy break dance trên đường phố với những động tác co giật chân tay như những người máy vô hồn. Người ta sống như tự nhốt trong những cái hộp. Cái hộp nhà cửa. Cái hộp xe cộ. Cái hộp cảm xúc. Những cái hộp người, giấu kín tình cảm, lãnh đạm nhìn nhau di động, đến gần, lướt qua. Xã hội của sự tù hãm này không thể nào thích hợp với những con người như tác giả Ngọn Cỏ Bồng. Con người sống tự nhiên như mây trời, như cỏ cây hoa lá ngoài đồng nội. Con người không tự bóp chết cảm xúc mình. Khi buồn thì ngồi hát với bạn bè những bài hát xưa, những bài hát chảy ra từ những tấm lòng ướt mèm dĩ vãng.


      “Trong mỗi bản nhạc (…) có những đoá hoa không lời. Những dự phóng. Những hồi niệm. Những dấu lặng là những người đã chết. Còn chúng ta, những người có mặt, đều vẫn là những nốt nhạc của một bản đàn” (trang 84).


      Khi vui, thì ngồi hát ê a hồn nhiên như trẻ nít:


      “A bầu trời xanh như tình người

      hy vọng tương lai

      Ô cuộc đời, vui như bầu trời

      gió ai đầy buồm

      A ha lòng mình, say như cuộc tình

      thủy thủ Thái Bình Dương

      Ô hay bạn bè, mong sao ngày về

      đủ mặt anh em”

      (trang 47)


      Sống và mơ. Sống và ấp ủ, và hoài vọng, và thiết tha, và nhớ về, và nhìn thấy hoài hoài những đoá hoa sim tím, những đoá hoa trà, hoa vạn thọ, hoa hồng trắng, hoa lưu ly, hoa lay-dơn, hoa thược dược, hoa tuy-líp, hoa cúc, hoa khế, hoa pensée, hoa hồng nhung, hoa gạo, hoa nhãn, hoa cau, hoa sen, hoa phong lan… Sống như thế, cho nên tác giả Ngọn Cỏ Bồng đôi khi có được những giấc mơ lạ:


      “Đêm hôm qua tôi nằm mơ. Mơ thấy những người yêu dấu bay quanh tôi. Tôi bay chung quanh quả đất, quả đất và các hành tinh thuộc Thái Dương Hệ bay chung quanh mặt trời. Mặt trời cùng tất cả những ngôi sao khác trên bầu trời chuyển dịch chung quanh Đạo. Lúc tỉnh dậy nửa đêm, tôi biết là mùa Thu đã về” (trang 110).


      Cái sự biết về mùa thu ở đây rất là trực giác. Tự nhiên nằm mơ một giấc mơ như thế, và tỉnh dậy, biết rằng mùa Thu đã về. Cái biết của tác giả y hệt như cái biết của cỏ cây vạn vật theo dõi từng bước đi của mùa. Thời tiết. Mùa màng. Cây cối. Sự cảm nhận của con người nghệ sĩ. Tất cả những cái đó hình như đã có cùng với nhau một mẫu số chung nào.


      Giấc mơ, và văn chương, và đời sống của Nguyễn Bá Trạc có nhiều lúc giống như một bức tranh của Marc Chagalll—người hoạ sĩ tài hoa, 98 tuổi đời, đã bỏ loài người mà bay về thế giới của những giấc mơ ông vào ngày 28-4-85 vừa qua—trong đó thực tại và kỷ niệm hoà lẫn với nhau. Quá khứ, và hiện tại, và tương lai đan kết vào nhau một cách bất phân giải. Tình yêu và đời sống. Cái chết và nỗi ước mơ. Trăng sao, hoa lá, và con người được đặt gần, khít khao bên nhau. Chúng chia sẻ đời sống của chúng cho nhau. Điều đó cũng giống như một giấc mơ. Nhiều khi nó là văn chương. Và cũng có khi nó là đời sống thực của một con người.

       

      Tôi còn quá nhiều điều để nói về cuốn sách của Nguyễn Bá Trạc, về những ý nghĩ, những tư tưởng mà tác giả Ngọn Cỏ Bồng đã sống với, đã suy tư, và muốn chia sẻ cùng với mọi người. Chẳng hạn về vấn đề luận lý ở Chương Mười Bẩy, ở những trang 13, 14, 108, 109, 183, 184, 190, 197, 237, 279… Tuy nhiên, có thể nói, bất cứ một trang sách nào của Ngọn Cỏ Bồng cũng có lý luận trong đó. Lý luận mà vẫn Mộng mơ, vẫn Thơ ngây, vẫn Hồn nhiên như hoa bướm. Tâm tư của Nguyễn Bá Trạc còn thể hiện rõ nét ở những đoạn, những bài nói về thân bằng, hay ở chính những bài văn, hay thơ, mà bằng hữu của tác giả Ngọn Cỏ Bồng đã đóng góp trong tập sách này, nhất là ở hai chương Mây BãoThân Bằng. Tâm tư của tác giả còn nằm trong những đoạn văn hay thơ tác giả nói về Bố (tr.113, 238), về Mẹ (tr.8, 238), về Ông-Bà-Cậu-Dì-Cô-Chú (tr. 249), về các con (tr.64 và toàn Chương Hai Mươi Mốt), về vợ và những người yêu (Chương Mẫu Đơn)… Còn quá nhiều điểm về mặt nội dung của cuốn sách mà tôi muốn trình bày ở đây. Cuốn sách thu gọn đời sống tâm tình suốt mười năm xa quê của tác giả. Cuốn sách phản ánh những tâm tình, những tâm thức lưu vong của người Việt một cách vừa chân thật, hồn nhiên, vừa phức tạp, sâu xa, và lại mang rất nhiều màu sắc triết lý. Bởi lẽ, triết lý là gì? Triết lý là Sống, Sống với,Sống ở đời. Ngọn Cỏ Bồng đã ghi lại những kinh nghiệm sống đó không những của tác giả, mà còn của rất nhiều người trong chúng ta giữa đời sống lưu vong này.


      Tới đây, tôi xin được nói qua chút ít về phần hình thức cũng như kỹ thuật của quyển sách.


      Ngọn Cỏ Bồng dày 209 trang, bìa nền màu bạc ôm gọn lấy một mảng tranh của hoạ sĩ Võ Đình. Bức tranh bìa này, cũng như bức phụ bản trang trong cũng của Võ Đình, đã để toát ra cái không khí u tịch huyền hoặc lạ lùng, trong đó cỏ cây mây núi suối sông đã trở thành một cái gì lẫn lẫn vào nhau, bất-biện-biệt, bất-phân-giải. Hai bức tranh đều không có hình bóng con người, nhưng người xem tranh vẫn có thể thấy thấp thoáng ẩn hiện đâu đó, bên một nhánh cỏ, lẫn vào bóng tối của một lùm cây, một dáng suối, cái bóng dáng vô sắc tướng của con người. Hoạ sĩ muốn nói lên điều gì? Con người trong tác phẩm Ngọn Cỏ Bồng rất thật, hiển hiện rõ rệt với từng nỗi xót xa, hoài vọng cũng như với những nét mặt hăm hở, vui tươi. Tại sao lại vô sắc tướng? Hay người hoạ sĩ muốn nói rằng cái con người hiển hiện trong Ngọn Cỏ Bồng không phải chỉ là tác giả của quyển sách, mà còn là mỗi một chúng ta trong cuộc lênh-đênh-viễn-xứ này. Mỗi một người trong chúng ta đều là máu thịt của nhau và đều có trách nhiệm với nhau. Không phải chỉ trong cái nhìn có tính nhân loại, mà còn trong cái nhìn riêng của người Việt Nam.


      Những bức tranh, thế đó, nhiều khi làm mình bâng khuâng, nhớ nhà, nhớ đến những người yêu dấu, anh em, bạn bè khắp chốn. Hãy nhìn tranh mà nhớ đến quê hương.


      Quyển sách có 23 chương và một bài đặt tên là Chương Cuối Cho Một Quyển Sách. Trước khi nói về kỹ thuật trình bày, tôi xin có chút nhận xét về giọng văn, giọng thơ và lối viết của tác giả.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Về thơ, tác giả làm khá nhiều loại, từ lục bát sang song thất lục bát đến bốn chữ, năm chữ, bẩy chữ, tự do… Thể loại có khác nhau, nhưng ý tứ thì như nhất. Tất cả những bài thơ, dù nói về bất cứ chuyện gì, đều cho thấy một cái giọng nghịch ngợm, ngang phè, mà lại hết sức dễ thương. Những bài thơ có khi tha thiết, nhưng vẫn cho thấy cái phong cách biểu hiện của thi sĩ là một phong cách riêng tư. Một mình. Có nhiều bài thơ của Nguyễn Bá Trạc rất gần với nhạc. Không phải chỉ có thơ, văn ông cũng vậy.


      Lời văn Nguyễn Bá Trạc nhẹ và sáng. Có những đoạn văn đẹp và lóng trong như một giọt sương buổi sớm. Có những đoạn mở ra những tiếng chim kêu, tiếng suối chảy, hoặc sự xao động ngập ngừng của một đoá hoa đang hé cánh. Văn Nguyễn Bá Trạc gọn và rõ ràng. Câu văn gọn. Cách tách đoạn làm cho lời văn càng gọn thêm. Có đoạn chỉ gồm một câu, sáu chữ. Chẳng hạn: Quả nhiên tối nay trời mưa. (tr. 94).


      Câu văn của Ngọn Cỏ Bồng có cái gọn theo giọng văn Hemingway,  có cái trong sáng của đất trời, thơm thơm mùi lá thu của Anatole France. Cái lối viết và hình ảnh diễn tả làm cho riêng người viết bài này có những liên tưởng như thế; nhưng thật sự, như đã nói, Nguyễn Bá Trạc vẫn đứng một mình. Ông có một phong thái, một cung cách văn chương riêng.


      Về mặt bố cục, đây quả là một cuốn sách phóng khoáng. Phóng khoáng và bề bộn. Cái tính chất bề bộn này—thể hiện rõ đời sống của tác giả—có thể nói vừa là ưu điểm, đồng thời cũng là khuyết điểm của tập sách. Bởi lẽ, chính là qua sự bề bộn ấy mà tác giả đã cho người đọc thấy được cung cách sống đời của mình. Nhưng thật sự, chúng ta không thể dồn ép tất cả đời sống vào văn chương được. Một quyển sách, một tác phẩm là một mảng của đời sống được mỗi tác giả chọn lựa sao cho quyển sách thể hiện được một vài nét chủ yếu hay một vài nét chính trong tư tưởng của mình ở một giai đoạn nhất định. Không nhất thiết ta phải gọt tỉa để đến nỗi làm cho tác phẩm mất đi những góc cạnh đặc thù của nó; nhưng, nếu bố cục mở rộng và tràn lan quá, có thể ta sẽ làm loãng cái không khí mà tác phẩm nên có để tạo ấn tượng rõ nét trong lòng người đọc.


      Ngọn Cỏ Bồng, dù sao, với bố cục tràn lan và mở rộng của nó, đã cho độc giả nhìn ra một Nguyễn Bá Trạc thiết tha với đời sống, muốn với đầy tay, muốn ôm đầy lòng tất cả những “cây trái trần gian” mà mình có thể hưởng thụ. Có những trái ngọt, nhưng cũng có những quả đắng. Sự thành thật đáng yêu nơi tác giả là ông đã thiết tha với tất cả những hoa trái mà cuộc sống này đã đặt lên khay đời để dâng hiến cho mỗi một chúng ta. Trong cái tham lam và trong sự thành thật của Nguyễn Bá Trạc, chúng ta được giới thiệu để ăn nếm những cây trái thật sự của đời.

      *

      Như những câu thơ trong hai bài thơ của cụ Nguyễn Du được tác giả dẫn trong sách:


      Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng

      (Lạc bước đi như ngọn cỏ bồng – NBT dịch)



      Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp

      Tất cánh phiêu linh hà xứ qui

      (Gió tây một trận ào ào

      Cỏ bồng đứt rễ phương nào phiêu linhPhú Vân dịch),


      những tâm tình của tác giả trong cuốn sách cũng là một tâm tình phiêu linh. Chúng ta cũng giống như những chiếc lá bị gió cuốn (phiêu) bay xơ xác và vất ra khắp các ngả đường (linh). Nhưng, bởi lẽ, chúng ta ai cũng còn một chốn để hướng về, một quê hương để tìm cách hồi phục, dựng xây, thế nên chúng ta không thể tự xem mình là người đứt rễ.


      Tôi nhớ cụ Ức Trai Nguyễn Trãi ngày xưa. Sau một cơn loạn lạc, bạn bè tan tác như lá rụng, trong cảnh cô đơn, nhớ về bạn bè xưa cũ, cụ đã than:


      Loạn hậu thân bằng lạc diệp không

      Thiên biên thư tín đoạn chinh hồng

      Cố viên qui mộng tam canh vũ

      Lữ xá ngâm hoài tứ bích trùng…


      và kết:

      Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng


      Ta giờ cầm bằng như ngọn cỏ bồng, phất phơ phơ phất theo gió mà thôi. Nói thế nhưng cụ có phải là người đứt rễ, là ngọn cỏ bồng bay theo gió cuốn, mà bỏ quên những hình ảnh quê hương không? Dĩ nhiên là không. Trong những đêm mưa rả rích, cụ vẫn nằm mà nhớ về quê xưa, nhớ về ngõ-trước-vườn-sau. Buồn và nhớ thì ngâm thơ. Bốn vách vang tiếng dế trả lời. Ôi, cố viên qui mộng.


      Nguyễn Bá Trạc làm thơ, viết văn như một thứ cố viên qui mộng. Chúng ta cũng thế. Ta vẫn còn mơ một chốn về, ta vẫn còn nhớ mãi những nẻo thu phong. Phiêu linh trăm ngả, nhưng những ngọn lá, trong cơn gió lốc, vẫn luôn quay đầu theo một hướng về. Hướng ấy là hướng của quê hương.


      Hạnh phúc cho những kẻ nào lên đường tìm về quê cũ!


      VII, 1985

      Bùi Vĩnh Phúc

      Lý Luận Và Phê Bình Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước 1975-1995
      Nxb Văn Nghệ 1996

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Bùi Giáng (1926 - 1998) Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Trịnh Y Thư - Và khi về ngồi dưới những gốc nho biển Bùi Vĩnh Phúc Tựa

      - Thế giới và những giấc mộng trong truyện của Vũ Quỳnh Hương Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - 9 Khuôn Mặt . 9 Phong Khí Văn Chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu

      - Quyên Di và mắt nhìn nhân ái vào thế giới của đời thường Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Lời vào sách: 9 khuôn mặt . 9 phong khí văn chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu

      - Cái Tôi ẩn mật và Dương bản Thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

    3. Bài viết về nhà thơ Nguyễn Bá Trạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Nguyễn Bá Trạc

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Đọc Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc (Bùi Vĩnh Phúc)

      Một Người, Một Người... (Võ Phiến)

       

      Tác phẩm của Nguyễn Bá Trạc

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Chuyện của một người di cư nhức đầu vừa phải

      Quê Mẹ

      Gió Mùa Đông Cũ

         Bài viết trên mạng:

       - saimonthidan.com

      -  nguoi-viet.com, -  tuongtri.com

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)

      Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)