|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Phan Nhật Nam
Người đàn ông ấy đến ở nhà tôi có một ngày hồi tôi còn ở Virginia khoảng 15 năm trước. Ông đến Virginia để ra mắt một cuốn sách cuả ông. Ông viết cuốn sách ấy sau khi đến Mỹ được ít lâu mặc dù trước đó, trước năm 1975, ông đã có cả gần một chục tác phẩm được xuất bản và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.
Một người bạn đến đón ông đi trước đến nơi ra mắt sách. Người bạn nhắc ông đeo ca vát cho tác giả có vẻ trân trọng hơn. Ông cho biết ông không có ca vát. Tôi đề nghị ông đeo tạm một chiếc trong tủ áo của tôi và mang ra cho ông. Ông cầm lấy nhưng nói không biết thắt ca vát.
Nghe ông nói, tôi ngạc nhiên. Chuyện thắt lấy cho mình cái ca vát thì có gì là khó. Đàn ông ai mà không biết làm cái việc nhỏ đó. Ông giải thích là vì cả đời chẳng thắt nó bao giờ.
Tôi quen người đàn ông họ Phan ấy từ hồi những năm cuối thập niên 60 ở Sài Gòn. Tôi lục lạo trí nhớ một lúc thì nghĩ chắc ông nói thật. Phan Nhật Nam hơn tôi một tuổi, ra đời ở Huế. Ông học xong trung học cũng trước tôi một năm.
Nhưng ngay sau khi ra khỏi trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng, năm 1961, ông vào trường võ bị Đà Lạt, khóa 18, và cho đến năm 1975, Nam không mặc xi-vin một ngày nào.
Mà như thế thì không đeo cái ca vát vào cổ một ngày nào, là chuyện thật.
Còn tôi, tôi được ông bố dậy cho thắt cái ca vát trước ngày rời Sài Gòn đi học xa. Và từ đó, cái ca vát gần như lúc nào cũng ở trên cổ. Trong suốt những năm đi học, rồi về nước dậy học, làm việc cho chính phủ, rồi lại sống mấy chục năm ở nước ngoài, lúc nào nó cũng ở trên cổ.
Trong khi bạn tôi, Phan Nhật Nam thì cứ hết treillis, lại áo trận mầu xanh, lại áo quần ngụy trang thì có lúc nào cần cái ca vát vô dụng, vô duyên, phù phiếm ở cổ đâu.
Mà Nam thì sống một cuộc đời hoàn toàn khác với tôi từ năm 1961 đến năm 1975, lúc thì binh phục của nhẩy dù, lúc thì của biệt động quân… nên ông chẳng khi nào có cái ca vát ở cổ.
Rồi những năm sau đó, từ năm 1975 đến năm 1989, tức là lại thêm 14 năm nữa, ông cũng lại không đeo trên cổ một chiếc ca vát nào bao giờ.
Ở tù, trong hầm cấm cố tử hình, trong các trại giam nghiệt ngã và tàn độc khác ở miền Bắc thì ở cổ chỉ có thể đeo cái gông, hai tay cái còng và hai chân cái cùm.
Đeo ca vát là chuyện không cần thiết với Nam. Từ năm 1990 cho đến năm 1993 là những năm ông bị quản chế ở Lái Thiêu sau khi ra tù. Trong những năm ấy, chuyện đeo cái ca vát cũng không cần thiết lắm.
Ông không biết thắt ca vát, lại cũng chẳng có lúc nào tự đi kiếm mua cho mình một chiếc để làm đẹp cho mình.
Trong lúc ấy, thì vẫn có những người tuổi tác như ông, lại lúc nào cũng đeo vào cổ cái mảnh vải phù phiếm vô dụng đó. Lại còn thắc mắc nên thắt cái nút kép Windsor hay cái nút đơn diplomat vân vân.
Tôi nghe ông nói là ông không biết thắt ca vát, mà cũng không có lấy cái ca vát, thì tôi chợt thấy ngượng và xấu hổ hết sức. Hôm ấy, nghe ông nói vậy, cái ca vát trên cổ của tôi bỗng vô vị, vô dụng, vô tích sự, vô duyên, vô bổ, vô ích, vô lý, vô lối, vô nghĩa, vô vị… vô cùng.
Nguyên Sa có một bài thơ đọc một lần là nhớ mãi có mấy câu đầu như thế này:
Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
Ta mới biết những thỏi sắt đó nặng như thế
Ta mới biết là trong cuộc đời dậy học, ta là thằng dốt nát
Trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi
Trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
Những thỏi sắt nặng như thế
Ta không nói cho vợ con đồng bào ta biết
Anh em ta và quê hương ta
Vác những thỏi sắt nặng như thế
Từ bao nhiêu năm nay…
Buổi chiều hôm ra mắt cuốn sách của ông, tôi giúp ông thắt cái ca vát. Và tôi xin lỗi Phan Nhật Nam.
CHUYỆN DỌC ĐƯỜNG
Phan Nhật Nam có một đời sống quá khổ.
Hai chữ quá khổ được hiểu theo nghĩa nào cũng được, cũng đúng. Mười bốn năm trong cái hỏa ngục kinh hoàng nhất thể kỷ trong lịch sử của Việt Nam, những năm gông trên cổ, cùm dưới chân trong cachot, trong connex, trong phòng biệt giam, thường xuyên bị hành hạ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Phan Nhật Nam đã sống như thế, nếu gọi đó là sống, trong tù Cộng Sản. Đó là những năm quá khổ cực, quá bất hạnh của một đời người. Ta đi qua nửa đời không có một ngày vui. Câu hát của Trịnh Công Sơn, một người suýt soát tuổi của Phan Nhật Nam vẫn còn đóng khung trong có một nửa của đời sống. Với Phan Nhật Nam thì gần hết cái đời sống đó. Cái đời sống đó của ông là một đời sống quá khổ.
Hiểu quá khổ là quá lớn, là vượt ra hẳn những khuôn khổ của đời sống khi nhìn lại 70 năm trên đời này của ông cũng đúng. Ông trải qua gần hết chiều dài ấy làm những việc mà nhiều người không làm được. Rời trường học, ông bước vào những ngôi trường khác với những bước đi ít người làm được, những ngôi trường khác đó đã vĩnh viễn bóp nặn, nhào quyện để tạo ra con người của ông cho đến tận ngày hôm nay. Mười bốn năm trong quân ngũ là một trong những ngôi trường khác đó. Trong ngôi trường ấy, đời sống của ông lại chuyển sang một hướng khác. Ông sống qua những năm chiến tranh khốc liệt nhất, gian khổ nhất của một người lính, những gian khổ mà nhiều người cùng tuổi với ông chỉ được nghe thấy. Đó là những năm mà người lính ấy sống, hít thở, ngủ, thức, suy nghĩ chỉ thuần có một chuyện: chiến tranh. Rồi những năm tù đầy, phát vãng tưởng như không có ngày bước chân được ra khỏi cái địa ngục giam ông suốt 14 năm.
Ít người trong chúng ta có một đời sống như đời sống của Phan Nhật Nam, người lính viết văn.
Pascal có viết rằng con người chỉ là một cây sậy, một thứ cây yếu nhất của thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ, biết tư duy. Phan Nhật Nam là một người lính, người mà theo chính ông vài ba lần nói với bạn bè, người lính tầm thường nhất, nhưng là một người lính viết văn.
Phan Nhật Nam cầm bút. Không chỉ làm công việc của một phóng viên chiến trường như ông đã làm trong một thời gian. Ông viết bằng những cái nhìn của một người lính đã tham dự những trận đánh ác liệt nhất nên những điều ông viết xuống chính xác hơn, bao quát hơn, chân thật hơn.
Nhưng một điều người đọc thấy được khá rõ trong những bút ký đó, là cái nhìn của một nhà văn, một cái nhìn nhân bản, tử tế của một người Việt yêu mến cái quê hương khốn khổ đó. Tôi nhớ mãi đoạn ông viết về một chuyến hành quân khi ông vào một căn nhà nhỏ, người phụ nữ trẻ kinh hoàng trong căn nhà rách nát, tồi tàn đó khi thấy ông, đã lặng lẽ tự động cởi chiếc áo trên người. Ông kịp thời ngăn hành động đó trước khi chiếc áo được tháo bỏ hẳn. Lúc ấy người phụ nữ trẻ mới hiểu ông không như người phụ nữ ấy đã nghĩ trước đó.
Đoạn văn ấy bầy ra một chuyện quá thương tâm và tội nghiệp. Tội nghiệp cho người phụ nữ trẻ ấy, cho chính ông, cho cái miền đất ông yêu và hết lòng bảo vệ.
Hơn bốn mươi năm từ khi tôi đọc bài bút ký ấy, nghĩ lại vẫn còn cảm động.
Phan Nhật Nam đã vừa đi, vừa viết trong suốt nhiều năm. Các tác phẩm của ông trước sau, cho đến bây giờ, đọc lên bao giờ cũng thấy con người lính của ông. Và trong những điều ông viết về cuộc chiến, lúc nào người ta cũng thấy con người nhà văn của ông.
Chuyện Dọc Đường không thể là cuốn sách ghi lại được tất cả những điều ông thấy, nghe, lượm lặt đươc trên con đường ấy, cũng không phải là quyển sách cuối cùng ông cho xuất bản như người chủ trương cơ sở xuất bản đã nói.
Càng đọc Phan Nhật Nam càng thấy một điều, đó là ông vẫn còn quá nhiều điều ông muốn nói. Ông còn quá nhiều thứ cất giữ trong cái bộ nhớ mà may mắn cho ông, cho chúng ta, vẫn còn nguyên những cuộn não chỉ ghi nhớ những thứ ấy, những thứ về những con đường, những nơi ông đã đi qua, những người mà ông đã tiếp xúc, những đời sống đã chạm nhẹ vào đời sống của ông.
Cuốn sách có thể đọc ở giữa, ở cuối, hay ở đầu, bắt đầu đọc ở bất cứ đoạn nào, trang nào cũng không thấy cần phải đọc theo thứ tự ghi ở mục lục. Bởi lẽ cái không khí của cuốn sách, của những câu chuyện dọc đường ấy ở đâu cũng thấy, cũng bàng bạc, lẩn quất ngay ở những nơi chốn tưởng như đã xa lắm rồi đời sống của người lính Phan Nhật Nam.
Cuốn sách vẽ ra một không gian giống như trong cuốn phim của Trương Nghệ Mưu, cuốn Cúc Đậu, về câu chuyện xẩy ra trong một lò nhuộm. Giữa cái không gian vây quanh bằng những mảng đen u tối , nhân vật chính chỉ thấy được mầu xanh khi ngó lên trời, cạnh những giải lụa mầu sắc bay phần phật trong gió.
Đọc một số chuyện trong cuốn Chuyện Dọc Đường người ta có cảm tưởng đang xem một cuốn phim đen trắng, trong một không gian lúc nào cũng thiếu ánh sáng, lúc nào cũng u uất ảm đạm.
Chuyện Những Người Đàn Bà Nơi Trại 5 Lam Sơn là một chuyện như thế.
Có thể nói chuyện này đã cực tả cái đời sống mà cứ nghĩ đến, là lại rùng mình, là lại cảm thấy may mắn những đời sống ấy không phải là đời sống của mình. Phan Nhật Nam đã chứng kiến, đã ghi lại trong câu chuyện ấy. Còn có một đời sống nào kinh khiếp được như thế? Một xã hội nào sản sinh ra những con người như thế? Còn những ai sống một kiếp đời dễ sợ, cay nghiệt như vậy? Những người phụ nữ trong chuyện hình như không bao giờ được sống những năm tháng bình thường, chứ chưa nói đến là đẹp đẽ như những thiếu nữ khác ở bất cứ một nơi nào trên thế giới. Đó là những con người đầy những thương tích mà đời sống đã để lại trên con người, trên thân thể, trong đầu óc, trong trái tim của họ. Cái xã hội tàn độc đó đã biến họ thành những con người độc ác, ngôn ngữ tồi tệ tục tĩu trong cái nhá nhem của trời đất nơi người tù Phan Nhật Nam và những người bạn tù của ông đã sống, đã chứng kiến. Đọc câu chuyện này, người ta thấy hình như Phan Nhật Nam có thể vẫn chưa viết ra được hết.
Người có gần hai chục tác phẩm mà vẫn có khi thấy chữ nghĩa bất lực, không nói lên được những điều muốn nói. Đó có thể là vì chữ nghĩa không đủ tàn ác, nhẫn tâm để nói ra được hết.
Một người bạn của tôi có lần nói rằng tại sao hạnh phúc chỉ đến với những người khác, ý muốn than thở một chút về cuộc đời của ông. Nhưng đọc xong chuyện Những Người Đàn Bà Nơi Trại 5 Lam Sơn, độc giả có thể sẽ nghĩ khác người bạn của tôi một chút, rằng tại sao những điều bất hạnh lại chỉ xảy ra cho những người khác?
Ý tưởng đó có thể thấy khi đọc cuốn sách của Phan Nhật Nam.
Như vừa giật mình tỉnh dậy sau một cơn mộng dữ.
Chuyện Dọc Đường là một cuốn sách rất nên đọc. Đọc để hiểu hơn những người đã sống chết, khổ đau trong cái quê hương nay đã quá xa, về cái đời sống chúng ta đã cùng sống một thời, về thân phận của những người mà có thể chúng ta không biết, hay chưa bao giờ gặp suốt bằng ấy năm trầm luân trong chinh chiến.
Bạn hãy đọc và cám ơn Phan Nhật Nam.
- Người Đàn Ông Không Biết Thắt Ca Vát Bùi Bảo Trúc Giới thiệu
- Nhớ Ngọc Dũng Bùi Bảo Trúc Tạp bút
• Người Đàn Ông Không Biết Thắt Ca Vát (Bùi Bảo Trúc)
• “Sự thật ấm lòng” về Nhà văn – nhà binh Phan Nhật Nam (Trangđài Glassey)
Phan Nhật Nam ra mắt hai tác phẩm (Thanh Phong/Viễn Đông)
Phỏng vấn nhà văn Phan Nhật Nam: 1, 2
Đọc Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam (Nguyễn Đình Toàn)
Với “Một Người Lính Viết Văn” Phan Nhật Nam (Hoàng Lan Chi)
Phận người vận nước (Mặc Lâm)
Phan Nhật Nam, văn chương và những hệ lụy thời thế (Nguyễn Mạnh Trinh)
(Lệ Hằng-Nguyễn Bá Trạc)
Đọc “Tù Binh và Hòa Bình” của Phan-Nhật-Nam (Điệp Mỹ Linh)
Phan Nhật Nam Dựa Lưng Nỗi Chết
(Đào Vũ Anh Hùng)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Bằng Hữu, Thật Sống Đủ Ngay Đây (Phan Nhật Nam)
• Trần Danh San, Tiếng hò khoan đã tắt
(Phan Nhật nam)
• Người Ở Lại Charlie ... (Phan Nhật Nam)
• Trần Thiện Thanh và Bằng Hữu (Phan Nhật Nam)
Tác phẩm trên mạng:
Nhà văn Phan Nhật Nam nói về cục diện trên biển Đông
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |