1. Head_

    Bé Ký

    (.0.1938 - 12.5.2021)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      10-04-2014 | HỘI HỌA

      Ảnh Siêu Thực

        TRẦN CAO LĨNH
      Share File.php Share File
          

       


         Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh
          (1925 - 1989)

      LTS. Trong số báo trước đã khởi đầu với bài "Động Tĩnh Trong Ảnh" và dưới đây là bài "Ảnh Siêu Thực". Cả hai bài đều trích trong Bước Hai Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật ông viết chung với nhiếp ảnh gia Nguyễn Caoo Đàm. Tuy vậy những ảnh đi kèm trong bài đã không lấy từ trong sách trên mà do NGÀY NAY chọn từ một số ảnh của Cao Lĩnh đã để riêng ra khi ông có ý viết một bài cho NGÀY NAY về đề tài trên.

      Đã nhiều lần kể cả trong những lớp huấn luyện về ảnh nghệ thuật ở Việt Nam trước đây (lò đào tạo ra nhiều nhiềp ảnh gia Việt Nam đương thời hiện có mặt tại hải ngoại) Trần Cao Lĩnh từng nói "nhiếp ảnh nghệ thuật là một công trình sáng tạo của cảm xúc, ý thức và trách nhiệm - mà máy móc chỉ là một trong những phương tiện."

      Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh mất ngày 29-8-1989 tại San Jose. Ông là một nhiếp ảnh gia trong ban biên tập NGÀY NAY kể từ khi ông vượt biên tới Anh, rồi tới Hoa Kỳ vào đầu thập niên 80.

      MỘT QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN


      Cách đây khoảng trăm năm, phát minh nhiếp ảnh ra đời đã gây xáo động trong giới nghệ thuật tạo hình. Sự trung thực, mau lẹ, tạo được nhều phó bản y như bản chính đã cáng đáng công việc cũng như làm lu mờ một số bộ môn anh em. Càng ngày những tìm hiểu, cải thiện hoàn mỹ về vật kính, hóa chất, máy móc càng tinh vi và phổ thông khiến vai trò nhiếp ảnh càng rõ rệt và nặng nề, mặc nhiên như một nhu cầu thiết yếu.


      Và theo luật phát triển tiến bộ, vai trò nhiếp ảnh đã không dừng lại ở chỗ ghi chép máy móc vô tri cốt sao cho thật đúng, thật giống. Nhiếp ảnh đã theo sự đòi hỏi trí tuệ mà đi vào con đường sáng tạo và đã mau chóng trở thành một nghệ thuật diễn tả sâu sắc. Chỗ đứng vững chãi trong thế giới nghệ thuật hiện nay của nhếp ảnh ngang hàng với các bộ môn khác đã chứng tỏ điều đó. Chúng ta hãy tạm gác những thành tích nhiếp ảnh đã phục vụ con người nhỏ bé nhất như hình một siêu vi thể, một nguyên tử cho đến vĩ đại bát ngát ngoại vùng không gian tận những giải thiên hà vô cực, mà thử cùng nhau theo dõi một chút phát triển qua khía cạnh nghệ thuật.


      *


      Mỗi khi đi vào nghệ thuật là đi vào chỗ vô cùng, những đòi hỏi niềm ao ước, nỗi ẩn ức của người nghệ sĩ đã là một động cơ vạn năng lôi cuốn, thúc đẩy bộ môn mình tiến tới mãi. Bổ khuyết những thiếu thốn, khám phá những khả năng, khai thác những tìm tòi, họ đã phong phú thêm mãi cho nghệ thuật. Cũng do những định lệ đẹp đẽ đó, bản thân bộ môn nhiếp ảnh ngày càng rộng mở, khởi sinh ra nhiều xu hướng. Mỗi người, mỗi nhóm nghệ sĩ tùy theo nhu cầu trí tuệ, khả năng sáng tạo, ý nghĩ riêng tư, thích thú cá nhân mà tìm tòi, thực nện theo lối riêng của mình để thỏa mãn một đòi hỏi tư hữu nhưng chính là đã đóng góp công lao trong việc bành trướng nhiếp ảnh.



         Hồn Hoang Đô Thị

      Bởi đấy, nhiều loại ảnh đã ra đời. Bứt phá đi từ bức hình đầu tĩnh vật của Daguerre với những chân dung cổ điển khô khan cứng ngắc, người nhiếp ảnh đi tìm nghệ thuật đã cho ra đời những bức hình truyền cảm.


      Ảnh Thơ Mộng nhẹ nhàng đã làm cho người xem nhìn vào thấy thanh thản với những đường cong, màu nhẹ.

      Khai thác góc cạnh, chiều ánh sáng, bóng đổ những bức hình Đường Nét cũng đã tạo được những cảm xúc riêng theo ý tưởng kỷ hà.


      Ảnh Phóng Sự đã bắt đứng lại thời gian không gian và sự kiện làm người xem như sống giữa sự việc ngàn năm một thuở.

      Rồi ảnh Tả Thực dùng nghệ thuật rút tỉa lấy cuộc sống thực con người, v.v...


      Bắt nguồn từ những sự vật thực trước ống kính, người ảnh đã tìm được cách khai thác cảm giác người xem do những cảnh vật thực ấy.


      Việc khai triển cả về phẩm và lượng của các loại ảnh bằng sự vật thực càng ngày càng tinh vi tế nhị đã cung ứng cho kho tàng văn hóa chung những giá trị lớn lao. Con đường phát triển tới đây tưởng tạm thỏa mãn.

      Nhưng vẫn chưa đủ!


      Luôn luôn người nghệ sì vẫn bất mãn, và cho là bế tắc nếu phải dừng lại - có khi chỉ là tạm dừng ở một quãng đường nào - Một số người ảnh nào đó bỗng nhận thấy sự bế tắc đã tới với họ. Tới với họ bằng chính ưu điểm tuyệt đối của nhiếp ảnh là sự ghi chép trung thực.


      Thực là oái oăm, phức tạp và "tham lam". Vậy mà đúng như thế, họ đã cảm thấy việc bắt buộc phải thu hình những sự vật thực trong nhiều trường hợp đã giữ chân họ lại, đã hạn chế bước phiêu lãng tự do của tâm hồn họ. Họ nghĩ rằng Nhiếp ảnh nếu chỉ thu hình được cảnh vật thật đã không thỏa mãn được những suy tư, ước mơ, mộng mị, vô lý, phi lý. Hình ảnh thực đơn giản trước mặt không nói hết được, xóa mất mộng ảo là đằng khác.

      Tai hại thay!


      Phải làm thế nào mang nhiếp ảnh ra mà trình bày được cả những trừu tượng, tâm tư mới được thực là rộng mở. Những giấc mơ dù chỉ là giấc mơ, nếu cần cũng phải được hiển hiện lên chất giấy có nhũ tương khoa học kia thì họ mới chịu.


      Một khuôn mặt đang ngủ có thể tả trong trạng thái mơ màng, mơ ngủ, mộng mị nhưng y đang mơ cái gì? việc gì? là điều mà người nhiếp ảnh muốn nói ra bằng hình ảnh nhưng đã bế tấc, trong lúc ấy lời nói, văn chương, hội họa, có thể trình bày dễ dãi.


      Những hình ảnh ma quái do óc tưởng tượng có lúc cũng cần được tả lại, nhưng hình ảnh thật ngoài đời làm gì có thứ sản phẩm của tưởng tượng ấy mà thu hình.


      Lại cả những điều vô lý nữa như: có đứa nhỏ nằm nhìn lên đỉnh màn thấy có con bò đang ăn cỏ trên đó. Có một bầy thiếu nữ đang tắm mát trong... lửa!


      Rồi với lối nhìn đa diện, có người nhìn thấy một khuôn mặt với chung nhiều khía cạnh một lúc. Mặt của nàng trông thẳng là đây nhưng trông nghiêng lại có một thứ duyên khác, và chao ôi! Con mắt bên phải của nàng mới tuyệt làm sao, tôi cần phải trình bày trang trọng vào trọng điểm, và có lẽ tôi cần phóng đại nó ra lớn hơn tám lẩn để thưởng thức dễ dãi làn lông mi cong đó. Ba bốn hình ảnh mà họ cứ muốn chỉ cần thoáng một cái nhìn tất cả đã phải nằm chung trên cùng một ảnh chứ mỗi thứ riêng ra thì còn đâu thú vị.


      Họ nhìn vào một tảng đá mà rồi hình dung thấy hình ảnh người đẹp được khắc chìm vào như có sẵn từ trong thời hóa thạch.


      Có người ngồi ngắm đôi mắt nhăn nheo của một bà già đang mơ màng nhìn xa xôi. Anh ta biết rằng hà cụ ấy đang nhìn về dĩ vãng thanh xuân của mình, và như vậy "bắt buộc" trong lòng con mắt đã hiện lên một nàng kiều nữ thanh tân.


      Người ảnh Siêu Thực còn nhìn trong tưởng tượng thấy tương lai của cả cỏ cây và niềm hy vọng như trông thấy gốc cây già cằn cỗi mùa đông, đừng tưởng đó là sự kiệt quệ tàn lụi đâu, mà trong đó là cả một mùa xuân đang ứ đọng chỉ chờ tiết xuân để nẩy mầm, và anh ta muốn có hình ảnh nằm trong vỏ cây già kia là một Nàng Chúa Xuân đang e ấp đợi chờ ngày phô sắc dưới ánh trời xuân mơn mởn lá tơ.



         Chợ Chuối Tân Định (dùng kỹ thuật phòng tối, ảnh phân sắc độ mầu để tạo ra bức ảnh trông như khắc trên gỗ)

      Người ảnh còn muốn đi vào cả hình ảnh của niềm hối hận, kinh sợ, ám ảnh như hình ảnh một kẻ sát nhân trong đêm vắng thấy hiện lên đôi mắt của nạn nhân nhìn y trừng trừng...


      Quá quắt hơn nữa, họ lại còn muốn xa rời hẳn hình ảnh thực mà đi vào cõi ảo giác mơ hồ, không hình không thể hoặc là những hình những thể nhưng lạ hoắc với hình thể thế gian nhìn bằng con mắt thực ngoài đời, vậy mà những hình thể ấy xem vào vẫn thấy hấp dẫn như theo dõi những cuộc sống tế bào, những biến chuyển chất hơi... Nghĩa là họ muốn cho nhiếp ảnh ngoài việc thu hình trung thực mà hiện nay đã tiến tới mức tuyệt hảo, lại phải từ đấy xuất phát diễn tả được những gì thật là trừu tượng trong thế giới của tưởng tượng của tâm linh vượt ra ngoài Sự Thực. Nói một cách khác, họ chỉ muốn mượn cái "xác" thực để làm một móc nối gần gụi cho dễ truyền cảm với người xem ảnh, họ chỉ muốn dùng những vật nhìn thấy, cầm được, quen thuộc với người để cho người xem ảnh hiểu được tiếng nói bay bổng, không hạn chế, không biên giới của tâm hồn và luồng tưởng tượng của họ.


      Những "lãng tử nhiếp ảnh" kỳ quặc mà đáng mến ấy họ đã "vượt bức tường hình ảnh" để tạo ra loại hình Siêu Thực.

      Danh từ này xin hiểu theo nhiếp ảnh là loại ảnh vượt ra ngoài kích thước của sự thực. Kích thước đây muốn nói nặng về phần trí tuệ chứ không mang nghĩa của sự to lớn về hình thức kềnh càng.


      Khi mà loại hình này vượt mọi trở ngại để hiện diện đã giải tỏa được bế tắc thực thể gò bó mà đi vào một chân trời phóng khoáng, mặc tình cho trí óc phiêu lưu đi tìm cái Đẹp. Cái Đẹp mang về cả từ nơi vô hình, từ trong cõi mộng...


      THỰC HIỆN HÌNH SIÊU THỰC


      Thôi nhé!

      Hết rồi phàn nàn, hết rồi ẩn ức, chân trời đã rộng mở ra, không mảy may cản trở. Xin mời những người ảnh Siêu Thực đi vào sáng tạo và những người ảnh nào thích loại ảnh này thử tìm vào thế giới mới.


      Với những ai chưa một lần nào thử thì phần trên bài này đã trình bày cùng bạn và chắc chúng ta đã nhìn thấy ngay là loại ảnh Siêu Thực là một thứ sản phẩm hoàn toàn của trí óc. Sự nghĩ ngợi, sức làm việc của trí óc trước đã, không có nó mỗi tấm ảnh Siêu Thực không thể thành hình vì chưng đề tài bắt nguồn từ trừu tượng mơ hồ. Từ một dòng triết lý, từ một chuỗi tư tưởng nào đó mà tiềm ảnh được dựng lên trong đầu óc, rồi sau khi công việc phác họa đã rõ rệt, bấy giờ mới bắt đầu tìm phương tiện thực hiện.


      Hãy thử tìm thí dụ nơi một người ảnh vốn sống cuộc đời thủy thủ. Suốt năm tháng lênh đênh trên đại dương. Bao nhiêu đêm có một vừng trăng và một mặt nước. Có lẽ chỉ có người thủy thủ nằm trên boong tầu nhìn lên trời mới cảm thấy đầy đủ cái bát ngát mênh mông của vũ trụ dưới một vầng trăng tròn. Tới một mức độ say ngắm nào đó người ảnh của biển cả không thấy vầng trăng là một tinh cầu nữa mà mật thiết như có một tên gọi ả "Ả Nguyệt""Chị Hằng""Người", là "Nàng". Trong nhịp nhấp nhô sóng vổ cặp mắt mỏi ngắm lên "Người trăng" hoài có lúc đã thấy ánh sáng tỏa xuống rõ rệt như là sợi vàng buông thả, một thứ tóc mây đã từ "trên ấy" trải xuống đầu ngọn sóng vàng. Hình ảnh ấy theo mãi không thôi và người ảnh Siêu Thực kia sau khi nhìn thấy "người trăng" qua ảo giác giữa cõi phiêu lưu ý thức đã suy ngẫm xếp đặt thành một tấm ảnh trong đầu: Có khuôn mặt, có làn tóc, có ánh sáng lung linh trên mặt nước, rồi những thứ đó lại phát hiện diện và được phân phối như thế nào cho đúng chỗ, cho phù hợp với mộng tưởng mà vẫn không phản nàng nghệ thuật.


      Tới đây con người kỹ thuật được thức tỉnh dậy và những khả năng tuyệt kỹ được khai thác tích cực. Làm sao tìm một nét mặt tròn xinh, lại chỉ thu hình có riêng khuôn mặt ấy. Làm cách nào để loại bỏ làn tóc thật kia để có thể chắp vào mớ tóc trắng như tơ như cước, nếu không tìm ra tóc trắng thì có kỹ thuật nào đổi dương bản thành âm để biến Đen thành Trắng? Sửa, bôi "xuống phim" ra sao để trên những miếng âm bản kia chỉ còn giữ những phần cần thiết? Sử dụng kính lọc màu nào để chụp cảnh mặt trời lặn trên biển trở thành trăng mọc ban đêm? Khi lên máy rọi sẽ chắp, che đậy, phơi phóng ra sao để tấm hình ấy là mộng mà xem như đã chụp và làm ra ảnh bình thường của sự thật.

      Nói một cách khác đây là giai đoạn, là công việc làm với bao nhiêu kinh nghiệm mánh lới nhà nghề của một "tay thợ" điêu luyện. Nếu không có bàn tay điêu luyện, những "ảnh mộng" của người ảnh Siêu Thực khó thể thành hình dưới ánh sáng mặt trời.


      Tới đây tưởng cũng xin hiến các bạn ảnh say mê hình Siêu Thực một câu nói, không, hơn thế nữa, là một kinh nghiệm quý giá của một tay tổ trong loại hình Siêu Thực:


      "... Muốn tạo tác một tác phẩm nhiếp ảnh loại Siêu Thực bạn phải dứt khoát chia mình ra làm hai giữa con người tư tưởng và con người kỹ thuật.

      Ở giai đoạn đầu của sự suy nghĩ đề tài, bạn phải xua đuổi, cất dấu hẳn con người kỹ thuật đi để riêng cho con người tư tưởng được tha hồ tự do bay bổng. Có như thế, mới hòng tìm thấy những siêu hình thể, mà không cần đếm xỉa đến sự có thể thực hiện được hay không. Nếu không thế, luôn luôn con người kỹ thuật sẽ xía vào, mang những sự khó khăn của việc tạo hình và làm ảnh ra để ngăn cản giòng tư tưởng đang trào dâng phóng khoáng.

      Con người kỹ thuật chỉ có quyền xuất hiện sau khi đề tài đã "nhìn thấy trọn vẹn bằng tiềm ảnh trong trí não."


      THỬ ĐI VÀO KỸ THUẬT



           Hồ Điệp và tay sáo Nguyễn Đình Nghĩa

      Nói theo lối nhận định chủ quan của người ảnh Siêu Thực: sau phần trí tuệ, chính khả năng kỹ thuật đã đưa nhiếp ảnh từ những sự thật khô khan tới mảnh đất hao la trừu tượng.


      Chúng ta thử kiểm điểm lại xem những hình thức kỹ thuật thông thường nào đã phục vụ đắc lực trong việc thể hiện hình Siêu Thực. Thực ra thì cũng chẳng có gì mới lạ quá quắt, mà một số lớn kỹ thuật chỉ là những hình thức cũ đã được khám phá từ lâu nhưng nay với lối "Bình Cũ Rượu Mới" những hình thức cổ xưa kia được những bàn tay điêu luyện điều khiển bằng một ý thức tinh tế đã vượt từ kỹ thuật, xảo thuật tầm thường sang phần nghệ thuật siêu đẳng.


      Trong phần kỹ thuật nói chung này, chúng ta có thể tạm chia ra làm hai phần: Thu Hình và Làm Ảnh.


      PHẦN THU HÌNH


      • Chụp chồng


      Thu hình nhiều hình ảnh lên chung một âm bản.


      Kỹ thuật này thường vẫn áp dụng cho những hình ảnh chụp trên phông đen. Theo nguyên tắc, âm bản mỗi khi thu hình phần đen của hình ảnh vào trong phim sẽ còn nguyên vẹn trong khe. Chụp một lần rồi ta không lên phim mà lại thu hình một hoặc nhiều lần nữa vào những chỗ còn trống và nguyên vẹn đó. Trước khi thu hình phải tính toán phác họa kỹ "chỗ đứng" trước sau của những hình ảnh sẽ thu hình ấy để chúng đừng chồng lên nhau một cách vô lý ngoài ý muốn của mình. Nên tính một để máy cho phần ánh sáng mạnh để phần đen luôn luôn còn trong khe dành chỗ cho những hình sau.

      Mỗi lần thu hình đều không cần phải tăng giảm khẩu độ. Thí dụ lần đầu chụp đại cận ảnh một con mắt choán hết mặt phim. Phần con ngươi đen vẫn còn nguyên vẹn, lần thứ nhì thu hình một khuôn mặt vào đúng chỗ của con ngươi ấy, lúc ra ảnh trong lòng con mắt có mặt người.à Ánh sáng lạ:


      Sử dụng tinh vi nghệ thuật chiếu đèn để tạo những bóng đổ (ombre portée) kỳ lạ, làm cho hình ảnh thực tầm thường trở thành quái dị, tạo cảm giác rùng rợn hoặc kỳ ảo trên vật thể.


      Thí dụ dùng ánh sáng hắt cực mạnh để bóng đổ ngược trên khuôn mặt người mẫu để che dấu đi một phần hình thể thật làm cho mặt đó trở thành quái đản không mắt, không môi, hay tạo những phần hõm sâu như hình một chiếc đầu lâu, một hình quỷ dữ. Có thể dùng bóng đổ kỳ lạ lên tường, lên phông, lên vật thể nào khác để một bàn tay thường đẹp đẽ trở thành hình ảnh cào bắt có móng vuốt. Ánh sáng chiếu cho tinh vi tân kỳ một nụ cười thường có thể trở thành quái đản, một ánh mắt thường có thể thành huyền bí, hoặc dữ dằn. Dùng thứ đèn chiếu có thể di chuyển dễ dàng để chiếu thử, nghiên cứu kỹ càng trước khi dừng đèn lại chỗ nhất định. Dùng những thứ đèn có thể gom tia sáng nhỏ để ánh sáng tập trung vào chỗ nào muốn chiếu trên chủ đề.


      • Đẩy mạnh luật viễn cận tới quá độ


      - Với ống kính máy ảnh gần lớn xa nhỏ.

      - Với những ống kính có tiêu cự ngắn, góc rộng (grand angulaire) định luật này càng rõ rệt.

      - Với lối nhìn Siêu thực chỉ cần nhấn mạnh điều muốn nói và trình bày ý tưởng dù phi lý. Người ảnh Siêu Thực khi muốn nhấn mạnh về một bàn tay chẳng hạn có thể chụp một người dơ bàn tay ra mà bàn tay ấy to bằng nửa phần thân thể.


      Áp dụng kỹ thuật trên cộng với sự tìm tòi một góc cạnh lạ như đứng từ trên cao nhìn thẳng xuống đầu người hoặc trái lại chụp từ dưới hất lên từ đôi giầy, bàn chân to lớn vút xa ra là một khuôn mặt bé tí teo để có thể gây cảm giác lạ cho người xem ảnh. Áp dụng lối chụp này nên dùng một khẩu độ nhỏ cho nét sâu từ vật gần đến xa.


      • Lăng kính biến thể


      Có những thứ lăng kính chế sẵn lắp thêm vào ống kính thường có thể thu một hình thành mấy hình, chụm đầu vào nhau như nan quạt hay phân chia cắt xén đi. Có tác giả tự chế lấy bằng kính mềm uốn vặn đi cho có tác dụng làm méo mó hẳn sự thật. Miếng kính ấy mỗi khi đặt trước ống kính sẽ cho những hình ảnh kỳ dị nhất là đối với loại chân dung.


      Dùng loại lăng kính này nên chụp bằng thứ máy có một ống kính và có gương ngắm phản chiếu để có thể điều chính được sự méo mó co dãn của chủ đề theo ý muốn.


      • Chụp đại cận ảnh


      Tới thật gần, hoặc phòng đại thật lớn một phần vật thể tầm thường có khi những vật đó trở thành những hình ảnh lạ hoắc, một vành tai lớn lên cho hình thù của một thứ thành Cổ Loa. Một nhị hoa đọng sương sẽ thành một thế giới kim cương kỳ ảo. Khi những vật thể nhỏ bé ấy được rọi lên cỡ ảnh 30x40 thì không còn được trông bằng một cảm giác thường tình nữa. Chụp lối này cần phải có những thứ kính phụ cận riêng và khéo léo sử dụng nguồn sáng và góc cạnh kỳ lạ.


      • Chụp qua kính hiển vi (Microscope)



            Kính lão

      Bởi những khả năng khuếch đại ghê gớm trước những vật nhỏ không thấy được bằng mắt thường nên khi thu hình sẽ cho ta những tấm ảnh thực xa lạ bắt mắt và đã mang những giá trị truyền cảm khá mãnh liệt. Chỉ cần một khoanh mỏng thân cây cỏ với kính hiển vi cũng là một sự hòa hợp tinh vi xắp xếp cầu kỳ rắc rối. Cũng như nếu chân và vòi một con muổi nay được nhìn lên bằng cỡ cánh tay thì ta sẽ thấy khủng khiếp ra làm sao.


      Người nhiếp ảnh Siêu Thực khi đã nắm được những nguyên liệu đó rồi sẽ tha hồ thêu dệt thành những huyền thoại, giả tưởng mà tạo những tấm hình nghẹt thở. Anh ta sẽ có thể dùng một mảng nhỏ màng nhện mà chắp ghép vào thành một cuộc phiêu lưu rùng rợn hoặc huy hoàng khôn tả.


      Hiện nay đã có những người ảnh cầu kỳ dùng lối chụp qua kính hiển vi loại xem vi trùng để khám phá những thế giới vi ti, thế giới tế bào mà tạo thành những tác phẩm mang hình thù của những tấm tranh siêu thực, lập thể giá trị. Kỹ thuật này thoạt đầu nhắm vào việc bới tìm cái lạ cho hình ảnh Siêu Thực. Nay đã có lúc như trở thành khám phá thế giới thực (!). Vậy mà vẫn là hình siêu sự thực vì quả tình con mắt của ta đâu có dịp luôn luôn nhìn thấy.


      • Bằng "nét vẽ" đèn pin


      Có khi muốn "tô điểm" cho tấm ảnh Siêu Thực với những đường nét lạ trong đêm như lúc thu hình những đèn ống Néon uốn lượn. Người nhiếp ảnh Siêu Thực đã kêu gọi cả đến một kỹ thuật gọi là mở ống kính sẵn trong tối rồi dùng đèn pin che kín có khoét một lỗ nhỏ và vẽ theo ý muốn trước ống kính. Âm bản sẽ bắt theo liên tục chấm sáng ấy mà thành đường nét một hình thù nào đó. Đôi khi họ cũng áp dụng hình thức Photogramme nữa nhưng xét thấy không phải là kỹ thuật thu hình ảnh thuần túy...


      Trên đây mới chỉ đơn cử những kỹ thuật thu hình đang sử dụng phục vụ cho loại ảnh "Siêu" sự "Thực" một cách thông thường. Chắc còn nhiều những hình thức cầu kỳ, kỳ lạ khác nữa mà những người "Siêu Ảnh" còn đang nghiên cứu hoặc đã làm rồi nhưng chưa tiện phổ biến công khai, hoặc quá cầu kỳ với những bạn ảnh tài tử như phải chế ra một bộ phận máy tự động để có thể xoay một vòng tròn, tạo sự chao mờ khác với sự chao mờ của chiều ngang và chiều dọc hoặc bộ phận máy để chụp nhiều lần tuần tự một cử động trên chung một âm bản, vân vân và v.v...


      Mới đơn cử bấy nhiêu, bạn ảnh chúng ta cũng đã thấy tạm đủ để thấy có thể thỏa mãn cho những ai muốn có một hình ảnh lạ mắt. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng sau khí thu hình những người ảnh Siêu Thực còn được yểm trợ bằng những kỹ thuật, sảo thuật là ảnh trong phòng tối nữa. Ấy là chưa kể đến kỹ thuật tráng phim theo nhu cầu phẩm chất làm hình.


      PHẦN LÀM ẢNH


      Đây hãy nói những tấm phim đã chụp giống sự thật nay vì nhu cầu "Siêu Thực" mà muốn cho khác lạ. Bên cạnh đó chúng ta nên nhớ rằng những tấm phim đã thu hình bằng kỹ thuật "Khác lạ" có thể còn khác lạ hơn nữa khi áp dụng kỹ thuật làm ảnh trong phòng tối. Với hai ba lần muốn vượt ra ngoài sự thực thì thiết tưởng sẽ "Siêu" tới bao nhiêu, tới đâu đâu...


      • Bẻ cong, vặn giấy


      Một điều quan trọng khi rọi hình là một tấm giấy phải thẳng song hàng với mặt phim trên máy rọi. Ai cũng phải biết như vậy, ấy thế mà ở trong nhiều trường hợp người làm ảnh Siêu Thực đã bẻ cong tờ giấy đi, theo chiều ngang chiều dọc hoặc uốn lượn với mục đích làm hình thể thực sẽ rộng bề ngang ra quá khổ, hoặc sẽ dài thoòng ra hay sẽ nhấp nhô sóng gợn. Có khi lại phải kê cao một đầu giấy để cho chỗ ấy nhòe hoặc nét theo nhu cầu diễn tả.


      Sao lại phải làm như vậy? Người ảnh siêu thực sẽ nói: "Phải như vậy mới trung thực với hình ảnh đã nhìn thấy trong tưởng tượng". Thí dụ như Nàng Chúa Xuân mà tôi muốn tả ở trong thân cây già kia nếu là một tấm ảnh thực, thật rõ nét có thể gọi tên người mẫu ra thì hỏng rồi, đằng này hình người ấy chỉ là một thứ tượng trưng, nàng chưa ra đời nên nàng còn mơ hồ -không thể rõ nét- tôi lại đã tưởng tượng nàng phải mang hình thể cao, dài và muốn thế giấy phải bẻ cong và hình ảnh phải hơi mờ nhòa! Là thế đó!


      • Dầu và Vaseline trên kính



           Bóng Hương Vòng
         (một góc cạnh thu hình đặc biệt)

      Một tấm kính thật trong để trước ống kính máy rọi không làm tổn thương gì cho sự rõ nét của hình ảnh rọi xuống giấy, nhưng nếu một phần nào đó bị một chất dầu mỡ bôi lên làm thành một thứ kính mờ thì hình ảnh ở máy rọi nhằm chỗ đó sẽ bị mờ nhòe đi theo tỷ lệ chất dầu mỡ kia dầy hay mỏng. Biết được như vậy người làm ảnh Siêu Thực tha hồ muốn bôi xóa phần nào không cho rõ nét nữa tùy ý. Cứ việc kê tấm kính phẳng lên khoảng giữa ống kính và chỗ đặt giấy rồi cứ dùng vaseline bôi lần lần với sự kiểm soát hình ảnh đang rọi thường trực xuống mảnh giấy trắng kia. Khi đã như ý muốn mới đặt giấy rọi thử. Phương pháp này đã giúp người làm hình Siêu Thực xóa đi những phần vô dụng đã trót thu vào hình. Đã làm cho hình huyền ảo, phá được những hình thể cứng ngắc phá hoại.


      • Hình âm bản


      Sắc đen trắng trái ngược lại với hình ảnh thực như tóc trắng, lòng con ngươi trắng răng lại đen, v.v... Nghĩa là hình ảnh của một âm bản tạo cho người ta cảm giác như hình ảnh ấy của một thế giới khác, rờn rợn làm sao. Cảm giác này người ảnh Siêu Thực đã đem khai thác cho trở thành ảnh dương bằng cách in một âm bản dương lên phim rồi dùng tấm phim dương bản (Positif) đó mà rọi ra ảnh thì ảnh ấy sẽ là một tấm hình trắng đen trái ngược rờn rợn nọ. Công việc in phim này cũng không có gì khó khăn có thể như in ảnh nhưng thay vì giấy thì là một miếng phim nguyên (film vierge) và làm việc hoàn toàn trong tối (không đèn đỏ) Nếu chưa có kinh nghiệm nên in mấy tấm với điều kiện ánh sáng khác nhau để có thể có một miếng phim theo ý muốn. Mỗi khi muốn mô tả thế giới yêu ma, người_ ảnh Siêu Thực thường đem áp dụng loại hình âm bản.


      • Chồng phim


      Gặp hoàn cảnh không cho phép chụp chồng những hình ảnh khác lên nhau như ý muốn, lúc làm ảnh có thể xếp chồng lên khi rọi ảnh. Kỹ thuật này sẽ có được kết quả tốt khi tác giả mảnh phim đó đã chủ tâm chụp trên phông đen cho những phần còn lại trong vắt để không ảnh hưởng nhiều, làm mờ hình ảnh của những phim khác.


      Kinh nghiệm rọi phim xếp chồng lên nhau nên chọn những miếng phim không dày quá, và khi đã chập hai miếng phim phải soi lên, xê dịch cho đúng chỗ, ăn khớp với nhau, sau đó lấy chút băng keo tạm dán sơ sơ mấy mép phim lại để khi đặt vào kính ép phim trên một rọi không bị xô lệch bậy bạ, nhất là khi phim bị sức nóng máy rọi nên đã hơi bị cong lên rất phiền phức.


      • Chắp hình


      Từ ngày Long-chin-Sang phổ biến những hình chắp nghệ thuật đã mở một lối thoát cho nhiếp ảnh. Trước ngày ấy những người nhiếp ảnh đi săn hình nhiều khi đi rồi vác máy về không chỉ vì cầu kỳ muốn có một đám mây mà không sao thỏa mãn. Ngày nay một người ảnh lo xa có biết bao là thứ mây được tích trữ trong hộc tủ, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng đi vào bố cục cho những phong cảnh ở đâu đâu mà thiếu một áng mây.


      Kỹ thuật chắp hình càng ngày càng tinh vi và dưới bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ nhiều âm bản tầm thường đã trở thành giá trị. Những miếng phim ấy mang hình ảnh khác nhau, đứng riêng một mình trơ trọi vô duyên như là một thứ tài liệu vô hồn, nhưng nếu biết chọn lựa xếp đặt lại, tập hợp đứng cạnh nhau theo nội dung kết hợp, theo tiết điệu nhịp nhàng, sẽ đảo thành duyên dáng, ý nghĩa, hấp dẫn.


      Có phương pháp này trong tay rồi, đem áp dụng vào loại ảnh của mình, người ảnh Siêu Thực tha hồ vùng vẫy trong thế giới ảo tưởng. Một khuôn mặt huyền ảo đã chụp từ thuở nào và ở nơi xa lắc lơ bỏ xó từ lâu, nay có thể rất ăn ý với ngọn lửa hay những vòng sáng nước mới chụp hôm qua. Hai thứ đó sẽ hòa hợp nhau mà trở thành tác phẩm: "Vòng thời gian" hay "Lửa tình" gì đó!...)



           Chùa Một Cột, Hà Nội
           (Ảnh Trần Cao Lĩnh, 1977)

      Sự thành công ở việc làm hình chắp do nơi người làm ảnh biết nghiên cứu tỉ mỉ khoa học, tuần tự hợp lý của từng giai đoạn:

      1. Sau khi đã tìm được đề tài và tập hợp được những tấm phim cần thiết.

      2. Nghiên cứu phẩm chất các phim, nếu cần thì phải sửa lại cho hoàn hảo.

      3. Nghiên cứu vị trí đặt những hình ảnh ấy đứng cạnh nhau ra sao? Bằng cách đặt từng miếng rời lên máy, rọi thử xuống mặt giấy rồi tô lại hình đã chiếu xuống, đánh dấu chỗ đứng của nó.

      4. Khi đã hài lòng về vị trí và bố cục lại phải thử đều những miếng phim đó để tìm một thời gian phơi hình đồng nhất, để sau khi đã rọi chung tất cả lên một mặt giấy rồi, lúc ngâm vào thuốc hiện phải được hiện lên đồng đều và đầy đủ.


      Nguyên tắc chung thì giản dị như vậy nhưng khi bắt tay vào việc cũng đòi hỏi những kinh nghiệm riêng của mỗi người kể cả sự khéo léo tay chân và lòng kiên nhẫn. Từ việc đánh dấu đầu giấy xuôi ngược, để sau khi đã căn hình ảnh đúng y cỡ trên tấm giấy mẫu rồi lúc đặt giấy thật không sai chỗ, đến việc cắt và sử dụng tấm giấy che, giấy phơi (cache et contre cache) sao cho đừng loang, đừng viền, v.v... nhất nhất đều phải thận trọng tỉ mỉ.


      NHỮNG PHƯƠNG PHÁP KHÁC


      Ngoài mấy phương pháp thông thường kể trên, nhiều người ảnh còn dùng đến những xảo thuật phòng tối khác nữa cầu kỳ hơn nhưng cũng làm cho anh xa quá với bản chất hình - dù là hình Siêu Thực.


      • Chạy sáng (Solarisation)


      Là kỹ thuật đang tráng phim hoặc rọi hình dở dang sẽ bật đèn sáng lên cho "ăn" vào phim, vào giấy, rồi lại tắt đèn đi tiếp tục rọi hình trong thuốc hiện.


      • Phân sắc độ (Séparation de ton)


      Một phương pháp in đi, sang lại chồng phim nhiều lần để những sắc độ mờ xám và chi tiết của hình ảnh tự nhiên mất dần có cho đến khi chỉ còn lại ba sắc để cực độ là Đen Trắng và một vài màu Xám ở giữa. Có khi chỉ còn hai sắc Đen và Trắng.


      • Trame là phương pháp chắp một phim chụp vải hoặc giấy hoặc vỏ cây hoặc mặt đá lên một phim ảnh thường để khi ra giấy hình ảnh ấy như dệt, như khắc, như hàn.

      Lại còn những hình thức xảo thuật khác như là Photo Gramme đặt xương lá cây, giấy cắt hoặc những vật dụng khác lên giấy ảnh rồi phơi đèn để những thứ ấy cản sáng trở thành hình cắt trắng sau khi ngâm giấy vào thuốc hiện.


      • Vẽ đen lên phim đã tráng


      Cạo trắng lên phim đen là hai hình thức không cần đến sự thu hình và cũng giống như Photogramme không thể gọi là Hình thuần chất mặc dầu vẫn làm bằng chất liệu phim ảnh.


      Kể rạ cũng đã khá nhiều nhưng vẫn chưa hết, vì những người ảnh có hoàn cảnh và rành về hóa chất còn tìm vào sự chuyển biến hình thể do hóa chất tác dụng trên mặt nhũ tương phim giấy để tiến tới chỗ man mác vô cùng.


      THAY CHO MỘT DẤU TẠM NGƯNG


      Bắt nguồn từ sự thực, chấp nhận ưu điểm tuyệt đối của nhiếp ảnh là sự trung thực. Từ đây một số người ảnh đã muốn rộng mở, mang nhiếp ảnh đi vào thế giới dự tưởng ảo hình của trừu tượng, cốt để nhiếp ảnh không bị ngưng bước trước ngưỡng cửa nghệ thuật phóng khoáng bao la. Hình ảnh Siêu Thực đã hiện diện đống góp tích cực, thật là một niềm khích lệ to tát, một công lao đáng ghi nhớ vậy.


      Trần Cao Lĩnh

      (Ngày Nay Minnesota số 78, 15.9.1992)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Ảnh Siêu Thực Trần Cao Lĩnh Khảo luận

      - Động Tĩnh Trong Ảnh Trần Cao Lĩnh Khảo luận

    3. Link (Nhiếp Ảnh) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tiểu sử Lê Văn Miến (Lê Huy Miến) (Ngô Kim Khôi)

      Những Kỷ Niệm Nơi Phòng Tranh Trương Vũ (Trần Thị Nguyệt Mai)

      Tranh Con Giống Của Nguyễn Tư Nghiêm (Thái Bá Vân)

      Họa Sĩ Trần Văn Thọ (Viet Art View)

      Tranh Lê Văn Xương lên sàn Bonhams (Lý Đợi)

      Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tranh, tiếng nói cuối cùng (Lê Chiều Giang)

      Nụ Cười Của Nàng Joconde (Liễu Trương)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)