|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Ảnh nghệ thuật của Lê Văn Khoa và cuộc triển lãm ảnh trong tháng Hai
Lê Văn Khoa bên máy ảnh
(Thiên Sơn chụp năm 2015)
Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm âm nhạc, Giáo sư Lê Văn Khoa còn được biết đến là một nhiếp ảnh gia tài ba. Khi mới đôi mươi, thế giới nhiếp ảnh đã khiến ông mê say và ông đã tự học qua sách vở nước ngoài về nhiếp ảnh. Năm 1968, ông đồng sáng lập Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (HANTVN) và giúp hội xuất bản ba quyển sách. Cá nhân Lê Văn Khoa và các thành viên trong hội đã chiếm nhiều giải thưởng, huy chương cao quý qua các cuộc thi ảnh quốc tế, giúp HANTVN là một trong 10 hội đứng hàng đầu trên thế giới trong cuộc thi Nhiếp Ảnh Quốc Tế Al Thani và được huy chương vàng trong thể loại "Hội Ảnh Tốt Nhất" ở cuộc thi Trierenberg Super Circuit tại Áo Quốc.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao giải thưởng cho Lê Văn Khoa năm 1970.
(Hình cung cấp)
Năm 1970, trong buổi lễ trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, ông đã vinh dự nhận từ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu cùng lúc hai giải thưởng Âm Nhạc và Nhiếp Ảnh. Lê Văn Khoa còn là người Việt Nam đầu tiên có ảnh được trưng bày tại Quốc Hội Hoa Kỳ và đã từng là giáo sư môn nhiếp ảnh tại Đại Học Salisbury State College, Maryland, năm 1976-1977. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất cùng với các họa sĩ Henry Coe, George Founds, James Plum và W. Robert Tolley được Baltimore Museum of Arts (Maryland) tuyển chọn để tài trợ một cuộc triển lãm lưu động lấy tên là “Five From The Eastern Shore” kéo dài từ 1977 đến 1979.
Thông qua chiếc máy ảnh, Giáo sư Lê Văn Khoa đã khiến người xem phải liên tưởng tới nhiều điều qua từng bức ảnh. Thế giới qua ống kính của ông muôn hình muôn vẻ: khi lung linh, huyền ảo, lúc chi tiết, chân thật, khi đầy màu sắc, sống động, lúc thuần trắng đen, tinh khiết, với nội dung, ánh sáng, bố cục, khoảnh khắc bấm máy đắt giá, chân phương, dung dị và giàu chất thơ.
Lê Văn Khoa với máy ảnh
(Lập Minh chụp tháng 10, 2001)
Nhờ vào sự háo hức của một người thích khám phá, sáng tạo những điều mới, lạ, sự chân thành và tinh tế của một trái tim giàu trải nghiệm, cách nhìn của Lê Văn Khoa qua các bức ảnh được ông thực hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Qua mỗi tấm ảnh, người xem sẽ “thấy” một thế giới mới mẻ, hoàn toàn khác biệt. Những chi tiết, mảng màu, ánh sáng, những khoảnh khắc khó có thể ngờ đều được đọng lại trong ống kính nhiếp ảnh, đã giúp ông bày tỏ được nhiều điều bên trong tâm hồn ông cũng như bên ngoài từng khuôn hình.
Sắp tới đây, những người yêu nhiếp ảnh sẽ có cơ hội được thưởng thức những tấm ảnh nghệ thuật của Giáo sư Lê Văn Khoa qua cuộc triển lãm tại Houston, được bắt đầu vào lúc 6:20 chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng Hai, 2017, tại phòng triển lãm Palette Arts Gallery, số 10925 Beechnut St. Houston, TX 77072, suite A 101-102.
Triển lãm sẽ mở cửa mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thời gian triển lãm kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy 18 tháng Hai đến Chủ Nhật 26 tháng Hai.
Cơ duyên có cuộc triển lãm
Giáo sư Lê Văn Khoa tâm sự, “Đã lâu lắm rồi, tôi chưa thực hiện cuộc triển lãm nào. Vì muốn làm cuộc triển lãm rất mắc tiền, cá nhân tôi không làm nỗi. Người đề xướng cho cuộc triển lãm này là ông bà Nguyễn Thạch Bình - Nga Dung và thân hữu cùng chi hội ảnh tại Houston của Hội ANTVN (do ông Khoa làm chủ tịch). Triển lãm lần này rất đặc biệt, phòng triển lãm dù rộng, đẹp, sáng, nhưng chỉ có thể nhận tối đa 40 ảnh của tôi thôi. Thường thì người ta triển lãm trên 100 tấm ảnh tại gallery này, nhưng tôi chỉ triển lãm khoảng 40 ảnh, vì khổ ảnh triển lãm của tôi lớn (30 x 40 inn).
“Những người bảo trợ đã góp với nhau để giúp tôi thực hiện rửa ảnh to, làm khung ảnh, ông Thạch Bình là chủ nhân của Palette Arts Gallery thì bảo trợ gallery suốt 9 ngày diễn ra triển lãm. Tôi rất biết ơn những anh em giúp tôi thực hiện triển lãm, trong đó có người tôi biết, cũng có người tôi chưa biết, nhưng họ quý tôi, họ theo dõi công việc làm của tôi. Tôi hy vọng sau triển lãm tại Houston, sẽ làm được cuộc triển lãm ở những nơi khác nữa trong tương lai.”
Giáo sư Lê Văn Khoa nói triển lãm lần này, ông chỉ muốn chia sẻ với những người yêu nhiếp ảnh “về khía cạnh nhiếp ảnh mà tôi biết và bà con cũng biết. Cuộc triển lãm này tôi không nhắm vào mục đích thương mại. Vì nếu nhắm vào mục đích thương mại thì phải làm sao tạo ảnh hợp với đại chúng. Tôi sẽ triển lãm những loại ảnh khác nhau của tôi để thấy sự phong phú và đa dạng của nhiếp ảnh như thế nào theo thời gian, trước 1975 và sau 1975, và những ảnh thực hiện kỹ thuật mới trong loạt hình “Do you see what I see.”
Do you see what I see
Là loạt ảnh theo lối trừu tượng, đã được Giáo sư Lê Văn Khoa chụp từ những thân cây bị tróc vỏ. Ông đã loại bỏ những phần dư thừa của thân cây để tạo nên những hình dáng độc đáo qua mắt nhìn giàu tưởng tượng của ông, kết hợp với kỹ thuật nhiếp ảnh để làm nổi bật chủ đề chính của bức hình mà ông muốn người xem nhìn thấy chúng như ông đã thấy.
Nói về bộ ảnh “Do you see what I see?”, Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết,
“Tôi từng nói với chính mình, nếu tôi sống qua thế kỷ 21 thì phải làm một cái gì mới cho loạt ảnh này. Ý mới tôi đã có từ hồi bên Việt Nam. Hồi đó báo Thế Giới Tự Do của Sài Gòn có chụp tôi ngồi chụp hình gốc cây. Nhưng kỹ thuật hồi đó chưa hiện đại, tôi chưa làm ra được ảnh như tôi ưng ý. Giờ sống qua thế kỷ 21 rồi, tôi phải khai phá những ý mới và đã bắt đầu thực hiện bộ ảnh này từ năm 2003. Triển lãm lần này khi tôi đưa một số ảnh trong bộ ảnh Do you see what I see? với hy vọng bà con thấy thì sẽ gợi ý cho bà con khai thác nhiều hơn vào loại ảnh trừu tượng.
“Riêng về loại ảnh trừu tượng thì gần đây, tờ báo của Hội Nhiếp Ảnh Hoa Kỳ có 2 số báo đề cập đến ảnh trừu tượng, nhưng mà họ chưa đi tới mức mà tôi thực hiện đâu. Họ chỉ ghi nhận bước đầu thôi, chứ chưa đi sâu như tôi đã thực hiện. Qua bộ ảnh, tôi muốn gợi ý để những người yêu nhiếp ảnh đi rộng hơn, đi sâu hơn vào tương lai, chứ còn chụp ảnh thường thì đã có cả 100 năm trước rồi.”
Giáo sư Lê Văn Khoa chia sẻ thêm, “Tôi nghĩ tốt hơn hết để cho người xem tự khám phá ảnh của tôi khi xem, rồi trong buổi triển lãm, tôi cũng sẽ bật mí. Tôi sẽ có một buổi nói chuyện về vấn đề nhiếp ảnh ngay tại gallery vào chiều thứ Bảy, ngày 18 tháng Hai. Tôi dự định sẽ chiếu một số hình ảnh nguyên thủy của các bức ảnh khi chưa có sự can thiệp kỹ thuật, rồi khai triển để ra bức ảnh triển lãm, như thế thì mới giúp người xem hiểu được thế giới nhiếp ảnh phong phú ra sao.”
Tâm tình về nghệ thuật nhiếp ảnh
Viễn Đông: Hướng máy ảnh của mình ra ngoài thế giới đang tồn tại hay hướng nó vào trong tâm hồn mình? Tôi đang chụp hình ảnh những hiện thực đang tồn tại hay tạo ra thế giới riêng của mình, rất thực nhưng không tồn tại? Điều nào dẫn dắt Giáo sư khi thực hiện một bức ảnh?
Gíao sư Lê Văn Khoa, “Cả hai câu hỏi trên đều tồn tại mỗi khi tôi thực hiện một bức ảnh. Khi đi chụp hình, nhìn thấy những điều gây cho tôi sự xúc động, tôi chụp lại. Chứ tôi không cố tạo ra sự xúc động nào đó để chụp tấm hình. Thành ra người ta hay nói đến cảm hứng. Có người hỏi hứng là cái gì? Có người nói phải đổ mồ hôi để mà tạo ra một tác phẩm bất cứ nó là tác phẩm gì, chứ không phải có hứng là ra tác phẩm.
“Khi mà mình bắt được hình ảnh nào đó mà giữ lại được thì cái đó rất quý, và trong chụp hình, tôi nghĩ chụp hình con người là cái khó hơn hết. Con người thì mình thấy mỗi ngày, xung quanh mình lúc nào cũng có người, nhưng mà chụp được con người thì rất khó. Có một nhiếp ảnh gia nói rằng con người ai cũng có những khoảnh khắc nào đó mà nó để lộ được bản chất của con người, và nó chỉ thoáng qua thôi. Mình làm sao bắt đúng được lúc đó thì mình bắt được cái tinh túy của con người đó. Cái đó không dễ.
“Mình hay thấy hình bán thân của con người, mình thường gọi đó là ảnh chân dung. Nhưng mà chân dung là cái gì? Chân dung không phải là ảnh bán thân, nó là cái gì rất thật của con người đó. Tôi nhớ một tác giả Mỹ trong tờ báo nhiếp ảnh tôi đọc được từ thập niên 1950, ông ta nói đi vào phòng triển lãm thấy treo đầy tường những đầu người treo lủng lẳng (ý ông nói là ảnh chân dung), có một cô gái la lớn trước tấm hình một bà cụ, cô nói hình này đâu phải bà của tôi. Bà của tôi là con người khó khăn, cay nghiệt, quạu quọ. Còn hình này bà cười tươi quá đâu phải bà của tôi. Vậy hình đó có phải là chân dung không?
“Vào năm 1974, tôi định thực hiện cuộc triển lãm chân dung văn nghệ sĩ miền Nam. Tôi chụp hình được vài người, trong đó tôi có chụp hình ông Mai Thảo. Lần đó tôi với ông ngồi uống nước ở xe bán nước đá nhận dưới khu nhà của ông. Hai anh em ngồi nói chuyện qua lại, tôi để máy và bấm mà ông không biết là tôi đã chụp. Sau 1975, ông qua đây có gặp tôi, nói tiếc hoài vì đã không mang được tấm hình đó theo, vì tấm hình đó rất sống động. Các văn nghệ sĩ miền Bắc vào, ghé thăm ông, thấy tấm hình đó cho biết tôi đã chụp ra đúng chất của Mai Thảo.
“Vậy thì không phải chỉ có chụp mặt mũi đầy đủ, cười tươi là chân dung, làm sao mình bắt được cái thần của con người đó thì mới đúng là ảnh chân dung. Tôi lập ra câu nói để mình nhớ viết văn phải có ý. Thơ thì phải có khí. Ảnh chân dung thì phải có thần. Không có cái đó thì nó có hình người chứ chưa phải là ảnh chân dung.”
VĐ: Giáo sư mất bao lâu để thực hiện những tấm ảnh và những khó khăn nào đã gặp phải khi thực hiện bộ ảnh của mình?
Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết, “Nhiều người nghĩ là chụp hình dễ, cứ chụp là có ảnh. Nhưng đối với tôi khác. Cái đó là cái gì, mình chụp để làm gì, mình chụp nó, rồi sẽ áp dụng kỹ thuật gì để nói lên được điều gì mình muốn nói. Đó là điều tôi nghĩ nó là phần quan trọng, chứ không phải phần chụp hình. Còn chụp hình thì phải biết kỹ thuật chụp hình, kỹ thuật dùng ánh sáng, kỹ thuật dùng máy. Người ta hay gọi những cái đó là nghệ thuật. Tôi cho những cái đó chỉ là kỹ thuật. Nghệ thuật là ở chổ nó diễn tả nội tâm. Khi nói nghệ thuật thì không thể nói dễ dàng được, phải mất nhiều công phu.
“Nói đơn giản chỉ với một bức thư thường, khi viết mình cũng phải bôi tới bôi lui, thay chữ này chữ nọ cho rõ nghĩa hơn chút. Thì tác phẩm nghệ thuật còn cẩn thận hơn biết chừng nào. Cho nên có người cứ nghĩ chụp xong tấm hình về rửa ra là có tác phẩm tổ chức triển lãm. Vâng có thể được theo ý mình muốn thôi, nhưng trên tiêu chuẩn nào đó thì chưa đạt được.
“Khi chụp ảnh xong, giai đoạn về làm ra ảnh cũng tùy. Hồi xưa, làm phim giấy thường và chỉ có trắng đen phần lớn. Tới năm 1972- 73-74 mới bắt đầu có hình màu chút đỉnh, thường phải gửi đi qua HongKong hay nước khác để làm, sau đó thì tại Sài Gòn có một vài chổ làm ảnh nhưng chưa cao. Lúc bấy giờ, tôi chú trọng nhiều vào ảnh đen trắng, nó khó ở chổ chỉ có đen trắng, nhưng giữa đen và trắng có cả ngàn đợt đen, trắng đậm, lợt khác nhau, mình phải dùng nó như thế nào, diễn tả tâm trạng như thế nào. Chứ không phải hình nào ra cũng giống nhau hết.
Ông Già Ở Laguna
(Lê Văn Khoa)
“Đòi hỏi mình mỗi một tác phẩm ngày trước khi làm cũng nhiêu khê lắm. Ban đầu mới chơi ảnh, tôi đâu có máy ảnh, phải mượn máy ảnh của người khác, mua phim về làm, tráng phim. Mình đâu có phòng tối, mình mua thuốc về, rồi lấy cái mền trùm cái bàn, ngồi trong đó tráng phim, nóng toát mồ hôi, gian nan lắm. Khi mà độ nóng tăng, thì cái nhạy ứng của thuốc với giấy sẽ khác. Mình tính theo lối thường thì lúc đó bị hư hết. Rắc rối, tốn kém. Cứ vậy mà cố gắng thôi.
“Tôi không có dịp đi chụp hình xa, hồi trước 1975, ngày thường thì làm việc như mọi người, cuối tuần thì phải tập nhạc với ban hợp xướng Trùng Dương, tập nhạc với ban hợp xướng Cơ Đốc, rồi còn chương trình truyền hình, thành ra không có đi đâu chụp hình được. Anh em chụp hình đi xa chụp, họ rủ đi, rủ riết tôi không đi được, họ thôi không rủ nữa.
“Mình đi chụp hình xa không được thì mình chụp hình gần, chụp những người xung quanh mình, con nít trong nhà, con nít hàng xóm... ngoài ra tôi còn nghiên cứu kỹ thuật làm hình khác nhau để mà đi qua loại chớp sáng, tráng phim, tráng hình lên nửa chừng, chớp sáng cái rồi tắt, cho nó hiện hình tiếp. Thì hình thường không còn là hình thường nữa, nó phản ứng ngược lại, chỗ trắng trở thành đen, chỗ đen trở thành xám, rồi nó ra màu lạ lắm, hồi trước giờ gọi là màu hạt dưa.
“Vì tôi ở nhà, có được giờ phút nào làm hình thì làm cái đó. Có lúc, đi làm việc, tan sở rồi về, rúc vô làm hình cho đến sáng hôm sau, chỉ một hình thôi mà nó không ra. Cứ bị trật hoài. Lúc trật cái này, lúc hư cái kia. Chỉ vì thiếu phương tiện, thiếu phòng tối, thiếu phòng lạnh… Làm cả đêm không xong, đến sáng phải đi làm. Chiều tối về làm nữa, làm riết đến 3, 4 giờ sáng, cuối cùng cũng thành công, giải quyết được rồi, mới khoan khoái để mà đi ngủ vài tiếng để đến sáng đi làm. Hai ngày chỉ được một tấm hình, thử hỏi một bức hình vậy bán bao nhiêu tiền, thành ra tôi đâu có bán.
Hòa Bình và Chiến Tranh
(Lê Văn Khoa)
“Từ đó tôi mới khai phá ra lối làm hình đặc biệt qua những lỗi lầm, mình bị trật chỗ đó, nó được biến thể, coi rất hấp dẫn, tôi để đó để áp dụng cho lần khác.
“Kỹ thuật phân sắc độ hay chớp sáng, hồi trước ở Việt Nam, có 3 người làm, có ông Nguyễn Bá Mậu ở trên Đà Lạt, và có nhiếp ảnh gia lão thành Phạm Văn Mùi, nhưng ông chỉ làm đến step nào thôi chứ không đi xa quá, và tôi. Tuy không ở gần nhau, nhưng cùng lúc làm những kỹ thuật tương đương với nhau, nên có sự tương kính.
“Khi rời Việt Nam tháng Tư năm 1975, tiếc là tôi không đem tác phẩm theo được, bởi vì mình phải chạy trốn chứ không phải đi du lịch, tôi phải bỏ lại nhiều lắm. Những hình ảnh đó phần nào nói lên nội tâm của tôi nghĩ về vấn đề đó.
Bồ Câu và Lính Chiến
(Lê Văn Khoa, chụp năm 1968)
“Chẳng hạn như có những ảnh liên hệ với chiến tranh, nhưng không phải cảnh chém giết. Tôi có bức ảnh lấy tên là Hòa Bình và Chiến Tranh. Tôi chụp con bồ câu đang ngơ ngác, xung quanh nó là xích sắt xe tăng ở trong một bãi rác ở xa lộ Biên Hòa. Hòa bình đó nhưng bị bao bọc bởi chiến tranh, nó chỉ ngơ ngác thôi chẳng giải quyết gì được, giống với hoàn cảnh đất nước mình. Hay với bức hình con bồ câu cứ đeo lấy ông lính đôi tay đầy thuốc súng mà không chịu đi, vì nó sắp chết, qua bức ảnh tôi đặt tên là Bồ Câu và Lính Chiến (chụp năm 1968).
“Tôi có tạo một tấm hình nói lên thân phận những người làm đồn điền, cạo mủ cao su. Tôi lên vườn cao su ở Biên Hòa chụp hình. Khi về tôi dùng kỹ thuật phòng tối chớp sáng, rồi dùng chất tẩy, tôi tẩy làm cho mủ cao su chảy đứt đoạn rơi xuống tô đựng mủ, tôi đặt tên là rỉ máu. Thân cây phải rỉ máu ra để mà nuôi người khác. Muốn nói đến hoàn cảnh của người dân mình.”
VĐ: Giáo sư đã chụp ảnh từ khi còn trẻ, đã làm việc với những kỹ thuật truyền thống, bây giờ với kỹ thuật mới, chúng có những ưu hoặc khuyết điểm gì?
Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết, “Theo tôi kỹ thuật mới bây giờ gọi là Photoshop, nó có nhiều ưu điểm hơn ngày xưa, nhưng có những người cực lực đả phá cách dùng Photoshop, họ cho là không có nghệ thuật. Đối với tôi Photoshop là phương tiện như phòng tối, nhưng mà lợi hơn vì mình làm được ngoài sáng.
Trong phòng tối mình chỉ làm trong ánh đèn chớp trong nháy mắt, bây giờ với ảnh kỹ thuật số, nếu cần mình để đó mấy năm, kéo ra làm lại vẫn được, thì nó lợi hơn chứ.
“Nhưng tùy người. Có người thích cái này, có người thích cái kia, thành ra mình không dám đụng chạm đến ý thức cá nhân, họ cũng có cái lý của họ, tôi thấy Photoshop giúp cho người chụp ảnh, với điều kiện mình đừng có ỷ lại vào Photoshop mà quên đi căn bản của kỹ thuật chụp hình, vì có người nói chụp xong, về tăng ánh sáng lên, giảm ánh sáng, hay có thừa chỗ này thì xóa đi, thành ra họ bất cẩn trong vấn đề chụp hình. Mình chỉ nên dùng Photoshop như phương tiện để tăng ảnh hưởng hay ý nghĩa của bức ảnh, hơn là cái điểm để mà mình có được tấm hình.
VĐ: Khi chụp ảnh, người chụp phải để ý những gì?
Giáo sư Lê Văn Khoa: Điều đầu tiên là mình phải biết chụp hình cái đã, chụp hình không phải chỉ biết bấm máy, mà còn phải biết ánh sáng, góc độ của ánh sáng, biết bố cục, biết tiền cảnh, bối cảnh… Mình phải quen cái đó để khi mình cầm máy đưa lên bấm, mình gạn lọc được rất nhiều sơ hở, vì nhiều sơ hở quá, về sau mình khó tạo được tác phẩm tốt được.
Khi thấy hình, mình bắt đầu nghĩ mình dùng nó được cho cái gì, nói lên tâm trạng gì, diễn tả được điểm nào, rồi chụp. Nghĩa là khi mình chụp ảnh, mình phải nghĩ nó sẽ như thế nào, chứ không phải chụp rồi chẳng biết ý tưởng gì, phóng hình ra cũng không biết như thế nào, thì chưa thể đi sâu vào nghệ thuật được.
Riêng với tôi, ngoài việc ghi nhận, thì tôi muốn dùng nhiếp ảnh để nói lên nội tâm của mình. Vì nhiếp ảnh cũng có nhiều chi lắm. Chi hiện thực, có sao ghi vậy, nhất là làm về thông tin báo chí, có sao phải ghi rõ như vậy. Tôi nhớ có một nhiếp ảnh gia của một tờ báo Mỹ, tôi nghĩ có thể tên tuổi ông ta bị tiêu luôn, vì cớ khi ông chụp hình trong chiến trận Iraq, khi thả bom, khói bung lên, ông đã dùng kỹ thuật photoshop tăng khói đó nhiều hơn, coi nó dữ dội hơn. Như vậy đâu còn là trung thực nữa.
Còn nếu làm ảnh nghệ thuật, có những cuộc thi ảnh họ không cần biết mình làm bằng cách nào, miễn ảnh nguyên thủy đầu tiên là hình chụp, sau đó mình muốn dùng kỹ thuật gì, muốn chế hay pha thêm cái gì đó thì tùy mình. Cái đó cũng là cái hay, để người ta phải suy nghĩ, sáng tạo. Tôi nghĩ kỹ thuật mới là nó giúp cho mình, nếu mình áp dụng cho đúng. Nó giúp mình để mình có thể đi xa hơn là lề lối cũ.
VĐ: Điều gì quan trọng nhất giúp cho tác phẩm ảnh có sức sống bền lâu với thời gian? Yếu tố nào quyết định giá trị của tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh? Yếu tố nào tạo nên một tấm ảnh đẹp?
LVK: Khi người ta muốn tác phẩm của mình còn tồn tại với thời gian, thì trước hết phải là tác phẩm nghệ thuật cái đã. Muốn nó là tác phẩm nghệ thuật thì không đơn giản, không phải cứ chụp hình là có. Chụp hình rồi, về còn phải chỉnh lại. Hồi trước khi còn ảnh đen trắng, thì chúng tôi tự làm hình lấy. Bây giờ chủ yếu làm bằng máy móc thì mình phải nhờ đến máy làm. Nhưng mình phải chuẩn bị sẵn hết những gì mình muốn cái máy làm theo mình.
Hồi xưa khi chụp một hình ở ngoài rồi, không phải là về dùng được đâu, dù là người đó tài giỏi cách mấy cũng còn những sơ hở, cũng còn những khuyết điểm như thừa chổ này, thiếu chổ kia, rồi khi phóng hình ra, phải dùng miếng giấy che bớt chỗ này, để không đen quá, không tối quá. Hoặc chỗ kia sáng quá, không được, phải cho nó sậm xuống chút. Nghĩa là đối với ảnh đen trắng truyền thống, không có điểm nào trên ảnh trắng như tờ giấy trắng, không có điểm nào đen như là mực đen, mà mình gọi là hình trắng đen.
VĐ: Cách Giáo sư nhìn các tác phẩm của mình có thay đổi gì theo thời gian không? Và từ những chia sẻ của đồng nghiệp, người xem ảnh mà ông đã nhận được thì cách người khác tiếp nhận các tác phẩm của ông có đổi thay không?
LVK: Phải nói rằng bà con ít thấy hình của tôi, vì tôi đâu có triển lãm thường đâu. Không triển lãm không phải do mình không muốn triển lãm mà vì không có điều kiện để triển lãm. Nếu mà nhìn kỹ lại và thực sự duyệt xét thì tôi thấy tâm ý chung của ảnh tôi chụp không có khác nhau. Không phải thời đại này thì chụp loại này, qua thời đại kia bỏ hết, chuyển qua hướng khác. Nó vẫn có một điểm chính, là nội tâm con người và dùng nó để làm gì, dĩ nhiên cũng có những hình không nằm trong đó, nhưng điểm chánh vẫn nằm ở điều đó. Điều đó vẫn còn tồn tại, mặc dù mình chụp với máy ảnh cũ truyền thống hay máy ảnh kỹ thuật số hiện đại bây giờ, nhưng ý của mình vẫn luôn là vậy.
Ảnh của tôi không thay đổi nhiều theo thời gian. Kỹ thuật và ứng dụng thì có thay đổi. Ví dụ như tôi nói hồi xưa tôi đã từng nhủ thầm với mình nếu có sống qua đến thế kỷ 21 thì sẽ làm ra những ảnh khác. Nhưng trong làm khác vẫn còn tâm ý đó, vẫn là cách nhìn, sự cảm nhận của tôi như vậy từ bấy lâu nay.
VĐ: Quan niệm "một bức ảnh đáng giá hơn hàng ngàn lời nói" có đúng không?
LVK: Tôi nghĩ rằng người nào đó yêu mến nhiếp ảnh và họ đánh giá cao nhiếp ảnh, nên mới quan niệm "một bức ảnh đáng giá hơn hàng ngàn lời nói". Tôi nghĩ không có gì thay thế được lời nói của con người hết. Nhưng mà khi người ta không nói được, hoặc không được nói, thì người ta biểu lộ bằng cách chụp hình để nói lên cái đó.
Có những bức ảnh mình nói rằng nó có giá trị rất cao, ví dụ những vụ giết người bắt được quả tang qua hình chụp, đưa ra tòa làm bằng chứng, thì lời nói biện minh không được. Nhưng mà thời đại này lại khác, chụp hình xong về thay đổi, tráo này kia bằng kỹ thuật photoshop, thì liệu có còn chân lý đó nữa hay không?.
Nhưng nếu mình muốn, mình áp dụng nó thì nó vẫn còn có giá trị, bằng bao nhiêu lời nói thì không cần biết. Ví dụ tôi muốn bôi nhọ chánh phủ Việt Nam, tôi chụp hình một thùng rác hay một đống rác to tướng trước tòa nhà Quốc Hội hay Dinh Độc Lập… thì người ta nhìn vào hình vào đã biết, không cần phải nói. Trong trường hợp đó, bức ảnh đó nó có giá trị hơn lời nói. Bởi vì nói không được. Một phương tiện khác, hay một phương cách khác dùng để biểu lộ được cái ý nghĩ của mình và mình muốn người khác nhìn thấy, mình không cần nói, thì cái đó có.
VĐ: Trong những chuyến đi chụp ảnh chắc có rất nhiều điều thú vị, ông có thể chia sẻ vài điều về chuyến đi của mình? Câu hỏi nào ông thường gặp nhất trong những lần đi chụp hình?
LVK: Từ khi còn trong nước, vì bận rộn, tôi ít đi chụp hình xa, khi qua Mỹ, tôi càng bận rộn hơn nữa và tiền thì không có, cho nên cũng không đi chụp hình xa. Bà con đi tiểu bang này tiểu bang kia chụp hình. Tôi không có điều kiện để đi. Tôi không có khả năng làm, chứ không phải mình không muốn, không thích. Thích nhưng không làm được.
Nhưng “Cái khó không bó cái khôn,” bằng chứng là tôi chụp hình gốc cây, ở đâu cũng có hết. Có nhiều khi nhìn vô gốc cây, tôi thấy hình người phụ nữ khỏa thân còn đẹp hơn người thiệt, mà người ta không thấy.
Tôi có chụp một cái hình rất sexy, một cô gái nằm ngữa, chân gác lên rất gợi cảm, hình ảnh này là do các vân của thân cây đã biến đổi và tạo ra hình ảnh như vậy. Khi nhìn thấy chúng, chụp lại rồi tôi dùng thêm kỹ thuật photoshop để che, để tạo thêm màu sắc, ánh sáng và đường nét trong ảnh, làm nổi bật hình ảnh mà vân cây đã tạo ra, để bà con nhìn vào thấy ngay được chủ đề của bức ảnh.
Nhờ chụp hình các thân cây, tôi tìm ra một điều rất lạ, thường ở những nơi hoang dã thì có những hình ảnh rất ghê gớm trên các thân cây, nơi đàng hoàng đẹp đẽ thì có những tạo hình trên thân cây rất đẹp. Không biết là không khí, môi trường bên ngoài xung quanh có ảnh hưởng đến vân cây, tế bào của cây hay không. Tôi tiếc là lớn tuổi rồi lại không có tiền mà nghiên cứu cái đó. Nhưng tôi biết là nó có ảnh hưởng.
Làm sao mình thấy được những hình ảnh trên các thân cây do những vân cây tạo ra và chụp lại, có người đã hỏi tôi như vậy? Nhiều lúc tôi chỉ cho họ nhìn trên thân cây, tôi vẽ tay theo hình dáng, họ vẫn không nhận ra, bởi vì họ không có ý nhìn cái đó, không có sự tưởng tượng để nhìn ra hình ảnh đó. Có người thì nói chắc phải có tâm linh nào đó, mới nhìn ra những hình ảnh tạo ra từ vân cây trên gốc cây, tôi thì không tin như vậy. Tập nhìn quen, và mình sẽ thấy, hãy liên tưởng đến những gì mình đã thấy, đã biết thì mới liên kết được với nhau.
Còn khi đi chụp hình, có nhiều người hay hỏi tôi một câu hỏi, mà tôi không bao giờ trả lời được. Họ hỏi tôi máy này chụp làm sao. Máy ảnh là của họ, nhưng họ không biết sử dụng, hỏi tôi chụp làm sao, tôi nói tôi không biết.
Vì máy chụp hồi xưa chỉ có bấy nhiêu bộ phận thôi, còn bây giờ máy kỹ thuật số digital có cả trăm, cả ngàn chức năng khác nhau, máy mình chưa quen thì làm sao biết bấm ở đâu ra chức năng đó.
Kế đó là hỏi tôi cảnh này làm sao chụp cho nó đẹp. Họ quên hết những bài học mình đã hướng dẫn trong lớp ảnh. Mình phải ôn lại, đầu tiên phải để ý đến bố cục, bố cục theo hình thể gì, chủ đề nó là gì. Có chủ đề rồi, có đặt chủ đề vô đúng chủ điểm hay không, vấn đề ánh sáng, nguồn gốc ánh sáng vậy xem được không, bối cảnh chung lại như thế nào và hậu cảnh có gì yểm trợ cho chủ đề của mình hay nó phá chủ đề của mình. Tựu trung những điểm hết sức căn bản, mình phải nắm vững rồi thì mới nói đến chuyện đi sâu hơn.
Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam [Khi sang định cư tại Hoa Kỳ, Giáo sư Lê Văn Khoa đã tái hoạt động lại Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam đã có từ trong nước]. Hiện nay Hội đã có nhiều hội viên trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới] hồi trước có những lớp ảnh cho ai vô học khóa đầu là học tổng quát, căn bản, khóa hai thì lên cấp cao hơn. Khoảng hơn 1 năm nay tôi tạm ngưng không hướng dẫn lớp ảnh của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam nữa, nhưng tôi sẽ làm lại và sẽ làm khác hơn những lớp ảnh trước đó. Nghĩa là những ai ghi danh học thì họ phải nắm vững căn bản rồi thì mới vào học.
VĐ: Không chỉ là nhiếp ảnh gia mà Giáo sư còn là nhà soạn nhạc, vậy thưa Giáo sư, nghệ thuật âm nhạc có song hành cùng ông trong mỗi khung hình không?
LVK: Tôi nhớ khoảng năm 1997, đài truyền hình FOX11 KTTV, Los Angeles, qua sự giới thiệu của Laguna Museum tìm đến tôi và thu hình, để vinh danh các nghệ sĩ của khu vực Thái Bình Dương trong tháng Á Châu Thái Bình Dương. Họ đến nhà tôi thu hình mấy tiếng đồng hồ, cũng có hỏi tôi câu hỏi tương tự như vậy, tôi trả lời họ là trong ảnh có nhạc, trong nhạc có ảnh. Nó có những liên hệ trong đó, gợi ý cho nhau, nếu mình không biết không thấy là vì mình không nghĩ tới.
Âm nhạc và nhiếp ảnh vẫn luôn gắn liền với nhau trong con người của tôi nên có đôi khi người nghe sẽ thấy được hình ảnh trong âm nhạc của tôi, hoặc người xem sẽ nghe được những âm thanh, tiếng nhạc trong tác phẩm nhiếp ảnh của tôi.
Bà nhạc trưởng Alla Kulbaba điều khiển dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra bên Ukraine (là nhạc trưởng đã điều khiển dàn nhạc trình tấu để thu âm gần hết nhạc của Giáo sư Lê Văn Khoa kể từ năm 2005 đến nay) từng nói rằng nhạc Lê Văn Khoa rất dễ diễn tả, vì trong nhạc chứa đầy hình ảnh. Còn với ảnh của tôi nó có nhịp nhàng như trong nhạc, ví dụ nhịp nhàng trong màu sắc, nó có nhịp buông lơi… Khi mình nhìn hình mà không biết gì hết thì chỉ thấy đó là tấm hình thôi. Còn những nét tinh túy thì phải là người hiểu sẽ nhìn thấy điều đó, khi nhận ra được, thì sẽ thấy thú vị. Với tôi, âm nhạc và nhiếp ảnh đều bổ sung cho nhau.
VĐ: Giáo sư có nhận xét gì về nhiếp ảnh nghệ thuật trong tiến trình phát triển của nghệ thuật đương đại hiện nay?
LVK: Tôi thấy nhiếp ảnh nghệ thuật hiện nay có khuynh hướng đi vào trừu tượng. Mặc dù nhiếp ảnh đi sau hội họa quá xa, nhưng có khuynh hướng đi vào trừu tượng, những siêu thực… nhờ kỹ thuật, ống kính giúp cho người chụp hình có thêm được điều kiện sáng tạo để làm được những cái mà hồi trước làm không được. Càng ngày càng có nhiều người có khuynh hướng đi vào khuynh hướng này. Có điều đáng buồn là nhiều người mua máy rất mắc tiền, mua ống kính thật dữ dội, nhưng không sử dụng bao nhiêu hết. Nếu dùng được trọn vẹn khả năng của nó thì họ sẽ có những tác phẩm hấp dẫn hơn.
Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật mà bây giờ nó hợp với thời đại tân thời và những phát minh mới của con người. Tôi nghĩ đó cũng là chuyện tốt thôi. Còn nó sẽ đi tới đâu thì mình không thể nói được.
VĐ: Bây giờ máy ảnh kỹ thuật số đã làm thay con người rất nhiều nên việc có được một bức ảnh đẹp cũng đơn giản hơn. Vậy theo ông, đâu là ranh giới nhận biết giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và người cầm máy thông thường?
LVK: Có một sự phân biệt rất dễ, đối với tôi, người nhiếp ảnh chuyên nghiệp là người chụp hình lấy tiền, còn người nhiếp ảnh tài tử là người chụp hình không lấy tiền. Bởi vì trình độ của nhiều người nhiếp ảnh tài tử còn cao hơn người chuyên nghiệp, nhưng họ không lấy tiền, họ chơi ảnh vì vui. Mình không thể dùng kỹ thuật để mà phân biệt được người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Không thể cho rằng người chuyên nghiệp chụp hình hay hơn, rõ hơn, bố cục chặt chẽ, chưa chắc. Bởi vì tôi có thể thấy những lỗi lầm trong ảnh của người chuyên nghiệp tương đối dễ dàng. Cũng như mình mua những bức tranh về treo ở nhà, có những bức tranh vi phạm những lỗi rất sơ đẳng, nhưng người ta không biết, thấy đẹp thì treo.
Đối với tôi, tôi là người nhiếp ảnh tài tử, tôi là nhạc sĩ tài tử, nhưng tôi làm được những việc có thể người chuyên nghiệp không làm được.
VĐ: Là Hội trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam từ năm 1968 và ra đến hải ngoại, đồng thời ông cũng là thầy dạy chụp ảnh cho rất nhiều lứa học trò và là thành viên BGK các cuộc thi ảnh, ông thường đánh giá cao yếu tố gì trong mỗi tác phẩm?
LVK: Thường thường tôi nghĩ đến ý tưởng sáng tạo của tác giả khi mà họ gửi tác phẩm dự thi, rồi kế đến vấn đề kỹ thuật làm hình của họ có đúng hay không. Vì nó có đúng thì mới nói lên được nghệ thuật. Khi tôi nói kỹ thuật, không có nghĩa là bắt buột phải trắng đen rõ, mà mình dùng cái đó để đạt được điều mình muốn. Ví dụ mình muốn nói lên tình cảnh bi đát mà mình dùng những màu sắc nhẹ nhàng là trật rồi. Tôi nhớ một lần chấm thi ảnh khi tôi còn trong nước, tác phẩm một cô gái mặc áo đỏ rực rỡ để diễn tả cái buồn, tôi thấy không được, vì 2 cái đó đối chọi nhau, nhưng người ta không biết, cứ làm, cứ cho đó là hay, độc đáo. Tôi thì không chấp nhận
VĐ: Có ý kiến cho rằng trong các cuộc thi ảnh hiện nay, việc sử dụng kỹ thuật photoshop đang bị lạm dụng, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
LVK: Tôi không thắc mắc về vấn đề photoshop, bởi vì tôi nghĩ photoshop như một phòng tối. Hồi trước khi tôi làm hình, cũng che tối chỗ này thêm sáng chỗ kia để nổi chủ đề. Vì nếu chủ đề không nổi lên thì kể như thua rồi. Làm sao cho nó nổi bật lên để người nhìn vào thấy liền. Ngày nay thay vì dùng che tối che sáng thì dùng photoshop thì có tội vạ gì đâu. Có những người không quen photoshop họ cực lực phản đối photoshop, tôi thì không. Nhưng nếu chụp hình ẩu tả, lợi dụng photoshop sửa lại thì cái đó nên tránh. Photoshop giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời giờ mình tạo được hình, mình tạo được cái nhìn của mình còn hơn là chụp bừa bãi rồi về sửa. Photoshop không tội vạ gì cả. như tôi đã nói, trong cuộc thi ảnh quốc tế bây giờ, có phân bộ cho dùng photoshop tối đa. Tôi không chống photoshop, nhưng nên dùng có ý thức. Nhiều người dùng photoshop không ý thức. Ví dụ chỗ nào thiếu gì đó, họ gắn vô bằng photoshop dễ dàng hơn hồi trước. Hồi trước chúng tôi cũng làm vậy, làm bằng 2- 3 phim khác nhau trên một tờ giấy ghép vô. Có làm chứ không phải là không, nhưng khó khăn hơn rất nhiều, và hư nhiều hơn bây giờ. Nhưng cái tôi thấy không nên là khi ghép photoshop, nhìn vô nó tương đối quân bình hết trong bức ảnh, nhưng mà ánh sáng thì sai. Ví dụ toàn cảnh ánh sáng từ bên mặt chiếu qua, rồi tới điểm đó thì ánh sáng từ bên trái chiếu, do ghép photoshop không có ý thức.
VĐ: Ông có lời khuyên nào cho người chụp ảnh? Phẩm chất và kỹ năng cần thiết?
LVK: Cái tôi muốn gợi ý cho mấy bạn chụp hình là cứ phải chụp hình, không chụp thì không có hình. Mình có tập có làm thì mới quen. Không làm thì nó quên, vì tuổi con người càng ngày càng lớn chứ không càng ngày càng trẻ.
Tôi có ông bạn là kỹ sư công chánh, tới tuổi 90 ông nói không bao giờ ông ra khỏi nhà mà không có máy ảnh trong người. Tôi thấy cái đó rất hay. Các bạn trẻ còn có sức mang máy ảnh to hơn, mang nhiều dụng cụ hơn, cứ mang máy ảnh theo, có thể mình không dùng gì hết, nhưng nếu có cái gì cần thì mình có, chứ không thì về cứ tiếc hùi hụi.
Cứ chụp hình nhiều đi. Phẩm chất cũng như kỹ năng người chụp ảnh là phải nắm vững căn bản, rồi những kỹ thuật kia sẽ đi theo. Vì mình nắm vững căn bản thì muốn kỹ thuật cao hơn mình sẽ nghiên cứu thêm thôi.
Những tấm ảnh nghệ thuật của Giáo sư Lê Văn Khoa sẽ triển lãm tại Houston, bắt đầu vào lúc 6:20 chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng Hai, 2017, tại phòng triển lãm Palette Arts Gallery, số 10925 Beechnut St. Houston, TX 77072, suite A 101-102. Triển lãm sẽ mở cửa mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thời gian triển lãm kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy 18 tháng Hai đến Chủ Nhật 26 tháng Hai.
- Mời dự giới thiệu sách của Trần Thị Minh Phước... Băng Huyển Giới thiệu
- Mời dự triển lãm tranh của 8 họa sĩ gốc Việt tại Laguna Beach Băng Huyền Giới thiệu
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston Băng Huyền Phỏng vấn
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |