1. Head_

    Nguyễn Văn Bông

    (2.6.1929 - 10.11.1971)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nỗi nhớ trong thơ, nhạc (Lê Hữu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      8-4-2022 | THƠ

      Nỗi nhớ trong thơ, nhạc

        LÊ HỮU
      Share File.php Share File
          

       

       

      Sen mùa hạ, tranh Đinh Cường

      Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây


      Câu hát ấy ở trong bài hát “Đường về Việt Bắc” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh.


      Thật khó mà ngờ rằng câu ấy được viết ra cách đây hơn 70 năm, và mãi đến nay vẫn chưa thấy ai bộc lộ một tình yêu và nỗi nhớ thiết tha hơn thế. Nhớ đến như thế là… nhớ quá là nhớ. Yêu đến như thế là… yêu quá là yêu.


      Chưa hết, ta còn nghe được trong nhiều câu hát của người nhạc sĩ này một tình yêu đắm say và nỗi nhớ ngập lòng gửi về người mình yêu. Như là...


      Yêu một sớm, nhớ nhau bao mùa thu (Cánh hoa duyên kiếp), hay là…


      Nhớ nhau từ làn môi, đôi mắt / Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát (Lá đổ muôn chiều), Nhớ nhau tìm trong ánh sao (Lá thư).


      Chưa hết, lại còn… Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng “Chờ đến kiếp nào”(Lá thư)


      Vẫn chưa hết, lại còn… Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người (Đường về Việt Bắc)


      Chỉ toàn những nhớ và nhớ. Thường thì nỗi nhớ nhung đi với tâm trạng buồn bã, cô đơn. Người ta nói “buồn nhớ” chứ ít ai nói “vui nhớ”. Ở đây thì nỗi nhớ về cùng những phút vui rộn ràng.


      Gọi tên từng nỗi nhớ


      Không chỉ “nhớ rộn ràng”, có biết bao nỗi nhớ mang những tên gọi khác nhau được tìm thấy nhiều nhất trong những lời thơ, lời nhạc. Mỗi tên gọi thể hiện những trạng thái, mức độ tình cảm khác nhau. Chắc không có dân tộc nào “nhớ” nhiều và có nhiều cách diễn tả tâm trạng nhớ nhung hơn dân tộc Việt. Thử kể ra một vài, như là…


      Nhớ rưng rưng:

      Thôi thì em chẳng yêu tôi

      Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

      (“Động hoa vàng”, Phạm Thiên Thư)


      Là nhớ muốn khóc, nhớ muốn chảy nước mắt.

      Nhớ mênh mang, vời vợi:

      Chiều tím, không gian mênh mang niềm nhớ

      Mây bay năm xưa còn đó, đâu tìm người hẹn hò…

      (“Ngàn năm mây bay”, Nguyễn Hiền)


      Nỗi nhớ trải dài, lan rộng đến những bến bờ nào xa xăm.


      Nhớ dào dạt, dạt dào:

      Áo em lụa trắng sông Hương

      qua đò Thừa Phủ nhớ thương dạt dào

      (“Về chân trời tím”, Hoàng Anh Tuấn)


      Nỗi nhớ trào dâng như từng đợt sóng xô nhau, xô nhau tràn mãi vào bờ.

      Nhớ ngẩn ngơ, nhớ thẫn thờ:

      Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

      Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ tiếng cười  (Ca dao).


      Hay là…

      Nương song luống ngẩn ngơ lòng

      Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai

      (“Chinh phụ ngâm khúc”, Đoàn Thị Điểm)


      Nhớ chất ngất, nhớ ngút ngàn:

      Phương này tưởng nhớ về phương đó

      Hồn thả theo mây khói ngút ngàn

      (“Khung trời tưởng nhớ”, Xuân Chung)


      Nhớ bất tận, nhớ vô bờ:

      Chiều trên phá Tam Giang / Anh sực nhớ em

      Nhớ bất tận

      (“Chiều trên phá Tam Giang”, Tô Thùy Yên)


      Nhớ điên cuồng, nhớ phát điên:

      Lòng cuồng điên vì nhớ

      Ôi đâu người, đâu ân tình cũ! (“Hoài cảm”, Cung Tiến). Hay là…

      Tưởng rằng đã quên, thân đau muốn nằm

      vì từng bước em là từng mũi đinh cuồng điên

      (“Tưởng rằng đã quên”, Trịnh Công Sơn)


      Nhớ lạ lùng:


      Giờ hình như quá nửa đêm

      mà sao lửa nhớ nàng lên lạ lùng

      Một phương trời nhớ không Dung?...

      (“Chuyện mùa xuân muộn”, Thái Phương Thư)


      Nhớ sướt mướt, nhớ nghẹn ngào:

      Nhớ ai, em những khóc thầm

      Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa (Ca dao). Hay là…

      Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai

      Nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi!

      (“Giấc mơ hồi hương”, Vũ Thành)


      Còn phải kể thêm một vài nỗi nhớ là lạ như…


      Nhớ xót xa:


      Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà

      Gợn buồn nhìn anh em nói “Mến anh”

      (“Nắng chiều”, Lê Trọng Nguyễn)


      Trong nỗi nhớ xót xa có nỗi ray rứt và tiếc nuối. Chỉ những ai từng “nhớ xót xa” mới hiểu thế nào là… nhớ xót xa.


      Nhớ tơi bời:


      Hà Nội ơi! Mỗi chiều sương gió dâng khơi

      Có người lặng ngắm mây trôi / biết bao là nhớ tơi bời

      (“Hướng về Hà Nội”, Hoàng Dương)


      Nghe câu hát, tưởng nghe gió mưa, nghe giông bão… tơi bời.


      Có bao nhiêu nỗi nhớ là bấy nhiêu tên gọi, không làm sao kể hết được. Nào là nhớ bâng khuâng, như “trời rộng nhớ sông dài” (“Tràng giang”, Huy Cận), nhớ da diết, nhớ day dứt, nhớ se sắt, nhớ vời vợi, nhớ miên man, nhớ mỏi mòn, nhớ tái tê, nhớ canh cánh, nhớ đau đáu và cả những nhớ khủng khiếp, nhớ kinh khủng, nhớ tàn bạo…


      Chưa kể những nỗi nhớ vu vơ gọi là “nỗi nhớ không tên”, hoặc chưa biết gọi tên như thế nào, như là “nhớ em/anh trong tận cùng nỗi nhớ”, được hiểu là nỗi nhớ thương đến tột cùng, không dứt không nguôi.


      Một trạng thái “quá độ” của nhớ là tương tư, là nhớ quay quắt nhớ cồn cào, nhớ đến bỏ ăn bỏ ngủ, đến phát ốm phát bệnh, nhớ ngẩn ngơ ngơ ngẩn như kẻ mất hồn.


      Nhớ ai nhớ mãi thế này

      Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn (Ca dao). Hay là…


      Gió mưa là bệnh của giời

      Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

      (“Tương tư”, Nguyễn Bính)


      Nhớ là nhớ ánh mắt nụ cười, nhớ mái tóc đường răng:


      Mình về mình nhớ ta chăng?​

      Ta về ta nhớ hàm răng mình cười (Ca dao). Hay là…

      Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn

      mà mùa thu dài lắm ở chung quanh

      (“Áo lụa Hà Đông”, Nguyên Sa)


      Mắt, môi cũng nhớ:


      Bây giờ môi anh cô đơn

      Nhớ em nhớ cả nụ hôn dịu dàng

      (“Áo tím”, Vũ Thành)


      Ngón tay, ngón chân cũng nhớ:

      Chàng đi để lại đôi giầy

      Ngón chân em nhớ những ngày có nhau

      (“Nhớ”, Trần Mộng Tú)


      Đến cỏ cây, hoa lá cũng nhớ:

      Sao không thấy em lại / Hàng dừa nghiêng thương nhớ…

      và lũ hoa thầm khép hương chờ mong

      (“Thuở ban đầu”, Phạm Đình Chương). Hay là…


      Cỏ cây hoa lá thương nhớ mãi người đi

      và dâng sầu lên mi mắt người về

      (“Nụ cười sơn cước”, Tô Hải).


      Hay cũng gợi niềm thương nhớ…

      Chiều nay thấy hoa cười, chợt nhớ một người

      chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ…

      (“Nhớ một chiều Xuân”, Nguyễn Văn Đông)


      Biển cũng nhớ:

      Những ngày không gặp nhau

      biển bạc đầu thương nhớ

      (“Thuyền và biển”, Xuân Quỳnh)


      Rừng cũng nhớ:

      Nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng

      Thương ai mà sương khuya vội vàng buông

      (“Vẫn có em bên đời”, Trịnh Công Sơn)


      Có khi bài thơ không có chữ nào là “nhớ” nhưng lại… nhớ hơn cả nhớ.


      Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

      Xếp tàn y lại để dành hơi

      (“Khóc Bằng phi”, tương truyền là câu thơ vua Tự Đức tưởng tiếc nàng ái phi bạc mệnh). Hay là…


      Em nhìn lên vòm cây gió thổi

      Lá như môi thầm thì gọi anh về…

       

      Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt

      Nước như gương soi lẻ bóng hình anh

      (“Vườn xưa”, Tế Hanh)


       

      “Cà-phê mùa đông”, tranh Đinh Cường

      Tìm quên trong nỗi nhớ


      Nhiều lắm những bài thơ bày tỏ nỗi niềm nhớ nhung, người viết chỉ ghi xuống ngẫu nhiên ít câu thơ còn đọng lại trong trí nhớ, chắc chắn là quên sót nhiều bài thơ, câu thơ hay. Đành chịu vậy, cho đến một lúc nào được ai đó nhắc cho hoặc bỗng nhiên… nhớ lại.


      Tôi nhớ một người không nhớ tôi

      Nửa đêm ngồi dậy ngóng phương trời

      (“Đêm giáng sinh”, Tần Hoài Dạ Vũ)


      Khi con đường một mình

      hai hàng cây nhớ gió…

      Khi ngọn đèn một mình

      đèn thắp hoài mắt đỏ

      (“Một mình”, Kim Tuấn)


      Xa lắc rồi em người mỗi ngả

      Bên này đất nước nhớ thương nhau

      (“Đôi bờ”, thơ Quang Dũng)


      Ôi con sóng nhớ bờ

      ngày đêm không ngủ được

      Lòng em nhớ đến anh

      cả trong mơ còn thức

      (“Sóng”, Xuân Quỳnh)


      Nhớ nhà châm điếu thuốc

      Khói huyền bay lên cây

      (“Màu cây trong khói”, Hồ Dzếnh)


      Và một đôi câu lục bát nhớ:

      Mành tương phất phất gió đàn

      Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình

      (“Kiều, Nguyễn Du)


      Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

      Một người chín nhớ mười mong một người

      (“Tương tư”, Nguyễn Bính)


      Mai xa thành phố sương mù

      Nhớ em một dáng mùa thu úa tàn

      (“Đà Lạt hai người”, Hoài Khanh)


      Nhớ em là nhớ quê nhà

      Bát canh rau đắng mẹ già còn không?

      (Lúc nhớ, Hoàng Lộc)


      “Đi xa, nhớ nhà”, với người Việt sống xa quê, nỗi nhớ canh cánh bên lòng vẫn là nỗi buồn nhớ quê hương. Càng xa quê lâu năm, nỗi nhớ càng thêm se sắt. Làm sao mà không nhớ một nơi chốn người ta đã sống đã yêu, đã hạnh phúc đã khổ đau, và cả… nhớ nhung nữa. Nhớ mảnh vườn thửa ruộng, nhớ luống cày liếp rau, nhớ bụi chuối buồng cau, nhớ bờ tre khóm trúc, “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.


      Người Việt mình được tiếng là nhớ lâu, nhớ dai, nhớ mãi nhớ hoài. Sống để bụng, chết mang theo. Vui cũng nhớ, buồn cũng nhớ. Yêu cũng nhớ, hận cũng nhớ. Tình, thù rực nắng. Làm sao mà không nhớ những tháng năm tươi đẹp, hạnh phúc tràn đầy hay những thời kỳ khốn khó, những mất mát, tai ương? Làm sao mà không nhớ những biến cố lớn, nhỏ ập đến trong đời mình, làm thay đổi số phận của một đất nước, dân tộc và số phận mỗi con người?


      Tháng Tư ướt đẫm trong lòng

      Cơn mưa vẫn đổ trên dòng nhớ quên

      (“Mưa tháng Tư”, Miên Thụy)


      Tháng Tư nhớ nỗi buồn vàng

      nghe như đâu đó bài than thở buồn

      Bóng chiều kinh nguyện đồi chuông

      Thuyền nhân biển lớn lệ tuôn đoạn đành

      (“Lục bát tháng Tư”, Thy An)


      Hồi tưởng về những kỷ niệm vui, người ta không còn cảm thấy hoặc ít thấy vui nữa; hồi tưởng về những kỷ niệm buồn người ta vẫn còn cảm thấy buồn khổ. Có lẽ vì vậy, sau bao nhiêu là nỗi nhớ không rời, đến khi tuổi đời chồng chất người ta lại muốn tìm quên cho đầu óc được thảnh thơi, nhẹ nhàng.


      Tìm quên, nhưng có dễ đâu, như câu hát nào, “Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…”


      Lê Hữu

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn

      - Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định

      - Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

      - Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định

      - Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận

      - Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn

      - “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định

      - Nghe một câu hát, nhớ một tiếng hát Lê Hữu Nhận định

    3. Thơ và bài viết về Thơ (Học Xá)

       

        Thơ và Bài viết về Thơ:

        Cùng Mục (Link)

      Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Gọi Yêu Dấu & Trong Giấc Mơ Nào (Trần Yên Hòa)

      Tản mạn về bài thơ "Lời nguyện của rừng" (Trần Đăng Hồng)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)

      Tưởng Tượng và Hư Cấu Trong Thơ (Ngu Yên)

       

       

        Thơ Dịch:

       (Vietnamese Poetry translated into English)

       

      Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:

       

      Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

      Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)

      Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)

      Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)

      ......

      Huỳnh Sanh Thông dịch:

       

      Thăng Long (Nguyễn Du)

      Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)

      Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)

      Thăng Long Thành Hoài Cổ

       (Bà Huyện Thanh Quan)

      ......

      Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:

       

      Cùng khổ (Bùi Chát)

      Hoa sữa (Bùi Chát)

      Bài thơ một vần (Bùi Chát)

      ......

      Các tác giả khác dịch:

       

      Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)

      Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)

      Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)

      ......

       

       

        Thơ Cổ:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )

      Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)

      Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)

      Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)

      Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)


      Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)

      Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

        Thơ Tuyển:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)


       

        Trang Thơ các Tác Giả:

       

       

        DANH NGÔN (Proverbs)

       

         • Chí Khí

         • Xử Thế

       

        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

       

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)