1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      08-04-2014 | HỘI HỌA

      Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm

        ĐÔNG NGUYÊN
      Share File.php Share File
          

       


           Nhiếp ảnh gia
          Nguyễn Cao Đàm
           (1916 - 2001)

      LTS. Trong làng ảnh thế giới, tên nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàn với những tước hiệu cao quý nhất của nhiếp ảnh quốc tế phải viết như sau: Nguyễn Cao Đàm, A.R.P.S., Hon. F Kortrijk, Hon. S.E.A.P.S. Ông sinh năm 1916 tại Hà Đông, Bắc Phần Việt Nam.

      Ông Đàm khởi sư vào làng ảnh nghệ thuật từ năm 1949 và chỉ vài năm sau, ông đã chiếm được những giải thưởng quốc tế từ Âu sang Á. Từ 1957 tới 1975, ông đã là giám khảo của nhiều cuộc thi ảnh quốc tế và ở Việt Nam. Từ 1960, ông đã được mời làm hội viên của những hội ảnh và câu lạc bộ nhiếp ảnh quốc tề cao quí nhất. Ông đã được mời đi triển lãm ảnh ở nhiều quốc gia từ Âu sang Á và cả Nam Phi. Ông cũng đảm nhiệm chức vụ Phó hội trưởng Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam cho tới năm 1975. Ông đã cùng với nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh viết chung nhiều cuốn sách về nhiếp ảnh và hình ảnh quê hương Việt Nam. Ông cũng đã tiếp tay với các nhiếp ảnh gia lão thành khác của Việt Nam để đào tạo nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia quốc tế khác của Việt Nam như Lê Văn Khoa, Nguyễn Ngọc Hạnh...

      Nguyễn Cao Đàm là một nhiếp ảnh gia lão thành trong làng ảnh nghệ thuật Việt Nam, đã đoạt nhiều huy chương nhiếp ảnh quốc tế và được nhiều người ái mộ. Không chỉ riêng nhiều thế hệ bạn ảnh ở quê nhà mà tất cả những ai đã từ lâu yêu chuộng nhiếp ảnh nghệ thuật chắc đã có dịp thưởng thức những tác phẩm đặc sắc, nghe nhắc nhở đến danh tài hoặc đã đọc qua bộ sách Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm.



            CENTURY ART GALLERY
           February 24th. 1992

      Như một cơn gió mát dịu mang tin vui nghệ thuật và tình người từ vùng bờ biển Sydney nước Úc tới miền Nam California Hoa kỳ. Cuộc triển lãm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, tại Century Art Gallery trong khu phố Saigon Nhỏ từ ngày 14-2-1992 đến ngày 24-2-1992 đã thu hút hàng ngàn người mộ điệu về đây thưởng lãm.


      Tôi đến phòng triển lãm vào khoảng 3 giờ ngày 17-2-1992. Tôi đã chọn ngày Thứ Hai trong tuần và buổi xế trưa thưa người để được tự do thoải mái chú tâm vào các tác phẩm. Sau khi viết tên lưu niệm vào sổ danh sách tham dự viên, tôi được giới thiệu với nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm. Đây là lằn đầu tiên tôi gặp mặt tác giả của bộ sách Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật mà từ những năm trung học ở quê nhà tôi đã say mê đọc và lưu giữ cẩn thận trong tủ sách gia đình. Tuổi đã 76 với tóc bạc mái đầu, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm trông vẫn còn tươi khỏe và mắt không có mang kiếng. Giọng nói trầm ấm chân tình với lời lẽ đơn giản chính xác và thỉnh thoảng thêm vài câu hài hước bóng bẩy đã khiến tôi cảm thấy thoải mái và gần gũi với ông ta ngay.


      Tôi tự giới thiệu là một độc giả đã thích thú đọc đi đọc lại nhiều lần bộ sách Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật của ông. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm hỏi tôi có tham gia sinh hoạt và sáng tác nhiếp ảnh không. Tôi trả lời rằng tôi mới chỉ chính thức bước chân vào nhiếp ảnh nghệ thuật từ 1985-1986, và cách đây vài năm đã có tham gia góp mặt với các bạn ảnh khác trong kỳ triển lãm nhiếp ảnh tại Quận Cam (Orange county) này trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hội ảnh Nghệ thuật Việt Nam tại Hoa kỳ.


      Tôi đã đọc khá nhiều sách nhiếp ảnh xuất bản tại Hoa kỳ và Anh quốc, chưa kể vài tạp chí nhiếp ảnh khác mà tôi vẫn thường xuyên đọc hàng tháng. Trong số này có những bộ sách đã được tái bản nhiều lần, được dịch ra mười mấy thứ ngoại ngữ khác nhau và đã bán hết hơn một triệu cuốn khắp nơi trên thế giới, như cuốn The New Jơy of Photography do ban biên tập nhiếp ảnh của Eastman Kodak hợp soạn và do Addision Wesley xuất bản. Tôi đã đọc vài cuốn sách nhiếp ảnh của nhiếp ảnh gia Ansel Adams, và vẫn còn lưu giữ những rung cảm nghệ thuật khi cùng với bạn ảnh Trần Nam Sơn xem triển lãm hai bộ ảnh "Classic Images""Fiat Lux" của Adams tại đại học U.C. Irvine năm ngoái. Tôi cũng đã đọc vài bài tiểu luận và phê bình nhiếp ảnh của ông bà Nancy và Beaumont Newhall. Cặp vợ chồng này là hai nhà nghiên cứu lịch sử và phê bình nhiếp ảnh có uy tín nhất của Mỹ. Tôi rất thích câu nói của Nancy: "khi kết hôn với Beaumont, tôi đã kết hôn với nhiếp ảnh (when I married Beaumont, I married photography." Thế mà tôi vẫn tiếc nhớ bộ sách Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật của Nguyễn Cao Đàm (gồm 4 cuốn, trong đó 3 cuốn viết chung với nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh) đã thất lạc theo những tang thương ngẫu lục sau khi tôi rời khỏi Việt Nam.


      Từ lâu tôi vẫn thường nhắc nhở và hỏi thăm các bạn ảnh xem có ai mang theo được bộ sách này sang Mỹ để tôi mượn và đọc lại. Tất cả mọi cố gắng đều vô vọng. Mãi đến cách nay vài tháng một người thân ở Việt Nam, do chỗ thân tình tri kỷ, đã bỏ rất nhiêu thì giờ tìm mua lại và gửi sang tặng tôi hai cuốn: Bước Đầu Chụp ẢnhBước Hai Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật.


      Trong cuốn Bước Đầu Chụp Ảnh, tác giả đã ký tặng nhiếp ảnh gia Lê Anh Tài vào ngày 12-12-1967 tại Saigon. Tôi thật có cơ duyên nhận được cuốn sách kỷ niệm giữa hai nhiếp ảnh gia lão thành này. Vì thấy nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm là người có chân tình với bạn ảnh, không phân biệt chiếu trên chiếu dưới hoặc tuổi tác, nên tôi kể lại cho ông nghe chi tiết việc tôi vừa nhận được hai cuốn sách nói trên. "Vui quá, sướng quá, quí quá! Thật tôi không ngờ bộ sách tôi viết hai mươi mấy năm về trước mà nay lại được lưu giữ và nhắc nhở ở đây", nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm lập đi lập lại với niềm vui phấn khích. Rồi cẩn trọng và từ tốn ông ta nói: "nhưng nay chắc có lẽ nó đã lỗi thời rồi, phải không anh?" Tôi trả lời rằng: "về kỹ thuật chắc là thiếu, ngay cả những sách nhiếp ảnh vừa mới xuất bản vài năm trước bây giờ cũng có thể bị xem như là thiếu vì gần đây kỹ thuật máy hình, phim, giấy... tiến nhanh không tưởng tượng được, nhưng về giá trị nghệ thuật và lịch sử thì bộ sách này vẫn độc lập với thời gian mà tồn tại. Tôi cũng đã có đọc cuốn sách nhiếp ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Đình Chữ, nhưng cuốn này đơn giản hơn so với bộ sách của bác. Sách báo và tác phẩm nhiếp ảnh có khả năng lưu truyền và nhờ thế mà các tư tưởng và nghệ thuật của ông hôm qua vẫn còn có thể nghiên cứu và thưởng thức ở hôm nay và ngày mai."


      Với niềm vui nhận thấy trong ánh mắt rạng ngời, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm thân mật nói: "thế thì mời các anh xem thử bộ ảnh này." Bạn ảnh Trần Triệu Cung và tôi được hướng dẫn đi xem từng tác phẩm trong bộ ảnh Bàn Tay Trong Cuộc Sống.


      Tất cả 18 tấm đều là ảnh trắng đen, khổ 10"x12" hay 12"x16", xoay quanh chủ đề Bàn Tay để diễn tả những diễn biến liên tục của con người trong cuộc sống qua từng giai đoạn tuổi tác - sơ sinh, thơ ấu, dậy thì, trung niên và tuổi già. Tác phẩm mở đầu, "Bàn Tay Tìm Sống", là một bàn tay của một em bé sơ sinh đang dò tìm bầu sữa mẹ. Bộ ảnh được kết thúc bằng hai tác phẩm "Thúc Thủ""Bàn Tay Nối Tiếp Bàn Tay".


      Thúc Thủ với bố cục hình chữ i, là tác phẩm mà tác giả cho rằng có thể dùng để kết thúc bộ ảnh vì nội dung của nó là một bà lão, đã mỏi gối chồn chân sau bao nhiêu năm tháng bôn ba với cuộc sống, đang ôm đầu gối ngồi hồi tưởng về dĩ vãng để "tri thiên mệnh" và tự nhủ "sau bao thành bại cuộc đời là đây".


      Tuy nhiên, tác giả cho biết, người Việt Nam mình thích có hậu nên đã chính thức kết thúc bộ ảnh bằng tác phẩm "Bàn Tay Nối Tiếp Bàn Tay". Hai bàn tay non của một em bé thơ ngây, đang tươi cười để lộ hai cái răng chuột, bám víu vào một bàn tay già nua. Người xem chỉ thấy bàn tay già nua với da dẻ nhăn nhúm; còn hình của em bé được thấy trọn vẹn. Ý nghĩa, "tre già măng mọc" và sự nối tiếp giữa hai thế hệ được nói lên ở đây.


      Trong 15 tác phẩm còn lại của bộ ảnh, tôi thích ba tấm "Sách Vở Mở Kiến Thức", "Những Câu Hỏi Vào Đời""Hờn". Trọng điểm của "Sách Vở Mở Kiến Thức" là cái đầu của một cậu bé (ngồi xoay lưng về phía người xem ảnh) đang dùng hai bàn tay để mở rộng một cuốn sách trước mặt và chăm chú đọc. Hậu cảnh là những cuốn sách được sắp xếp sao cho những gáy sách đen nhẹ và xám tạo thành những đường nét phối cảnh hội tụ về cái đầu tóc đen. Người xem có thể hiểu rằng em bé đang cố gắng học hỏi để thu thập những ánh sáng văn hóa và kiến thức đông tây kim cổ từ muôn phương tới.


      Tác phẩm "Những Câu Hỏi Vào Đời" là hình ảnh một thiếu nữ chừng 16 tuổi với khuôn mặt tươi sáng thông minh, tay trái chống cằm và hai mắt nhìn thắng về phía trước. Ngón tay út và cạnh ngoài của bàn tay ôm cong cong theo má và cằm, rồi đến cánh tay trước thẳng đứng đã đã được tác giả sắp xếp theo hình của một dấu hỏi (?) mầu trắng nổi bật trên màu đen của tóc, áo của cô gái và hậu cảnh.


      "Hờn" là tác phẩm nói lên cái tính hay hờn giận dai dẳng của thiếu nhi và sự chịu đựng đầy thương yêu nhẫn nại của cha mẹ ông bà trong việc an ủi vỗ về con cháu.

      Tác giả Nguyễn Cao Đàm đã đoạt huy chương vàng và được mời làm hội viên danh dự của Fotosalon Kortrijk ở Bỉ vào năm 1960 với tác phẩm đặc sắc này; chắc các nhiếp ảnh gia Bỉ cũng đã thông cảm được ý nghĩa của làn khói thẫn thờ nhẹ tỏa từ điếu thuốc lá sắp tàn hết trong tay ông nội mà vẻ mặt của đứa cháu trai vẫn còn nét giận hờn!


      Nhìn chung tôi thấy nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm đã thành công trong việc phối hợp đường nét, ánh sáng với sắc độ được điều chỉnh nhờ kỹ thuật phòng tối trong lúc rọi hình, và chủ điểm để nhấn mạnh và diễn tả chủ đề trong một lối bố cục cổ điển rất vững chắc.

      Vừa lúc đó có nhiều người mới bước vào khu triển lãm. Tôi đoán chừng nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm cần đón tiếp những người mới tới nên xin phép một mình đi xem những tác phẩm khác.


      Tôi vẫn chưa để hết cái nhìn và tâm trí vào một tác phẩm nào khác vì đầu óc tôi vẫn còn vương vấn một cái gì đó từ bộ ảnh kia. Suy nghĩ hồi lâu tôi lại chợt nhớ ra bài thơ "Với Vòng Tay Ấy" của Xuân Diệu, và nhẩm đọc bốn câu mờ đầu:


      Với bàn tay ấy ở trong tay,

      Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày.

      Một tối trăng mờ gieo mộng tưởng,

      Vào lòng gió nhẹ thẩn thơ bay."


      Bấy giờ tôi mới nhận biết rằng bộ ảnh "Bàn Tay Trong Cuộc Sống" với những tên tác phẩm "Bàn Tay Tìm Sống", "Bàn Tay Nối Tiếp Bàn Tay"... đã gợi nhớ bài thơ này. Hai câu thơ:


      "Với bàn tay ấy ở trong tay,

      Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày."


      giới thiệu hai bàn tay yêu thương khắng khít với những nét đam mê hạnh phúc đã khiến thi sĩ quên cả tháng ngày. Dĩ nhiên đây là bàn tay của nàng trong bàn tay của chàng, một bàn tay yếu mềm xinh đẹp trong một bàn tay mạnh mẽ. Hình ảnh của hai bàn tay này nói lên ý nghĩa của sự sống và tình yêu mãnh liệt của con người ở lứa tuổi thanh xuân. Nó rất cận nhân tình (human being) và có thật. Tôi thầm nghĩ sẽ đề nghị nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm thực hiện thêm tác phẩm "Với Bàn Tay Ấy", được gợi hứng từ ý thơ ở trên. Tôi lại nghĩ tiếp. Xuân Diệu là thi sĩ của tình yêu, biệt ly và dang dở (Xuân Diệu vẫn cho rằng "mùi tháng năm đều rướm vị chia phôi") nên đã kết thúc bài thơ này bằng bốn câu:


      "Bóng chiều vùn vụt, bỗng đêm nay,

      Tôi lại đa mang hận tháng ngày.

      Dưới ánh trăng cười, tôi kiếm mãi

      Dấu bàn tay ấy ở trên tay."


      Và để cho tròn con số, tôi cũng sẽ đề nghị nhiếp ảnh gia sáng tác thêm tấm ảnh thứ 20 cho bộ ảnh và đặt tên là "Dấu Bàn Tay Ấy" Đề tài tương đối khó vì làm thế nào chụp được một tấm hình có thể lột tả hết ý thơ:


      "Dưới ánh trăng cười, tôi kiếm mãi

      Dấu bàn tay ấy ở trên tay."


      Đây cũng là một chủ đề đầy hứng thú trong việc tìm đề tài và xây dựng một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật. Đưa thơ văn và âm nhạc vào nhiếp ảnh. Những cảnh tình đẹp đẽ và phong phú trong thơ văn và âm nhạc có thể được thực hiện thành hình ảnh sống động. Chính hai câu thơ Đường thi của Thôi Hiệu "Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu", và hai câu thơ dịch của Tản Đà "Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai", đã là nguồn cảm hứng dạt dào để cho hai tác phẩm nhiếp ảnh "Nhật Mộ""Hương Quan" được thực hiện.


      Tôi tiếp tục đi xem những tác phẩm khác trong khu kế cận. Có tất cả 80 tác phẩm được triển lãm, đa số là ảnh trắng đen với khoảng 10 tấm hình màu. Phòng triển lăm được chia làm ba khu vực liên thông nhau. Khu vực I bên trái với bộ ảnh "bàn tay". Khu vực II bên phải với nhiều ảnh phong cảnh thiên nhiên ở cả ba miền nước Việt. Khu III từ cửa chính đi thẳng vào trong với nhiều ảnh màu hơn và một số ảnh có thể được xem là một loại thủy mặc.


      Lâu lắm tôi mới có dịp xem lại ảnh thủy mặc. Ảnh thủy mặc là loại ảnh đặc thù của nhiếp ảnh Á Châu. Nó cho người xem những cảm giác đơn sơ trầm mặc, lắng đọng thiên nhiên, thanh nhàn lạc đạo... trong sự hòa hợp yên bình giữa con người nhỏ bé và vũ trụ bao la. Đây là các tác phẩm "Về Bến", "Biển Lặng", "Hòn Phụ Tử""Trùng Trùng Điệp Điệp".


      "Về Bến" với năm bẩy chiếc thuyền cỏn con trơ cột buồm, vài chiếc đã đậu và có chiếc trôi lững thững, tạo thành hình chữ C cho bố cục tấm ảnh. Ngư ông thong thả đẩy nhẹ mái chèo, trên một chiếc thuyền ở khoang bụng chữ C, làm cho tấm ảnh có phần hơi động. Đây là điểm đặc biệt tương phản với nhiều ảnh thủy mặc thiên về tĩnh. Mấy cái thuyền trông nhỏ dần (từ gần ra xa) giữa cảnh mây nước bao la cho người xem cảm giác mênh mông của cảnh chiều về.



           Biển Lặng (Ảnh Nguyễn Cao Đàm)

      Tác phẩm "Biển Lặng" trong giống như một bức tranh hội họa với hai chiếc thuyền nan, một lớn ở gần và một nhỏ ở xa, nằm ở phần trên và bên trái của tấm hình. Thuyền lớn đang cắm sào đậu, thuyền nhỏ đang đi tới nhẹ nhàng do một cô gái dùng sào đẩy một cách khoan thai. Mặt nước bị khua động gợn lên những làn sóng chao mờ, nhẹ xóa những vệt đen phản chiếu. Tác giả Nguyễn Cao Đàm cho rằng những làn sóng chao mờ này đã được "vẽ bằng ống kính máy chụp hình!"


      Nhờ khéo chọn tiền cảnh mà tác phẩm "Hòn Phụ Tử" ở Hà Tiên trông có chiều sâu nhiều hơn và phảng phất phần nào cảnh núi non trùng điệp của vịnh Hạ Long.

      "Trùng Trùng Điệp Điệp" là ảnh màu. Tôi cho rằng tấm này gần gũi với ảnh thủy mặc của Tầu nhiều nhất vì có sương khói bao phủ mặt nước lặng lờ, có năm ba hòn núi thấp u tịch hoang vu, và một người trên con thuyền nhỏ đơn độc đang đi vào cảnh bao la của thiên nhiên.


      Tôi nói với nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm rằng: "Từ trước đến nay tuy là tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm xem ảnh thủy mặc, nhưng thật ra tôi chưa hề biết một định nghĩa đầy đủ hoặc các tiêu chuẩn õ ràng để xác định một tấm hình là ảnh thủy mặc hay không phải là ảnh thủy mặc." Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm cho rằng: "Cơ bản của ảnh thủy mặc là nhẹ nhàng. Vì muốn được những nét nhẹ nhàng mà ảnh thủy mặc cần những ngoại cảnh mơ hồ ẩn hiện, thực thực hư hư. Va từ đó chứng minh có thể rút ra những nguyên tắc thực dụng để chụp ảnh thủy mặc: sáng sớm chưa có mặt trời, những ngày âm u mây phủ, mưa hoặc cảnh thu ảm đạm. Cây cỏ và sinh vật đưa vào ảnh phải có dáng vẻ nhẹ nhàng và trọn vẹn trong khuôn khổ tấm hình (chứ đừng cắt xén tạo nét cứng, mạnh)".


      Tôi nhớ đến những bức ảnh thủy mặc của nhiếp ảnh gia Đôn Hồng Oai mà tôi đã thưởng thức trong dịp ghé thăm anh Oai tại San Francisco vào năm 1990. Nhiếp ảnh gia Trung Hoa Chính Hán Seng, năm nay đã 102 tuổi, được xem như là ông tổ của ảnh thủy mặc đen trắng.


      Nhiếp ảnh gia Việt Nam Đôn Hồng Oai, ngoài tài năng thượng thừa và độc đáo về ảnh thủy mặc đen trắng, đã khai sáng loại ảnh thủy mặc mầu từ vài năm nay, sau chừng 10 năm mò mẫm! Thủy mặc là một trường phái nhiếp ảnh thật đặc biệt mà Ansel Adams đã khuyên Đôn Hồng Oai nên tiếp tục theo đuổi vì "chúng tôi không có loại ảnh này." Adams xứng đáng được tôn là bậc thầy trong nhiếp ảnh, có nhận xét tinh tường và tấm lòng rộng lượng.


      Tôi dừng lại rất lâu với tác phẩm "Tung Cánh" vì được biết đây là tấm hình mà hội ảnh Hòa Lan đã cho in vào cuốn tổng mục trong kỳ thi ảnh quốc tế năm 1953 và cũng là thành tích đầu tiên của tác giả tại hải ngoại. Một con cò trắng đang tung cánh bay vào khoảng trời trắng bao la, bỏ lại phía sau một cành cây đen, khẳng khiu trơ trọi. Đây là một tấm hình "high key" (màu sáng chế ngự toàn bộ tấm hình, màu tối rất ít nhưng không thể không có). Cảm tưởng đầu tiên của tôi là nhớ tới câu hát "tung cánh chim tìm về tổ ấm" của nhạc sĩ Hoàng Giác. Chân cò là phần tĩnh, màu đen. Cánh cò động, màu trắng và bị chao mờ ở đuôi cánh. Phần cánh gần trong thân cò có màu đen nhẹ hoặc xám. Người xem có thể nhận biết được nét sinh động của cò bay và biết được những chỗ động hoặc tĩnh nhiều ít từng mức độ trên cánh cò! Càng nhìn càng thích tấm hình này. Đúng là "tung cánh". Tôi nhẩm đọc hai câu thơ:


      "Vàng tung cánh hạc bay bay mãi, Trắng một mầu mây vạn vạn đời."


      mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã dịch hai câu thơ của Thôi Hiệu:


      "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

      Bạch vân thiên tái không du du."


      Cành cây đắc địa trong tấm hình này có lẽ đã được khéo léo đưa vào nhờ kỹ thuật ghép hình. Kỹ thuật và nghệ thuật ghép hình (từ hai hoặc nhiều âm bản trong phòng tối) cũng đã được nhiếp ảnh gia Đôn Hồng Oai khai thác triệt để và nâng lên tới mức độ siêu đẳng. Không dễ gì chụp được tấm hình này bằng cách sắp đặt tính toán trước. Tôi nghĩ đây là một ví dụ điển hình cho yếu tố tình cờ và may mắn trong nhiếp ảnh.


      Kỹ thuật phim dương bản được áp dụng trong tác phẩm "Vườn Cau Đêm Trăng" Máy chụp hình đã không có khả năng kỹ thuật để chụp được cảnh một đêm trăng (vì ánh trăng quá yếu) nên tác giả đã dùng kỹ thuật phim dương bản một cách đầy sáng tạo. Âm bản được chuyển sang dương bản và hình được rọi in từ tấm dương bản này để có sắc độ trắng đen đảo ngược. Những cây cau trong vườn thẳng đứng song song với ngọn lá tỏa trắng như phản chiếu ánh trăng. Nhìn kỹ thấy một cậu bé đang trèo lên hái cau. Tác giả Nguyễn Cao Đàm cho rằng "phải có người mới được".


      Tác phẩm "Tình Mẫu Tử" đã mang về cho tác giả nhiều huy chương, trong đó có huy chương vàng Kortrijk ở Bỉ vào năm 1958. Một em bé đang no đầy hạnh phúc trong giấc ngủ say trong khi bà mẹ đang ngồi khâu áo cho con phía sau màn dưới ánh đèn dầu mờ tỏ.


      "Hang Bồ Nông" là hình màu khổ lớn và có lẽ đẹp nhất trong các tấm ảnh màu. Tiền cảnh đen đã giúp cho bức hình này có chiều sâu hơn, làm cho cánh buồm nâu như càng chìm sâu vào cảnh nước non xanh thẳm.


      "Cồn Cát Mũi Né" với hình ảnh một người đàn bà địa phương, đầu đội nón lá, đang gánh hai cái thúng đi xéo vào tấm hình, về phía cồn cát cao trước mặt, để lại những vết chân trên sóng cát. Nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã đoạt huy chương nhiếp ảnh quốc tế với những hình đồi cát Mũi Né này. "Đó là nhờ phép lạ của Thần Phong", nhiếp ảnh gia Ngô Đình Gương đã nói.


      "Tháp Chàm Phan Rang" nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, dưới nền trời mây đen u ám, như muốn nói lên nổi phẫn hận Đồ Bàn. Cuộc Nam tiến lịch sử của tiền nhân đã không dễ dàng, và đã trải qua những nhì nhằng lúc được lúc thua. Và phải chăng hai câu thơ:


      "Chiều chiều ra đứng Hải Vân,

      Chim kêu ghềnh đá gẫm thân em buồn!"


      là tâm sự não lòng của công chúa Huyền Trân?


      Tôi đã ở trong phòng triển lãm ba tiếng đồng hồ để xem hết 80 tác phẩm. Đã tới giờ đóng cửa phòng triển lãm, tôi phải ra về. Gần cửa ra vào, tôi đã dừng lại vài phút nữa trước tác phẩm "Ánh Sáng và Bóng Tối" vì đây là hình bìa cuốn sách "Bước Đầu Chụp Ảnh" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm. Một đứa bé bồng em đang đi giữa những vành sáng và bóng đổ cong tròn, tạo nên do những đoạn ống cống lệch tâm chưa được ráp lại. Tấm ảnh khiến người xem liên tưởng đến màng trập (diaphragm) đang mở của một ống kính máy hình. Nhìn chung thì giản dị, chủ đề chọn lựa. và bố cục vững chãi là những yếu tố cơ bản tìm thấy trong các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm. Tôi hẹn với chính mình sẽ trở lại đây một lần nữa trước khi cuộc triển lăm chấm dứt.


      Về tới nhà tôi đã gọi điện thoại cho anh Ngô Thanh Tùng để nói về cuộc triển lãm này. Sau khi được biết ảnh triển lãm đa số là trắng đen, anh Tùng hỏi tôi: "so sánh với ảnh của Adams thì sao?" Tôi ấp úng ngập ngừng. Câu hỏi đơn giản nhưng câu trả lời thật khó. Ansel Adams sống ở vùng Carmel giầu có và thơ mộng, có đầy đủ phương tiện chuyên môn và điều kiện thuận lợi để thực hiện những dự án nhiếp ảnh lớn. Chẳng hạn như bộ ảnh "Fiat Lux" gồm 605 tấm hình được chọn lọc rất kỹ từ 6000 âm bản mà Adams đã chụp hệ thống Đại học University of California trong suốt nhiều năm liên tục trong thập niên 1960.


      Nguyễn Cao Đàm mới từ Việt Nam sang định cư ở Úc được hai năm nay thôi, đã chịu khó dựng lại phòng tối và tự tay rọi in những tác phẩm từ các âm bản mang theo được để có những cuộc triển lãm như hôm nay. Đây quả là một cố gắng lớn lao và một tâm tình gắn bó với nhiếp ảnh. Tuy nhiên muốn có một nhận định chính xác và chuyên môn thì người ta cần phải nghiên cứu kỹ càng hơn.


      Tôi biết anh Tùng cũng thích nhiếp ảnh và cả thơ văn, nên tôi đã trả lời một cách văn nghệ:


      "Việt Nam mình có hai tác phẩm văn chương lớn: Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Du chú trọng giá trị văn chương nên đã trau chuốt từng chữ từng câu cho Truyện Kiều trở thành một áng thơ tuyệt tác. Nguyễn Đình Chiểu đặt nặng giá trị luân lý và đạo hạnh, lời thơ Lục Vân Tiên đơn giản chân tình, dễ đi sâu và thấm được vào lòng đại chúng. Trong các tác phẩm nhiếp ảnh đen trắng của Adams, lý thuyết Zone System đã được áp dụng một cách mô phạm và nghiêm túc; sắc độ biến thiên từ đen, đen nhẹ, xám đậm, xám, xám nhẹ... đến trắng đục và trắng một cách điều hòa liên tục. Mỗi tác phẩm của Adams đều đã được thử thách và gạn lọc bởi những tiêu chuẩn khắt khe của tác giả nên có một giá trị kỹ thuật chắc chắn, làm nền tảng cho vẻ đẹp nghệ thuật "xuất chúng" của nó. Trong cuốn sách "Nhiếp Ảnh Trắng Đen Cao Cấp" (Advanced Black-and-White Photography), giáo sư Owen Butler đã viết: "Ansel Adams được người đồng thời tôn làm bậc thầy về kỹ thuật trong nhiếp ảnh. Vỉ những kỹ thuật từ lý thuyết và thực nghiệm mà người ta dễ dàng quên rằng Adams đã không bao giờ mỏi mệt trong việc tìm kiếm những đề tài và phong cảnh đầy hứa hẹn, và rồi chờ đợi để có những điều kiện (ánh sáng,...) thích hợp nhất mà chụp những hình ảnh này. Sau đó trong lúc rọi in, tác dụng chấn động và khả năng gây cảm xúc mạnh mẽ của tấm hình là những đòi hỏi cần thiết cho các tác phẩm xuất chúng của ông ta."


      Nguyễn Cao Đàm chú trọng nhiều đến nghệ thuật, nhân bản và dân tộc tính. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của Nguyễn Cao Đàm có giá trị nghệ thuật rất cao và đặc sắc, đã giúp chúng ta có dịp nhìn lại một số hình ảnh của đất nước thân yêu và những cảnh sinh hoạt của đồng bào mình nơi quê hương nghèo khó mà chan chứa tình người".


      Đời người ngắn ngủi nhưng trái đất vẫn tròn để thân nhân và bằng hữu có ngày tái ngộ sau bao nhiêu năm xa cách ngàn trùng. Nghệ thuật lâu dài nên cần được chuyển tiếp cho các thế hệ tương lai. Cuộc triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm đã mang đến một sinh khí mới mẻ trong lành cho sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt tại miền Nam California này.


      Riêng tôi, tôi xin gửi đến nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm lòng biết ơn chân thành đối với bộ sách "Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật" mà tôi đã nhiều lần đọc, những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc mà tôi vừa được thưởng thức hôm nay, và những chân tình đáng quý trong buổi sơ kiến sơ giao.


      Bài này được viết ra do lòng quí mến và biết ơn ấy, với ước mong được như tinh thần của hai câu thơ sau đây mà thi sĩ Đông Hồ đã viết:

      "Kinh cổ cách đôi bờ thế hệ,

      Cảm thông cùng bắc nhịp giao liên."


      (Anaheim ngày 25-2-1992)

      Đông Nguyên

      (Ngày Nay Minnesota số 68, 15.4.1992)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Lại Hữu Đức Trong Nhiếp Ảnh, Hội Họa và Điêu Khắc Đông Nguyên Nhận định

      - Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm Đông Nguyên Khảo luận

    3. Link (Nhiếp Ảnh) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tiểu sử Lê Văn Miến (Lê Huy Miến) (Ngô Kim Khôi)

      Những Kỷ Niệm Nơi Phòng Tranh Trương Vũ (Trần Thị Nguyệt Mai)

      Tranh Con Giống Của Nguyễn Tư Nghiêm (Thái Bá Vân)

      Họa Sĩ Trần Văn Thọ (Viet Art View)

      Tranh Lê Văn Xương lên sàn Bonhams (Lý Đợi)

      Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tranh, tiếng nói cuối cùng (Lê Chiều Giang)

      Nụ Cười Của Nàng Joconde (Liễu Trương)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)