|
Trầm Kha(..1948 - 19.1.1974) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Mẹ tôi ra đi ở quê nhà, thọ 103 tuổi. Hai ngày sau, vợ chồng chúng tôi mới có chuyến bay trở về Việt Nam thọ tang mẹ. Trong hai ngày đó, hai thằng con của chúng tôi và hai đứa cháu gọi chúng tôi bằng bác gởi email nhờ tôi phiên dịch ra tiếng Việt những kỷ niệm chúng nó gọi là không quên, unforgettable, chúng viết ra để giã từ Bà. Cả bốn đứa đều chào đời ở Mỹ, đứa thì con đông, đứa bận học hành, đứa vì công việc, đứa thì muốn về nhưng không có visa, hãng máy bay không chịu bán vé. Vì thế, không có đứa nào có thể về Việt Nam để tiễn đưa bà.
Chuyến bay từ Chicago đến Tokyo dài đến 13 tiếng đồng hồ, những khi không thể ngủ được tôi lôi chiếc iPad ra, phiên dịch những bài con cháu của tôi viết về bà nội của chúng nó. Đó là những kỷ niệm với bà vào thời chúng nó còn bé cùng với những cảm xúc, cảm nhận của chúng về tình thương bà đã dành cho chúng nó. Đứa này kể rằng nhờ Nội nó mới biết món cá kho thơm ngon đến cỡ nào, đứa kia nói nó vẫn còn giữ bên mình cái gối Nội may cho nó như một bảo vật. Đứa thì nhớ đến ngày Nội mới đến Mỹ, nó mới có tám tuổi, muốn Nội ngồi vào chiếc xe kéo của nó để nó đưa Nội đi thăm lối xóm; vậy mà Nội cũng chiều nó, ngồi vào cái xe nhỏ xíu ấy. Đứa thì nhắc đến những lần nó bị đứt tay hoặc đau ốm, Nội thoa dầu xanh cho nó và hôn nó trên đầu, trên tóc. Trong khi phiên dịch tôi nhận thấy những kỷ niệm ấy thật đơn sơ nhưng chúng rất sâu đậm, chân thành, chứa đựng thật nhiều tình cảm giữa bà và cháu. Còn tôi thì sao? Tôi cũng có những kỷ niệm với mẹ của tôi vào thời tôi còn bé, nhưng tại sao tôi chưa viết ra, để tiễn đưa mẹ và để chia sẻ cùng con cháu?
Thơ văn là thú tiêu khiển của tôi từ lúc chớm già. Thật ra, tôi có viết ba bốn truyện ngắn và năm bảy bài thơ về những kỷ niệm với mẹ của mình vào lúc tôi đã trọng tuổi rồi, chứ không phải khi tôi còn nhỏ. Mẹ tôi cũng có kể cho tôi nghe về cuộc đời của bà và tôi đã viết ra, đọc cho bà nghe trước khi bà trở về Việt Nam sinh sống với gia đình của người em thứ chín của tôi. Tôi hứa với mẹ tôi sẽ phiên dịch câu chuyện sang Anh văn để chia sẻ cùng con cháu, nhưng chưa có dịp.
Ngồi trên máy bay, không cần nặn óc, kỷ niệm đầu tiên tôi nhớ lại là những buổi sáng 30 Tết năm tôi chín, mười tuổi, tôi theo mẹ đi chợ Tây Ninh phụ xách giỏ cho bà. Mẹ tôi mua bông và trái cây để chưng bàn thờ Gia Tiên, thị thà, rau đậu để nấu thức ăn cho ba ngày Tết, để cúng giỗ Ông Bà, để thết đãi bà con ở xa về ăn Tết. Chúng quá nhiều làm sao một mình mẹ tôi xách cho xuể? Tôi đi theo mẹ, đến hàng này hàng nọ, chào hỏi các cô bác bán hàng, bỏ thức ăn vào giỏ, khệ nệ xách hai cái giỏ thiệt bự giùm bà. 30 Tết chợ đông nên mất gần cả hai tiếng đồng hồ mẹ tôi mới mua xong các món cần thiết. Điều tôi nhớ nhất là lần nào mẹ con chúng tôi cũng ngồi xuống ăn dĩa cơm tấm hay tô cháo lòng trước khi lên xe ngựa trở về nhà. Nó ngon sao là ngon!
Kế tiếp là những tối ba mươi Tết anh em chúng tôi thay phiên nhau đứng bên mẹ, chờ bà may xong bộ quần áo mới cho mình mặc vào ngày mùng Một. Trong những năm ấy, chiến tranh nổi lên, vườn cao-su của cha mẹ tôi phải ngưng hoạt động, mẹ chúng tôi phải thêu broder mướn quần áo để kiếm thêm tiền chợ, phụ cha chúng tôi nuôi nấng đàn con đông đúc. Vào những ngày cận Tết, năm nào cũng có khá đông khách mướn mẹ chúng tôi thêu đồ, cho nên đến chiều 30 mẹ chúng tôi mới bắt tay vào việc may quần áo Tết cho anh em chúng tôi. Tôi không sao quên được ánh mắt chăm chú của mẹ khi bà nhìn vào lằn chỉ, mũi kim; nhưng khi mẹ may xong, đưa cho tôi mặc thử, nhìn tôi cười sung sướng trong bộ quần áo mới, ánh mắt của mẹ sáng rực lên. Hôm nay nhớ lại tôi không thể tưởng tượng nổi vì suốt bao nhiêu ngày ngồi thêu thùa, may vá làm sao mẹ không đừ, không mệt. Dù cuộc sống có cực nhọc, có khó khăn cách mấy, tình yêu của mẹ dành cho anh em chúng tôi vẫn không hề suy giảm.
Năm tôi lên chín tuổi, cha mẹ tôi gởi tôi học nội trú trường dòng Lasan, xa nhà, ở tận Thủ Đức. Mỗi lần tôi rời nhà, bắt xe đò đi Sài Gòn rồi Thủ Đức để trở lại trường sau những ngày lễ hay nghỉ hè, mẹ tôi luôn làm thịt chà bông cất trong hộp lon sữa Guigoz để tôi mang theo ăn thêm cho bổ. Và, mỗi lần ấy, thấy mẹ luôn lo lắng cho tôi, nhất là trong những năm chiến tranh con đường từ Tây Ninh đến Sài Gòn thường hay bị cộng sản gài mìn, đắp mô, tôi cứ nghĩ rằng là phụ nữ, mẹ yếu đuối nên mới lo sợ như vậy. Sau khi anh Năm của tôi, mới có 16 tuổi mà qua đời vì bệnh bướu óc, thời đó không chữa trị được, mẹ tôi lại càng lo lắng cho tôi hơn nữa làm cho lắm khi tôi cảm thấy khó chịu. Lớn lên, có vợ rồi có con, bao lần tôi ngủ không được vì thằng con đi chơi về trễ là bấy lần tôi nhớ đến ánh mắt lo lắng của mẹ tôi.
Vào năm tôi mười hai, mười ba tuổi gì đó, tôi bị bệnh hay mệt mỗi khi chơi thể thao với bạn bè. Vì thế, mẹ tôi phải lặn lội từ Tây Ninh xuống Thủ Đức, đưa tôi đi bác sĩ ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ ông bác sĩ người Pháp, chuyên trị bệnh tim, phòng mạch ở đường Mạc Đĩnh Chi. Ông ta khám bệnh cho tôi, xem hình tim, hình phổi, thật tình nói với mẹ tôi rằng ông không tìm ra nguyên nhân tôi hay bị mệt. Mẹ tôi lộ vẻ lo sợ, bà chưa kịp nói gì với cô y tá để cô thông dịch lại cho ông bác sĩ, tôi đã mở miệng nói với ông rằng tôi bắt đầu bị mệt vào mùa hè vừa qua, sau một trận đá banh với bạn bè. Và, một ông bác sĩ ở Tây Ninh đã khám, đã chụp hình tim phổi của tôi, nói rằng tôi có một trái tim bự, bất bình thường. Ông cho tôi uống thuốc trợ tim và khuyên tôi không nên làm việc gì quá sức. Rồi từ lúc đó, tôi đâm ra sợ chết, không dám chơi môn thể thao nào nữa, và mỗi lần tôi ghiền, ra sân đá banh hay chơi bóng chuyền, bóng rổ thì tôi bị mệt. Nghe tôi nói vậy, ông bác sĩ người Pháp cười thiệt lớn và ông trấn an tôi, nói rằng thân thể tôi có phát triển khá nhanh, nhưng trái tim của tôi vẫn bình thường, không có bự. Ông khuyên tôi cứ chơi thể thao như thường lệ và uống những viên thuốc bổ ông sẽ biên toa cho tôi.
Hôm sau, mẹ tôi vẫn còn lo lắng, muốn đưa tôi trở lại trường rồi mới bắt xe đò về Tây Ninh. Tôi phải cố gắng thuyết phục, bà mới bằng lòng cho phép tôi một mình đón xe đò trở về trường ở Thủ Đức.
Ngay hôm ấy, sư huynh Albert, thầy phụ trách infirmerie (bệnh xá) của nhà trường, kêu tôi đến văn phòng và thầy hỏi thăm bệnh trạng của tôi. Tôi thật tình kê mọi chuyện cho thầy nghe. Thầy nói câu tạ ơn Chúa và thầy dạy rằng tâm lý con người rất phức tạp, nếu mình cứ lo lắng, nghĩ mình mắc bệnh gì thì mình sẽ mang bệnh ấy, và thầy khuyên tôi hãy đọc kinh, cầu xin Chúa sáng soi, cho tôi biết nghe lời ông bác sĩ, chơi thể thao trở lại như không có chuyện gì xảy ra.
Thiệt tình, tôi có đọc kinh cầu nguyện, nhưng vì vẫn còn sợ chết nên sau khi tan học tôi chỉ chơi bóng chuyền với bạn mà thôi. Hôm ấy, không có chuyện gì xảy ra nên hôm sau tôi chơi bóng rổ, kế đến là đá banh. Ngày qua ngày, tôi tiếp tục đọc kinh cầu nguyện, uống hết chai thuốc bổ ông bác sĩ người Pháp cho toa, tôi không còn lo sợ nữa và cảm thấy sức khoẻ của mình bình thường trở lại.
Kể từ đó tôi lớn lên như trâu nhưng bạn bè không gọi tôi là 'Dũng Trâu' mà là 'Dũng Mập'. Kể từ đó tôi "ngộ" ra rằng tôi chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, còn mẹ thì luôn lo lắng cho tôi vì bà thương tôi, chứ không phải tại vì bà là một phụ nữ nên bà yếu đuối và thường hay lo lắng...
Bỗng có tiếng: "Ping! Ping!" và đèn trên trần phi cơ bật sáng lên. Tôi giật mình nhìn quanh, thấy các cô tiếp viên bắt đầu đẩy các xe thức ăn, thức uống. Nhìn bản đồ chuyến bay trên màn ảnh TV, tôi mới biết còn hai tiếng đồng hồ nữa máy bay sẽ đáp xuống phi trường Narita, Tokyo. Ngồi kế bên, nhà tôi mở mắt, hỏi:
"Anh có ngủ được không?"
Tôi lắc đầu, đưa chiếc iPad cho nàng xem và nói:
"Anh viết ra vài kỷ niệm với má vào thời anh còn nhỏ để cho con cháu mình đọc."
Nhà tôi cầm chiếc iPad, mặt lướt đọc những dòng chữ trên màn ảnh. Một lát sau, nàng nhìn tôi và nói:
"Sao anh không viết ra chuyện con chó điên anh kể cho em nghe lúc má sắp sang Mỹ ở với tụi mình? Em vẫn còn nhớ chuyện ấy, vì sao, chắc anh cũng biết!"
"Làm sao anh quên được, anh chưa kịp viết đó thôi!".
Tôi nói như vậy với nhà tôi chứ thật ra thì tội 'già rồi, nhớ trước quên sau'. Nhờ nàng mà kỷ niệm ấy vụt trở lại trong trí óc của tôi.
Mùa hè năm ấy, năm tôi bảy tám tuổi gì đó, trời nóng ơi là nóng. Một hôm có tin đồn lan về thị xã, nói rằng có một con chó điên cắn người loạn xạ ở vùng Cây Xiêng, cách thị xã khoảng ba cây số, nhưng chưa ai bắt được nó. Sáng hôm sau, tôi đang chơi bắn cu-li (bi) với anh tôi và mấy đứa em bà con thì có tiếng ai đó la lớn: "Chó điên! Chó điên!" Khi ấy, đến phiên tôi bắn cu-li và, vì ham chơi nên tôi ngồi yên, tiếp tục chăm chú nhắm hòn cu-li để bắn, không bỏ chạy vào nhà như mọi người. Vừa bắn xong hòn bi, tôi nghe tiếng người chạy dồn dập và tiếng la hét: "Chó điên! Chó điên!" rất gần. Ngay lúc ấy tôi thấy một con chó lông màu vàng, cong đuôi chạy hồng hộc thật nhanh vào cổng rào nhà cha mẹ tôi và một nhóm người tay cầm gậy gộc rượt theo con chó ấy. Tôi chưa kịp có phản ứng nào thì ai đó nhảy đến, hai tay ôm chầm lấy thân tôi, nói nhỏ vào tai tôi: "Con ngồi im, ngồi im!" Khi ấy tôi mới nhận ra người đó là mẹ của tôi. Một lát sau, tiếng người chạy xa dần và vòng tay của mẹ nới rộng ra, bà nói với tôi: "Đội ơn Trời Phật! Con chó điên nó chạy mất rồi!"
Chiều hôm ấy tôi không bị cha tôi đánh đòn nhưng tôi bị ông la rầy cho một trận. Ông trách tôi mê chơi, lớn rồi mà không biết tự lo cho bản thân. Ông bảo tôi ngồi một mình ở góc hè, suy nghĩ về chuyện đã xảy ra, tự hỏi nếu con chó điên ấy tấn công mẹ, cắn mẹ thì tôi nghĩ sao, và khi nào tôi suy nghĩ xong hãy đến thưa với ông.
Thoạt đầu, nói thiệt, tôi rất sung sướng, hãnh diện được cha nói mình 'lớn rồi' và tôi không phải ăn cây roi mây nào cả. Nhưng, với trí óc còn non dại tôi không thấy có gì đáng nói vì con chó điên ấy bị người ta đuổi, làm sao nó ngừng chạy để cắn mẹ tôi, vả lại sau đó nó đã bị đập chết ở bờ sông Tây Ninh, sau vườn nhà của cha mẹ tôi rồi. Tuy nhiên, càng suy nghĩ, càng mở mắt mình ra, tôi mới thấy những gì có thể xảy ra vào buổi sáng hôm ấy. Con chó đó bị điên, gặp ai nó cũng có thể cắn mà! Vì vậy, nó có thể chạy đến cắn mẹ trong lúc bà đang ôm tôi. Nếu nó cắn mẹ tôi thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Trước đó khoảng một năm, tôi có một đứa bạn học cùng lớp bị chó điên cắn nên tôi biết rằng, nếu bị con chó điên ấy cắn mẹ tôi phải đi nhà thương chích thuốc, cả hai ba chục mũi lận. Đau lắm, không biết mẹ có chịu nổi hay không? Nếu thuốc không ngăn ngừa được bệnh, mẹ tôi bị điện thì sao? Anh em chúng tôi sẽ như thế nào? Rồi tôi nhớ đến lời anh Năm tôi kể lúc mọi người đã chạy vào nhà, mẹ tôi liền nhìn quanh và khi bà không thấy mặt tôi bà liền mở cánh cửa nhà, vụt chạy ra sân ôm lấy tôi. Sao mẹ không lôi, không kéo, không la lên, không biểu tôi chạy vào nhà mà bà ôm lấy tôi? Đúng rồi, mẹ sợ con chó điên ấy cắn tôi và bà quyết định ôm tôi để bảo vệ tôi. Nghĩ đến đó nước mắt tôi lưng tròng, rồi tôi khóc rống lên, khóc thật nhiều...
Mọi vật trước mắt tôi nhòa đi... Tôi mở chiếc iPad, định viết xuống những gì mình vừa nhớ lại, vừa thấy lại trong đầu, nhưng khi ấy cô tiếp viên bước đến hàng ghế của chúng tôi và đưa cho mỗi hành khách một chiếc khăn ấm để lau mặt. Tôi lau đôi mắt đã ướt đẫm của mình và thì thầm nói:
"Má ơi, xin má đừng lo lắng, đừng bận bịu với con cháu nữa nhen má. Má hãy ra đi đến cõi Hằng Sống. Con hứa với má rằng con sẽ luôn noi gương ba má, sống tử tế, đạo đức ở đời này để có thể gặp lại ba má, anh Năm của con, ông bà cô bác... của con ở nơi an lành, vĩnh cửu ấy."
Viết xong tại Tây Ninh
vào ngày 6 tháng 9, 2019,
ngày cúng thất đầu tiên của mẹ.
- Mai Vàng Trên Đảo Bidong Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Mùa Xuân Trở Lại Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chiếc Áo Nhà Binh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cội Nguồn Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cặp Song Sinh Ái Nhĩ Lan Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Hãy xét đoán cho công minh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vác chõng mà đi Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Theo Đạo Vợ Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vé số cuộc đời Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chuyện Một Ngôi Sao Đào Anh Dũng Truyện ngắn
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |