|
Bùi Giáng(17.12.1926 - 7.10.1998) | Du Tử Lê(.0.1942 - 7.10.2019) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Đêm thật khuya, tĩnh mịch, tôi ngồi lặng yên thưởng thức PPS “Cô Đơn“ HKL mới chuyển. Tiếng đàn thánh thót của người nghệ sĩ tài ba Nguyễn Ánh Chín đã chậm rãi, nhẹ nhàng, từng nốt, từng nốt như xoáy vào hồn người.
Có những lúc những nốt nhạc như đuổi nhau trên phím, rồi từng nốt lại nhẹ nhàng buông những thanh âm làm người nghe càng thêm thấm thía. Có những lúc tiếng đàn dồn dập như những nỗi đau vò xé, réo rắt như nỗi buồn xót xa… Tiếng độc tấu dương cầm điêu luyện đó không cần lời ca, không cần tiếng hát, đã hoà quyện với gần năm mươi bức hình chọn lọc của HKL đưa hồn ta chơi vơi, lòng ta ngây ngất.
Nhiều người đã thực hiện PPS “Cô Đơn“ nhưng PPS do HKL sáng tạo có những nét thật độc đáo, như một truyện kể bằng hình. Cái hồn của bản nhạc được thể hiện rõ ràng qua những tấm ảnh đã được HKL thu vào ống kính. “Như Đôi Uyên Ương”, “Như Sương Long Lanh”, “Hạnh Phúc Tôi”… nói lên “Hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay ngập trời nắng ấm – Hạnh phúc như sương ban mai long lanh đậu cành lá thắm…” Bên cạnh “Hạnh Phúc Như Sương Long Lanh”, “ Như Mây Lang Thang “, bên những nụ cười rạng rỡ, mắt trong mắt, tay trong tay, đắm say, thắm thiết của cặp tình nhân trẻ vẫn có những “Giọt Buồn Giọt Vui”, những “Khúc Mắc” với những vết chém hằn vào thân cây và những “Rối Ren” như những sợi tơ nhện giăng giăng. Cũng giọt sương trên lá khi hạnh phúc thì hạt sương no tròn, lóng lánh như viên kim cương trên phiến lá nguyên vẹn và khi tàn phai giọt sương đó toé ra, không lóng lánh mà long lanh như những giọt nước mắt trên phiến lá bắt đầu có vết rách. Bông hồng tươi thắm, nở tung dưới nắng ban mai như một Hạnh Phúc tràn đầy và khi tình yêu đã hết chỉ còn những cánh hoa rơi rụng tả tơi… Đoạn cuối cuộc tình như chiếc lá cố bám víu, không chịu rời cành và khi tình yêu đã hết thì khô queo, cạn kiệt, rã rượi, rũ buồn.
Cô Ðơn, nhạc Nguyễn Ánh 9 - Hình ảnh & PPS Hương Kiều Loan.asf
Xem từng bức ảnh mới thấy sự trau chuốt, cẩn trọng của tác giả khi sắp xếp thứ tự hình ảnh trong tác phẩm. Những bức chụp thật gần tiếp đến những bức thiên nhiên mênh mông, cái mênh mông của trời, của đất. Từ những cánh chim đến từng cụm hoa, từng giọt nước… Tất cả như vương vương tâm hồn người nghệ sĩ. Mở đầu, hình ảnh cô đơn của một bóng vàng trên những cành trơ trụi, không phải là bóng lá, bóng nắng hay giọt sương mà là một quả chín khô một mình sót lại… Rồi đến hình ảnh con hạc trắng bé nhỏ, đơn côi trên biển. Chú chim xoải cánh bay xa… Và kết thúc, một khoảng không gian tĩnh lặng, mênh mang của một ngày tàn, cánh chim cô đơn bay đi, xuội cánh, lầm lũi… Tiếng đàn dứt, người thưởng ngoạn bùi ngùi, bâng khuâng…
HKL và tôi quen nhau từ thuở ngơ ngác bước vào ngưỡng cửa Trưng Vương. Từ năm học đệ ngũ, HKL đã thể hiện tài nghệ về hội hoạ qua các bức chân dung tài tử, những tấm ảnh vẽ bằng chì than đơn giản thật linh động, mắt người trong ảnh thật có hồn. Khi các bạn cùng lớp còn ham nhảy dây, chạy đuổi thì Loan đã chơi với những chị lớp trên như Hồng Thủy, Bích Huyền và đã biết viết bài đăng báo với Nhóm Huyền, Nhóm Hoa Tiên… Thập niên sáu mươi HKL đã góp mặt cùng những cây viết học sinh, sinh viên thời đó như Nguyễn Đức Nam, Đinh Lang, Lê Đình Điểu… trên trang văn nghệ học sinh của các báo Ngôn Luận, Chính Luận, Tự Do…
Con người nghệ sĩ của HKL chất ngất những nỗi đam mê. Mê một ngành nghệ thuật nào thì đào bới đến tận cùng và khi gần như đến đỉnh thì lại buông để chạy theo một trò chơi, một thú tiêu khiển mới.
Có một thời HKL mê nặn tượng, nàng đã không chơi đồ gốm “ceramic” mà nghiên cứu thẳng vào nghệ thuật “porcelain”, đã cho ra những tượng bằng sứ và những tranh vẽ trên sứ đẹp tuyệt vời. Chỉ nhìn những ngón tay nhỏ xíu thuôn dài, men sứ mịn màng, trắng muốt, chiếc áo xinh đẹp bằng sứ mặc trên người tượng cũng biết rằng nghề chơi cũng lắm công phu. HKL đã mua đầy đủ máy móc, vật liệu, ngay cả chiếc lò nung bằng điện bạc ngàn v... v…. Khi đã thực hiện được những tác phẩm toàn bích không thua gì những tuợng sứ bày trong tủ kính của các hãng nổi tiếng như Royal Dulton bên Anh hay Hummel bên Đức thì cô nàng mãn nguyện và xếp chiếc lò nung cùng những đồ nghề về sứ vào một góc nhà để xe.
Bước vào lãnh vực trình bày những bìa báo, HKL đã trang trí những đặc san, những bìa sách và có những bức tranh minh họa và phụ bản rải rác khắp nơi. HKL đã trình bày những bìa CD thật đẹp. Gần đây HKL cộng tác với Huy Hà Media, giúp Giáo sư Phạm Ngọc Phước trong việc sưu khảo một số tài liệu về quê hương.
HKL có năng khiếu về tất cả các lãnh vực Thi, Văn, Nhạc, Họa. Từ ngày bạn bè yêu mến đặt cho mỹ danh Hoàng Dung Bang Chủ, cô nàng chống cây gậy trúc lang thang trên “Net”. Văn HKL đa dạng, khi thì viết bằng giọng văn hồn nhiên như cô bé con còn thơ dại của tuổi hồng (ba tập truyện, mỗi tập khoảng 20 bài: Gió, Nụ Hồng, Gió Mây Lưu Lạc…), khi thì viết về những kỷ niệm của thời học sinh với giọng văn tinh nghịch, dí dỏm. Ngoài ra còn có những bài khảo luận sâu sắc giá trị, những nghiên cứu về phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, bài điểm sách, bên những bài giới thiệu về dòng nhạc mới, giọng ca mới hay những bài phỏng vấn những nhân vật tên tuổi như giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm… Gần đây HKL lại đổi lối viết, viết về những chuyện vui khi đi săn ảnh: (Những giá băng, Người thợ săn…v.v…).
Con người đa tài ấy bây giờ lại đang bước vào thú đam mê nhiếp ảnh.
Một ngày đẹp trời, tiếng HKL trong máy:
– Mi ơi, thu đẹp quá, nắng thu đẹp quá…
– Đang làm thơ đấy hả?
– Đang đi bộ ven hồ, trời đẹp chịu không nổi.
– Màu trời sao? Lá sao? Nước sao?
– Thu Lộng Ngọc!
Tưởng như cô nàng đang ngất ngây với cảnh thu, nắng trong veo, nước trong veo, cỏ cây êm ả trong không gian tĩnh lặng, êm đềm.
Thế là ngay tối hôm đó HKL đã email tặng tôi một “Thu Lộng Ngọc”, một cảnh thu thật tuyệt vời. Đặc điểm của HKL là đặt những tiểu đề thật dễ thương cho những bức ảnh khiến người xem hiểu thêm ý gửi gấm của tác giả.
Cứ thế mỗi buổi sáng, hay chiều, HKL với hai chiếc máy tự động, bỏ vừa túi áo, thong dong tản bộ, bỏ quên đi những bận rộn, rắc rối của cuộc đời, săn bắt những cảnh đẹp thiên nhiên, của trời, của đất… Chỉ những lúc ngao du sơn thủy như thế HKL mới có thì giờ nói chuyện với bạn bè và tôi hưu trí non ngồi nhà nên hay được cô nàng tâm sự.
Một chiều HKL đi săn hình dọc theo dòng sông, đang nói chuyện mà cứ úi, cứ oái vì tức quá, lại bấm không kip, con chim bay mất rồi, lại còn than thở hôm qua mặt sông còn như tảng băng mà nay đã tan bớt, lại còn: Nè, mi có nghe tiếng chim vỗ cánh không...
Bang Chủ Cái Bang nhiều lúc khiến tôi phải bật cười. Đang chuyện trò ríu rít thì:
– Chết, con Sea Gull bay mất rồi, may quá còn đàn ngỗng và vịt… im nghe, để ta chụp ngỗng.
Máy yên một lúc cô nàng lại rên lên:
– Mi nhớ không, đám cỏ hôm trước cháy khô hết rồi, nhưng mi yên chí ta sẽ có mấy bức thật đẹp về đám cỏ cháy này.
Và như reo vui:
– Nhà ngươi ơi… ta khám phá ra một khóm hoa dại… hà hà hà…tối về ta gửi cho xem, đâu cần phải Lan, Hồng, Thủy Tiên… rồi mi xem!
Từ bông hoa dại bên đường, từ cọng cỏ bé xíu xiu, bông cỏ may nhẹ như tơ, những cọng rác, bèo trôi, đến những cánh hoa tàn những chiếc lá úa cũng được HKL thu vào ống kính và trân qúy trình bày thành một tác phẩm làm ngạc nhiên bạn bè.
HKL đúng là nghệ sĩ, đích thực là nghệ sĩ. Xem những tấm hình chụp ở Washington DC, người ta có cảm tưởng như đang được đứng trong khung cảnh ấy, thở hít không khí ấy, những người mẫu thật đẹp và thật tự nhiên.
Trong thú đam mê có những lúc HKL thật chịu khó. Có lẽ trời hôm ấy đẹp lắm nên nghệ sĩ như muốn chia sẻ với bạn một chút nắng, một chút gió, một chút mây:
– Hôm nay cho mi đi dạo với ta nhé, mây trắng nõn như bông trên trời thật xanh, màu xanh lạ lắm, màu nước hôm nay cũng thật lạ, xanh như ngọc… ồ mi ơi, một màng nhện mắc trên cành cây… mi ơi những sợi tơ như ánh lên trong nắng… đợi nhé đợi ta “shot” vài tấm này… uổng quá không đem máy lớn, máy này làm sao lấy được hết cái đẹp, lấy được rõ những sơi tơ mong manh.
Cứ thế cô nàng như lẩm bẩm một mình quên là đang nói chuyện với bạn rồi như sực nhớ ra:
– Ta về lấy máy lớn!
– Đi bao xa rồi?
– Hơn một mile, nhưng không sao ta về lấy máy. Nhất định phải chụp cái màng nhện này… Đẹp quá!
Thế là cô nàng tất tả trở về để rồi buổi tối hậm hực qua phone:
– Tức quá mi ạ, ta đi bộ về lấy máy, lái xe quay trở lại thì ánh nắng không còn đẹp nữa. Mai, nhất định ngày mai!
Cuối cùng chả biết canh trong bao lâu, Loan cũng có một lô hình mạng nhện thật nét, ánh sáng trong như lọc, vàng óng, nổi bật những sợi tơ mong manh, tưởng như đang nhẹ rung rinh dưới nắng.
Cứ thế, cứ thế người nghệ sĩ một mình lang thang khoác máy ảnh thu vào ống kính những nét đẹp của thiên nhiên, những góc cạnh đặc thù không phải ai cũng nhìn ra, ai cũng nhìn tới, những ánh mắt sầu bi của chú chó nhỏ hay cái lặng lẽ của thân cò cô đơn một mình bên dòng sông vắng, vẻ đơn côi của chiếc đèn đường trong ánh hoàng hôn, mặt trời đang lịm tắt.
Đêm khuya riêng một góc trời, cô nàng cặm cụi với những tấm hình mới bắt. Đóng khung, xếp loại cất để dành. Cả ngàn, ngàn bức ảnh muôn hình, muôn vẻ… cứ thế mà đắm chìm, mà bơi lội quên thời gian.
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê Đỗ Dung Nhận định
• Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
• Hương Kiều Loan, con mắt trời cho (Lê Hữu)
(Sương Lam)
(tiengthongreo.blogspot.com)
• Phỏng Vấn Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh
(Hương Kiều Loan)
• Phỏng vấn nhạc sĩ Vũ Đức nghiêm
(Hương Kiều Loan)
- Hình chụp nghệ thuật của tác giả Hương Kiều Loan
- Phân Vân
- Hạ Tím
- Cô Đơn
Tác Phẩm trên mạng:
- Hương Kiều Loan – CÕI RIÊNG
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
• Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |