|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh
(1925 - 1989)
Bài này trích trong cuốn Bước Hai Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật ông viết chung với nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm. Tuy vậy những ảnh đi kèm trong bài đã không lấy từ trong sách trên mà do Ngày Nay chọn từ một số ảnh của Cao Lĩnh đã để riêng ra khi ông có ý viết một bài cho Ngày Nay về đề tài trên.
Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh mất ngày 29-8-1989 tại San Jose. Ông là một nhiếp ảnh gia trong ban biên tập NGÀY NAY kể từ khi ông vượt biên tới Anh, rồi tới Hoa kỳ vào đầu thập niên 80.
Cùng gọi chung là hình ảnh và gồm có ánh sáng, đường nét, mảng đậm nhạt hòa hợp cùng nhau, trình bày trên một mặt phẳng có chiều ngang và chiều dọc mà sao con người chúng ta đứng trước tấm giấy ấy đều cảm thấy một xúc cảm dành riêng cho từng tác phẩm. Tấm giấy vô tri kia có ghi những hình ảnh với sắc độ từ trắng đến đen mà sao ta thấy muốn mỉm cười vì lây cái vui của trẻ thơ đùa nghịch, man mác với mây trôi, khắc khoải giùm một hình ảnh chờ mong. Và lòng êm dịu với những nét diễm kiều, óng ả.
Ta lại bất chợt một thoáng nhẹ nhàng với sắc trắng màu lợt. Dứt khoát, giữa trắng đen tương phản và đen tuyền ta gặp lại âm u và nặng nề. Sức hấp dẫn vô hình tỏa ra mỗi tác phẩm chính là tính chất Sinh Động riêng biệt vậy, và giá trị nhiều ít cũng là do sự truyền cảm tới người xem sâu đậm hay hời hợt.
Nếu đứng trước một tấm ảnh với kỹ thuật bố trí công phu đến đâu đi nữa mà vẫn thấy lòng dửng dưng, không xúc động thì không thể nói đó là một tấm ảnh có giá trị. Có chăng chỉ là thứ giá trị kỹ thuật đơn thuần, một mẫu hàng chứng minh cụ thể cho một nhãn hiệu ống kính, giấy thuốc nào đó thôi.
vậy thì cái chất sinh động ấy do đâu mà ra?
Như chúng ta đã biết qua chất động trong ảnh do sự chụp được những hình ảnh mà mọi vật đều sống, đang cử động, rồi sự áp dụng đường nét, kỹ thuật, và cả nội tâm động của chủ đề nữa.
Tưởng chúng ta cũng đã biết hiện nay nguyên vật liệu và máy móc nhiếp ảnh đã ghi chép được những cử động rất nhanh quá sức đối với con mắt người như hình dạng viên đạn đang bay, bánh xe quay đang nứt rạn, một nhịp cánh chim bay. Tất cả đều phải dừng lại, phơi bày trên mặt giấy cho ta tha hồ ngắm nghía, phân tích. Nhưng thử hỏi tất cả cái hoạt cảnh thoáng qua đó, nhờ kỹ thuật máy móc tối tân ghi giùm lại có thật là động không? Và những tấm hình tĩnh vật, chân dung rất yên lặng, không cử động, không nhúc nhích trong lúc thu hình sẽ không có giá trị sinh động hay sao?
Vì sự thắc mắc ấy mà hiện nay đứng trước vấn đề động tỉnh, làng ảnh đã phân biệt ra minh bạch hai loại:
* Động giả và động thật
Sau đây xin đơn cử một vài dẫn chứng về sự Thật - Giả trong Động Tĩnh với vai trò tốc độ, một vai trò chủ yếu trong câu chuyện này:
Múa Trống
(Thu hình cái động dùng mờ nhòe để tạo động)
Tả hai đứa trẻ đánh lộn chân tay vung ra rất nhanh, có một số người cầm máy đã tận dụng khả năng tốc độ chụp được rất rõ rệt nét chân co tay duỗi của chúng, nhanh và rõ đến mức máy móc, cứng đờ với bộ mặt trơ trẽn và khi ra ảnh, hai con người mẫu đó đã có dáng điệu của hai pho tượng gỗ, mặc dầu chúng đã đóng một vai trò động trong một đề tài động. Như vậy, việc "bắt đứng", lại, vì một vụng về nào đó, đã biến cái động thành tĩnh, và tấm ảnh bị liệt vào loại ảnh động giả.
Nhưng nói như trên có phải là phủ nhận giá trị của tốc độ không? Không, chúng ta đã nhiều lần phải cám ơn sức nhậm lẹ của máy móc thu hình, và sự thật đã công nhận nhiều tác phẩm bắt đứng rất hấp dẫn, truyền cảm do ý thức sáng suốt điều khiển một bàn tay khéo léo:
Trong thao trường, hàng ngàn vạn con mắt theo dõi một lực sỉ nhẩy cao, họ thấy anh lao như tên bắn đến trước xà ngang rướn đà rồi vút lên, mọi người nín thở rồi hắt ra một tiếng than tiếc khi thấy người lực sĩ kia cùng rơi xuống đất với cây xà ngang đã bị chạm. Tất cả những người theo dõi đều chỉ biết có thế, nhưng thật đích xác thì phái chờ con mắt ống kính trình bày trên mặt giấy rất rõ nét từ chiếc đinh giầy còn hắt lại mấy mảnh cát lúc cọ vào thân gỗ, và nhất là nét mặt căng thẳng ghê gớm của anh ta khi biết mình đã vấp. Trường hợp này nhờ tốc độ mà tấm ảnh động càng thêm động.
Hai trường hợp áp dụng tốc độ nhanh vừa kể trên cho ta thấy sự bắt đứng lại hình ảnh động không phải lúc nào cũng là một ưu điểm tuyệt đối.
Bây giờ xin bạn thử nghĩ đến tấm chân dung một bợm nhậu tất cả những gì trình bày trong đó, thoạt trông thấy rất tĩnh, từ chai rượu chiếc ly đến chân dung con người ngồi đó đều yên lặng đến mức mà tác giả có thể chụp chậm đến 1/15 mà vẫn rõ nét. Vậy mà không thể nói hình ảnh đó không động. Vỉ càng nhìn sâu, ngắm kỹ vào khuôn mặt đó ta càng thấy ông bợm nhậu của chúng ta đã thấm lắm. Vằn tia máu trong con mắt, cặp môi khô se hơi mím, dáng bộ lừ đừ, "ông người mẫu" trong ảnh thật đã thuộc về loại "sâu rượu, hũ chìm" rồi vậy. Chai rượu và cái ly - mờ nhòe trước ống kính, khung cảnh tĩnh và lặng lẽ đó cũng tôn cho cái động của hơi men bốc trong tấm ảnh. Tấm ảnh với hình thức tỉnh này đã rất động trong loại ảnh Động Thật. Ở đậy vai trò tốc độ không quyết định gì cả.
Với mấy thí dụ kể trên như bắt đứng cái động, dùng cái rất tĩnh để tả cái động nội tâm với trường hợp thực hiện bằng kỹ thuật động để tả động như việc ghi chép sự xung phong của người lính chiến ta có thể dùng tốc độ chậm để thu hình một sự di chuyển nhanh dụng tâm để hình ảnh của người lính bị chao mờ đi, tả lên được tốc độ vũ bão của động tác. Và đó là phương pháp dùng động để tả động.
Ta thử tưởng tượng lúc chụp bức ảnh này mà áp dụng một tốc độ khá nhanh (1/500 chẳng hạn) để bắt đứng cử chỉ đó, một cách sững sờ cứng đơ thì chắc chắn tấm hình này sẽ giảm đi rất nhiều giá trị sinh động.
Tóm là ta thấy rằng cái Động - yếu tố quan trọng của mỗi tác phẩm nhiếp ảnh -thật là "linh động" trong kỹ thuật, đòi hỏi ý thức sâu sắc của mỗi tác giả, tùy loại, tùy chỗ, tùy hoàn cảnh mà áp dụng. Động trong Động, Động trong Tĩnh, miễn sao đừng là động giả... mà phải là Động thật, nghĩa là truyền được sự sinh động vào tấm giấy hình vô tri kia.
* Đi tìm cái động trong nhiếp ảnh
Người cầm bút viết câu này đang "động" mấy ngón tay trên cán viết và người đọc mấy giòng này cũng đang "động" đưa đẩy đôi mắt. Xe cộ chuyển động ở dưới đường kia, tấm màn cửa trước mặt tôi đang phe phẩy vì gió từ chiếc quạt máy thổi tới; hình ảnh động đã quá quen thuộc đến mức thành mặc nhiên, không ai để ý đến nữa, bởi vậy chắc có nhiều Bạn Ảnh đọc tựa đề "Đi Tìm Cái Động" không giữ được một thoáng mỉm cười, vì cái động nhìn đâu chả thấy mà cũng vẽ chuyện tìm kiếm lôi thôi!
Quả thật như vậy, cái động lúc nào cũng sẵn sàng thường trực chung quanh ta, diễn biến theo muôn hình vạn trạng và cũng vì quá nhiều, quá phức tạp, thật giả giao tranh lộn xộn quá mà chúng ta phải cùng nhau đi tìm, bởi vì cái động mà chúng ta đang nhìn thấy đây đang được thu hình qua con mắt bàng quan không xúc động. Với nhiếp ảnh -trước ống kính- có nhiệm vụ trình bày cái động, giới thiệu cái động, đã bắt buộc chúng ta phải có một thái độ cân nhắc, chọn lựa để trình bày lên mặt giấy trọn vẹn ý tình.
Phân loại cái động
Ra Khơi
Như ta đã biết cái động thật là vô cùng, vô số, lúc kín đáo khi phô trương, nhưng đại khái ta cũng có thể tạm chia ra làm mấy thứ cho dễ cảm thông và trù liệu kỹ thuật thu hình:
- Động náo nhiệt: Quang cảnh trước cửa một nhà máy vào giờ tan tầm làm với hàng trăm, ngàn người chen lấn nhau, mỗi người một vẻ, một cử động. Một phiên chợ, giờ ra chơi giải trí của một trường học, hè đường Lê Lợi mỗi buổi chiều thứ bẩy. Một ruộng lúa có hàng ngàn con vịt đang được lùa xuống tìm mồi...
Tất cả những cảnh ấy cứ quấn quít lấy nhau, cái nọ tranh giành ảnh hưởng cái kia, không thành đường lối, hệ thống gì hết, nhìn vào có khi thấy hoa mắt, nhức đầu: đó là cái động do đông đảo náo nhiệt và hình thức lộn xộn tạo nên.
- Động nhẹ nhàng: Cây quạt phe phẩy trên tay bà mẹ hiền dỗ giấc ngủ con thơ buổi trưa hè. Làn tóc mây phất phơ trong gió chiều. Một chiếc lá, một cành khô rớt xuống mặt nước lặng đang xóa nhẹ hình trời mây soi bóng. Một làn khăn, một tà áo phất vẫy, đó là những cái động do sự di chuyển của hình ảnh có tốc độ chậm, khoan thai, rõ ràng.
- Động vì cử động: Dáng bước đi thoăn thoắt, tong tả của một thiếu phụ với đôi quang gánh nhún nhẩy, vội vã, hình người trượt tuyết, tài tử hát xiệc giữ thăng bằng trên lưng ngựa, trên đu bay, tự bản thân những cử động lấy lại thăng bằng hay nhịp theo tốc độ tương đối nhanh ấy đã mang sẵn một hình thức động phô bày bộc lộ.
- Động do sự căng thẳng: Là một thứ Động do không khí lạnh mình tỏa ra. Cái động này có khi không cần phải đang động mà chỉ là một sự chuẩn bị như hình ảnh yên lặng, nặng nề ghê rợn của hai kẻ quyết đấu đang nín thở rình hạ nhau. Cái lừ đừ của một kẻ điên đang sửa soạn hành hung. Phút cuối cùng của sự kéo co. Người leo núi đang bám vào một sợi dây sắp đứt, chiếc thang cao mang người thợ quét vôi đang từ từ ngã xuống, v.v... Nghĩa là những hình ảnh tự nó đang chứa đựng một không khí dọa nạt làm cho người nhìn thấy phải nín thở, hồi hộp đôi khi làm cho những người yếu tim phải nhắm mắt.
- Động trong tĩnh: Đó là trường hợp con mắt người say rượu như đã nói ở trên. Những hình ảnh động theo lối này là những hình ảnh rất tĩnh, tầm thường ở hình thức nhưng chứa chất một sự diễn tả tâm tư xúc tích. Động một cách lầm lì trầm lặng. Có thể con mắt người say, mà cũng có thể là hai bộ mặt của hai người giận nhau. Đó là hình ảnh con mèo cô độc gào trên mái ngói dưới trăng suông, đó là hình ảnh một gã chán chường ngủ gục trên bàn rượu đã tàn. Cái động trong tĩnh này đòi hỏi cả tác giả và người xem một suy ngẫm, tìm tòi khám phá, một sự gì tiềm ẩn bên trong hình ảnh.
Ngoài những hình thức động trên ta cũng phải kể đến một cái động huyền diệu nữa:
- Động bởi xúc động: Đã nhiều lần tôi bắt gặp những bà mẹ ngắm nghía say mê tấm ảnh một em bé thơ mũm mĩm, trên miệng còn đọng một chút rãi long lanh. Tôi cũng đã được biết tấm hình ghi lại hình ảnh những người đàn bà Triều Tiên sau cuộc chiến đã làm cho nhiều người ướt mi mắt. Hình ảnh ấy hàm chứa quá nhiều, gần gũi quá với thực trạng, liên hệ trực tiếp ngay đến bản thân người xem ảnh, tác động mạnh mẽ tâm hồn họ, khiến họ mủi lòng và cũng là những tấm hình thật động.
Qua những đoạn trước chúng ta đã biết thế nào là sự sinh động của tấm ảnh, khả năng của máy móc lúc thu hình những hình ảnh động rất nhanh, ta lại thấy được sự thật hay giả trong cái động và phân loại được một số hình thức động diễn biến chung quanh ta.
Phần mở đường như vậy là tạm đủ. Nhưng trước khi đặt tay vào nút bấm máy để thu hình ảnh động nào đó vào tâm bản, ta còn phải bàn đến một vài yếu tố cuối cùng: ấy là việc gạn lọc và trù tính kỹ thuật thu hình thích hợp cho từng loại ảnh động khác nhau.
* Công việc gạn lọc
Giống như người chơi cây cảnh không phải cứ vào rừng cây cối rậm rạp bưng đại lấy một cây cả gốc lẫn ngọn mang về đặt ở giữa nhà là đã có ngay một chậu cây quý tuyệt mỹ, mà phải là một công trình chọn lọc lúc ban đầu và cả một công phu uốn nắn về sau. Thu hình ảnh Động cũng vậy. Giữa trăm ngàn thứ động tràn lan chen lấn nhau như cây trong rừng, người nhiếp ảnh chỉ soi mói tìm kiếm lấy một phần nào đó mà thôi, phần đó hoàn toàn ở nơi chủ quan quyết định bởi hình thức bắt mắt hay do kinh niệm già dặn.
Vì nằm dưới hình thức khác nhau nên lúc đi săn cái động người nhiếp ảnh cũng phải linh động tháo vát nhiều lắm để có thể tận dụng được sự dễ dàng trong đó và khắc phục những khó khăn sẽ gặp phải. Thí dụ như cái Động-Náo-Nhiệt đã dành sẵn một sự dễ dàng đầu tiên cho ta là hình thức của nó động sẵn sàng, có khi từ đàng xa chưa trông thấy đã biết là động như âm thanh trống kèn của rạp xiếc gọi ta đến, tiếng la hét trong thao trường, tiếng ồn ào của chợ búa, v.v..., tất cả những cái ấy đang hừng hực chuyển động và có một mãnh lực cuốn hút, rủ rê những ống ảnh đang đi tìm cái động. Nhưng cũng chính cái náo nhiệt hỗn loạn ấy đã tạo ra cái khó. Khó là vì ta phải biết làm sao, bằng cách nào gạt bỏ được những mảnh vụn vặt chen lấn lộn xộn ra mà chỉ chọn lấy những cử động đa diện nhất.
Thi dụ giữa đám bụi mù của một sân trường giờ ra chơi ta không thể thu hình cả đám hỗn độn ấy mà phải tìm lấy, chia ra từng mảnh một, và cả cái khung cảnh lớn lao kia sẽ chỉ đóng một vai trò bối cảnh. Những mảnh ấy hoàn toàn do chủ quan của ta quyết định, có thể là hình ảnh chao mờ của mấy em đang nhẩy vòng tròn, có thể là sự xô xát giữa hai chú bé, có thể là nét mặt cay cú ăn thua của một bọn đánh bi, đánh đáo. Một khó khăn nữa: khi chụp cái động náo nhiệt là người cầm máy gần như hoàn toàn bị động, phải xoay sở chớp nhoáng, tháo vát kịp thời sao cho trọn vẹn được phần kỹ thuật thu hình.
Quạt Nồng
(Qua kỹ thuật thu hình, sự mờ nhòe của cây quạt tạo cái động trong nhiếp ảnh)
Ở cái động trong tĩnh, chúng ta không gặp khó khăn của hành động chụp giật kể trên nhưng lại vấp phải một trở ngại khác, một trở ngại lớn lao là sự ẩn nấp của cái động. Như ta đã biết trong đoạn phân loại cái động, Động trong Tĩnh luôn luôn khoác một bề ngoài quá tầm thường, phẳng lặng, làm cho ta dễ bỏ qua đi, nhất là với một số bạn ảnh chưa quen công việc khám phá, soi mói, phân tích thì sự kiện đó càng dễ xẩy ra. Thật vậy, một quán vắng heo hút bên đường với một nải chuối, xâu nem chua treo lủng lẳng bên chai rượu đế, có gì đâu mà phải dừng chân lại. Thế mà bức ảnh "Say" đã chụp ở đây. Trời oi bức, ngồi quạt cho con ngủ tầm thường, vậy có gì ghi vào âm bản, vậy mà có kẻ đã chụp lấy "Quạt nồng". Một mặt nước, một bàn chân, một đôi mắt già nhăn nheo đang cố dương lên sỏ kim vá áo, một cảnh chợ chiều trong nắng quái, tưởng không có gì đáng dừng chân mở máy ra mà ngắm nghía cả, bề ngoài phẳng lặng của nó không có mảy may quyến rũ, khêu gợi, vậy mà thử nhìn kỹ vào, tìm hiểu phân tích đi tới một mức độ nào đó, thì không sao dời chân đi được nữa.
Tới được mức độ "Nhìn Thấy", biết xúc động như vậy là đã có công lắm, khá điêu luyện rồi vỉ ở trình độ ấy đã là biết được lột vỏ ngoài tầm thường để thấy rõ được giá trị bên trong cửa hình ảnh. Nhưng muốn biến hòn đá sù sì kia thành viên ngọc lấp lánh cho mọi người cùng thưởng thức, chúng ta phải đi một bước nữa, và việc đẽo đá, mài ngọc trong nhiếp ảnh gọi là Gạn Lọc vậy. Gạn Lọc là gạt bỏ những cái rườm thừa, loại trừ những nét vớ vẩn, bối cảnh phá hoại, để nâng cao những điểm chính, nhấn mạnh được chủ đề giới thiệu được ý tình.
Chỉ khi nào làm xong được công việc ấy tấm ảnh mới thật có giá trị.
Như vậy ta thấy rằng dù nằm dưới một hình thức nào lộ liễu hoặc kín đáo, cái động nào cũng cần phải gạn lọc mới mang vào tác phẩm được và vì vậy vai trò gạn lọc vô cùng quan trọng trong việc trình bày.
Sau khi đã nhìn thấy, cảm xúc được gạn lọc lấy, qua được bằng ấy chặng đường là ta đã đến gần được thành công, chỉ còn chặng cuối cùng là vấn đề tìm lấy một kỹ thuật thích hợp mà thu hình cảnh vật ấy.
Kỹ thuật thu hình
Kỹ thuật chụp ảnh tả cái động gồm có mấy lối chính:
a) Bắt thật nhanh
b) Để thật chậm
c) Lia máy
d) Chụp Chao Mờ Nét
Cơn Lốc
(Tạo động như dùng kỹ thuật thu hình: Xoay máy)
- Bắt thật nhanh: Dùng một tốc độ máy nhanh có khí lên đến hơn 1/1.000 sao để bắt đứng được những cử động là một lối thông dụng nhất. Lối này có cái lợi là làm cho con mắt người xem thỏa mãn, được ngắm nhìn lâu một hình ảnh vút qua, nếu không có ảnh đó có lẽ không sao có dịp nghiền ngẫm lâu như vậy, nhưng cũng có cái hại là nếu không khéo léo rình chụp đúng được cử chỉ hoặc sự di chuyển lúc cao độ nhất một cách tự nhiên thi tấm hình sẽ cứng đơ, trở thành một thứ hình động giả.
- Để thật chậm: Dùng một tốc độ máy tương đối chậm hơn sự di chuyển của cử động, hình ảnh ấy in vào âm bản sẽ không còn rõ nét nữa. Chính sự chao mờ đã gây một không khí động cho ảnh ấy, xem ảnh này ta có cảm giác như nhìn bức tranh vẽ một người chạy đã nhờ những nét bút phảy lại phía sau mà gây được ấn tượng không khí dạt ra thành luồng gió tạt. Lối chụp này làm cho những cử động vốn không động lắm, trở thành động một cách rõ rệt trên mặt giấy. Lối này không thể đem thực hiện cho những tấm ảnh cần sự rõ nét và đầy đủ chi tiết của chủ đế.
- Lia máy: Là một lối chụp tạo ra một hình ảnh ngược lại của lối chụp để tốc độ chậm. Vì nếu lối chụp để thật chậm cho ta hình ảnh một chủ đề trong trạng thái chao mờ (chao đưa nên không rõ nét) trong khi bối cảnh vẫn giữ được nguyên hình ảnh rõ nét. Thì lia máy sẽ cho ta một hình ảnh chủ đề tương đối rõ nét mà bối cảnh sẽ chao mờ. Lia máy là một hình thức vừa cầm máy đuổi theo chủ đề vừa bấm. Chi tiết của sự đuổi bắt hình ảnh này như sau:
- Tính trước khoảng cách giữa máy với chỗ chủ đề bắt buộc phải chạy qua để sẵn sàng khoảng rõ nét cho máy ở đấy.
- Tùy sự muốn chao mờ nhiều hay ít và tùy tốc độ của sự di chuyển của chủ đề ta sẽ dùng một để máy có tốc độ chậm hơn với sự di chuyển ấy. Thí dụ chụp ngựa chạy ngang đáng lẽ phải để từ 1/250 đến 1/500 nay dùng 1/100 hay 1/50.
- Tỳ máy vào mặt, bộ phận ngắm sát vào mắt rồi cứ để như vậy xoay máy rõi theo song song với sự di chuyển kia theo chiều thuận. Cố giữ làm sao cho hình ảnh đang di chuyển này lúc nào cũng đứng ở một chỗ nhất định trong khung cảnh.
- Đồng thời cứ lia máy song song với chủ đề như vậy mà bấm máy vào lúc thấy cần thiết. Lối lia máy phải luôn luôn tập luyện cho quen tay quen mắt và không nên dùng lối ngắm thông thường của loại máy có bộ phận ngắm bằng gương hắt phản chiếu (viseur réflex) vì hình ảnh in vào kính mờ gương hắt đã ngược chiều di chuyển của mắt thật. Muốn chụp Lia Máy cho dễ dàng phủ dùng lối ngắm thẳng vào chủ đề (viseur clair, viseur sport).
Như Cánh Chim Bay
(Cảnh đồi cát tại miền Trung Việt Nam)
- Chụp chao mờ nét: Đó là lối nói cho một kỹ thuật được áp dụng trong trường hợp muốn có một tấm hình động theo cả hai lối Bắt Thật Nhanh và Để Thật Chậm, nghĩa là thu hình một chủ đề mà chủ đề ấy vừa bị chao mờ -vì bị chụp chậm lại- vừa rõ nét vì được thu hình với tốc độ nhanh.
Thí dụ ta muốn tả chiều di động của những khuôn mặt đang ngồi xem một trận đấu bóng bàn hoặc quần vợt, có phải ta thấy những đầu khán giả ấy đều theo một mệnh lệnh thầm kín do quả bóng chao đi trả lại mà cùng nhau rất nhịp nhàng xoay qua xoay lại một cách rất ngộ nghĩnh. Muốn tả hình ảnh ấy nếu ta chụp với một tốc độ nhanh thì nhất định chỉ bắt đúng được một chiều xoay nào đó mà thôi, và nếu để chậm để ghi lấy hình ảnh chao mờ thì không thấy được rõ ràng những nét mặt chăm chú ấy.
Chụp hình một người đang ngủ gật nếu chỉ áp dụng một trong hai lối cũng sẽ vấp phải như vậy. Muốn cho "trọn vẹn đôi bề" chúng ta phải chụp hình ấy theo lối Chao Mờ - Nét. Lối này bắt buộc ta phải thâu hình hai lần chung trên một âm bản (surim pression). Thoạt tiên dùng tốc độ nhanh để ghi lại rõ nét (bắt đứng) hình ảnh đang di động, sau đó lại chụp luôn một lần nữa bằng tốc độ chậm để ghi lấy hình dáng chao mờ của sự di động đang diễn biến. Công việc thu hình này bắt buộc phải lắp máy vào một cái chân chắc chắn và rất nhẹ nhàng lúc chạm vào máy để thay đổi tốc độ.
Với những dòng trên ta thấy khả năng tả cái động của nhiếp ảnh cũng tàm tạm đủ để gây một ấn tượng Động cho người xem ảnh. Nhưng dù sao qua từng ấy đổi trao kinh nghiệm cũng mới chỉ là nguyên tắc lý thuyết mà thôi, sự áp dụng tế nhị, linh động, tài tình để nói lên hết niềm xúc động trong hình ảnh động của nhiếp ảnh chúng tôi xin đặt vào bàn tay sáng tạo và thực hành của các Bạn Ảnh.
- Ảnh Siêu Thực Trần Cao Lĩnh Khảo luận
- Động Tĩnh Trong Ảnh Trần Cao Lĩnh Khảo luận
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |