1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tương Phố (Phạm Thế Ngũ) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      14-12-2020 | VĂN HỌC

      Tương Phố

        PHẠM THẾ NGŨ
      Share File.php Share File
          

       

      I. Văn Xuôi:



          Nữ sĩ Tương Phố

      Tương Phố Đỗ Thị Đàm bước vào Nam Phong và nổi danh ngay với bài Giọt lệ thu (số 131, tháng 7, 1928), từ đó trở thành một cây bút phụ nữ rất được chú ý. Trừ phần thi ca (ta sẽ nói ở chương kế), về văn xuôi bà có các bài sau: Một giấc mộng (N.P. số 133, tháng 9, 1928). Nỗi thương tâm của người bạn gái (N.P số 135, tháng 11, 1928), Bức thư rơi (N.P. số 139, tháng 6, 1929), Tặng bạn chán đời (NP, số 143 tháng 10, 1929), tất cả đều dưới hình thức kỷ sự, hồi ký cá nhân.


      Giọt lệ thu tuy thỉnh thoảng có xen vào một đoạn thơ song vẫn cốt yếu là một bài văn xuôi (dai 4 trang báo) một bài hồi ký trong đó tác giả ghi lại những điều than vãn của mình nhìn cái chết đau đớn của chồng. Song cũng có thể coi như, theo lối văn cổ, một bài khóc, tác giả đã hướng về người chết, gọi ra ngôi thứ hai mà than vãn kể lể. Cảnh huống về cái chết ấy – mà ta có thể thoáng thấy qua những lời tự thuật – như sau: Tác giả quê ở Bắc Giang, năm 17 tuổi kết duyên với một thanh niên Huế tên T.V.D. cùng chồng vào Phan Thiết, được 2 năm chồng sang Pháp học y khoa, thì vợ cũng vừa sinh hạ đứa con đầu lòng. «Anh sang Tây em cũng tính ngày về Bắc, con vừa đầy tháng em đã bước lên đường». Bước sinh ly tuy buồn song dè đâu còn có cái buồn tử biệt, đau đớn hơn tiếp theo. Số là «ngót ba thu lần lữa đất Marseille, nghĩ luống thương anh yếu đau săn sóc cho người, môn Biển Thước thèm được văn bằng thuộc địa y khoa, lúc trở về đã hai làn phổi nát». Ông T.V.D. về nước thành danh nhưng cũng mang trọng bệnh và về đến Huế thì chét. Vợ con ngoài Bắc những tưởng sắp sửa cuộc trùng hoan, song «tin đâu xé ruột xé lòng, mảnh giấy xanh đưa đến tận nơi, chao ôi, lưng trời sét đánh, thôi thế là thôi, một giải khăn ngang, năm thân gấu sổ, trăm năm tâm sự, còn nói năng gì». Cái tang đau đớn của người góa phụ đương xuân đã là nguồn gốc đẻ ra bài Giọt lệ thu này.


      Gọi là Giọt Lệ Thu vì «Về với anh mùa thu, tiễn đưa anh mùa thu, mất anh cũng lại mùa thu, cho nên mỗi năm cứ đến độ thu sang thì em lại bồi hồi nhớ trước tưởng xưa mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu.». Cái tang xảy ra mùa thu năm 1920, song bài ký sự này chỉ được viết ra 3 năm sau, mùa thu năm 1923 và đăng lên Nam Phong trễ hơn nữa, mãi mùa thu năm 1928. Tuy trễ song đúng lúc, cái lúc mà phong trào lãng mạn đương lên cao. Có thể nói tác giả đã đợi giờ để công bố nó, đợi sau lúc ra đời của Linh Phượng lệ ký (tháng 4, 1928) của Tổ Tâm (1925). Thành ra cũng như đối với Linh Phượng của Đồng Hồ, một áng văn cá nhân mà điểm mầu thời đại rõ rệt. Tiếng khóc của tác giả hòa vào cái bản nhạc sầu bi của lúc đó đã đưa nó lên một cao độ tuyệt xướng và làm say mê bao tâm hồn đồng điệu. Phạm Quỳnh con người đạo mạo, con người duy lý, cũng phải ngả theo điệu chung. Đã giới thiệu Linh Phượng, ông cũng lại giới thiệu Giọt Lệ Thu, song ông thầm giá từ quan điểm của ông, quan điểm của người chăn nuôi văn quốc ngữ: "Vẫn biết tình thâm thì giọng thiết, nỗi khổ thì lời oán, nhưng tấm lòng ngổn ngang cũng phải có lời nói sẵn sàng mới thổ lộ ra được. Văn Tàu lão luyện đã đành, tiếng ta non nớt mà cũng mang được cái tình cảm nặng nề như thế âu cũng là cái triệu quốc văn tấn tới vậy".


      Cái văn ấy mà ông chủ bút Nam Phong khen là một sự tán bộ, mà người đương thời đã rất thưởng ngoạn, ngày nay đọc lại ta thấy gì? Một lối văn xuôi tả tình trải ra nhịp nhàng trầm bổng, ảo não lâm ly, thái thủ một cách chăm chỉ những văn liệu từ Kiều, Chinh phụ, cổ văn. Ta hãy đọc một đoạn:

      "Anh ơi! Gái Thiên Tôn than thở khóc sinh ly, năm năm được thấy Ngưu Lang trở lại, dây đàn kia lại cùng so phím cũ. Em nay đau lòng tử biệt, những ngậm ngùi kẻ khuất người còn, miền dị lộ nước mây thăm thẳm cách, non Bồng nước Nhược, vời trông anh bóng hạc biết về đâu! Cõi trần ai quanh năm uống lệ lại nuôi sầu, đoạn trường ấy anh biết cho nhau chăng nhẽ".

      Ta thấy đối, thấy cả vần nữa. Đọc lên thấy tờ tợ như những vế tứ lục, những câu nói lối hát tuồng. Quả là một bài văn khóc chồng như lời giới thiệu của Phạm Quỳnh theo cái nghĩa văn tế văn khóc ngày trước. Đành rằng đó đây cũng có những chi tiết cá biệt, và cái chân tình của tác giả là điều không thể phủ nhận, nhưng suốt bài văn, bao nhiêu trang trí tu từ, bao nhiêu sáo ngữ cổ điển. Cũng có thể coi như là một khúc ngâm - theo đường lối những khúc ngâm bi tình xưa: Chinh phụ, Ai tư – song viết bằng văn xuôi mà một thứ văn xuôi chưa thoát ra khỏi lề lối biền ngẫu và còn dầm dia cảm hứng Nôm xưa.


      Trong các bài ký sự sau Giọt lệ thu, Tương Phố có vẻ muốn tiến tới thể đoản thiên, Tác giả tự thuật về mình, lại đem một vài nhân vật ngoài vào, tạo ra một chút động tác. Tuy nhiên cách kết cấu rất sơ sài, câu truyện có khi rất giả tạo. Tác giả viết cốt để giảng luân lý, để giãi bày những tư tưởng của mình về nhân sinh, và thời thế.


      Một giấc mộng thuật lại dưới hình thức bức thư gửi cho bạn gái, một cuộc phiếm du trong mộng của tác giả. Ốm dậy, nằm nghỉ ban ngày, thiu thiu chợp mắt, mộng gặp một nữ lang – tên là Nam Trân – đưa đi chơi một phong cảnh Thượng du - đất Phong Châu trong mộng – có rừng dâu bát ngát, thấp thoáng mái tranh, đến một biệt xá thông reo trúc múa, hoa nở đầy vườn. Rồi lại gặp một bạn gái nữa – tên là Vân Lan – cả ba có đàm luận chán chê về địa vị nữ giới, hạnh phúc gia đình, văn minh Âu Á, rồi lên ngựa đi thăm thắng cảnh sơn lâm, náo động Thủy liêm, nào chùa Thanh nhàn. Đến chùa lại gặp một ni cô (Giác mê đạo cô), thế là lại khởi lên một vấn đề triết lý nữa: đời đáng chán hay không đáng chán. Nghe Đạo Cô thuyết về lẽ chán đời mà muốn mê đạo. Song "ngay như Đạo Cô đây đã dứt lòng trần lụy niệm câu di đà, mà vẫn còn ngày đêm sốt sắng lo làm việc phúc đức, lấy điều hay lẽ phải khuyên răn người đời. Như thế thời có phải tiếng là nương thân cửa Phật mà lòng vẫn không dứt với đời không? Huống chi bọn ta kiếp trần đeo đuổi, áo cơm còn phải lụy đời, giang sơn một gánh chữ tình chữ hiếu hai vai nặng nề, từ mang tiếng khóc ra đời, tấm thân nào đã ích gì đến ai, mà vội nỡ buông câu chán đời, há chẳng bội bạc lắm ru? Dầu sao nữa chị ơi, biết đời đáng chán mà không chán đời mới là bậc cao thượng". Đó có lẽ cái kết luận đã tìm ra vậy. Trên đường về ba cô lại đi qua một cánh đồng nông dân làm ăn chăm chỉ và vui vẻ giao ca. Có câu hát rằng:

      Giao Châu non nước đặm dài,

      Trông ra chẳng thấy một người đàn ông.

      Đã sinh ra kiếp má hồng,

      Nước non phải gánh tang bồng một vai.

      Làm chi dối khách anh tài,

      Phong hoa khách mảng nhẹ đời bồng tang.

      Biết đâu mà gởi can tràng.

      Đó có lẽ là một kết luận khác nữa. Mà cũng là một lời nhắn nhủ kín đáo của tác giả. Ba cô còn đương tính toán hẹn hò một cuộc chơi khác thì thốt nhiên con ngựa tác giả cưỡi xẩy chân ngã khụy xuống hố, tác giả rú lên một tiếng giật mình tỉnh dậy té ra một giấc chiêm bao.


      Mối thương tâm của người bạn gái mở đầu như sau: «Một buổi chiều thu ta đến thăm bạn gái. Phu nhân là một vị đài các phong lưu còn trẻ tuổi, ta đến thấy bạn tựa án thư phòng, đương ngồi ngẫm nghĩ, bức khăn là cầm tay, hai hàng châu lã chã tuôn rơi». Độc giả chờ đợi vén màn một tấn thảm kịch gì chăng? Nhưng không: Suốt bài 9 trang báo, chỉ là để người bạn gái giãi bày những lẽ vì sao mình khóc. Không phải khóc cho mình, khóc vì một nỗi khổ cá nhân nào đó, mà khóc cho đời, khóc cho «bao nhiêu những tình sầu cảnh thảm nỗi buồn nỗi khổ ở thế gian này», «khóc vì kiếp phủ sinh mong manh như giấy», «khóc cho con chim chết cóng ngày đông, con sâu chết khô ngày hạ, cánh hoa tàn chiếc lá rụng ngày thu». «Khóc vì cái thảm trạng những cuộc chiến tranh lưu huyết máu chảy thành sông thây chồng thành núi. Khóc vì cái bụng tàn nhẫn của giống người lúc nào cũng chỉ lăm le uống máu ăn thịt lẫn nhau. Khóc cho thời buổi bạc ác luân lý đảo điên, nhân nghĩa táng tận». Và đây là cái ý nghĩa riêng của tác giả, cũng là cái kết luận của bài ký sự khi tác giả từ giả người bạn gái ra về: «Ra về lạnh toát cả lòng! Buồn chân vơ vần bên đường ngắm cảnh trời thu, nhìn tranh tạo hóa rồi mà muôn sầu nghìn thảm xâu xé cõi lòng. Ngẫm nghĩ cuộc đời càng thêm chán ngán. Có gì thú nữa có gì vui nữa đâu? Ôi thôi giấc mộng phù sinh ma quái cả, trăm năm tâm sự nát can tràng. Đã thế thời than làm chi khóc làm chi, ta chẳng may người khách qua chơi đời loạn, lễ tang thương lai láng có hơn gì? Trước ta kể đã bao người khóc, sau ta đã hẳn những ai cười? Ôi, trời còn lâu đất hãy còn dài, bề dâu dâi bể cuộc đời còn thay. Riêng đối với người kia nước chảy mây bay, lẽ đâu mà khóc chua cay nỗi đời. Nên chi lòng riêng ta có ngậm ngùi, khối sầu muôn kiếp không tan được mà đành góp với nghìn thu tiếng thở dài».


      Bức thư rơi – viện cớ lượm được một bức thư rơi nên đưa đăng lên báo - trình bày những ý kiến của tác giả về thời thế: «Cuộc đời luận đến buổi bây giờ, non sông nghĩ nỗi nước nhà ngày nay, dẫu buồng khuê càng từng phen gạt thầm giọt lệ, nữa chi những khách râu mày. Ôi làm trai Nam Việt buổi này, người biết ra ai mà dửng dưng được? Cuộc đời đương lúc đảo điên, ngọn sóng tân trào cuồn cuộn như cuốn cả nhân tâm thế đạo cương thường luản lý ngày càng trôi đi... ». Tác giả bức thư lên án hạng người bạc nhược lãnh đạm đối với quốc gia, điểm tội cái xã hội đương thời, bọn làm quan tham lam vơ vét, bọn thượng lưu tồi phong bại tục, người đi học vụ lợi thiển cận, báo chí lạt lẽo, sách vở hoang đường, đến đám thanh niên nam nữ thì chỉ ham điện ham chơi. Rút lại một xã hội suông nhạt, tẻ ngơ tẻ ngắt, như thế còn gì buồn bằng, khiến người buồn nát cả ruột gan và nín đi không đành dạ nói ra cũng ngại lời. Tác giả ấp úng đưa ra một bài học yêu nước. Không phải tác giả khuyên làm cách mạng chống Pháp (mặc dầu trong lúc ấy phong trào hội kín đang ngấm ngầm bành trướng) mà chỉ là khuyên người Việt yêu nước Việt đưới chính phủ bảo hộ. «Há phải da ngựa bọc xương, há phải vai đeo cung kiếm mới là chân chính ái quốc, Từ dân ai chuyên nghề nào chăm về nghề ấy, hết lòng hết sức, làm việc gì đến nơi đến chốn, suy tính lợi hại lo liệu xa gần, nghề nghiệp ngày một hay là mình yêu nước đó"


      Tặng bạn chán đời – thác lời tự thuật của một bạn gái – kể chuyện một cô nữ sinh thi hỏng về nhà lại gặp cảnh dì ghẻ con chồng nên muốn tự mình kết liễu cuộc sống. Bèn sai con ở (tên là Ái nô) đi mua thuốc phiện dấm thanh. Nhưng Ái nô thay vì giúp chủ tự tử, hắt chén thuốc độc đi và thuyết lý sao không nên chán đời. Nó thuyết hay đến nỗi cô chủ cũng nguôi ngoai. Vừa lúc ấy bên hàng xóm phát nổ tiếng súng tự sát của một cậu công tử đàng điếm chán đời, rồi cha mẹ lên tiếng rầy la, người ngoài xúm lại chê bai hèn nhát. Và cô chủ vừa chính mình suýt chết mừng thầm đã tìm ra lẽ sống ở đời.


      Ta thấy những thiên ký sự trên của Trương Phố đều mang chủ ý cảnh thế, trong cái chủ trương chung làm văn nghệ để phục vụ luân lý của phái Nam Phong. Về kỹ thuật thì động tác bị hy sinh cho thuyết lý. Tác giả đặt ra một khung cảnh cho có chuyện, cốt để giãi bày những ý kiến xây dựng của mình về nhân sinh về thời thế. Đến câu văn thì tuy ở các bài về sau không quá cầu kỳ đẽo gọt như ở Giọt lệ thu, song vẫn săn sóc, trau chuốt ở từ ngữ, ở nhịp điệu cho đẹp cho êm. Đọc lại ngay mấy câu bất chừng trích dẫn trên đủ thấy. Văn xuôi mà có nhịp có vần không khác gì thơ. Phải nói rằng cái văn ấy khi mới đăng lên Nam Phong cảm người ta lắm, được độc giả thưởng thức lắm (coi bức thư của một độc giả trong Nam Phong số 134).


       

      Nguồn: Kệ sách Học Xá


      II. Thi Ca:


      Nói đến Tương Phố, có người nghĩ ngay bà là một nhà thơ vào lớp xa xưa của thời Nam Phong. Song sự thật khác hẳn. Trước 1928, khi Tản Đà, Á Nam đã có danh thi sĩ, người ta chưa biết Tương Phố là ai. Chỉ từ khi bài Giọt lệ thu đăng vào Nam Phong (7-1928) cái tên Tượng Phố mới ra đời. Mà ở lãnh vực thi ca, bà cùng có danh hơn là có thực. Giọt lệ thu không phải là một bài thơ mà là một bài ký sự thỉnh thoảng tác giả điểm vào vài ba câu thơ. Sau đó những bài bà đưa đăng Nam Phong đều là những bài ký sự cả, hồi ký, mộng kỷ, như ta đã phân tích ở chương trên. Mãi đến 1930 bà mới có thật sự một khúc thơ đăng trên Nam Phong: Tái tiếu sầu ngâm (N.P số 147) và năm sau một khúc nữa: Khúc thu hận (N.P số 164), mỗi khúc dài chừng vài chục câu. Vậy mà nữ sĩ đã chiếm được một ghế thi gia vững vàng trong nhiều sách văn sử hay thi tuyển từ lâu. Ở đây có thể nói là một trường hợp mà người và chuyện – người trong nữ giới thượng lưu và câu chuyện tang tóc bi thương – đã quảng cáo nhiều cho tác giả. Song có lẽ cũng là một trường hợp mà cái phẩm đã tự vượt lên cao không cần cái lượng chăng?


      Dăm câu thơ điểm vào một bài ký sự:


      Trời thu ảm đạm một màu,

      Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em.

      Trăng thu bóng ngả bên thềm,

      Tình thu ai để duyên em bẽ bàng...


      đủ làm cho ngây ngất cả một thế hệ đều ôm sẵn chữ thu trên lòng. Hơn mười năm sau, mấy vần réo rắt ấy còn đủ gợi hứng cho Vũ Ngọc Phan viết những trang tán tụng mê ly. Song đối với chúng ta ngày nay cái giọng gọi hồn, cái tiếng khóc đám ma ấy đà giảm nhiều hấp lực. Nữ sĩ vẫn có thể chiếm được ít nhiều cảm tình của chúng ta. Song thơ bà khó có thể nói là đã giành được một đặc sắc gì về nghệ thuật trong giai đoạn. Hãy nói ngay vào 2 khúc thơ chính là thi nghiệp của tác giả. «Tái tiếu sầu ngâm», 58 câu lục bát trường thiên giải tỏ nỗi sầu khi tác giả bước đi bước nữa, chắp nối với ông tuần phủ Phạm Khắc Khánh. "Khúc thu hận", 36 câu song thất lục bát, giải tỏ cái hận của tác giả tuy tái giá mà không có hạnh phúc, vẫn để lòng tiếc thương người cũ. Có thể khen là tác giả có dạ thủy chung (?), có ý thành thật, song văn bà sáo, sáo quá, hãy thử đọc:


      - Vóc mai gầy võ tuyết sương,

      Tám thu chiếc bách cánh buồm bơ vơ.

      E dè buồi gió chiều mưa,

      Con côi mẹ góa dể nhờ nương đâu.


      - Làng mây nước biết đâu nhắn gửi,

      Khoảng đất trời để mãi nhớ thương.

      Vì chàng chín khúc đoạn trường,

      Vì chàng trăm mối sầu vương tháng ngày.


      Đọc mỗi câu ta không khỏi thấy lởn vởn những hình ảnh, những chữ, những dáng dấp trong Kiều, Phan Trần, trong Chinh phụ ngâm, Ai tư vãn. Tác giả đã mô phỏng lung tung khắp cả. Cả Cao Bá Nhạ:


      Trông về lối cũ Bình Hương,

      Sông sâu chín khúc, đoạn trường quặn đau.


      Cả Tản Đà:


      Kể từ độ phong trần lạc bước,

      Mười lăm năm mặt nước cánh bèo.


      Duy có điều là tất cả những văn liệu tiền nhân đến tác giả, dung hợp lại khăng khít và chảy ra thành một điệu thơ khá trơn tru hoạt bát.


      Phạm Thế Ngũ
      Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, tập III, trang 336
      Cơ Sở Xuất Bản Đại Nam, Hoa Kỳ

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tiểu thuyết Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Nguyễn Hữu Tiến Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Nguyễn Đôn Phúc Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Những Đoản Thiên Của Phạm Duy Tốn Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Những Đoản Thiên Của Nguyễn Bá Học Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Đoàn Như Khuê Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Phan Kế Bính: Việt Hán Văn Khảo Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Phan Kế Bính: Việt Nam Phong Tục Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Phan Kế Bính: Cuộc Đời và Văn Nghiệp Phạm Thế Ngũ Khảo luận

      - Tương Phố Phạm Thế Ngũ Khảo luận

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu (Lương Thư Trung)

      Đọc Chuyện Khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn (Thái Kim Lan)

      Nguyễn Đạt Thịnh: Con Người Và Tác Phẩm (Nguyễn Khánh Văn)

      Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger... khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ' (Huyền Trân)

      Phỏng vấn Giáo Sư Stephen Young (Đinh Quang Anh Thái)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)