Phỏng vấn Đinh Cường
QUAN NIỆM HỘI HỌA (Nguyễn Ngu Í phỏng vấn)
1) Theo ý bạn, thì hội họa ngày nay ở Việt Nam có những xu hướng nào đáng kể nhất, và riêng bạn hiện đã ngả về xu hướng nào hay bạn tự tìm lấy một đường lối riêng biệt?
2. Nếu có người cho rằng Hội họa phải có dân tộc tính thì có người lại cho rằng Hội họa cần phải được Quốc tế hóa. Theo ý bạn, hai lập luận trên đây có trái nghịch nhau không và bạn có nghiêng về lập luận nào không?
3. Xin bạn cho biết những công trình tìm kiếm và những kết quả của bạn trên địa hạt Hội họa.
4. Trong các họa phẩm của bạn, bức nào bạn cho là hợp hơn cả với đường lối riêng của bạn và xin bạn vui lòng giải thích rõ các đặc tính của tác phẩm đó.
5 Xin bạn cho biết ý kiến về tình trạng hiện tại và triển vọng của ngành Hội họa Việt Nam?
ĐINH CƯỜNG
Sanh ngày 5-7-1939 tại Quản Lợi, Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một. Chánh quán làng Kim Long, Huế. Học Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, rồi Huế. Đã triển lãm chung tại Huế và Đà Nẵng, 1962.
Dự Triển lãm hội họa mùa Xuân 1961, 1962.
Huy chương Bạc phòng triển lãm mùa Xuân 1962.
Tôi chưa biết gì cả. Tất cả ở tôi là bước khởi đầu. Mà quan niệm làm nghệ thuật là làm suốt đời chứ không phải làm một thời gian. Cuộc đời không phải là cái này cũng không phải là cái kia. Ở trên đời này không có gì tốt mà cũng không có gì xấu, cũng không có trắng, cũng không có đen, không có không mà cũng không có có.
Có hay không, trắng hay đen, đẹp hay xấu chỉ là lối suy luận nhị nguyên (dualisme) người ta thường lý luận thông thường như thế. Đó chỉ là một cách biểu hiện thực tại hay chỉ là một biểu tượng chẳng hạn như ý niệm về tôi và tôi. Người ta thường đồng hóa tôi với ý niệm về tôi chứ thực ra tôi không phải là ý niệm về tôi. Bởi thế tôi vẽ là làm một cái gì ngược lại với ý niệm về tôi đó và đồng hóa với cái tôi thực sự. Vì vậy, tôi muốn vẽ sao thì vẽ, chẳng có lập trường (nhưng đó cũng là lập trường không có lập trường) nên tôi chủ trương không nhóm, không trường phái, không lập trường, không, không, không.
Tôi không lý thuyết, không luật lệ (cuộc sống ở bên ngoài chứ không phải cuộc sống ở nhà trường) tôi chỉ làm việc và thất vọng. Nhiều nhất là thất vọng. Thất vọng đủ thứ. Ai muốn gọi tôi là gì thì gọi. Nói về cái đẹp cũng như nói về chân lý, không ai có thể giải thích cho ai nghe cả. Mỗi người phải tự chính mình đi tìm lấy với kinh nghiệm, với thái độ riêng của mình trước cuộc sống, và thái độ của từng người trước cuộc sống thật ra không người nào hoàn toàn giống người nào. Tôi nghĩ việc giải thích tranh chỉ là một việc thừa.
Tôi vốn rất ghét giải thích và rất ghét tra tím lý do.
Về dân tộc tính, tôi không có ý kiến gì cả. Khi nào tôi hứng là tôi vẽ. Vẽ cho đã. Dù sao trong "cái đã" ấy tôi cũng tìm được một bảng giá trị cho tôi. Cái "acte" bao giờ cũng cho ta một ý nghĩa để xác định con người của ta. (Il n'y a pas de génie inconnu ...) (Sartre). Và cũng chẳng nghĩ rằng tôi vẽ để thể hiện dân tộc tính hay quốc tế tính.
Có thể hiện chăng là thể hiện con người tôi, nhân tính của tôi.
Đinh Cường
Nguyễn Ngu Í phỏng vấn
(Trích Tạp chí Bách Khoa)

|