1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Vũ Khắc Khoan & Samuel Beckett: Nghệ Thuật, Như Một Cái Cớ (Bùi Vĩnh Phúc) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      27-02-2015 | VĂN HỌC

      Vũ Khắc Khoan & Samuel Beckett: Nghệ Thuật, Như Một Cái Cớ

        BÙI VĨNH PHÚC
      Share File.php Share File
          

       

      Lúc đầu, tôi đã muốn đặt tựa bài viết này là Vũ Khắc Khoan & Samuel Beckett: Sự chờ đợi, như một cái cớ. Sau đó, tôi đổi lại thành: Kịch, như một cái cớ. Và cuối cùng, những suy nghĩ về Kịch của Vũ Khắc Khoan và Samuel Beckett đã khiến tôi đặt lại tựa đề như trên.


      Thế nhưng, trong bài này, tôi lại không thể viết hết về nghệ thuật của Vũ Khắc Khoan hay của Samuel Beckett. Mỗi người cần riêng cho họ một (hay vài chục) cuốn sách. Tôi lại càng không thể, trong một bài vắn gọn, viết về nghệ thuật của cả hai người. Tôi sẽ chỉ viết về Kịch. Một vài vở trong toàn bộ sáng tác của họ.


      Thế tại sao lại không thu gọn cái tựa đề lại? Bởi vì, đó cũng lại là một cái cớ. Tôi sẽ nhìn kịch như một cái cớ để, từ đó, nói lên một số suy nghĩ về quan niệm nghệ thuật-văn chương, khảo luận, tùy bút (trường hợp VKK), thi ca, phim ảnh (trường hợp Samuel Beckett) - của hai người. Tại sao lại Vũ Khắc Khoan và Samuel Beckett? Dĩ nhiên, mỗi người có một vị trí riêng, có một thời thế, một đời sống, một hoàn cảnh xã hội, đẩy họ đến những sáng tác riêng. Nhưng ở đây, tôi chỉ muốn trình bày một cái chung của họ: Kịch. Và một cái chung lớn hơn: Nghệ thuật như một cái cớ để, qua đó, họ thể hiện cái cung cách sống đời, cái lối suy nghĩ, cái cách nhìn ngắm và phân giải đời sống của họ.


      Vũ Khắc Khoan có thể đã chịu một ít ảnh hưởng của Samuel Beckett. Và ông đã thành công trong việc làm mới kịch Việt, với những vở kịch được viết sau này của ông, dựa trên một vài kỹ thuật mà Samuel Beckett đã sử dụng trong En Attendant Godot và những kịch sau đó. Nhưng chính cái tài sử dụng ngôn ngữ cũng như sự tinh tế của Vũ Khắc Khoan khi nhìn ra những kho tàng ẩn giấu chưa được khám phá trong các vở chèo cổ hay hát bội Việt đã là những yếu tố góp phần nhiều nhất vào sự thành công của ông. Trong cuốn túy bút Mơ Hương Cảng, Vũ Khắc Khoan có một bài viết bày tỏ sự thích thú về vở kịch En Attendant Godot của Beckett. Trả lời câu hỏi của Nguyễn Đông Châu trên báo Văn (Sài gòn): Từ Shakespeare, Racine tới Camus, Beckett, kịch đã tiến triển như thế nào. Và trong các tác giả trên, ông lưu ý đến ai? Vũ Khắc Khoan đã nói tóm lại là ông thích nhất hai người: Shakespeare (lắm lời nhất) và Beckett (ít lời nhất). Cũng trên Văn (Sài gòn), để trả lời câu hỏi của Nguyễn Nam Anh: Ông nghĩ sao về Ionesco? Samuel Beckett? Vũ Khắc Khoan nói: Ionesco dưới Beckett một bực. Nhưng cũng vì vậy mà với Ionesco thì còn kịch. Với Beckett, kịch dần dần tự hoá giải để trở thành vô ngôn.


      Vũ Khắc Khoan yêu sự vô ngôn này. Ông cũng lập đi lập lại nhiều lần cái quan niệm của ông cho rằng một vở kịch lớn là một vở kịch không có khán giả. Khán giả với diễn viên là một (l). Khán trường và sân khấu không còn sự ly cách (sự ly cách này vốn dĩ đã thật là mỏng manh trong bản chất của kịch.)


      En Attendant Godot là một vở kịch cả thế giới biết đến của Samuel Beckett, được viết trong giai đoạn 1947-1949. In thành kịch bản năm 1952. Diễn lần đầu vào tháng Giêng, 1953. Bản dịch ra Anh văn là Waiting for Godot năm 1954... Vở kịch này là một cuộc cách mạng trong cơ cấu kịch, trong chất liệu kịch, và trong sự trình diễn. Thông điệp của vở kịch là sự chờ đợi. Vở kịch được xây dựng quanh hai diễn viên chính, qua đó, tác giả trình bày hoàn cảnh và đặc tính của sự chờ đợi. Cái đặc tính này cũng là yếu tính của vở kịch. Kịch ở đây không còn trình bày về một biến cố nào đó, nhưng nó trình bày chính nó. Tự nó là một vũ trụ riêng với những khả tính và yếu tính mà tác giả muốn nó có.


      Trong một vài vở kịch của Vũ Khắc Khoan-chẳng hạn như Giao Thừa, Ga Xép, và Thành Cát Tư Hãn-tôi cũng thấy cái chủ đề về sự chờ đợi ẩn giấu trong đó. Tôi sẽ trình bày rõ hơn về cái nhìn này của mình trong kịch Vũ Khắc Khoan, cũng như sẽ đưa ra một vài suy nghĩ khác liên hệ đến kịch của ông sau khi tôi đã trình bày một vài nhận xét về Samuel Beckett nói chung, và đặc biệt, về vở En Attendant Godot của tác giả này


      *


      Samuel Beckett là một tiểu thuyết gia, một kịch tác gia, một thi sĩ, một người làm phim, một nhà phê bình người Ái nhĩ lan sinh năm 1906 tại Dublin. Giải Nobel năm 1969. Ông theo học ở Trinity College, và sau đó làm giáo sư thỉnh giảng tại Ecole Normale Supérieure, Paris (l928-l930). Ở đó, ông gặp và trở thành bạn thân của James Joyce. Từ năm 1938 trở đi, ông định cư và làm việc luôn tại Paris.



            Nguồn: Kệ sách Học Xá

      Những tác phẩm đầu tiên của Beckett bao gồm thơ, tiểu luận, truyện, và hai cuốn tiểu thuyết mang tựa đề Murphy (1938) và Watt (1953). Trong hai tiểu thuyết này, cũng như trong các tác phẩm khác sau đó của ông, những nhân vật chính là những người, chịu đựng một sự thúc đẩy mãnh liệt từ đời sống riêng của họ, lao đầu vào thế giới bên ngoài để tìm kiếm một thực tại hết sức hư ảo. Ở đó, họ chỉ tìm thấy một thế giới phi lý. Cái thế giới này từ chối mọi sự trình bày hay lý giải về nó. Trong những tác phẩm sau này viết bằng tiếng Pháp (được dịch ra Anh văn bởi chính tác giả những năm sau đó), đặc biệt là bộ tiểu thuyết ba tập (trilogy) gồm Molloy (l951), Malone meurt (Malone dies, 1952) và L'innommable (The unamable, l953), Beckett đã sử dụng kỹ thuật độc thoại nội tâm, dùng dòng-ý-thức để trình bày về cuộc tìm kiếm, trở về với bản chất mình, với cõi sơ đầu của mình, nơi con người. Cuộc tìm kiếm này được thực hiện giữa màn sương mù bao phủ dày đặc của sự cô đơn, sự thối rữa tàn tạ, và cái chết.


      Những tác phẩm này của Beckett đều có một giá trị độc đáo của chúng. Nhưng chính vở kịch En Attendant Godot (Waiting for Godot, 1952) mới làm cho tên tuổi Beckett trở thành lừng lẫy và biến tác giả trở nên một khuôn mặt nổi bật của những kịch tác gia chủ trương một loại kịch mới gọi là kịch phi lý (the theatre of the absurd). Đặc tính của vở kịch này được diễn tả qua cung cách ngớ ngẩn, ngôn ngữ lập lại của diễn viên, và nhất là qua kỹ thuật dựng phông. Diễn viên là những anh hề hay những kẻ đầu đường xó chợ lang thang lếch thếch. Cảnh thì ảm đạm, trơ trụi và không thể xác định được là ở đâu. Cử chỉ, động tác của nhân vật thì rất ít, quá ít. Chỉ có lời nói là chính. Những câu nói lập đi lập lại và hết sức mâu thuẫn, có tính cách tự xoá. Thật sự, ngôn ngữ, cũng như bất kỳ một phương tiện nào khác, đều mất đi cái khả tính soi sáng, trình bày ý nghĩa của nó trong một thế giới phi lý. Chủ đề chính của vở kịch chỉ giản dị là sự chờ đợi. Nhưng "cái" mà hai kẻ lang thang kia chờ đợi thì lại là một cái gì mơ hồ, không rõ nét, không chắc chắn. Cái đó là Godot. Nhiều nhà phê bình Âu Mỹ đã suy xa đoán gần đó là Thượng Đế, God. Trong Godot có chữ God. Hay là định mệnh con người. Hay là một cái gì khác. Bao nhiêu là suy đoán xoay quanh cái "nhân vật" Godot ấy.


      Vũ Khắc Khoan, trong bài viết về vở kịch này, cũng đã trình bày lại những suy đoán đó. Nhưng thật ra thì Godot là tiếng Pháp, đọc là Gô-đô, nhấn mạnh ở âm thứ nhì. Vở kịch đã được viết, và, trong thời gian đầu, đã được trình diễn tại Pháp. Bởi thế, chỉ là một sự trùng hợp khi chữ Godot được một số người Anh Mỹ đọc là "God-oh" từ đó, mặc cho nó một số ý nghĩa mới lạ như là Thượng Đế, định mệnh v.v... Nhưng còn Beckett, ông nói gì về Godot của mình?- "Nếu tôi đã biết Godot là gì, tôi đã nói hết ra trong vở kịch của tôi rồi!" Thế đấy. Nhưng sau này, khi bị chất vấn quá nhiều, mặc dù Beckett đã tỏ ra là ông ta rất do dự trong việc đưa ra một lời giải thích để làm sáng rõ ý nghĩa tác phẩm của mình, ông đã nói: "Godot là đời sống-không một mục đích, nhưng luôn luôn với một tia hy vọng nào đó."


      En Attendant Godot là một vở kịch không có thời gian, không gian, động tác, hay câu chuyện gì cả. Nó không nói về một biến cố nào. Kịch gồm 2 hồi, là hai ngày lẫn lộn vào nhau, như nhau. Beckett viết ở đoạn đầu hồi một: buổi chiều, và ở đầu hồi hai: như hồi một. Thời gian có lúc như đọng 1ại, có lúc lại như vụt đi. Không gian thì cũng thế: vô tính và mờ ảo. Beckett viết: Một con đường quê, có cây (Route à la campagne avec arbre). Một con đường vùng quê. Một thân cây, một chạc cây, hay một cành cây. Tất cả đều lẻ loi, ảm đạm. Và trơ trụi.


      Beckett đưa ra hai nhân vật chính: Estragon và Vladimir, mà Vũ Khắc Khoan diễn tả là "hai nhân vật chỉ còn là 'người'" ở nơi phảng phất hình ảnh con người (gọi là hai cái thân tàn ma dại, hai cái mờ-mờ-nhân-ảnh băng hoại đến đáy sâu hố thẳm của sự băng hoại, thì đúng hơn)..." (En Attendant Godot, Vũ Khắc Khoan - Mơ Hương Cảng).


      Hai nhân vật này ngồi dưới cái gốc cây, cái chạc cây trơ trụi kia, chờ một nhân vật thứ ba với một cái tên bí hiểm là Godot. Cả hai đều không biết rõ Godot là ai, không biết chắc là Godot có sẽ đến không. Nhưng vẫn phải chờ. Phải đến đó mà ngồi chờ Godot. Không tránh né được. Không cưỡng thoát được. Sự chờ đợi được Beckett diễn tả trong hai hồi đã cho người đọc cái cảm tưởng là nó đã bắt đầu từ lâu lắm rồi, tự thuở có con người. Và sự chờ đợi này sẽ còn kéo dài cho đến khi nào hết con người trên mặt đất. Sự chờ đợi này đã xóa nhoà hết ranh giới của hiện tại, tương lai và quá khứ. Trong khi chờ đợi cái nhân vật Godot mà hai gã chưa từng biết mặt kia, cái nhân vật Godot không chắc có tới kia, Estragon và Vladimir phải bày ra đủ mọi trò để làm cho qua giờ, phải tung hứng xướng hoạ bằng những câu nói ngớ ngẩn đầu voi đuôi chuột hoặc là không đầu không đuôi, câu trước chửi bố câu sau câu sau lầu bầu câu trước. Lẫn lộn như một mớ bòng bong, như một mớ... Đào-cốc-lục-tiên của Kim Dung. Ngôn ngữ đã mất đi cái khả tính tối thượng của nó: soi sáng và mang lại ý nghĩa cho hành động, cho suy tưởng, cho đời sống. Không, trong cái thế giới phi lý này, ngôn ngữ trở thành những bọt bong bóng được hai anh hề thổi bay tứ tung. Và rồi chúng sẽ vỡ tan mà không còn để lại một vết tích gì. Có chăng chỉ còn để lại sự trơ trọi, trống rỗng và phi lý đến cùng cực của kiếp người.


      Vậy thì hai gã khờ kia ngồi chờ Godot dưới gốc cây, tung hứng, nói nhăng nói cuộc đủ mọi thứ chuyện cho qua giờ. Thế nhưng Godot không đến. Và có hai nhân vật khác bất ngờ xuất hiện. Pozzo và Lucky, một người là chủ (tay cầm đầu dây thừng), một người là nô lệ (với đầu kia của sợi thừng tròng nơi cổ) Cả bốn gặp nhau lại tung hứng xướng họa bằng những lời nói vô nghĩa. Cuối cùng chủ Pozzo ra lệnh cho kẻ nô lệ Lucky phải suy tư (Pense, porc!) Lucky bèn tuôn ra một màn độc thoại vô nghĩa và kéo dài, bao gồm đủ mọi thứ trên trời dưới đất. Thượng đế-con người-địa ngục-ăn uống-tiêu hóa-thể thao-giải trí-quần vợt-đua ngựa-ky mã-máy bay-khúc côn cầu-Hàn lâm viện văn chương-Voltaire đã chết như thế nào-đồng quê-thành thị-đá cuội-lửa-nước mắt-mây trời-nuớc biển... Khi Pozzo và Lucky đã đi khỏi thì có một thằng bé chạy lại báo tin cho hai gã khờ biết là Godot không đến hôm nay, nhưng chắc chắn sẽ đến vào ngày mại. Thế rồi đêm buông xuống. Trăng lên. Hai gã khờ nhìn cành cây, và như bị ảnh hưởng bởi ánh trăng thượng tuần, bèn nghĩ đến một mẩu thừng. Cả hai muốn tự tử. Nhưng làm gì tìm ra một mẩu thừng ở nơi trơ trụi này. Thế rồi màn hạ. Xong hồi một. Hồi hai cũng lại y hệt như thế với chỉ một vài điểm khác biệt để khỏi lẫn lộn với hồi một. Pozzo bây giờ bị mù, còn Lucky thì câm. Thời gian như thế là có xao động, có biến chuyển. Cuối hồi hai, thằng bé lại chạy lại bảo là Godot không đến nhưng sẽ đến, chắc chắn, vào ngày mai. Đêm lại xuống. Trăng lại treo. Cành cây lại trở thành mẩu thừng ám ảnh. Ý nghĩ tự tử lại vi vu hiện ra. Estragon bỗng chợt nhớ đến cái mẩu dây thừng thắt lung của mình. Bèn lôi ra ngắm nghía. Cả hai kéo co xem thử mẩu thừng có chắc không. Đứt đôi. Hy vọng cứu rỗi bằng sự tự tử tắt ngấm. Quần tụt. Hình ảnh Estragon kéo quần lên và cả hai hò hẹn với nhau lại sẽ ngồi chờ đến ngày mai là hình ảnh và những câu nói cuối cùng của vở kịch. Phi lý và ngộ nhận vẫn tiếp diễn:

      Vladimir: Mặc quần vào

      Estragon: Cát gì?

      Vladimir: Mặc quần vào

      Estragon: Mày muốn tao cởi quần ra phải không?

      Vladimir: MẶC QUẦN VÀO

      Estragon: (chợt nhận thấy là quần mình đã tụt): Đúng.

      Hắn kéo quần lên

      Với sự chờ đợi như một cái cớ, vở En Attendant Godot đưa ra một "thông điệp", có thể nói tóm lại là "Không thể làm được gì cả" (Nothing to be done). "Thông điệp này được giới thiệu ngay ở đầu vở kịch, với câu nói đầu tiên của Estragon. Vở En Attendant Godot mở đầu như sau:

      Estragon, ngồi trên một ụ đất thấp, đang cố gắng cởi giày. Hắn kéo chiếc giày ra với cả hai tay, thở phì phò. Hắn chịu thua, hết hơi, ngồi nghỉ, rồi lại tiếp tục. Như trước.

      Vladimir bước vào.

      Estragon (chịu thua lần nữa): Không thể làm được gì cả.

      Không thể làm được gì cả. Vậy thì chỉ có chờ đợi. Và nói truyện để lấp đầy khoảng trống. Câu truyện lại xoay quanh chủ đề cũ. Nothing to be done. Cái neo để giữ vở kịch là những lời đối thoại, mặc dù những lời đối thoại này rất vô nghĩa. (Trong một vở kịch khác của Beckett, một diễn viên đã hỏi: "Cái gì đã giữ tôi ở lại đây?" Câu hỏi này đã được trả lời một cách không trả lời gì cả bởi một diễn viên khác: "Những lời đối thoại!")


      Chủ đề của vở kịch là sự chờ đợi. Chờ đợi một cách không chắc chắn một cái gì đó, một người nào đó, có thể đến nhưng cũng không chắc đến. Khán giả theo dõi vở kịch, qua các nhân vật, cũng mang một tâm thức chờ đợi. Hắn biết là hắn chờ Godot, nhưng chẳng biết Godot là ai, và chẳng biết Godot có đến không. Hắn tự hỏi mình chờ cái gì. Mình chờ một cái gì không chắc chắn sẽ xảy ra, cũng không chắc là sẽ không xảy ra. Con người khán giả hôm nay, qua Estragon và Vladimir, tự tra vấn mình. Và trong sự tự tra vấn đó, hắn thấy mình thế nhập với Estragon và Vladimir, để rồi chỉ nhìn thấy cái ngây ngô, kệch cỡm, lố bịch của mình phản ánh qua những hành động lố lăng, lời nói vô nghĩa của kẻ đối diện. Mà kẻ đối diện đó cũng lại là mình. Cái bi đát của đời sống hôm nay chính ở chỗ "con người tự nhìn ra mình là một tên hề lố bịch, một thằng người vô danh, vô tính-cái bi đát của con người sa lầy dần dần vào cái bầy nhầy của thời gian bất biến, và cái ù lì của đồ vật vô tri vô giác, cái bi đát của con người đã băng hoại đến độ cuối cùng của sự băng hoại mà lại còn giật mình nghe thay vẳng lên tự lòng vực thẳm băng hoại những lời tra vấn đã tưởng trả lời dứt khoát từ lâu, mà con người đã rõ không thế nào, không thế nào trả lời dứt khoát..." (En Attendant Godot - VKK, sách đã dẫn).


      Vở kịch tạo nên một cái cười méo mó. Không khí khó chịu và dồn nén vì sự chờ đợi, vì sự vô nghĩa lý và lập đi lập lại của những lời đối thoại, vì cái trực thức của khán giả khi nhận thấy tất cả sự lố bịch bi đát của con người mình đã phản ánh qua những nhân vật nửa người nửa ngợm, bẩn thỉu, kệch cỡm kia, đã nổ bùng ra ở tiếng cười bất ngờ của khán giả khi chiếc quần của Estragon tụt xuống. Tiếng cười này là một phản ứng tự nhiên trước cái không bình thường, nhưng nó vẫn không giấu nổi trong nó sự ngỡ ngàng, bất đắc dĩ trong các ý nghĩa tự chế diễu, tự khôi hài hoá chính mình. Tất cả cái bi đát của đời sống hôm nay-không phải cái bi đát cao cả của Oedipus hay Hamlet... mà Sophocles và Shakespeare đã thể hiện- được phô bày rõ ràng qua cái cười vào sự trống rỗng và lố bịch đó. Con người hôm nay, ở tất cả mọi nơi, với sự tự đóng khung mình vào những ý niệm, những chủ nghĩa xanh hay đỏ, tự mô-mi~hoá mình qua những khuôn đông cứng của các hệ ý thức, đều chia sẻ cái sự trống rỗng và lố bịch kia.


      Cái tính chất bi kịch trong En Attendant Godot đã được thể hiện qua hình thức hài kịch. Và đó là cái mới của Samuel Beckett.


      Tiểu thuyết của Beckett, hay phim, hay kịch của ông, thật sự, đều có một nét gì đó hết sức giống với một thứ hình học phi-Euclid. Hình học của Euclid bắt nguồn từ năm định đề. Cả năm định đề này không ai có thể chối cãi được vì nó đánh thẳng vào cái lương thức, cái sự nhận xét tự nhiên của con người. Tuy nhiên, một trong năm định đề ấy, định đề về đường thẳng song song, đã khiến cho một số nhà toán học suy nghĩ vì tính cách kích thích của nó, và vì nó, phần nào, có vẻ không hiển nhiên như bốn định đề kia. Định đề này phát biểu rằng từ một điểm ở ngoài một trường thẳng, ta chỉ có thể kẻ một đường thẳng duy nhất song song với đường thẳng đã cho. Nhiều cố gắng đã được các nhà toán học thực hiện để phủ nhận định đề kia, với dụng ý là biến nó thành một chi tiết của toàn hệ thống, chứ không phải là một nguyên lý của hệ thống. Các thất bại liên tiếp của những nỗ lực đó là một phần của lịch sử toán học.


      Cũng như thành công rực rỡ của Lobachevsky thong nỗ lực cởi bỏ tính chất trói buộc của định đề này. Lobachevsky lý luận: Nếu định đề về đường song song của Euclid không hiển nhiên vì đã tạo ta những tranh cãi, và nếu nó không được bao hàm trong bốn định đề kia vì người ta đã không thể suy diễn có từ chúng, thì, tại sao chúng ta lại không thử tìm xem thái độ của các nhà toán học ra sao nếu ta thay đổi định đề này. Thí dụ, các nhà toán học sẽ phản ứng thế nào khi ta nói rằng từ một điểm ở ngoài một đường thẳng, ta có thể vẽ được vô số các đường thẳng song song với đường thẳng đã cho.


      Thật không có một cách thức hiển nhiên nào để phủ nhận lời phát biểu của Lobachevsky. Không ai có thể thử nghiệm để chứng minh cái định đề này. Bởi lẽ, để có thể chứng minh được định đề này là đúng hay sai, người ta sẽ phải du hành cho đến tận vô cực để tìm xem các đường thẳng có sẽ gặp nhau hay không. (Tất cả bốn định đề kia đều có thể chứng minh được ngay lập tức trên giấy trắng mực đen). Và Lobachevsky dần dần kiện toàn một hệ thống trong đó người ta có thể vẽ vô số những đường thẳng song song với nhau. Và sau đó, những hệ thống khác được thành hình- chẳng hạn như một hệ thống của Riemann, trong đó người ta không thể vẽ bất cứ một đường thẳng nào song song với một đường thẳng đã cho sẵn. Từ cái trò chơi ra-vô-tự-do này mà Einstein đã vạch nên lý thuyết vũ trụ tương đối của ông.


      Cùng một cung cách như thế, Beckett nói: "Sống là để bị nhìn ngắm" (To be is to be perceived), và ông ta làm một cuốn phim về cái "định đề" này (2). Hoặc ông ta nói: "Sống là chờ đợi", và giả dụ là Godot không bao giờ đến, thế là ông ta viết En Attendant Godot. Tiểu thuyết của Beckett, chẳng hạn như cuốn Murphy, hay các vở kịch, các tác phẩm khác của ông, gần như đều đã được viết hay soạn ra từ một cung cách đó. Nghệ thuật đối với Beckett, chỉ như một cái cớ, để ông trình bày cái nhìn của mình về cuộc đời.


      Yếu tính của vở kịch là sự chờ đợi. Trong sự hoang mang, không chắc chắn. Nếu trước Beckett đã không từng có một vở kịch nào viết về sự chờ đợi như En Attendant Godot thì đó là vì chưa từng có một kịch tác gia nào đã nghĩ đến việc thử làm chuyện ấy. Vả lại, chuyện này có vẻ như đi ngược lại yếu tính của kịch, trong đó, đơn vị bình thường và căn bản là một biến cố nào đó. Trong một vở kịch như thế, tất cả các thời khoảng- cả về không gian và thời gian- giữa các biến cố được xếp đặt và trình bày khéo léo để thuyết phục chúng ta rằng tất cả mọi sợi dây đang được từ từ thắt gút để dẫn đến một biến cố mới.


      Qua Rex Oedipus của Sophocles hay qua Agamemnon của Aeschylus, khán giả đều chờ đợi để nhìn thấy cái định mệnh khốc liệt của Oedipus hay của Agamemnon. Tất cả những nhân vật dự phần trong các vở kịch này cũng hầu như đều chờ đợi cái giây phút định mệnh ấy. Tất cả đều chờ đợi để thấy Oedipus khám phá ra cái sự thật phũ phàng, là chính chàng đã là kẻ giết cha rồi lấy mẹ làm vợ. Tất cả đều chờ đợi cái giây phút kinh hoàng khi Oedipus tự chọc thủng mắt mình vì những tội kinh khiếp kia. Tất cả đều chờ đợi để thấy cái định mệnh khốc liệt của Oedipus khi chàng tự lưu đày mình ra khỏi cái vương quốc mà chính chàng là người đứng cao trên hết. Tất cả mọi người đều chờ đợi cái giây phút Agamemnon bị Clytemnestra giết. Và chính Clytemnestra cũng hồi hộp chờ đợi cho đến cái giây phút chín mùi đó.


      Nhưng những điều đó khác với những gì xảy ra trong kịch của Beckett. Kịch của Sophocles và Aeschylus, ở vào đoạn cuối, đã đẩy tâm trạng con người đến cực điểm rung động của nó, rồi kéo cái cực điểm này vào lãnh vực của thực tại. Chờ đợi một cái gì không thể nào tránh khỏi là một sự chờ đợi với một đặc chất khác. Và sự chờ đợi như thế khiến cho nếu Oedipus và Agamemnon không bắt gặp cái định mệnh khốc liệt của họ, vở kịch sẽ mất hết ý nghĩa và trở thành một sai lầm trầmm trọng trong cú pháp, trong văn phạm kịch. Tuy nhiên, không có gì là lầm lỗi nếu Godot không đến, hoặc không bao giờ đến.


      Chờ đợi. Làm cho khán giả cũng chia sẻ sự chờ đợi. Và lý luận, lý giải về cái đặc tính của sự chờ đợi ấy: điều này không thể thực hiện với tình tiết, bố cục của cú pháp, văn phạn mà kịch cổ điển thường dùng bằng cách cho tất cả mọi tình tiết hội tụ vào một biến cố mà nếu cái biến cố này không xảy ra, vở kịch sẽ trở nên hỏng. Beckett đã tạo ra một loại cú pháp, văn phạm mới cho kịch của ông, với những cấu trúc đối xứng hết sức đẹp đẽ trong đối thoại, trong những khoảng yên lặng, cũng như trong các phân cảnh. Với những câu ngắn, đẹp, nghe như tiếng hồ cầm, những giọng nói cất lên, hỏi, đáp, làm gợi lên những tiếng nói chết, kỳ lạ, ẩn hiện, và chỉ xảy ra trong những đầu óc, những tâm thức đợi chờ. Những khoảng yên lặng giữa các giọng nói cũng trở thành một phần của cuộc đối thoại như những chữ nghĩa đã được phát ra.


      Những câu nói, với chữ nghĩa được cắt gọn, trầm, như một thứ âm nhạc của một loài hồ cầm nào đó, cùng lúc, mang trong nó sự phi lý, vô nghĩa, lập đi lập lại, đã trở thành một điểm lạ, mới, hết sức đặc biệt của Beckett để tạo một không khí riêng cho kịch của ông. Mà không phải chỉ kịch. Văn Beckett cũng cho thấy cái đặc tính đó.


      Có nhà phê bình đã đưa ra nhận xét là thế giới của En Attendant Godot đã rất giống với các khung cảnh của nước Pháp dưới thời bị Đức chiếm đóng. Chính Beckett đã sống ở đây trong suốt những năm chờ đợi ấy. Chờ đợi gì? Chờ đợi một cuộc Nổi Dậy. Người ta đã chờ đợi một cách mơ hồ một cái gì đó. Cái gì đó không biết có xảy ra hay không. Trong không khí chiến cuộc, không cuộc hẹn nào là chắc chắn cả. Hẹn rồi hủy bỏ. Hủy bỏ rồi lại có những tín hiệu mới hâm nóng sự đợi chờ... Godot, có phải đó là cái sự chờ đợi kia không?


      Có lẽ chúng ta chẳng cần phải tìm hiểu thêm nữa về Godot, về một sự chờ đợi đã xảy ra và trở nên nổi tiếng trong kịch của Beckett. Đã bao lần chúng ta chờ đợi một điều gì đó xảy ra trong đời. Sự chờ đợi trong kịch của Beckett đã tỏ lộ một cái nhìn phi lý về cuộc sống. Sự chờ đợi của mỗi người chúng ta có thể khác. Nhưng, để lập lại một lần nữa, nối về sự chờ đợi, làm cho người khác chia sẻ sự chờ đợi ấy với mình, và lý giải về tính chất của sự chờ đợi ấy qua những đối thoại rất vô nghĩa (mặc dù đẹp nếu nhìn dưới góc cạnh khác) như Beckett đã làm quả là một điều rất mới. Samuel Beckett dã làm được những điều ấy qua hàng loạt những tác phẩm khác thuộc đủ mọi thể loại của ông. Nghệ thuật, ở đây, chỉ như là một cái cớ để, qua đó, tác giả trình bày và nói về sự nhìn ngắm của mình đối với cuộc đời.


      *


      Trong những kịch Vũ Khắc Khoan đã viết mà tôi được đọc (và đã được xem tính diễn một số) có: Giao Thừa, Thành Cát Tư Hãn, Ngộ Nhận, Những người không chịu chết, và Ga Xép. Ngoại trừ vở kịch đầu, Giao Thừa (nếu không lầm, là vở kịch đầu tiên của VKK), còn khá sơ sài trong tình tiết và trong ngôn ngữ sử dụmg; những vở kịch sau này từ Thành Cát Tư Hãn trở đi, đều có một nét đặc sắc riêng của chúng. Thành Cát Tư Hãn là vở kịch làm cho nhiều người biết đến Vũ Khắc Khoan như một nhà soạn kịch nhất. Nhưng thật sự thì Ngộ Nhận, Những người không chịu chết, và Ga Xép trình bày được nhiều nét mới của Vũ Khắc Khoan hơn.


      Ở phần đầu của bài viết này, tôi đã nói là tôi nhìn thấy cái chủ đề về sự chờ đợi ẩn hiện trong một số kịch của Vũ Khắc Khoan. Một cách ngẫu nhiên, giống như Samuel Beckett, Vũ Khắc Khoan cũng đã khai thác cái chủ đề này trong kịch của mình.


      Trong Giao Thừa, Vũ Khắc Khoan dã dùng cái cớ chờ đợi giao thừa, cái giây phút thiêng liêng, khi năm cũ và năm mới giao nhau, để trình bày một hoàn cảnh của một gia đình nghèo vùng ngoại ô Hà Nội giai đoạn 1950. Một căn buồng ngăn đôi bằng tấm liếp gỗ, trong mỗi ngăn sống gọn một gia đình. Nhân vật ở cánh bên này là một cặp vợ chồng tiểu lao động trí thức, người chồng đi dạy học, người vợ đang trong thời kỳ có mang. Bên kia, là gia đình một bác thợ mộc.


      Những lời đối thoại giữa các nhân vật chỉ được dùng để lấp đầy cái suy tư khi thì háo hức, lúc lại thâm trầm của nhân vật người chồng về ý nghĩa của chữ "giao thừa", trong khi anh chờ đợi cái giây phút linh thiêng ấy. Chính sự chờ đợi của tôi, sự suy tư của tôi về một cái gì đó, sẽ xác định con người tôi, bản chất tôi, cách tôi sống chết ở đời.


      Ở đoạn đầu vở kịch, nhân vật người chồng đã trầm ngâm suy tư:

      Giao thừa! Giao, giao đi, giao lại, giao thông, ngoại giao, giao tranh... Giao là qua lại với nhau. Thừa! Thừa thiên hưng vận... Thừa lệnh tổ mẫu... Thừa dịp... Thừa cơ... Giao thừa là... mười hai giờ đêm hôm ba mươi tháng chạp âm lịch, là lúc hết năm cũ, bước sang năm mới. Hừ! Mười hai giờ đêm hôm ba mươi tết thì có gì lạ nhỉ... Có cái gì? Quả đất vẫn quay. Chả có nhẽ đến lúc đó, quả đất lại ngừng lại một chút để... thở dài một chút chẳng hạn... Hay quả đất quay nhanh hơn lên một chút, để... vội vàng cùng với quảng đại quần chúng bước sang năm mới? Giao thừa... Đang ba mươi tuổi, chợt thấy già hơn lên một tuổi. Chợt thấy mình những ba mươi mốt tuổi! Vô lý thật! Mà định nghĩa nữa mới lại càng vô lý. Làm như ở đời việc gì cũng phải có nghĩa cả! Hừ! Thế sống là gì?... Chết là gì?... Mà dạy học nữa là cái quái gì.

      Ở đây, nhân vật vẫn còn đang trong sự chờ đợi và vẫn còn đang loay hoay với ý nghĩa của sự chờ đợi của mình. Phải qua nhiều câu đối thoại nữa, nhiều tình tiết xảy ra nữa, rồi ở đoạn cuối vở kịch, nhân vật bất chợt nhìn thấy cái bụng đang mang thai của vợ mình, anh mới chợt bừng thức:

      Giao thừa chỉ là chờ đợi một cái gì. Hay giao thừa là... thai nghén một cái gì! (một lát) Em ơi! Trong người em đang có cả một sự giao thừa...

      Sau đó, nhân vật khẳng định:

      Nêu giao thừa là chờ đợi một cái gì thì trong khi chờ đợi, người ta cũng phải sửa soạn một cái gì. Chúng mình đợi Bé con thì phải mua tã. Mà ở bên kia, để đợi năm mới bác Phó đã hoàn thành xong một cái bàn...

      Sự chờ đợi trong Giao Thừa là một sự chờ đợi hiền lành, trong suy tư thuần lý, cộng với những tình cảm tươi đẹp và chan chứa của con người hướng về cái Đẹp, về Mục đích của cuộc sống, về những giá trị đạo đức mà con người vẫn yêu mến và coi như những chỉ hướng cho đời sống mình.


      Sự chờ đợi Giao thừa giống như một nụ mai trong đêm trừ tịch, sẵn sàng mở nhẹ những cánh mỏng manh nhỏ bé về hướng mặt trời để chào đón ngày đầu tiên của một năm mới. Đây là một sự chờ đợi yên tâm và yên lành.



           Nguồn: Kệ sách Học Xá

      Đến Thành Cát Tư Hãn thì sự chờ đợi đã bắt đầu mang chứa trong nó một cái gì có tính cách khốc liệt. Thành Cát Tư Hãn là vai chính của vở kịch, nhưng tất cả tâm tư, lời nói, hành động của ông ta nhất nhất đều bị chi phối bởi một ám ảnh duy nhất: Cổ Giã Trường. Cổ Giã Trường là người anh hùng đất Tây Hạ, đã tự mình giết chết Thái tử Tây Hạ, một người bạn thiết của chính Cổ Giã Trường, để ngăn không cho Thái tử phạm tội phản quốc là đầu hàng giặc. Cổ Giã Trường là người yêu của Giang Minh, công chúa Tây Hạ, người mỹ nữ "mắt như chất nhung của tấm thảm Ba Tư" và "hơi thở như một chất men ấm và nồng". Cổ Giã Trường tuy không từng xuất hiện trong bất cứ phần nào của vở kịch, nhưng hầu như lại có mặt trong mỗi lời nói, động tác, trong sự suy tư không những củu Thành Cát Tư Hãn mà còn của tất cả mọi nhân vật trong vở kịch. Cổ Giã Trường là sự chờ đợi của mọi người, nhất là của Thành Cát Tư Hãn. Bởi vì, Cổ Giã Trường chính là định mệnh của vị Đại Hãn Mông Cổ.


      Khi nghe đại tướng Dương Bân đề cập đến tên Cổ Giã Trường lần đầu, Thành Cát Tư Hãn đã hỏi:

      Cổ Giã Trường là ai, mà tại sao đại tướng lại nói đến tên đô?

      Kể từ lúc thốt lên câu hỏi này, tất cả đời sống của vị Đại Hãn Mông Cổ coi như chỉ là để tìm cách trả lời nó. Trả lời cái định mệnh của mình.


      Hãy nghe một ông già Mông Cổ nói về Cổ Giã Trường:

      Cổ người cao mà thắng như cây dừa sa mạc. Vai như vai con gấu núi. Tay vươn ra như tay vượn. Mũi thẳng như trái mật treo. Đôi lông mày là hai nét mác. Đôi mắt sáng ngời như sao Hôm, sao Mai. Cổ văn võ kiêm toàn, tính tình cương trực...

      Muốn bắt Cổ Giã Trường, muốn chế ngự và thay đổi định mệnh của mình, nhưng Thành Cát Tư Hản đành bó tay. Vì chính ông đã thú nhận:

      Nhưng hiện giờ, Cổ ở đâu? Ta không thể xua quân đuổi theo một cái bóng.

      Cổ Giã Trường là định mệnh, là mối ám ảnh không rời của Thành Cát Tư Hãn. Chính Thúc Bột Đào, kẻ đã mưu phản Vị Chúa Mông Cổ này, đã nói về định mệnh của Thành Cát Tư Hãn, đã nói thẳng vào mặt con người này:

      Nhà ngươi sẽ chết ở đây, ở ngay kinh đô Tây Hạ. Ta chắc như vậy. Vì đó là ý muốn của toàn dân Mông Cổ, của toàn thể bàn dân thiên hạ. Nhà ngươi làm bộ bình tĩnh, nhưng ta biết nhà người đương mất ăn mất ngủ, nhà ngươi đương lo ngày lo đêm. Nhà ngươi đương bị hình bóng một người ám ảnh...

      Sự chờ đợi quả là có sức mạnh của nó. Bất kỳ một sự chờ đợi nào cũng ngầm chứa trong nó một trọng lượng nào đó có thể đè bẹp sức chịu đựng của con người. Nếu con người không giữ lại được cho mình một tia hy vọng làm ý nghĩa cho sự chịu đựng của hắn. Nhìn ra cái tia hy vọng ấy, và giữ cho nó chiếu sáng mãi trước mặt mình hay trong trí não mình, không phải là một điều dễ làm. Sự chờ đợi quá dài dễ làm lụn bại tinh thần con người và làm cho nó buông xuôi, đầu hàng tất cả.


      Chính là vì biết trước sức mạnh khó chống cự lại của sự chờ đợi mà người cộng sản đã sử dụng nó như một phương thức để tra tấn con người. Họ bắt tội nhân ngồi im trên một cái ghế (có thể trói chân tay lại). Một bình nước được treo ngay trên đầu tội nhân. Và những giọt nước cứ tí tách rơi xuống một điểm nào đó trên đầu của kẻ tội phạm kia. Cái cơ chế tâm lý của sự chờ đợi nó kinh hoàng làm sao! Tội nhân có thể giữ bình thản trong thời gian đầu. Nhưng sau đó, sự chờ đợi để nghe và cảm nhận giọt nước kế tiếp rơi xuống làm cho thần kinh tội nhân căng thẳng đến độ không chịu đựng nổi. Một cách văn chương, suốt vở kịch Thành Cát Tư Hãn, Vũ Khắc Khoan đã để những giọt nước này phát ra âm thanh của một tên gọi: Cổ Giã Trường. Chúng làm cho vị Đại Hãn yếu dần từ hồi một sang đến hồi hai, hồi ba. Chốc chốc, một giọt nước lại rơi xuống:

      TÊN QUÂN HẦU: Muôn tâu Đại Hãn, Cổ Giã Trường chưa đến.

      THÀNH CÁT TƯ HÃN: Nhà ngươi nói sao?

      TÊN QUÂN HẦU: Cổ Giã Trường mới cho người đến dâng lễ vật ra mắt. Đích thân Cổ Giã Trường sẽ xin đến sau.

      THÀNH CÁT TƯ HÃN: Bao giờ?

      Câu hỏi của vị Đại Hãn sẽ không bao giờ được trả lời trước khi ông ta chấp nhận định mệnh của mình: cái chết (Cái chết này sẽ được đề cập ở một đoạn dưới.)


      Trong khi chờ đợi, những giọt nước vẫn tí tách nhỏ xuống:

      DƯƠNG BÂN: Cổ Giã Trường đã đến rồi ư?

      THÀNH CÁT TƯ HÃN: Hắn chưa lại. Hắn mới sai người lại dâng lễ ra mắt.

      DƯƠNG BÂN: Thế ra họ Cổ vẫn chưa lại...

      THÀNH CÁT TƯ HÃN: (có vẻ khó chịu): Hắn sẽ lại. Nội trong đêm nay. Đại tướng không hiểu tính người Tây Hạ sao? Họ nhiều lễ nghi phiền phức...

      Nhưng rồi, những giọt nước cứ tiếp tục nhỏ xuống mà Cổ Giã Trường vẫn không xuất hiện. Sự chờ đợi vẫn tiếp diễn. Cho đến khi quân sư Lý Tử, người thân tín của Thành Cát Tư Hãn, và Truật Xích, người con mà Thành Cát Tư Hãn hết lòng yêu mến, đã bị giết vì tay Cổ Giã Trường. Lúc đó, biết rằng Cổ Giã Trường và quân lính đã ở trước cửa trại, nghe đằng xa vẳng lại những tiếng reo hò như sấm động, thấy lửa bên ngoài rực sáng, nghe tiếng trống tấn công nổi dậy vang lừng, tiếng ngựa, tiếng hò, tiếng hét, tiếng thép chạm nhau, lúc đó, tới lúc đó, Thành Cát Tư Hãn biết rằng định mệnh mình đã đến. Sự chờ đợi đã sắp chấm dứt. Và những lời nói cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn với Sơn Ca, kẻ Tây Hạ ngang tàng, kẻ chia sẻ vóc dáng bất khuất cao ngạo của Thành Cát Tư Hãn, là:

      Ta đây. Ta ngồi trên ngai. Ta đợi Cổ Giã Trường.

      Và rồi, với lưỡi kiếm của chính Cổ Giã Trường, Thành Cát Tư Hãn tự chấm dứt sự chờ đợi của mình. Giọt nước cuối cùng đã rơi xuống trên một thân người cúi gục.


      Nhân nói về nhân vật Thành Cát Tư Hãn, về cái cớ của Vũ Khắc Khoan, về ý thức sáng tạo của Vũ Khắc Khoan, tôi nhớ lại một nhận định của Thanh Tâm Tuyền cho rằng Vũ Khắc Khoan là một nhà văn thức tỉnh, quá thức tỉnh. Thái độ này của ông khiến những vấn đề ông đặt ra trong tác phẩm được giải quyết một cách gẫy gọn gần như dứt khoát... Nhân vật của ông đứng khựng lại trước biên giới của ý thức, ông không cho phép chúng dò kiếm lời giải bằng cách mở ngỏ tiềm thức.


      ... Đứng ở vị trí người đọc, tôi (TTT) nghĩ cái ánh sáng chan hòa của ý thức đánh lui hết bóng tối, chế ngự những thôi thúc tiềm ẩn vô lý ở một vùng đen đặc nơi chân thân con người đã làm giảm phần nào sự căng thắng bi kịch gây ra do sự cuồng nộ của những lực lượng mù quáng đòi giải toả... (Nghĩ về Thành Cát Tư Hãn: Cái Cớ của Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Văn (Saigon)).


      Thanh Tâm Tuyền cho rằng sự thức tỉnh đã khiến cho cái chết của vị Đại Vương Mông Cổ không còn tính cách bi đát. Sự việc nhân vật Thành Cát Tư Hãn tự tiêu diệt mình, dưới mắt Thanh Tâm Tuyền, là nhân vật đã chối nhận con đường mình lựa chọn, không đi cho hết. Sự tự phủ nhận trước khi thử thách tới cùng tới chết của nhân vật chính, làm cho sự căng thẳng của bi kịch bị chùng đi, vì giữa nội và ngoại giới hết mâu thuẫn xung đột (TTT, bài đã dẫn).


      Theo tôi nghĩ, một tác phẩm giá trị luôn luôn mời gọi người đọc thẩm định lại và làm mới nó mãi, chiếu vào nó những ánh sáng mới, khám phá ra ở nó những góc cạnh mới. Cái nhìn của Thanh Tâm Tuyền rất sắc, đặc biệt nếu chúng ta chấp nhận-hoặc công nhận-truyền thống bi kịch Hy Lạp như là một cái sườn, từ đó, vở Thành Cát Tư Hãn được xây dựng. Nhưng nếu nhìn dưới một góc cạnh khác, gần cận với đời sống của con người ở thời đại này, con người từ chối chấp nhận cái bi kịch của chính mình, con-người-tự-do muốn tự thể hiện đời sống mình cũng như muốn tự kiểm soát và có quyền trên đời sống đó, cái chết của Thành Cát Tư Hãn có thể có ý nghĩa khác. Như lão ngư ông của Hemingway. Hay như chính Hemingway với phát súng ở Ketchum năm nào. Man is not made for defeat. A man can be destroyed but not dẹfeated (The Old Man and the Sea, Hemingway). Con người có thể bị tiêu diệt, nhưng không thể bị thua, bị khuất phục. Có thể là Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan đã suy nghĩ như thế, như lão ngư-ông-và-biển-cả kia, như Hemingway con-người-cao-ngạo kia. Và ông đã tự tiêu diệt chính mình chứ không cho phép kẻ thù được định đoạt cái quyền sống chết của ông ta.


      Đó là một suy nghĩ tôi muốn đóng góp thêm về ý nghĩa cái chết của Thành Cát Tư Hãn. Thật ra, bài này, tôi chỉ muốn trình bày vở kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan trong khía cạnh của sự chờ đợi. Sự chờ đợi như một sợi dây thừng rút dần vị Đại Hãn Mông Cổ lên cao. Sự chờ đợi trong Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan không đồng chất với sự chờ đợi của con người trong thế giới của En Attendant Godot. Nhưng nó cũng có một sức mạnh riêng của nó. Sức mạnh cuốn hút của định mệnh. Và mỗi chúng ta, ai lại chẳng có một định mệnh trong đời. Cái định mệnh ấy có thể là sự Ước muốn, là Danh vọng, là Quyền lực, là những Khao khát không ngừng nghỉ trong cuộc lữ này. Là Tình yêu, là Sự thù ghét... Là sức hút của một thỏi nam châm lớn mà chúng ta chỉ là những vụn sắt muốn được kết hợp. Từ cái ý nghĩa ấy, Thành Cát Tư Hãn đã trở thành một cái cớ rất cuốn hút của Vũ Khắc Khoan. Và của mỗi một chúng ta khi đến với kịch của ông.


      Ga Xép hình như là vở kịch cuối cùng mà Vũ Khắc Khoan đã có dịp viết. Ý nghĩa của sự chờ đợi trong vở kịch này cũng như những kỹ thuật về cú pháp, văn phạm kịch, Ở đây, có nhiều điểm gần gũi với En Attendant Godot của Beckett. Một cách hữu thức hoặc vô thức, Vũ Khắc Khoan đã xây dựng bố cục của Ga Xép một cách rất Beckett. Vở kịch này cho thấy những nét mới hơn của Vũ Khắc Khoan so với những kịch đã được soạn trước đó của ông:

      Trong đoạn giới thiệu, Vũ Khắc Khoan viết:

      Ga Xép là một loại ga nhỏ, có những chuyến tàu chạy qua không thèm dừng lại. Có một số hành khác đợi ở một nơi ga xép nào đó miền rừng. Và trong khi chờ một chuyến tàu không biết bao giò đến, một vài người tìm cách "cho qua thì giờ". Soạn giả vở kịch "Ga Xép" ghi lại dưới đây một vài mẩu chuyện vẩn vơ.

      (Những chữ đợi, chờ in đậm ở trên là do sự nhấn mạnh của riêng tôi.)

      Vậy thì đây là một vở kịch lấy cái cớ của sự chờ đợi để nói về một cái khía cạnh khác, hay là để nói vẩn vơ về bất cứ một cái gì. Sự vẩn vơ này nếu được lập đi lập lại theo một cung cách hoặc nhịp điệu nào đó thì sẽ trở thành không vẩn vơ tí nào. Có thể nó sẽ đánh lên những câu hỏi trầm trọng cho cuộc sống. Chẳng hạn như Sống là gì? Chết là gì? Chờ là gì? Đợi là gì? Cuộc nhân sinh là gì? Ga xép là gì? Những chuyến tàu là gì? Những làn khói bay là gì? Những tiếng còi tàu là gì? Đối thoại là gì? Độc thoại là gì? Phi lý là gì? Buồn nôn là gì? Vân vân và vân vân.


      Ta không cần nói rõ là rồi sẽ có một chuyến tàu nào đến hay không, những con người trong cái ga xép kia có thực sự cần một chuyến tàu, hay sự chờ đợi chỉ là một cái cớ để họ ngồi nói năng, trao đổi, đối thoại, tung hứng với nhau. Đối thoại thích thật. Một người tung một người hứng, như hại kiếm sĩ trao đổi những đường kiếm ngoạn mục. Người này đẩy một đường kiếm tới; người kia chao mình né tránh rồi phóng lại một đường kiếm trả đòn. Cứ thế. Phóng kiếm, lui kiếm. Đỡ đòn, phản đòn. Đối thoại thích thật. Tôi nhớ trong vở Những người không chịu chết, Vũ Khắc Khoan đã để cho một nhân vật của mình nói đại khái như thế. Trong Ga xép, ông lại một lần nữa bày tỏ sự thích thú của ông về cái khả năng giúp con người tiêu khiển kia của ngôn ngữ. Ở đây, không có một nhân vật nào buồn bã độc thoại một mình với những chuỗi suy tư dài dằng dặc, rồi tự hỏi: To be or not to be. Vấn đề không còn phải là Cogito ergo sum. Je pense; donc, je suis. I think; therefore, I am. Vấn đề ở đây là I talk (converse, chat, chatter, gab, gossip, palaver, prattle, prate, bable, rap, jaw, rattle on...); therefore, I am. Đối thoại sẽ làm bật tung hiện hữu, bật tung sự sống. Anh sống thế nào thì anh nói làm vậy. Ngôn ngữ như một cuốn sách mở ra để người khác nhìn vào nội-dung-anh. Một thế giới phi lý có thể tự trình bày nó bằng những đối thoại phi lý. Một thế giới trống rỗng có thể tự mở ra bằng những âm thanh và cuồng nộ. Ở đây, con người chẳng có chọn lựa, xao xuyến gì để chứng tỏ là mình sống cả. Tôi nói, bởi thế tôi sống. Đây thực là một chân lý giản dị. Bởi vì tôi phải làm một cái gì trong khi chờ đợi. Tôi phải làm một cái gì đó để chứng tỏ sự có mặt của tôi. Vậy thì, hãy nghe một nhân vật của Vũ Khắc Khoan trong Ga Xép gợi chuyện:

      NGƯỜI 40:... Đâu có đó. Chỉ biết hiện giờ chỉ có chúng tôi và ông, tàu thì chưa đến, chúng ta vẫn phải đợi, chúng ta có nhiều thì giờ, quá nhiều thì giờ... để... chẳng để làm gì. Cho nên tôi xin trở lại đề nghị của tôi lúc nãy. Giới thiệu. Tự giới thiệu. Đó là một trò chơi tao nhã mà lành mạnh... trong khi... đợi tàu. Tôi xin bắt đầu trước.

      Đấy là phần nhập đề, hãy nghe tiếp lý luận của kẻ chờ đợi kia. Đó là một thứ triết lý sống. Sống ở đời.

      NGÀ:... Anh không tìm được cái trò nào khác à? Chơi mãi cái trò này phát ngấy lên rồi.

      NGHIÊM: Còn nhiều trò. Nhưng phải đế dành. (Một lát) Mà tại sao lại ngấy? Mỗi lúc một khác chứ. (Một lát) Mà nghĩ cho kỹ thì trò nào mà chả vậy? Cũ đấy mà mới đấy. Ngấy đến tận mang tai mà vẫn phải chơi. Nói ngay như cái trò... sống chẳng hạn. Còn gì cũ rích, trơ trẽn, nhảm nhí bằng cứ thở ra rồi lại thở vô, hết ăn uống, rồi lớn lên, lấy vợ, đẻ con, rồi...

      NGÀ: Rồi hết chuyện. Ít nhất thì cũng còn cái mục đó.

      NGHIÊM: Có chắc không? Hay là... đến lúc hết trò, đến lúc hạ màn, đến khi diễn viên rời bỏ vai trò nhân vật... thì lại lếch thếch kéo nhau đến một xó ga xép nào đó... đợi một chuyến tàu nào đó... như chúng ta.

      Và vở kịch như vậy là có đà, cứ thế, cứ thế mà lăn đi như những kiếp người, như những con tàu lăn vào đêm tối mệt mỏi của đời sống, để rồi một lúc nào đó sẽ dừng lại ở màn kết cục. Một ga xép nào đó của cuộc đời. Rồi thì một cuộc hành trình khác sẽ lại lăn đi.


      Đối với Vũ Khắc Khoan, sự chờ đợi là một cái cớ. Cũng như là tình yêu. Cũng là một cái cớ (Xem Những người không chịu chết). Cũng như là Thành Cát Tư Hãn đã là một cái cớ của ông. Mà thật ra thì, đối với Vũ Khắc Khoan, chẳng phải là ông chỉ tìm ra được những cái cớ như thế để lên tiếng về thái độ, lập trường, lối sống của mình, của người. Ông còn nhiều cái cớ khác. Chẳng hạn như các huyền truyện (contes) của ông (Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Nhập thiên thai, Người đẹp trong tranh...) cũng là một cái cớ. Viết lộng ngôn là một cái cớ. Viết túy bút lại là một cái cớ khác.


      Nói tóm lại, cũng như Samuel Beckett, nghệ thuật đối với Vũ Khắc Khoan chỉ là một cái cớ để ông đốí thoại với cuộc đời Nghệ thuật giúp ông cất lên những tiếng nói đòi chia sẻ, trao đổi mà tất cả chúng ta đều muốn nghe. Chọn được một cái cớ như thế, kiện toàn nó, làm mới nó luôn luôn, và đem nó ra sử dụng trong cuộc đời một cách thích thú và độc đáo, đó là cái tài của Vũ Khắc Khoan.


      Hãy nhìn lại những đường gươm phóng tới, những đường gươm tuyệt đẹp của một kiếm sĩ vừa từ bỏ trần gian mà đi.

      VIII, 1987

      Bùi Vĩnh Phúc

      Lý Luận Và Phê Bình
      Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước 1975-1995
      (Văn Nghệ, 1996)

      Chú Thích:


      (l) Câu nói này của VKK có thể được hiểu theo những nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, một cách nào đó, Vũ Khắc Khoan đã sắp xếp để quan niệm này của ông được thực hiện trong vở kịch mang tên Ngộ Nhận mà ông gọi là lộng ngôn. Vở kịch này cũng có một điểm đặc biệt khác nữa là VKK đã dựng nó theo cơ cấu của một vở chèo.

      (2) Trong cuốn phim không tựa đề dài 24 phút này, Beckett cho khuôn mặt của nhân vật chính hiện trên màn bạc dưới sự ghi nhận tỉ mỉ ở đủ mọi góc cạnh của máy quay phim. Nhưng với sự di chuyển của máy quay, góc độ ngắm nhìn của nó, Bcckett cho khán giả thấy chính nhân vật bị nhìn ngắm là khán giả. Không ai chịu đựng được sự ngắm nhìn kinh khủng này. Âm thanh duy nhất của phim chỉ là những tiếng "sssh" làm cho khán giả nhận thức rằng chúng ta không phải đang ở trong một thế giới câm lặng vì thiếu tiếng động; chúng ta đang ở trong một thế giới câm lặng vì tiếng động có đó, nhưng con người lại chẳng nghe thấy được gì.


      Tài liệu tham khảo:


      - The Reader's Companion to World Literature, Calvin S. Brown (New York, 1973).

      - The Theatre of the Absurd, Marlin Esslin (New York, 1961).

      - Samuel Beckett, a Critical Study, Hugh Kenner (New York, 1961).

      - Samuel Beckett's Art, John Fletcher (London, 1967).

      - Mơ Hương Cảng, Vũ Khắc Khoan (Saigon, 1973)

      - Một số kịch của Vũ Khắc Khoan đã xuất bản.

      - Một số bài phỏng vấn và viết về Vũ Khắc Khoan của nhiều tác giả đăng trên các số báo Văn cũ ở Sài gòn.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Quyên Di và mắt nhìn nhân ái vào thế giới của đời thường Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Lời vào sách: 9 khuôn mặt . 9 phong khí văn chương Bùi Vĩnh Phúc Giới thiệu

      - Cái Tôi ẩn mật và Dương bản Thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Đọc Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Bùi Bích Hà, Một Mình Trong Nỗi Nhớ Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Trần Diệu Hằng Và Những Tiếng Nói Vào Đời Sống Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

      - Tô Thùy Yên: thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Đọc Kiều của Trương Vĩnh Ký, nghĩ về ngôn ngữ Việt... Bùi Vĩnh Phúc Khảo luận

      - Đọc Lớp Sóng Phế Hưng Của Hồ Trường An Bùi Vĩnh Phúc Nhận định

    3. Bài viết về nhà văn Vũ Khắc Khoan (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Vũ Khắc Khoan

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Vũ Khắc Khoan & Samuel Beckett: Nghệ Thuật, Như Một Cái Cớ (Bùi Vĩnh Phúc)

      Vũ Khắc Khoan Và Tôi (Nguyễn Sỹ Tế)

      Vũ Khắc Khoan Với Thần Tháp Rùa (Hồ Trường An)

      Vũ Khắc Khoan: Thành Cát Tư Hãn (Thụy Khuê)

      Vũ Khắc Khoan (1917-1986): Tác phẩm là một thác ngôn (Thụy Khuê)

      Chương Trình Phát Thanh về Vũ Khắc Khoan (Thụy Khuê)

      Nguyễn Xuân Hoàng và Vũ Khắc Khoan

      Ông Thần-Tháp-Rùa/Vũ Khắc Khoan (Du Tử Lê)

      Vũ Khắc Khoan (gio-o giới thiệu)

       

      Tác phẩm của Vũ Khắc Khoan

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Thần Tháp Rùa, tập truyện (talawas.org)

      Mơ Hương Cảng, tùy bút (talawas.org)

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu (Lương Thư Trung)

      Đọc Chuyện Khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn (Thái Kim Lan)

      Nguyễn Đạt Thịnh: Con Người Và Tác Phẩm (Nguyễn Khánh Văn)

      Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger... khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ' (Huyền Trân)

      Phỏng vấn Giáo Sư Stephen Young (Đinh Quang Anh Thái)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)